Chữa vết thương không cần kháng sinh
Khởi động bằng một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở chỉ với 15 triệu đồng, sau bốn năm mày mò, sáng tạo, chiếc máy phát tia plasma lạnh ứng dụng công nghệ hồ quang trượt do TS Đỗ Hoàng Tùng cùng các cộng sự (Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) sáng chế đã ra đời. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ứng dụng thành công công nghệ plasma lạnh điều trị trong y tế và thẩm mỹ. Hơn 10 năm trước, GS Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Vật lý từng nói với Đỗ Hoàng Tùng (khi đó còn làm việc tại Viện Vật lý lý thuyết) rằng, không hiểu tại sao ngành vật lý plasma ứng dụng rất nhiều mà Việt Nam chưa thấy ai học. Thầy đã đưa cho anh hai hướng lựa chọn: Tiếp tục đi sâu vào Vật lý lý thuyết hoặc đi theo hướng nghiên cứu plasma để trở thành người đặt những viên gạch nền móng xây dựng chuyên ngành này tại Việt Nam. Vốn là người thích khám phá cái mới, Tùng đã chọn hướng đi nghiên cứu về plasma dù biết sẽ gặp nhiều thử thách và khó khăn. Khi ở Đức, mới đầu Tùng nghiên cứu về plasma áp suất thấp để chế tạo vật liệu na-nô. Tuy nhiên, do các thiết bị plasma áp suất thấp rất đắt tiền cho nên anh chuyển hướng sang nghiên cứu plasma áp suất khí quyển (lạnh), nhất là plasma y sinh. Hơn tám năm ở chính nơi được coi là cái nôi của công nghệ plasma, TS Đỗ Hoàng Tùng đã cố gắng mày mò, học định hướng của ngành plasma, “nhìn ngó” xem người ta làm gì, mình làm được gì để ứng dụng được khi về Việt Nam. Khi đã nhìn ra được con đường đi của mình, năm 2011, TS Đỗ Hoàng Tùng về Việt Nam, bắt đầu từ một đề tài nghiên cứu cấp cơ sở chỉ với 15 triệu đồng và “vốn dắt lưng” để thực hiện đam mê, dần thực hiện những gì đã học được. Sau bốn năm nghiên cứu và thử nghiệm, TS Đỗ Hoàng Tùng cùng các cộng sự đã sáng chế thành công máy phát tia plasma lạnh có tên PlasmaMed ứng dụng công nghệ hồ quang trượt (Gliding arc plasma - GAP) - một trong những chiếc máy phát tia plasma đầu tiên trên thế giới dựa trên nguyên lý này. TS Đỗ Hoàng Tùng cho biết, plasma là một trong bốn trạng thái của vật chất, bên cạnh dạng rắn, lỏng và khí. Nhóm nghiên cứu sử dụng nguyên lý hồ quang trượt để ion hóa khí agon thành plasma, tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím đều có khả năng diệt khuẩn. Tác động tổng hợp của chúng khiến cho plasma diệt khuẩn nhanh, phổ rộng, có tác dụng cả với vi khuẩn kháng kháng sinh, đồng thời tái tạo mô, nhanh làm lành vết thương mà quá trình điều trị không cần tới kháng sinh. Trước tình trạng kháng kháng sinh của vi sinh vật ngày càng tăng gây khó khăn trong điều trị, việc nghiên cứu những ứng dụng có khả năng diệt vi sinh vật thay thế cho kháng sinh là rất quan trọng. Trong đó, nghiên cứu ứng dụng plasma trong diệt khuẩn đã phát triển rất mạnh trong những năm gần đây ở các nước phát triển. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có bốn thiết bị plasma lạnh trên thế giới có chứng chỉ CE của châu Âu cho thiết bị y tế, đến từ các quốc gia Đức, Anh và I-xra-en.
Bổ sung thông tin ‘đủ 5 năm liên tục’ trên thẻ BHYT Thời gian tới sẽ đồng loạt triển khai việc cấp thẻ BHYT theo số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT. Liên quan đến thông tin nhiều người đủ năm năm tham gia BHYT liên tục theo quy định của Luật BHYT nhưng chưa được in thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục” trên thẻ BHYT, chiều 25-8, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết hiện BHXH VN đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành khắc phục tình trạng này. Theo đó, trên cơ sở dữ liệu thống kê danh sách hộ gia đình do Trung tâm Công nghệ thông tin BHXH Việt Nam cung cấp, BHXH tỉnh thực hiện rà soát dữ liệu người tham gia BHYT để thực hiện đổi thẻ BHYT có bổ sung thông tin “thời điểm đủ 05 năm liên tục” khi thẻ BHYT của người tham gia BHYT hết thời hạn sử dụng. Những trường hợp khi khám chữa bệnh BHYT được cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả thì thực hiện ngay việc đổi thẻ BHYT mới có bổ sung thông tin trên trả cho người tham gia BHYT. Ông Sơn thừa nhận trong quá trình tổ chức thực hiện, do cơ quan BHXH chưa cấp số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT; chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về quá trình đóng BHYT; nhiều người tham gia BHYT có quá trình tham gia bảo hiểm ở nhiều tỉnh, nhiều đơn vị, nhiều nhóm đối tượng… Do đó, nhiều thẻ BHYT chưa được in thông tin này. Cũng theo ông Sơn, dự kiến trong thời gian tới sẽ đồng loạt triển khai việc cấp thẻ BHYT theo số định danh cá nhân cho người tham gia BHYT theo quy định. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 2).
Tai biến tử vong do tiêm chủng mở rộng được bồi thường đến 100 triệu đồng Theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, khi sử dụng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Cụ thể, những trường hợp được Nhà nước bồi thường gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong. Về mức bồi thường, Nghị định quy định người sử dụng bị thiệt hại để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút. Người sử dụng bị thiệt hại đến tính mạng được hỗ trợ: các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở do Nhà nước quy định; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100.000.000 đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định. Đáng chú ý, trường hợp người được tiêm chủng được Nhà nước bồi thường phải nhập viện điều trị, trong quá trình điều trị nếu phát hiện cócác bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì cá nhân phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. (chi tiết xem báo) (An ninh Thủ đô (trang 17).
xuất hiện vi khuẩn gây bệnh chết người sau 48 giờ Mới đây, Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân 25 tuổi trong tình trạng nguy kịch, sốt cao, rét run, suy gan, vùng phổi bị tổn thương nhiều, xuất hiện các ổ áp xe. Bệnh nhân được kết luận nhiễm vi khuẩn gây bệnh Whitmore - loại vi khuẩn gây bệnh có thể khiến bệnh nhân tử vong sau 48 giờ nhập viện. Thông tin này ngay lập tức lan truyền trên mạng xã hội, khiến nhiều người hoang mang, lo ngại. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là căn bệnh không mới. Bệnh vẫn xuất hiện rải rác ở Việt Nam nhưng người dân còn chủ quan và không để ý đến dấu hiệu của bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mỗi năm vẫn tiếp nhận 30-40 ca mắc bệnh này. Số người mắc và nhập viện tăng nhiều vào mùa mưa. Những người mắc do chủ yếu tiếp xúc với bùn đất hoặc bị ngã xuống ao rồi sặc bùn (trong bùn đất chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh whitmore). Bác sĩ Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh Whitmore cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong ở người mắc có thể lên đến 40-60%. Đến nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân được chẩn đoán xét nghiệm sớm và điều trị kháng sinh phù hợp thì tỷ lệ tử vong sẽ giảm đi đáng kể. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi. Bệnh gặp trên mọi đối tượng, tùy thuộc vào từng vùng. Về triệu chứng, khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ. Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm bệnh whitmore thường là sốt, viêm phổi và có ổ áp xe ở nhiều vị trí (đa áp xe), nhiễm trùng đường tiết niệu. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, nếu người bệnh có bệnh cảnh và các triệu chứng kể trên thì phải đến ngay các bệnh viện uy tín, có phòng xét nghiệm vi sinh để được khám và điều trị bệnh. Bác sĩ Cấp cho biết, việc điều trị bệnh này cũng hết sức khó khăn vì phải dùng kháng sinh kéo dài. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. (An ninh Thủ đô (trang 17), Nông thôn ngày nay (trang 5): Lo dịch bệnh bùng phát bất thường Mặc dù đã chủ động các biện pháp phòng chống, nhưng một số dịch bệnh tại TPHCM lẫn các tỉnh, thành vẫn diễn biến phức tạp. Một số dịch bệnh, nhất là ở trẻ, đang có chiều hướng gia tăng bất thường và tạo nên ổ dịch, gây lo lắng cho người dân. Trong mùa tựu trường, cơ quan quản lý y tế quan ngại dịch bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan trong trường học. Ổ dịch bệnh… chết người Trong khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đích thân lên Tây Nguyên tìm cách dập dịch sốt xuất huyết (SXH) thì tại TPHCM, dịch bệnh này vẫn chưa lắng xuống kể từ đầu năm đến nay. Thậm chí tại huyện Hóc Môn vừa xuất hiện một ổ dịch SXH khiến nhiều người mắc. Báo cáo của Sở Y tế cho thấy ổ dịch nguy hiểm đã xuất hiện tại tổ 10, ấp 1, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, khởi phát từ ngày 22-7 đến ngày 12-8 làm 5 người mắc, trong đó 1 người tử vong. Chưa hết, sau đó tại khu vực ổ dịch tiếp tục xuất hiện 4 ca mắc SXH. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8-2016, số ca mắc SXH nhập viện bình quân mỗi tuần 200 ca, tăng lên so với tháng 5 và 6. Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khám và điều trị 40 - 50 em chẩn đoán SXH, trong khi điều trị nội trú luôn quá tải, bình quân 80 - 100 em tại Khoa SXH. Các BV Nhi đồng 2, Khoa Nhi A BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng tương tự. Đặc biệt, SXH người lớn cũng gia tăng khi BV Bệnh nhiệt đới tiếp nhận hàng chục ca mắc trong tuần qua. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, qua giám sát 10.979 điểm nguy cơ SXH ngoài cộng đồng thì phát hiện có đến 3.440 điểm nguy cơ có lăng quăng, chiếm 31%. Ngoài ra, TP còn phát hiện thêm 723 điểm nguy cơ mới phát sinh dịch SXH. Các địa bàn tập trung chủ yếu dịch SXH là các huyện Bình Chánh, Hóc Môn và quận Thủ Đức. Trong đó, ở Bình Chánh qua kiểm tra 108 khu phố - ấp thì phát hiện có đến 106 khu phố - ấp có nguy cơ cao về SXH. Địa bàn quận Thủ Đức có đến 76% khu phố - ấp và huyện Hóc Môn có 53% khu phố - ấp có nguy cơ về SXH. Theo Sở Y tế, cộng dồn từ đầu năm đến nay, số ca bệnh SXH lên tới gần 9.000 ca và tăng so với cùng kỳ năm trước là 72%, trong đó đã ghi nhận 3 ca tử vong. Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cùng với xu hướng của thế giới, dịch SXH ở Việt Nam vẫn phức tạp. Vấn đề xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, công nghiệp hóa, di dân... khiến bệnh SXH vẫn tồn tại, lây lan và phát triển. Trong khi năng lực ngành y tế có hạn, không thể một mình giải quyết được! Lo dịch “tràn” về TP Không chỉ SXH đang bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, Tây Nguyên như Bến Tre, Đắk Lắk, Lâm Đồng, mà bệnh bạch hầu ở Bình Phước, dịch bệnh hô hấp cũng đang có nguy cơ tạo ra các đợt dịch lây lan. Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 trong tuần qua cho thấy hàng ngàn trẻ đến khám mỗi ngày. Riêng BV Nhi đồng 1, ngày cao điểm có đến trên 5.000 trẻ khám ngoại trú và nội trú, trong đó một phần không nhỏ mắc các bệnh hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn. “Thời tiết đang trong mùa ẩm thấp, mưa nhiều khiến trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh dễ bị nhiễm bệnh đường hô hấp trên”, lãnh đạo Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1 cho biết. Cùng với đó, dịch bệnh tay chân miệng cũng đang âm thầm diễn tiến với trung bình mỗi tuần trên địa bàn TP ghi nhận 120 - 150 ca bệnh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca bệnh tay chân miệng tích lũy từ đầu năm đến nay đã gần 3.000 ca. “Đang mùa tựu trường, khả năng dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong trường học là không thể tránh khỏi, thậm chí tạo ra những ổ dịch bệnh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 quan ngại. Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nguy cơ xâm nhập vào TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã đưa vaccine DPT4 (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) vào tiêm chủng cho trẻ từ 18 - 48 tháng, nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, dù từ năm 2015 đến nay, TP chưa xuất hiện ca mắc bạch hầu nào nhưng khả năng xuất hiện ca bệnh rất cao. Do đó, ngoài việc tăng cường giám sát và chủ động phòng chống dịch bạch hầu, TP phải tổ chức tiêm và tiêm vét vaccine bổ sung DPT4 cho trẻ. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế, một số dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nhất là dịch SXH rơi vào đỉnh dịch trong tháng 9 - 10 tới. “Sở đã chỉ đạo yêu cầu các quận, huyện khẩn trương thực hiện các biện pháp điều tra vùng nguy cơ SXH và có giải pháp khoanh vùng diệt lăng quăng, diệt muỗi, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói. Ông cũng cho biết đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch phòng chống kịp thời bệnh dịch lây lan trong trường học sắp tới. Tuy nhiên, hơn hết, bác sĩ Hưng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng chống các dịch bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em, giữ gìn vệ sinh ăn uống, sinh hoạt tại gia đình, công sở và cộng đồng. (Sài Gòn TP.HCM (trang 2):
BVĐK huyện Thạch Thành, Thanh Hóa: Y, bác sĩ, nhân viên y tế hiến máu cứu cháu bé bị vỡ gan Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành, Thanh Hoá vừa cứu cháu bé 5 tuổi khỏi lưỡi hái tử thần nhờ sự hiến máu kịp thời của các y - bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Đây là việc làm thường xuyên để lại ấn tượng tốt đẹp với bệnh nhân, cộng đồng. Giọt máu cứu cháu bé khỏi tử thần Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Tam - GĐ BV Đa khoa Thạch Thành cho hay, vào khoảng 10h sáng 23.8, BV tiếp nhận bệnh nhân là bé Nguyễn Phương Lan (5 tuổi) có hộ khẩu thường trú tại xã Bình Hà, huyện Krông - Ana, tỉnh Đắc Lắc. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do tai nạn giao thông. Trước đó, cháu Lan từ Đắc Lắc được mẹ cho về quê ngoại tại Thành Hưng, Thạch Thành ăn giỗ. Sáng 23.8 ông ngoại đưa cháu đi chơi bằng xe máy, bị xe ben chở đất gây tai nạn và đưa vào BV Đa khoa Thạch Thành cấp cứu. “Khi được đưa vào viện, cháu Lan có biểu hiện tái nhợt, vật vã kích thích và kêu đau khắp bụng, bụng chướng, huyết áp không đo được, kết quả siêu âm cho thấy có nhiều dịch trong ổ bụng. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã khẩn trương cấp cứu hồi sức đồng thời mời hội chẩn toàn bệnh viện. Kết quả chẩn đoán cháu Lan bị sốc chấn thương mất máu nặng do vỡ tạng đặc. Đặc biệt, một phần gan của bé Lan đã bị vỡ. Tiên lượng tình trạng bệnh nhân là xấu, nếu đưa tuyến trên sợ không qua khỏi” - BS Tam cho biết. Trước tình huống khẩn cấp trên, Th.S - BS Nguyễn Đình Tam cùng lãnh đạo BV đã quyết định vừa hồi sức, vừa phẫu thuật ngay lập tức để cứu cháu Lan. 10 phút sau đó, cháu Lan đã được đưa vào phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cấp cứu. Trong khi mổ bệnh nhân cần phải truyền một lượng máu lớn nhưng trong kho dự trữ không còn máu cùng nhóm với bệnh nhân (nhón máu B). Trước tình hình đó ông đã lập tức huy động đội hiến máu tình nguyện là cán bộ viên chức của BV đến hiến đủ 750ml máu theo yêu cầu để cứu bệnh nhân. Để có đủ 750ml máu truyền khẩn cấp cho cháu Lan, BV đã huy động 3 người trong đội hiến máu của BV sẵn sàng. Tuy nhiên, chỉ cần lấy máu của 2 người tình nguyện đã đủ. 2 “ân nhân” của bé Lan và gia đình là anh Đỗ Khắc Linh và anh Đỗ Đình Hải. Cả 2 anh đều là đoàn viên thanh niên, đang làm điều dưỡng tại BV. Anh Linh đã công tác 4 năm, anh Hải 5 năm. Anh Linh và anh Hải cũng đã nhiều lần hiến máu cứu bệnh nhân tại BV. Cách nay 3 tháng, 2 anh đã hiến máu tình nguyện theo chương trình của huyện đoàn. Hiến máu cứu người, tại sao không? Với tình trạng chái bé bị vỡ gan, ngập máu ổ bụng, đây là ca phẫu thuật khó. Tuy nhiên, với tất cả tinh thần trách nhiệm, tình cảm của người thầy thuốc, và hơn thế, như một người cha, kíp mổ do Th.S - BS Nguyễn Đình Tam - GĐ BV trực tiếp chỉ đạo đã được tiến hành rất khẩn trương. Sau gần 3 tiếng, ca phẫu thuật thành công. Đến 16 giờ cùng ngày cháu Lan đã tỉnh táo, tình trạng sức khoẻ tiến triển tốt và được BV chăm sóc đặc biệt. Hiện cháu Nguyễn Phương Lan đã được đưa xuống BV Nhi Thanh Hoá tiếp tục điều trị. Gia đình cháu Lan rất xúc động, biết ơn trước nghĩa cử cao đẹp của các thầy thuốc BV Đa khoa Thạch Thành. “Nếu không có các thầy thuốc kịp thời hiến máu cho cháu thì thật là nguy kịch. Các bác sĩ ở đây như người cha, người mẹ sinh ra cháu lần nữa trên đời” - chị Lại Thị Hương, mẹ bé Lan xúc động. GĐ BV Nhi Thanh Hoá Dương Văn Hùng cho biết, đến cuối ngày 26.8, tình trạng sức khoẻ bé Lan tiến triển tốt, các xét nghiệm máu bình thường, ống dẫn lưu từ ổ bụng không có máu tươi. “Tôi đánh giá cao việc xử lý tình huống của các đồng nghiệp BV Đa khoa Thạch Thành. Tôi cho rằng việc quyết định phẫu thuật cứu cháu bé là đúng đắn, kịp thời, bởi tuyến đường từ huyện Thạch Thành xuống TP. Thanh Hoá gần 80km, nếu chuyển viện thời điểm đó là rất nguy hiểm. Kỹ thuật phẫu thuật của các BS ở đây cũng rất tốt đối với ca vỡ gan đặc như vậy. Tôi rất cảm phục tinh thần tình nguyện hiến máu kịp thời của nhân viên BV. BV Nhi sẽ tiếp tục theo dõi và chăm sóc tốt nhất cho cháu” - BS Hùng nói. Theo BS Nguyễn Đình Tam - GĐ BV Thạch Thành, trong những năm qua, trước tình hình nguồn máu cấp cứu cho bệnh nhân luôn thiếu trầm trọng, BV Đa khoa huyện Thạch Thành đã vận động các cán bộ, công nhân viên chức trong bệnh viện thành lập đội hiến máu tình nguyện với 40 người bao gồm hầu hết đoàn viên thanh niên là các y - bác sĩ, nhân viên y tế. 40 người này được kiểm tra, sàng lọc và lập danh sách theo từng nhóm máu, sao cho trong tình huống khẩn cấp, BV luôn có nguồn máu cứu người kịp thời. Đây không phải lần đầu BV Đa khoa Thạch Thành cứu sống bệnh nhân nhờ vào tinh thần tình nguyện cao cả của các thầy thuốc. BS Tam kể, có lần bệnh nhân phải cấp cứu lúc 2 giờ sáng, thời tiết mưa, rét nhưng vì nhóm máu hiếm (A-B) nên đã phải điều động cán bộ có cùng nhóm máu từ Phòng khám Đa khoa khu vực Thạch Quảng (cách bệnh viện 28km) về để hiến máu cứu bệnh nhân. Khi hỏi về việc hiến máu, ông cười nhẹ nhàng, hỏi: “Nếu anh không là nhà báo mà là bác sĩ, anh có làm như vậy không?”. “Ồ, không cần là bác sĩ, tôi cũng sẵn sàng làm như các thầy thuốc!”. “Đấy! Chúng ta là con người, hiến máu có khoa học không hại sức khoẻ mà lại cứu được người. Tại sao không?”. (Lao động (trang 2).
Dịch vụ tự xét nghiệm HIV lần đầu có mặt tại Việt Nam Sáng 26-8, tại TP.HCM, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tổ chức chương trình khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. TS-BS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), cho biết: “Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết một người có nhiễm HIV hay không, tuy nhiên nhiều người vẫn rất ngại đi làm xét nghiệm HIV. Do lo sợ người khác biết kết quả, ngại đâu và mặc cảm với xã hội. Vì vậy, dịch vụ tự xét nghiệm HIV là bước tiến mới trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tự xét nghiệm HIV tại Việt Nam. Bất kể ai cũng có thể tự tiến hành xét nghiệm, qua đó biết được tình trạng HIV của mình một cách bí mật, riêng tư và an toàn. Ông Long khẳng định nếu sáng kiến này thí điểm thành công, Việt Nam sẽ triển khai mở rộng để thực hiện mục tiêu 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng được biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tự xét nghiệm HIV là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao, cho kết quả nhanh, chi phí không lớn và đặc biệt kín đáo, riêng tư, không lo xã hội kỳ thị và phân biệt đối xử. Xét nghiệm này có thể áp dụng cho tất cả mọi người, đặc biệt phù hợp với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như tình dục đồng giới nam, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm. Có mặt tại buổi ra mắt dịch vụ này, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius cho biết: “Việc xét nghiệm HIV chưa bao giờ đơn giản đến thế. Bất kể ai có nguy cơ đều có thể tự làm xét nghiệm để biết tình trạng HIV của mình một cách bí mật, riêng tư và an toàn, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân”. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh). Sẽ xử lý kỷ luật 4 bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh nhi gãy tay Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết sẽ tiến hành xử lí hình thức kỷ luật đối với 4 bác sĩ liên quan đến việc chẩn đoán nhầm bệnh nhi gãy tay nhưng không phát hiện ra, thay vào đó lại chẩn đoán là bong gân. Ngày 24.8, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ra kết luận khẳng định các bác sĩ của bệnh viện đã có sai sót trong chuyên môn, dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị nhầm cho cháu bé Phạm Trần An D. (4 tuổi, ngụ phường 24, Quận Bình Thạnh, TP.HCM). Kết quả chẩn đoán cuối cùng là cháu bé bị gãy đầu trên xương cánh tay trái. Tuy nhiên, trong 3 lần khám trước đó, các bác sĩ ở phòng khám đã không phát hiện ra chấn thương này. Vì thế, thay vì phải bó bột ở vị trí chỗ gãy cánh tay thì cháu bé bị bột ở phần cẳng tay và khuỷu tay. Bác sĩ Huỳnh Minh Thu, Quyền trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 khẳng định đây là do sơ suất của các bác sĩ điều trị, cụ thể là của 4 bác sĩ ở phòng khám ngoại trú. Đây không phải là lỗi hệ thống. 4 bác sĩ này sẽ nhận được các hình thức kỷ luật phù hợp. Trước mắt, bệnh viện sẽ hỗ trợ chi phí điều trị cho gia đình cháu bé. (Nông thôn ngày nay (trang 5) : Bệnh nhân nam được ghép thận tự thân Ngày 26-8, Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiến hành ca ghép thận tự thân cho bệnh nhân Nguyễn Văn T. (20 tuổi, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang) bị tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện ngày 24-8 với chẩn đoán chấn thương bụng kín do tai nạn xe máy, thận phải không có hình ảnh chấn thương nhưng hoàn toàn “câm” không ngấm thuốc. Đây là dạng tổn thương cuống mạch thận kiểu huyết khối trong lòng động mạch làm thận không được tưới máu hoàn toàn, tương đương với chấn thương thận độ 5. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa tim mạch, tiết niệu, các bác sĩ thống nhất phải can thiệp ngay để cứu lấy quả thận của bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân được tiến hành ghép thận tự thân (cắt lấy thận của mình ra khỏi cơ thể sau đó tiến hành ghép trở lại tại vị trí hố chậu phải). TS Lê Nguyên Vũ, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Bệnh viện Việt Đức cho biết, đây là trường hợp rất hiếm gặp trong y khoa. Hiện tại, sau ca ghép, bệnh nhân có lượng nước tiểu tốt, các thông số trong giới hạn bình thường. (An ninh Thủ đô (trang 17), Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (trang 13) |