Nhiễm độc khí than, một người chết
Do trời lạnh nên gia đình anh Biền đã đốt than để sưởi ấm vào ban đêm. Đến sáng, mọi người phát hiện vợ và 2 con chủ nhà nằm bất tỉnh bên nồi than củi.
Sáng 27/1, ông Lê Đình Lượng - Chủ tịch UBND phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ nhiễm độc do đốt than sưởi ấm khiến 3 người trong một gia đình nguy kịch.
Tối 2 ngày trước, do trời lạnh nên gia đình anh Đoàn Văn Biền (ở tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ) đã đóng kín cửa, dùng than củi đốt lên để sưởi ấm.
Sáng 26/1, anh Biền đi làm sớm nên không biết vợ và 2 con bị ngạt khí, nằm bất tỉnh gần nồi than. Hàng xóm phát hiện đã đưa 3 nạn nhân gồm Phạm Thị Hương (vợ anh Biền) và 2 con Đoàn Phạm Thị Duyên (22 tuổi) và Đoàn Phạm Ngọc Thanh Hải (14 tuổi) đi cấp cứu.
Chiều cùng ngày, cháu Hải đã tử vong tại bệnh viện Đa khoa Bắc Quảng Bình. Chị Hương được chuyển cấp cứu vào bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng khá nặng.
"Bệnh nhân Đoàn Phạm Thị Duyên bị nhiễm độc nhẹ nhất, đang hồi phục tích cực tại bệnh viện", một bác sĩ tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình cho biết.
Theo các bác sĩ, than củi cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ sinh ra loại khí cực độc CO (carbon monoxide). Những người hít phải sẽ bị nhiễm độc rất nhanh dẫn đến ngạt, hôn mê sâu và có nguy cơ tử vong rất cao. Do đóng kín cửa nên 3 nạn nhân đã bị ngạt, nhiễm độc khí CO dẫn đến tai nạn. (* Nhân dân (trang 8))
Cận Tết, tăng nguy cơ đột tử do lạm dụng rượu bia
Tết Nguyên đán 2016 đang đến gần, những rủi ro khi lạm dụng rượu, bia chính là mối lo lớn nhất với toàn xã hội. Chuyên gia y tế Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo nguy cơ đột tử khi lạm dụng rượu bia.
Nhu cầu dung nạp khó kiểm soát
Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, ông Trương Đình Bắc cho biết, lượng sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Năm 2015, sản lượng bia đạt khoảng 3,4 tỷ lít và sản lượng rượu là 70 triệu lít. Trong đó, khối lượng xuất khẩu chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, nếu chỉ tính riêng nam giới Việt Nam, mức tiêu thụ rượu bia trung bình là 27,4 lít/người/năm, gấp 4 lần mức trung bình toàn cầu. Mức tiêu thụ rượu, bia trung bình của thế giới gần như không đổi trong suốt 15 năm qua (khoảng 6,2 lít).
Chuyên gia y tế Trần Quốc Bảo cho biết, việc dung nạp rượu, bia không có ngưỡng cụ thể. Không có mức độ uống rượu bia an toàn vì việc này phụ thuộc vào các yếu tố như thể trạng, khả năng dung nạp, sức đề kháng của cơ thể, chất lượng rượu bia. Có rất nhiều người sử dụng rượu, bia nhưng người mắc bệnh, người không. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là việc sử dụng rượu thường xuyên sẽ gây nghiện, lượng rượu dung nạp tăng lên và rất khó để kiểm soát.
Theo một số nghiên cứu, sử dụng rượu bia ở mức thấp có khả năng làm giảm nguy cơ tim mạch. Tuy nhiên, ở những quốc gia mà bệnh tim mạch là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, gánh nặng bệnh tật do rượu bia vượt quá những lợi ích của việc sử dụng rượu bia ở liều thấp mang lại. Ngộ độc rượu, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến chuyển hóa, tim mạch như gout, huyết áp… mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Hậu quả của việc lạm dụng bia, rượu còn là sự biến đổi về nhân cách, cảm xúc, tư duy. Nhiều người lệ thuộc rượu, bia đã gây nên các vụ án nghiêm trọng trong cơn loạn thần.
Dễ đột tử vì “uống rượu làm ấm người”
Dù không thể phủ nhận một số tác dụng của rượu bia, song lợi ích mang lại không thể bù đắp được những tác hại của nó đối với sức khỏe. Rượu, bia được cho là nguyên nhân phổ biến thứ ba gây tử vong và khuyết tật. Đáng lưu ý những ca tử vong do hậu quả của rượu, bia và các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46% tổng số ca tử vong, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan).
Theo đánh giá về tình trạng lạm dụng bia rượu tại Việt Nam, có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ 4 người thì 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại. Bên cạnh đó, thói quen uống rượu, bia phản khoa học cũng làm tăng nguy cơ gây tai biến, bệnh tim mạch, thậm chí tử vong. Nhiều người cho rằng, uống rượu là một phương pháp làm ấm người. Nhưng dưới góc độ y học thì điều này là không đúng. Khi cơ thể dung nạp một lượng rượu, bia nhất định, các mạch máu giãn ra, tim đập nhanh hơn tạo cảm giác nóng lên. Tuy nhiên, nhiệt lượng sinh ra này không phải để làm ấm cơ thể. Nếu vận động mạnh hoặc thay đổi môi trường đột ngột khiến huyết áp tăng cao, gây tai biến, có thể dẫn đến tử vong.
Ông Trương Đình Bắc cho hay, một điều đáng lo ngại nữa là ở Việt Nam, tình trạng tiêu thụ rượu bia không chính thống chiếm tỷ lệ cao và gia tăng nhanh. Mỗi năm có khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu. Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng, trong 1 tuần vừa qua có 64% nam giới uống rượu tự nấu hoặc pha chế. Trong khi đó, 80% rượu nấu thủ công chứa các chất độc hại vượt quá hàm lượng cho phép như aldehyd, methanol. Những chất này chính là nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, ngộ độc thần kinh và dị tật thai nhi.
Để giảm thiểu những rủi ro khi sử dụng bia rượu, mọi người cần lưu ý kiểm soát lượng cồn thấp nhất trong một lần uống. Uống từ từ, kết hợp xen kẽ với thức ăn và nước lọc. Tuyệt đối không điều khiển các phương tiện cơ giới, tham gia các hoạt động ngoài trời sau khi sử dụng rượu, bia. (* An ninh Thủ đô (trang 8))
Trực bán thuốc 24/24h trong ngày Tết
Ngày 27-1, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Sở Y tế các địa phương, các bệnh viện, đơn vị cung ứng thuốc có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ thuốc điều trị cho người bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 và dịp đầu năm mới.
Phải tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá vào dịp nghỉ lễ kéo dài. Đặc biệt, cần phối hợp với các cơ quan chức năng chú trọng phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức trực bán thuốc 24/24h để đáp ứng nhu cầu của người bệnh trong dịp Tết.
Dịp này, Cục Quản lý Dược cũng cử cán bộ trực và công bố đường dây nóng (04.38461525, 0988721299) trong dịp Tết nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc trong việc cung ứng thuốc phục vụ người dân. (* An ninh Thủ đô (trang 6))
Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm virus Zika
Ngày 27-1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khuyến cáo về việc phòng chống bệnh do virus Zika (do muỗi Aedes) xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ Y tế cho biết, kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên tại Brazil vào tháng 5-2015, đến
23-1-2016, virus này đã lan truyền tới 21 quốc gia và vùng lành thổ tại khu vực châu Mỹ. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh này. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Y tế lo ngại virus Zika có thể xâm nhập Việt Nam thông qua giao lưu thương mại, du lịch… Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy. Đối với những người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika, phải chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có biểu hiện sốt, phải đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị. (* An ninh Thủ đô (trang 8))
Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 5: “Việt Nam có muỗi truyền bệnh “đầu nhỏ””
Tặng quà tết 100 bệnh nhân chạy thận
Tiếp tục chương trình chăm lo tết cho bệnh nhân nghèo, người nghèo, ngày 27-1, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới phối hợp với UBND phường Đồng Tâm tổ chức chương trình “Xuân ấm tình yêu thương” tặng 100 suất quà tết (gồm 300.000 đồng tiền mặt và bánh chưng, giò, bánh kẹo, sữa) cho 100 bệnh nhân nghèo chạy thận nhân tạo đang tạm trú ở “xóm chạy thận”, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Món quà là sự động viên, chia sẻ về vật chất lẫn tinh thần của Quỹ Trái tim nhân ái đối với những bệnh nhân đang phải chung sống với căn bệnh quái ác.
Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo nhận quà từ Quỹ Trái tim nhân ái là những người nghèo mắc bệnh suy thận từ các tỉnh xa như Phú Thọ, Nam Định, Bắc Giang… có người ở tận miền Trung. Người tạm trú ở “xóm chạy thận” ít cũng một vài năm, người lâu nhất cũng gần 30 năm. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, phải lọc máu liên tục 3 lần/tuần, có tháng lọc 13, 14 lần, cuộc sống của họ như đèn dầu trước gió, chưa biết sẽ tắt khi nào. Khó khăn, thiếu thốn, bệnh tật hành hạ nhưng họ luôn lạc quan.
Cái tết dẫu không hoa đào, cây quất, không sung túc nhưng họ vẫn thấy đầy ý nghĩa, vì mỗi giây phút họ đang sống đều trở nên quý giá vô ngần. (* Hà Nội mới (trang 1))
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa đông-xuân
Ngày 27-1, tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, các tuần qua, tại một số BV đã ghi nhận ca bệnh liên cầu lợn.
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mắc có thể tử vong do nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, viêm màng não. Số mắc thường tăng vào dịp cuối năm, lễ tết là thời điểm gia tăng mức tiêu thụ sản phẩm từ thịt lợn. Để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, không mua, bán, sử dụng lợn ốm, chết; sử dụng bảo hộ khi giết mổ.
Cục Y tế dự phòng cũng lưu ý về nguy cơ gia tăng một số bệnh mùa đông-xuân như sởi, quai bị do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, hiện tại, số mắc sởi ghi nhận ở mức rất thấp (dưới 10 ca trong tháng đầu tiên của năm 2016) do trong năm 2014-2015 đã triển khai các chiến dịch tiêm sởi-rubella trên phạm vi cả nước. Các gia đình cần tiếp tục cho trẻ trong độ tuổi tiêm phòng đầy đủ (mũi 1 lúc 9 tháng tuổi) và tiêm nhắc lại (mũi 2 tiêm vắc xin sởi-rubella lúc 18 tháng tuổi) để trẻ có miễn dịch sởi bền vững.
Cũng tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo vi rút Zika (một loại vi rút truyền qua muỗi Aedes - loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) đang lan truyền rất nhanh, đặc biệt là tại khu vực Châu Mỹ, có nguy cơ xâm nhập nước ta. Để chủ động phòng, chống bệnh do vi rút Zika xâm nhập, Bộ Y tế khuyến cáo người nhập cảnh từ các quốc gia có lưu hành loại vi rút này tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà. Bên cạnh đó, mọi người nên ngủ màn, đồng thời tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. (* Hà Nội mới (trang 7))
'Huyền thoại ghép gan' châu Á làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn
Ngay sau khi GS.TS. Joel Leroy, chuyên gia hàng đầu thế giới về nội soi và phẫu thuật nội soi đến Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chuyển giao công nghệ, đến lượt TS. Chen Chao-Long - một “huyền thoại sống” trong lĩnh vực ghép gan của cộng đồng y khoa châu Á, cũng đến Bệnh viện Xanh Pôn để trao truyền kinh nghiệm.
Từ năm 1984, Riêng TS. Chen Chao-Long đã thực hiện thành công ca ghép gan, đánh dấu bước đột phá vĩ đại trong lĩnh vực ghép tạng, trở thành niềm tự hào của nền y học châu Á. Hiện ông là Giám đốc một trong những Trung tâm ghép gan hàng đầu thế giới. Việc ông đến trao đổi kinh nghiệm, tập huấn cho các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn là một sự kiện đặc biệt của y tế Thủ đô.
Những ngày làm việc tại Bệnh viện Xanh Pôn, TS. Chen Chao-Long đã thuyết trình và trao đổi chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện về kỹ thuật ghép gan, với mong muốn, Bệnh viện Xanh Pôn sẽ là một điểm mạnh về ghép gan không chỉ của Thủ đô mà của nhiều địa phương lân cận. TS. Chen Chao-Long cũng đánh giá cao quyết tâm của Bệnh viện Xanh Pôn trong việc tiếp cận kỹ thuật ghép tạng hiện đại, cũng như rất ấn tượng trước tinh thần học hỏi của các bác sĩ ở Bệnh viện. Bởi trong lĩnh vực phẫu thuật, ghép gan phức tạp hơn rất nhiều so với ghép tim và ghép phổi. Các bác sĩ phải mất khoảng 4 giờ để lấy phần gan của người hiến, sau đó thực hiện 8 – 10 giờ kỹ thuật ghép với hàng ngàn các phẫu tích hết sức tinh tế.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, từ cuối năm 2014, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn đã tập trung chuẩn bị cho việc ghép gan. Cùng với việc đầu tư các trang thiết bị cần thiết, Bệnh viện đã cử nhiều ekip đi học ghép gan ở các nước có trình độ ghép gan vượt trội, trong đó có Bệnh viện Chang Gung của Đài Loan, nơi TS. Chen Chao-Long là Giám đốc danh dự.
Ông và Bệnh viện Chang Gung đã đào tạo giúp Bệnh viện Xanh Pôn 7 bác sĩ, được tham gia 40 cặp ghép trực tiếp. Thạc sĩ Nguyễn Đình Hưng hy vọng với sự giúp đỡ tận tình về mọi mặt của TS. Chen Chao-Long, các ca ghép gan của Bệnh viện trong thời gian tới sẽ tiếp tục thành công và tiếp tục mở ra những cơ hội sống cho người bệnh, nhất là lại được chữa trị ngay tại Thủ đô với chi phí hợp lý mà không cần phải ra nước ngoài. (* Công an Nhân dân (trang 6))
Kịp thời cứu chữa ca nguy khó
Ngày 27.1, Trung tâm y tế H.Kon Rẫy (Kon Tum) đã làm thủ tục chuyển bệnh nhân A Nhin lên tuyến trên để kịp thời cứu chữa.
Vào sáng 26.1, cô Nguyễn Thị Vân, giáo viên Trường mầm non Sơn Ca (TT.Đăk Rve, H.Kon Rẫy) vào dạy tại điểm trường làng Kon Cheo Leo (thị trấn Đăk Rve) thì được biết trong làng có A Nhin (22 tuổi) bị bệnh động kinh ngã vào bếp lửa.
Cô Vân đến nhà thăm và chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng, do bị bỏng cách đây hơn 10 ngày mà không chữa trị nên cánh tay và bàn tay của A Nhin bị thối thịt, lòi cả xương. Lý do A Nhin không đi bệnh viện là do nhà nghèo, không có tiền.
Trước tình cảnh trên, cô Vân đã cùng với cô giáo Hương dạy cùng làng thuyết phục gia đình cho A Nhin đi bệnh viện. Mặt khác, cô điện thoại cho Trung tâm y tế H.Kon Rẫy cho xe đến chở A Nhin. (* Thanh niên (trang 8))
Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm vi rút Zika
Ngày 27.1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay VN chưa phát hiện trường hợp nhiễm vi rút Zika đang lan truyền ở nhiều nơi, theo TTXVN.
Loại siêu vi này lây qua vật trung gian là muỗi vằn (aedes aegypti), cũng là tác nhân truyền bệnh sốt vàng da, sốt xuất huyết…
Thông thường, vi rút Zika chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ như sốt, nổi mẩn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ cảnh báo nếu người nhiễm đang mang thai sẽ dẫn đến nguy cơ cao sinh con mắc chứng đầu nhỏ, có thể gây chết non hoặc tổn hại nặng nề về thần kinh. Do tại VN cũng có muỗi vằn và nguy cơ lây truyền qua đường nhập cảnh nên Bộ Y tế vẫn theo dõi sát sao tình hình, đồng thời khuyến cáo người dân có các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là phòng chống và diệt muỗi.
Cũng trong hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi nhanh chóng điều chế vắc xin và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả sau khi nước này xuất hiện thêm 2 ca nhiễm vi rút Zika tại Virginia và Arkansas, theo Reuters. Trước đó, đã có 3 ca được phát hiện ở Florida và cả ba đều vừa trở về từ khu vực Mỹ Latin. Cùng ngày, giới chức Aarhus, thành phố lớn thứ hai Đan Mạch, thông báo phát hiện trường hợp nhiễm đầu tiên ở nước này, nâng số người mắc Zika tại châu Âu lên 4 người, với 3 người ở Anh.
Zika đang lây lan ở 21 nước Mỹ Latin và ổ dịch được xác định tại Brazil. Ngoài ra, giới chức Đài Loan cách đây 2 tuần thông báo một người Thái Lan làm việc tại vùng lãnh thổ này cũng đã nhiễm bệnh. (* Thanh niên (trang 24))
Gần 2,3 vạn đơn vị máu & những tấm lòng cao cả
Hôm nay (28/1), Chủ nhật Đỏ diễn ra ngày cuối ở Quảng Bình và Cao đẳng Y Thái Bình. Chưa thống kê đầy đủ, con số thu về đã đạt hơn 2 vạn đơn vị máu. Một kỷ lục mới nhưng điều quan trọng nhất, đó là niềm tin về một phong trào thiện nguyện có ý nghĩa nhân văn sâu sắc được sự hưởng ứng ngày càng sâu rộng của nhiều cấp nhiều ngành và đặc biệt là của những nhân vật chính.
Chung một dòng máu nóng
Nhớ lại, chính hội Chủ nhật Đỏ năm nay ở Đại học Bách khoa thu về 3.375 đơn vị máu. Có nghĩa là, hơn 3.375 người đã hiến máu ở đây. Họ không chỉ là sinh viên các trường đại học ở Hà Nội mà còn là nhân viên Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn TH, Học viện Cảnh sát, Công an Hà Nội, cán bộ phóng viên báo Tiền Phong... tạo nên cảnh tượng quá tải, và gợi cho những người chứng kiến những cảm giác bình thường khó có.
Chẳng hạn, chưa ở đâu đông, chật nhưng người ta nói khẽ như vậy, ân cần với nhau như vậy. Chưa ở đâu thấy nhiều cử chỉ đẹp một lúc như thế. Những gương mặt sinh viên bình thản trên chiếc giường y tế, tay bóp quả bóng cao su (để dễ lấy máu). Hiến máu xong kéo nhau ra chụp tấm ảnh kỷ niệm dưới tấm pano ghi “Chủ nhật Đỏ 2016 - Bách khoa nghìn giọt hy vọng”. Những người lính - công an hoặc bộ đội nhẹ nhàng mặc giúp đồng đội chiếc áo khoác lính ra bên ngoài áo trắng khi họ hiến máu xong đứng dậy. Chật chội nên họ phải nhờ vai, lưng của nhau dùng kê để viết tờ đăng ký hiến máu...
Một hình ảnh được phóng viên ở Tây Nguyên tả: Đi xe buýt đến điểm hiến máu, trên xe là bà con đủ các dân tộc. Số là xã Cư Bông nằm cách trung tâm huyện Ea Kar, một trong ba điểm đăng cai Chủ nhật Đỏ tỉnh Đắk Lắk tới 4 chục cây số. Cho nên nhiều đồng bào Ê Đê, Tày, Thái, Mường được xã thuê xe buýt chở đi hiến máu “tập thể”. Trường học, đơn vị bộ đội công an, cơ quan đoàn thể đông đã đành, còn đây là người dân các lứa tuổi từ các buôn làng, thôn xã lũ lượt kéo về một điểm hiến máu. Riêng ngày 23/1, có hai ngàn người dân huyện Ea Kar đăng ký, thu về con số đẹp 1.111 đơn vị máu. Ba điểm hiến máu của tỉnh Đắk Lắk thu về 2.437 đơn vị máu. Những người dân xứ cao nguyên này, nom họ thật bình thường giản dị nhưng cách mà họ tươi tắn sinh động, nườm nượp đổ bộ không chỉ một nơi, không chỉ một lần để thực hiện nghĩa cử này, gợi liên tưởng những hình ảnh phóng khoáng trong ca khúc của Nguyễn Cường, Trần Tiến về đại ngàn.
Quạt sưởi bật lên, chăn ấm đắp thêm cũng là hình ảnh đáng nhớ trong Chủ nhật Đỏ năm nay. Trời rét buốt, bất đắc dĩ mới phải ra đường thế mà vẫn có những dòng người đổ về các địa điểm ở Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên..., vén áo chìa tay cho nhân viên y tế đâm kim. Nghe tả Chủ nhật Đỏ ở Đà Nẵng, dòng người xếp hàng rồng rắn mấy trăm mét trong khuôn viên ĐH Kinh tế. Điểm thành phố Hồ Chí Minh cũng tự lập kỷ lục mới. Từ Cần Thơ đến Phú Thọ, từ Khánh Hòa đến Quảng Bình, một dải những chấm đỏ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ.
Cũng hơi khác mọi năm, một số nhà báo không tập trung lâu ở sân khấu nơi diễn ra lễ phát động Chủ nhật Đỏ mà chịu khó vào bên trong khu vực hiến máu từ sớm. Máy quay, máy ảnh chĩa vào những con người không tiếng tăm để hỏi chuyện. Một nhà báo đoạt giải Pulitzer nói: “Nghề báo không phải là nghề nói về bản thân chúng ta mà là nói về những con người bình dị nhưng cực kỳ dũng cảm quanh ta”.
“Cuộc cách mạng”
Tám năm nay, tháng 1 dương lịch vẫn được người Tiền Phong gọi đùa là tháng “máu me toe toét”. Cả tháng nói chuyện đơn vị máu, địa điểm hiến máu, tình nguyện viên hiến máu. Bản thân mình thuộc nhóm máu nào có khi còn không nhớ song kiến thức về máu thì ngày một dày lên.
Có mặt ở các điểm hẹn Chủ nhật Đỏ, nhận ra thanh niên Việt Nam vóc người nhìn chung vẫn nhỏ. Giờ ăn uống khá hơn xưa nhiều nhưng nam thanh niên cao mét bảy, nữ mét sáu vẫn ít. Do di truyền, do nguồn thực phẩm không đảm bảo, và gì nữa. Tầm vóc chưa lý tưởng nhưng sự tận hiến của họ thì không thể mảy may ngờ vực. Sinh mạng là chuyện chẳng thể đùa.
Thiếu tướng Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói về một “cuộc cách mạng máu” trong các bệnh viện: “Trước đây bệnh nhân thường dùng máu của người cho chuyên nghiệp, chiếm 70-80%. Đội ngũ này cho máu nhiều lần, hoàn cảnh khó khăn nên chất lượng máu kém, nguy cơ mắc bệnh cao. Từ khi có chương trình vận động hiến máu toàn quốc thì lượng máu thu được từ người khỏe mạnh rất lớn, con số 70-80% lại là từ hiến máu nhân đạo. Đấy là cuộc cách mạng”.
Đến Chủ nhật Đỏ sẽ thấy, sự thật là máu của quân dân hòa trộn vào nhau, của đồng bào các dân tộc, các vùng miền truyền dẫn lan tỏa sang nhau đã làm nên cuộc cách mạng thắm đỏ này.
Còn có một cuộc cách mạng nho nhỏ nữa, như Trưởng Ban tổ chức Chủ nhật Đỏ Lê Xuân Sơn nhận định qua lần tổ chức thứ 8 tại 22 tỉnh thành năm nay. Đó là nhận thức ngày càng sâu sắc của nhiều lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà trường, cơ quan về ý nghĩa nhân văn của sự kiện hiến máu. Nhiệt tâm của các đơn vị đồng tổ chức và nhà tài trợ Mường Thanh, TH (True milk), taxi Mai Linh, xe buýt Transerco... góp tiếp một phần nữa để Chủ nhật Đỏ có được tầm vóc như hiện nay. Cho nên, ước mơ về một phong trào thiện nguyện thiết thực ngày càng lớn mạnh “hôm nay hơn hôm qua và kém xa ngày mai” đã như trong tầm tay.
Hôm chính hội Chủ nhật Đỏ ở Đại học Bách khoa, nhà thư pháp Lưu Việt nói một câu tôi nghe giật mình: “Thử hiến máu một lần đi. Viết sẽ hay hơn đấy”.
Ông Việt đã hiến máu 36 lần. Tôi nhìn gương mặt khá nét với nước da rất đẹp ở tuổi 58 của ông, mà hỏi ông những câu xoáy như: Nghe đồn hiến máu có thể dẫn đến “nghiện”, hoặc người hiến máu là người tốt chứ gì nhưng nếu lòng tốt này có biểu hiện quá mức thì dễ bị nghi có vấn đề? Ông đáp bình thản: “Hiến máu nhiều không phải do nghiện, mà người từng hiến máu rồi, đến thời điểm có thể hiến được mà không hiến, sẽ cảm thấy có lỗi. Mình khỏe mạnh trong khi có những người cần đến mình mà mình không giúp thì mình có lỗi với người bệnh ấy. Người hiến máu nghĩ họ đang làm việc đúng, mà đã đúng thì phải làm, còn người đời nghĩ gì không quan trọng. Những người hiến máu nhiều lần mới có tư duy ấy, và nhìn mọi việc theo chiều mà người khác không dễ nhìn ra dù giỏi đến mấy, học thức địa vị cao đến mấy. Tấm lòng của họ cũng khác, rộng mở hơn. Những người chỉ hiến máu một lần hoặc theo phong trào sẽ không có cảm nhận này”.
Tất nhiên tôi chưa tin ông ngay. Và có thể gắng vượt qua nỗi sợ bị đâm kim nhưng chứng huyết áp thấp khiến những người như tôi “bị loại từ vòng gửi xe”. Dù chưa hiến máu bao giờ nhưng nếu đã đến Chủ nhật Đỏ chứng kiến những hành động cao đẹp được nhân lên gấp bội, thì việc ai đó thay đổi nhận thức, tấm lòng rộng mở hơn không có gì lạ.
Để kết thúc, xin kể một chuyện vui nhân mùa Oscar. Vài năm trước, điện ảnh Mỹ có bộ phim hay dự Oscar: Bọn trẻ đều ổn (The kids are all right). Trong phim, Mark Ruffalo đóng vai người đàn ông hiến tinh trùng, tình cờ mang lại niềm vui - là hai đứa trẻ, cho hai phụ nữ đồng tính yêu nhau. Được hỏi vì sao hiến tinh trùng, anh ta đáp thú vị và đơn giản: Vì tôi thấy vui hơn hiến máu. Hiến gì chả quý, có người hiến tinh trùng 800 lần, khả năng sinh ra ngàn đứa con - báo nước ngoài đưa như vậy. Nhân vật của Mark trong Bọn trẻ đều ổn khá vô tâm vô tính, còn những người hiến máu, có vẻ muốn vô tâm cũng không được vì máu của mỗi người, sức người là có hạn. Có hạn nhưng biết rằng mình đang làm cái việc phải làm- nói như ông đồ Việt trên kia- việc cao đẹp nhất có thể, việc mà không làm sẽ thấy có lỗi, chẳng phải cảm giác và hành động tuyệt vời hay sao. Cho nên, xin ca ngợi họ, những tấm lòng cao cả, đã lập nên những kỷ lục của lòng nhân ái qua Chủ nhật Đỏ năm nay và bảy mùa trước. (* Tiền phong (trang 6))
Thành tựu đầu năm của y tế Việt Nam
Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 đã trở thành niềm hy vọng của rất nhiều cặp vợ chồng vì nhiều lý do không thể mang thai, sinh con theo cách bình thường. Việc ba bệnh viện trên cả nước được phép và thực hiện thành công kỹ thuật này được xếp là một trong mười sự kiện tiêu biểu của ngành y tế năm 2015.
Sự kiện tiêu biểu đó được ghi dấu ấn vào ngày 22-1, khi em bé mang thai hộ đầu tiên cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui, hạnh phúc sau 16 năm chờ đợi của gia đình anh Đ.D.H và chị T.T.D, cũng như của chính những thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư làm nên thành công đó. GS, TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Phụ sản T.Ư), người trực tiếp thực hiện ca mổ sinh em bé chia sẻ: Chứng kiến em bé chào đời, chúng ta khẳng định được rằng Luật Hôn nhân và Gia đình đã được sửa đổi, trong đó điều khoản về mang thai hộ đã đi vào cuộc sống với kết quả tốt.
GS, TS Nguyễn Viết Tiến cũng khẳng định các bác sĩ Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được kỹ thuật mang thai hộ. Nhưng để được phép thực hiện phương pháp mang thai hộ, các cặp vợ chồng phải hoàn tất bộ hồ sơ gồm rất nhiều giấy tờ, chứng nhận để bảo đảm thủ tục về mặt pháp lý. Hội đồng chuyên môn và hội đồng khoa học kỹ thuật của các bệnh viện sẽ kiểm tra để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có đúng chỉ định được thực hiện kỹ thuật này hay không, sau đó sẽ tư vấn những điều kiện được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cho cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
Theo giới chuyên môn, đứa bé sinh ra mang gien di truyền của bố, mẹ chứ không phải của người mang thai hộ. Các bác sĩ chia sẻ: Nhiều phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, dù được thông báo việc mang thai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai nhi nhưng vẫn mạo hiểm đánh cược mạng sống để sinh con cho bằng được. Những trường hợp này, nếu tìm được người mang thai hộ thì kết quả sẽ rất khả quan, vừa bảo đảm thiên chức làm mẹ, vừa an toàn tính mạng.
Dù đây là tin vui cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng ngoài việc có điều kiện về kinh tế, các cặp vợ chồng phải trải qua một “chặng đường” hết sức gian nan và đầy thử thách để hoàn tất thủ tục, giấy tờ liên quan. Theo đó, người mang thai hộ phải là người trong họ hàng và phải cùng hàng về quan hệ máu mủ như chị em ruột, chị em họ, không thể nhờ mẹ hay cô, dì mang thai hộ. Ngoài ra, người mang thai hộ phải từng sinh con và có đủ điều kiện ổn định về sức khỏe, tâm lý. Mỗi cặp vợ chồng chỉ được nhờ mang thai hộ một lần và người mang thai hộ cũng chỉ được thực hiện một lần…
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy đến hết năm 2015, tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư có 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã thực hiện 46 ca; Bệnh viện Từ Dũ nhận 33 hồ sơ được duyệt, đã thực hiện 19 ca. Dự kiến trong ba tháng tới sẽ có gần 30 em bé ra đời bằng phương pháp mang thai hộ. Như vậy, hàng chục cặp vợ chồng đang hy vọng, đếm từng ngày chờ đứa con của mình chào đời.
Theo đánh giá với những quy định hết sức chặt chẽ, khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại là rất khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình huống người mang thai hộ không muốn trao lại đứa trẻ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con. Trong trường hợp này, có thể phải nhờ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật can thiệp, giải quyết. (* Nhân dân (trang 5))