Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/7/2023

  • |
T5g.org.vn - Khánh Hòa tập trung phòng, chống dịch tay chân miệng; Sinh viên y ngồi hành lang bệnh viện nghe... thực hành: Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa; Hà Nội: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế; Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, có cách nào phòng bệnh chuyển nặng? Hải Phòng thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 từ bố cho con…

 

Khánh Hòa tập trung phòng, chống dịch tay chân miệng

Từ đầu tháng 7/2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng tại Khánh Hòa tăng đột biến. Nhiều bệnh nhân chuyển biến nặng và đã có một ca bệnh tử vong. Tuy nhiên, nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã bớt căng thẳng.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Khánh Hòa có 1.205 ca mắc tay chân miệng, tăng 558 ca so với cùng kỳ năm 2022. Số ca mắc tăng cao trong tháng 6 với 267 ca; tháng 7 với 795 ca, vượt qua mức trung bình của 5 năm 2018-2022. Ðặc biệt đầu tháng 7, số ca mắc đã vượt ngưỡng cảnh báo dịch.

Hiện nay, tất cả tám huyện, thị xã, thành phố ở Khánh Hòa đều có ca mắc tay chân miệng. Trong đó, huyện Vạn Ninh có số ca mắc cao nhất (413 ca), tiếp đến là thành phố Nha Trang (398 ca), các huyện miền núi cũng có nhiều ca mắc. Vạn Ninh còn là địa phương có số ổ dịch cao nhất, với 28 trong tổng số 61 ổ dịch trên địa bàn toàn tỉnh. Theo phân tích của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tập trung ở trẻ từ 5 tuổi trở xuống, chiếm 93,4% số ca mắc; trong đó, nhóm từ 13 đến 36 tháng tuổi chiếm 60,4% tổng số trường hợp mắc… tuổi trung bình mắc bệnh tay chân miệng của trẻ là 2,5 tuổi. Phân độ lâm sàng của bệnh nhân chủ yếu là độ 1 và độ 2a. Trong số các ca mắc, ghi nhận 15 trường hợp có phân độ lâm sàng là độ 3 và ba trường hợp là độ 4. Một trong số ba trường hợp có độ 4 đã tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Ðông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, do vào chu kỳ đỉnh dịch, thời tiết nắng nóng nên dịch bệnh tay chân miệng phát triển mạnh. Thực tế cho thấy, trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi có bệnh nền dễ chuyển nặng khi mắc bệnh. Năm nay, dịch có diễn biến nhanh, trở nặng nhanh, mức độ nguy hiểm cao hơn trước. Trước đây, từ bốn đến năm ngày bệnh mới chuyển nặng, nay chỉ từ hai đến ba ngày. Trường hợp bệnh nhân tử vong nêu trên là một điển hình cho sự nguy hiểm của dịch bệnh năm nay.

Thông thường, khoảng 90% số trẻ mắc tay chân miệng tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, năm nay, trong số 498 ca được lấy mẫu xét nghiệm có 231 ca dương tính, chiếm 46,4% số ca được xét nghiệm, phát hiện có kháng thể IgM của EV71. Ðây là chủng vi-rút có độc lực cao, trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dựa trên quy luật phát triển của dịch bệnh cũng như tình hình thời tiết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa dự báo số ca mắc mới sẽ còn tăng cao vào các tháng tiếp theo. Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn, trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, lực lượng y tế tuyến tỉnh đã khẩn trương hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố xác minh ca bệnh và thực hiện ngay biện pháp phòng chống; truyền thông cách phòng bệnh, nhận biết bệnh tay chân miệng một cách dễ hiểu nhất đến các hộ dân, trường mầm non, mẫu giáo; khuyến cáo phụ huynh không được chủ quan vì bệnh tay chân miệng nếu để quá nặng sẽ dẫn đến biến chứng, tử vong. Trung tâm cũng đã ban hành kế hoạch về phòng chống bệnh; tổ chức giám sát, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố về công tác xác minh các ca bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; lồng ghép hoạt động truyền thông vào các ngày tổ chức tiêm chủng hằng tháng tại trạm y tế, trường mầm non, mẫu giáo; tập huấn cho những người làm công tác y tế học đường, bảo mẫu ở các trường mầm non.

Bác sĩ Nguyễn Ðông cho biết, để kịp thời cứu chữa người mắc tay chân miệng, bệnh viện phối hợp chặt chẽ với mạng lưới y tế cơ sở, nắm chắc tình hình diễn biến, những bệnh nhân độ 2b trở lên được kịp thời đưa về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh điều trị. Theo bác sĩ Nguyễn Ðông, các biến chứng nguy hiểm thường xảy ra ở ba giờ đầu tiên kể từ khi trẻ có các biểu hiện chuyển biến nặng; thời gian vàng để cứu trẻ mắc tay chân miệng là trước 72 giờ kể từ lúc xuất hiện biến chứng. Nếu trẻ đã xuất hiện biến chứng mà để quá 72 giờ mới được đưa đến bệnh viện thì việc cứu sống là khó khăn, nếu cứu được cũng để lại di chứng rất nặng nề.

Dự báo, bệnh tay chân miệng tại Khánh Hòa sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, trong khi trẻ mắc tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với sốt mọc răng, phát ban, dị ứng… Cho nên, hễ thấy trẻ có các biểu hiện như sốt, nôn, biếng ăn, có bọng nước, vết loét dưới da, đặc biệt là ở tay, chân, miệng, phụ huynh phải nhanh chóng đưa các cháu đến cơ sở y tế để khám, điều trị bệnh kịp thời, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến nặng, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Ðông cũng kiến nghị Bộ Y tế tăng cường nhập khẩu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo dịch rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ huynh có con em trong độ tuổi dễ bị mắc bệnh. (Nhân dân, trang 8).

 

Sinh viên y ngồi hành lang bệnh viện nghe... thực hành: Cần đẩy mạnh cơ chế giám sát các chương trình đào tạo y khoa

Nhiều trường ĐH tuyển sinh ngành y khoa với số lượng lớn, trong khi không đảm bảo đội ngũ giảng dạy và cơsở thực hành khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đội ngũ bác sĩ sau khi ra trường.

GS-TS-BS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đã chia sẻ với phóng viên Thanh Niên xung quanh vấn đề này. Lớp học với khoảng 500 sv thì các em thực hành kiểu gì !
Ông nhận định gì về thực trạng đào tạo y khoa ở VN hiện nay, thưa ông?

Đào tạo y khoa là đào tạo nghề đặc biệt. Khoảng 15 năm trước, số lượng trường đào tạo bác sĩ y khoa của VN chỉ khoảng 8 trường, nay cả nước đã tăng lên 32 trường. Số lượng sinh viên (SV) y khoa toàn quốc hiện nay khoảng 12.000 mỗi năm, tăng gấp gần 4 lần so với 15 năm trước. Tuy nhiên, số lượng bệnh viện (BV), đặc biệt các BV thực hành có tăng gấp 4 lần không là một dấu hỏi. Chỉ nói về số lượng thôi đã là dấu hỏi lớn. Thực trạng đào tạo ngành y ở nhiều trường ngoài công lập là rất đáng lo ngại. Số lượng SV ngành y ở nhiều trường quá đông, giảng viên cơ hữu của trường dạy thực hành ở BV không có nhiều. Cơ sở vật chất cũng có nhưng việc đảm bảo mỗi SV đều có cơ hội thực hành không hay SV chỉ ngó, chỉ nhìn? Tôi từng thấy ở một trường cũng trang bị máy khá hiện đại. Nhưng việc tổ chức lớp học với khoảng 500 SV thì các em thực hành kiểu gì, nếu có thì cũng chỉ qua loa cho xong. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến hệ thống đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng kém, hệ quả tất yếu sẽ dẫn đến hệ thống y tế bị suy yếu. Chất lượng nguồn nhân lực kém thì chắc chắn không thể có chất lượng hệ thống y tế tốt được.

Theo ông, thực trạng trên có nguyên nhân từ đâu?

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ thực tế SV ngành y ở một số trường hiện nay quá đông. Mà điều này lại xuất phát từ quy định mở mã ngành đào tạo bác sĩ y khoa chưa đúng với tính chất đặc thù của đào tạo y khoa. Dù Bộ GD-ĐT đã có những quy định đặc thù cho khối ngành đào tạo khoa học sức khỏe từ chương trình đào tạo, xác định chỉ tiêu, tuyển sinh đầu vào, đảm bảo chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, hiện nay cũng chỉ mới có 5/32 chương trình đào tạo bác sĩ y khoa được kiểm định chất lượng giáo dục, do đó cần đẩy mạnh cơ chế giám sát đặc thù và chặt chẽ hơn nữa. Ví dụ về tỷ lệ SV/giảng viên, lĩnh vực y khoa cần cao hơn, chỉ nên ở mức 10/1. Ở các nước trên thế giới tỷ lệ trung bình khoảng 4 SV/giảng viên, thậm chí ở ĐH Y Harvard (Mỹ), tỷ lệ này là đảo ngược ở mức 10 giảng viên/SV.

Bên cạnh đó, hiện nay ở một số trường có tình trạng hòa lẫn chỉ tiêu giữa các ngành miễn sao không vượt quá tổng chỉ tiêu. Các trường tập trung dồn chỉ tiêu tuyển cho ngành y bằng chỉ tiêu của ngành khác. Điều này đặc biệt không được xảy ra với ngành học này để đảm bảo chất lượng đầu ra. Đồng thời, cần có giám sát rõ ràng về chất lượng giáo dục từ khâu mở mã ngành, tuyển sinh đến quá trình đào tạo… Cũng cần nhấn mạnh một lần nữa, ngành y là một ngành đào tạo đặc biệt. Trong đào tạo ngành y, có câu nói "failure to fail" (tạm dịch là "thất bại trong việc đánh rớt"). Tức là có SV lẽ ra phải bị đánh rớt thì lại cho đậu. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Vì bác sĩ ra trường cần có đủ năng lực để cứu người. Hậu quả của đào tạo không tốt là rất lâu dài vì SV sau khi ra trường sẽ làm việc trong 40 - 50 năm tiếp theo sau đó. Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã nhấn mạnh đến chất lượng nguồn nhân lực y tế chứ không chỉ là số lượng nữa.

Sai lầm về triết lý giáo dục trong lĩnh vực y tế
Thực trạng một phòng 18 bệnh nhân nhưng có tới 82 SV thực tập được ghi nhận tại một BV ở TP.HCM vừa qua, theo ông cần có giải pháp nào cho tình trạng này?

Câu chuyện đó cho thấy sự quá tải tại các cơ sở thực hành của SV lĩnh vực sức khỏe. Thực tế này có nguyên nhân trực tiếp từ việc các trường y dù được thành lập ở đâu cũng mong muốn gửi SV của mình về các BV ở TP lớn thực tập. Ví dụ hiện nhiều SV ngành y của các trường ở tỉnh… đang được gửi lên các BV tại TP.HCM để thực hành.

Dù các trường khi gửi SV lên TP lớn thực tập với mong muốn người học được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật tiên tiến hiện đại nhất, nhưng về mặt triết lý giáo dục là hoàn toàn sai, nhất là triết lý giáo dục trong lĩnh vực y tế. Việc cho phép thành lập trường y ở địa phương là vì mục tiêu phục vụ cho hệ thống y tế địa phương ngay trong quá trình đào tạo SV và sau khi SV tốt nghiệp ra trường.

Việc các SV trường y ở địa phương lên thực tập tại các BV ở TP lớn không chỉ không giúp SV hiểu rõ được sự vận hành của hệ thống y tế địa phương, cũng không giúp ích được gì cho BV thực hành trong quá trình thực tập cũng như sau này, mà còn tạo ra áp lực cực kỳ lớn cho các BV TP về tải lượng SV thực tập. Điều này phá hỏng toàn bộ hệ thống đào tạo thực hành tại hệ thống y tế của TP. Vì sự quá tải đó mà những trường muốn làm tốt cũng không thể làm tốt được. Để phù hợp với triết lý giáo dục y khoa, theo quan điểm của tôi, SV của trường đóng ở địa phương nào thì thực tập ở BV của địa phương đó và các vùng lân cận.

Mỗi trường y đều phải có một hoặc nhiều BV thực hành của riêng mình với giảng viên cơ hữu làm việc tại BV vừa tham gia khám chữa bệnh, vừa tham gia giảng dạy. Trường phải có giảng viên của mình làm việc ở các BV này. BV sẽ sử dụng giảng viên, học viên sau ĐH, SV như nguồn lực của BV. Mặt khác, một trong những nhiệm vụ của BV thực hành là đào tạo và sẽ tạo điều kiện cho công tác giảng dạy. Có như vậy mới tạo được sự gắn kết trường - viện và sự cam kết của đôi bên. Sự kết hợp của BV với một trường cụ thể trong đào tạo lĩnh vực sức khỏe cũng sẽ góp phần giúp giáo dục liên ngành tốt hơn, vì hành nghề trong lĩnh vực sức khỏe đòi hỏi kỹ năng làm việc theo nhóm và liên chuyên ngành. Giáo dục liên ngành ngay trong quá trình đào tạo tại trường là rất cần thiết.

Tuy nhiên, cần có quy định hỗ trợ tài chính trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Có thể trích từ quỹ bảo hiểm y tế, hoặc trích từ nguồn thu của BV thông qua việc nhà nước có thể khấu trừ hoặc miễn thuế cho BV giảng dạy thực hành, thay vì đóng thuế thì có thể giữ phần kinh phí đó cho hoạt động đào tạo…

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghiên cứu thêm việc bố trí các BV tại địa bàn làm nơi thực hành của một trường y cụ thể hoặc chuyển đổi BV hiện có thành BV trực thuộc các trường đào tạo y khoa. Mô hình này sẽ tương tự việc chuyển nguyên trạng BV Xây dựng từ Bộ Xây dựng cho ĐH Quốc gia Hà Nội để tổ chức lại thành BV thực hành nhằm phục vụ hoạt động đào tạo thực hành cho SV Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội).  (Thanh niên, trang 17).

 

Hà Nội: Khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế

UBND TP Hà Nội yêu cầu, trước 30/7 các đơn vị phải có kế hoạch rõ giải pháp, thời gian hoàn thành việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế.
Mục đích của kế hoạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm, nguyên nhân chủ yêu do vướng mắc trong quy định về đấu thầu đã được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm công tác năm 2022 của Ban Cán sự Đảng và Tập thể lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và Hội nghị kiểm điểm sâu của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội năm 2022.

Đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, các tổ chức trong hệ thống chính trị TP; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đảm bảo đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Để khắc phục dứt điểm hạn chế, khuyết điểm trên, UBND TP. Hà Nội đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm:

Trong đó, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội về công tác bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và các văn bản pháp luật hiện hành; tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra.

Tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế chỉ ra; Tiếp tục bám sát thực tế, thường xuyên đánh giá, tổng hợp những khó khăn về tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách toàn diện, chính xác, trung thực, khách quan để báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó để tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả;
Giám đốc, thủ trưởng các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Ủy ban Nhân dân Thành phố nếu để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất phục vụ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh dịch; tiếp tục chủ động thực hiện việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đáp ứng cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cơ sở tiếp tục bám sát thực tế, thường xuyên đánh giá, tổng hợp những khó khăn về tình hình thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách toàn diện, chính xác, trung thực, khách quan để báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền để tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.

Cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế về việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đúng quy định, có giải pháp cụ thể để bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế giá cả hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành, có các giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm tình trạng không cung ứng được dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cụ thể, chi tiết đầy đủ Luật Đấu thầu và các văn bản liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tăng cường kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm chưa tích cực để khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm của một số cán bộ làm công tác mua sắm.

Các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tiến độ, hiệu quả thực hiện nội dung trên.

Để làm tốt các nội dung trên, UBND TP. Hà Nội phân công Sở Y tế là cơ quan thường trực, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác đấu thầu thuốc, triển khai, hướng dẫn đơn vị thực hiện công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Bộ Y tế, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ các quy định hiện hành, các chủ trương, chính sách và định hướng của Thành phố, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch đầu tư, báo cáo đề xuất với UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách cho các dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế theo quy định. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức pháp luật về đấu thầu cho cán bộ làm công tác đấu thầu tại các cơ sở y tế.

Thành phố giao Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh trong việc mua sắm, thanh quyết toán Bảo hiểm y tế kịp thời, không để xảy ra thiếu thuốc, vật tư y tế do chưa được quyết toán kinh phí Bảo hiểm y tế.

UBND các quận, huyện, thị xã được giao phối hợp với Sở Y tế giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; chỉ đạo Phòng y tế phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót để kiến nghị khắc phục. (Công an nhân dân, trang 1).

 

Số ca mắc tay chân miệng tăng nhanh tại TP.HCM, có cách nào phòng bệnh chuyển nặng?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.
Chiều 25/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, tính từ ngày 17/7 đến ngày 23/7/2023, số ca mắc bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng nhanh tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, có 2.356 ca bệnh được ghi nhận, tăng gấp 1,6 lần so với trung bình 4 tuần trước là 1.455 ca.

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 29 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Trước tình hình gia tăng bệnh tay chân miệng trên địa bàn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM cho hay, thông thường khi bị bệnh tay chân miệng thì tỷ lệ nặng chiếm khoảng dưới 10%. Tuy nhiên, nếu số trẻ cùng một đợt bị nhiều quá thì chắc chắn số lượng biến chứng sẽ nhiều. Số biến chứng nhiều thì chắc chắn sẽ phải đến bệnh viện nhiều, lúc đó số nhân viên y tế sẽ không đủ để đáp ứng để điều trị. Do vậy cần phải làm sao để hạn chế thấp nhất số lượng trẻ bị nặng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cần phát hiện sớm, theo dõi sát và hạn chế cho trẻ mắc tay chân miệng vận động quá mức. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh tay chân miệng còn phụ thuộc vào cơ địa của trẻ và động lực của virus gây bệnh.

Bác sĩ Khanh cũng thông tin thêm, đối với bệnh tay chân miệng khi chuyển nặng đứa trẻ có thể vẫn tỉnh táo, nhưng ngay sau đó sẽ chuyển nặng rất nhanh.

"Do đó, cái quan trọng không phải là giảm biến chứng mà quan trọng là phát hiện thật sớm biến chứng ngay khi biết trẻ mắc tay chân miệng. Không có cách nào để phòng biến chứng tay chân miệng chuyển nặng chỉ có cách là theo dõi sát để phát hiện biến chứng, hạn chế vận động nếu nghi ngờ có thể có biến chứng", bác sĩ Trương Hữu Khanh cho hay.

Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp và "nóng", vì thế bác sĩ Khanh có những lưu ý dưới đây cho cha mẹ:

-Theo dõi trẻ có dấu hiệu bất thường như quấy, bỏ bú, kém ăn, giật mình... nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

-Do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa nên tự phòng ngừa bằng cách tăng cường đề kháng, hệ miễn dịch, điều này rất quan trọng. Muốn tăng đề kháng yếu tố cơ bản là ăn uống và vận động. Ăn đa dạng, đúng, đủ các chất con cần, cho con chơi thể thao, chạy nhảy...

-Thường xuyên rửa tay và hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, ăn sạch, uống sạch

-Bệnh lây qua nước bọt nên nếu có bé bị tay chân miệng cần cho bé nghỉ và thông báo với nhà trường để tránh lây lan. Rửa sạch những vật dụng bé hay cầm, ngậm như đồ chơi, tay nắm cửa, sàn nhà... bằng xà phòng. Phòng lúc nào cũng hơn chữa. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

 

Hải Phòng thực hiện thành công ca ghép thận thứ 2 từ bố cho con

Khi hay tin BV Việt Tiệp, Hải Phòng đã triển khai ghép thận và ca ghép đầu tiên thành công nên gia đình ông Bản đã họp bàn, thống nhất để bố hiến 1 quả thận, ghép cho con trai.
Vào sáng nay (25/7), tại Khoa Gây mê hồi sức BV Hữu nghị Việt Tiệp, Hải Phòng, kip mổ của bệnh viện đã triển khai ca ghép thận thứ hai. Đáng chú ý, người hiến thận là bố của bệnh nhân. Cả hai đều sinh sống tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Theo thông tin từ phía bệnh viện Việt Tiệp cho biết: Người hiến tạng là ông Nguyễn Văn Bản, SN 1972 ở xã Mỹ Lộc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ông Bản sinh được 1 trai, 1 gái và không may người con trai tên Nguyễn Duy Nhất, SN 1996 bị suy thận.

Cách đây 3 tháng, Nguyễn Duy Nhất phát hiện bị thận mạn giai đoạn cuối và bước vào chu kỳ lọc máu 3 lần/ tuần bằng catheter tại BV Thái Bình.

Khi hay tin BV Việt Tiệp đã triển khai ghép thận và ca ghép đầu tiên thành công nên gia đình ông Bản đã họp bàn, thống nhất sẽ ghép thận cho con.

Qua tư vấn và tìm hiểu về điều kiện ghép thận, ông Bản quyết định tặng con 1 quả thận của mình. Ông Bản cùng con đăng ký với BV Việt Tiệp xin được tầm soát để ghép thận.

Qua tầm soát, kiểm tra chuyên môn theo quy trình cho thấy, bệnh nhân Nguyễn Văn Bản (người hiến) có tiền sử khỏe mạnh, nhóm máu O, Rh(+), HLA phù hợp với người nhận 4/6 chỉ số, mức lọc cầu thận đạt, các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh bình thường, phù hợp để cho thận. Theo đó, bệnh nhân Bản được hội chẩn duyệt mổ tại bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và Trung tâm ghép tạng bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thống nhất lấy thận phải.

Về phía người nhận thận Nguyễn Duy Nhất (con trai của người hiến), qua kiểm tra, tầm soát, phía bệnh viện đánh giá nhóm máu O, Rh(+), HLA của bệnh nhân Nhất phù hợp người hiến 4/6, tiền mẫn cảm âm tính, đọ chéo âm tính, các chỉ số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, khám gây mê đủ tiêu chuẩn nhận thận. Đến 8 giờ ngày 25/7/2023, tại phòng mổ của bệnh viện, bệnh nhân Nguyễn Văn Bản đã được kip mổ triển khai gây mê, lấy thận phải để chuyển, ghép cho con trai Nguyễn Duy Nhất.

Chia sẻ về cảm xúc chuẩn bị bước vào ca ghép thận, bệnh nhân Nguyễn Duy Nhất xúc động bày tỏ: "Tôi hồi hộp suốt từ sáng sớm đến giờ và luôn nghĩ đến tình yêu, sự hi sinh của bố dành cho mình".

Giám đốc BV Việt Tiệp, Đỗ Văn Thắng cho biết: Ca ghép thận thứ 2 diễn ra gần 5 tiếng và diễn ra tốt đẹp, thuận lợi. Hiện, cả 2 bệnh nhân đều đã tỉnh và đang được tiếp tục theo dõi sau mổ".

Để thực hiện việc đăng ký ghép thận, người cho thận phải có đầy đủ các giấy tờ như: Căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy xác nhận dân sự, giấy khai sinh, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đơn tình nguyện hiến thận, phiếu tư vấn đăng ký hiến tạng, phiếu tư vấn trước khi phẫu thuật lấy tạng. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).  

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang