Các bệnh viện phải trực cấp cứu 24/24 trong những ngày lễ
Để bảo đảm công tác khám, chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện (BV) và các Sở Y tế phải đảm bảo công tác y tế trong dịp này. Theo đó, các đơn vị phải bảo đảm trực đầy đủ theo 4 cấp: trực lãnh đạo, trực chuyên môn, trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ.
Các BV phải thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp cấp cứu tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng nếu có tại địa phương; bảo đảm công tác thường trực cấp cứu kịp thời đối với các trường hợp ngộ độc thực phẩm, đuối nước, tai nạn thương tích tại các địa điểm tập trung đông khách du lịch; lập kế hoạch công tác chuyên môn, tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không từ chối hoặc xử trí chậm trễ các trường hợp cấp cứu.
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đến cơ sở y tế khác.
Các đơn vị phải thường trực đường dây nóng 24/24h để sẵn sàng chỉ đạo, phối hợp, chi viện, ứng cứu trong trường hợp cần thiết như: các diễn biến bất thường về cấp cứu, tai nạn hàng loạt, tai nạn giao thông nghiêm trọng và báo cáo kịp thời về Bộ Y tế qua số điện thoại đường dây nóng 0984371919. (Công an Nhân dân, trang 1)
Hà Nội: có 2 trường hợp bị não mô cầu
Ngày 26-4, Sở Y tế Hà Nội cho biết tuần qua, trên địa bàn đã phát hiện 2 trường hợp mắc não mô cầu tại Đông Anh và Ba Vì.
Đây là dịch bệnh lây truyền cấp tính qua đường hô hấp, vì thế, để phòng chống dịch bệnh này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác tiêm vaccine phòng bệnh, truyền thông để người dân nâng cao sức đề kháng của cơ thể, tránh tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Hiện tại chưa ghi nhận ca bệnh thứ phát tại hai địa phương trên.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết có số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên thời tiết hiện nay nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Vì vậy, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua bệnh tay chân miệng cũng có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn, vì vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh này, người dân cần nâng cao sức đề kháng và tăng cường công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn, đặc biệt lưu ý triển khai thường xuyên tại các nhà trẻ, mẫu giáo trên địa bàn. (Công an Nhân dân, trang 2)
Đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 1.151 điều kiện kinh doanh
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định và sẽ dự kiến cắt giảm khoảng 68,51% điều kiện đầu tư kinh doanh (1.151/1.680) và cắt giảm gần 50% thủ tục hành chính (168/338).
Sáng 26-4, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi một số nội dung quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của nhà nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế, sẽ có nhiều thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm ở chín lĩnh vực có quy định điều kiện kinh doanh gồm: Khám chữa bệnh; Dược phẩm, mỹ phẩm; An toàn thực phẩm; Trang thiết bị y tế; Y dược cổ truyền; Y tế dự phòng; Sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế; Xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Thụ tinh trong ống nghiệm, Mang thai hộ, Xác định lại giới tính.
Theo đó, ở lĩnh vực trang thiết bị y tế hiện có 36 thủ tục, đề xuất cắt bỏ 20 thủ tục; số lượng thủ tục hành chính ở lĩnh vực này hiện đang là 20 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 10.
Ở lĩnh vực sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế hiện đang là 41 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 22 thủ tục. Đối với lĩnh vực xét nghiệm HIV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hiện đang có 101 thủ tục, dự kiến đề xuất cắt bỏ 79 thủ tục. Ở lĩnh vực y tế dự phòng hiện đang có 166 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 93 thủ tục.
Ở lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện đang có 845 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 708 thủ tục. Ở lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm hiện đang có 144 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 77 thủ tục. Đối với lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai hộ, xác định lại giới tính hiện đang có 32 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 14 thủ tục. Ở lĩnh vực y dược cổ truyền hiện đang có 17 thủ tục, dự kiến cắt bỏ tám thủ tục. Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh hiện đang có 298 thủ tục, dự kiến cắt bỏ 130 thủ tục.
Bộ Y tế đã rà soát và đề xuất việc cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thực hiện theo năm nguyên tắc gồm: Các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chuyên môn hoặc đã được pháp luật chuyên ngành khác quy định hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản gây khó khăn khi thực hiện; Các điều kiện kinh doanh không định lượng, mang tính định tính, cảm quan không đo lường cụ thể được gây khó hiểu, mập mờ cho người thực hiện như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “phải có đủ sức khỏe”, "phải có trình độ"…; Các điều kiện kinh doanh đương nhiên phải đáp ứng khi hoạt động như: có đủ điện, nước, ánh sáng …; Các điều kiện đã có quy định ở mức độ cao hơn nhưng vẫn tồn tại các điều kiện ở mức độ thấp, thí dụ: đã có quy định phải đạt ISO, GMP, HACCP… nhưng ở văn bản hướng dẫn vẫn quy định các điều kiện thấp hơn. Chuyển tối đa hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo đó, Bộ Y tế đã rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực y tế đang được quy định tại: sáu Luật; 13 Nghị định và bảy Thông tư, dự kiến cắt giảm 1.151/1.680 điều kiện đầu tư kinh doanh, đạt 68,51% và cắt 168/338 thủ tục hành chính, đạt 49,70%. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, hiện nay Bộ Y tế vẫn tiếp tục rà soát và bãi bỏ các Nghị định, Thông tư có quy định điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết. (Nhân dân, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 2: “1.151 điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực y tế sẽ được bãi bỏ”; Báo Lao động, trang 1: “Hãy nhanh phẫu thuật 1.151 “khối u”!”; Báo An ninh Thủ đô, trang 2: “Dự kiến cắt giảm 1.151 điều kiện đầu tư kinh doanh lĩnh vực y tế”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 3: “Bộ Y tế sẽ cắt giảm, sửa đổi 1.151 điều kiện kinh doanh”
Ðẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện
Sau mười năm Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện được thành lập và đi vào hoạt động, công tác hiến máu tình nguyện ở nước ta đã có bước thay đổi cả về lượng và chất. Bên cạnh việc tạo ra phong trào hiến máu tình nguyện mang tính nhân văn sâu sắc thì lượng máu các đơn vị tiếp nhận đã căn bản đáp ứng nhu cầu cấp cứu và điều trị người bệnh.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 235/QÐ-TTg (ngày 26-2-2008) thành lập, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và phân công nhiệm vụ của các thành viên. Tại các tỉnh, thành phố cũng thành lập hoặc kiện toàn ban chỉ đạo (BCÐ). Ðáng chú ý, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định thành lập BCÐ cấp quốc gia và kiện toàn BCÐ cấp tỉnh, nhưng xuất phát từ yêu cầu thực tế, cho nên hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh và hơn 76% số xã đã thành lập BCÐ; một số tỉnh, thành phố lập BCÐ tại các trường đại học, cao đẳng, cơ quan, doanh nghiệp. BCÐ quốc gia đã xây dựng và triển khai “Chiến lược phát triển chương trình HMTN giai đoạn 2009 - 2015 và tầm nhìn đến 2020”. Trên cơ sở đó, các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch vận động và tiếp nhận máu hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng máu tại địa phương, đơn vị. Hằng năm, Thường trực BCÐ quốc gia đều có hướng dẫn tổng kết công tác vận động HMTN và lập kế hoạch năm tiếp theo; ban hành kế hoạch thực hiện các chiến dịch và các sự kiện lớn: Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng; Chiến dịch những giọt máu hồng và Hành trình đỏ; Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7-4); Ngày quốc tế Người hiến máu (14-6)…
Nhằm từng bước khắc phục tình trạng khan hiếm máu, hàng loạt các chiến dịch HMTN được BCÐ quốc gia và các địa phương, đơn vị tích cực triển khai. Khởi phát từ năm 2009, “Chiến dịch vận động HMTN dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng” do Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp BCÐ thành phố Hà Nội tổ chức đã nhanh chóng nhân rộng quy mô toàn quốc. Lượng máu tiếp nhận từ chiến dịch này thường chiếm từ 20 đến 25% lượng máu tiếp nhận của cả năm. Tương tự, ngày hội hiến máu Chủ nhật Ðỏ do Báo Tiền phong phối hợp Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư triển khai cũng có sức lan tỏa và có quy mô mang tầm quốc gia. Kết quả lớn nhất của chiến dịch là cơ bản đã khắc phục được tình trạng thiếu máu trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Chiến dịch Những giọt máu hồng đã được BCÐ quốc gia phát động từ năm 2009 nhân Ngày quốc tế Chữ thập đỏ (8-5). Từ năm 2013, Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phối hợp các cơ quan thành viên BCÐ quốc gia và các tỉnh, thành phố triển khai thành công chương trình Hành trình đỏ tại 46 tỉnh, thành phố. Thông qua Chiến dịch Những giọt máu hồng và Chương trình Hành trình đỏ hằng năm, công tác truyền thông về HMTN đã được tổ chức thành cao trào trên cả nước, góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về HMTN; tập dượt tổ chức ngày hội hiến máu, tiếp nhận với số lượng lớn để dự phòng cho thiên tai, thảm họa, góp phần điều phối máu trên phạm vi toàn quốc; xây dựng lực lượng hiến máu dự bị tại các vùng khó khăn; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống nhân ái của dân tộc, tình yêu thương cộng đồng... Ðồng thời, tiếp nhận được lượng máu lớn để cấp cứu và điều trị người bệnh, khắc phục căn bản tình trạng thiếu máu trong dịp hè tại các bệnh viện trên toàn quốc.
Hoạt động tôn vinh những người hiến máu tiêu biểu cũng được tiến hành hằng năm nhân sự kiện Ngày quốc tế Người hiến máu (14-6). Qua mười năm, đã có hơn 1.000 người hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu toàn quốc đã được tôn vinh. Ngoài ra, trong giai đoạn 2008 - 2017 toàn quốc đã có hơn 155 nghìn cá nhân, gia đình và tập thể ở 63 tỉnh, thành phố và các câu lạc bộ HMTN được tôn vinh, khen thưởng.
Phát triển nguồn người HMTN tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp và tại cộng đồng được xác định là khâu quan trọng và bền vững nhất thông qua đội ngũ tuyên truyền viên và tình nguyện viên nòng cốt của các câu lạc bộ hiến máu. Nếu như năm 2008, cả nước có 676 câu lạc bộ hiến máu với 21.364 thành viên thì đến năm 2017 đã phát triển được 3.363 câu lạc bộ với 135 nghìn thành viên (tăng gần năm lần về số câu lạc bộ và sáu lần số thành viên). Bên cạnh đó, công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm và triển khai có hiệu quả, câu lạc bộ hiến máu dự bị “Ngân hàng máu sống” đã được thành lập ở các huyện đảo: Trường Sa, Phú Quốc, Lý Sơn, Phú Quý, Cồn Cỏ, Cát Bà…; các huyện vùng sâu, vùng xa: Ðồng Văn (Hà Giang), Ðiện Biên Ðông (Ðiện Biên), Ngọc Hồi (Kon Tum), Tịnh Biên (An Giang)...
Nhờ các giải pháp cụ thể, số đơn vị máu tiếp nhận tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước và đạt chỉ tiêu đề ra. Ðến năm 2012 tăng gấp gần hai lần và đến năm 2017 tăng gần ba lần so với năm 2008. Ðồng thời, số đơn vị máu của người HMTN ngày càng chiếm ưu thế và số đơn vị máu của người hiến máu lấy tiền và người nhà cho máu ngày càng giảm mạnh. Theo báo cáo của BCÐ các tỉnh, thành phố và ba cơ quan thành viên BCÐ quốc gia là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư, giai đoạn 2008 - 2017, cả nước đã vận động và tiếp nhận được 10.175.048 đơn vị máu (tương đương với 2.543.762 lít máu). Riêng năm 2017, số máu các đơn vị vận động, tiếp nhận được 1.342.354 đơn vị máu, tương đương 1,57% số dân, trong đó 98% là do HMTN.
Kết quả vận động và tiếp nhận máu trong mười năm qua tuy đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, nhưng lượng máu thu được hằng năm (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) mới đáp ứng từ 70 đến 75% nhu cầu cấp cứu và điều trị; còn nhiều địa phương tỷ lệ dân số hiến máu thấp dưới 1%; tỷ lệ đơn vị máu hiến thể tích hơn 250 ml còn thấp... Ở một số địa phương, đối tượng hiến máu vẫn dựa chủ yếu vào lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên, chưa tích cực mở rộng ra các đối tượng khác…
Trên cơ sở kết quả đạt được, BCÐ quốc gia đã xây dựng mục tiêu, kế hoạch và đề ra các giải pháp để tiếp tục nhân rộng phong trào HMTN, phấn đấu đến năm 2022 đạt ít nhất 2% số dân hiến máu và đạt tỷ lệ 100% HMTN. Các giải pháp để cụ thể mục tiêu đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Ðảng, chính quyền; sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội trong công tác vận động HMTN. Tích cực tuyên truyền, vận động được nhiều người tham gia HMTN và HMTN nhắc lại nhằm bảo đảm đầy đủ, thường xuyên và ổn định lượng máu an toàn phục vụ nhu cầu điều trị, cấp cứu và dự phòng. Duy trì và phát triển nguồn người HMTN đông đảo và bền vững trên phạm vi toàn quốc thông qua việc xây dựng các câu lạc bộ hiến máu. Ða dạng hóa loại hình HMTN (hiến máu toàn phần, hiến máu từng phần) theo nhu cầu của cấp cứu và điều trị, bảo đảm an toàn cho người bệnh và góp phần phát triển truyền máu hiện đại. Thúc đẩy quá trình phát triển mạng lưới huyết học truyền máu theo hướng tập trung hóa; nâng cao năng lực quản lý và hiện đại hóa các khâu: tiếp nhận, bảo quản, sàng lọc, lưu trữ, phân phối máu nhằm hỗ trợ phát triển công tác vận động HMTN nói chung và bảo đảm công bằng cho mọi người dân tiếp cận các dịch vụ truyền máu khi cần thiết… (Nhân dân, trang 4)
Tăng giá dịch vụ y tế: Còn nhiều vướng mắc
Theo báo cáo tại cuộc họp xin ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đến nay cả nước đã thực hiện mức giá bao gồm chi phí trực tiếp và tiền lương, bảo đảm công bằng trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Vấn đề đặt ra là người bệnh có được hưởng lợi từ việc tăng giá dịch vụ y tế hay không?
Người dân không tham gia BHYT sẽ “vất vả”
Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện từng bước, thận trọng, có lộ trình, không thực hiện đồng loạt ở tất cả các tỉnh, TP nên đã vừa điều chỉnh được giá nhưng vẫn thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không gây xáo trộn, thúc đẩy lộ trình BHYT toàn dân. Cụ thể thực hiện mức giá có tiền lương tại Thông tư 37 phải chia làm 5 đợt, thời điểm thực hiện mức giá có tiền lương của Thông tư 02 chia làm 6 đợt. Theo Bộ Y tế này, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã có hiệu quả.
“Đối với người bệnh, có ảnh hưởng tích cực đến người bệnh vì bệnh viện có kinh phí để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy chuẩn do Bộ Y tế quy định, chất lượng sẽ tăng, người bệnh sẽ được hưởng. Người có thẻ BHYT là có lợi nhất và ít bị ảnh hưởng vì quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện với mức giá cao hơn nên quyền lợi của người có thẻ BHYT được tăng lên, giảm phiền hà vì không phải tự mua một số thuốc, vật tư do trước đây giá thấp, người bệnh phải tự mua hoặc phải trả thêm do BHYT không thanh toán.
Thứ nữa, các bệnh viện tuyến dưới sẽ thực hiện nhiều dịch vụ mà trước đây giá thấp, không đủ chi phí nên không thực hiện được, góp phần làm tăng trình độ chuyên môn, chất lượng KCB tuyến dưới, giảm quá tải tuyến trên, người bệnh được hưởng các dịch vụ ngay tại nơi cư trú và được thanh toán”- ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết.
Tuy nhiên, đối với số người chưa có thẻ BHYT, chi phí cho khám chữa bệnh phải bỏ tiền túi ra là rất lớn. Một chuyên gia y tế cho rằng: Với việc tăng giá dịch vụ y tế, người dân không tham gia BHYT sẽ phải rất vất vả để cáng đáng các khoản chi cho y tế.
Theo ông Liên, đối với cơ sở y tế, các bệnh viện có điều kiện mua các loại thuốc, vật tư, hóa chất, test, kit xét nghiệm với chất lượng cao hơn, làm tăng chất lượng của các dịch vụ y tế, thúc đẩy xã hội hóa, bệnh viện sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đã được đầu tư. Giá dịch vụ tính đủ chi phí, trong đó có tiền lương sẽ làm thay đổi nhận thức của cán bộ y tế, bệnh viện phải phục vụ tốt hơn thì mới có nguồn thu để trả lương và thu nhập cho cán bộ. Còn đối với Nhà nước, từng bước thực hiện được việc chuyển cấp ngân sách cho đơn vị cung ứng dịch vụ sang hỗ trợ trực tiếp cho người thụ hưởng không bao cấp qua giá”.
Ông Liên cho biết: Thông tư 37, Thông tư 02 là một bước tiến quan trọng trong lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ; góp phần làm tăng tỉ lệ tham gia BHYT, tăng số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; làm giảm số người hưởng lương từ NSNN, chỉ tính riêng các đơn vị thuộc Bộ Y tế thì số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 22.613 người của 20 bệnh viện, tiền lương phải chi khoảng 1.881,1 tỉ đồng/năm; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện, TPHCM giảm khoảng 1.200 tỉ đồng, Thái Nguyên khoảng 170 tỉ đồng, Nghệ An khoảng 330 tỉ đồng, Bình Định khoảng 110 tỉ đồng...
Việc điều chỉnh giá đã tạo điều kiện để các bệnh viện phát triển, mở rộng cung ứng dịch vụ cho xã hội. Từng bước giảm và tiến tới xóa bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực công và khu vực tư, giúp y tế tư nhân phát triển bình đẳng với y tế công lập.
Nhiều khó khăn vướng mắc
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cũng chỉ ra nhiều khó khăn vướng mắc cũng nảy sinh trong quá trình thực hiện thông tư này. Do thực tế phát sinh nhiều tình huống và các trường hợp nên sau khi thống nhất với Bộ Tài chính và BHXH VN, Bộ Y tế đã ban hành 3 văn bản hướng dẫn gồm các công văn 824, công văn 1044, công văn 7117, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng khó thực hiện.
“Hiểu chưa đúng về định mức tính giá, không phải là định mức tối đa để thực hiện các hoạt động chuyên môn; chỉ có 1 giá áp dụng cho các hạng bệnh viện, từ T.Ư đến địa phương nên phù hợp với đơn này thì chưa phù hợp với đơn vị kia... Giám định chưa đáp ứng yêu cầu; hay giá ban hành từ 2011, 2017 nhưng nhiều chi phí vẫn tính theo giá, cơ chế từ 2011, 2012 khi xây dựng Thông tư 04, chưa đủ chi phí nhưng có định mức lại cao hơn so với thực tế, BHXH chỉ có ý kiến về các định mức cao...
Định mức nhân lực theo thực tế chưa đáp ứng chăm sóc toàn diện để đột phá nâng cao chất lượng dịch vụ, chưa tính chi phí quản lý, chưa tính khấu hao nên khó khăn trong việc vay vốn để đầu tư; vẫn chưa thực sự công bằng giữa khu vực công và khu vực tư”- đại diện Vụ Kế hoạch tài chính thừa nhận.
Từ 1.7.2018 sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh của một số dịch vụ. Trong năm 2018 xây dựng, ban hành mức giá KCB, gồm chi phí trực tiếp (theo định mức đã rà soát, giá vật tư, hóa chất tại thời điểm tính giá), tiền lương (theo lương cơ sở 1.390.000đ), và chi phí quản lý.
Dự kiến mức giá sẽ tăng so với hiện nay khoảng 5-8%, tác động đến CPI khoảng 0,41% (do điều chỉnh theo lương cơ sở 1.390.000đ là 0,14%, đưa chi phí quản lý là 0,27%). Do đó nếu CPI chung 2018 tăng cao thì có thể điều chỉnh vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Về tác động đến Quỹ BHYT: Sau khi bù trừ giữa giá tăng, giá giảm theo Bộ Y tế, dự kiến làm tăng chi quỹ BHYT khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng/năm, nếu thực hiện cuối năm, làm nhiều đợt thì tăng không nhiều, đồng thời thực hiện tốt việc đấu thầu giá thuốc giảm khoảng 15%, điều chỉnh tính ngày giường bệnh, quản lý chặt chẽ việc chỉ định thì Quỹ BHYT tăng chi không nhiều. Số dư 2018 chuyển 2019 dự kiến khoảng 35.000 tỉ đồng, quỹ vẫn có khả năng cân đối đến 2020. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng nguyên nhân cơ bản gây bội chi quỹ BHYT là do mức đóng thấp, chưa phù hợp với chi phí KCB... (Lao động, trang 1)
Tặng thẻ BHYT cho 589 hộ cận nghèo vừa vượt chuẩn tại Bình Chánh
Ngày 26-4, tại hội trường UBND xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bình Chánh tổ chức tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho 589 hộ cận nghèo vừa vượt chuẩn năm 2017 tại các xã Lê Minh Xuân, Bình Lợi và Phạm Văn Hai của huyện.
Tổng kinh phí chương trình trị giá hơn 103 triệu đồng do Công ty CP Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SCID), Công ty CP Phát triển khu phức hợp thương mại Vietsin (VCCD) và Công ty TNHH Quản lý tư vấn Mapletree Việt Nam tài trợ thông qua Quỹ Vì người nghèo TP.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ huyện Bình Chánh, tính đến ngày 31-12-2017, huyện Bình Chánh còn 2.610 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 1,68%) và 3.932 hộ cận nghèo còn trong trong diện (chiếm tỉ lệ 2,63%).
Hai nhóm đối tượng này theo quy định đã được ngân sách thành phố và Quỹ kết dư BHYT hỗ trợ 100% tiền mua BHYT.
Tuy nhiên, trong năm 2017 đã có 3.783 hộ nghèo và cận nghèo (với 15.845 nhân khẩu) vừa vượt chuẩn nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm chia sẻ của cộng đồng, để họ yên tâm lao động sản xuất và thoát nghèo.
Sau khi rà soát thực tế, Ban Thường trực UBND huyện Bình Chánh đã đề xuất Ban vận động vì người nghèo thành phố hỗ trợ những thành viên trong hộ còn khó khăn nhất, không có điều kiện đăng ký BHYT được tặng thẻ BHYT.
Nhận thẻ BHYT, chị Phan Thị Thu Thảo, sinh năm 1975, ngụ tại xã Lê Minh Xuân xúc động cảm ơn sự quan tâm của địa phương và các nhà hảo tâm. Nhờ đó, người dân có hoàn cảnh khó khăn, vừa vượt chuẩn nghèo như gia đình chị có điều kiện được khám bệnh tốt hơn. Từ nay, nếu chẳng may ốm đau phải đi viện, mọi người trong nhà chị sẽ có cơ hội hưởng sự hỗ trợ chăm lo sức khỏe từ nhà nước. Chị sẽ cố gắng làm ăn, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống để vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)
Tăng giá giường bệnh tuyến cuối, giảm giá chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm
Theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá một số dịch vụ y tế dự kiến áp dụng trong tháng 5-2018, Bộ Y tế dự kiến tăng giá giường điều trị đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; tuy nhiên nhiều dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu sẽ giảm giá mạnh…
Bộ Y tế vừa tổ chức hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 37 được Bộ Y tế đưa ra tại hội thảo này đã điều chỉnh, bổ sung, bãi bỏ danh mục và giá một số dịch vụ y tế so với hiện nay; đồng thời hướng dẫn thanh toán đối với một số trường hợp vượt định mức tính giá.
Cụ thể, giá khám bệnh tới đây sẽ ở mức 35.000 đồng/lượt (bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I), 29.000 đồng/lượt (bệnh viện hạng II), 23.000 đồng/lượt (bệnh viện hạng III) và 20.000 đồng/lượt (bệnh viện hạng IV)...
Về giá giường điều trị, tại dự thảo thông tư này, Bộ Y tế dự kiến tăng giá giường điều trị đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I; tăng và giảm ở bệnh viện hạng II, III, IV.
Cụ thể, ở bệnh viện hạng đặc biệt, giá giường bệnh ở dịch vụ điều trị hồi sức tích cực (ICU) hay ghép tạng, ghép tủy, ghép tế bào gốc được điều chỉnh từ 677.100 đồng/ngày lên 751.000 đồng/ngày; giường bệnh ở hồi sức cấp cứu, chống độc từ 362.800 đồng lên 425.100 đồng/ngày và giường bệnh ngoại khoa, phỏng từ 306.100 đồng lên 33.800 đồng/ngày...
Tương tự, với bệnh viện hạng I, giá giường bệnh như trên cũng điều chỉnh từ 632.200 đồng lên 710.000 đồng/ngày, từ 335.900 đồng lên 404.000 đồng/ngày và 286.400 lên 317.000 đồng/ngày.
Với các bệnh viện hạng II, III và IV, phần lớn giá giường bệnh được điều chỉnh giảm nhưng mức giảm không nhiều.
Đáng chú ý, giá ngày giường điều trị được tính cho 1 người/giường, nếu nằm ghép 2 người/ giường thì chỉ được thanh toán BHYT 50%, ghép từ 3 người trở lên chỉ được thanh toán 30%.
Đặc biệt, tại dự thảo thông tư này, các dịch vụ chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm như: siêu âm, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, chụp CT, tổng phân tích nước tiểu, đường máu mao mạch... sẽ giảm giá đáng kể từ hàng chục nghìn đồng đến hàng trăm nghìn đồng/dịch vụ khi viện phí được điều chỉnh.
Dự kiến có tổng cộng 39 dịch y tế sẽ giảm giá so với hiện nay, trong đó nhiều dịch vụ có mức giảm tới hàng triệu đồng.
Chẳng hạn: dịch vụ siêu âm can thiệp - đặt ống thông dẫn lưu ổ áp-xe giảm rất mạnh từ 2.058.000 đồng xuống 599.100 đồng, phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện giảm từ 3.679.000 đồng còn 1.603.000 đồng, phẫu thuật nội soi khâu thủng dạ dày từ 4.037.000 đồng còn 2.862.700 đồng/dịch vụ...
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển, từng bước giảm và tiến tới xoá bỏ chênh lệch về giá dịch vụ giữa khu vực y tế công lập với tư nhân.
Nói về việc phải sửa đổi Thông tư 37 về điều chỉnh viện phí, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, Thông tư 37 có hiệu lực từ tháng 3-2016. Hiện nay, do thực tế phát sinh nhiều tình huống và trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, địa phương, Bộ Y tế cùng Bộ Tài Chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã họp bàn về việc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh giá tại Thông tư 37.
Liên bộ đã thống nhất phương án sửa đổi chia thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 là đến tháng 5-2018 hoàn thành sửa đổi, bổ sung Thông tư 37; giai đoạn 2, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ khảo sát tổng thể để sắp xếp lại số dịch vụ hiện nay, xây dựng định mức và giá của 2.000 đến 3.000 dịch vụ y tế. (An ninh Thủ đô, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Giá dịch vụ y tế sẽ được điều trỉnh, bổ sung”
Hàng loạt công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng bị xử phạt
Hàng loạt công ty vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo khi chưa được cấp phép và sử dụng hình ảnh nhân viên y tế… đã bị xử phạt
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm đến nay, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 15 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, số tiền phạt hơn 934 triệu đồng. Trong đó 13 đơn vị bị phạt trên 30 triệu đồng.
Cơ sở bị phạt nặng nhất 225 triệu đồng là Công ty TNHH Công nghệ phần mềm và quảng cáo trực tuyến Megaads (Hà Nội). Công ty này đã quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex, Collagen de happy, Biotin Nature made trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi quảng cáo; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Super B-complex trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
Bên cạnh đó, công ty này cũng buôn bán 119 sản phẩm thực phẩm không có giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Tiếp đến là Công ty TNHH Đông Nam Dược Thiện Nhân Đường (Hà Nội) bị xử phạt 135 triệu đồng vì hành vi quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần sản phẩm; Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Cao Ho Rồng Vàng và Thanh Khiết Hầu trên website gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh;
Công ty Cổ phần thế giới số (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 85 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kingsmen trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kingsmen trên website dưới dạng liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm;
Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hoàn Mỹ (TP Hồ Chí Minh) bị xử phạt 75 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nubest tall, Doctor Plus và Grow power trên các website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo sản phẩm đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận); Quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nubest tall, Doctor Plus và Grow power trên các website sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm;
Công ty Cổ phần dược phẩm Nhật Nam (Hà Nội) bị xử phạt 60 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 02 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tiêu độc thanh nhiệt NP, Viên DONG CHUNG HA CHO trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ theo quy định cho 05 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tiêu độc thanh nhiệt NP, Viên 8B with Ginseng (Ginsenoside ≥10mcg/viên); Viên Sắc xuân đơn, Prenatal +DHA250; Ocuvite lutein
Công ty TNHH Nutrivita (TP Hồ Chí Minh) bi xử phạt 57,3 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 04 sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe: NutriGain Plus+, Nutri Taller, NutriWhite và Mutive trên các website có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo) của Cục An toàn thực phẩm xác nhận; Bán 02 lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: NutriGain Plus+ (số lô: 011215, NSX: 10/12/2015; HSD: 09/12/2018) có chỉ tiêu Vitamin A và Nutri Taller (số lô: 020416, NSX: 21/4/2016; HSD: 20/4/2019) có chỉ tiêu DHA không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng;
Ngoài ra, có 3 công ty bi xử phạt ở mức 50 triệu đồng là: Công ty TNHH Dược phẩm Đông Đô (Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GastimunHP trên website sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoài Thương Organic (Đồng Nai) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm Bột ngũ cốc diệp ngọc lam trên website không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định (hồ sơ công bố kèm theo Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 30224/2017/ATTP-XNCB ngày 29 tháng 8 năm 2017 do Cục An toàn thực phẩm cấp); Quảng cáo sản phẩm thực phẩm Bột ngũ cốc diệp ngọc lam trên website thiếu tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường;
Công ty TNHH XNK và kinh doanh VHP (Hà Nội) bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 04 sản phẩm Thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nước hắc hồng sâm- Korean black ginseng (ginsenoside Rg1+Rb1≥ 85mg/100ml), nước hồng sâm Hàn Quốc – Korea Red Ginseng Premium (Ginsenoside ≥ 0.6 mg/ml); Bổ dược tăng lực từ thảo dược Kwangdong; Dongchunghacho (cordyceps militaris) hongchogold Hwan (Adenosine ≥ 3 mg/100g) trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo;
Công ty TNHH Plan Do See Việt Nam (Hà Nội) cũng bị xử phạt 35 triệu đồng vì hành vi quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Placen Pee, Placenta 35000, Placenta 40000 trên website mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo;
Công ty Cổ phần Dược phẩm HABA (Hà Nội) bị xử phạt 31 triệu đồng vì hành vi vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa đối với 09 lô sản phẩm; Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ cho các sản phẩm: Thực phẩm bổ sung Tratrumilk IQ Grow; Thực phẩm bổ sung Tratrumilk Plus; Thực phẩm bổ sung Tratrumilk Pedia; Thực phẩm bổ sung Tratrukids theo quy định;
Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và thương mại Lychee (Hà Nội) bị xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Zetsurin Busho trên website của Công ty có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã được Cục An toàn thực phẩm xác nhận. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Phát hiện sớm bệnh hiếm để không thành bệnh hiếm
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm được báo cáo trong cộng đồng. Ước tính cứ khoảng 15 người thì có 1 người mắc bệnh hiếm. Số người mắc căn bệnh hiếm ở Việt Nam khoảng 6 triệu.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh Wilson, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh là các bệnh hiếm phức tạp, đòi hỏi sự truyền thông, giáo dục để tăng cường nhận biết của người dân cũng như các phương pháp tiếp cận để giúp cải thiện hiệu quả điều trị cho người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, trẻ bị bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh ngày càng được phát hiện nhiều do công tác chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn trước. Bệnh viện Nhi T.Ư đã điều trị và cứu sống cho nhiều bệnh nhi mắc căn bệnh này.
Bệnh lạ với chính bác sĩ
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, Wilson là bệnh hiếm gặp do gan không thải được kim loại đồng dư thừa ra ngoài cơ thể. Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, ở nam, tỷ lệ mắc bệnh là 1/100.000 trong khi ở nữ là 4/100.000. Bệnh di truyền gen lặn trên nhiễm sắc thể thường do đột biến gen, hay phát bệnh từ sau 5 tuổi trở đi. Có những bệnh nhân phát bệnh chậm khi đã 50 tuổi.
TS Lê Thanh Hải cho hay, bệnh Wilson còn khá lạ lẫm không chỉ đối với người dân mà còn đối với cả các y, bác sĩ. Nhiều bệnh nhân được gia đình đưa tới các bệnh viện khám không tìm ra bệnh hoặc chẩn đoán mắc bệnh gan, dạ dày… Nếu, người bệnh không được điều trị đúng thuốc và đúng phác đồ, bệnh càng trầm trọng.
TS Nguyễn Phạm Anh Hoa, Trưởng Khoa Gan mật (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây tổn thương đa cơ quan với các biểu hiện lâm sàng ở hệ thần kinh, gan, xương khớp, tim, thận - tiết niệu, mắt...
Giai đoạn đầu, bệnh nhân thường có triệu chứng như: Nói khó, nói ngọng, chảy nước dãi, với trẻ thì thường học sút kém, mất tập trung, suy giảm nhận thức, khó tính. Ở giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân vàng da vàng mắt, khó nói, mệt mỏi, các khớp xương cứng, cử động như robot và thậm chí nôn ra máu, chảy máu cam. Nặng hơn nữa, sẽ dẫn tới suy gan, nếu không ghép gan, tỷ lệ tử vong lên tới 95%.
Tất cả các bệnh nhân Wilson đều cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ suốt đời với mục tiêu hạn chế tối đa tổn thương do bệnh ở các cơ quan, phát hiện sớm và phòng ngừa biến chứng của bệnh cũng như tư vấn di truyền. Song một số bệnh nhân sau khi điều trị ổn định lại không tuân thủ phác đồ điều trị khiến bệnh tình tái phát trầm trọng hơn.
Phát hiện sớm bệnh để cứu mạng trẻ
PGS.TS Lê Thị Minh Hương, Trưởng khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, suy giảm miễn dịch bẩm sinh là bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng sản xuất đủ các loại tế bào miễn dịch, dẫn đến thiếu hụt kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hoặc nấm.
Vì vậy, trẻ thường hay bị ốm, mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt có thể dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong sớm. Hệ miễn dịch ở trẻ em trong giai đoạn phát triển còn chưa hoàn thiện và có thể sai sót ở một số khâu nào đó dẫn đến phát sinh ra các bệnh dị ứng (phản ứng quá mức), thiếu hụt miễn dịch (không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh), viêm tự miễn (phản ứng với chính mô của cơ thể).
Tùy theo bản chất của loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau. Mặc dù đây là bệnh di truyền, mạn tính nhưng trên thế giới nếu trẻ được phát hiện bệnh trước 3-6 tháng tuổi và điều trị kịp thời thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 80-90%.
PGS.TS Lê Thị Minh Hương cho biết, để điều trị một số thể suy giảm miễn dịch bẩm sinh, hiện nay chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Hồng Kông, Pháp… trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy, cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%.
Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hiểu biết về căn bệnh này của các gia đình còn hạn chế, việc chẩn đoán sớm gặp rất nhiều khó khăn. (Tiền phong, trang 6)