Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá
Ngày 26-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít-tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 đến 31-5). Thông điệp của Ngày thế giới không thuốc lá năm nay là “Hãy thực hiện in bao bì thuốc lá trơn”, nhằm làm giảm tính hấp dẫn của các sản phẩm thuốc lá đối với người tiêu dùng; giới hạn hoặc cấm sử dụng các lô-gô, mầu sắc, biểu tượng nhãn mác hoặc các thông tin quảng cáo trên vỏ bao thuốc lá để ngăn chặn việc sử dụng các biện pháp đóng gói và nhãn mác nhằm quảng cáo cho sản phẩm hoặc gây hiểu nhầm, đồng thời giúp cho các cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá được chú ý và dễ nhận ra hơn đối với người sử dụng. Dịp này, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi môi trường không khói thuốc; thành lập đường dây nóng để xử phạt những vi phạm về hút thuốc. (* Nhân dân (trang 5))
Triển khai chương trình "Tiếp sức người bệnh" tại Hải Phòng
Chiều 26-5, tại Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp (Hải Phòng), ngành y tế Hải Phòng và Hội Thầy thuốc trẻ Hải Phòng đã khởi động chương trình "Tiếp sức người bệnh" với sự tham gia của 212 tình nguyện viên là đoàn viên và các thầy thuốc trẻ của sáu bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Các tình nguyện viên sẽ hỗ trợ người bệnh và người nhà 24 giờ hằng ngày tại các khoa, phòng, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng. (* Nhân dân (trang 5))
Số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng bất thường
Ngày 26-5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đã chi trả gần 20 nghìn tỷ đồng cho 44 triệu lượt khám, chữa bệnh (KCB) có bảo hiểm y tế (BHYT). Quá trình triển khai xuất hiện tình trạng tăng số lượt KCB bất thường, có xu hướng lạm dụng quỹ BHYT. So với cùng kỳ năm 2015, trong khi số thẻ BHYT chỉ tăng 1,2% thì số lượt KCB tăng tới 5%. Các cơ sở KCB tuyến huyện tăng đột biến số người KCB, tuyến xã giảm nhưng một số trạm y tế người bệnh đến khám nhiều lần trong ngày để lấy thuốc, hưởng dịch vụ y tế chưa cần thiết. Một số cơ sở KCB, nhất là cơ sở tư nhân, tăng chỉ định nội soi, siêu âm và kéo dài số ngày điều trị cho người bệnh.
BHXH Việt Nam sẽ phân tích, đánh giá có việc lạm dụng quỹ BHYT hay không. Trong tháng 6-2016, BHXH Việt Nam sẽ triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình KCB và chỉ định thuốc. (* Nhân dân (trang 5))
Báo Hà Nội mới phát động cuộc thi viết "Chung tay vì An toàn thực phẩm"
Chiều 26/5, Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi viết “Chung tay vì An toàn thực phẩm” năm 2016. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát động cuộc thi, ông Nguyễn Hoàng Long - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Hànộimới - nhấn mạnh: “An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và luôn được xã hội quan tâm. Chưa bao giờ những lo ngại trước vấn đề này lại tăng cao như hiện nay”.
Thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã có nhiều cố gắng trong việc quản lý, bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Công tác bảo đảm ATTP đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, như kiểm soát dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất bảo quản; vệ sinh tại các cơ sở chế biến; thực phẩm giả, thực phẩm bẩn lưu thông trên thị trường; ý thức của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chính người tiêu dùng.
Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn rất phổ biến, gây tổn thất lớn về kinh tế trong việc khắc phục hậu quả, đồng thời ảnh hưởng không tốt đến uy tín hàng hoá, thực phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trước thực trạng này, việc tổ chức và phát động Cuộc thi viết “Chung tay vì An toàn thực phẩm” năm 2016 trên Báo Hànộimới là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đảm bảo cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố; góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sử dụng thực phẩm.
Bên cạnh đó, cuộc thi cũng là dịp để tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua bảo đảm ATTP; đồng thời bồi dưỡng, nâng cao chất lượng phóng viên, cộng tác viên; phát triển đội ngũ cộng tác viên cho Báo Hànộimới, đáp ứng với yêu cầu mới.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đánh giá: “Thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe giống nòi và có thể xuất phát từ tất cả các khâu như sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển. Bên cạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng bài viết phản ánh tình trạng an toàn thực phẩm - thể hiện sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí”.
Trên tinh thần đó, Báo Hànộimới và Sở Y tế Hà Nội mong muốn nhận được sự hưởng ứng tham gia của các tác giả, các cây viết chuyên và không chuyên. Với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, các nhà báo, các cây viết thực hiện các tác phẩm báo chí phản ánh chân thực, kịp thời và thiết thực các vấn đề liên quan đến ATTP, nhằm góp phần vào hạn chế và đẩy lùi tình trạng mất ATTP, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. (* Nhân dân, Hà Nội mới (trang 1))
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 7: “Thi viết”Chung tay vì an toàn thực phẩm”
Chống thực phẩm bẩn - "Cuộc chiến" bắt đầu từ cơ sở
Đây là chủ đề của buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào chiều 26-5. Tại buổi tọa đàm các đại biểu đều ghi nhận vai trò của địa phương trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó, hoạt động thanh tra có vai trò quyết định.
Các đại biểu cũng cho rằng, thời gian gần đây, trách nhiệm của cơ quan thanh tra đã được phân định rõ từ trung ương đến địa phương và hoạt động này triển khai khá mạnh mẽ. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã tiến hành thanh tra trên 200.000 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp, xử phạt với số tiền 19 tỷ đồng vi phạm các quy định về ATTP.
Để đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình thí điểm về thanh tra ATTP đến tận cấp quận, huyện, xã, phường và triển khai ở 5 quận, 10 phường của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện TP Hà Nội đã phân cấp mạnh quản lý ATTP xuống cấp huyện nhằm nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý chất lượng ATTP. (* Nhân dân, Hà Nội mới (trang 7))
Ăn rau lạ, 3 người nhập viện
Sáng nay (26.5) bác sĩ Hà Văn Quỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Tây Nam Nghệ An cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 bệnh nhân trong một gia đình đến cấp cứu trong tình trạng bị kích động mạnh, sau khi ăn phải một loại rau. Đó là anh Lê Quang Quý (42 tuổi), chị Nguyễn Thị Hương (36 tuổi, vợ anh Quý) và ông Lê Quang Vị (75 tuổi, bố anh Quý), đều ngụ xóm 11, xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An.
3 bệnh nhân này nhập viện đêm 24.5 với các triệu chứng kích động mạnh, cười, chửi bới, gồng mình vật vã. Chẩn đoán các bệnh nhân này bị ngộ độc thần kinh nên bệnh viện đã cho truyền dịch để thải độc và dùng thuốc an thần, tiếp tục theo dõi huyết áp, nhiệt độ, nhịp tim.
Sau khi nhập viện, chị Hương vẫn tiếp tục bị kích động mạnh, vật vã, phải 4 người mới giữ chặt. Bệnh viện phải chỉ định tăng liều, tiêm 4 ống thuốc an thần. Đến rạng sáng 25.5, chị Hương mới hết vật vã, đi lại được nhưng mắt vẫn hơi mờ, cơ thể mệt mỏi.
Đến sáng nay, anh Quý và chị Hương mới hết chứng kích động thần kinh, ông Vị vẫn trong tình trạng kích động, gồng mình, cứng lưỡi không nói được. (* Thanh niên (trang 2))
Tặng 'một góc con người' cho bệnh nhân ung thư
“Tặng bệnh nhân “một góc con người” cũng là tặng cho họ niềm vui sống, giúp họ không phải mặc cảm, tự ti khi xuất hiện trước đám đông”, Trần Thị Kim Oanh (ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) nói về lý do khiến nhóm bạn trẻ “Một bức tranh - Nhiều hy vọng” quyết định tặng tóc cho bệnh nhân ở bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Oanh chia sẻ trong một lần nhóm tổ chức chương trình văn nghệ tại bệnh viện, các bệnh nhân rất hào hứng tham gia nhưng khi mời lên hát thì ai cũng rụt rè, bởi trên đầu đã rụng hết tóc, phải quấn khăn. Sau lần ấy, một nữ sinh du học Nhật đã gửi nắm tóc vừa cắt xong tới nhóm, với hy vọng nhóm sẽ thiết kế lại thành một đầu tóc mới để tặng lại cho bệnh nhân.
“Nhóm đã mang số tóc trên tới các tiệm tóc thuê làm thành một đầu tóc mới, song chi phí mỗi đầu hơn một triệu đồng. Kinh phí cao như vậy không thể triển khai với số lượng lớn, vậy nên nhóm quyết định thay vì tặng tóc thật, sẽ tặng tóc giả cho từng bệnh nhân”, Oanh nói.
Cuối năm 2015, cả nhóm thay nhau đi “phỏng vấn” từng buồng bệnh, xem bệnh nhân nào có nhu cầu cần tóc giả, và thích kiểu tóc gì. Không ngờ “bắt trúng mạch” của các bệnh nhân nữ, ai cũng bày tỏ nỗi niềm khi đầu rụng hết tóc sau các đợt hóa trị, xạ trị.
Những ngày sau, nhóm mang lên hai bộ tóc giả, một ngắn một dài cho các chị, các cô đội thử, bệnh nhân thích kiểu gì thì “đặt hàng” kiểu ấy, ngoài ra có thể mô tả đầu tóc mà mình muốn để các bạn trẻ tìm mua. Số lượng đăng ký ngay lần đầu đã lên tới hàng chục người, nhóm phải ưu tiên những người bệnh nặng, nằm viện đã lâu.
Ban đầu nhóm bỏ tiền ra mua tóc giả, tuy nhiên nguồn quỹ có hạn nên phải kêu gọi thêm các tổ chức, mạnh thường quân khác, trong đó có tiệm tóc giả Hồng Ngân (282 Phan Châu Trinh, quận Hải Châu) thường xuyên hỗ trợ tóc cho nhóm. Đến nay, gần 30 mái tóc đã đến với các bệnh nhân ung thư.
Bà Phạm Thị Xuyến (55 tuổi, quê Quảng Ngãi), cảm động: “Trước đây đầu rụng hết tóc tui chẳng muốn gặp ai. Hôm các cháu đưa đầu tóc giả cho tui đội thử và nói sẽ tặng nếu tui thích, tui rất bất ngờ. Không ngờ các cháu lại quan tâm tới cả những mặc cảm ấy của bệnh nhân. Hai tháng nay có đầu tóc mới tui không còn tự ti nữa, vừa rồi ra viện tui đội đi Sài Gòn, bà con khen tui trẻ ra vài tuổi”.
Chị Nguyễn Thị Yến (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam), kể: “Từ ngày có đầu tóc mới đi đâu tôi cũng đội, chỉ khi ngủ mới tháo ra thôi. Trước đây nhà có đám cưới, đám giỗ là tôi trốn, phần vì ngại, phần vì người ta cứ hỏi sao rụng hết tóc lại chạnh lòng. Phụ nữ không có tóc trên đầu tủi thân lắm chứ. Giờ mấy bạn trẻ tặng đầu tóc đen, dài, tôi vui và tự tin hơn nhiều”.
Kim Oanh nói thêm: “Đối với các bệnh nhân ung thư, có thêm niềm vui là có thêm động lực để họ tiếp tục sống và điều trị bệnh. Vì vậy không chỉ đầu tóc, nhóm sẽ cố gắng để đem thêm nhiều nguồn vui nữa cho các bệnh nhân”. (* Tiền phong (trang 10))
Chấm điểm nhà hàng cơ sở ăn uống đạt chuẩn
UBND TP Đà Nẵng vừa có quyết định phê duyệt bảng chấm điểm đánh giá nhà hàng, cơ sở ăn uống đạt chuẩn phục vụ trên địa bàn. Tiêu chí chấm điểm căn cứ vào việc đáp ứng các yêu cầu về địa điểm, cơ sở vật chất, an toàn thực phẩm, người quản lý, nhân viên phục vụ, bảo vệ môi trường, PCCC và văn minh thương mại.
Theo đó, với thang điểm 100, nhà hàng hoặc cơ sở ăn uống không đủ 85 điểm thì được đánh giá là chưa đạt, từ 85 điểm trở lên là đạt chuẩn và 95 điểm trở lên đạt chuẩn văn minh.
UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các sở Du lịch, Công Thương, NN&PTNT, chính quyền các quận huyện định kỳ hàng năm tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại các nhà hàng, cơ sở ăn uống đạt chuẩn và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để du khách biết và lựa chọn dịch vụ. (* Tiền phong (trang 2))
TPHCM: Thuốc bình ổn giá thấp hơn thị trường 10%
Ngày 26/5, Sở Y tế TPHCM tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2017.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đây là chương trình đặc biệt chỉ có ở TPHCM bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2011. Từ khi khởi đầu với chỉ 4 doanh nghiệp dược tham gia, sau 5 năm thực hiện, đã có 14 doanh nghiệp dược tham gia phân phối các mặt hàng thuốc bình ổn, tăng gấp 3,5 lần.
Hiện thành phố đã có 3.852 điểm bán thuốc bình ổn giá, bao gồm các nhà thuốc GPP và đại lý thuốc, chiếm 65% tổng số điểm bán thuốc toàn thành phố với 551 mặt hàng thuốc tham gia bình ổn. Dự kiến đến năm 2017, sẽ có 4.000 điểm bán với 563 mặt hàng thuốc tham gia chương trình.
Cũng theo bà Lan, danh mục thuốc bình ổn thị trường gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO bảo đảm chất lượng, giá thấp hơn thị trường từ 5-10%. (* Tiền phong (trang 2))
Hà Nội sẽ mua xe kiểm nghiệm thực phẩm lưu động
Việc mua xe kiểm nghiệm hiện đã hoàn tất thủ tục để trình UBND TP quyết định.
Hôm qua, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chương trình tọa đàm trực tuyến với chủ đề : “Chống thực phẩm bẩn: “cuộc chiến” bắt đầu từ cơ sở”.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch tăng cường công tác quản lý phụ gia thực phẩm trên địa bàn.
Trong năm 2016 sẽ điều tra từng hộ kinh doanh mặt hàng gì để có thông tin chính xác nhằm xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra và kiểm tra đột xuất.
Về việc ký cam kết mua máy kiểm nghiệm máy chuyên dụng để kiểm tra thực phẩm sạch, ông Tiệp cho hay việc mua xe kiểm nghiệm hiện đã hoàn tất thủ tục để trình UBND TP quyết định.
TPHCM đang sử dụng 1 xe kiểm nghiệm cơ động thực phẩm rất hiệu quả, Hà Nội cũng sẽ mua 1 xe như vậy để kiểm tra ở chợ đầu mối và siêu thị để kiểm tra, xử lý tại chỗ. Thiết bị này cho kết quả nhanh tại hiện trường, nhưng độ chính xác cũng hạn chế nên chỉ được dùng để kiểm tra sơ bộ, sàng lọc. (* Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiền phong (trang 6))
Thuốc Viên nang Celenobe-200 bị đình chỉ lưu hành và thu hồi
Theo đó, tại công văn gửi Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha, Cục Quản lý Dược cho biết thuốc trên bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý Dược vừa đình chỉ lưu hành và thu hồi thuốc Viên nang Celenobe-200 (Celecoxib 200mg), số lô: CE217 ngày SX: 09/2015, HD: 08/2017, SĐK: VN-17340-13 do Công ty Mepro Pharmaceuticals Pvt. Ltd., India sản xuất; Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2 (tên mới là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha) nhập khẩu
Theo đó, tại công văn gửi Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha, Cục Quản lý Dược cho biết thuốc trên bị đình chỉ lưu hành do không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cụ thể, theo công văn số 7379/QLD-CL, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc trong thời gian 5 ngày gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng Viên nang thuốc Celenobe-200 (Celecoxib 200mg), số lô: CE217 ngày SX: 09/2015, HD: 08/2017, SĐK: VN-17340-13 do Công ty Mepro Pharmaceuticals Pvt. Ltd., India sản xuất; Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2 (tên mới là Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha) nhập khẩu và tiến hành thu hồi toàn bộ lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha phải báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược trước ngày 6/6, hồ sơ thu hồi gồm số lượng nhập khẩu, ngày nhập khẩu, số lượng thu hồi, các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc.
Về phía Sở Y tế TP Hà Nội và Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành
Được biết, thuốc Viên nang Celenobe-200 thuộc nhóm dược lý thuốc giảm đau, hạ sốt, Nhóm chống viêm không Steroid, Thuốc điều trị Gút và các bệnh xương khớp. (* Sức khỏe & Đời sống, Tiền phong (trang 6))
Mổ lấy sỏi bàng quang nặng 1,5kg
Ngày 26-5, bác sĩ chuyên khoa II Lê Phước Lộc - phó khoa ngoại niệu Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ - cho biết vừa phẫu thuật lấy viên sỏi bàng quang “khổng lồ” cho một bệnh nhân bị sỏi bàng quang cách đây hơn 10 năm.
Ông N.V.B. (51 tuổi, ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, Cần Thơ) bị tiểu gắt hơn 10 năm nay nhưng không đi khám.
Gần đây ông đau tức vùng hạ vị, tiểu khó càng tăng nên đi khám, các bác sĩ yêu cầu ông nhập viện mổ cấp cứu vì sỏi quá to có thể gây biến chứng.
Các bác sĩ chẩn đoán sỏi bàng quang to nên phải mổ hở mới lấy được sỏi. Êkip mổ đã lấy ra một viên sỏi kích thước 6x15cm, nặng 1,5kg từ bàng quang của ông B..
Sau mổ ông B. đã tỉnh táo và được tiếp tục chăm sóc tại khoa ngoại niệu.
Theo bác sĩ Lộc, đây là trường hợp sỏi bàng quang to, khá hiếm gặp do không được phát hiện sớm. (* Tuổi trẻ (trang 14))
4.000 điểm bán thuốc bình ổn phục vụ người dân
Sáng 26-5, Sở Y tế TP.HCM đã triển khai chương trình bình ổn các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM năm 2016–2017.
PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM được triển khai thực hiện từ năm 2011. Đây là chương trình đặc biệt, chỉ có ở TP.HCM. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, đã có 14 doanh nghiệp dược tham gia phân phối thuốc bình ổn (năm 2011 chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia).
Ngoài ra, hiện có 3.852 điểm bán thuốc bình ổn là các nhà thuốc GPP và Đại lý thuốc (năm 2011 chỉ có 400 điểm); 551 mặt hàng thuốc bình ổn (năm 2011 chỉ có 45 mặt hàng).
Dự kiến đến năm 2017, sẽ có 4.000 điểm bán thuốc bình ổn và 563 mặt hàng thuốc bình ổn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, danh mục thuốc bình ổn thị trường gồm 21 nhóm thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đảm bảo chất lượng, bao gồm cả thuốc đông y, thuốc từ dược liệu để điều trị các bệnh thường gặp, các bệnh mạn tính như: Thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho-hen phế quản, tim mạch, tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin-khoáng chất…
Đặc biệt, việc các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính nằm trong chương trình bình ổn giá giúp người dân bớt lo lắng với giá thuốc, vì với các bệnh mạn tính người dân phải sử dụng thuốc trong thời gian dài và thuốc thường có giá khá cao.
Tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn đều kí hợp đồng với Sở Y tế, bảo đảm phải cung ứng thuốc đầy đủ trong thời gian hợp đồng cho hệ thống các nhà thuốc tham gia bán bình ổn giá, với giá bình ổn, thấp hơn thị trường 5-10%. (* Công an Nhân dân (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Lao động trang 3: TP.HCM: “14 công ty dược tham gia bình ổn giá thuốc”; Báo Sài Gòn giải phóng trang 2: “Triển khai bán thuốc bình ổn giả 2016-2017”
Thuốc Paracetamol Panadol của Australia bị thu hồi
Bộ Y tế Australia có quyết định thu hồi nhiều lô sản phẩm thuốc hạ sốt Paracetamol Panadol dạng uống hương vị cam, dâu cho trẻ em từ 5-12 tuổi vì lo ngại nhiễm độc.
Các sản phẩm thuốc hạ sốt Paracetamol Panadol dạng uống hương vị cam, dâu của hãng dược phẩm Glaxo Smith Kline bị thu hồi có hạn sử dụng đến hết tháng 2-2018. Các thuốc này vẫn đang được bán rộng rãi tại các nhà thuốc ở Australia.
Các sản phẩm trên bị thu hồi là do các chuyên gia đã tìm thấy một thành phần của sản phẩm được sử dụng trong quá trình sản xuất có thể bị nhiễm độc với một số hạt nhỏ có chứa khoáng chất trong thuốc.
Cục Quản lý Dược phẩm Australia cho biết lượng hạt chứa khoáng chất không nhiều và khó nhìn thấy, nhưng vấn đề là trẻ em uống phải các thuốc Panadol trong lô hàng này có thể bị dị ứng và thuốc sẽ không có hiệu quả.
Từ năm 1950, Paracetamol đã được sử dụng tại Australia với tác dụng giảm đau, hạ sốt và được sản xuất dưới nhiều hình thức khác nhau cho người lớn và trẻ em. (* Công an Nhân dân (trang 2))
Kỷ niệm về một vị Bộ trưởng
GS Mai Kỷ - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ đã từ trần vào ngày 25/5/2016, hưởng thọ 87 tuổi. Với 47 năm công tác, GS Mai Kỷ đã trải qua nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị công tác nào, GS Mai Kỷ đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp cho sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp to lớn, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Dân số.
GS Mai Kỷ đã cùng cán bộ Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ (cũ) và nhiều ban, ngành liên quan xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết lần thứ 4 khóa VII về Chính sách DS - KHHGĐ đến năm 2015, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Dân số đến năm 2000. Đặc biệt, GS Mai Kỷ đã tổ chức thực hiện xuất sắc các mục tiêu của Nghị quyết và Chiến lược nói trên. Với những cống hiến to lớn của mình, năm 2010, GS Mai Kỷ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tưởng nhớ đến GS Mai Kỷ, người đã dành trọn gần cả cuộc đời cho sự nghiệp DS- KHHGĐ, Báo GĐ&XH trân trọng đăng tải bài viết của TS Dương Quốc Trọng - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ về những kỷ niệm không quên đối với người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành Dân số.
Khi nói về những thành công của công tác Dân số, không thể không nhắc tới những công lao, đóng góp của GS Mai Kỷ, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS- KHHGĐ.
Người kiến tạo hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác Dân số
Nếu nói một cách hình tượng, GS Mai Kỷ chính là một Tổng công trình sư, chỉ trong một thời gian ngắn đã kiến tạo nên hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tại khắp các thôn, xóm, bản, làng trong cả nước.
Ông cũng là người đề xuất phương pháp Chương trình mục tiêu về DS-KHHGĐ, với cơ chế phân bổ kinh phí công khai, minh bạch, đại bộ phận kinh phí được chuyển về địa phương, sử dụng, quản lý kinh phí theo cây mục tiêu mà đến nay, thời gian đã chứng minh tính đúng đắn, rất hiệu quả của cơ chế này. Chính nhờ sự thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ mà hiện nay đã được mở rộng thành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Những người đã làm công tác dân số lâu năm, mỗi khi nói về ông, họ thường dành cho ông một sự tôn kính đặc biệt. Với tôi cũng vậy, dù tôi không có may mắn như nhiều anh em trong Tổng cục DS-KHHGĐ được làm việc trực tiếp dưới quyền ông, nhưng trước đó đã được biết và tiếp xúc với ông nên cũng cảm nhận được tất cả những điều đó.
Tôi nhớ vào năm 1993, khi đó còn đang công tác tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), tôi được cử đi học các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII). GS Mai Kỷ là người được phân công truyền đạt Nghị quyết về “Chính sách DS -KHHGĐ”. Tôi có ấn tượng rất đặc biệt về ông. Là một bác sĩ lâm sàng, chuyên làm về kế hoạch hóa gia đình, tôi cứ tự thắc mắc và tự tìm hiểu rằng, tại sao ông, một Giáo sư về luyện kim - không “dính dáng” gì tới kế hoạch hóa gia đình mà lại nói về kế hoạch hóa gia đình hay như vậy, truyền đạt Nghị quyết về “Chính sách DS-KHHGĐ” lại đầy sức thuyết phục đến như vậy. Thực sự, tôi đã bị cuốn hút vào bài giảng của ông.
Do vậy, không phải về sau này mà ngay từ trước khi được phân công làm công tác Dân số, một trong những Nghị quyết mà tôi nhớ nhất và “thấm” nhất, chính là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS-KHHGĐ”, cũng bởi vì sự truyền đạt đầy hấp dẫn của ông. Ông có nói rằng: “Viết Nghị quyết là rất khó bởi vì phải viết làm sao thật súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, nhất là Nghị quyết về DS-KHHGĐ càng đòi hỏi cao hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Do vậy, lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”. Ông biết rằng, học viên tham dự lớp học Nghị quyết đều là cán bộ khoa học trong quân đội nên ông còn nhấn mạnh: “Tôi là một nhà khoa học nên tôi mong muốn, khi học Nghị quyết chúng ta cùng nhau trao đổi và tôi sẵn sàng tranh luận, chứng minh với các đồng chí về mặt khoa học, về mặt học thuật được nêu ra tại Nghị quyết này. Có thể nói, đằng sau mỗi một câu, mỗi một chữ trong Nghị quyết là cả một tập tài liệu dày với tất cả những căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn, với tất cả những số liệu tin cậy để chứng minh”.
Cho đến nay, những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS-KHHGĐ”, đặc biệt là 5 quan điểm được nêu ra trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. Tiếp thu và nhớ lại những lời dạy của ông từ khi đó, vào năm 2003 - 2004, khi được giao làm Tổ trưởng Tổ thư ký xây dựng Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, tôi đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình khi biên tập cần phải tiếp thu, chắt lọc những ý kiến, những ý tưởng tinh túy nhất để Nghị quyết vừa đảm bảo tính khoa học nghiêm túc, vừa phải mang tính thực tiễn rất cao.
Cái “tâm” và cái “tầm” của người cán bộ làm công tác Dân số
Năm 1999, tôi có dịp được gặp ông tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS - KHHGĐ”. Tôi được chứng kiến nét mặt ông hồ hởi, phấn khởi, ánh mắt ông bừng lên khi gặp lại những người làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.
Vào năm đó, Việt Nam được nhận giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc, ông có nói rằng, “chính những người này mới là tác giả chính về những thành công của công tác DS-KHHGĐ”. Sau này, khi được học về lý luận công tác truyền thông, muốn thay đổi được hành vi của mỗi con người, truyền thông trực tiếp (hay còn gọi là truyền thông miệng - miệng) có vai trò cực kỳ quan trọng, tôi lại càng khâm phục sự nhìn xa trông rộng của ông. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số do ông gây dựng nên đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào thành công của công tác DS-KHHGĐ. Họ là những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách về DS-KHHGĐ tới tận từng hộ gia đình và từng cá nhân, họ là những người đã kiên trì tuyên truyền vận động, thuyết phục từng cặp vợ chồng và cá nhân, phân phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng tới tận người dân. Bên lề Hội nghị đó, ông còn tâm sự về cái “tâm” và cái “tầm” của người cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.
Năm 2008, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, Ủy ban Dân số, Gia đình, Trẻ em giải thể, lĩnh vực DS-KHHGĐ được chuyển giao về ngành Y tế. Không ít các địa phương, đơn vị đã hiểu lầm chủ trương đó mà coi việc “giải thể” này như là Nhà nước đã “giải tán” công tác DS-KHHGĐ. Nhiều người dân cho rằng, từ nay được “đẻ thoải mái”. Là một người luôn theo dõi sát tình hình thời sự và đặc biệt là những diễn biến của ngành, khi gặp ông, tôi đọc được tâm trạng của ông như có “lửa đốt” ở trong lòng. Ông thương anh em ở trong ngành đang gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ông khắc khoải về một hệ thống tổ chức đang đứng trước nguy cơ có thể bị tan vỡ. Ông lo lắng về những hệ lụy có thể xảy ra nếu như các địa phương, cơ sở buông lơi công tác này.
Thế rồi, mọi việc đã trở lại đúng quỹ đạo của nó. Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Những suy nghĩ không đúng đã được “chấn chỉnh” kịp thời. Những việc làm chưa đúng đã được khắc phục. Con tàu Dân số đã nhanh chóng trở lại đúng đường ray của mình, “tăng ga” tiến về phía trước, bù lại những gì làm chưa tốt trong một vài năm vừa qua.
Mấy năm gần đây, do bị di chứng của tai biến mạch máu não nên GS Mai Kỷ phải đi lại bằng xe lăn. Nhưng bù lại, ông vẫn hết sức minh mẫn, có một trí nhớ tuyệt vời và thần sắc thật là đẹp, thậm chí trông ông còn trẻ hơn so với tuổi. Ông cứ nói vui với chúng tôi rằng: “Người ngoài nhìn tôi không ngồi trên xe lăn thì họ dễ bị nhầm”. Nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới (11/7/2009), Tổng cục DS-KHHGĐ mời ông tới dự. Mới đầu, ông đã từ chối bởi ông không muốn xuất hiện trước đông người. Nhưng sau khi được biết nhân dịp này, ngành Dân số có tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu, hầu hết những người tham dự đều là cán bộ dân số ở cơ sở, ông đã vui vẻ nhận lời. Bởi ông muốn được gặp lại họ, những người đã kề vai sát cánh với ông, những người đã cùng chia ngọt, sẻ bùi với ông từ những ngày đầu còn rất nhiều gian khó. Ông quý họ, yêu thương họ và họ cũng vô cùng yêu quý, kính trọng ông, cảm phục ông bởi vì ông thực sự là người Thầy, người Bác, người Chú của họ, là người Anh cả của ngành Dân số.
Một nhân cách lớn
Năm 2010, khi nhận được tin GS Mai Kỷ được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, tôi mừng vui khôn xiết như chính mình và ngành Dân số được nhận phần thưởng cao quý. Tôi sung sướng gọi điện báo tin để ông biết và xin ý kiến ông về việc chuẩn bị Lễ đón nhận Huân chương. Ông nói rằng: “Đây là phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước ký Quyết định nhưng công lao là của anh em trong ngành Dân số tạo dựng nên, mà tôi là người đứng đầu khi đó nên được trao tặng. Chính toàn thể cán bộ trong ngành Dân số đã trao tặng cho tôi Huân chương này” – ôi, một Nhân cách lớn, trái tim một Con Người - khi công sức của mình được Đảng và Nhà nước ghi nhận vẫn khiêm nhường cho đó là thành quả chung của mọi người, trân trọng những gì mà cấp dưới đã cống hiến, giúp mình hoàn thành nhiệm vụ, một người lúc nào cũng đau đáu với nỗi lo toan cho sự nghiệp dân số còn nhiều bộn bề, lúc nào cũng suy nghĩ tới đồng nghiệp, tới những thế hệ kế tiếp để làm sao viết tiếp những trang sử mới cho ngành Dân số mà ông đã dày công kiến tạo từ thuở ban đầu. Tôi thực sự xúc động khi được nghe ông nói những lời này. Quả thật khi đó, tôi chỉ mong rằng, giá như đang được ở bên ông, tôi sẽ ôm lấy ông và nói những lời cảm ơn tự đáy lòng mình. Tôi như được ông “truyền lửa” cho và tôi mong muốn toàn thể những người làm công tác dân số hãy nhận và tiếp sức “ngọn lửa” mà ông đã trao cho.
GS Mai Kỷ là tấm gương để cho thế hệ chúng tôi được tiếp tục học tập ông không chỉ về kiến thức mà còn về phương pháp tư duy, về bản lĩnh vượt qua mọi thử thách và đặc biệt là những bài học rất thực tiễn, rất “đời” về cái “tâm”, cái “tầm” cần có của người cán bộ làm công tác Dân số. (* Gia đình & Xã hội (trang 1))
Nguy hại từ chất cường dương trong thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vừa thông báo về sản phẩm Avena plus do Công ty TNHH Medistar Việt Nam sản xuất có chứa chất cường dương và đã bị Cục quyết định thu hồi.
* Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế vừa thông báo về sản phẩm Avena plus do Công ty TNHH Medistar Việt Nam sản xuất có chứa chất cường dương và đã bị Cục quyết định thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, thực phẩm chức năng (TPCN) có chứa chất này nhưng doanh nghiệp cố tình không công bố không phải là hiếm. Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục ATTP sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp sai phạm.
Không hiếm TPCN chứa chất kích dục
Thông báo của Cục ATTP ngày 26/5 cho biết, căn cứ biên bản kiểm tra do Đoàn kiểm tra của Cục An toàn Thực phẩm thực hiện tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Thương mại xuất nhập khẩu (XNK) Việt Nam Canoves (thương nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm trên), địa chỉ số 11 ngõ 104 phố Định Công, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội; Biên bản lấy mẫu và Phiếu kết quả kiểm nghiệm số 4415/PKN-VKNQG ngày 17/5/2016 của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia, Cục ATTP thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Avena, số lô 010316 (ngày sản xuất: 2/3/2016; Hạn sử dụng: 1/3/2019) do Công ty TNHH Medistar Việt Nam (địa chỉ: lô 41 - C2, Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) sản xuất đã chứa chất cấm sildenafil. Do đó, Cục ATTP ra thông báo tạm dừng việc lưu thông sản phẩm thực phẩm này, đồng thời yêu cầu công ty có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý, thu hồi trong thời hạn 10 ngày và gửi báo cáo bằng văn bản về Cục ATTP.
Cục ATTP cũng yêu cầu công ty này phải cung cấp thông tin liên quan đối với lô hàng không đạt bao gồm: số lượng hàng hóa cùng lô đã sản xuất, lưu thông, tồn kho và thu hồi tính đến ngày gửi báo cáo. Đồng thời, công ty này phải báo cáo việc khắc phục, xử lý đối với lô hàng không đạt và biện pháp khắc phục đối với quá trình sản xuất nhằm bảo đảm sản phẩm được sản xuất, lưu thông trên thị trường đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố.
Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, vừa tạm dừng lưu thông lô sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) có kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt chất lượng của Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam.
Lô sản phẩm TPCN bảo vệ sức khỏe Uy Mãnh Nang, số lô 0116, NSX:20/01/2016, HSD: 19/01/2019 của Công ty TNHH XNK Thiết bị y tế Minh Bang Việt Nam, địa chỉ: Số 709 Giải Phóng, Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội (nhà sản xuất: Công ty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên, địa chỉ: lô H6, đường D5, KCN Hòa Xá, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) có chỉ tiêu không đạt: dương tính với chất sildenafil - một loại chất kích dục.
TPCN bảo vệ sức khỏe Uy Mãnh Nang được quảng cáo dùng cho nam giới tuổi trưởng thành suy giảm chức năng sinh lý; giúp bổ thận tráng dương.
Việc sử dụng thuốc, TPCN có hoạt chất điều trị rối loạn cương không thể tùy tiện
TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, vardenafil và sildenafil là những hoạt chất bị cấm trong thành phần của TPCN. Đáng nói là rất nhiều sản phẩm TPCN khi quảng cáo trên mạng đều bị nói quá về công dụng, nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. “Với những hành vi gian dối như vậy, chúng tôi thường xử phạt rất nặng, đồng thời đưa vào “danh sách đen” để theo dõi, kiểm tra chặt chẽ khi đăng ký lại hoặc đăng ký mới sản phẩm khác” - ông nói.
Theo TS. Nguyễn Quang - Giám đốc Trung tâm Nam học (Bệnh viện Việt Đức), sildenafil và vardenafil là 2 hoạt chất có trong các thuốc điều trị rối loạn cương là viagra (sildenafil) và levitra (vardenafil). Vì là thuốc điều trị, không phải là chất kích dục nên việc sử dụng như thế nào, thời gian bao lâu đều phải được bác sĩ chỉ định căn cứ vào tình trạng bệnh, lứa tuổi, không thể sử dụng tùy tiện. Ngay cả với những trường hợp được chỉ định dùng các thuốc này cũng có thể dẫn đến các phản ứng. Mức độ nhẹ có thể chóng mặt, nhức đầu, tăng huyết áp, tăng nhịp tim còn nặng hơn có thể bị suy thận, suy gan, cương cứng dương vật kéo dài, thậm chí hoại tử, nhiễm khuẩn dương vật.
BS. Quang cũng khuyến cáo thêm: Nam giới không nên lạm dụng những loại thuốc, TPCN bổ thận tráng dương khi không thực sự cần thiết. Độ tuổi lão hóa và mãn dục của mỗi người khác nhau. Chỉ khi thấy những biểu hiện như mệt mỏi, sinh khí yếu, giảm ham muốn, rối loạn cương dương… và được bác sĩ chỉ định mới cần nghĩ đến việc sử dụng sản phẩm bổ trợ.
TS. Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cảnh báo thêm: Nếu người bệnh có tiền sử tiểu đường, tăng huyết áp hay tim mạch mà sử dụng TPCN có chứa hoạt chất điều trị rối loạn cương dương nhưng không biết trong sản phẩm đó có hoạt chất này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. (* Sức khỏe & Đời sống (trang 1))