Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/10/2017

  • |
T5g.org.vn - Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển; Không có độc quyền đón khách trong bệnh viện; Gần 500 học sinh tiểu học nhập viện sau khi uống sữa Milo; Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân; …

 

Không có độc quyền đón khách trong bệnh viện

Chiều 27-10, Bệnh viện Bạch Mai có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin chung quanh vụ việc “độc quyền taxi” tại bệnh viện đang được dư luận quan tâm.

Mới đây, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn gửi sáu bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai làm rõ thông tin báo chí nêu về tình trạng taxi ký hợp đồng độc quyền với các bệnh viện “ép khách trả tiền theo giá thỏa thuận” và báo cáo về Cục.

Trước đề nghị phải báo cáo công tác tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế và dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bệnh viện Bạch Mai đã có cuộc gặp gỡ với báo chí để thông tin cụ thể các nội dung liên quan việc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh.

Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền cho biết, mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng người đến làm việc và khám bệnh đến cả vạn người. Việc bảo đảm được tình trạng không kẹt xe, ách tắc giao thông trong khuôn viên bệnh viện rất nan giải.

Trước đây, khi chưa ký kết hợp đồng cho phép hai hãng taxi Mai Linh và Việt Thanh được đỗ đón khách trong cổng bệnh viện, tình trạng taxi dù, taxi tranh giành khách, lừa đảo khách, chạy lòng vòng… là hiện tượng đã được phản ánh rất nhiều.

Ngày 7-7-2016, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện nghiêm túc trong việc vận chuyển người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để không xảy ra tình trạng người bệnh và người nhà bệnh nhân bị bắt chẹt, chèn ép, chèo kéo trong khuôn viên bệnh viện.

Trước câu hỏi, vì sao chỉ ký kết với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh, ông Hiền cho biết nếu mở cửa cho các taxi thì sẽ gây nên tình trạng ùn tắc, không thể kiểm soát được. Bệnh viện ký kết với hai hãng taxi là Mai Linh và Việt Thanh vì đây là hai đơn vị vận tải có nhiều năm kinh nghiệm và họ có cam kết bảo đảm chất lượng phục vụ người bệnh, cam kết công khai bảng giá, có điều phối viên thường trực điều xe theo quy định; cam kết phục vụ mọi đối tượng…

“Hai đơn vị này cũng cam kết, nếu có chèn ép, tăng giá, đi lòng vòng, thái độ phục vụ không tốt mà người dân phản ánh đến Ban lãnh đạo Bệnh viện thì sau ba lần bị phạt, sẽ chấm dứt ký hợp đồng vận chuyển. Tuy nhiên, đến giờ chúng tôi chưa nhận được phản ánh nào của người dân về vấn đề này” – ông Hiền cho hay.

Không chỉ có cam kết, ông Hiền cho biết, Bệnh viện Bạch Mai có hệ thống giám sát. Theo đó, Bệnh viện cho giao đơn vị dịch vụ, bảo vệ thường xuyên giám sát đội ngũ taxi.

Trả lời câu hỏi liên quan đến thông tin trên một số phương tiện truyền thông phải ánh, cái “giá” để một hãng taxi được đỗ đón khách trong viện là 100 triệu đồng, nếu hai hãng thì giá còn 40 triệu/hãng, ông Nguyễn Ngọc Hiền khẳng định, đây là thông tin không chính xác. Theo ký kết, hai hãng taxi sẽ có hai xe đỗ thường trực tại hai cổng Bạch Mai và Phương Mai để đón khách. Mỗi tháng, hai hãng taxi này nộp chi phí là sáu triệu đồng/tháng. Đồng thời, hai hãng cũng hỗ trợ xe điện để phục vụ vận chuyển bệnh nhân trong khuôn viên bệnh viện.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết, số tiền sáu triệu đồng/tháng được nộp vào Quỹ hỗ trợ người nghèo chứ bệnh viện không hề hưởng lợi ích gì trong số tiền đóng này của hai hãng taxi. “Mỗi năm, Quỹ hỗ trợ người nghèo hỗ trợ lên tới cả 10 tỷ đồng cho nhiều trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mục đích của chúng tôi đặt việc phục vụ bệnh nhân lên trên hết chứ không tạo nguồn thu gì từ việc này” – ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, con số sáu triệu/tháng này tính ra bằng đúng con số mà Bộ Tài chính quy định là 100 nghìn đồng/ngày/xe đỗ trong bệnh viện. Nếu tăng giá đối với hai hãng taxi này, thì giá sẽ lại lấy từ túi người bệnh.

Một lần nữa, ông Hiền khẳng định “Chúng tôi không có định hướng ép bệnh nhân sử dụng dịch vụ này. Người sử dụng dịch vụ được quyền chọn taxi khác nhau vì chỗ đỗ của hai hãng taxi và taxi ngoài cổng viện chỉ cách nhau có 5m. Nếu người dân cảm thấy không ưng hãng taxi này, họ có quyền lựa chọn taxi khác. Bệnh viện cấm taxi vào trong khuôn viên nhưng luôn mở cửa cho các phương tiện chở người đi cấp cứu để bảo đảm tính mạng con người là trên hết”.

Tại buổi gặp mặt, ông Hồ Chương, đại diện cho hãng taxi Mai Linh cũng khẳng định quan điểm phục vụ bệnh nhân là ý chí của hãng và coi trọng chất lượng phục vụ lên hàng đầu. Trung bình mỗi ngày, hãng taxi Mai Linh vận chuyển khoảng 50-70 chuyến phục vụ người bệnh.

Ông Dương Đức Hùng cho biết, tới đây, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tăng cường đầu tư hơn nữa các phương tiện vận chuyển như xe điện để phục vụ miễn phí các ca bệnh nặng không thể tự di chuyển để bảo đảm cho việc khám, chữa bệnh nhanh nhất. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Bệnh viện Bạch Mai: Nếu để xảy ra tình trạng “chặt chém” sẽ dừng hợp đồng của hàng taxi”; Tiền phong trang 13: “Bị tố độc quyền trong bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai trần tình”

 

Gần 500 học sinh tiểu học nhập viện sau khi uống sữa Milo

Ngày 27-10, thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: gần 500 học sinh của Trường tiểu học Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) phải nhập việc cấp cứu, sau khi uống sữa Milo, trong đó có 39 em có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu, những em còn lại có biểu hiện nhẹ.

Được biết, hơn 700 suất sữa nói trên là loại sữa Milo được pha sẵn do Sở Y tế tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cấp phát miễn phí định kỳ cho học sinh.

Ông Lê Văn Khởi - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em bị ngộ độc nêu trên. Có thể là do lô sữa, do nguồn nước dùng để pha hoặc khoảng thời gian từ lúc pha cho đến khi đem tới trường cho các học sinh uống kéo dài lâu...

Ngay sau khi biết được thông tin, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Lữ Văn Hùng đã đến trực tiếp tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy để thăm hỏi và chỉ đạo cấp cứu cho các em học sinh.

Sau khi cấp cứu kịp thời, sức khỏe phần lớn các em đã ổn định và về nhà, nhưng vẫn còn gần 100 em đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Ngã Bảy. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc nói trên. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong trang 14: “500 học sinh bị ngộ độc khi uống sữa”; Nông thôn Ngày nay trang 2: “gần 400 học sinh nhập viện sau khi uống sữa miến phí”

 

Dịch vụ “chặt chém” vây người bệnh

Hàng loạt bệnh viện “ép” bệnh nhân sử dụng dịch vụ trong khuôn viên với giá cao hơn bên ngoài nhiều lần. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nhưng các bệnh viện và cơ quan chức năng chậm xử lý.

Phí  gửi xe cao hơn quy định

Theo khảo sát của phóng viên, đa số các bệnh viện trong nội thành rất ít chỗ gửi xe máy cho người nhà bệnh nhân, trong khi các bãi xe bên ngoài đều thu giá vé cao hơn nhiều lần so với giá quy định.

Ghi nhận tại Bệnh viện Việt Đức, thời gian trước đây, muốn gửi xe máy hay ô tô vào viện rất khó bởi bãi xe bên ngoài thường xuyên đông kín chỗ. Nhiều người nhà bệnh nhân muốn vào viện thăm người thân còn phải gửi xe ở các ngõ đối diện bệnh viện với giá 10 – 20 ngàn đồng/xe máy. Thời gian gần đây, phía tiếp giáp với đường Phủ Doãn mới được mở một bãi trông giữ xe của bệnh viện.

Tuy nhiên, với diện tích nhỏ, hẹp, nên dù giá xe được niêm yết công khai 3.000 đồng/lượt, nhưng rất ít người nhà bệnh nhân có thể gửi xe vào đây. Khi bãi xe của bệnh viện đã kín chỗ, bắt buộc người nhà bệnh nhân phải gửi xe ở địa điểm cũ – trên vỉa hè bên lề đường Phủ Doãn tiếp giáp bệnh viện. Dù giá vé đã được niêm yết trên bảng trong bãi giữ xe, nhưng những người trông xe này đều thu cao hơn với giá 5.000 đồng/xe.

Cạnh Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Phụ sản T.Ư nằm trên phố Triệu Quốc Đạt cũng có một bãi xe nằm trong khuôn viên, nhưng chỉ dành cho công nhân viên của bệnh viện. Bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải gửi xe ngoài vỉa hè. Theo ghi nhận của phóng viên, vé của điểm trông giữ xe số 1 Triệu Quốc Đạt ghi là 3.000 đồng, tuy nhiên, những người trông giữ xe vẫn lấy 5.000 đồng/xe và không giải thích lý do.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại cổng Bệnh viện K Hà Nội (Quán Sứ). Dù trong khuôn viên vẫn còn chỗ để xe máy, nhưng những người bảo vệ bệnh viện đã đặt tấm biển chỉ dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra gửi xe trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt. Chiếc vé ghi công ty cổ phần 901 có địa chỉ số 4B, xóm Thắng Lợi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng. Trên vé ghi rõ vé trông giữ xe máy ban ngày 3.000 đồng/lượt, nhưng nhà xe này lấy bút ghi đè biển số xe lên giá niêm yết với giá 5.000 đồng.

Cơm bệnh viện đắt mà không ngon

Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện cũng có giá “cắt cổ” bệnh nhân và người nhà. Đơn cử như tại bệnh viện Răng hàm mặt. Căng tin bệnh viện trên tầng 4 khá sơ sài, nhưng một chai nước lavie bình thường giá 4.000 đồng được nâng giá thành 7.000 đồng. Không có tiền trả lại, nhân viên bán hàng trong căng tin trả phóng viên một chiếc kẹo cao su thay 3.000 tiền thừa.

Trong khi đó, tại bệnh viện K, một số loại nước ngọt, nước đóng chai cũng tăng giá 20 - 30%. Một số bệnh viện khác như Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân y 108 các mặt hàng trong căng tin đều tăng giá nhiều. Ông Lại Quốc Thịnh (quê Thanh Hóa) cho hay, ông đã lên Bệnh viện K điều trị ung thư lần thứ 4, lần nào cũng vào căng tin bệnh viện ăn trưa vì không biết hàng quán nào khác quanh khu vực này. Dù gia đình không quá khó khăn, nhưng chi phí mỗi lần điều trị lên đến hàng chục triệu đồng cũng “vắt kiệt” tài sản gia đình. Theo ông Thịnh, tất cả chi phí ăn ở phải tiết kiệm hết mức để lấy tiền xạ trị, thế nhưng các dịch vụ bệnh viện cũng có giá cao hơn nhiều so với bên ngoài. Không có lựa chọn khác, nên người bệnh đành phải sử dụng. Đơn cử như tại căng tin bệnh viện K, một suất cơm ông Thịnh mua giá 30 ngàn đồng, cộng với lon nước ngọt “bò húc” có giá 14 ngàn đồng, cao hơn bên ngoài rất nhiều.

Gần 12h trưa, có mặt tại bệnh viện Phụ sản T.Ư, chúng tôi gặp bà Loan (Văn Giang, Hưng Yên) đưa con gái lên sinh cháu. Mua suất cơm 25 nghìn ở căng tin bệnh viện, bà Loan bảo đắt hơn ở ngoài nhiều. Suất cơm chỉ có cơm, thức ăn gồm bắp cải và 1 ít tép. Bà Loan bảo, lên bệnh viện trung ương phải chấp nhận chứ biết làm sao.

Một cán bộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, có tình trạng độc quyền dịch vụ ở các bệnh viện hiện nay do các bệnh viện đang hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính. Khi tự quản, thì chi phí các hoạt động chuyên môn, chi trả lương… lãnh đạo Bệnh viện sẽ phải lo. “Bài toán chi phí, đảm bảo đầu ra, đầu vào cho các bệnh viện hiện nay là vấn đề phải tính toán kỹ lưỡng”, vị cán bộ cho hay.

Đại diện Bệnh viện Việt Đức cho hay, bãi xe bệnh viện mới được mở từ 3 tháng nay để phục vụ bệnh nhân. Được sử dụng thẻ từ nên việc thu đúng giá quy định, dịch vụ trông xe được đánh giá khá tốt. Tuy nhiên, tình trạng “chặt chém” vẫn diễn ra ở vỉa hè phố Phủ Doãn. (Tiền phong, trang 13)

 

Nhiều 'chiêu trò' ở phòng khám có yếu tố nước ngoài

Có tới 63% phòng khám có yếu tố nước ngoài đạt chất lượng trung bình thấp. Đây là kết quả của công tác thanh, kiểm tra các phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn TPHCM vừa được công bố trong cuộc họp giữa Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM và 17 phòng khám diễn ra sáng 27/10.

Báo cáo tại cuộc họp, TS.BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, gần đây, Sở Y tế liên tiếp nhận được những đơn thư phản ánh của các bệnh nhân sau khi đến chữa bệnh tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Ông đặt ra câu hỏi tại sao trong số gần 250 phòng khám đa khoa trên địa bàn TP, người bệnh chỉ tố cáo, khiếu nại các phòng khám có yếu tố nước ngoài? Và  đây cũng chính là nhóm phòng khám “có nguy cơ vi phạm cao”.

Nhiều bệnh nhân phản ánh việc khi đến các phòng khám này, người tư vấn, chỉ định họ thực hiện các xét nghiệm, siêu âm chính là nhân viên tiếp tân của phòng khám, hoàn toàn không có chuyên môn nghiệp vụ. Các “gói dịch vụ” chữa bệnh được phía phòng khám  đưa ra với nhiều mức giá chênh lệch nhau. “Thậm chí khi người bệnh đã chọn gói đắt tiền nhất vẫn chưa thoát khỏi các chiêu trò của phòng khám”, vị Chánh thanh tra cho biết.

Theo đó, trong quá trình thực hiện các tiểu phẫu, người bệnh liên tiếp được thông báo mắc thêm nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm khác, cần phải chữa trị ngay, càng nhiều triệu chứng bệnh đồng nghĩa với việc số tiền càng tăng lên, có khi người bệnh phải trả đến 70-80 triệu đồng.

Nhận định về vấn đề này, BS Trạng cho biết luật đã quy định rõ về nghĩa vụ của các BS, phải chẩn đoán đúng bệnh, toàn diện, bàn luận phương pháp điều trị với bệnh nhân. Do đó sẽ xử lí nghiêm những trường hợp BS chẩn đoán “sót bệnh”, vẽ bệnh moi tiền ở các phòng khám đa khoa có yếu tố nước ngoài, xem xét trình độ chuyên môn của các  BS này đến đâu.

Theo ông Trạng, trong cuộc họp chỉ có 15/17 phòng khám được mời có mặt, và chỉ có 5/15 người là người phụ trách chuyên môn kỹ thuật của phòng khám. Ông đặt nghi vấn liệu có hay không tình trạng cho thuê giấy phép hành nghề để đứng tên phòng khám, đến khi “có chuyện” lại phủi tay. “Việc các phòng khám luôn lấy lí do không biết để biện minh cho việc làm sai của mình là vô trách nhiệm. Lúc đầu có thể không biết, nhưng bị xử lí nhiều lần vẫn cho rằng không biết luật liệu có hợp lí hay không? Không biết hay cố tình không biết?”, BS Trạng hoài nghi.

Cần xem lại chất lượng phòng khám

Theo kết quả đánh giá của Sở Y tế, các phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn đạt mức điểm chất lượng trung bình rất thấp (dưới 2,5 trên thang điểm 4). Các phòng khám này chỉ đạt số ít chuẩn chất lượng thiết yếu, sự phối hợp giữa người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và nhà đầu tư còn rời rạc nên dễ nảy sinh nhiều sai phạm.

Theo đó, những lỗi vi phạm trong quá trình hoạt động của các phòng khám bao gồm: Kê đơn thuốc bằng tiếng Trung Quốc mà không có phần dịch ra tiếng Việt của người phiên dịch; Không lập hồ sơ bệnh án cho người bệnh; Thực hiện kỹ thuật điều trị không theo phác đồ điều trị, không đúng quy trình kỹ thuật của Bộ Y tế; Thực hiện kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chưa được Sở Y tế phê duyệt cho phép... (Tiền phong, trang 14)

 

Tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân

Ngày 27-10, Bộ Y tế có công văn khẩn gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành trong cả nước đề nghị chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch mùa đông xuân, chú trọng phòng chống dịch bệnh tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực biến động về dân cư, có ổ dịch cũ và có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao trong những năm qua.

Đặc biệt triển khai quyết liệt các biện pháp để phòng các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam như cúm A(H7N9), A(H5N1) và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Đối với các dịch bệnh có vaccine phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà..., khẩn trương triển khai công tác tiêm chủng, rà soát đối tượng tiêm chủng. Bên cạnh việc tiêm chủng thường xuyên, cần tổ chức ngay các chiến dịch tiêm phòng cho các đối tượng chưa tiêm hoặc hoãn tiêm, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% theo quy mô xã, phường.

Bộ Y tế cũng cho biết, qua giám sát và số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc SXH trên toàn quốc liên tục giảm trong suốt 8 tuần qua. Đặc biệt, cả nước không ghi nhận thêm ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi bệnh là 33.990 người (chiếm 97,8%), còn hơn 780 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện. Ngành y tế vẫn đang tiếp tục giám sát và triển khai đồng bộ mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không chủ quan vì dịch SXH thường kéo dài tới tháng 11 hàng năm.

Liên quan tới dịch bệnh tay chân miệng (TCM), Cục Y tế dự phòng tiếp tục cảnh báo, thời tiết giao mùa hiện nay bệnh TCM ở trẻ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời và chủ động phòng chống. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 54.000 ca mắc TCM, không trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)

 

Di dời các khoa gây ô nhiễm khỏi bệnh viện Bạch Mai

UBND TP Hà Nội yêu cầu quy hoạch Bệnh viện Bạch Mai theo hướng nâng cấp, cải tạo xây dựng lại hệ thống bệnh viện có kết hợp di dời các khoa gây ô nhiễm, giảm số lượng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ 1/500. Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết thuộc địa bàn phường Phương Mai, quận Đống Đa. Phía Bắc một phần giáp phố Phương Mai, phần còn lại giáp các bệnh viện: Da liễu Trung ương, Lão Khoa và Việt - Pháp; phía Đông giáp đường Giải Phóng và giáp bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương; phía Nam giáp khu dân cư phường Phương Mai; phía Tây giáp khu dân cư phường Phương Mai.

Tổng diện tích khu đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 13,81 ha. Trong đó, diện tích đất nằm ngoài quản lý của Bệnh Viện Bạch Mai khoảng: 2,51 ha (gồm Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, bệnh viện Lão Khoa Trung ương); diện tích đất nằm trong quản lý của Bệnh Viện Bạch Mai (diện tích đất đề xuất lập quy hoạch chi tiết 1/500) khoảng 10,6 ha. Theo đề xuất, quy mô giường bệnh khoảng 1.770 giường.

Quy hoạch nhằm cụ thể hóa các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chi tiết quận Đống Đa) và Quy hoạch phân khu đô thị HI-3 đang hoàn chỉnh, trình phê duyệt.

Mục tiêu của quy hoạch là nâng cấp, cải tạo xây dựng lại hệ thống bệnh viện có kết hợp di dời các khoa gây ô nhiễm, giảm số lượng giường bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và công tác nghiên cứu.

Cùng đó, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, đảm bảo đồng bộ các yêu cầu về: công trình khám, điều trị nội - ngoại trú, nghiên cứu và đào tạo, hành chính - hậu cần... đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và nhu cầu học tập, nghiên cứu, đào tạo của sinh viên và cán bộ ngành y.

Đồ án cũng quy hoạch chi tiết công trình kiến trúc, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực xây dựng mới phù hợp với cảnh quan kiến trúc khu vực cải tạo chỉnh trang và khu vực di tích bảo tồn; đảm bảo quy hoạch theo hướng có không gian kiến trúc hiện đại, hài hoà giữa khu vực cải tạo với khu vực xây mới cũng như ưu tiên dành quỹ để xây dựng các khu vực cây xanh vườn hoa, tăng cường không gian xanh, giảm mật độ tăng tầng cao và nâng cấp công nghệ… (An ninh Thủ đô, Công an Nhân dân trang 7)

 

Phòng khám Trung Quốc: Chung “kịch bản” lừa?

"Kịch bản" chung là bệnh nhân đến phòng khám thì nhân viên tiếp tân giải thích phải đi xét nghiệm, siêu âm... vài trăm ngàn.

Bệnh nhân N.T.M.D. bị phòng khám Đại Đông (Q.Tân Bình, TP.HCM) vẽ bệnh, "chặt chém" phải cầu cứu báo Tuổi Trẻ giải cứu ra khỏi phòng khám này - Ảnh cắt từ clip của L.T.H. - Đ.PH.

Tôi và giám đốc Sở Y tế từng ngồi nghe bệnh nhân phản ảnh. Cách đây vài ngày có bốn bệnh nhân đến thanh tra sở phản ảnh và họ nói chúng tôi rất nặng lời. Họ đặt vấn đề thanh tra có tiếp tay, có buông lỏng quản lý phòng khám Trung Quốc? Họ hỏi sao không đóng cửa các phòng khám này

Làm xong, nhân viên hành chính bảo bệnh nhân phải đi soi, đi đốt, đi thông... vì bệnh này, bệnh kia. Bệnh nhân nằm trên bàn thủ thuật rồi, bác sĩ Trung Quốc vừa làm, thông dịch viên vừa nói bệnh nặng lắm, nếu không điều trị thì bị ung thư...

Ông Bùi Minh Trạng, chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM, đã đúc kết như vậy về các phòng khám Trung Quốc tại buổi làm việc với các phòng khám này sáng 27-10.

Sở Y tế mời chủ đầu tư và bác sĩ phụ trách chuyên môn của 17 phòng khám Trung Quốc, nhưng chỉ có 15/17 phòng khám có người đến họp, 5/17 bác sĩ phụ trách chuyên môn và lác đác vài chủ đầu tư có mặt.

Có bệnh nhân phải trả 70-80 triệu đồng

Mở đầu cuộc họp, ông Bùi Minh Trạng cho biết thời gian qua thanh tra Sở Y tế nhận được rất nhiều phản ảnh của người bệnh về phòng khám Trung Quốc.

Qua các phản ảnh này cho thấy việc khám chữa bệnh của phòng khám Trung Quốc đều có chung một "kịch bản" như trên.

Theo đó, sau khi hù bệnh nhân có thể ung thư, họ đưa ra ba gói trị liệu với giá 20 triệu, 10 triệu và 7 triệu đồng.

Bệnh nhân sợ quá, chọn gói trị liệu giá cao nhất nhưng vẫn chưa thoát. Bác sĩ Trung Quốc lại nói nào là bao quy đầu dài quá, có cắt không, nếu để có thể bị ung thư... rồi lại đưa ra ba gói trị liệu.

Bệnh nhân chọn trị liệu tiếp nhưng vẫn chưa hết, bác sĩ lại tiếp tục nói hậu môn có cái này cái khác, cổ tử cung bị loét... Thế là bệnh nhân mất vài chục triệu, thậm chí có người phải trả 70-80 triệu đồng.

Cụ thể như hồ sơ khám bệnh không ghi rõ địa chỉ bệnh nhân khiến thanh tra Sở Y tế không thể tiếp cận và tìm ra bệnh nhân phản ảnh.

Thế nhưng khi thanh tra đến làm việc với phòng khám để làm rõ phản ảnh của bệnh nhân, phòng khám lại liên lạc được với người bệnh để thương lượng trả lại tiền và người bệnh rút lại khiếu nại đối với phòng khám.

Về giá khám chữa bệnh, ông Trạng nói tuy các phòng khám được quyền tự định giá nhưng phải công khai với người bệnh.

Ông Trạng đặt vấn đề: "Sao không chẩn đoán toàn diện mọi vấn đề liên quan đến người bệnh, đưa ra phương pháp điều trị và chi phí điều trị xem người bệnh có đồng ý không.

Vì sao có nhiều bệnh nhân phải "thiếu nợ" phòng khám Trung Quốc, phải thế chấp chứng minh nhân dân, giấy tờ xe, thậm chí cả xe máy?

Có sinh viên trong túi chỉ có 1 triệu đồng đến khám bệnh mà phòng khám cho thiếu tới 7-8 triệu đồng. Trong khi tất cả bệnh nhân này đều không phải bệnh cấp cứu, cần điều trị ngay. Như vậy có phải lừa dối người bệnh không?".

Ông Trạng cũng bức xúc cho rằng cách đây một năm, thanh tra Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp với đại diện các phòng khám Trung Quốc và đã nói nhiều về các vấn đề nêu trên, nhưng vi phạm tại các phòng khám vẫn không thuyên giảm.

"Toàn TP có 254 phòng khám, nhưng chỉ có nhóm 17 phòng khám Trung Quốc là người bệnh phản ảnh nhiều nhất, bức xúc nhất" - ông Trạng nói.

Phụ trách chuyên môn hay cho thuê bằng?

Tại cuộc họp này, thanh tra Sở Y tế thông báo các biện pháp chấn chỉnh mới nhất đến các phòng khám Trung Quốc và đề nghị đại diện các phòng khám về thông báo lại cho chủ đầu tư, bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám để thực hiện. Nếu không thực hiện, phòng khám có thể sẽ bị tạm ngưng hoạt động.

Cụ thể, các phòng khám Trung Quốc phải gửi bảng giá chi tiết về Sở Y tế để sở đăng công khai bảng giá lên trang web, để phòng khám khỏi nói "thu lộn" rồi trả lại cho bệnh nhân.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ xem xét lại danh mục dịch vụ kỹ thuật, nhất là những dịch vụ liên quan đến các bệnh nhạy cảm và hay vi phạm ở phòng khám. Nếu cần thiết sẽ không duyệt cho phòng khám Trung Quốc thực hiện dịch vụ kỹ thuật đó nữa.

Về chẩn đoán bệnh, ông Trạng đề nghị các phòng khám phải thực hiện nghiêm túc, mọi chuyện khám chữa bệnh cho bệnh nhân phải công khai minh bạch trong hồ sơ bệnh án.

Sở đã nhiều lần chấn chỉnh nhưng phòng khám vẫn bất chấp hoặc làm đối phó vì lỗi này chỉ phạt vài trăm ngàn. Sắp tới bác sĩ nào chẩn đoán bệnh nhân hai ba lần, sở sẽ mời phòng khám và bác sĩ đó lên làm việc.

Thanh tra Sở Y tế cũng sẽ công khai số điện thoại bác sĩ phụ trách chuyên môn cho phòng khám Trung Quốc lên trang web để người bệnh có bức xúc gì sẽ gọi điện thoại trực tiếp và các bác sĩ này phải có trách nhiệm giải quyết, không thể né tránh mãi.

"Chúng tôi mời nhà đầu tư, bác sĩ phụ trách chuyên môn phòng khám lên họp nhưng quý vị không quan tâm, không đến dự. Những bác sĩ phụ trách chuyên môn nào không đến dự hôm nay chúng tôi sẽ mời từng người lên làm việc.

Phụ trách chuyên môn mà không thực sự làm việc thì chỉ có thể là cho thuê mướn bằng. Không thể phụ trách chuyên môn mà nói không biết chuyện gì xảy ra ở phòng khám... Sắp tới chúng tôi sẽ làm rõ ai là người cho thuê bằng" - ông Trạng khẳng định. (Tuổi trẻ, trang 8)

 

Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển

Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy con người là vốn quý nhất. Trong mọi hình thái kinh tế -xã hội (KT-XH), dân số luôn là lực lượng sản xuất, lại vừa là người tiêu dùng. Do vậy, dân số là động lực, là mục tiêu của phát triển và những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là các yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển.

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực kinh tế thì chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển nhanh và bền vững của toàn cầu cũng như của mỗi quốc gia. Dân số trong độ tuổi lao động chính là nguồn nhân lực, là lực lượng sản xuất chủ yếu tạo ra mọi của cải, các giá trị văn hóa và tinh thần của nhân loại, là yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT-XH.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, hầu hết các nước đang phát triển có sự nhảy vọt về kinh tế trước đó đã thực hiện có kết quả cao về DS-KHHGĐ. Các nhà kinh tế học đã thừa nhận, việc giảm sinh liên tục trong 3 thập kỷ đã góp phần quyết định vào tăng trưởng kinh tế của các con rồng châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan. Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển kinh tế là “liều thuốc tránh thai” hiệu quả nhất của công tác dân số.

Có thể thấy rất rõ mối quan hệ biện chứng của dân số và phát triển qua bảng Tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số ở Việt Nam từ 1976-2002 (NXB Thống kê, Tổng cục Thống kê): Tỷ lệ tăng dân số đã giảm rất nhanh và đạt mức 1,7% mỗi năm và do đó, tỷ lệ tăng GDP bình quân đầu người cao nhất trong 3 thập kỷ là 5,86% bình quân mỗi năm. Liên Hợp Quốc cũng đã dự báo rằng, nếu Việt Nam làm tốt chương trình DS-KHHGĐ quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu dân và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 160 triệu người và đến năm 2035, GDP bình quân đầu người của năm 1990.

Rõ ràng, mối quan hệ biện chứng giữa dân số và phát triển, trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực chủ yếu của quá trình phát triển đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện công tác dân số cũng như kế hoạch phát triển KT-XH của mọi quốc gia.

Từ nhận thức đến thay đổi toàn diện công tác dân số

Từ những năm thập kỷ 60 của thế kỷ XX, công tác dân số chủ yếu tập trung vào các nội dung KHHGĐ và mang tính toàn cầu. Mục tiêu lúc đó là hạ tỷ lệ phát triển dân số, xóa đói giảm nghèo, góp phần quan trọng cho phát triển KT-XH và giải quyết môi trường sống ở các nước đang phát triển.

Ở nước ta, nhận thức được tác động của gia tăng dân số nhanh ảnh hưởng tới phát triển KT-XH, ngay từ năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mặc dầu trong lúc đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, trong hoàn cảnh chiến tranh, ngày 26/12/1961, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định 216-CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn.

Ngày 14/1/1993, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng (khóa VII) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề “về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình” (gọi tắt là Nghị quyết 04). Từ đây, công tác dân số ở nước ta đã có những thay đổi cơ bản, toàn diện, cả về nội dung, cách làm, huy động toàn hệ thống chính trị tham gia vào công tác DS-KHHGĐ; xây dựng và từng bước kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ. Nhờ vậy, kết quả đạt được đều vượt xa mục tiêu đề ra, Tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,86% (năm1991) xuống còn 1,36% (năm 2000), quy mô dân số từ 67,24 triệu dân tăng lên 77,64 triệu năm 2000, thấp hơn 4,36 triệu so với mục tiêu đã đề ra khoảng 82 triệu dân vào năm 2000. Tốc độ gia tăng dân số quá nhanh đã được khống chế. Nhờ đó kinh tế ổn định và phát triển nhanh hơn.

Sau hơn 55 năm thực hiện công tác dân số, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. 55 năm qua, công tác dân số cũng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với bao khó khăn thử thách và tổng kết được những bài kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt, giai đoạn 1991-2000 đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ, toàn diện với công tác DS-KHHGĐ nước ta.

Năm 1991, lần đầu tiên ngành Dân số có bộ máy tổ chức chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở. Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ trực thuộc Chính phủ, hệ thống Uỷ ban DS-KHHGĐ cấp tỉnh và huyện thuộc UBND cấp tỉnh và huyện, tại cấp xã có Ban DS-KHHGĐ, có cán bộ chuyên trách và mạng lưới công tác viên DS-KHHGĐ tại tổ dân phố, thôn, bản… được hình thành. Với phương châm hoạt động: “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động và cung cấp các phương tiện tránh thai phi lâm sàng.

Thành công của công tác dân số trong giai đoạn này đã minh chứng cho sự lãnh đạo sáng suốt, tính đúng đắn và sự phù hợp với lòng dân của chính sách. Thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết 04 ngày 14/1/1993 cũng đã khẳng định quan điểm với tầm nhìn chiến lược của Đảng: “Công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế - xã hội từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Sự đầu tư đúng đắn và khôn ngoan nhất

Nghị quyết 04 cũng đã khẳng định: “Huy động lực lượng của toàn xã hội tham gia công tác DS-KHHGĐ, đồng thời phải có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm cho các nguồn lực nói trên được sử dụng có hiệu quả và đến tận người dân”. Nghị quyết cũng nêu rõ quan điểm: “Đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Nhà nước cần tăng mức chi ngân sách cho công tác DS-KHHGĐ, đồng thời động viên sự đóng góp của cộng đồng và tranh thủ viện trợ của quốc tế”. Như vậy, trong hệ thống 5 quan điểm và 6 giải pháp, Nghị quyết 04 đã chú trọng vào việc đầu tư nguồn lực cho công tác số. Đó cũng chính là những quan điểm chính thống rõ ràng và cam kết của Đảng và Nhà nước ta trước cộng đồng quốc tế; là sự bảo đảm thành công cho công tác dân số và tiền đề cho phát triển KT-XH của đất nước

Bên cạnh những yếu tố nhân văn rõ nét như cải thiện sức khỏe bà mẹ trẻ em, đáp ứng các quyền sinh sản, giảm nhu cầu phá thai và góp phần xóa đói giảm nghèo, lĩnh vực DS-KHHGĐ cũng khẳng định mạnh mẽ lợi ích kinh tế mang lại, nghĩa là đầu tư cho lĩnh vực này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. Theo kinh nghiệm quốc tế được UNFPA công bố, 1USD chi cho DS-KHHGĐ sẽ tiết kiệm được 31USD chi cho các dịch vụ xã hội khác.

Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2009 cho thấy: Dân số nước ta là 85,8 triệu người, mỗi năm tăng thêm 952.000 người, lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, số người tăng thêm mỗi năm ở mức dưới 1 triệu người, trong khi số phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tăng lên nhiều; Tỉ lệ tăng dân số giảm từ 3,77% năm 1960 xuống còn 1,09% năm 2009, trung bình hàng năm đã giảm từ 1,7% (giai đoạn 1989-1999) xuống còn 1,2% (giai đoạn 1999-2009), là mức giảm sinh lớn nhất và tỉ lệ tăng dân số thấp nhất trong vòng 50 năm qua; tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ 6 con (1960) giảm xuống còn 2,03 con và đạt dưới mức sinh thay thế.

Vào năm 2010, dân số Việt Nam ở mức 87 triệu người, chứ không phải là 105 triệu người như các nhà khoa học dự báo cách đây 20 năm. Như vậy, trong vòng 20 năm qua, so với dự báo Việt Nam đã “tránh sinh” được 18 triệu trường hợp, bớt đi “một gánh nặng” lớn tác động trực tiếp tới sự phát triển KT-XH của đất nước. Kết quả giảm sinh giúp tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội khác, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nhờ thay đổi vốn từ tiêu dùng (cho số dân tăng lẽ ra phải tăng thêm) sang tích lũy cho phát triển KT-XH.

Từ những phân tích trên cho thấy, về lý luận cũng như thực tiễn đã chỉ rõ: Không những đầu tư nguồn lực cho dân số là đầu tư cho phát triển mà đầu tư cho công tác này mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao. (Gia đình & Xa hội, trang 6)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang