Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/7/2021

  • |
T5g.org.vn - TP. HCM nâng công suất tiêm vắc xin lên 100.000 liều/ngày; Tăng tốc tiêm vắc xin để ngăn chặn dịch COVID -19; Ghi nhận 7.882 ca mắc mới COVID -19 trong ngày 26-7; Ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID -19…

 

TP. HCM nâng công suất tiêm vắc xin lên 100.000 liều/ngày

Hiện TP.HCM có 606 đội tiêm vắc xin, chưa kể các đội chuyên trách tại bệnh viện. Công tác tiêm chủng đang tăng tốc dần, hôm nay (27.7) có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày.  

Chiều 26.7, tại buổi họp báo về tiến độ tiêm vắc xin Covid-19, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tính từ 14 giờ ngày 22.7 đến trưa cùng ngày, các điểm tiêm đã tiêm hơn 170.000 liều vắc xin. Nhân viên y tế ghi nhận 189 trường hợp có  phản ứng sau tiêm, không có trường hợp nặng, tất cả đều được y bác sĩ xử lý ổn định. Phần lớn người có phản ứng là người trên 65 tuổi và người có bệnh nền (chiếm 70%).

Hiện TP.HCM có 606 đội tiêm, chưa kể các đội chuyên trách tại bệnh viện. Công tác tiêm chủng đang tăng tốc dần, hôm nay (27.7) có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày. Với tốc độ tiêm hiện nay, TP.HCM có thể hoàn tất kế hoạch tiêm chủng trong 10 ngày liên tiếp; sau đó dành một tuần để tiêm vét. Theo thống kê, có khoảng 10% đối tượng được lên danh sách, nhưng không tiêm vắc xin vì không đủ điều kiện khi khám sàng lọc, người lao động rời địa phương, người trên 65 tuổi vì nhiều lý do nên không đến. (Thanh niên, trang 3).

Tăng tốc tiêm vắc xin để ngăn chặn dịch Covid -19

Dù đã có những nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid -19 chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại nước ta, nhưng cho đến nay mới tiêm được tổng cộng hơn 4,6 triệu liều. Đây là một con số khá khiêm tốn so với mục tiêu tiêm khoảng 70 triệu người để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 tới. (Chi tiết xem báo). (An ninh Thủ đô, trang 1).

Ghi nhận 7.882 ca mắc mới Covid -19 trong ngày 26-7

Chiều tối nay, 26/7, Bộ Y tế công bố thêm 5.174 ca Covid-19 mới, nâng số mắc trong ngày lên 7.882 ca. Trong đó, riêng TP HCM có 5.997 ca, Hà Nội cũng có 81 ca...

Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h30 ngày 26/7 có 5.174 ca mắc mới, gồm 19 ca nhập cảnh và 5.155 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 380 ca trong cộng đồng.

Tổng cộng trong ngày 26/7 có 7.882 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước tại 32 tỉnh thành, với 887 ca trong cộng đồng.

Cụ thể: TP. Hồ Chí Minh (5997), Bình Dương (733), Đồng Nai 259), Tiền Giang (201), Đồng Tháp (135), Hà Nội (81), Đà Nẵng (61), Vĩnh Long 49), Bình Thuận (48), Phú Yên (46), Cần Thơ (43), Bến Tre (37), Đắk Lắk (29), Bình Định (27), An Giang (25), Trà Vinh (13), Khánh Hoà (12), Vĩnh Phúc (10), Lâm Đồng (9), Quảng Nam (8 ), Hậu Giang (7), Ninh Thuận (7), Đắk Nông (6), Quảng Ngãi (4), Gia Lai (3), Bạc Liêu (2), Nghệ An (2), Hưng Yên (1), Tuyên Quang (1), Cà Mau (1), Hòa Bình (1), Huế (1).

Về công tác điều trị, trong ngày hôm nay, tại các cơ sở trên cả nước có 2.006 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình tiêm vaccine Covid-19, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 4.613.491 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.223.628 liều, tiêm mũi 2 là 389.863 liều. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng Covid -19

Ngày 26-7, Bộ Y tế có Quyết định số 3588/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin Covid-19 để các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.

Theo đó, các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc xin Covid-19 là các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1-6-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, bao gồm cơ sở tiêm chủng của các bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

Đối với điểm tiêm chủng lưu động, có thể huy động nhân lực y tế địa phương hoặc địa phương khác bảo đảm đúng quy định theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP.

Chuẩn bị kỹ trước khi tiêm chủng

Sở y tế các tỉnh, thành phố lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết. Các đơn vị sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế để thực hiện đăng ký tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch tiêm chủng; chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi tiêm chủng, bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc một chiều, thứ tự: Khu vực chờ trước tiêm chủng - Bàn đón tiếp, hướng dẫn - Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng - Bàn tiêm chủng - Bàn ghi chép, nhập số liệu - Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.

Các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng và bảo đảm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chiến dịch; chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết; có bồn rửa tay xà phòng hoặc dung dịch rửa tay ngay tại điểm tiêm chủng; các bề mặt thường xuyên tiếp xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp...

Nhân viên tham gia tiêm chủng và đối tượng hỗ trợ tiêm chủng phải được tập huấn về an toàn phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cán bộ thực hiện khám sàng lọc và thêm chủng phải được tập huấn về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Các điểm tiêm chủng nên huy động tối đa các lực lượng khác ngoài ngành y tế, như lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể, bao gồm đoàn thanh niên, hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng. Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên trong từng đợt, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.

Thực hiện tiêm chủng an toàn

Cơ sở tiêm chủng phải tự thực hiện rà soát các nội dung về an toàn tiêm chủng theo hướng dẫn và khắc phục tất cả vấn đề tồn tại của cơ sở tiêm chủng trước khi tổ chức tiêm chủng. Các bước thực hiện tiêm chủng: Khai báo y tế; đo thân nhiệt; hoàn thiện phiếu đồng ý tiêm; sàng lọc trước tiêm chủng, tư vấn trước khi tiêm; tiêm chủng; theo dõi sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Các cơ sở tiêm chủng phải theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm; cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19; hướng dẫn đối tượng tiêm vắc xin tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: Toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo sở y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 7).

Tiến hành phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn thành phố để phòng dịch

Theo kế hoạch, các lực lượng sẽ phun khử khuẩn một số địa điểm có nguy cơ cao tại 7 quận, huyện gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Quốc Oai, Chương Mỹ và Thạch Thất.

Sáng 26/7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Hóa học phun khử khuẩn diện rộng trên địa bàn Hà Nội nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, các lực lượng sẽ phun khử khuẩn một số địa điểm có nguy cơ cao tại 7 quận, huyện gồm Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Quốc Oai, Chương Mỹ và Thạch Thất.

Cụ thể, Bộ Tư lệnh Hóa học và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phun khử khuẩn tại 10 phường ở khu phố cổ, 2 phường ngoài đê, phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, các tuyến đường xung quanh hồ Hoàn Kiếm, Thành ủy và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Theo Thượng tá Trần Văn Chúng, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 86, lực lượng tham gia nhiệm vụ lần này có 180 cán bộ, chiến sỹ và 15 xe chuyên dụng cùng các phương tiện, khí tài khác.

"Đây là lực lượng đã có kinh nghiệm trong việc phun khử khuẩn trên diện rộng ở nhiều địa hình khác nhau. Đợt phun này sẽ ưu tiên các khu vực cách ly, phong tỏa, khu vực có nguy cơ cao," Thượng tá Trần Văn Chúng cho biết.

Cũng trong sáng 26/7, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phun khử khuẩn tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ). Công tác phối hợp với lực lượng địa phương đã chuẩn bị chu đáo, nhanh gọn.

Thiếu tá Nguyễn Việt Đức, Trợ lý tác huấn Ban chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ, cho biết lực lượng chức năng sẽ phun khử khuẩn 2 công ty trong khu công nghiệp, trong đó có 1 công ty ghi nhận ca mắc COVID-19, sau đó phun tiếp ở 2 thôn trên địa bàn xã Phụng Châu.

Thông tin từ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết việc phun khử khuẩn toàn bộ các địa điểm có nguy cơ cao của các quận, huyện còn lại sẽ được thực hiện trong vài ngày tới./. (Hà Nội mới, trang 7).

 

Thu hồi công văn hướng dẫn điều trị dịch Covid -19 bằng dược liệu

Sáng nay 26-7, liên quan tới Công văn số 5944/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành về tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu trong đó có danh sách "12 loại thuốc đông y điều trị Covid-19", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có Công văn 5967/BYT-YDCT thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT do có một số nội dung chưa phù hợp.

Trước đó, ngày 24-7, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Theo đó, công văn này nêu rõ, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này nêu rõ, căn cứ vào diễn biến lâm sàng của người bệnh, tùy mức độ lâm sàng và thể bệnh y học cổ truyền, Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu phù hợp.

Đối với nhóm thuốc phòng và hỗ trợ điều trị có thể sử dụng 2-3 loại kết hợp, cũng như dạng sắc trên cơ sở các bài thuốc có trong hướng dẫn với các thuốc cổ truyền, sản phẩm từ dược liệu.

Cụ thể, có 12 loại thuốc cổ truyền được Bộ Y tế cho phép dùng phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, bao gồm sản phẩm đã bào chế lẫn vị thuốc như sau:

1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

2. Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương)

3. Bạch địa căn (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

4. Siro Viêm họng (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an)

6. Siro Ngân kiều (Viện Y học cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng)

7. Hạnh tô (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương)

8. Vệ khí khang (Viện Y học cổ truyền Quân đội - Bộ Quốc phòng)

9. Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất)

10. Imboot

11. Xuyên tâm liên

12. Nasagast – KG

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tổ chức bào chế, sản xuất thuốc cổ truyền, các sản phẩm từ dược liệu nếu đáp ứng các điều kiện chế biến, bào chế theo quy định.

Nếu có tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo sai, kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá, Bộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm.

Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và cộng đồng về các biện pháp phòng chống dịch bệnh để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch phù hợp.

Ngay sau khi Công văn 5944/BYT-YDCT được ban hành, dư luận đã khá bức xúc và nghi ngờ về khả năng, hiệu quả điều trị Covid-19 của 12 sản phẩm nêu trên, cũng như việc Bộ Y tế có dấu hiệu chỉ định thầu cho các cơ sở điều trị đối với các sản phẩm nêu trên.

Trước sự việc này, trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, đây là thuốc do doanh nghiệp tài trợ, hỗ trợ, không phải để đấu thầu, không phải để người bệnh đổ xô đi mua.

Theo giải thích của ông Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng. Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2. (Tuổi trẻ, trang 7An ninh Thủ đô, trang 6Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Cơ sở tiêm chủng tư nhân tham gia tiêm phòng Covid -19

Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với quy trình bắt buộc gồm 5 bước. Đồng thời khẳng định các cơ sở dịch vụ tiêm chủng tư nhân, đơn vị ngoài ngành y tế được tham gia chiến dịch tiêm phòng COVID-19.

Quy trình tổ chức tiêm chủng theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực áp dụng ngay từ ngày 26-7.

Theo hướng dẫn mới này, các cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ngoài các cơ sở tiêm chủng của các bộ ngành, cơ sở của Nhà nước, sẽ bao gồm cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện, kể cả Nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế, xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

Các cơ sở tiêm chủng phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất, bao gồm khu vực kiểm tra khai báo y tế trước khi vào khu vực tiêm chủng, khu vực chờ trước tiêm, sàng lọc, tư vấn, tiêm, theo dõi và xử lý tai biến sau tiêm chủng 30 phút theo quy định về khoảng cách và theo quy tắc 1 chiều - Bộ Y tế nêu rõ…

Đặc biệt, Bộ Y tế quy định rõ phải theo dõi người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 ít nhất 30 phút sau khi tiêm. Sau khi kết thúc thời gian theo dõi mới cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 cho người được tiêm.

Người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt là trong 7 ngày sau khi tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Bộ Y tế cũng yêu cầu dữ liệu tiêm chủng cá nhân được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế cho biết đến thời điểm này, bộ đã phê duyệt có điều kiện 5 loại vắc xin phòng COVID-19. Hầu hết các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều, khoảng cách giữa 2 liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cụ thể:

- Vắc xin AstraZeneca của Hãng AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2 từ 8-12 tuần.

- Vắc xin Sputnik V của JSC Generium (Liên bang Nga): Mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần.

- Vắc xin Cormirnaty của Hãng Pfizer (Mỹ): mũi 1 cách mũi 2 là 3 tuần.

- Vắc xin SARSCoV-2 Vaccine của Beijing Institute of Biological Products Co.Ltd (Trung Quốc): Mũi 1 cách mũi 2 là 3-4 tuần.

- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna (Mỹ): Mũi 1 cách mũi 2 là 4 tuần. (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo viên uống Xuyên Tâm Liên quảng cáo kháng Covid -19 là giả mạo

 Cục An toàn thực phẩm cảnh báo sản phẩm viên uống Xuyên Tâm Liên quảng cáo kháng Covid-19 là giả mạo, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng...

Ngày 26-7, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, Cục này nhận được phản ánh qua đường dây nóng về việc hiện trên thị trường đang xuất hiện 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có dấu hiệu quảng cáo không đúng sự thật.

Cụ thể là: Viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh). Cả hai sản phẩm này đều ghi có công dụng: kháng virus, kháng COVID-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid,…

Trước thông tin nêu trên, Cục ATTP khẳng định, 02 sản phẩm có đặc điểm và công dụng nêu trên chưa đăng ký bản công bố tại Cục này. Như vậy, 02 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe như trên là giả mạo.

Trong khi Cục ATTP đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, Cục cảnh báo người tiêu dùng:

1. Không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid 19 hay kháng Covid.

2. Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh”.

3. Người tiêu dùng phát hiện 02 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.

4. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan Y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời. (An ninh Thủ đô, trang 6; Công an nhân dân, trang 1).

Cách ly y tế Bệnh viện Phổi Hà Nội trong 14 ngày

Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành Quyết định cách ly y tể để phòng chống dịch COVID-19 đối với Bệnh viện Phổi Hà Nội trong thời gian 14 ngày kể từ 18h00 ngày 25/7/2021, cho đến khi có quyêt định mới của UBND quận.

Theo đó, khu vực thực hiện cách ly là toàn bộ BV Phổi HN,  số 44 Thanh Nhàn, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Đối tượng cách ly là toàn bộ người hiện đang có mặt tại Bệnh viện Phổi Hà Nội, có liên quan đến bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

UBND quận cũng đề nghị Bệnh viện Phổi Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương tổ chức thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định; cung cấp danh sách bệnh nhân ra viện kể từ ngày 6/7/2021 để phục vụ công tác điều tra truy vết tại cộng đồng.

Theo công bố của Sở Y tế Hà Nội, tính đến trưa 26/7, Bệnh viện Phổi Hà Nội ghi nhận 26 trường hợp dương tính SARS-CoV-2. (Tiền phong, trang 3; An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Hơn 3 triệu liều Moderna về kho an toàn

Sáng 25.7, Bộ Y tế cho biết Việt Nam tiếp nhận thêm 3.000.060 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX, trong đó 1.499.960 liều đã được chuyển đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 24.7 và 1.500.100 liều sẽ đến Hà Nội vào hôm nay (25.7).

Đây là lô vaccine Moderna thứ hai đến Việt Nam trong tháng này, nâng tổng số vaccine do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua Cơ chế COVAX lên đến hơn năm triệu liều.

Vaccine được hỗ trợ thông qua cơ chế chia sẻ vaccine của COVAX, theo đó các quốc gia có lượng vaccine dồi dào chia sẻ vaccine với các quốc gia khác nhằm giúp bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu. Số vaccine này sẽ góp phần việc thực hiện mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng 20% ở các quốc gia thu nhâp thấp và trung bình trong Giai đoạn phân bổ vaccine đầu tiên.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 7.493.300 liều vắc xin COVID -19 với 4 lô hàng từ Cơ chế COVAX bao gồm 5.000.100 liều vaccine Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ và 2.493.200 liều AstraZeneca.

Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vaccine và Gavi đồng khởi xướng, UNICEF là đối tác thực hiện chính.

Đến nay Việt Nam đã triển khai tiêm gần 4,5 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó có 353,601 người đã được tiêm liều thứ hai.

Nguồn vaccine bổ sung sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ tiêm chủng và tiếp cận nhiều người hơn trong các nhóm đối tượng ưu tiên, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiêm phòng cho hơn 70% dân số đến cuối quý I năm 2022. (Tiền phong, trang 3).  

TPHCM: Gần 15.000 bệnh nhân đợt dịch thứ 4 đã khỏi bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực xây dựng bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch của TP.HCM, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, giúp giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch

Với nhân lực, vật lực được bổ sung, các bệnh viện (BV) dã chiến đều hoạt động ổn định, TP.HCM đang kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh nhân (BN), ngăn chặn kịp thời các ca trở nặng.

17 người từng nguy kịch tại BV hồi sức COVID-19 xuất viện

Chiều 26-7, BV hồi sức COVID-19 đã trao giấy chứng nhận xuất viện cho 17 ca bệnh.

BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy kiêm Giám đốc BV hồi sức COVID-19, cho biết BV chủ yếu tiếp đón BN nặng và nguy kịch. Đến nay, BV đã tiếp nhận 400 BN trong tổng số 460 giường bệnh hiện có. Trong đó có 83 BN được chuyển từ độ nguy kịch sang độ vừa và nhẹ. Ngày 26-7, BV vui mừng tiễn 17 BN hoàn toàn hồi phục và xuất viện.

Các BN đều được xét nghiệm PCR có chỉ số CT >30 (chỉ số đo nồng độ virus), đủ tiêu chuẩn xuất viện.

Theo BS Thức, trong tuần tới, BV tiếp tục triển khai thêm 700 giường bệnh và tăng cường trang thiết bị máy thở, máy ECMO, máy lọc máu để chữa trị BN nặng. Hiện nguồn nhân lực chủ lực của BV là của BV Chợ Rẫy, BV Nhân dân Gia Định và BV Nhân dân 115. BV mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhân lực của Sở Y tế cũng như Bộ Y tế để mở rộng quy mô tiếp nhận người bệnh kịp thời.

Có mặt tại lễ xuất viện và trao giấy chứng nhận cho các BN, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng chống dịch COVID-19, chia sẻ: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với các BN cũng như của BV hồi sức COVID-19. Chỉ trong một thời gian ngắn tiến hành công tác thu nhận, cứu chữa cho các BN COVID-19 rất nặng, nguy kịch của TP.HCM, BV đã thu được những “quả ngọt” ban đầu”.

Cũng theo ông Sơn, có được thành quả này là nhờ sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm từ các cấp lãnh đạo TP cho đến Chính phủ, Bộ Y tế đã sớm xây dựng và có những giải pháp về nguồn nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế ban đầu, hình thành nên một cơ sở y tế hiện đại, giúp giành lại mạng sống cho nhiều BN nặng và nguy kịch.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), riêng ngày 25-7 có 2.115 BN xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu đến sáng 26-7 là 14.704 người.

Từ trưa 22 đến 26-7, TP.HCM đã tiêm vaccine cho hơn 170.000 người

Cùng chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã chủ trì buổi họp báo về công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt 5 trên địa bàn TP.

Ông Dương Anh Đức cho biết đợt 5, TP sẽ tiêm ba loại vaccine là AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Vaccine sau khi về đến kho của Bộ Y tế tại Viện Pasteur TP.HCM thì sẽ chuyển về kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), kế đến chuyển về kho của các quận, huyện. Trong đó, vaccine của AstraZeneca có thể tiêm ngay, còn Pfizer phải làm nguội bớt mới được tiêm và phải tiêm trong ngày.

Theo ba quyết định của Bộ Y tế, TP.HCM được cấp tổng số 902.790 liều vaccine, trong đó 612.600 liều AstraZeneca, 235.200 liều Moderna và 54.990 liều Pfizer. Hiện số liều vaccine AstraZeneca và Moderna đã về đủ ở Viện Pasteur TP.HCM, còn Pfizer mới về 25.740 liều.

TP đã cấp cho các quận, huyện, BV tại TP 432.718 liều cả ba loại vaccine để chuyển cho các đơn vị tổ chức tiêm và sẽ tiếp tục chuyển về để đảm bảo lưu trữ theo đúng quy định.

Ông Dương Anh Đức thông tin chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 đã được bắt đầu từ 14 giờ ngày 22-7, đến trưa 26-7, TP.HCM đã tiêm 170.177 liều tại các điểm tiêm ở trung tâm y tế, cộng đồng, BV.

Trong quá trình tiêm, ghi nhận 189 trường hợp có phản ứng sau tiêm nhưng chưa có trường hợp nào thực sự nặng, tất cả đều đã được xử lý ổn. “Phần lớn người có phản ứng là người được tiêm trong BV, vì đây là những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền” - ông Đức nói thêm.

Về công tác tổ chức tiêm, TP đã có 606 đội tiêm vaccine, chưa kể các đội tiêm chuyên trách của các BV. Trong những ngày qua, tốc độ tiêm đang tăng dần. “Đến hôm nay, TP đã đạt được tốc độ tối đa là 60% so với dự kiến, từ ngày mai sẽ tăng tốc dần lên. Khi đạt được đầy đủ công suất thì có thể đạt 100.000 mũi tiêm/ngày” - ông Đức thông tin và khẳng định so với đợt 4 thì lần này có thể tổ chức tiêm nhanh hơn. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

                                                                                                              

Những người đầu tiên như từ cõi chết trở về

17 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tại TP.HCM vừa được điều trị khỏi bệnh, xuất viện chiều qua (26-7). Đây cũng là những bệnh nhân đầu tiên khỏi bệnh xuất viện, sau nhiều ngày bệnh viện dồn dập tiếp nhận các bệnh nhân nặng, nguy kịch từ khắp nơi.

"Chú ơi, chú khỏi bệnh rồi, hôm nay tụi con cho chú xuất viện nhé. Bệnh viện chúc cô chú về nhà mạnh khỏe, chịu khó ăn uống bồi bổ và nhớ là cách ly thêm ở nhà 14 ngày nữa ạ" - điều dưỡng Thu Cúc vỗ nhẹ vai của bệnh nhân Nguyễn Ngọc Đi (61 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) dặn dò. 

Ông Đi, dù có hơi lãng tai một chút nhưng khi được nhắc lại, bèn gật gù: "Đúng. Đúng. Cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định như thế".

Không tin mình còn sống

Khi biết sẽ được xuất viện, bà Nguyễn Thị Tiếng (63 tuổi, vợ ông Đi) không giấu nổi niềm vui. Từ trưa, hai vợ chồng tỉ mẩn thu dọn tư trang chờ đến giờ được về nhà sau hơn nửa tháng được chuyển điều trị ở nhiều cơ sở y tế. 

"Tôi mừng lắm. Những ngày qua, tôi cùng chồng được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, lo lắng từng miếng ăn, giấc ngủ. Tôi chỉ biết gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ, các tình nguyện viên đã giúp đỡ, nỗ lực điều trị cho vợ chồng tôi" - bà Tiếng chia sẻ.

17 bệnh nhân may mắn được điều trị khỏi bệnh có độ tuổi từ 30 - 68, sinh sống rải rác ở 10 quận huyện khắp TP.HCM. Trong số này có một bệnh nhân người Anh. Được xuất viện, bệnh nhân này tỏ ra vô cùng phấn khích. "Tôi rất hài lòng. Trong suốt thời gian điều trị, y bác sĩ rất thân thiện, chăm lo đồ ăn, thức uống cho bệnh nhân rất chu đáo" - ông nói.

Đại diện cho 17 bệnh nhân chia sẻ cảm xúc ngày xuất viện, anh Danh Hoàng Sa (31 tuổi, quê Kiên Giang) nói rằng không thể ngờ mình còn sống. Được điều trị khỏi bệnh, xuất viện về với gia đình, với anh như được tái sinh một lần nữa.

Từ Kiên Giang, anh Sa một thân một mình lên TP.HCM làm công nhân tại một công ty trong Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Trong một lần xét nghiệm tầm soát vào đầu tháng 7, anh nhận cú sốc "dương tính với COVID-19". 

Sau ít phút định thần, anh sắp xếp quần áo, vật dụng sinh hoạt bỏ vào balô, rồi cùng với một số đồng nghiệp ngồi xe cứu thương vào Bệnh viện dã chiến số 8 (phường An Khánh, TP Thủ Đức) cách ly, điều trị. Nhưng chỉ sau ít ngày, bệnh tình của anh chuyển nặng, tiếp tục được cấp tốc chuyển qua Bệnh viện hồi sức cấp cứu.

Rất đau xót khi không thể cứu được bệnh nhân

Có mặt trong buổi lễ xuất viện, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - gửi lời chúc mừng tới tất cả bệnh nhân đã vượt qua bệnh tật để về chăm sóc tại gia đình. Theo thứ trưởng, trong số các bệnh nhân ra viện, có người bệnh rất nặng và nguy kịch. Tuy vậy nhờ sự tận tình, nỗ lực hết mình của y bác sĩ, các bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh.

"Khi trực tiếp trải qua quá trình điều trị, các bệnh nhân sẽ có rất nhiều kinh nghiệm và là những nhân chứng sống để khi về địa phương tuyên truyền, nhắc nhở bà con lối xóm tuân thủ các biện pháp phòng dịch; các cách chăm sóc bảo vệ bản thân, đồng thời biết cách nhận biết các triệu chứng mắc bệnh, thông tin điều trị kịp thời, tránh diễn tiến bệnh trở nặng" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói. 

Đồng thời gửi lời cảm ơn đến y bác sĩ, các tình nguyện viên, nhân viên của Bệnh viện hồi sức COVID-19 đã cùng nhau hợp tác, gắn kết vượt qua nhiều khó khăn để điều trị cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Thanh Linh - phó giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện hồi sức - cho biết gần 2 tuần đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 410 bệnh nhân nặng và nguy kịch. Sau một thời gian hồi sức, đã có 88 bệnh nhân sức khỏe ổn định được chuyển về các tuyến cơ sở và 17 bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, được xuất viện ngày 26-7. 

"Bệnh nhân vào đây phần lớn rất nặng. Mỗi khi có người mất, chúng tôi rất đau xót. Nhiều bệnh nhân được cứu sống hoặc chuyển từ mức độ nguy kịch sang nhẹ, và xuất viện, mang đến nhiều tín hiệu lạc quan trong quá trình điều trị. Cứu sống bệnh nhân là nỗ lực của rất nhiều người, từ nhiều bộ phận của nhiều bệnh viện" - bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ. (Tuổi trẻ, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang