Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/7/2021

  • |
T5g.org.vn - Cuộc chiến giành mạng sống cho bệnh nhân Covid -19; Tăng cường kiểm soát việc tăng giá thuốc bất hợp lý; Vụ công bố 12 sản phẩm trị Covid-19: Hiệp hội thực phẩm chức năng “ngỡ ngàng”, nhiều dấu hiệu bất minh; Huy động mọi nguồn lực y tế để chống dịch…

 

Cuộc chiến giành mạng sống cho bệnh nhân Covid -19

TP.HCM và ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống dịch Covid -19. Tại bệnh viện, các bác sĩ ngày đêm giành lại sự sống cho người bệnh.
Tính đến tối 27.7, TP.HCM có 72.740 bệnh nhân (BN) nhiễm Covid-19, đang điều trị 37.714 BN, trong đó có 696 BN nặng đang thở máy, 13 BN can thiệp ECMO, 698 ca tử vong. Tổng số BN điều trị khỏi, xuất viện là gần 17.000 (hiện mỗi ngày xuất viện trung bình từ 1.500 - 2.000 người).

Trong số xuất viện có 17 BN Covid-19 đầu tiên rời khỏi Bệnh viện (BV) Hồi sức Covid-19 TP.HCM vào chiều 26.7. Đây từng là những BN nặng, nguy kịch, nhiều người trong số họ đã nghĩ mình khó qua khỏi.

Mục tiêu cao nhất là giảm tử vong

Bác sĩ (BS) Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), BV Chợ Rẫy, phụ trách hồi sức tại BV hồi sức Covid-19, cho biết một ngày trung bình BV nhận 50 - 60 BN nặng, nguy kịch, thở máy... Trong số 17 BN vừa ra viện có 4 - 5 BN phải thở máy, ô xy dòng cao... nhưng hồi phục, tự thở và xuất viện, đây là tín hiệu rất lạc quan.

Không chỉ có BV Hồi sức Covid-19, các BV dã chiến (BVDC) cũng bắt đầu tập trung năng lực hồi sức, nơi đây được xem là chốt chặn phát hiện BN chuyển nặng sớm để can thiệp. Như BVDC số 12 (khu tái định cư Thủ Thiêm, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) cách đây 3 ngày đã kịp thời phát hiện, cứu sống nữ BN đột ngột ngưng tim, ngưng thở 15 phút. PGS-TS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, kiêm Giám đốc BVDC số 8 (khu tái định cư Thủ Thiêm, P.An Khánh, TP.Thủ Đức), cho biết hiện BV đã chuẩn bị máy thở, máy tạo ô xy... cử lực lượng hồi sức tinh nhuệ từ BV Bình Dân xuống nhằm đảm bảo cho BN ở BVDC chuyển nặng không tử vong...

Sáng 27.7, khi làm việc tại BV Quân y 175, TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi đã gặp rất nhiều nơi, đi từng ngõ ngách, hỏi từng chút một và thống nhất đối với từng cấp một. TP.HCM cần phải có những điều chỉnh, không thể nào khác. Cả nước vẫn nhằm mục tiêu là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch làm sao để không có nhiều F0. Riêng TP.HCM và một số khu vực lân cận, mục tiêu cao nhất là giảm tử vong. Muốn giảm được tử vong thì giảm người mắc, người bệnh nặng”.

Chăm sóc, theo dõi bệnh nhân rất quan trọng

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, về điều trị BN nặng, nguy kịch có rất nhiều sự thay đổi theo khuyến cáo của y văn, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và căn cứ vào thực tiễn của VN. Với chủng vi rút Delta lây lan nhanh, khiến nhiều BN từ không triệu chứng chuyển nặng chỉ có vài giờ. Nên việc theo dõi, chăm sóc rất quan trọng, đặc biệt là BV tầng 1 (khu cách ly quận, huyện) ở TP.HCM.

Theo ông Sơn, ô xy sẽ được trang bị cho tất cả cơ sở thu dung, chăm sóc, điều trị Covid-19. Sẵn sàng sử dụng những hệ thống máy thở hiện đại, ô xy tầng cao để sử dụng sớm, tránh BN bị suy hô hấp. Trước đây, một số loại thuốc sử dụng muộn thì nay phải sử dụng sớm hơn... Ngay cả F0 điều trị tại nhà, TP.HCM phải chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư, đường dây thông tin hằng ngày để khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh. Biện pháp đáp ứng tại chỗ cũng phải chú trọng, tránh F0 chuyển nặng đáng tiếc.
Theo TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc BV Hồi sức Covid-19, BV được lập ra chủ yếu điều trị BN nặng, nguy kịch. Đến nay BV đã tiếp nhận 400 BN, trong đó, 83 BN chuyển từ độ nặng nguy kịch chuyển nặng, nguy kịch xuống vừa và nhẹ, được chuyển BV khác tiếp tục điều trị. Ngày 27.7, BV Hồi sức Covid-19 triển khai hệ thống tin nhắn đến tất cả thân nhân BN về tình trạng bệnh tình BN trong BV với những tiên lượng, đánh giá để người dân bớt lo lắng. Trong tuần này, BV Hồi sức Covid-19 sẽ triển khai đầy đủ 460 giường giai đoạn 1, trang thiết bị y tế giai đoạn 1 tạm thời ổn định, 800 nhân sự (hơn 600 nhân sự là y tế). Giai đoạn 2 với 700 giường bệnh sẽ triển khai vào tuần tới, nhưng đang thiếu nhân lực nên được Bộ Y tế điều động và bổ sung trang thiết bị như máy thở, máy lọc máu, ECMO…
“Như chết đi sống lại”
Trong 17 BN nặng xuất viện chiều 26.7 ở BV Hồi sức Covid-19, ông H.V.N (60 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), thấy PV chụp ảnh, ông cười nói: “Được xuất viện rồi”. Ông liên tục giơ 2 tay vẫy chào mọi người, tỏ vẻ vui mừng khi được chữa khỏi. Ông nhớ lại: “Hơn 10 ngày trước, qua xét nghiệm cộng đồng, P.10, Q.Tân Bình thông báo đưa tôi đi chữa bệnh và đưa thẳng đến BV Hồi sức Covid-19”. Ông N. cho biết đã 12 ngày, đêm ông ở BV Hồi sức Covid-19. Lúc đầu, ông rất yếu, phải thở ô xy...

“Trước lúc vào BV Hồi sức Covid-19, tôi mệt và đuối lắm. Lúc đó nghĩ sẽ chết sớm, có nhiều người vào cũng như tôi, nhưng nhủ lòng cố lên. Ở BV Hồi sức Covid-19 có máy, có đồ (máy thở, ô xy - PV). Được điều trị, thở ô xy, rồi khỏe lại... Tôi như chết đi sống lại. Giờ ra viện rất hạnh phúc, được về sum họp gia đình”, bà N.T.H.Th (58 tuổi, ngụ H. Bình Chánh) chia sẻ.

Cùng trong nhóm 17 BN xuất viện, bà L.T.T.Ng (53 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) cho biết được phát hiện nhiễm Covid-19 khi khám sàng lọc tại BV Nguyễn Trãi, được chuyển về BVDC số 8. Tại đây, bà mệt, khó thở, sau đó được chuyển về BV Hồi sức Covid-19. “Lúc đó, tôi lo sợ, tôi nghĩ không còn ở trên cõi đời này và nếu lỡ chẳng may mất đi thì không gặp được người thân. Còn có xíu hơi trong người, tưởng như sẽ không thở được nữa và đi luôn. Được cứu sống, mừng quá, sung sướng như chết đi sống lại”, bà Ng. vừa kể vừa chắp tay trước ngực nghẹn ngào.

Nói về y BS tại BV Hồi sức Covid-19, nhiều BN xuất viện kể: 22 giờ điều dưỡng còn đi hỏi BN có đói không? 12 giờ điều dưỡng cũng đi thăm bệnh. BS, điều dưỡng thường xuyên chăm sóc, khuyên BN cố gắng ăn và uống nước nhiều vào, có gì họ cũng mang vào cho ăn. “Tay tôi không có mạch máu (ý nói khó lấy đường truyền - PV), y BS lấy mạch khó khăn và lâu lắm. Nhìn mặt họ chảy mồ hôi ướt hết. Cha mẹ có con, nuôi nấng cho ăn học thành BS, rồi ra đi làm cứu người, nhìn cảnh đó chắc xót lắm”, bà N.T.T ở H.Củ Chi kể lại và nói, ban đầu BN Covid-19 không nghĩ mình được quan tâm như vậy. Các BN xuất viện lần này cũng kêu gọi các BN khác cần có tinh thần lạc quan, còn một chút hơi thở cũng phải gắng thở, phải tự nhủ là cố gắng lên! (Thanh niên, trang 1).


Sẽ đồng loạt tiêm vắc xin Covid-19 tại các tỉnh, thành

Tính đến nay, hơn 4,7 triệu mũi vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm, trong đó gần 430.000 người tiêm đủ 2 mũi. Bộ Y tế ước tính số lượng lớn vắc xin Covid-19 sẽ về trong các tháng tới và công tác tiêm chủng sẽ tăng tốc để bao phủ toàn dân. Theo GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (NIHE), Bộ Y tế phối hợp Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành khác đã tổ chức các kho bảo quản vắc xin, tại các quân khu, với những phương tiện như tủ lạnh, tủ âm sâu đạt tiêu chuẩn và xe vận tải chở vắc xin được tăng cường.

“Cùng lúc chúng ta có thể bảo quản được hàng chục triệu liều vắc xin trên cả nước; vì các kho của quân đội có dung tích lớn, đảm bảo lượng lớn vắc xin cũng như vận chuyển kịp thời. Ngay tại NIHE cũng có hệ thống  kho lạnh âm sâu đáp ứng yêu cầu bảo quản khắt khe”, GS Đặng Đức Anh cho biết.

Tăng tốc để đạt bao phủ toàn dân

GS Anh cho hay Việt Nam hướng đến đạt mục tiêu bao phủ vắc xin Covid-19 đến 70% dân số vào cuối năm 2021, đầu 2022. Với tốc độ như hiện nay và triển khai tích cực hơn nữa, đồng thời tiếp nhận các lô vắc xin mới về kịp thì sẽ đạt tiêu chí. “Hằng ngày, mỗi điểm tiêm cho ít nhất 100 người, chúng ta có khoảng 11.000 - 12.000 điểm tiêm trên cả nước, tức là số tiêm hằng ngày rất nhiều, do đó tiêu chí bao phủ vắc xin sẽ đạt được”, ông Anh nói.

Về vấn đề tiến độ tiêm thời gian qua còn chậm, trung bình 20.000 - 30.000 mũi tiêm/ngày, ông Anh cho biết các điểm tiêm chủng sẽ được tăng thêm và mở rộng, số lượng người được tiêm trong ngày sẽ nhiều hơn so với hiện tại. “Trong đầu tháng 8 tất cả các điểm tiêm sẽ hoạt động hết công suất, khi đó, số lượng được tiêm, tiến độ tiêm sẽ đạt được theo như kế hoạch chúng ta đề ra”, ông Anh nói.

Về phản ứng sau tiêm, GS Anh cho biết đã có các tập huấn về tổ chức điểm tiêm, thực hành tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm. Các điểm tiêm đều có đội trực cấp cứu. Trường hợp có phản ứng sau tiêm sẽ xử lý kịp thời. An toàn là tiêu chí hàng đầu và hiện đang thực hiện hết sức bài bản. “Từ khi tiêm đến nay hơn 4 triệu liều, đã ghi nhận phản ứng nặng sau tiêm trong giới hạn Tổ chức Y tế thế giới công bố. Tỷ lệ này cũng như các quốc gia khác, khoảng từ 1 - 4 ca phản ứng nặng/1 triệu liều tiêm”, GS Đặng Đức Anh thông tin.

Theo hướng dẫn mới nhất về an toàn tiêm chủng Covid-19 do Bộ Y tế ban hành, các điểm tiêm chủng cần bố trí tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách. Đối với điểm tiêm chủng lưu động có thể huy động nhân lực y tế địa phương hoặc địa phương khác đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1.6.2016 của Chính phủ.

Sở Y tế các tỉnh, TP lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế; xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.

Các đơn vị sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 của Bộ Y tế để thực hiện đăng ký tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch tiêm chủng; chuẩn bị cơ sở vật chất cho buổi tiêm chủng, các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng và bảo đảm thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chiến dịch.

Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí nhiều đội/kíp tiêm chủng tại các nhà máy, khu công nghiệp... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm trong trường hợp cần thiết nhưng phải đảm bảo khoảng cách.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng NIHE, chia sẻ trong chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19, các điểm tiêm chủng nên huy động tối đa các lực lượng khác ngoài ngành y tế hỗ trợ triển khai tiêm chủng, được tập huấn về an toàn phòng, chống dịch, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các địa phương khẩn trương triển khai

Theo báo cáo chưa đầy đủ, tính đến 19 giờ 30 ngày 27.7, TP.HCM đã tiêm được hơn 279.000 liều vắc xin Covid-19 đợt 5. Trong đó, tại các bệnh viện (BV) đã tiêm cho 26.908 người trên 65 tuổi, có bệnh nền; tiêm tại cộng đồng là 231.800 liều và các đối tượng khác là hơn 20.800 liều. TP.HCM được Bộ Y tế phân bổ 902.000 liều vắc xin đợt 5 và TP dự kiến tiêm trong khoảng 2 - 3 tuần.

Theo Sở Y tế Hải Phòng, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP.Hải Phòng hơn 61.000 liều vắc xin. Hải Phòng sẽ tiêm đồng loạt tại 15 quận, huyện và sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có (các BV trong ngành, BV tư nhân, bộ, ngành) và huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Dự kiến, thời gian bắt đầu tiêm vắc xin từ hôm qua đến đầu tháng 8.2021.

Theo Sở Y tế Thanh Hóa, đến ngày 27.7, Thanh Hóa đã tiêm vắc xin cho 22.503 người. Trong đó, tiêm mũi 1 là hơn 20.000 người, tiêm mũi 2 là gần 2.000 người. Ngày 26.7, tỉnh Thanh Hóa đã nhận thêm 60.470 liều. Khoảng 2 tuần nữa tỉnh này sẽ tiêm số vắc xin vừa được phân bổ.

Đến ngày 27.7, Quảng Ninh đã nhận khoảng 260.000 liều vắc xin phòng Covid-19; đã tiêm cho 109.345 người, trong đó tiêm mũi 1 là 106.333 người, tiêm đủ 2 mũi là 3.012 người. Quảng Ninh dự kiến sẽ tiêm hết số vắc xin còn lại trong tháng 7 và 8.

Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho biết hiện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân, người dân. Bình Dương đã được Bộ Y tế phân bổ 307.000 liều vắc xin để tiêm cho trên 1,45 triệu người trong năm 2020 - 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc Bộ Y tế đã cấp 307.000 liều vắc xin nhưng đến nay Bình Dương mới triển khai tiêm được trên 67.000 liều, như vậy có chậm quá không, ông Nguyễn Hồng Chương cho biết chỉ trong khoảng 2 tuần là tiêm hết 307.000 liều vắc xin.

Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã lên kế hoạch tiêm hơn 311.000 liều vắc xin đợt 4. Thời gian tiêm từ 27.7 - 15.8. Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, nói rằng đây là đợt tiêm vắc xin quy mô lớn nhất trước giờ trên địa bàn. Để thực hiện kế hoạch, ngoài các BV và trung tâm y tế công lập, ngành y tế Đồng Nai còn huy động các BV ngoài công lập tham gia tiêm chủng. Hiện Đồng Nai đã tiêm xong vắc xin đợt 3 (tổng cộng hơn 75.000 liều).

Theo Sở Y tế  Bình Thuận, tỉnh này vừa tiếp nhận 15.000 liều vắc xin trong đợt này. 1.170 liều tiêm mũi 1 cho các đối tượng ưu tiên. 13.440 liều tiêm mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên đã tiêm mũi 1. Khoảng hơn 900 liều dùng để tiêm cho các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại Bình Thuận. Thời gian bắt đầu tiêm từ ngày 31.7 - 5.8.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ, cho biết Bộ Y tế vừa phân bổ thêm cho Cần Thơ khoảng 89.000 liều. Sở Y tế chuẩn bị triển khai tiêm, từ ngày 2 - 12.8 sẽ triển khai tiêm ở 18 điểm. Đến nay, Cần Thơ đã tiêm 44.781 liều. Ước tính nhu cầu sử dụng vắc xin của Cần Thơ hơn 1,7 triệu liều. (Thanh niên, trang 4).

 

Tăng cường kiểm soát việc tăng giá thuốc bất hợp lý

Lợi dụng tâm lý và nhu cầu phòng, chống Covid-19 của người dân tăng cao, không ít cơ sở kinh doanh đã thổi phồng tác dụng một số sản phẩm có thể phòng và chữa được Covid-19 và đẩy giá bán lên cao. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, tiền bạc của người dân, mà còn gây khan hiếm thuốc, nguyên liệu sản xuất thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Săn "thần dược" chống Covid-19

Những ngày gần đây, người dân đổ xô tìm mua dược liệu xuyên tâm liên, thuốc xuyên tâm liên để tích trữ, sử dụng. Nhân viên một hiệu thuốc ở phố Quang Trung (Hà Nội) cho biết, thường ngày không có mấy người mua dược liệu này, nhưng bỗng tăng đột biến nhu cầu sử dụng. Nhiều người mua hàng chục kg để tích trữ, biếu người thân vì cho rằng sử dụng xuyên tâm liên có thể phòng ngừa và đánh bay Covid-19. PGS, TS Nguyễn Duy Thuần, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, những ngày qua điện thoại ông cũng "cháy máy" vì có quá nhiều người gọi hỏi có nên dùng xuyên tâm liên để phòng và điều trị Covid-19 hay không. Ông đã khuyên rằng xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ dùng khi bị nhiệt độc (cảm cúm) mà không phải uống để phòng bệnh; chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng về tác dụng điều trị Covid-19. Nhưng ông không chắc họ sẽ nghe theo.

Tình trạng người dân mách nhau sử dụng, tích trữ các sản phẩm bảo vệ sức khỏe luôn "nóng" theo mức độ căng thẳng của dịch. Điều đáng nói, không ít người mua, sử dụng mà không cần biết tác dụng thật sự của sản phẩm. Theo Công ty cổ phần Nam Dược, trà gừng của công ty cũng được người dân "săn" mua đến cạn kho, nhưng trà gừng chỉ tác dụng giải cảm cúm, cảm lạnh, say tàu xe chứ không thể chữa trị được Covid-19 như đồn thổi.

Lợi dụng tâm lý đó, một số doanh nghiệp đã thổi phồng tác dụng một số sản phẩm và đẩy giá lên cao. Một doanh nghiệp kinh doanh dược liệu cho biết, dược liệu xuyên tâm liên chỉ khoảng 20 đến 30 nghìn/kg thì dần bị đẩy lên 80 - 90 nghìn đồng/kg và hiện đã lên 170 nghìn đồng/kg. Nguyên liệu vốn đã ít trên thị trường càng trở nên khan hiếm, khó tìm và ảnh hưởng lớn đến các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất các thuốc có chứa hoạt chất này. Một cơ sở sản xuất dược phẩm cho biết, công ty cần mua vài chục tấn nguyên liệu xuyên tâm liên nhưng chưa có nguồn hàng, trong khi đó có "mối" chào bán 1 kg hoạt chất xuyên tâm liên chiết tinh khiết với giá cao ngất ngưởng gần 1 tỷ đồng. Sản phẩm Kovir của Công ty cổ phần Sao Thái Dương với giá 1 triệu đồng/hộp được quảng cáo là có tác dụng đặc hiệu trên các bệnh lý do vi-rút, cũng bị nhiều người cho là giá không phù hợp với nguyên liệu đầu vào của sản phẩm. Vào đầu tháng 7, một số sản phẩm của Công ty TNHH Nhất Nhất cũng điều chỉnh tăng giữa mùa dịch gây băn khoăn cho các nhà thuốc và người tiêu dùng, như sản phẩm hoạt huyết Nhất Nhất tăng từ 94 nghìn đồng lên 99 nghìn đồng/hộp 3 vỉ. Nguy hiểm hơn, thị trường đã xuất hiện thực phẩm chức năng giả với công dụng ghi là kháng Covid-19, điều trị đau họng, cảm cúm như sản phẩm Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ mầu đỏ) và Xuyên Tâm Liên CV19 (vỏ mầu xanh). Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, không có bất kỳ loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19, do đó, không được phép ghi công dụng là "điều trị bệnh".

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý

Nhiều ý kiến cho rằng, trong khi dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị kinh doanh các sản phẩm bảo vệ sức khỏe càng cần chung tay chia sẻ với xã hội, không thể lợi dụng tình hình để trục lợi. Các sản phẩm thực phẩm chức năng không phải kê khai giá với cơ quan quản lý, trừ sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và phụ nữ có thai, nhưng không vì thế mà tự ý nâng giá khi không có biến động về nguyên liệu đầu vào. Các đơn vị cần công khai lý do tăng giá và cơ quan chức năng cần kiểm tra để ổn định thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.

Trước thực trạng đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở có dấu hiệu vi phạm. Ngày 27/7, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thực hiện ngay việc tăng cường quản lý địa bàn, nắm diễn biến tình hình thị trường giá cả - hàng hóa đối với các mặt hàng như Kovir của Sao Thái Dương, Xuyên Tâm Liên CV 19 có lô-gô Toàn Lộc và Xuyên Tâm Liên CV19 có lô-gô Nhất Lộc… Nếu phát hiện hành vi vi phạm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm. Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường cho biết, từ ngày 31/1 - 12/7, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 9.751 vụ vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống dịch Covid-19, xử phạt 6,78 tỷ đồng. Thời gian tới, sẽ tiếp tục yêu cầu các Cục Quản lý thị trường chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế,... Đồng thời, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân sử dụng thương mại điện tử để giao dịch, mua bán tương đối lớn, cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng cường rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để kiểm tra, xác minh thông tin; kiên quyết xử lý các vi phạm. Hiện, trên website của Tổng cục Quản lý thị trường (địa chỉ www.dms.gov.vn; www.qltt.vn) đã đăng công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về những vi phạm.

Về việc sử dụng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe mùa dịch, TS Trần Minh Ngọc, Phó Cục trưởng Quản lý y dược cổ truyền cho biết, việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào cũng cần theo hướng dẫn của bác sĩ, người dân không nên tự ý dùng. Đối với xuyên tâm liên, tác dụng diệt vi-rút SARS-CoV-2 của dược liệu này mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm, và đang trong các bước thử nghiệm lâm sàng đánh giá khả năng, đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19. Chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Nếu cứ tự ý mua về, sử dụng không đúng cách có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng, như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi… Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan. Những người đang dùng thuốc chữa tăng huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, thận trọng khi dùng phối hợp xuyên tâm liên. Những người suy thận, suy gan không nên dùng thuốc xuyên tâm liên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế cần có những chính sách phù hợp, khoa học về sử dụng các sản phẩm cho phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông các phương pháp y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị vi-rút SARS-CoV-2 đã được nghiên cứu, tổng hợp, thẩm định ban hành kèm theo Văn bản số 1306/BYT-YDCT, trong đó có hướng dẫn các phương pháp y học cổ truyền cho người dân có thể áp dụng ngay để phòng bệnh, như phương pháp xông phòng ở, phòng làm việc, cách sử dụng một số loại thảo dược để tăng sức đề kháng của cơ thể… (Nhân dân, trang 7).

 

Người dân Hà Nội bắt đầu được tiêm vắc xin ngừa COVID-19

Hôm nay 27-7, Hà Nội bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại điểm tiêm chủng của quận Hoàn Kiếm, cụ thể tại một điểm tiêm phường Lý Thái Tổ, rất đông người dân đã đến để đăng ký được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 theo thông báo trước đó.

Tại điểm tiêm, lực lượng chức năng gồm công an, y tế, dân quân, thanh niên tình nguyện đã bố trí khu vực ngồi giãn cách, đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào tiêm.

Theo Sở Y tế Hà Nội công bố trước đó, đây là chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử, sẽ kéo dài hơn 9 tháng (từ tháng 7-2021 đến tháng 4-2022).

Trong chiến dịch này, số lượng người trong độ tuổi cần tiêm chủng (tạm tính lứa tuổi từ 18 đến 65) của Hà Nội là trên 5,1 triệu người, đồng thời mở rộng sang các đối tượng khác. Các đối tượng tiêm được chia thành 10 nhóm theo thứ tự ưu tiên để bảo đảm tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vắc xin.

Hiện nay, phương án đưa ra là sẵn sàng 1.200 dây chuyền tiêm. Nếu nguồn cung vắc xin bảo đảm, thành phố phấn đấu đạt tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày, đồng thời huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các phản ứng sau tiêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiêm được bao nhiêu và mở các điểm tiêm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào lượng cấp phát vắc xin của Bộ Y tế. (An ninh Thủ đô, trang 1).

 

Quốc hội đặt mục tiêu sớm đạt miễn dịch cộng đồng Covid-19 vào cuối 2021, đầu 2022

Chiều 27-7, với 95,19% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội khoá XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 được Quốc hội thông qua đề ra các chỉ tiêu cụ thể như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%...

Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi, trong đó thời gian sống khoẻ mạnh đạt tối thiểu 67 năm; Có 10 bác sĩ và 30 giường bệnh trên 1 vạn dân; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm...

Nghị quyết đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nhưng căn cứ vào tình hình thực tế và địa bàn cụ thể để lựa chọn ưu tiên, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân và an sinh xã hội.

Quyết liệt triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ; khẩn trương triển khai chiến lược vaccine toàn diện, hiệu quả, tổ chức chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho nhân dân, phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế khả thi, hiệu quả.

Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Vụ công bố 12 sản phẩm trị Covid-19: Hiệp hội thực phẩm chức năng “ngỡ ngàng”, nhiều dấu hiệu bất minh

Vụ việc Bộ Y tế ban hành rồi thu hồi công văn về 12 loại thuốc y dược cổ truyền (YDCT) phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 đang gây nhiều tranh cãi, không chỉ bởi sự bất nhất của cơ quan quản lý mà còn nhiều dấu hiệu bất thường...

Tại sao chỉ xoay quanh 5 doanh nghiệp, đơn vị?

Như ANTĐ đã đưa tin, đi kèm công văn số 5944/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 có danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovir - Công ty Cổ phần Sao Thái Dương; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Imboot; Xuyên tâm liên.

Trong số 12 sản phẩm này, nhiều loại thực chất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng).

Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) chia sẻ, bản thân ông cũng thấy ngỡ ngàng với văn bản kể trên của Bộ Y tế, mặc dù ngày 26/7 Bộ đã ra quyết định thu hồi văn bản 5944.

“Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, hơn 1.600 sản phẩm công bố, nhưng tại sao Bộ Y tế chỉ công bố 12 loại thuốc và dược liệu kể trên? Tại sao 12 sản phẩm trong danh sách chỉ xoay quanh 5 doanh nghiệp, đơn vị?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng hỗ trợ sức khỏe để chống bệnh tật, nhưng ai chứng minh là chúng có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và tại sao phải kể đích danh tên các sản phẩm của các doanh nghiệp trong văn bản của một cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ thay vì chỉ nêu chung chung như: nhóm dược liệu tăng miễn dịch, nhóm dược liệu tăng thể trạng...?” – PGS.TS Trần Đáng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng chỉ ra thêm, bản thân Hiệp hội và có lẽ là cả Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn bất ngờ bởi không hề nhận được thông tin hay ý kiến trao đổi gì từ Cục Y dược học cổ truyền – Bộ Y tế trước khi Cục này tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành công văn 5944, trong đó có 12 loại thuốc và dược liệu trị Covid-19.

“Ngay chiều 26-7, sau khi Bộ Y tế có văn bản thu hồi công văn 5944, thì đồng thời Cục ATTP cũng có thông báo khẩn cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả mạo hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên Xuyên tâm liên. Trong đó, Cục ATTP khẳng định, 02 sản phẩm Xuyên tâm liên chưa đăng ký bản công bố tại Cục này” – ông Đáng nói.

Từ những lập luận đó, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng: Rõ ràng có dấu hiệu bất minh ở đây, thậm chí là lợi ích nhóm. “Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh” – PGS.TS Trần Đáng nêu quan điểm.

Quảng cáo sản phẩm trước khi được công bố vài ngày, giá tăng đột biến

Theo thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đối với sản phẩm Viên nang cứng Kovir thì sản phẩm được bán với giá 1.000.000 đồng/hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 15 viên. Trong khi trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, giá bán trước đó của sản phẩm này là 180.000-250.000 đồng/hộp, tức giá đã đội lên 4-5 lần.

Đáng chú ý, thông báo giá bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương được đưa ra ngày 19/7, tức chỉ sớm 5 ngày trước khi Bộ Y tế công bố danh mục 12 thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có sản phẩm Viên nang cứng Kovir.

Trả lời trên báo chí về vấn đề này, đại diện Công ty Sao Thái Dương cho biết, doanh nghiệp không tăng giá bán sản phẩm viên nang như dư luận đồn thổi. Sản phẩm viên nang cứng Kovir (2 vỉ x15 viên) giá 1 triệu đồng/hộp như thông báo ngày 19/7 là sản phẩm mới nhất của công ty, nay mới có giá bán.

Song, chính đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, sản phẩm viêm nang cứng được nghiên cứu, phát triển và cấp phép vào tháng 4/2021. Vậy tại sao đến ngày 19/7 công ty mới có thông báo giá bán gửi các đại lý?

Phía công ty trả lời “thời điểm đó số lượng ít, có bao nhiêu sản phẩm công ty đều gửi lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch nên không đưa ra thị trường. Sau khi khống chế được dịch ở Bắc Giang, đến ngày 19/7, sản phẩm mới chính thức có giá bán và công ty gửi thông báo cho các đại lý.

Lời giải thích từ phía công ty Sao Thái Dương, thật hay, cũng trùng với lời lý giải của Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Thế Thịnh.

Ông Thịnh cho biết: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc YDCT và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Vậy phải chăng, nhờ nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong đợt dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh nên ngày 24/7 vừa qua, Cục YDCT "ưu ái" đưa tên sản phẩm của các doanh nghiệp này vào danh mục 12 loại thuốc và dược liệu có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19?

Quay lại ngày 17-7, trả lời trên Báo Lao động, Cục trưởng Cục Quản lý YDCT Bộ Y tế Nguyễn Thế Thịnh cho biết, hiện chính thức thì mới chỉ có một công ty đang sản xuất thuốc Xuyên tâm liên. Mặc dù đơn vị này được cấp phép từ năm 2010 nhưng ít sản xuất. "Chúng tôi đang động viên doanh nghiệp sản xuất, trước mắt sẽ cung ứng ra thị trường ở mức độ hỗ trợ cho điều trị COVID-19. Tuần sau, khoảng một triệu viên sẽ được gửi đến TP.HCM” – ông Thịnh nói.

Cũng liên quan đến vụ việc này, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành ra trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, khi nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nên tác động mạnh đến tâm lý của người dân.

“Người dân đang trong tâm trạng lo lắng, không biết tình hình COVID-19 như thế nào, còn xảy ra đến đâu nên cảm giác công văn này như một hướng dẫn, phao cứu sinh. Tâm lý của người dân như vậy nên đổ xô đi mua” - ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích. (An ninh Thủ đô, trang 3).

 

Huy động mọi nguồn lực y tế để chống dịch

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay dịch COVID-19 tại TP.HCM và một phần ở các tỉnh lân cận đã nhiễm rất rộng, ngấm sâu trong cộng đồng nên cần huy động mọi nguồn lực y tế.

Ngày 27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và một số thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Quân y 175, bệnh viện Chợ Rẫy...

Làm việc tại bệnh viện Quân y 175, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết hiện tình hình dịch tại TP.HCM và một phần ở các tỉnh lân cận gồm Long An, Đồng Nai, Bình Dương đã nhiễm rất rộng và ngấm sâu trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TPHCM và các địa phương lân cận cần huy động mọi nguồn lực y tế, không phân biệt công, tư, quân đội, dân sự, trung ương hay địa phương để tham gia phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án cho các tình huống, diễn biến của dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị y tế, phương án triển khai hoạt động các bệnh viện khi số lượng bệnh nhân tăng theo từng cấp độ.

Trước mắt, Bộ Y tế, các ngành, địa phương huy động, tập trung ngay lập tức nguồn trang thiết bị y tế đảm bảo cho các tuyến bệnh viện trọng tâm chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 bệnh nặng, không để thiếu các thiết bị bảo hộ y tế

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu cao nhất trong phòng chống dịch hiện nay là cần giảm tỉ lệ tử vong; để làm được điều này, cần giảm tỉ lệ người bị nặng trở nên rất nặng, nguy kịch.

Cụ thể, TPHCM đã chia ra 5 lớp điều trị, do vậy thành phố cần đặt mục tiêu cụ thể cho từng lớp, không để người bệnh chuyển biến hướng nặng hơn, phải quản lý tốt F0 không triệu chứng để giảm tỉ lệ chuyển sang có triệu chứng.

Bên cạnh đó, Thành phố phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, bảo đảm giãn cách thật tốt, kiên quyết thực hiện bằng được các giải pháp phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện tối đa để chăm lo cuộc sống người dân.

Phó Thủ tướng cho rằng các cấp, địa phương phải ghi nhận nhu cầu từng người dân, từng gia đình để có biện pháp điều phối, vận chuyển lương thực thực phẩm và hàng hóa thiết yếu đến tận tay người dân, bảo đảm an toàn nhất trong điều kiện cách ly xã hội.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng, Bệnh viện Quân y 175 đã đưa vào hoạt động Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa đến nặng có quy mô 200 giường bệnh.

Sau 1 tuần, Trung tâm đã tiếp nhận 83 bệnh nhân, trong đó 23 bệnh nhân phải thở máy, 2 bệnh nhân phải lọc máu và 1 bệnh nhân phải sử dụng phương pháp điều trị ECMO.

“Hiện nay, Bệnh viện đang nghiên cứu xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ số lượng bệnh nhân tiếp nhận và sẵn sàng chi viện phòng, chống dịch cho các bệnh viện quân y trong khu vực miền Đông Nam bộ”, thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho hay.

Tại buổi làm việc, Thượng tướng Võ Minh Lương - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ đặt tại TPHCM, cảm ơn Bộ Y tế, TPHCM đã tạo điều kiện, hỗ trợ Bệnh viện 175 hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia phòng, chống dịch, trong đó có việc triển khai cấp tốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ vừa đến nặng…

Thượng tướng Võ Minh Lương đề nghị Bộ Y tế, TPHCM hỗ trợ Bệnh viện các trang thiết bị y tế phù hợp với yêu cầu y tế của mỗi cấp độ tiếp nhận khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19.

Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phát động phong trào hiến máu nhân đạo để kịp thời cung cấp nguồn máu dự trữ cho các bệnh viện trong và ngoài quân đội cũng như tăng cường hợp tác với các địa phương đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch. (Tiền phong, trang 4; Hà Nội mới, trang 7).

 

Việt Nam ký 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ vắc xin

Chiều 27/7, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ liên quan đến vắc-xin COVID-19 với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết.

Theo đó, Vabiotech cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin COVID-19. Công nghệ vắc xin được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein, tức công nghệ sản xuất vắc-xin tái tổ hợp. Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vắc-xin và công nghệ.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng COVID-19. Theo đó, dự án thứ nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Công ty AIC và Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vắc-xin theo công nghệ mNRA.

Hiện Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác, đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam (đầu mối là Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) và làm các thủ tục chuyển giao công nghệ (đầu mối là Vabiotech). Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc-xin ra thị trường.

Dự án thứ 2 là chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV vắc-xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga.

Hiện đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin Sputnik-V từ bán thành phẩm. Vabiotech đã tiến hành đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến 10/8 sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, hiện Bộ Y tế đã đã cử 1 nhóm chuyên gia phối hợp cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn, dự kiến khởi động nghiên cứu vào 1/8 và kết thúc cuối tháng 12. Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc-xin tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.

Hai vắc-xin “made in Vietnam” sang giai đoạn mới

Cùng ngày, theo thông tin từ Học viện Quân y, sau khi hoàn thành tiêm mũi 2 cho 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a), sáng 27/7, các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin Nano Covax tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên (thuộc đợt 3b). PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học, Học viện Quân y cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên phải khai báo y tế, khám sinh hiệu đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn, thử thai cho nữ tình nguyện viên trong độ tuổi sinh sản, sau đó khám trước tiêm.

Đến nay, cả nước có 2 ứng viên vắc-xin phòng COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng. Ngoài vắc-xin Nano Covax còn có vắc-xin Covivac của Viện Vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Hiện vắc-xin Covivac đã hoàn thành tiêm 2 mũi vắc-xin giai đoạn 1 cho 120 người tình nguyện từ 18-59 tuổi, với mục tiêu chính là đánh giá bước đầu tính an toàn trên người tình nguyện và lựa chọn 3 công thức phù hợp nhất để chuyển sang giai đoạn 2. Kết quả đánh giá tính an toàn không có biến cố bất lợi nghiêm trọng, biến cố bất lợi chủ yếu ở độ 1, hồi phục nhanh sau tiêm. (Tiền phong, trang 4).

 

Không để thiếu vật tư, thiết bị y tế chống dịch

Tính đến ngày 27-7, số ca mắc Covid-19 tại nước ta đã vượt mốc 100.000 ca. Lường trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, trong thời gian qua, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, cùng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực chuẩn bị để ứng phó với quyết tâm không để khan hiếm, thiếu thốn trang thiết bị, vật tư y tế chống dịch.

Rút ngắn quy trình đấu thầu

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM tăng nhanh khiến các bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 trở nên quá tải. Đặc biệt, dù chỉ tiếp nhận các bệnh nhân F0 không triệu chứng, nhưng do khả năng nhận bệnh của tầng trên đang ngày càng thấp thì các bệnh viện dã chiến bắt buộc phải xử lý tại chỗ trong các trường hợp bệnh nhân chuyển tuyến. Thế nhưng, thực tế nhiều lãnh đạo bệnh viện cho biết, họ thiếu một số trang thiết bị cần thiết trong điều trị Covid-19 như: máy thở, máy thở di động, thiết bị ECMO (tim phổi nhân tạo), máy monitor (thiết bị theo dõi tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân), oxy, khẩu trang N95, đồ bảo hộ, xe cấp cứu… 

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Tâm, Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19 số 1, hiện nay đơn vị này đang có khoảng 4.500 ca F0 không có triệu chứng và có 250 y bác sĩ đang làm việc tại đây. “Trung bình một ngày các BS phải dùng đến 4 - 5 khẩu trang, nếu được trang bị thêm, chúng tôi sẽ an tâm hơn, bên cạnh đó, chúng tôi cần thêm xe cứu thương để có thể vận chuyển bệnh nhân lên tuyến trên kịp thời”, BS Nguyễn Thành Tâm nói.

Tương tự, lãnh đạo Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi cho biết, hiện đơn vị đang điều trị cho 700 trường hợp bệnh nhân từ nhẹ đến nặng, tuy nhiên chỉ có 20 máy monitor và thường xuyên phải đi mượn máy thở từ các đơn vị khác. “Chúng tôi cần thêm 2 máy thở di động và 80 máy monitor để phục vụ điều trị cho bệnh nhân nặng”, BS Trần Chánh Xuân, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi cho hay. Tình cảnh thiếu thốn cũng diễn ra tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Gò Vấp.

Ở tầng cuối cùng trong tháp 5 tầng điều trị Covid-19, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 cũng phải lên tiếng vì thiếu trang thiết bị y tế. TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, vừa có văn bản hỏa tốc gửi Thành ủy, UBND TPHCM và Sở Y tế đề xuất khẩn trương điều phối trang thiết bị tối cần thiết cho bệnh viện như: Máy thở không sử dụng khí nén trung tâm, máy monitor 6 thông số, máy nội soi phế quản, máy sưởi ấm bệnh nhân...

Theo BS Nguyễn Tri Thức, hiện có trên 800 trang thiết bị với 23 chủng loại, trong khi để điều trị 460 bệnh nhân phải cần đến 2.000 đơn vị trang thiết bị, trong đó có máy ECMO, máy thở, máy lọc máu...

Số lượng lớn trang thiết bị y tế đã vào TPHCM 

Trước số ca mắc tăng cao tại TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định thành lập kho dã chiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy để tập kết vật tư, trang thiết bị y tế hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ngay sau khi kho dã chiến được thành lập, Bộ Y tế đã chuyển đến đây một lượng lớn trang thiết bị y tế, với gần 399 máy thở các loại. Cùng với đó, Bộ Y tế đã huy động 60 hệ thống thở oxy dòng cao, 32 máy lọc máu liên tục, 113 máy theo dõi bệnh nhân, 290 máy tạo oxy, 221 bơm tiêm điện, 160 máy truyền dịch, 13 máy phun khử khuẩn đến kho dự trữ này. 

Ngoài ra, còn có 125.000 khẩu trang N95, 14.500 bộ quần áo chống dịch các loại và hơn 12 triệu khẩu trang y tế. Theo Bộ Y tế, ngoài số trang thiết bị, vật tư y tế được chuyển tới kho dã chiến trên, bộ đã chuyển 3 hệ thống ECMO (tim phổi nhân tạo) cho TPHCM (2 hệ thống) và Đồng Nai (1 hệ thống). Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ cấp tiếp 500 hệ thống oxy cao áp do một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ. Cùng với đó, Tập đoàn Vingroup đã chuyển 800 máy thở do tập đoàn sản xuất để hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bộ sẽ tiếp tục điều chuyển, hỗ trợ TPHCM và các tỉnh phía Nam trang thiết bị y tế từ nguồn một số doanh nghiệp đã cam kết tài trợ khi nhận được hàng để bảo đảm 2.000 máy thở các loại.

“Chúng tôi tin rằng sẽ đảm bảo đầy đủ trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch tại đây cũng như các địa phương khác trên toàn quốc”, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định và cho biết, bộ đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và các bệnh viện triển khai mọi giải pháp không để thiếu oxy, cho điều trị Covid-19. Hiện năng lực sản xuất của các nhà máy oxy của cả nước rất lớn, tổng công suất đạt hơn 851.000m³ khí mỗi ngày (tương đương 1.300 tấn/ngày) và có thể tăng thêm 50%-100% công suất. Bộ Y tế đã họp với 17 nhà máy sản xuất oxy trên toàn quốc, yêu cầu các đơn vị tăng công suất sản xuất, tăng dự trữ và tăng khả năng phân phối cho các cơ sở điều trị để đảm bảo có đủ oxy phục vụ người bệnh.

Sở Y tế TPHCM đã có văn bản đề xuất Thường trực UBND TPHCM, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xem xét chấp thuận chủ trương giao Sở Y tế chủ động rà soát và phê duyệt danh mục, số lượng theo nhu cầu thực tế phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Trong đó, Sở Y tế đề nghị cho phép đơn vị này tổ chức mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 theo quy trình chỉ định thầu rút gọn quy định tại khoản 1 điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.  

Để gỡ khó kịp thời cho các bệnh viện điều trị Covid-19, lãnh đạo UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Y tế huy động một số trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy thở, máy lọc máu, ECMO, máy theo dõi bệnh nhân… có sẵn từ các bệnh viện TPHCM; thực hiện chuyển đổi nhanh các cơ sở hạ tầng sẵn có trở thành bệnh viện dã chiến, sớm đưa vào hoạt động. Thành phố cũng thành lập Trung tâm Mua sắm trang thiết bị y tế tạm thời trực thuộc UBND TPHCM để kịp thời mua sắm các trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu điều trị của các cơ sở cách ly, bệnh viện. (Sài Gòn giải phóng, trang 6).

 

Phải tận dụng giãn cách để tăng tốc tiêm vắc xin

Theo Bộ Y tế, lượng vắc xin nhập về đã hơn 14 triệu liều và phần lớn đã được phân bổ về các địa phương, trong đó có TP.HCM. Thế nhưng, lượng vắc xin được tiêm mỗi ngày trung bình chỉ 20.000 - 40.000 liều.
Hiện TP.HCM đang trải qua những ngày siết giãn cách, nhất là với việc hạn chế người dân không ra đường từ 18h đến 6h mỗi ngày, đây là thời điểm được cho là cần phải được tận dụng tối đa để tăng tốc tiêm vắc xin. 

Trong khi đó, số ca bệnh mới được Bộ Y tế công bố mỗi ngày cũng lên đến vài ngàn nên nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tiêm vắc xin hiện nay là quá chậm, nếu tiếp tục chần chừ sẽ bỏ qua cơ hội ngăn dịch.

Tiến độ quá chậm

Tại TP.HCM, sau 6 ngày triển khai tiêm vắc xin COVID-19 đợt 5, TP.HCM mới chỉ tiêm được -221.289 liều, trung bình tiêm khoảng 36.881 liều/ngày, mỗi điểm tiêm trung bình tiêm cho 59 người/ngày. 

Trong khi theo kế hoạch trước đó của UBND TP.HCM, mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/ngày và với 624 điểm tiêm có thể đạt 74.880 liều/ngày để trong khoảng 12 ngày thì tiêm hết 930.000 liều được phân bổ đợt này.

Như vậy sau 6 ngày TP.HCM tiêm chưa đến 1/4 số vắc xin được phân bổ và với tốc độ tiêm như hiện nay phải mất 25 ngày (tương tương 3,5 tuần nếu tính tiêm luôn trong hai ngày nghỉ). Nếu không có phương án, giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm, có thể tiến độ tiêm vắc xin đợt 5 sẽ chậm hơn 1-2 tuần so với mục tiêu đề ra.

Trong những cuộc họp trước đây, lãnh đạo TP.HCM cho biết đặt kỳ vọng đến hết năm 2021 sẽ có 2/3 dân số TP.HCM được tiêm vắc xin. Với dân số TP.HCM hiện nay khoảng 14 triệu người, TP.HCM kỳ vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 9 triệu người được tiêm vắc xin (trong đó có những người tiêm 2 mũi). 

Với số lượng người đã tiêm một mũi sau đợt 5 là 2 triệu, TP.HCM còn phải tiêm cho 7 triệu người. Nếu tiếp tục tiến độ tiêm như hiện nay sẽ khó khăn để đạt mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, hiện nay TP.HCM đang vào "cao điểm" giãn cách để khoanh vùng, "cách ly" dịch. Đây được các chuyên gia cho rằng là thời điểm tốt để tiêm vắc xin. 

"Vắc xin, vắc xin và vắc xin. Cần lưu ý giải pháp tối ưu để chống dịch đó. Nếu để chậm trễ, không tranh thủ lúc giãn cách này để tiêm vắc xin thì "thời gian vàng" sẽ nhanh qua", một chuyên gia nói với Tuổi Trẻ.

Nơi tiêm "thần tốc", nơi chờ chi viện

Tiến độ tiêm giữa các quận, huyện cũng khác nhau, có nơi tiêm mỗi ngày hàng ngàn người nhưng cũng có nơi chỉ tiêm được mấy trăm người. Lấy ví dụ hai quận 10 và 11 có số phường và số liều vắc xin được phân bổ tương đương nhau. 

Quận 10 có 14 phường, được phân bổ khoảng 19.213 liều, còn quận 11 có 16 phường được phân bổ 19.000 liều. Chỉ trong 4 ngày (23 đến 26-7) quận 11 tiêm được hơn 19.000 liều, hoàn thành chỉ tiêu, trong khi quận 10 chỉ tiêm được khoảng 1.900 liều.

Chủ tịch UBND quận 11 Trần Phi Long cho biết quận đã xin và được phân bổ thêm 5.000 liều và chỉ trong ngày 27-7 đã tiêm được 4.000 liều, dự kiến quận sẽ xin thêm vắc xin để tiêm. 

"Để hỗ trợ quận, các phòng khám còn kêu gọi thêm y, bác sĩ ngoài quận. Như ngày hôm qua (27-7), quận 11 đã phải ký khoảng 200 giấy đi lại cho các y, bác sĩ, tình nguyện viên ngoài quận để vào quận hỗ trợ tiêm chủng" - ông Long cho hay.

Trong khi đó, theo kế hoạch của UBND TP.HCM, với 14 phường, quận 10 phải có ít nhất 28 điểm tiêm, với 56 bàn tiêm. Tuy nhiên, ông Bùi Thế Hải - phó chủ tịch UBND quận 10 - cho biết hiện nay trong số 15 điểm tiêm thực tế (mỗi điểm chỉ có 1 đội tiêm), quận 10 chỉ có 1 điểm tiêm, còn lại do TP.HCM chi viện. 

Với số lượng đội tiêm hạn chế, những ngày qua quận 10 chỉ tập trung tiêm cho người dân thuộc diện chính sách, có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, giáo viên. Từ hôm nay 28-7, TP.HCM chi viện thêm cho quận 5 đội tiêm. Nếu tổng lực tiêm sẽ đạt xấp xỉ 3.000 người/ngày. 

Ông Hải cho hay số lượng tiêm thấp cũng do địa bàn những ngày qua quận 10 có nhiều ca F0. Người dân thuộc diện tiêm đang ở trong khu phong tỏa, cách ly không ra ngoài… (Tuổi trẻ, trang 2).

 

Tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax mũi 2 giai đoạn 3 cho 12.000 tình nguyện viên

Theo tin từ Học viện Quân y, sáng nay (27-7), các trung tâm tham gia nghiên cứu thử nghiệm vắc xin Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen bắt đầu triển khai tiêm thử nghiệm mũi 2 cho 12.000 tình nguyện viên (đợt 3b). Trước đó, 13.000 tình nguyện viên (đợt 3a và 3b) đã hoàn thành mũi tiêm đầu tiên vắc xin Nano Covax vào ngày 14-7. Sau đó, 1.000 tình nguyện viên (đợt 3a) hoàn tất mũi tiêm thứ 2 vào ngày 22-7.

Hai mũi vắc xin Nano Covax được tiêm cách nhau 28 ngày, lấy mẫu máu sau tiêm 42 ngày, sau 6 tháng và 1 năm để đánh giá tính sinh miễn dịch. Sau tiêm mũi 1 và 2, các tình nguyện viên có sức khỏe ổn định, không xuất hiện trường hợp gặp phản ứng ngoài dự kiến.

Hôm nay, 12.000 tình nguyện viên (đợt 3b) tiếp tục được tiêm thử nghiệm theo tỷ lệ 2:1 (tức 2 người tiêm vắc xin, 1 người tiêm giả dược) với nhóm liều duy nhất 25mcg.

PGS.TS Chử Văn Mến, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân y) cho biết, trước khi tiêm thử nghiệm, các tình nguyện viên phải khai báo y tế, khám sinh hiệu đo các chỉ số dấu hiệu sinh tồn, thử thai cho nữ tình nguyện viên trong độ tuổi sinh sản, sau đó khám trước tiêm.

Dự kiến, ngày 15-8 tới, 13.000 tình nguyện viên sẽ hoàn thành tiêm thử nghiệm 2 mũi vắc xin Nano Covax giai đoạn 3.

Trong giai đoạn 3, việc tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax được thực hiện tại nhiều trung tâm, gồm: Phía Bắc do Học viện Quân y làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103, phối hợp với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương; phía Nam do Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh làm đầu mối triển khai, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai tại địa phương.

Trước đó, như Báo Hànộimới đưa tin, vào chiều 22-7, Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp rà soát các hồ sơ, dữ liệu, kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc xin phòng Covid-19 Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.

Về điều kiện để cấp phép khẩn cấp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phải phối hợp chặt chẽ với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) và các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu pha 1, pha 2 và khẩn trương có được kết quả giai đoạn đầu của pha 3 (3A).

Dựa trên hồ sơ, số liệu đánh giá tổng kết này, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia của Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc sớm xem xét đề xuất cấp phép khẩn cấp đối với vắc xin Nano Covax khi kết quả cho thấy an toàn, hiệu quả, chặt chẽ, khoa học...

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. (Hà Nội mới, trang 7; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang