Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ca mắc đậu mùa khỉ; Sốt xuất huyết tăng cao bất thường, nhiều ca nặng ở Hà Nội; Bệnh đậu mùa khỉ: Nguy cơ lây lan ở khu vực phía Nam

 

Điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý ca mắc đậu mùa khỉ

Liên quan đến ca mắc đậu mùa khỉ (Mpox) mới được phát hiện ở Đồng Nai, ngày 26-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, bệnh nhân là anh L.V.T. (sinh năm 1998, thường trú huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạm trú ở TPHCM), từng đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Hiện ngành y tế thành phố đang triển khai điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý.

Chưa xác định được nguồn lây

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, ngày 22-9, anh T. đến khám tại Bệnh viện Da liễu TPHCM với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ như: nổi hạch hai bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2-3 mụn nước nhỏ. Sau đó nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt. Anh T. đã được lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM.

Đến ngày 23-9, kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với virus đậu mùa khỉ. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, mụn nước rải rác, không có sang thương mới và đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Sau khi phát hiện mắc bệnh, bệnh nhân T. cho biết thêm, anh có tạm trú tại TPHCM và trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, bệnh nhân chỉ ở Việt Nam không đi nước ngoài. Ngay khi nhận thông tin, HCDC đã tiến hành điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại, lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (4 người tại TPHCM, 1 người ở Bình Dương, 3 người ở Đồng Nai).

Trong 8 người này có một người là bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, đang cư trú tại tỉnh Bình Dương), cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ vào ngày 24-9, hiện được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên (Bình Dương), tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc gần còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết, hiện đơn vị đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế; đồng thời chỉ đạo HCDC tiếp tục phối hợp với CDC Bình Dương và Đồng Nai để điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng; theo dõi và hướng dẫn những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày. “Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, 2 trường hợp trước đây có nguồn gốc mắc bệnh từ nước ngoài về, riêng trường hợp 2 ca bệnh này có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương, điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh… nội địa”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Phát hiện sớm để dự phòng hiệu quả

Theo bác sĩ CK2 Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang virus từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần, bao gồm qua tiếp mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi mắc bệnh có thể dẫn tới các biến chứng, thậm chí tử vong.

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng Việt Nam, với những ca bệnh này cần tiếp tục điều tra dịch tễ, giám sát ca bệnh. Đây là vấn đề quan trọng để từ đó đánh giá nguy cơ. Nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó để không mất kiểm soát dịch, nhưng cũng không gây tốn kém nguồn lực vì lúc này có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, tay chân miệng... Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường giám sát cửa khẩu, người đi vùng dịch về, giám sát cộng đồng có ghi nhận bệnh nhân và những nơi khác.

Ngày 26-9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện Pasteur TPHCM; sở y tế TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương về tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; quan tâm chỉ đạo triển khai ngay một số hoạt động để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

Ngày 26-9, CDC Đồng Nai cho biết, đang triển khai các hoạt động giám sát nhập cảnh, giám sát cộng đồng và tại các cơ sở y tế để kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn. CDC Đồng Nai cũng kiến nghị CDC TPHCM, CDC Bình Dương tiếp tục điều tra dịch tễ, khoanh vùng xử lý đối với bệnh nhân L.V.T. và bạn gái bệnh nhân, nhất là lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân với các đồng nghiệp, người thân (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Sốt xuất huyết tăng cao bất thường, nhiều ca nặng ở Hà Nội

Theo các chuyên gia y tế, hiện nay nhiều ca bệnh sốt xuất huyết diễn biến rất nặng. Nếu bệnh nhân điều trị muộn, quá giai đoạn, dẫn đến suy đa tạng thì tỉ lệ tử vong có thể tới trên 50%.

Gia tăng bệnh nhân sốt xuất huyết nặng

Thống kê từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 12.776 trường hợp sốt xuất huyết, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 3 ca tử vong.

Theo ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện có xu hướng tăng nhanh trong những ngày qua. Hiện tại, viện đang điều trị khoảng 80 - 100 ca sốt xuất huyết, trong đó phần lớn là bệnh nhân nặng, có 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy.

Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, số ca sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã chiếm 1/3 số bệnh nhân điều trị tại đây với 54 bệnh nhân, trong đó có 11 ca chuyển nặng.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông hiện đang điều trị cho 173 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng tại Khoa Bệnh Nhiệt đới của bệnh viện có tới 78 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nặng. Tất cả các bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo nặng này đều nhập viện muộn.

Nguy cơ tử vong khi sốt xuất huyết trở nặng

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, thời điểm này, số ca sốt xuất huyết tăng cao. Điều đáng lo là ở nhiều tuyến thiếu dịch cao phân tử, nên khi xử lý những ca nặng khó khăn, đã có những ca diễn biến rất nặng, thậm chí tử vong.

“Ở nhiều tuyến do thiếu thuốc hoặc xử lý không tốt nên nhiều bệnh nhân đã diễn biến thành sốc. Nếu bệnh nhân sốc quá giai đoạn, dẫn đến suy đa tạng thì tỉ lệ tử vong có thể tới trên 50%. Do vậy, việc theo dõi, phát hiện sớm ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo để xử lý kịp thời và phù hợp rất quan trọng trong việc điều trị sốt xuất huyết” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay, bệnh viện này đã từng tiếp nhận ca bệnh nặng lên do đến muộn, suy đa tạng hoặc sốc do giảm thể tích, sốc do mất máu, sốc do truyền tiểu cầu.

Do vậy, để ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết trở nặng, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, người dân không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt. Việc truyền dịch cần được thực hiện tại cơ sở y tế, vì nếu chỉ số hemoglobin giảm, người bệnh cần được truyền dung dịch cao phân tử để kéo nước vào trong lòng mạch chứ không truyền dung dịch thường vì sẽ sốc hoặc bệnh nặng thêm do truyền dịch.

“Sốt xuất huyết xuất hiện trên những người đang khỏe mạnh, bình thường và diễn biến rất nhanh. Nhiều trường hợp sốt xuất huyết nặng lên do xử trí không đúng, hoặc bệnh nhân đến cơ sở y tế quá muộn, lúc đó đã có các biểu hiện suy đa tạng hoặc sốc, dẫn đến tỉ lệ tử vong rất cao” - bác sĩ Cường nói (Lao động, trang 2).

 

Bệnh đậu mùa khỉ: Nguy cơ lây lan ở khu vực phía Nam

Chỉ trong thời gian ngắn, 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện trong cộng đồng tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngành y tế đang khẩn trương điều tra dịch tễ, khoanh vùng. Nguy cơ lây nhiễm khá cao song các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng không hoang mang và cần bình tĩnh ứng phó.

2 ca dương tính, nhiều người tiếp xúc

Ngày 26/9, trao đổi với phóng viên, bác sĩ (BS) Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại đây là bệnh nhân nam, 25 tuổi (thường trú tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Bệnh khởi phát trước đó khoảng 1 tuần với các triệu chứng nổi hạch 2 bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2 đến 3 mụn nước nhỏ. Sau đó, các nốt mủ gây viêm loét tiếp tục xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục) gây ngứa, khó chịu, nhưng bệnh nhân không sốt.

Khai thác bệnh sử ban đầu của BS từ phía người bệnh chưa ghi nhận yếu tố dịch tễ liên quan đến các quốc gia đang có bệnh lưu hành trong thời gian 21 ngày qua. Tuy nhiên, bệnh nhân có sự giao lưu, đi lại, tiếp xúc rất phức tạp. Căn cứ trên các yếu tố lâm sàng, BS nghi ngờ bệnh nhân bị đậu mùa khỉ. Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình khẩn cấp phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bệnh nhân được cách ly. Bệnh viện khử khuẩn tất cả khu vực bệnh nhân đến và tiếp xúc, đồng thời hội chẩn với Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM và quyết định lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.

Ngày 23/9, kết quả xét nghiệm tại Viện Pasteur TPHCM cho thấy, người bệnh dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Bệnh nhân đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM cách ly, điều trị. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, không sốt, mụn nước rải rác, không có sang thương mới. Quá trình điều tra dịch tễ, bệnh nhân cho biết có tạm trú tại TPHCM trong thời gian khởi phát bệnh.

Ngày 26/9, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) khẩn trương điều tra dịch tễ, tiền sử đi lại của bệnh nhân này. Đến nay, HCDC đã lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (4 người tại TPHCM, 1 người ở Bình Dương và 3 người ở Đồng Nai).

Trong 8 người nêu trên, bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, đang cư trú tại tỉnh Bình Dương) đã có kết quả xét nghiệm dương tính với đậu mùa khỉ. Nữ bệnh nhân này hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tân Uyên (Bình Dương), tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc gần còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.

Bệnh “nội địa”, người dân cần chủ động phòng tránh

Theo Sở Y tế TPHCM, quá trình điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài của 2 bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ vừa được ghi nhận. Nhiều khả năng đây là các ca bệnh “nội địa”. Trước tình hình trên, Sở đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh. Sở cũng đã yêu cầu HCDC tiếp tục phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương và Đồng Nai điều tra dịch tễ. Các đơn vị sẽ tập trung làm rõ tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bệnh lây lan trong cộng đồng.

Trao đổi với phóng viên, BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang vi rút từ các sang thương phát ban đậu mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần bao gồm tiếp xúc mặt với mặt, cọ sát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da. Đậu mùa khỉ rất dễ lây lan qua quan hệ tình dục, đặc biệt là đối tượng nam giới.

Hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự khỏi trong vài tuần. Tuy nhiên, ở người bị suy giảm miễn dịch khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nặng. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Theo BS Hữu Khanh, bệnh đậu mùa khỉ không lây nhiễm khi tiếp xúc qua đường hô hấp nên tốc độ và nguy cơ lây nhiễm không đáng lo ngại như COVID-19. Tuy nhiên, cộng đồng không nên chủ quan mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho rằng: “Đậu mùa khỉ hoàn toàn có khả năng đang lưu hành ngoài cộng đồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh không quá dễ lây lan nên biện pháp phòng ngừa cá nhân có thể mang lại hiệu quả khả quan trong việc phòng chống. “Xét về mặt dịch tễ học, tôi cho rằng cần động viên người bệnh chủ động khai báo để sớm truy tìm và xác định nguồn lây, từ đó đưa ra các phương án ngăn chặn dịch hiệu quả nhất” - ông Dũng nói.

Chuyên gia này khuyến cáo cộng đồng không nên hoang mang trước sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm đậu mùa khỉ luôn tiềm ẩn, do đó mỗi cá nhân cần chủ động giữ gìn vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm, không quan hệ tình dục với người xa lạ, với nhiều người và với người không biết tiền sử bệnh (Tiền phong, trang 4).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang