Vũ khí mới chống siêu kháng thuốc lao
Mỗi năm Việt Nam có hơn 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc mới, trong đó gần 6% là lao siêu kháng thuốc. Lao siêu kháng thuốc khiến cho việc điều trị tốn kém, kéo dài, làm tăng nguy cơ lây lan vi khuẩn lao ra cộng đồng, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn. Theo PGS-TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình phòng chống lao quốc gia, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 130.000 ca mắc lao mới. Mỗi năm cũng có hơn 17.000 người tử vong vì bệnh lao. Tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 30% bệnh nhân lao ở cộng đồng chưa được phát hiện. Không những thế, do tâm lý xấu hổ, giấu bệnh, do phác đồ điều trị lao kéo dài nên nhiều bệnh nhân nản chí, bỏ điều trị, dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc ngày càng cao.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 5.100 bệnh nhân lao kháng thuốc, đứng thứ 14/25 quốc gia có tình trạng lao kháng thuốc cao trên thế giới. Trong đó 6% (300 người) số ca là siêu kháng thuốc, đây là nhóm bệnh nhân khiến y học “bó tay”. Theo TS Nhung, hiện nay, tỷ lệ điều trị lao kháng thuốc thành công lên đến 70% nhưng tỷ lệ này ở lao siêu kháng thuốc chỉ đạt 7%. Cộng lại, mỗi năm cả nước có khoảng 550 bệnh nhân lao điều trị không thành công, vi khuẩn lao kháng mọi loại thuốc hiện có. “Người bệnh lao “hết thuốc chữa” không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn là mối nguy cơ lớn lây bệnh ra cộng đồng” – TS Nhung cho biết.
TS Nhung chia sẻ, phác đồ điều trị lao kháng thuốc kéo dài như hiện nay (20-24 tháng), kết hợp nhiều loại thuốc độc tính cao khiến nhiều bệnh nhân chán nản, mệt mỏi nên không tuân thủ phác đồ điều trị. Mới đây, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố thuốc Bedaquiline - loại thuốc mới đầu tiên trong hơn 40 năm qua dùng để điều trị lao kháng thuốc. Hiện Việt Nam cũng đã nhận được tài trợ, thử nghiệm dùng thuốc chống lao kháng thuốc thế hệ mới trên 100 bệnh nhân lao kháng thuốc. Tỷ lệ khỏi bệnh cũng cao hơn (80%), chi phí rẻ hơn so với phác đồ cũ.
“Phác đồ mới sẽ được thí điểm, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, nếu hiệu quả sẽ mở rộng. Hy vọng với “vũ khí” mới này, vi khuẩn lao kháng thuốc sẽ bị đánh bại” – TS Nhung cho biết. (Nông thôn ngày nay (trang 5).
Đăng ký thuốc và kê khai giá thuốc qua mạng
Ngày 26/11, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tổ chức Lễ công bố khai trương thêm 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc. Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, với dịch vụ này, doanh nghiệp chỉ cần truy cập vào hệ thống phần mềm đăng ký thuốc hay kê khai giá thuốc đề nộp hồ sơ thanh toán và nhận kết quả qua mạng, không phải đến tận nơi để giao dịch trực tiếp. Cục sẽ song song tiếp nhận cả loại hình hồ sơ giấy trong vòng 6 tháng nữa để các doanh nghiệp làm quen với phương thức giao dịch, tiếp nhận mới này. Cơ quan quản lý là Cục Quản lý Dược cũng sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, thời gian cũng như lưu trữ hồ sơ khi ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ này.
Đây là sản phẩn của sự hợp tác giữa Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế và Trung tâm giải pháp công nghệ viễn thông, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel.
Mỗi năm Cục Quản lý Dượctiếp nhận gần 6.000 hồ sơ của các doanh nghiệp khiến các cơ quan quản ký khá vất vả. Tháng 3 Cục này đã khai trương dịch vụ trực tuyến mức độ 4 cho việc cấp phiếu công bố mỹ phẩm. Việc khai trương tiếp hai dịch vụ công góp phần giảm bớt công sức và thời gian doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ công bố, GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Hưởng ứng hệ thống đăng ký thuốc trực tuyến, ông Nguyễn Thanh Bình, tổng giám đốc công ty CPC1 Hà Nội cho rằng: Đây là một bước tiến mới trong công tác quản lý của nhà nước. Trước đây, các doanh nghiệp dược mất rất nhiều thời gian cho việc đăng ký, kê khai thuốc cũng như thời gian chờ đợi phê duyệt. Ứng dụng CNTT trong việc đăng ký, kê khai lại giá thuốc sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn trong việc đăng ký, kê khai lại giá thuốc cũng như giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc quản lý. Người dân, qua đó cũng dễ dàng theo dõi, so sánh và đối chiếu giá thuốc. (Nông thôn ngày nay (trang 5).
Chưa yên tâm về chất lượng và giá thuốc
Thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) chiều 27/11, các đại biểu Quốc hội đề nghị phải sớm khắc phục tình trạng độc quyền giá, đấu thầu thuốc lòng vòng, bác sĩ bắt tay với nhà thuốc.
Dân rất nghèo lại phải dùng thuốc quá đắt
Đại biểu (ĐB) Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề nghị luật sửa đổi cần phải quy định cụ thể để quản lý thị trường thuốc hiệu quả hơn, đặc biệt trong vấn đề giá thuốc. ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị luật sửa đổi lần này cần đảm bảo tính minh bạch, khắc phục bất cập hiện nay. Theo ĐB Minh, cần phải quy định việc in giá thuốc cụ thể trên bao bì để việc quản lý được thuận tiện hơn. Nhà nước cần phải quản lý đầu vào, công khai niêm yết giá cho các cơ sở, đồng thời phải xử phạt nghiêm minh, không để tăng giá quá cao so với nước ngoài, ĐB Minh nêu.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cho rằng, việc kiểm soát giá thuốc thời gian qua chưa hiệu quả. ĐB Lan đề nghị phải khắc phục ba nguyên nhân: Độc quyền giá, câu kết nâng giá thuốc ngoại, mua bán lòng vòng đẩy giá lên và tình trạng hãng dược, bắt tay bác sĩ, chi hoa hồng. Bà Lan đề nghị phải có chế tài đủ mạnh, khi phát hiện ra vi phạm phải xử phạt nghiêm minh.
Dù dự thảo đã quy định việc quản lý theo cơ chế giá thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, nhưng ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, dự thảo chưa quy định cụ thể trong việc kê khai như thế nào hợp lý, chỉ thiên về quản thuốc trong nước mà không để ý đến thuốc nước ngoài. ĐB Cương đề nghị cần phải khắc phục được tình trạng bất ổn giá, đặc biệt là độc quyền giá thuốc.
ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) đề nghị luật sửa đổi phải quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế, tránh tình trạng dân dùng thuốc giá thế nào cũng được. “Tôi tha thiết mong Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, có cách quản lý minh bạch để giảm bớt tầng lớp trung gian, ăn chặn quá nhiều vì dân ta còn đang rất nghèo mà phải dùng thuốc giá đắt, lại không phù hợp với chất lượng”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nói.
Chất lượng thuốc: Chưa yên tâm
ĐB Huỳnh Văn Tính đề nghị luật sửa đổi cần phải có quy định kiểm tra chất lượng thuốc có nguồn gốc từ nước ngoài.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, việc kiểm nghiệm thuốc còn dàn trải, manh mún, do vậy, cần định hướng quy hoạch vào trong luật. Thực tế cho thấy, việc kiểm nghiệm thuốc chỉ tập trung vào mặt hàng thuốc nội, bởi thực tế cho thấy 80% mẫu kiểm nghiệm là thuốc nội và chỉ có 20% mẫu thuốc ngoại... “Những lý do trên khiến chúng tôi chưa yên tâm về chất lượng thuốc. Do vậy, phải quy định để xác định rõ trách nhiệm, và xử lý nghiêm minh đối với thuốc giả”, bà Lan đề nghị.
Trước thực trạng hàng trăm loại thuốc bị cấm lưu hành, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) tỏ ra quan ngại vì thuốc kém chất lượng bị phát hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt Việt Nam là nước có tỷ lệ kháng kháng sinh thuộc loại cao nhất thế giới. ĐB đề nghị cần phải thực hiện nghiêm việc kiểm nghiệm trước khi lưu hành để người dân được sử dụng thuốc an toàn, chất lượng. (Tiền phong (trang 4).
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo y, dược: Quyết định của Bộ GD&ĐT có phù hợp?
Bộ GD&ĐT vừa quyết định cho phép trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học trình độ đại học hệ chính quy. Trong khi đó, năm học 2015-2016, trường này còn thiếu khoảng 2.000 người học mới lấp đầy chỉ tiêu tuyển sinh!
Phóng viên Tiền Phong trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - người trực tiếp ký quyết định đang gây tranh cãi…
Bộ GD&ĐT vừa tiếp tục cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ (KD-CN) đào tạo các ngành y, dược là những ngành đòi hỏi đặc thù về điều kiện giảng dạy và đòi hỏi đầu vào chất lượng cao trong khi điểm tuyển của trường này có rất nhiều ngành chỉ bằng điểm sàn. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
Đây là những ngành đặc thù nên điều kiện mở ngành phải rất chặt chẽ, phải có được sự đồng ý của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giảng viên, chương trình đảm bảo thì mới được Bộ GD&ĐT cho phép. Ngành y, dược có thừa nhân lực hay không là do Bộ Y tế là bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm.
Tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nên tự các trường quyết định điểm đầu vào, nhưng chắc chắn điểm vào ngành y không thấp vì ngành y, dược là những ngành đang hút sinh viên. Một vấn đề nữa là các trường tuyển sinh theo điểm chuẩn từng ngành chứ không phải theo điểm đầu vào chung vì vậy điểm đầu vào chung không nói lên điều gì cả, có những ngành thấp và có ngành cao. Hơn nữa, khi tuyển sinh sẽ có trách nhiệm biết được học sinh nào có mức điểm nào thì mới học được và quyết định ngưỡng để nhận hồ sơ và chắc chắn ngưỡng của 2 ngành này phải cao.
Được biết, khi thẩm định, trường ĐH KD-CN còn thiếu một số điều kiện về giảng viên cơ hữu, về việc chứng minh có cơ sở thực hành ngoài nhà trường… và, ngày 17/11/2015, phía Bộ Y tế cũng đã yêu cầu nhà trường hoàn thiện các điều kiện nhưng sau đó 2 ngày 19/11, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định cho phép trường này mở ngành đào tạo bác sỹ đa khoa. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Ý kiến đó của ngành y tế là trước khi thẩm định cả tháng trời và nhà trường sau đó đã bổ sung đầy đủ theo yêu cầu thẩm định.
Với cương vị là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, là người ký quyết định, ông có đảm bảo về tất cả các điều kiện mở ngành y, dược của trường này không?
Khi tiến hành làm thủ tục mở ngành thì Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT đã lập đoàn kiểm tra và đến nay tất cả các điều kiện, bao gồm cả các điều kiện còn thiếu đã bổ sung. Yêu cầu mở ngành rất cao và trường đã đạt vượt cả yêu cầu của Thông tư quy định về mở ngành. Trong quá trình đào tạo hai Bộ còn phối hợp kiểm tra thẩm định liên tục.
Có một số trường, khi mở ngành thì hồ sơ rất đẹp, nhưng sau đó lại lộ ra đầy hạn chế. Bộ GD&ĐT đã xử lý tình trạng này
ra sao?
Đương nhiên phải dừng đào tạo vì trong quyết định xử lý, xử phạt đã nêu rõ: Trong quá trình đào tạo nếu không đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người thì sẽ dừng đào tạo ngành. Trên thực tế Bộ đã dừng rất nhiều ngành đào tạo qua công tác hậu kiểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, các ngành y, dược là những ngành đào tạo đặc thù, vì vậy chỉ nên đào tạo ở những trường có bề dày truyền thống, thưa ông?
Hiện đào tạo ngành y khó, tốn kém và nước ta cũng chỉ có mấy trường y thôi và lâu rồi ít được đầu tư. Chúng ta phải xã hội hóa để thu hút đầu tư nên trường tư nào đủ điều kiện thì sẽ được khuyến khích đầu tư để nâng cao số lượng bác sỹ phục vụ người dân vì hiện tỷ lệ bác sỹ trên đầu người dân còn rất thấp. Khi họ đảm bảo điều kiện theo yêu cầu, đảm bảo chất lượng thì được mở ngành đào tạo. Trong quá trình đào tạo các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành kiểm tra nếu bất cứ lúc nào họ không đủ điều kiện thì sẽ phải dừng đào tạo.
Bộ Y tế quản lý ngành và cấp chứng chỉ hành nghề chứ không phải sinh viên cứ học xong là được hành nghề bác sỹ. Ngành y là ngành có kiểm soát rất chặt, học tập thời gian dài hơn, có 2 năm thực tập ở bệnh viện, qua sát hạch mới được hành nghề … (Tiền phong (trang 10).
Kỷ niệm 60 năm thành lập Tổng hội Y học Việt Nam
Tối 27-11, tại Hà Nội, Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1955-2015). Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tới dự.
Tổng hội Y học Việt Nam là một trong những tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập sớm nhất ở nước ta với nhiệm vụ đoàn kết tất cả thầy thuốc cả y lẫn dược thành một ngôi nhà chung để thực hiện sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam. Đến nay, Tổng hội Y học Việt Nam đã có 47 hội thành viên chuyên khoa trung ương và 54 hội tỉnh, thành địa phương. Nhiều hội chuyên khoa trung ương đã tập hợp được đông đảo hội viên và có mạng lưới trên phạm vi cả nước như: Hội Điều dưỡng Việt Nam, Hội Tim mạch Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Hội Lao và Bệnh phổi Việt Nam, Hội Sản khoa và Sinh đẻ kế hoạch Việt Nam...
Cùng ngày, tại Hội nghị Khoa học toàn quốc được Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người) cho biết, các chuyên gia trong nước đã hoàn tất điều kiện kỹ thuật, chuyên môn cho triển khai ghép phổi tại Việt Nam. Ghép phổi được chỉ định cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn nặng và một số bệnh lý khác khiến phổi đã mất chức năng; có chỉ số phù hợp giữa người hiến và người nhận (phương pháp này không chỉ định cho ung thư phổi). (Hà Nội mới (trang 7), Nhân dân (trang 7).
Chưa điều chỉnh mức đóng Bảo hiểm y tế đến hết năm 2017
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng nhờ các giải pháp tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh. Năm 2014, Quỹ BHYT có kết dư khoảng 5.200 tỷ đồng, đủ khả năng cân đối đến hết năm 2017. Vì vậy, từ nay đến hết năm 2017 chưa đặt ra vấn đề điều chỉnh mức phí đóng BHYT.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trần thu phí bảo hiểm được Quốc hội cho phép là 6%, hiện nay đang thu ở mức 4,5%. Đến năm 2018, khi đã tính đủ 7 cấu phần vào giá dịch vụ y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cân nhắc đến việc có điều chỉnh mức đóng BHYT hay không. (Hà Nội mới (trang 7).
Chiều 27-11, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã họp về triển khai kế hoạch phục vụ Đại hội XII của Đảng.
Bộ Y tế đã thành lập Tiểu ban Y tế phục vụ Đại hội XII của Đảng do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên làm Trưởng Tiểu ban và thành viên là các vụ, cục chuyên ngành, đại diện Cục Y tế Bộ Công an, bệnh viện (BV) Trung ương Quân đội 108, BV Hữu nghị, BV Bạch Mai, BV E, BV Hữu nghị Việt Đức, Sở Y tế Hà Nội.
Tiểu ban Y tế đã xây dựng kế hoạch, phương án, cụ thể về công tác y tế, gồm thường trực cấp cứu, tổ chức khám, chữa bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh, vệ sinh ATTP, phòng chống thảm họa. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ phục vụ y tế và chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự, tham gia chỉ đạo, tổ chức Đại hội,đại biểu và khách mời vv... (Công an nhân dân (trang 1), Nhân dân (trang 5)
Nỗi lo tăng nhanh tình trạng già hóa dân số
Th.S - BS Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông giáo dục - Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) đã cho biết, thông điệp ngày DS Việt Nam 2015 (26-12) được phát động sẽ là: “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”. Tốc độ già hóa DS ở Việt Nam đang được xếp trong tốp 5 trên thế giới, nhưng hệ thống chăm sóc, an sinh xã hội cho người cao tuổi hầu như “chưa có gì”. Đây thực sự là một vấn đề cần sự quan tâm của toàn xã hội cùng với việc hoạch định những chính sách, chiến lược thực tế phù hợp. Theo Th.S Mai Xuân Phương, những năm qua, ta đã làm rất tốt công tác giảm sinh. Đồng thời, sự phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống chăm sóc y tế tốt hơn, tỷ lệ và số lượng người cao tuổi do đó đã tăng lên. Tuổi thọ bình quân của người Việt tính tới năm 2010 đã đạt 73 tuổi và hiện nay là 73,6 tuổi. Trước năm 2009, tỷ lệ người trên 60 tuổi của ta chiếm 7% dân số cả nước. Nhưng tới 2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%. Số người cao tuổi nước ta sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Nếu năm 2012, cứ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi và dự báo tới năm 2049, trong 4 người dân có 1 người cao tuổi. Theo đó, thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” (thời gian để tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14%) của Việt Nam rút lại rất ngắn, chỉ khoảng 18 - 20 năm, trong khi với nhiều nước trên thế giới, quá trình chuyển đổi này kéo dài từ vài chục năm tới cả thế kỷ như: Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Mỹ (70 năm). Thống kê mới nhất của ta cũng cho biết, tại một xã thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có tới 60 hộ dân là các cặp vợ chồng trên 80 tuổi đang sinh sống. Việt Nam đang được coi là một trong những nước có tốc độ già hóa DS tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á.
Nước ta nhóm dân số cao tuổi nhất (trên 80 tuổi và số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên) tăng rất cao. Tỉ trọng DS theo nhóm tuổi của ta năm 1979 ghi nhận: 42% là từ 0-14 tuổi; 53% từ 15-64 tuổi; và 5% là trên 65 tuổi. Năm 2014: 23,5% là từ 0 tới 14 tuổi ; 69,4% từ 15-64 tuổi và 7,1% là trên 65 tuổi. Dự báo về tỉ trọng DS Việt Nam từ 2009 - 2049 sẽ có nhiều biến động. Trong đó, DS ta ở nhóm từ 15 tuổi trở lên có tỉ lệ lớn, tỉ lệ đang có việc làm cao, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng năng suất chất lượng còn nhiều hạn chế, lao động ở nông thôn lớn trong khi kinh tế nông nghiệp thu hẹp, kinh tế khu công nghiệp và xây dựng cơ bản tăng cao. Tốc độ tăng tuổi thọ của ta hiện nay nhanh hơn cả thế giới, Trung Quốc và cả Thái Lan. Bên cạnh đó là tình trạng giảm mức sinh. Năm 1960 bình quân mức sinh của ta là 6,39 con thì hiện nay đang ở mức thay thế là 2,1. Điều đặc biệt này đồng nghĩa với việc, người cao tuổi tại Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai trong việc chăm sóc sức khỏe, và nâng cao chất lượng sống.
Người cao tuổi (NCT) Việt Nam chủ yếu sống cùng con cháu. Tỉ lệ sống độc thân chiếm khoảng 10%, và sống với vợ, chồng khoảng 15%. Đặc biệt là tình trạng nữ cao tuổi ngày càng cao, nữ cao tuổi phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi trên nhiều mặt: thu nhập, tình trạng sức khỏe.
Điều tra cũng cho thấy, NCT của ta hiện đời sống vật chất còn nhiều khó khăn. Đa số không có tích luỹ vật chất. Có tới 62,3% NCT (ở cả nông thôn và thành thị) có đời sống nghèo, thiếu thốn. Chỉ có 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Trong khi ấy, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa bắt kịp với sự thay đổi rất lớn về DS này. Tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt Nam cũng rất cao. Khoảng 95% NCT có bệnh tật kép và chủ yếu là các bệnh mãn tính không lây như: cao huyết áp, tim mạch, ung thư, tiểu đường; chưa kể có một số lượng tới gần 30% NCT gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày cần sự hỗ trợ từ người khác. Trong khi đó, mạng lưới chăm sóc sức khỏe của ta hiện nay “trắng” hoàn toàn hệ thống y tế lão khoa. Cả nước có 63 tỉnh, thành thì mới có duy nhất một Viện Lão khoa. Hệ thống trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Th.S Mai Xuân Phương cho rằng, tuổi thọ cao là một thành tựu của Việt Nam nhưng cũng là một nỗi lo thực sự vì tới gần 70% NCT của ta có sức khỏe yếu và rất yếu. Do đó, rất cần thiết phải có ngay các giải pháp kịp thời ứng phó với một xã hội già hóa dân số đang gia tăng, đảm bảo chế độ an sinh xã hội cho NCT. Cần cải cách chế độ hưu trí hiện hành, đa dạng, mở rộng trợ cấp XH cho NCT dễ bị tổn thương, tập trung đặc biệt vào NCT sinh sống ở khu vực nông thôn, phụ nữ cao tuổi, NCT ở khu vực ít người, thiểu số. (Công an nhân dân (trang 4).
Cứu sống bệnh nhân phình vỡ động mạch chủ
Ngày 27/11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết đã cứu sống một bệnh nhân bị phình vỡ động mạch. Sau gần 1 tuần hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa đã ổn định.
Trước đó, ngày 21/11, bệnh nhân Ngô Hòa (81 tuổi, P. Đội Cung, Tp Vinh, Nghệ An) nhập viện với chẩn đoán phình động mạch chủ, khối phình bắt đầu vỡ, đe doạ tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng mổ cấp cứu.
Bệnh nhân Hòa xuất hiện cơn đau bụng lâm râm quanh rốn 2 ngày trước khi xuất hiện cơn đau dữ dội. Nhập viện trong tình trạng truỵ mạch, niêm mạc nhợt nhạt, qua siêu âm cho bệnh nhân, bác sĩ thấy hình ảnh tổn thương phình động mạch chủ ngay dưới động mạch thận, kích thước khối phình 7- 11 cm, tụ máu lớn sau phúc mạc, khối phình động mạch chủ bụng bắt đầu vỡ. Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực phẫu thuật khẩn cấp.
"Chúng tôi nhanh chóng kiểm soát, kẹp cổ đầu trên và đầu dưới túi phình cầm máu, cắt bỏ túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo. Trong lúc mổ, bệnh nhân được truyền 1500ml máu. Trong vòng 4 tiếng của ca mổ, khó khăn nhất chính là phải kiểm soát được đầu trên túi phình, bởi nếu để túi phình lan đến động mạch thận sẽ bị biến chứng suy thận. Ngoài ra, mọi thao tác của êkip phẫu thuật cần nhanh chóng để phục hồi động mạch, kịp tưới máu chi dưới tránh hoại tử", Thạc sỹ Phạm Văn Chung, khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, phẫu thuật viên chính ca mổ nhận định.
Theo nhận định của các bác sĩ chuyên khoa, đây là ca mổ khó, đòi hỏi ê kíp bác sĩ phẫu thuật và gây mê hồi sức cần có sự phối hợp xử trí nhanh chóng, nhuần nhuyễn mới có thể cứu sống được người bệnh.
"Quá trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhân Hoà cũng vô cùng khó khăn, vì trên thể trạng bệnh nhân già yếu, suy kiệt nhiều, sau mổ thường xảy ra tình trạng rối loạn chức năng gan, thận. Ngoài lượng máu sử dụng trong lúc mổ, bệnh nhân còn được bổ sung 1 lít máu và 1 lít huyết tương tươi (plasma) trong quá trình hồi sức. Nguy cơ bệnh nhân đe dọa tử vong luôn hiện hữu, nhưng sau gần 1 tuần hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa đã ổn định", Thạc sỹ Trần Minh Long (Trưởng khoa Hồi sức Ngoại khoa) cho biết.
Phẫu thuật phình động mạch chủ là kỹ thuật cao trong điều trị về bệnh lý mạch máu được Bệnh viện hữu nghị Đa khoa triển khai lần đầu tiên tại tỉnh Nghệ An. Trước đây, khi Bệnh viện Đa khoa Nghệ An chưa triển khai thực hiện phẫu thuật này, hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dọa vỡ và vỡ vào viện trong tình trạng quá nặng và nguy kịch đều không kịp thời gian chuyển lên tuyến trên cấp cứu điều trị. (Tiền phong (trang 10).