Mỏi mòn chờ phụ cấp chống dịch
Những ngày đại dịch COVID-19 càn quét, các y, bác sĩ là lực lượng tiên phong, căng mình chống dịch bất kể ngày đêm. Sau hơn 1 năm dịch bệnh được khống chế, nhưng nhiều người vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
“Lúc đi chi viện không ai nghĩ đến tiền đâu”
Khi nhắc đến khoản phụ cấp chống dịch đáng ra đã được nhận từ lâu, anh P.V.H, công tác tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An lắc đầu nói: “Lúc đi chi viện, tăng cường chống dịch, không ai nghĩ gì đến tiền bạc đâu, có thì vui, không có cũng không sao. Ai cũng chỉ mong chung tay nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Sau này thấy một số đồng nghiệp được nhận khoản tiền phụ cấp chống dịch, mình hỏi, nhưng bảo chờ, sẽ có. Không biết chờ đến khi nào?”.
Anh H. nhớ lại, ngày 22/9/2021, anh cùng 50 cán bộ y, bác sĩ thuộc các đơn vị y tế trong tỉnh Nghệ An sắp xếp công việc, gác lại những nỗi niềm riêng của gia đình, hăng hái lên đường vào TPHCM tham gia chống dịch với quyết tâm sớm đẩy lùi dịch bệnh, mong “Sài Gòn nhanh khỏe”. Anh cùng các đồng nghiệp làm công việc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện huyện Bình Chánh. Những ngày đầu mới vào thực hiện nhiệm vụ, anh H. gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ trong công việc khi chưa quen với môi trường công tác cũng như tính chất công việc. Mỗi ngày anh làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng bức. Những bữa cơm quá giờ, nguội ngắt, những giấc ngủ tạm bợ… Tuy nhiên, anh cùng các đồng nghiệp sớm vượt qua, thích nghi, hòa nhập, dần quen với công việc, để rồi làm hết sức, cống hiến hết mình với tinh thần kỷ luật và hiệu quả cao nhất. Tròn 40 ngày cùng các bác sĩ ở Sài Gòn “chiến đấu” với dịch COVID-19, anh H. góp phần cùng đồng nghiệp giúp cho nhiều bệnh nhân nặng khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe; từng bước khống chế, kiểm soát dịch COVID-19. “Đó là những ngày đấu tranh không ngừng nghỉ, giành giật lấy sự sống. Là quãng thời gian vất vả nhất nhưng cũng đáng nhớ nhất. Dù có lúc kiệt sức nhưng anh em vẫn luôn tự hào vì góp chút công sức để chiến thắng đại dịch”, anh H. nói.
Những ngày Nghệ An bùng dịch, chị N.T.T.V, cán bộ một cơ sở y tế ở TP Vinh được huy động tăng cường đến khắp các điểm nóng, những ổ dịch phức tạp nhất trên địa bàn thành phố. Những đợt truy vết F0 diện rộng, chị V. đều hăng hái tham gia. Có con nhỏ 1 tuổi, nhưng vì nhiệm vụ, chị gửi con về ông bà ngoại chăm sóc. Làm việc nhiều, lại phải khoác trên mình bộ đồ bảo hộ nóng bức, có nhiều lúc, chị kiệt sức. Khi nhắc đến khoản phụ cấp chống dịch mà đáng ra chị và đồng nghiệp đã được nhận từ lâu, chị V. không khỏi ngậm ngùi: “Bảo chờ thì tôi cũng biết là chờ thôi. Nhưng đến nay cũng đã hơn 1 năm rồi. Đó có thể không phải số tiền quá lớn, nhưng là sự ghi nhận đối với đội ngũ tham gia chống dịch. Tôi cũng hơi buồn và thất vọng”.
Không chỉ riêng TP Vinh, tại nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhiều người tham gia chống dịch cũng đang mòn mỏi chờ tiền phụ cấp. Tại các huyện miền núi Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương,… chế độ chính sách của cán bộ y tế chống dịch COVID-19 trên địa bàn huyện mới chỉ chi trả được khoảng một nửa. Phần còn lại chưa được chi trả do “ngân sách của địa phương còn hạn hẹp”.
Anh L.T.Q, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Tương Dương cho hay, đêm 13/7/2021, bản nghèo Chằm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong một gia đình. Ngay trong đêm, anh đã tình nguyện xin vào tâm dịch, hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, truy vết. Sau này, khi lao động làm việc ở các tỉnh thành phía Nam ồ ạt trở về quê tránh dịch, anh Q. xung phong hỗ trợ cách ly, trực chốt kiểm dịch. Làm việc trong điều kiện thiếu thốn về nhân lực, trang thiết bị vật tư máy móc nhưng không ai nề hà, vẫn cố gắng để hoàn thành sứ mệnh. Dù luôn có mặt ở những “điểm nóng” nhưng đến nay, anh vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
“Anh em nhân viên y tế rất thất vọng”
Theo Nghị quyết 16 của Chính phủ, với những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc COVID-19, nghi mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc COVID-19 sẽ được hưởng phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày.
Mức hỗ trợ 200.000 đồng/người/ngày dành cho những người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm nhiệm vụ giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; người làm công việc súc rửa dụng cụ, pha chế môi trường tại cơ sở y tế để phục vụ cho phòng xét nghiệm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, còn có các mức phụ cấp thấp hơn dành cho nhiều trường hợp khác góp công phòng, chống đại dịch COVID-19. Như vậy, với các trường hợp nêu trên sẽ đều được hưởng tiền phụ cấp đối với quãng thời gian tham gia chống dịch. Tuy nhiên đến nay, khoản tiền này vẫn chỉ nằm trên giấy. Không chỉ chậm trễ mà một số nơi thủ tục để chi trả cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, trước đây quy định người đi tiêm vắc xin COVID-19 sẽ được trả phụ cấp 7.500 đồng/mũi. Nhưng sau đó lại quy định lại mỗi ngày không quá 150.000 đồng, đồng thời kèm theo điều kiện phải có chứng chỉ y khoa mới được chi trả.
Ông Nguyễn Thế Tùng - Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vinh cho biết, suốt từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP Vinh, các khoản phụ cấp chống dịch của nhân viên y tế trên địa bàn đều chưa được chi trả. Khoản tiền này khoảng 8,1 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 93 triệu đồng tiền phụ cấp chống dịch cho đoàn nhân viên y tế của Hà Tĩnh sang tăng cường cho TP Vinh hồi tháng 8/2021 đến nay cũng chưa được chi trả. “Anh em nhân viên y tế rất thất vọng. Dịch đã cơ bản được khống chế từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền phụ cấp. Trung tâm đã nhiều lần gửi văn bản lên UBND thành phố nhưng chưa nhận được phản hồi”, ông Tùng nói.
Bà Thái Thị Thùy Giang, chuyên viên Phòng Tài chính Kế hoạch thuộc TP Vinh thừa nhận, đã chậm trễ trong việc chi trả phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. “Trong năm 2021, thành phố đã chi trả được khoảng 8,2 tỷ đồng tiền phụ cấp chống dịch. Đầu năm nay, số tiền chi trả mới chỉ được khoảng 500 triệu đồng. Kinh phí phòng chống dịch quá lớn, trong khi đó ngân sách hạn hẹp, việc chi trả đã vượt quá khả năng của thành phố”, bà Giang cho hay (Tiền phong, trang 14).
Rà soát, theo dõi, tránh việc chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc chữa bệnh
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương phối hợp với Sở Y tế, cơ sở khám chữa bệnh theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, tránh việc chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc điều trị. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh vừa chủ trì cuộc họp với Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến việc cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo đó, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo dõi tiến độ đấu thầu thuốc của từng gói thầu tập trung, đấu thầu bổ sung tại sở y tế, các cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời có ý kiến, tránh tình trạng chậm đấu thầu dẫn đến thiếu thuốc phục vụ điều trị và phát sinh việc mua sắm thuốc không đúng quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn có ngay các giải pháp cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh bảo hiểm y tế.
Nhấn mạnh tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại một số cơ sở khám chữa bệnh, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội các địa phương cần phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm để phối hợp với ngành Y tế giải quyết ngay tình trạng trên.
Đồng thời, cần chủ động đề nghị Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá khi chưa có kết quả đấu thầu. Đấu thầu, mua sắm kịp thời đáp ứng yêu cầu điều trị đối với các thuốc nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 của các thuốc thuộc danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia theo phân cấp của Bộ Y tế.
Cùng với đó, theo dõi, đôn đốc việc mua sắm thuốc đảm bảo các cơ sở thực hiện tối thiểu 80% giá trị của từng phần trong hợp đồng đã ký kết đối với thuốc đấu thầu tập trung theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Thông tư số 15/2019/TT-BYT.
Về công tác đấu thầu mua sắm và cung ứng vật tư y tế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn rà soát kết quả đấu thầu, số lượng vật tư y tế còn tồn và thời gian dự kiến sử dụng hết tại cơ sở khám chữa bệnh, thời gian dự kiến hoàn thành quy trình đấu thầu. Từ đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện đấu thầu mua sắm, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trước đó, qua thực tế theo dõi và phản ánh của người bệnh cho thấy, xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại một số cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn số 1566 /BHXH-CSYT gửi Bộ Y tế đề nghị phối hợp có chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc này để không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế.
Đồng thời, cơ quan này cũng ban hành công văn gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh triển khai thực hiện ngay một số nội dung khắc phục nhanh chóng tình trạng trên, tuyệt đối không để người bệnh bảo hiểm y tế phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng (An ninh thủ đô, trang 7).
Vì sao phải ký cam kết tiêm chủng?
Những ngày qua người dân nhiều nơi xôn xao về việc phải ký cam kết, nếu không tiêm và xảy ra dịch thì phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo các cơ quan y tế lý giải nguyên nhân.
Nhiều người dân không đồng ý tiêm mũi 4 đã ký cam kết này.
Ký cam kết không có nghĩa "ép tiêm"
Một lãnh đạo phường tại TP.HCM cho biết việc ký cam kết chỉ thực hiện được trên một số người chứ thực tế không phải người nào cũng đồng ý ký. Trong phường có nhiều người dân lao động tứ xứ, buôn bán không phải lúc nào nhân viên y tế cũng dễ dàng tiếp cận.
Nếu người dân không chịu tiêm mũi 4 và cũng không ký cam kết thì nhân viên y tế cũng không có cách nào khác. "Mũi 1, mũi 2, mũi 3 hầu hết được người dân ủng hộ, còn mũi 4 thì chỉ có một số ít người dân ủng hộ", ông này cho biết.
Trước thông tin nhiều người dân không thích tiêm mũi 4, như những mũi tiêm trước đó, một lãnh đạo CDC TP.HCM cho biết trước mắt ngành y tế sẽ vận động để người dân tiêm mũi 4, người dân nào từ chối sẽ yêu cầu cam kết. Ngành y tế thành phố cũng luôn báo cáo hằng ngày cho Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng của thành phố.
Tuy nhiên đại diện chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia nói trên cho rằng việc ký cam kết không phải là "ép tiêm", mà một lần nữa chuyển tải thông điệp về an toàn tiêm chủng, vận động tiêm chủng.
"Tiêm chủng tự nguyện nhưng là tiêm chủng chống dịch. Ngày 27-6 Bộ Y tế sẽ họp báo xung quanh đợt tiêm này, trong đó công bố số liệu khảo sát sau tiêm vắc xin thời gian qua, số ca COVID-19 nặng giảm rất rõ rệt, có bằng chứng so sánh trước và sau thực hiện tiêm chủng.
Ở trẻ mắc COVID-19 nhiều cháu mắc hội chứng MICS (viêm đa cơ quan), số có hội chứng này có và không tiêm vắc xin chênh lệch rõ rệt, số không tiêm gặp hội chứng MICS nhiều hơn số có tiêm nhiều lần", chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia thông tin.
Vận động tích cực nhưng tránh "lố"
Tuy nhiên đây đó còn những yêu cầu, vận động tiêm chủng "lố", không phù hợp tình hình hiện nay. Ngày 21-6, UBND huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có văn bản thông báo về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4.
Trong đó huyện thông báo nếu người dân không chấp hành việc tiêm mũi 4 đề nghị UBND các xã, thị trấn thực hiện biện pháp: không cho phép người chưa tiêm mũi 4 ra khỏi nơi cư trú; không được tham gia nơi công cộng... Ngay sau đó huyện đã gửi đi một thông báo thay thế và yêu cầu hoàn thành tiêm chủng trước ngày 30-6.
Tại tỉnh Phú Thọ, một số người dân địa phương thông tin mặc dù chính quyền địa phương không "ép" ký các cam kết nhưng cũng có những "ràng buộc" khi vận động tiêm chủng. "Đoàn thể, chính quyền địa phương có đến vận động. Họ nói nếu không tiêm sau này có những chính sách khác như tặng quà, lương thực, hỗ trợ sẽ xem xét việc tiêm hay không!", một người dân nói.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tác dụng vắc xin COVID-19 suy giảm theo thời gian. Vì vậy việc tiêm chủng nhắc lại là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên việc tiêm chủng phải dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân.
"Chúng ta không thể "ép" buộc người dân phải tiêm bởi vắc xin COVID-19 không phải là vắc xin bắt buộc tiêm chủng. Có tình trạng một số địa phương "ép" ký cam kết tiêm chủng, cá nhân tôi đánh giá là không cần thiết và không nên.
Việc chúng ta cần làm là đẩy mạnh truyền thông, vận động người dân, cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh để người dân tự nguyện tiêm chủng, bảo vệ chính bản thân, gia đình và cộng đồng", ông Phu nói.
Đồng quan điểm với ông Phu, một lãnh đạo trung tâm y tế tại Hà Nội cũng cho rằng việc "ép" buộc người dân ký cam kết tiêm là không nên. Vì người dân có thể yêu cầu cơ sở tiêm chủng cam kết nếu xảy ra vấn đề sự cố trong quá trình tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Vậy ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm này?
"Chúng ta nên đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức điểm tiêm chủng thuận lợi để người dân tiếp cận chứ không nên có những ràng buộc về văn bản. Trừ các trường hợp tiêm chủng cho trẻ em, cần người bảo hộ xác nhận thì việc ký cam kết là cần thiết", vị này nói nhưng cho rằng những người không tiêm cũng phải chịu trách nhiệm trong trường hợp gia đình có người mắc COVID-19 hoặc làm lây lan dịch bệnh.
Trong trường hợp đã ký cam kết không tiêm, sau này xảy ra vấn đề cũng không thể thắc mắc rằng không được tiêm chủng (Tuổi trẻ, trang 2).
Bệnh tay chân miệng tăng nhanh ở Hà Nội: 3 dấu hiệu nhận biết bệnh diễn biến nặng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm và diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ đến khám vì bệnh tay chân miệng đang gia tăng. Trong tháng 4 và tháng 5, bệnh viện này ghi nhận có 776 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng đến khám, tăng 759 ca so với 2 tháng trước đó. Trong số đó có 114 trẻ phải nhập viện điều trị.
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), bé Thùy Anh (31 tháng tuổi) nhập viện vào ngày thứ 5 của bệnh, trong tình trạng sốt cao, đau rát miệng. Khi thăm khám toàn thân, các bác sĩ nhận thấy da vùng đùi 2 bên của bé rải rác mụn nước đã khô. Bé được tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết, kết quả cho thấy bé Thùy Anh mắc bệnh tay chân miệng. Sau 3 ngày điều trị, bé Anh hết sốt và đã có thể ăn được.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, cho biết số ca tăng là điều tất yếu khi trẻ quay lại trường học. Trong khi đó, tay chân miệng là bệnh lây truyền theo đường tiêu hóa, qua tiếp xúc, giọt bắn. Tuy nhiên, số ca chỉ tăng nhẹ, phân bố rải rác ở nhiều quận huyện, không có ổ dịch lớn. Ông Tuấn so sánh, giai đoạn năm 2018-2019, số ca tay chân miệng có lúc lên đến 3.000, nhiều ổ dịch phức tạp, nguy hiểm gấp 4 đến 5 lần hiện nay. Lãnh đạo CDC Hà Nội khẳng định mức tăng hiện nay chỉ cao so với năm ngoái và vẫn trong tầm kiểm soát.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Với Coxsackievirus A16 thường gặp vào mùa hè và lúc giao mùa, có thể kéo dài 3 đến 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng, phát ban phỏng nước, sốt nhẹ, nôn.
Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng. Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ 2 đến 5 ngày của bệnh. Thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 7 ngày, giai đoạn khởi phát từ 1 đến 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Hiện nay bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị hỗ trợ (không dùng thuốc kháng sinh khi không có bội nhiễm).
Cảnh báo bệnh diễn biến nặng
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết 3 dấu hiệu cha mẹ cần biết để đưa trẻ nhập viện điều trị kịp thời. Cụ thể, trẻ sốt trên 38,5 độ kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt. Giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không. Quấy khóc dai dẳng kéo dài: trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
“Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, TS Hải khuyến cáo.
Theo bác sĩ Hải, đa phần trẻ mắc bệnh có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong.
“Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm”, bác sĩ Hải lưu ý (Tiền phong, trang 15).
Bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi trong thời tiết nắng nóng
Trong đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài hai tuần qua, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số bệnh nhân là người cao tuổi nhập viện tăng gấp đôi bình thường…
Theo bác sĩ Trần Đình Thắng, Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong thời tiết nắng nóng kéo dài những ngày gần đây, không chỉ số bệnh nhân người cao tuổi nhập viện tăng mà số ca nặng cũng tăng hơn.
Cao điểm có ngày Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp nhận gần 30 ca, trong đó, khoảng một nửa vào cần có can thiệp cấp cứu hồi sức. Thậm chí có ngày số ca đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện.
Các ca bệnh thông thường trong thời điểm này thường là rối loạn điện giải, do trời nắng người già uống nước kém, cộng với mồ hôi ra nhiều làm mất nước. Bên cạnh đó, cũng có không ít ca viêm phổi do thay đổi môi trường đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài nắng nóng…
Để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong mùa nắng nóng, bác sĩ Đỗ Mai Huyền, Phó Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyến cao, gia đình cần đặc biệt quan tâm đến chế độ chăm sóc, nên ăn, uống lỏng, mềm dễ tiêu, nhiều rau xanh, hoa quả. Đặc biệt, với những người có bệnh nền cần kiểm soát uống thuốc đều, đúng lịch…
Cũng liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn Thủ đô, Sở Y tế Hà Nội vừa phối hợp với Ban đại diện Hội người cao tuổi thành phố ban hành chương trình phối hợp về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2022-2025. Đến thời điểm này, toàn bộ 30/30 Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm 2022 trên địa bàn.
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, trong tháng 6 này, hưởng ứng 81 năm Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam, Chi cục đã tổ chức chiến dịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng đã chỉ đạo điểm tại 9 huyện về việc tổ chức chiến dịch, kết hợp với thực hiện tư vấn và khám sức khỏe cho người cao tuổi trong mùa nắng nóng.
“Chiến dịch này còn tập trung vào tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nhằm phổ biến những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tư vấn cách phòng tránh một số bệnh thường gặp, tư vấn việc kiểm soát cân nặng, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất. Chẳng hạn thời tiết nắng nóng thì người cao tuổi dễ gặp các bệnh gì, cần phòng tránh ra sao, cần chế độ dinh dưỡng thế nào…” – ông Tạ Quang Huy thông tin.
Ngoài ra, giống như mọi năm, Sở Y tế Hà Nội cũng đã có chỉ đạo đến các bệnh viện, các cơ sở y tế trực thuộc về việc chống nóng cho người bệnh đến khám, điều trị ở mùa hè nóng nực. (An ninh thủ đô, trang 6).
Phát hiện một loại thuốc chữa dạ dày nghi nhập khẩu trái phép
Cục Quản lý Dược nhận được báo cáo về việc phát hiện các mẫu thuốc Nexium 20mg, Nexium 40mg nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/ lưu hành trái phép tại Việt Nam. Nexium là thuốc được dùng trong điều trị các bệnh lý như trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày tá tràng
Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ngày 26-6, Cục này đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo về thuốc nghi ngờ nhập khẩu/ lưu hành trái phép.
Trước đó, Cục Quản lý Dược nhận được văn thư của Công ty TNHH Astrazeneca Việt Nam báo cáo về việc phát hiện các mẫu thuốc Nexium 20mg, Nexium 40mg nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/ lưu hành trái phép tại Việt Nam, kèm theo các tài liệu về các thuốc này, trong đó trên bao bì của 01 mẫu thuốc có ghi "Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27/02/2013, DNNK: Công ty Cổ phần Armepharco".
Thuốc Nexium có thành phần hoạt chất chính là Esomeprazole và được dùng trong điều trị các bệnh lý như trào ngược dạ dày - thực quản, loét dạ dày tá tràng...
Sau khi xem xét, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đảm bảo việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về dược, Cục Quản lý Dược thông báo:
Các thuốc Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) bao gồm cả thuốc Nexium có dán tem "Thuốc nhập khẩu song song, số GP: 2765/QLD-KD ngày 27/02/2013, DNNK: Công ty Cổ phần Armepharco" là thuốc không được phép nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam, mạo danh doanh nghiệp nhập khẩu.
Cục dược đề nghị Sở Y tế địa phương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được mua bán, sử dụng các thuốc Nexium 20mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) và Nexium 40mg (Enterik Kaph Pellet Tablet) không rõ nguồn gốc, không được nhập khẩu, lưu hành trái phép.
Trên sản phẩm nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/ lưu hành trái phép không có thông tin về doanh nghiệp nhập khẩu thuốc hoặc thông tin doanh nghiệp nhập khẩu không đúng (Công ty cổ phần Armepharco); Không có số giấy phép đăng ký lưu hành; Thông tin trên nhãn hộp, trên vỉ và tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Cục Quản lý dược cũng yêu tổ chức tiếp nhận thông tin báo cáo của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra xác minh, truy tìm nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nghi ngờ là thuốc nhập khẩu/ lưu hành trái phép nêu trên. Đồng thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm (An ninh thủ đô, trang 6).
Hậu quả khó lường nếu tiêm vắc xin không đầy đủ
Bộ Y tế cho biết, biến thể phụ BA.5 của chủng Omicron gây đại dịch COVID-19 được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Tiêm vắc xin không đầy đủ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Tại hội nghị khoa học năm 2022 do Viện Pasteur TPHCM tổ chức mới đây, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), thông tin số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, châu Phi. Miễn dịch không bền vững, các biến thể mới, biến thể phụ vẫn có thể tiếp tục xuất hiện trên thế giới. Theo GS Lân, thời gian gần đây, biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2, trong khi biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia và có nguy cơ xâm nhập nước ta, có thể dẫn tới gia tăng các ca COVID-19 trong thời gian tới.
Trước đó, WHO nhận định thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch. Tổ chức này cũng cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, Omicron hiện là biến thể phổ biến trên thế giới, nhưng có thể chưa phải là biến thể cuối cùng.
Trong khi Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, đồng thời khuyến cáo các quốc gia cần duy trì biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, mũi nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm.
Tại Việt Nam, số ca mắc mới thời gian qua có xu hướng giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Số ca mắc mới mỗi ngày chỉ còn 600 - 700 nhưng số ca mắc mới được ghi nhận tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành. Trước nguy cơ biến thể phụ BA.5 xâm nhập, Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều các mũi vắc xin COVID-19 nhắc lại theo khuyến cáo để có thể tăng cường miễn dịch chống lại các biến thể mới của dịch bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19, nhất là tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên; đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới. Tổ chức phát động chiến dịch tiêm chủng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn quốc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo.
Để quản lí, duy trì bền vững thành quả phòng, chống dịch, Bộ Y tế nhấn mạnh cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch. Cùng với đó tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022 - 2023. Bên cạnh đó đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 16 tuổi trở lên; đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp phòng ngừa lây nhiễm, nhất là đối với các biến chủng mới.
Cục trưởng Phan Trọng Lân cho rằng hiện nhiều người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh từ 6-8 tháng qua nhưng vẫn chưa tiêm nhắc lại, nếu các biến thể COVID-19 khác tiến hóa hoặc xâm nhập sẽ dẫn đến hậu quả khó lường (Tiền phong, trang 15).
Kẻ xấu vào bệnh viện lừa đảo
Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện liên tục phát đi cảnh báo người bệnh khi đi khám phải chú ý tránh bị nhiều kẻ xấu từ bên ngoài vào lừa đảo trong bệnh viện.
Sau dịch COVID-19, bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện khám đông, khiến bệnh viện trở nên đông đúc. Lợi dụng cơ hội này, nhiều kẻ xấu dàn cảnh đủ kiểu lừa người bệnh.
Từ lừa mua thuốc đến lừa tiền
Ngày 7-6, chị A. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang ngồi chờ khám ở phòng nội soi dạ dày, Bệnh viện 108 thì được một người tự xưng là bệnh nhân giới thiệu về loại thuốc có tên là "tam thất nam" có thể chữa dứt điểm bệnh dạ dày. Đang trong tâm thế lo lắng, mệt mỏi, cộng thêm lời chào mời thuyết phục, chị A. đã tin tưởng người này và đi theo đến địa điểm mua thuốc tại cổng nhà tang lễ quốc gia.
Người này khẳng định với chị A. thuốc "tam thất nam" này do chính bác sĩ kê đơn nên yên tâm, nếu uống thuốc tây chỉ có thể giảm tình trạng bệnh đau dạ dày tức thời. Vì tin người này cũng là người bệnh giống mình, chị A. liền mua thuốc.
Trong sáng cùng ngày, trước cửa phòng nội soi dạ dày bệnh viện, ông D. cũng bị những người này dẫn dắt. Ông D. cho biết chỗ bán thuốc không cố định, chỉ có 1-2 người bán hàng cùng chiếc xe máy màu đỏ xách túi đen đựng thuốc bên trong. Sau mỗi đợt dụ dỗ khách và mua bán thành công, nhóm này di chuyển đến nơi khác, do đó bệnh nhân sau khi nhận ra mình bị nhóm người bán dàn cảnh lừa mua, không thể trả lại thuốc và lấy lại tiền. Loại thuốc mà nhóm đối tượng trên bán đựng trong túi bóng kính và buộc dây thun sơ sài, không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng, mỗi gói giá khoảng 1 triệu đồng.
Ngày 3-6, anh N.B.K. đưa người thân đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) để phẫu thuật tuyến tiền liệt. Khi đang ngồi tại hàng ghế chờ trước phòng mổ, một người đàn ông cỡ 60 tuổi đã bắt chuyện với anh K., sau đó kể về hoàn cảnh mình cũng có người nhà đang mổ. Khi vắng người, ông này xin số điện thoại anh K. và cho biết con gái đang trên đường tới thăm, ông phải ra ngoài đón, dặn anh K. khi nào bác sĩ kêu người nhà thì hãy gọi ông.
Một lúc sau người đàn ông quay lại, nghe điện thoại và nói to rằng bác sĩ kêu đóng tiền thêm gấp. Người này nói với vẻ gấp gáp và cho anh K. biết con đang đem tiền vô bệnh viện nhưng không kịp, nhờ anh K. cho mượn đỡ và sẽ hoàn trả ngay khi con đến. Do cả tin nên anh K. đã rút túi 2 triệu đồng cho mượn. Một lúc sau không thấy ông này quay trở lại trả tiền, anh K. mới biết mình bị lừa.
"Tôi muốn cảnh báo đến người bệnh không nên nhẹ dạ để bị lừa giống tôi, những kẻ xấu này lợi dụng tâm lý thương người, người dân ở nơi khác đến nên rất dễ bị lừa", anh K. nói.
Cò tung hoành
Sau dịch COVID-19, Bệnh viện Phụ sản trung ương thường xuyên phát đi cảnh báo về tình trạng cò mồi tung hoành, hoạt động mạnh trước cổng bệnh viện. Theo lãnh đạo bệnh viện này, tình trạng cò mồi trước cổng bệnh viện đã có từ rất lâu, tuy nhiên khu vực bên ngoài cổng không thuộc quản lý của bệnh viện nên mặc dù biết nhưng bệnh viện cũng không thể can thiệp.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, rất nhiều "cò bệnh viện" quay trở lại sau dịch. Vừa gửi xe bước ra khỏi cửa, một sản phụ được một phụ nữ tiếp cận: "Em đi khám bệnh hả, khám lần đầu hay khám theo lịch hẹn". Khi nhận được câu trả lời khám lần đầu tại bệnh viện, người phụ nữ này liền níu sản phụ lại: "Em khám dịch vụ phải đăng ký trước cơ, nếu không thì không khám được đâu. Chị đưa ra phòng khám của bác sĩ trưởng khoa ngay đây khám cho nhanh đỡ mệt". Vừa nói, người phụ này vừa bíu lấy tay sản phụ. Sản phụ lớ ngớ chưa hiểu đầu đuôi đã bị người phụ nữ này dẫn đi.
Theo lãnh đạo Công an phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), rất khó để xử lý triệt để tình trạng "cò bệnh viện" tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. "Gần đây nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo hành vi gây rối trật tự với mức phạt chỉ 200.000 đồng/trường hợp. Với mức xử phạt chỉ như vậy là chưa có tính răn đe nên tình trạng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Chủ yếu người dân cần nâng cao cảnh giác, truyền thông cần đưa tin cảnh báo cho người dân để tránh bị lừa gạt", vị này nói.
Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cảnh báo người dân đến khám bệnh tại bệnh viện lưu ý cần tỉnh táo để không bị lừa đảo, thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe. Tuyệt đối không tin lời mời chào, mua thuốc của những người không rõ lai lịch, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định. Người bệnh chỉ nên mua thuốc khi có đơn kê của bác sĩ.
Ông Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết cuối tháng 3-2022 bệnh viện đã phát đi cảnh báo một số kẻ xấu mượn danh nghĩa bệnh viện để lừa đảo. Họ lấy thông tin của một người bệnh từng điều trị tại bệnh viện từ rất lâu, rồi đổi thành tên bệnh nhân khác có hoàn cảnh thương tâm đăng lên mạng xã hội để kêu gọi chuyển tiền giúp đỡ.
Ông Hiển cũng thông tin tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các nhân viên y tế liên tục nhắc nhở bệnh nhân nếu có khó khăn liên hệ với phòng công tác xã hội, không đưa tiền, chuyển tiền cho bất cứ người xa lạ nào (Tuổi trẻ, trang 14).