Đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế: Cách nào?
Hầu hết các cơ sở y tế đều sử dụng các sản phẩm trang thiết bị y tế (TTBYT) sử dụng một lần, ôxy y tế sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị đẩy mạnh phát triển sản xuất TTBYT thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế (Bộ Y tế) tổ chức tại Hà Nội ngày 27/11.
Hội nghị nhằm đánh giá thực tế hoạt động sản xuất TTBYT và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp (DN) về thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động nhằm tháo gỡ các vướng mắc của DN.
Các sản phẩm TTBYT sử dụng một lần, ôxy y tế sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh
Theo ThS. Nguyễn Minh Tuấn - Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế, cả nước hiện có 232 DN sản xuất TTBYT trong nước, trong đó có 40 DN vốn đầu tư nước ngoài, 192 DN có vốn đầu tư trong nước. Các DN này tập trung ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước. Hưởng ứng chính sách quốc gia về TTBYT và đề án nghiên cứu, chế tạo, sản xuất trang thiết bị, trong thời gian qua, đã có nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư sản xuất TTBYT, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng. Những sản phẩm vật tư y tế tiêu hao như bơm kim tiêm, dây truyền dịch, bông băng gạc, găng tay y tế... cơ bản đã đáp ứng nhu cầu sử dụng tại các cơ sở y tế.
Các TTBYT sản xuất trong nước tập trung vào các sản phẩm sử dụng một lần, nội thất bệnh viện, thiết bị tiệt trùng, trang thiết bị y tế IVD, dịch lọc thận gel siêu âm, máy vật lý trị liệu, máy điện châm, đo huyết áp, trợ thính, công nghệ cao, khí y tế...
“Hầu hết các cơ sở y tế đều sử dụng các sản phẩm TTBYT sử dụng một lần, ôxy y tế sản xuất trong nước vì chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Những thiết bị công nghệ cao đã được một số bệnh viện sử dụng bên cạnh thiết bị nhập khẩu. Thiết bị của DN FDI chủ yếu được xuất khẩu. Các DN đang phấn đấu áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 13485, cải tiến chất lượng, mẫu mã đáp ứng yêu cầu sử dụng, thị hiếu người dùng và vươn tới xuất khẩu”, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế nói.
Tháo gỡ tồn tại để hỗ trợ trong sản xuất TTBYT
Cũng theo ThS. Nguyễn Minh Tuấn, những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trong sản xuất TTBYT. Bộ Y tế ban hành Quyết định 1638/QĐ-BYT danh mục TTBYT. Danh mục này làm căn cứ để các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo thực hiện không khuyến khích nhập khẩu và hạn chế tiếp cận ngoại tệ. Để các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố và các tổng công ty, công ty nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, DN ưu tiên xét chọn trong các chương trình, dự án đấu thầu mua sắm TTBYT cho các cơ sở y tế sử dụng ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thông tin tại hội nghị cho thấy tại một số địa phương, qua công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất TTBYT vẫn còn các tồn tại chủ yếu trong khâu nộp hồ sơ trực tuyến như: cơ sở sản xuất TTBYT đang hoạt động không đúng địa chỉ ghi trong hồ sơ, không có hoặc kho không đúng theo hồ sơ đã công bố. Nhân sự cho việc sản xuất TTBYT chưa theo đúng quy định, thiếu ISO 9001...; rồi nhiều đơn vị vẫn chưa nắm rõ cách phân loại TTBYT của mình thuộc nhóm nào... Bên cạnh đó, khi kiểm tra thực tế, các cơ sở này cũng thiếu ISO 9001 hoặc có ISO nhưng điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở TTBYT chưa đảm bảo theo đúng quy định; chưa đủ giấy từ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ nguyên vật liệu sản xuất TTBYT...
Các Sở y tế và các DN đã kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành nội dung sửa đổi các quy định hiện hành nhằm giúp DN cũng như các Sở y tế thuận lợi, dễ dàng hơn trong quản lý và thực hiện; các vụ chức năng tăng cường giám sát đối với các tổ chức phân loại TTBYT để đảm bảo việc phân loại đúng các TTBYT; sớm hoàn thiện phần mềm, bổ sung các chức năng cần thiết giúp công tác xử lý, tổng hợp báo cáo hiệu quả; có chế tài, quy định xử phạt, thu hồi đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh TTBYT chưa đủ điều kiện...
Hiện nay, lĩnh vực TTBYT có 15.000 chủng loại mặt hàng, mỗi sản phẩm lại có mức rủi ro khác nhau, không có giới hạn về nguyên vật liệu sản xuất hay chỉ định mục đích sử dụng. Do vậy, để quản lý tốt TTBYT đòi hỏi phải phân loại rõ ràng về mức độ rủi ro trên cơ sở xây dựng danh mục TTBYT thường xuyên được cập nhật, vừa đảm bảo tính khả thi vừa thuận lợi cho DN, tăng cường quản lý nhà nước về TTBYT. Kiên quyết không phát sinh giấy phép con.
Hiện Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Khai trương Phòng cấp cứu - can thiệp tim mạch Q1, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai
Nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tim mạch của người dân, mong muốn được tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật can thiệp tim mạch hiện đại, Viện Tim mạch Việt Nam, BV Bạch Mai vừa khai trương Phòng cấp cứu can thiệp tim mạch Q1.
Sáng 27/11/2018, Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai khai trương phòng cấp cứu – can thiệp tim mạch Q1. Tham dự buổi lễ có PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh- Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, việc ra đời Phòng cấp cứu can thiệp tim mạch Q1 với những trang thiết bị hiện đại, Viện Tim mạch sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, những ca phức tạp và khó trong cả can thiệp hay phẫu thuật.
Ngay từ khi tim mạch can thiệp hình thành và phát triển tại Việt Nam vào những năm đầu 90 của thập kỷ trước, Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu trong việc triển khai ứng dụng phát triển các kỹ thuật tiên tiến nhất trong tim mạch can thiệp; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật can thiệp cho các trung tâm lớn nhỏ trong cả nước.
Viện Tim mạch Việt Nam có một đội ngũ các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực sâu rộng của tim mạch can thiệp như bệnh lý mạch vành, động mạch chủ, tim bẩm sinh, rối loạn nhịp, mạch ngoại vi…, thường xuyên đào tạo hàng nghìn lượt học viên, nâng cao tay nghề cho các bác sỹ tim mạch can thiệp trong và ngoài nước.
PGS.TS. Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết: số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp ngày càng tăng với tốc độ tăng trung bình 15%/năm. Năm 2017 có trên 10.000 ca can thiệp, năm 2018, ước tính tổng số lượng bệnh nhân can thiệp lên tới 12.000 ca một năm. Viện Tim Mạch – BV Bạch Mai là tuyến cuối về chuyên môn nên số lượng những bệnh nhân phức tạp, những ca khó cần can thiệp tăng rất nhiều.
Việc ra đời Phòng cấp cứu, can thiệp tim mạch Q1 , nằm trong khối nhà 21 tầng của BV Bạch Mai với những trang thiết bị biện đại như máy siêu âm trong lòng mạch vành, hệ thống khoan cắt vôi mảng xơ vữa, hệ thống máy hút huyết khối hiện đại…, sẽ góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu khám chữa bệnh tim mạch với những ca phức tạp và khó như tổn thương động mạch vành bị vôi hóa, tổn thương chỗ chia nhánh phức tạp, huyết khối nhiều trong động mạch vành… những tổn thương mà trước đây khó khăn cho cả can thiệp hoặc phẫu thuật.
Bên cạnh đó, việc khảo sát rõ hình ảnh trong lòng động mạch vành (bằng siêu âm trong lòng mạch) sẽ giúp thầy thuốc có quyết định chính xác hơn, nâng cao chất lượng điều trị đáng kể. “Những bệnh nhân cấp cứu, cần can thiệp mạch ngay sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với trước” - PGS. Hùng chia sẻ.
Đơn vị can thiệp tim mạch này đi vào hoạt động sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày một cao của người dân, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật của các tuyến chuyển lên. Hiện nay, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai còn là một cơ sở đào tạo đầu ngành cho các bệnh viện, trung tâm trên cả nước. Cơ sở mới này sẽ giúp nâng cao năng lực đào tạo, chuyển giao công nghệ tim mạch can thiệp hiện đại giúp cho các tuyến giải quyết các bệnh lý tim mạch bằng kỹ thuật tim mạch can thiệp có hiệu quả và đạt chất lượng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - 20 năm xây dựng, trưởng thành
Được thành lập theo Quyết định số 230/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/11/1998, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc trên mọi phương diện cùng những đóng góp trong phát triển chiến lược, chính sách về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
20 năm qua, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã có nhiều đóng góp trong cung cấp bằng chứng cho xây dựng chính sách của ngành Y tế và đã được Bộ Y tế cũng như Chính phủ ghi nhận. Viện đã thực hiện được khoảng 260 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước (một đề tài phối hợp với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh); 55 đề tài cấp Bộ và tương đương; 46 đề tài cấp cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế; 51 đề tài hợp tác với các Vụ/Cục của Bộ Y tế; 73 đề tài hợp tác quốc tế; 16 đề tài nghiên cứu đánh giá nhanh trực tiếp cung cấp bằng chứng cho các cơ quan hoạch định chính sách… và 26 quy hoạch phát triển hệ thống y tế các tỉnh/thành phố.
Các chủ đề nghiên cứu của Viện đa dạng và bám sát chương trình nghị sự chính sách của Bộ Y tế, Chính phủ, Quốc hội và các Ban Đảng; tập trung vào các lĩnh vực như: Quản trị hệ thống; Tổ chức mạng lưới y tế, Cung ứng dịch vụ y tế, Nhân lực y tế, Tài chính y tế; Dược; Đánh giá Công nghệ y tế, Sức khỏe cộng đồng, DS-KHHGĐ.
Viện cũng đã cung cấp bằng chứng cho việc ban hành hơn 10 văn bản chỉ đạo của Đảng, 11 Luật của Quốc hội và hàng chục văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, ngành Y tế về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cụ thể như:
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho việc hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Các đề tài nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho việc ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW; Kết luận số 42/2009- KL/TW, Kết luận số 43/2009-KL/TW và đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW; Đánh giá kết quả 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 46/2005- NQ/TW; Đánh giá 9 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2005-NQ/TW cung cấp bằng chứng để ban hành Kết luận số 119/2014-KL/TW; Đánh giá cung cấp bằng chứng cho việc ban hành Nghị quyết số 20/2017-NQ/TW và Nghị quyết số 21/2017-NQ/TW.
Nghiên cứu cung cấp bằng chứng và trực tiếp tham gia Ban soạn thảo các chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân: Cung cấp bằng chứng cho việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác; Luật Bảo hiểm Y tế; Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật An toàn thực phẩm; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Sửa đổi bổ sung Luật Dược sau 6 năm triển khai thực hiện (2005 - 2011); Luật Phòng chống tác hại của rượu bia; Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030; Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020; Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới...
Nghiên cứu cung cấp các bằng chứng nhằm hoàn thiện các chính sách của ngành Y tế: Đề án Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Đề án Phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2020; Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 - 2020; Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020; Đề án Xác định phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công; Cung cấp bằng chứng cho xây dựng Thông tư về Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; Cung cấp bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế với một số dịch vụ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và thuốc để phục vụ cho xây dựng Thông tư về ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT cũng như phục vụ cho đàm phán giá thuốc; cung cấp bằng chứng cho Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe…
Đánh giá tác động dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội phê duyệt: Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; Dự thảo Luật An toàn thực phẩm.
Viện đã chủ động, tích cực phát huy vai trò tư vấn, tham mưu với Bộ Y tế, Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và Quốc hội trong xây dựng chính sách phát triển hệ thống Y tế thông qua việc tổ chức các hội thảo tư vấn chính sách, diễn đàn đối thoại chính sách. Một số lĩnh vực quan trọng của hệ thống Y tế đã được Viện chú trọng nghiên cứu, tư vấn và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các cơ quan hữu quan của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, bao gồm: Kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tài chính cho y tế, xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; Đánh giá công nghệ y tế trong lựa chọn dịch vụ kỹ thuật và thuốc do Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả; Các giải pháp tăng cường kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế và người bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh; Các giải pháp tăng sự hài lòng của người bệnh tại các cơ sở y tế; Các giải pháp nhằm kiểm soát và giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe của các hành vi nguy cơ (sử dụng thuốc lá, sử dụng rượu bia, sử dụng dinh dưỡng không hợp lý…).
Viện đã viết nhiều báo cáo chính sách để tư vấn cho lãnh đạo Bộ và Chính phủ về kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới hệ thống y tế, phát triển y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, mô hình đào tạo bác sỹ trên thế giới, phân hạng phân tuyến bệnh viện, các mô hình tổ chức các Viện nghiên cứu y học trên thế giới, phối hợp công tư trong lĩnh vực y tế...
Viện cũng đã tư vấn cho nhiều tỉnh trong xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống Y tế tỉnh, quy hoạch mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh cũng như quy hoạch phát triển mạng lưới một số chuyên khoa.
Xuất phát từ việc nhìn nhận nhân lực là yếu tố quyết định đối với việc nâng cao vị thế của Viện nên trong những năm qua, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã rất chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên. Trong 5 năm, Viện đã cử 12 nghiên cứu viên tham gia chương trình đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài; trong đó Viện tìm được nguồn học bổng để cử 8 nghiên cứu viên đi tham gia chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ ở nước ngoài thuộc các lĩnh vực chuyên môn sâu như dịch tễ học, đánh giá công nghệ y tế, kinh tế y tế... nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu chính sách và hệ thống y tế.
Mở rộng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế cũng là một trong những thế mạnh của Viện nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế cũng như huy động thêm nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học, góp phần cung cấp kịp thời các bằng chứng có chất lượng đặc biệt là những thông tin rất có giá trị về các bài học kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng chính sách y tế cho Bộ Y tế, Chính phủ cũng như Ủy ban về các Vấn đề xã hội của Quốc hội.
Những đóng góp của Viện trong xây dựng chính sách của ngành Y tế đã được Bộ Y tế và Chính phủ ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua cao quý cho tập thể và cá nhân. Năm 2011, một nhóm chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực hệ thống y tế đã triển khai đánh giá độc lập về sự đóng góp của các đơn vị nghiên cứu chính sách y tế tại 6 quốc gia đang phát triển và kết quả của đánh giá đã cho thấy Viện Chiến lược và Chính sách Y tế là một trong những đơn vị nghiên cứu có tầm ảnh hưởng và có đóng góp hiệu quả nhất với sự phát triển chính sách của ngành Y tế.
Có được những kết quả đáng ghi nhận như ngày hôm nay là nhờ sự chung sức của nhiều thế hệ lãnh đạo cùng tinh thần đoàn kết, đồng lòng của tập thể Đảng ủy, Ban lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể cũng như của từng cá nhân trong toàn Viện qua các thời kỳ.
Những chặng đường đã qua trong 20 năm xây dựng và trưởng thành của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế luôn gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong tiến trình đổi mới, phát triển, kiện toàn hệ thống Y tế ở nước ta. Sứ mệnh trong từng thời kỳ của Viện luôn xuất phát từ những nhu cầu bức thiết của sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thực tiễn. Toàn thể tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động Viện Chiến lược và Chính sách Y tế sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những thành quả đã đạt được ngày hôm nay để phát triển Viện một cách bền vững nhằm thực hiện được tầm nhìn là: "Viện nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam và khu vực trong cung cấp bằng chứng, tư vấn, phản biện về chiến lược và chính sách y tế". (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Gia đình & Xã hội, trang 6).
Những điểm mới về BHYT từ ngày 1/12/2018
Theo qui định mới về thực hiện chính sách BHYT, từ ngày 1/12/2018, cả gia đình không bắt buộc tham gia BHYT cùng thời điểm nữa, giảm mức đóng cho các thành viên trong gia đình thứ hai ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Trung tâm Sản Nhi, BVĐK tỉnh Phú Thọ: Đề án BV vệ tinh nâng tầm cơ sở
BVĐK tỉnh Phú Thọ vừa khánh thành Trung tâm Sản Nhi và ký kết hợp tác hỗ trợ toàn diện với BV Sản Trung ương và BV Nhi Trung ương, đây là việc làm thiết thực để Đề án BV vệ tinh được lan tỏa. ... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Có 447.912 trẻ từ 6-36 tháng tuổi sẽ được bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2018
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cho biết, qua số liệu khảo sát, toàn thành phố có 447.912 trẻ từ 6-36 tháng tuổi sẽ được bổ sung vitamin A liều cao đợt 2 năm 2018, tổ chức trong 2 ngày 30/11 và 1/12 và tổ chức uống vét vào ngày 2 và 3/12 ... (An ninh Thủ đô, trang 6).
Mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 người bị đột quỵ
Đó là TT được TS.BS. Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP. HCM cung cấp trong hội thảo vệ tinh do VPĐD Bayer tại TP. HCM tổ chức với chủ đề “Tối ưu hóa dự phòng đột quỵ cho bệnh nhân rung nhĩ không do van tim có nhiều bệnh lý mắc kèm” trong khuôn khổ HN Khoa học diễn ra từ ngày 24-25.11.2018 tại TP. HCM ... (Thanh niên, trang 15).
Nhiều bệnh viện xin thí điểm xe cấp cứu 2 bánh
Chiều 27.11, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện đa khoa Sài Gòn, Trung tâm cấp cứu 115 tổ chức sơ kết 20 ngày thực hiện thí điểm xe cấp cứu 2 bánh tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn.
Bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Sài Gòn, cho biết sau 20 ngày thí điểm (từ 7.11) BV này đã xuất 26 lượt xe 2 bánh đi cấp cứu (trong tổng số lượt xuất xe cấp cứu ngoại viện của BV là 76 ca). 26 lần xuất xe 2 bánh thì có 19 lần xe cứu thương xuất song song, không có sự cố nào xảy ra đối với xe 2 bánh. Mỗi cuộc đi cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh đến nhà bệnh nhân nhanh nhất là 5 phút khu vực gần BV, xa từ 10 - 15 phút.
BS Trần Điền Tú (BVĐK Sài Gòn), người trực tiếp đi cấp cứu bằng xe 2 bánh, cho biết thêm: 26 ca gồm đủ mọi thành phần từ người lớn đến trẻ em, từ bệnh nội khoa đến chấn thương, sản khoa (3 ca, trong đó có thai lưu, sinh non, dọa sinh non)…
Theo BS Vui, một vài người dân khi thấy xe cấp cứu 2 bánh tỏ ra ngỡ ngàng nhưng sau đó hài lòng. Có trường hợp người dân gọi nói thẳng cần xe cấp cứu 2 bánh đến cấp cứu cơn đau cao huyết áp.
Tại BVĐK Sài Gòn, số ca bệnh cấp cứu ngoại viện tăng 30% so với nửa tháng trước đó nhờ có xe cấp cứu 2 bánh. Lãnh đạo BVĐK Sài Gòn đề nghị trang bị thêm dụng cụ máy sốc tim, máy đo điện tim, máy thở, thêm thuốc cấp cứu cho xe 2 bánh cấp cứu. (Thanh niên, trang 15).
Y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo dịch bệnh
Nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng. Gián, chuột từ ống cống chui lên và chạy khắp nhà nhiều hộ dân. Rác cũng theo dòng nước “bơi” khắp nơi.
“Do mưa lớn gây ngập nên xác chuột và gián, rác rến, chất thải của người và động vật sẽ trôi theo dòng nước, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước ăn uống” - BS Ngô Cao Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, nói.
Theo BS Lẫm, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm có nguy cơ gây ra những bệnh như đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, tiêu chảy, dịch tả, lỵ, thương hàn…
“Để ngăn ngừa tình trạng trên, các trạm y tế phường, xã tăng cường giám sát vệ sinh môi trường tại các điểm trung chuyển rác, bô rác, nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, tăng cường giám sát chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, các điểm cung cấp nước cho chung cư và hộ dân” - BS Lãm cho biết thêm.
“Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện tăng cường giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt tại các trạm cấp nước tập trung, đảm bảo hộ dân có nước sạch sử dụng và tuyệt đối thực hiện việc ăn chín, uống sôi” - BS Lẫm nói và khuyến cáo các hộ dân diệt lăng quăng, súc rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Để phòng ngừa các bệnh sau mưa bão, cần lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh. Thực hiện nguyên tắc nước rút tới đâu làm vệ sinh tới đó. Thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. (Pháp luật TP. HCM, trang 3).
Mua thẻ bảo hiểm y tế… trên mạng
Tại Hà Nội, người mua Bảo hiểm Y tế muốn khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện lớn thường bị từ chối vì quá tải. Rất nhiều người chấp nhận khám tại các bệnh viện nhỏ, xa nhà, xa bệnh viện tư nhân... Tuy nhiên, nếu chịu chi tiền triệu, các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ...
Theo Luật (BHYT), người tham gia BHYT có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Việc đăng ký này không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, anh Nguyễn Bảo Long sống tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) cho hay, để thuận lợi cho bản thân, anh đăng ký KCB ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên) nhưng bị từ chối vì lý do đã quá tải. Sau đó, anh đành đăng ký khám chữa bệnh tại một bệnh viện tư nhân khác trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ) cách nhà hơn chục km.
Trên một số diễn đàn, việc rao vặt, bán suất đăng ký KCB ban đầu khi làm thẻ BHYT diễn ra công khai. “Mình đang gom hồ sơ BHYT ở một số bệnh viện như 108, Xanh Pôn, Trí Đức, Việt Nam Cu Ba, Y học cổ truyền từ 1 - 15 hàng tháng, kể cả người ngoại tỉnh cũng mua được, có nhu cầu liên hệ…” - một cá nhân rao trên một diễn đàn mạng.
Phóng viên vào vai một người ở ngoại tỉnh muốn mua một suất KCB ban đầu tại bệnh viện Xanh Pôn - bệnh viện lớn, ở trung tâm thành phố. Đầu dây bên kia, một người tên H. mời chào: Hồ sơ chỉ cần bản phô tô chứng minh thư. Chi phí năm đầu tiên là 3,5 triệu đồng; từ năm thứ 2 trở đi phải đóng 3 triệu đồng/năm và thanh toán bằng cách chuyển khoản. H cam kết, sau khi chuyển tiền, trong vòng 20 ngày sẽ nhận được thẻ BHYT có đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện Xanh Pôn như đã yêu cầu
Sau chuyển số tiền trên và gửi bản chụp chứng minh thư, khoảng 1 tháng sau, H liên lạc lại thông báo đã hoàn thành thẻ BHYT. Thẻ BHYT mà PV nhận được y hệt những thẻ khác và đúng theo yêu cầu: Nơi KCB ban đầu là Bệnh viện Xanh Pôn. Thẻ do Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Hà Nội Nguyễn Đức Hòa ký, đóng dấu.
Trách nhiệm vòng quanh
Ông Vũ Đức Thuật, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội (cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về cấp thẻ BHYT tại Hà Nội) cho biết: Người lao động trong các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị tham gia Bảo hiểm xã hội được chọn nơi KCB ban đầu rồi lập danh sách gửi về Bảo hiểm xã hội cấp quận, huyện. Với hộ gia đình tham gia BHYT riêng lẻ có thể qua đại lý (có thể là UBND phường xã) hoặc có thể đến trực tiếp cơ quan BHXH quận huyện làm thẻ, đăng ký nơi KCB ban đầu.
Tuy nhiên, ông Thuật cho hay: “Ở Hà Nội, các bệnh viện như 108, Bệnh viện E, Xanh Pôn… do số lượng thẻ quá nhiều, vượt quá quy định (tối đa không quá 200 nghìn suất) nên sẽ không có trong danh sách lựa chọn đưa vào KCB ban đầu nữa. Các bệnh viện này chỉ ưu tiên cho các trường hợp đã đăng ký rồi hoặc chuyển đổi và phải Ban Giám đốc BHXH thành phố phê duyệt …” .
Khi phóng viên cho ông Thuật xem thẻ BHYT có địa điểm KCB ban đầu tại Bệnh viện Xanh Pôn nêu trên, ông Thuật rất ngạc nhiên. Xác minh ngay tại buổi làm việc, ông Thuật cho biết, thẻ này được đăng ký theo hộ gia đình xuất phát từ đại lý của phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Kiểm tra toàn bộ hộ “gia đình” này cho thấy có 6 trường hợp (kể cả thẻ BHYT của PV) nhưng thông tin rất lộn xộn như: Họ của con không trùng với bố, con nhiều tuổi hơn mẹ...
Sau nhiều tuần xác minh tại các quận huyện, ông Thuật cho biết chỉ phát hiện 49 trường hợp cấp thẻ BHYT vào các bệnh viện đã quá tải như trên và đều thuộc phường Bách Khoa. Ông Thuật cho hay, việc bán suất đăng ký này do chị N, nhân viên hợp đồng phụ trách BHXH của phường này thực hiện. Cách thức của chị N là kê khai các trường hợp có nhu cầu mua suất khám chữa bệnh lớn, rồi đổi mục đăng ký từ “cấp mới” sang “tái tục” (tức là đưa những người này vào danh sách những người đã được cấp thẻ ở các bệnh viện lớn nêu trên, nay cấp lại). Ông Thuật cho rằng, trách nhiệm chính thuộc chị N nhưng sẽ rà soát lại trách nhiệm ban lãnh đạo BHXH quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, hơn 1 tháng qua vẫn chưa ra kết quả.
PV Tiền Phong đã làm việc với ông Nguyễn Văn Khang - Chủ tịch UBND phường Bách Khoa và chị N. Chị N thừa nhận việc tự tay chuyển các hồ sơ cấp thẻ bảo hiểm y tế vào các bệnh viện đã quá tải theo diện “tái tục” như trên. Tuy nhiên, chị N lý giải, người dân đến phường tự kê khai “tái tục” rồi chị chuyển lên BHXH quận Hai Bà Trưng; bản thân chị không có thẩm quyền và cơ sở để kiểm tra. Chủ tịch UBND phường Bách Khoa cũng đề nghị: “BHXH không chia sẻ với chúng tôi cơ sở dữ liệu nên chúng tôi không thể kiểm tra được. BHXH nắm dữ liệu, có thể phát hiện ngay trường hợp đó là “cấp mới” hay “tái tục”, không thể đổ lỗi cho nhân viên của chúng tôi được”. Ông Kháng và chị N đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Khi phóng viên Tiền Phong vừa làm việc với ông Vũ Đức Thuật - Phó Giám đốc BHXH Hà Nội được vài phút (nội dung làm việc về về tấm thẻ BHYT mà PV đã mua suất KCB ban đầu tại Bệnh viện Xanh Pôn), thông tin lập tức đến tai đối tượng H. - người nhận tiền, làm thẻ BHYT nêu trên. (Tiền phong, trang 10).