Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Kỳ tích: Cứu sống bệnh nhân tim gần như ngừng đập 5 ngày; Hà Nội từ chối quyết toán bảo hiểm y tế 304 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; Thêm 31 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn...

 

Hà Nội từ chối quyết toán bảo hiểm y tế 304 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Hơn 5 tháng đầu năm nay, tổng chi phí từ quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi cho khám chữa bệnh của các bệnh viện Hà Nội tăng tới 10,1%, trong đó vẫn phát hiện nhiều bệnh viện lạm dụng, trục lợi quỹ, chỉ định dịch vụ quá mức…

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 5-2018, toàn Hà Nội đã có 6.367.422 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân là 84,4%. Số cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tiếp tục được mở rộng với 160 cơ sở công lập, 37 cơ sở tư nhân, 476/584 trạm y tế xã phường.

Số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT cũng tăng lên, đạt trên 4,34 triệu lượt, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT mà quỹ BHYT chi trả lên tới 7.869 tỷ đồng. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2017, tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT của Hà Nội đã tăng vọt tới 10,1%.

Ông Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, nguyên nhân của việc gia tăng này một mặt do số người tham gia BHYT tăng, số lượt khám chữa bệnh bằng BHYT tăng, song cũng có nguyên nhân chủ quan do tình trạng trục lợi quỹ BHYT còn phổ biến.

Cụ thể, qua kiểm tra và thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT của các bệnh viện, cơ sở y tế từ đầu năm đến nay, BHXH TP Hà Nội dự kiến từ chối thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT lên tới 304 tỷ đồng.

Theo BHXH TP Hà Nội, bên cạnh việc một số người bệnh lạm dụng, trục lợi quỹ như cố tình đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau trong 1 tháng, thậm chí trong 1 ngày nhằm hưởng thuốc BHYT, thì nghiêm trọng hơn vẫn là tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra ở các cơ sở y tế.

Ông Nguyễn Đức Hòa dẫn chứng, qua kiểm tra, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT chỉ định bệnh nhân vào nội trú rất rộng rãi và kéo dài ngày nằm viện, thậm chí có những bệnh nhân chỉ mắc các bệnh cúm thông thường, viêm họng… cũng cho vào nằm nội trú.

“Cùng đó, nhiều bệnh viện cố tình kéo dài ngày điều trị của bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu dù tình trạng bệnh chưa đến mức phải nằm hồi sức tích cực, hồi sức cấp cứu. Đặc biệt, không ít bệnh viện chỉ định xét nghiệm, cận lâm sàng không đúng quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế nhằm trục lợi quỹ” – Giám đốc BHXH TP Hà Nội chỉ ra.

Một thực trạng khá phổ biến nữa là có không ít bệnh nhân nội trú lẽ ra có thể xuất viện ngay vào ngày thứ 6 mỗi tuần, thế nhưng các bệnh viện vẫn để đến thứ 2 tuần sau mới cho làm thủ tục xuất viện.

“Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu việc kiểm tra các hồ sơ bệnh án xuất viện vào ngày thứ 2 hàng tuần để xem có sự trục lợi hay không, vì rõ ràng 2 ngày cuối tuần (thứ 7, Chủ nhật) bệnh nhân có khi không nằm viện nữa nhưng bệnh viện vẫn được hưởng tiền ngày giường do BHYT chi trả” – ông Hòa nêu rõ.

Ngoài ra, BHXH TP Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện việc liên thông dữ liệu khám chữa bệnh ngay trong ngày với hệ thống thông tin giám định BHYT chưa nghiêm túc. Một số giám định viên BHYT trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện công tác thẩm định chi phí khám chữa bệnh BHYT. (An ninh Thủ đô, trang 1)

 

Thêm 31 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn

Ngày 26-6, Bộ Y tế tiếp tục khai giảng khóa đào tạo bác sĩ Chuyên khoa I cho 31 bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp loại khá, giỏi tại các trường chuyên ngành y trên cả nước, tình nguyện về công tác vùng khó khăn.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án thí điểm “Bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” do Bộ Y tế tổ chức. Dự án được triển khai từ năm 2013, đến nay đã có 210 bác sĩ trẻ được đào tạo bác sĩ Chuyên khoa I ở nhiều chuyên ngành khác nhau. Trong đó, có 14 bác sĩ trẻ đã hoàn thành khóa đào tạo này và đã về các địa phương khó khăn công tác.

31 bác sĩ trẻ được đào tạo Chuyên khoa cấp I lần này ở 10 chuyên ngành khác nhau như: Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Ngoại, Nhi, Nội, Răng hàm mặt, Hồi sức cấp cứu, gây mê hồi sức, Truyền nhiễm và Sản tại trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng trước khi được đưa về vùng khó khăn làm công tác tình nguyện.

Các bác sĩ trẻ được đào tạo theo phương án “cầm tay chỉ việc”, một thầy một trò. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh có sự chênh lệch giữa các vùng miền trong cả nước hiện nay.

Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ sẽ về công tác tại các huyện nghèo như đăng ký. Thời gian tối thiểu làm việc tại vùng khó khăn đối với bác sĩ nam là 3 năm, bác sĩ nữ là 2 năm. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện nghèo. (An ninh Thủ đô, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Đào tạo 31 bác sĩ chuyên khoa I cho những vùng khó khăn”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 2: “Đưa thêm 31 bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn”

 

Mắc bệnh hiếm, nữ bệnh nhân có bộ ngực to gấp 5-6 lần phụ nữ bình thường

Sau mỗi lần mang thai, sinh con, bộ ngực của chị H. (38 tuổi, ở Yên Bái) lại to hơn gấp đôi và mới đây chị phải đến khám tại Bệnh viện E trong tình trạng bộ ngực khổng lồ có kích thước lớn gấp 5-6 lần phụ nữ bình thường…

Sáng nay, 26-6, Bệnh viện E thông tin cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt của bệnh viện này vừa tạo hình thành công ca phì đại tuyến vú khổng lồ có kích thước lớn hơn gấp 5- 6 lần so với người bình thường cho một nữ bệnh nhân 38 tuổi, ở Yên Bái.

Trước đó, nữ bệnh nhân nói trên vào khám tại Bệnh viện E trong tình trạng bộ ngực có kích thước khổng lồ và chảy sệ bất thường. Sau khi thăm khám, đo thể tích ngực cho bệnh nhân, các bác sĩ xác định bệnh nhân này bị phì đại tuyến vú khổng lồ, mỗi bên vú nặng hơn 1,4kg và 1,5kg với độ sa trễ tương đối lớn.

Nữ bệnh nhân này cho biết, trước đây, ngực của chị cũng không có kích thước lớn nhưng sau mỗi lần mang thai, sinh con ngực của chị lại to lên gấp đôi.

Năm 2005, khi mang thai lần đầu, kích thước ngực của chị bắt đầu tăng lên, chị chỉ nghĩ đơn giản do ảnh hưởng của thời kỳ thai sản. Sinh con xong, ngực chị không trở về trạng thái ban đầu mà bộ ngực ngày càng to ra, chảy xệ bất thường kèm theo đau.

Đến năm 2012, khi mang thai con thứ hai, ngực chị phát triển to nhanh bất thường rồi chảy dài thêm nhưng do không nghĩ đây là một căn bệnh nên chị không đi khám mà cố gắng chịu đựng. Chỉ đến khi kích thước tuyến vú của chị đã tăng gấp 5-6 lần so với trước và bắt đầu gây nên những biến chứng như tức ngực, khó thở, biến dạng cột sống vùng cổ... thì chị mới đi viện khám.

Theo chia sẻ của nữ bệnh nhân này, thời gian qua chị luôn khổ sở với bộ ngực khổng lồ. Bộ ngực quá lớn, quá nặng đã khiến bước đi của chị nặng nề, khó tự thay đổi tư thế và không ít lần bị ngã dúi mặt về đằng trước. Khi ngủ, chị luôn cảm giác khó thở, bị chèn ép trong lồng ngực và phải nằm nghiêng để tránh ngạt thở. Nhiều lúc, chị chỉ mong được “cắt phăng” bộ ngực khổng lồ để giải phóng sức nặng cho cơ thể.

ThS.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt - Bệnh viện E cho biết, đây là trường hợp bị phì đại tuyến vú khổng lồ với độ sa trễ từ xương đòn đến núm vú bất thường là 31 cm.

Để thực hiện phẫu thuật tạo hình tuyến vú phì đại khổng lồ cho bệnh nhân, trước đây, các bác sĩ thường áp dụng kỹ thuật thu gọn vú có ghép quầng vú nhưng kỹ thuật này lại có nhược điểm là nguy cơ hoại tử mảnh ghép, mất cảm giác quầng vú, không còn khả năng dẫn sữa. Vì thế, các bác sĩ Bệnh viện E đã lựa chọn kỹ thuật mới, đó là phẫu thuật thu gọn vú có vạt nuôi quầng vú từ động mạch vú ngoài.

Ca phẫu thuật tạo hình tuyến vú phì đại cho nữ bệnh nhân nói trên được các bác sĩ Bệnh viện E thực hiện kéo dài khoảng 5 giờ. Qua phẫu thuật, các bác sĩ đã phải loại bỏ khoảng 1,65kg trọng lượng tuyến vú cho bệnh nhân (chia đều cho cả 2 bên vú) và tạo hình lại bầu vú cho bệnh nhân bằng kỹ thuật thu gọn vú sử dụng cuống mạch ngực ngoài.

Sau ca phẫu thuật, bộ ngực của nữ bệnh nhân đã được thu gọn thành công và vẫn giữ được thẩm mỹ. Đặc biệt, các bác sĩ đã giữ lại cuống nuôi, giữ lại một phần ống tuyến nên sau khi thu nhỏ, quầng núm vú của bệnh nhân sẽ có cơ hội sống cao hơn, tỉ lệ rối loạn cảm giác rất thấp, bệnh nhân vẫn có thể nuôi con được bằng sữa mẹ. (An ninh Thủ đô, trang 15)

 

Vụ bệnh nhân có thai nhưng bệnh viện cho thuốc phá thai: Bệnh viện làm đúng quy trình y khoa?

Chiều 26-6, Bệnh viện (BV) Pháp Việt (FV) thông tin, về trường hợp “bệnh nhân có thai nhưng BV nói không và cho thuốc phá thai” mà một tài khoản mạng xã hội tung tin vào sáng 23-6 gây xôn xao dư luận.

Trước đó, trên trang cá nhân Facebook của Chau Nguyen (tên Nguyễn Thị Mộng Châu) có chia sẻ thông tin liên quan đến việc nhập viện điều trị của mình tại BV FV. Ngay lập tức chia sẻ cá nhân này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Cụ thể, sáng 19-6, chị đến BV FV (quận 7, TPHCM) để khám bệnh sau khi xuất hiện tình trạng mất máu bất thường trước đó. Tại đây sau khi khám, bác sĩ kết luận chị C. không có thai nhi nhưng có “dịch ứ” trong lòng tử cung. Sau đó chị C. được chỉ định siêu âm tử cung và bác sĩ kết luận “kinh nguyệt nhiều và bất thường”. Chị C. được bác sĩ ở đây kê toa thuốc gồm 10 viên Misoprostol Stada 200mg, uống 2 viên/lần và 1 viên Tranexamic acid tab 500mg để đẩy “dịch ứ” ra ngoài. Tuy nhiên sau khi sử dụng 2 viên Misoprostol Stada 200mg và 1 viên Tranexamic acid tab 500mg, đến chiều cùng ngày chị C. bị đau bụng, tử cung co thắt dữ dội, phải uống thuốc giảm đau để hỗ trợ.

“Không lâu sau đó, tôi đi vệ sinh ra 1 khối (cục) khoảng 5cm và máu bắt đầu ra âm ỉ. 23 giờ đêm khi đang ngủ cùng con trai thì bị băng huyết. Máu ra ướt đẫm cả băng vệ sinh, quần áo, giường chiếu và cả nền nhà. Tôi chạy vội vào nhà vệ sinh thì máu chảy lênh láng khắp nền. Tôi bắt đầu choáng váng, xây xẩm hoa mắt và không còn nhìn rõ mọi vật xung quanh. Tôi nằm đó bất tỉnh và được chồng đưa tôi vào BV FV cấp cứu”, chị C. Kể.

Cũng theo chị C., chị được truyền 1.5 đơn vị máu có sẵn. Sau đi khám và đặt ống dẫn tiểu, bác sĩ chẩn đoán chị C. băng huyết do sảy thai.

“Tại sao lúc sáng bác sĩ nói tôi không có thai, chiều lại nói có thai. Lúc đó tôi bật khóc như một đứa trẻ trong đau đớn. Tôi từ chối kết quả đưa ra vì trong cùng 1 ngày, 1 BV, 1 phương pháp test không thể có việc đau lòng này được”, chị C. tỏ ra bức xúc. Trả lời thắc mắc của phóng viên về vấn đề này, ông Jean - Marcel Guillon, Tổng giám đốc BV FV, cho biết, ngày 19-6 bệnh nhân N.T.M.C., đến BV trong tình trạng rong kinh, rong huyết nhiều ngày. Trên siêu âm, các bác sĩ chỉ thấy tụ dịch trong tử cung, thực hiện test nhanh bằng que thử thai các bác sĩ không phát hiện bệnh nhân có thai nên quyết định điều trị theo hướng bệnh nhân không có thai.

“Khi kết hợp siêu âm và test nhanh không thấy dấu hiệu có thai hay thai ngoài tử cung nên chúng tôi thấy không cần thiết phải thực hiện xét nghiệm khác”, ông Jean - Marcel Guillon khẳng định.

Tuy nhiên, lúc 11 giờ 30 đêm cùng ngày (19-6), bệnh nhân quay trở lại BV khi chảy máu. Lúc đó, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính. Bệnh nhân đã được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu và xuất viện vào vài ngày sau đó.

Lý giải về việc buổi sáng kết luận bệnh nhân không mang thai, ông Jean - Marcel Guillon cho rằng bởi vì kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính, siêu âm không thấy túi thai. Tuy nhiên, vì có tụ dịch máu trong tử cung nên các bác sĩ phải quyết định điều trị tháo lưu máu - đó là quyết định đúng.

“Nếu như xét nghiệm thai nhanh bằng nước tiểu được thực hiện vào buổi sáng cho kết quả là dương tính, thì bác sĩ đã có thể thông báo là bệnh nhân có thai và thai đã bị hư, nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó. Việc hư thai có thể là do đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp trước đó. Đối với BV FV, việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của BV và dựa trên các chứng thực của y khoa”, ông Jean - Marcel Guillon khẳng định. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Thêm một bệnh nhân cúm A/H1N1 tử vong

Thông tin từ TS.BS Lê Quốc Hùng, trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chiều 26-6, bệnh nhân N.T.V (46 tuổi, ngụ ở Q. Bình Tân) đã tử vong tại nhà sau khi mắc cúm A/H1N1.

Trước đó, ông V. được chuyển vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 22-6. Trước khi nhập viện bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân có những triệu chứng cúm AH1N1 như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi…

Ông V. đã tự điều trị ở nhà nhưng diễn tiến bệnh ngày càng nặng nên gia đình mới đưa ông đến Bệnh viện Chợ Rẫy để cấp cứu. Sau hơn hai ngày điều trị tại khoa tình hình bệnh nhân không cải thiện nên bệnh viện đã cho bệnh nhân về nhà theo nguyện vọng của gia đình.

Cũng theo TS.BS Lê Quốc Hùng, trong ngày 26-6, BV cũng đã có kết quả xét nghiệm một bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 được chuyển từ Ninh Thuận đến Khoa Cấp cứu sau đó chuyển vào khoa Bệnh Nhiệt Đới Bệnh viện Chợ Rẫy vào tối 24-6.

Bệnh nhân này bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, bội nhiễm phổi. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh nhân đã trong tình trạng nặng bị suy hô hấp cấp, phải đặt nội khí quản thở máy….

Hiện khoa bệnh nhiệt đới còn 7 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 đang được điều trị. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “Bệnh nhân thứ 3 tử vong do cúm A/H1N1 tại TP.HCM”

 

Y tế các tỉnh phía Bắc tích cực khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã thị sát và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, điểm sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã thăm hỏi và động viên các gia đình bị thiệt hại. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tập trung rà soát những khu vực nguy hiểm để di dân ra vùng an toàn; theo dõi chặt chẽ tình hình thực tế để có những biện pháp xử lý kịp thời. Phó Thủ tướng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải bằng mọi biện pháp, huy động mọi lực lượng, phương tiện, máy móc để xử lý các điểm sạt lở, đảm bảo thông xe cho các tuyến đường bị ùn tắc; đồng thời triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, tìm kiếm người dân bị mất tích, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, sớm ổn định cuộc sống.

Theo Số liệu báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, đến 16h ngày 26/6, số người chết do mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã tăng lên 19 người (Hà Giang 5, Lai Châu 14) và 11 trường hợp khác tại Lai Châu vẫn đang mất tích.

Trao đổi với PV báo SK&ĐS, TTƯT. Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, qua con số thống kê chưa đầy đủ, thiệt hại về cơ sở vật chất của ngành y tế là rất lớn. Tại huyện Sìn Hồ, Trạm y tế xã Nậm Cha vẫn đang bị cô lập. Trạm y tế xã Căn Co, quả đồi phía sau trạm y tế đổ sập, đất tràn vào toàn bộ hành lang của trạm. Trạm y tế xã Pa Khóa, hiện tại không có nước sạch về trạm, nguy cơ sạt lở từ các quả đồi bên cạnh luôn đổ vào bất kỳ lúc nào. Tại huyện Nậm Nhùn, Trạm y tế xã Lê Lợi đã xuất hiện những vết rạn nứt, nguy cơ đổ sập là rất lớn. Trạm y tế xã đã báo cáo UBND xã, Trung tâm y tế huyện sơ tán toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và trang thiết bị đến nơi an toàn.

Theo TTƯT. Nguyễn Văn Đối, hiện nay Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị có mặt tại các “điểm nóng”, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan của chính quyền cơ sở trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục, tìm kiếm cứu nạn, đưa người bị thương về Trung tâm y tế điều trị. Ngành y tế Lai Châu đã thành lập một tổ vệ sinh phòng dịch, đưa hóa chất, vật tư, thiết bị xuống vùng mưa, lũ triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh.

Tại Hà Giang, TTƯT. Lương Viết Thuần cho biết, lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo các địa phương nắm sát tình hình mưa lũ, kịp thời chi viện cho cơ sở. Cung cấp đầy đủ thuốc men, trang thiết bị y tế xuống các vùng bị thiên tai để kịp thời khám chữa bệnh ngay cho nhân dân. Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý môi trường ngay đến đấy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của tỉnh đã được yêu cầu tăng cường lực lượng ứng trực sẵn sàng hỗ trợ tuyến trước khi có yêu cầu. Đồng thời, tăng cường giám sát dịch bệnh, không để dịch bùng phát sau mưa lũ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Kỳ tích: Cứu sống bệnh nhân tim gần như ngừng đập 5 ngày

Các bác sĩ Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai vừa phối hợp liên khoa cứu sống nữ bệnh nhân phản vệ nguy kịch, biến chứng ngừng tuần hoàn, suy 5 tạng, nhịp tim rối loạn và gần như ngừng tim 5 ngày bằng kỹ thuật tim phổi nhân tạo.

Chiều ngày 22/6, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức lễ tiễn bệnh nhân mà theo như PGS.TS Đào Xuân Cơ- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ là: Thầy của tôi, GS.TS Nguyễn Gia Bình đã hơn 40 năm làm nghề hồi sức tích cực, và tôi hơn 20 năm làm nghề cũng chưa bao giờ gặp ca bệnh nguy kịch như vậy…

Hội chẩn bệnh nhân ngay trên xe cứu thương

Trước đó, bệnh nhân “đặc biệt” là chị Mai Thị L, 34 tuổi ở Tuyên Quang được chẩn đoán loét dạ dày có chỉ định dùng hỗn hợp thuốc (chống vi khuẩn HP, ức chế bơm proton ( PPI), và clarithromycine), trước đó chị L. có uống 1 liều sau đó thấy ngứa, khó chịu đã tạm dùng thuốc 1 ngày thì hết đến sáng ngày 13/5/2018, chị lại tiếp tục uống, sau đó có biểu hiện của dị ứng như đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu…

Bệnh nhân L. đã đến bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) khám với chẩn đoán phản vệ. Các bác sĩ đã xử trí với các thuốc chống dị ứng như ; dimedrol, adrenalin nhưng tình trạng nặng lên, bệnh nhân thấy mệt, chóng mặt tiếp đó là hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn.

Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực), sau 20 phút bệnh nhân có tim đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được xử trí sốc phản vệ, đặt nội khí quản, thở máy, duy trì adrenalin...

“Mặc dù được hồi sức tích cực theo đúng phác đồ nhưng sau đó bệnh nhân lại tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2, các nhân viên y tế lại tiến hành ép tim ngoài lồng ngực trong khoảng 15 phút nữa tim mới đập trở lại”- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.

Nhận định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch với các diễn biến phức tạp, bệnh nhân sẽ tử vong, lãnh đạo BV Hùng Vương đã gọi điện cho GS Nguyễn Gia Bình-Bệnh viện Bạch Mai để xin ý kiến hỗ trợ.

“GS Bình nhận định, đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch biến chứng ngừng tuần hoàn, suy đa tạng nên cần được chuyển ngay đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai để hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO). Trong những trường hợp này, nếu được chuyển đến các trung tâm hồi sức với các trang thiết bị, thì cơ hội sống của bệnh nhân cao hơn. GS Bình đã báo cáo cho Ban Giám đốc  và nhận được chỉ đạo tập trung mọi nỗ lực cao nhất để cứu sống bệnh nhân”- PGS.TS Cơ cho biết.

Một mặt BV Bạch Mai liên tục giữ liên lạc tư vấn từ xa trong quá trình xử trí, vận chuyển mặt khác đã cử ngay 1 đội cấp cứu do BS Phạm Thế Thạch lên đường.

Sau khi tiếp cận được bệnh nhân trên đường gần TP Việt trì, BS Thạch đã hội chẩn trên xe cứu thương và hộ tống bệnh nhân về Bệnh viện Bạch Mai.

Nỗ lực chạy đua với “thần chết” cứu bệnh nhân

Đồng thời, tại Khoa Hồi sức tích cực- Bệnh viện Bạch Mai, nhóm bác sĩ thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) và các chuyên khoa khác đã chuẩn bị sẵn sàng chờ đón bệnh nhân.

Đúng như nhận định, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng nguy kịch: nhịp tim rất nhanh, 170 lần/phút, huyết áp thấp phải duy trì thuốc vận mạch liều rất cao, hôn mê sâu, suy hô hấp rất nặng, SPO2 chỉ đạt 60% với oxy tối đa, phù phổi cấp rất nhiều bọt hồng qua ống nội khí quản, xét nghiệm nhanh thấy có thiếu oxy và toan chuyển hóa nặng rối loạn. Chẩn đoán đây là một trường hợp phản vệ nguy kịch với biến chứng ngừng tuần hoàn, chảy máu phổi, siêu âm tim thấy tim đập rời rạc rất yếu, vì vậy không thể tiếp tục dùng thuốc, cần phải thực hiện kỹ thuật ECMO ngay lập tức.

Mặc dù kỹ thuật ECMO là kỹ thuật rất khó liên quan đến phẫu thuật mạch máu, trang thiết bị hiện đại nhưng để chạy đua với thời gian tính bằng phút nên chỉ trong khoảng 15 phút sau khi vào viện, máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân.

“Ngay sau khi có hỗ trợ của máy ECMO, nhịp tim của bệnh nhân giảm tử 170 xuống 120 và 80 lần/ phút và ngừng đập..., điện tâm đồ là đường thẳng và siêu âm tim thấy tim gần như không có hoạt động co bóp. Tình trạng này kéo dài liên tục 5 ngày trong sự lo lắng của thầy thuốc và gia đình bệnh nhân khi thấy bệnh nhân hôn mê, đồng tử hai bên giãn, chảy máu rất nhiều nơi. Nhưng  các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai đã tiếp tục chiến đấu với thần chết”- PGS.TS Đào Đào Xuân Cơ kể lại.

Đến ngày thứ 6, một chút hy vọng lóe lên, khi tim bắt đầu hoạt động trở lại trên máy theo dõi thấy các hoạt động điện của tim, nhịp tăng từ 50 lên đến 90 lần/phút, khi siêu âm thấy tim bắt đầu co bóp tốt hơn nhưng tình trạng suy đa tạng chưa cải thiện nhiều. Bệnh nhân tiếp tục được ECMO, lọc máu liên tục, thở máy, truyền các chế phẩm máu, kháng sinh, duy trì thuốc chống đông…

Đến ngày thứ 12, tim đã hồi phục tốt hơn, ý thức tỉnh hơn đã tiến hành ngừng máy ECMO. bệnh nhân tiếp tục hỗ trợ thở máy, suy thận phục hồi chậm nên tiếp tục lọc máu. Đến ngày thứ 20, bệnh nhân tỉnh táo, hết suy đa tạng nên đã rút nội khí quản, thở oxy liều thấp, tập phục hồi chức nặng.

Ngày thứ 25 sau khi bị phản vệ, nhờ các biện pháp hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng kết hợp nên bệnh nhân đã tự đi lại được, không phải thở oxy. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang