Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/1/2022

  • |
T5g.org.vn - Tăng cường hợp tác y tế Việt Nam - Nhật Bản; Ngày Tết, lỡ nhiễm COVID-19, xử lý ra sao?; Luôn chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; Đón tết ở bệnh viện dã chiến: Mong từng ngày về đoàn tụ gia đình…

 

Tăng cường hợp tác y tế Việt Nam - Nhật Bản

Sáng 27/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Tiến sĩ Kusumi Mari, Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục Y Khoa Nhật Bản (Việt Nam). Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh bà Kusumi Mari đã đầu tư tại Việt Nam với dự án về trường học và bệnh viện.

Tiến sĩ Kusumi Mari cảm ơn Chủ tịch nước dành thời gian tiếp và giới thiệu về dự án hiện đang triển khai xây dựng tại Việt Nam. Bà khẳng định quyết tâm nỗ lực xây dựng sớm Bệnh viện tại Việt Nam và áp dụng những công nghệ mới nhất trong y tế cũng như kỹ thuật trị liệu tiên tiến từ Nhật Bản.

Chủ tịch nước đánh giá cao quyết tâm của Tiến sĩ Kusumi Mari trong việc xây dựng Bệnh viện. Cho biết Việt Nam có gần 100 triệu dân, do đó nhu cầu xây dựng thêm bệnh viện là rất cần thiết phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân, Chủ tịch nước mong muốn Bệnh viện sớm đi vào hoạt động và có sự chuyển giao công nghệ y tế tiên tiến từ Nhật Bản.

Chủ tịch nước cũng thông tin Việt Nam hiện là nước cử nhiều thực tập sinh, điều dưỡng y tế sang Nhật Bản làm việc. Đây là lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng giữa hai bên. Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản có quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng, Nhật Bản là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 65 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam hoan nghênh các công ty vừa và nhỏ của Nhật Bản đến Việt Nam khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ.

Hai nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là những khuôn khổ thương mại, đầu tư ưu đãi cao, tiêu chuẩn cao về bảo vệ sở hữu trí tuệ và đó cũng chính là khuôn khổ để Công ty Giáo dục Y khoa Nhật Bản (Việt Nam) hợp tác sâu rộng với Việt Nam.

Khẳng định hợp tác giáo dục  đào tạo và chuyển giao công nghệ là những mối quan tâm hàng đầu tại Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Tiến sĩ Kusumi Mari nỗ lực hơn nữa thúc đẩy sớm hoàn thiện dự án. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề trên báo Hà Nội mới, trang 1: “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục Y khoa Nhật Bản”

 

Luôn chủ động, cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh

Sáng 27/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, dịp Tết Nguyên đán này, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, vừa bảo đảm cho người dân an toàn, nghỉ Tết vui tươi, lành mạnh. Vấn đề đặt ra là phải sẵn sàng các biện pháp nếu tình hình xấu về dịch bệnh xảy ra trong dịp Tết. Vừa qua, Ban Chỉ đạo đã phát động chiến dịch thần tốc tiêm chủng mùa Xuân năm 2022, để thực hiện mục tiêu hết tháng 1, trẻ em từ 12-17 tuổi, còn trong quý I từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi thứ 3, trừ các đối tượng chống chỉ định đang làm các thủ tục và tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Trên cơ sở đó mới có thể yên tâm mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương và Quốc hội đã nhấn mạnh phải ưu tiên số 1 cho nhiệm vụ chống dịch, chống dịch hiệu quả thì mới yên tâm mở cửa trở lại tổng thể nền kinh tế. Do đó, cuộc họp này cần rút kinh nghiệm, định hướng thời gian tới, nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Kinh nghiệm cho thấy đợt dịch lần thứ tư xảy ra vào dịp nghỉ lễ, do đó phải đề cao tinh thần cảnh giác, không lơ là chủ quan.

Theo Bộ Y tế, đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Tuy vậy, số mắc mới vẫn tiếp tục ghi nhận tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 15.000 ca mỗi ngày. Việt Nam cũng đã ghi nhận 163 ca bệnh nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 6 ca được phát hiện trong cộng đồng; nguy cơ Omicron lây lan trên diện rộng là rất cao. Trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2022, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, kể cả biến chủng Omicron và thậm chí có thể sẽ có những biến thể mới khác ngoài Omicron.

Trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến các nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người già, người có bệnh nền). Bộ Y tế thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát tình hình dịch Covid-19, từng bước khôi phục thị trường lao động, xuất khẩu, thu hút đầu tư; công tác bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả; công tác an sinh xã hội được tăng cường. Các địa phương và Bộ, ngành đã nghiêm túc tổ chức triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP; Nghị quyết đã tạo được khung pháp lý vững chắc giúp các địa phương ban hành và thực hiện các biện pháp hành chính và chuyên môn y tế phù hợp các cấp độ dịch trên địa bàn.

Đến nay, các địa phương từng bước mở cửa cho các hoạt động đi lại, giao thương, phục hồi sản xuất. Để bảo đảm đời sống dân sinh, phòng, chống dịch, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định 4800/QĐ-BYT phù hợp với tình hình mới.

Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Hiện có 975 xã, phường cấp độ 3-nguy cơ cao (chiếm 9,2% số xã, phường cả nước); 17 xã, phường cấp độ 4-nguy cơ rất cao (0,2%) tại 9 tỉnh, thành phố.

Tính đến ngày 26/1, Việt Nam đã tiếp nhận 211,9 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, phân bổ 194,2 triệu liều (còn khoảng 17,7 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng, xuất xưởng), tiêm được 178,8 triệu liều. Nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1, 2, 3 tương ứng 100%, 95,7% và 22,3%; trẻ em từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 95,2% và 86%.

Khu vực phía bắc được phân bổ 80 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,7% số vaccine phân bổ. Miền trung phân bổ 23,4 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 89,2% số vaccine phân bổ. Tây Nguyên phân bổ 8 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,4% số vaccine phân bổ. Miền nam phân bổ 79,5 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng đạt 93,2% số vaccine phân bổ. Trong tháng 1/2022, cả nước tiêm chủng được hơn 26,6 triệu liều vaccine (giảm hơn 2 triệu liều so với tháng 12/2021), chủ yếu là tiêm mũi 3 trong tháng vừa qua.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, đánh giá chung tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến giờ này có thể khẳng định, dịch bệnh đang được kiểm soát tốt trên cả nước, thể hiện qua số ca chuyển nặng và tử vong giảm sâu. Do đó, mọi hoạt động đang từng bước trở lại bình thường; chúng ta đang thực hiện chính trị thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội nói riêng và các hoạt động khác. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về phòng, chống dịch. Bạn bè quốc tế tin tưởng, đánh giá cao, tiếp tục ủng hộ chương trình phòng, chống dịch, chương trình phục hồi kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục cam kết đầu tư vào Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, đạt được kết quả vừa qua có nhiều nguyên nhân, đó là nhờ sự lãnh đạo xuyên suốt, kịp thời, thường xuyên là của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự điều hành quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ vào cuộc của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Qua 2 năm chống dịch, chúng ta vừa đúc rút kinh nghiệm, tham khảo kinh nghiệm thế giới, cho nên đã đề ra được công thức chống dịch phù hợp; tự tin, bình tĩnh hơn để thực hiện các biện pháp y tế về phòng, chống dịch. Việc thực hiện chiến lược vaccine rất quyết liệt thông qua ngoại giao vaccine, Quỹ Vaccine phòng Covid-19 và cả chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay.

Thủ tướng chỉ rõ, dự báo tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nhất là biến chủng Omicron lây lan nhanh; chưa kể nguy cơ chủng virus mới khác xuất hiện. Do đó không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không được say sưa với kết quả đạt được vừa qua mà phải luôn chủ động, tích cực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đề ra các kịch bản ứng phó phù hợp diễn biến mới; có phương án đối phó kịp thời, khoa học, hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương trình Chính phủ chương trình phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023. Tiếp tục thực hiện, nghiên cứu, hoàn thiện bổ sung các nghiên cứu đã có để rút ra nguyên lý, biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình đất nước ta, tham khảo kinh nghiệm các nước. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022. Vấn đề tiêm chủng vaccine phải thần tốc, thần tốc hơn nữa. Việc phòng, chống dịch tốt nhất chính là vaccine; đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chỉ đạo quyết liệt việc này. Nếu thiếu vaccine thì Bộ trưởng Y tế, Ban Chỉ đạo phải chịu trách nhiệm. Có vaccine mà không tiêm được thì Trưởng Ban Chỉ đạo và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm.

Bộ Y tế phải thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước để chủ động nguồn cung cấp. Thực hiện nhanh các thủ tục hành chính, tôn trọng các quy trình khoa học. Chú trọng thuốc điều trị Covid-19, do đó phải nhanh chóng, chủ động, công bố để cho phép nhập khẩu, sản xuất trong nước để bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực trong sản xuất.

Về mục tiêu, Thủ tướng lưu ý, chúng ta đang thực hiện đa mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, địa phương, theo đó phải giảm tối đa các ca tử vong, chuyển nặng, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; không để bị động, bất ngờ khi có chủng virus mới, từ đó phải có lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị cơ sở để ứng phó. Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình về phác đồ theo dõi, điều trị ca nhiễm tại nhà. Không quên nhiệm vụ thường xuyên của ngành y tế là bảo đảm chăm sóc sức khỏe của người dân, khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh khác trong dịp Tết Nguyên đán.

Về việc mở cửa trở lại trường học, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố công khai, minh bạch lộ trình cụ thể, nhất là diễn tập phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả, giảm tối đa sự lo lắng của phụ huynh học sinh. Tinh thần là mở cửa sớm nhất, nhanh nhất có thể, nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo đảm sức khỏe của học sinh.

Về mở cửa du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp cùng Bộ Y tế và các bộ liên quan xây dựng kế hoạch trên tinh thần là mở cửa nhanh nhất, sớm nhất, bảo đảm tính tổng thể, liên thông thống nhất, nhất quán đường bộ, đường hàng không, đường sông một cách khoa học, thống nhất, hiệu quả; bảo đảm chậm nhất đến ngày 30/5/2022 phải mở cửa. Tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, nhưng không được chậm trễ. Phải tập trung nghiên cứu, mở các hội thảo, phải rút kinh nghiệm, không thể ngồi chờ hết dịch mới mở cửa. Vấn đề là xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, có các giải pháp ứng phó với mọi tình huống xảy ra.

Liên quan việc xuất nhập cảnh, Bộ Ngoại giao chủ trì cùng Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình xuất nhập cảnh thống nhất.

Về bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phải chủ trì với tinh thần không để ai không có Tết, "Không để ai bị bỏ lại phía sau", tổ chức Tết an toàn, nghĩa tình, tri ân.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp Tết, bảo đảm an toàn, an ninh, an dân; bảo đảm người dân hưởng cái Tết an lành, vui tươi, tiết kiệm. Phối hợp các địa phương để người dân được di chuyển về quê ăn Tết an toàn, có trật tự.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, các địa phương phối hợp đưa người dân và đón người dân trở lại sau Tết. Bộ Công thương phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, ô xy y tế, năng lượng điện, nguồn cung hàng hóa thiết yếu, lưu thông hàng hóa thuận lợi, tránh đầu cơ, nâng giá, tiêu cực, không để ảnh hưởng tiêu cực đời sống của nhân dân. Phải tìm các giải pháp hạn chế các tác động do các biện pháp phòng, chống dịch. Các tỉnh biên giới phía bắc chú trọng lo giải tỏa hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu. Về lâu dài phải tích cực xuất khẩu đường chính ngạch, an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn. Bộ Giao thông vận tải phải bảo đảm lưu thông, không để các nơi ban hành "giấy phép con" trái quy định chung.

Tiếp tục vận động xã hội hóa cho công tác bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết. Lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân trong phòng, chống dịch, đi lại ngày Tết... Bộ Tài chính có trách nhiệm lo tài chính liên quan vấn đề Tết; thu xếp tài chính để mua vaccine, thuốc điều trị Covid-19; phối hợp Bộ Y tế hướng dẫn rõ hơn về đấu thầu trong mua sắm y tế, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Bộ Công an nhanh chóng điều tra vụ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, bảo đảm xét xử nghiêm minh đúng người, đúng tội. Làm tốt công tác truyền thông, phản ánh khách quan, đúng sự thật.

Ban Chỉ đạo các cấp phải ứng trực 24/24 dịp Tết. Chính phủ sẽ ban hành chương trình chăm sóc sức khỏe cho em, góp phần vào phòng, chống dịch và mở cửa trở lại trường học. (Nhân dân, trang 1)

Cùng chủ đề trên báo Hà Nội mới, trang 1: “Ứng trực 24/24 giờ phòng chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nguyên đán”; Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Tích cực mở cửa kinh tế, giảm tối đa tử vong”; Thanh niên, trang 3: “Sớm mở cửa du lịch, đón học sinh trở lại trường”; Công an Nhân dân, trang 1: “Ứng trực 24/24 giờ phòng, chống dịch COVID-19 trong suốt dịp Tết Nguyên đán”

 

Ban hành hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch Covid-19

Ngày 27/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, gồm 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca trong nước tại 63 tỉnh, thành phố. Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao nhất, với 2.907 ca. Bệnh nhân phân bố tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc tất cả 30 quận, huyện, thị xã. Trong ngày có 21.002 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 126 ca tử vong tại 28 tỉnh, thành phố.

Ngày 27/1, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 218/BYT-QĐ Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Theo quyết định mới, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch Covid-19 gồm: Tiêu chí 1 là tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; Tiêu chí hai là độ bao phủ vắc-xin; Tiêu chí ba là bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Cụ thể: Tiêu chí 1 gồm: tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100 nghìn dân, được phân theo bốn mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600); tỷ lệ ca bệnh phải thở ô-xy trung bình trong bảy ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100 nghìn người, được phân theo bốn mức độ (mức 1: <1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40). Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100 nghìn dân (không được vượt quá 6/100 nghìn dân trên địa bàn cấp xã…; chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã). Tiêu chí 2 gồm chỉ số tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm theo khuyến cáo tại thời điểm đánh giá của Bộ Y tế của địa bàn cấp xã tính trên toàn bộ dân số trên địa bàn (yêu cầu tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm đánh giá; chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã)… Tiêu chí 3 gồm: chỉ số tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10 nghìn dân (khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã; chỉ số này được chia làm ba khả năng (gồm cao: > 500, trung bình: 200-500, thấp: <200); chỉ số tỷ lệ giường điều trị tích cực (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ/100 nghìn dân (yêu cầu tỷ lệ giường ICU có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100 nghìn dân)…

Để tăng cường phòng, chống dịch trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022, Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Thực hiện nghiêm Công văn số 375/BYT-MT ngày 22/1/2022 về tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán. Chỉ đạo sở y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách. Tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa đông-xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới Omicron, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng. Tập trung chỉ đạo, triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi ba cho người 18 tuổi trở lên và mũi hai cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi. Tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám, chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện…

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định giao 37 bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Đồng thời, hỗ trợ điều trị người bệnh Covid-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của bệnh viện.

Ngày 27/1, Sở Y tế tỉnh An Giang có công văn hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh vào An Giang. Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 thì theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong ba ngày đầu kể từ khi nhập cảnh; không được tiếp xúc với người chung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú; xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ ba kể từ ngày nhập cảnh và nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi đến hết 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin cách ly tại nơi lưu trú trong bảy ngày kể từ ngày nhập cảnh, xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ ba và ngày thứ bảy kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, thì tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết ngày 14 kể từ ngày nhập cảnh. (Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề trên báo Tiền phong, trang 3: “Điểm mới trong đánh giá cấp độ dịch”; Công an Nhân dân, trang 1: “Tiêu chí mới đánh giá cấp độ dịch “vùng xanh” bao trùm”

 

Cả nước có thêm hơn 21.000 bệnh nhân khỏi bệnh

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bắc Giang (giảm 213 ca), Bến Tre (giảm 196 ca), Kon Tum (giảm 130 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (tăng 376), Gia Lai (tăng 180 ca), Thanh Hóa (tăng 140 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.437 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 26-1 đến 16h ngày 27-1, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, trong đó có 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca tại 63 tỉnh, thành phố (gồm có 10.627 ca tại cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh là Hà Nội (2.907), Đà Nẵng (873), Bắc Ninh (794), Thanh Hóa (727), Hải Phòng (719), Quảng Nam (527), Nam Định (469), Vĩnh Phúc (462), Bình Định (437), Hải Dương (417), Hòa Bình (414), Đắk Lắk (378), Quảng Ngãi (374), Hưng Yên (372), Phú Thọ (347), Nghệ An (316), Bình Phước (293), Quảng Ninh (275), Bắc Giang (272), Lâm Đồng (235), Thừa Thiên - Huế (220), Thái Bình (207), Gia Lai (183), Sơn La (170), thành phố Hồ Chí Minh (168), Lạng Sơn (167), Cà Mau (165), Hà Giang (144), Hà Nam (139), Tây Ninh (135), Phú Yên (129), Quảng Bình (123), Ninh Bình (115), Khánh Hòa (113), Vĩnh Long (112), Thái Nguyên (111), Bến Tre (105), Tuyên Quang (100), Lào Cai (100), Quảng Trị (96), Đắk Nông (95), Bình Dương (92), Lai Châu (90), Trà Vinh (82), Điện Biên (81), Cao Bằng (80), Bình Thuận (66), Bạc Liêu (64), Yên Bái (63), Kon Tum (62), Bà Rịa - Vũng Tàu (57), Đồng Nai (55), Đồng Tháp (50), Hậu Giang (49), Hà Tĩnh (48), Long An (41), An Giang (40), Bắc Kạn (34), Kiên Giang (32), Ninh Thuận (26), Cần Thơ (26), Sóc Trăng (22), Tiền Giang (7).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27-4-2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.196.351 ca, trong đó có 1.942.794 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là thành phố Hồ Chí Minh (513.259), Bình Dương (292.752), Hà Nội (120.175), Đồng Nai (99.811), Tây Ninh (87.706).

Về tình hình điều trị, có thêm 21.002 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.945.611 ca. Ngoài ra, hiện có 4.485 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 26-1 đến 17h30 ngày 27-1, cả nước ghi nhận 126 ca tử vong tại: Thành phố Hồ Chí Minh (11), Hà Nội (31), Vĩnh Long (11), Sóc Trăng (6), Đồng Tháp (6), An Giang (6), Hậu Giang (5), Hải Phòng (4 ca trong 2 ngày), Bắc Ninh (4), Bình Thuận (4), Tiền Giang (4), Kiên Giang (4), Khánh Hòa (3), Bình Dương (3), Cần Thơ (3), Cà Mau (3), Hải Dương (2), Thái Nguyên (2), Đà Nẵng (2), Bình Phước (2), Tây Ninh (2), Bạc Liêu (2), Quảng Ninh (1), Bình Định (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Đắk Lắk (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 146 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).  (Hà Nội mới, trang 7)

 

TPHCM sớm đưa vào ứng dụng phương pháp mới xác định biến thể Omicron

Chiều 27-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM giao ban trực tuyến với các sở - ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch ở thành phố. Chủ trì cuộc họp là đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Vui mừng đoàn viên nhưng không nên tập trung đông người

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ phấn khởi khi 4 tuần liên tục gần đây thành phố giữ được vùng xanh. Kết quả này có được từ sự nỗ lực của người dân thành phố và trực tiếp là đội ngũ cán bộ ở cơ sở, quận, huyện, TP Thủ Đức. Đồng chí mong muốn người dân và đội ngũ cán bộ tiếp tục chung tay giữ được kết quả này trong và sau Tết Nguyên đán 2022, nhằm tạo điều kiện ổn định để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức yêu cầu các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị phải đảm bảo có tết an toàn về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, an toàn phòng chống dịch; kịp thời xử lý tình huống có liên quan, đảm bảo cho người dân đón tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng chỉ đạo ngành y tế, các lực lượng phòng chống dịch ở cơ sở phải phân ca trực, kịp thời xử trí các tình huống y tế xảy ra. Theo đồng chí, từ ý thức chấp hành của người dân ở cộng đồng, đến các lực lượng phản ứng ở cơ sở và khâu tiếp nhận, điều trị - cùng với đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn PCCC, an ninh trật tự - thì thực sự sẽ có tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn.

Về việc tiêm vaccine, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động và tổ chức các điểm tiêm vaccine xuyên Tết Nguyên đán 2022.

Về công tác đưa trẻ tới trường học trực tiếp, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, các địa phương cần rà soát lại những công việc cuối cùng nhằm chuẩn bị khởi động lại việc đi học trực tiếp của khối mầm non, tiểu học và lớp 6. Theo đồng chí, số lượng các khối lớp không nhiều nhưng đây là đối tượng nhỏ tuổi, vì vậy cần chuẩn bị một cách chu đáo, khoa học, an toàn. “Đưa trẻ đến trường càng sớm càng tốt, tất nhiên phải đảm bảo an toàn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhắn nhủ.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh công tác chuẩn bị tết, đặc biệt là chăm lo tết cho gia đình chính sách, hưu trí, lực lượng tuyến đầu, hộ nghèo… Các chính sách chăm lo tết đã được công bố rồi thì các địa phương phải nhanh chóng triển khai đến hưu trí, người dân trước tết. Theo đồng chí, các địa phương nên chuyển khoản trực tiếp cho người nhận. Đối với trường hợp người lớn tuổi và không chuyển khoản được thì cán bộ cơ sở phải mang chế độ tới tận nhà người dân, hoặc giải quyết cho người nhà nhận thay nhằm tránh phiền hà cho người lớn tuổi phải đi lại nhận chính sách chăm lo tết.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi lưu ý, trong phòng chống dịch, cần thường xuyên giám sát sự lây lan biến thể Omicon và có thể có sự xuất hiện biến thể mới.

Theo quy định mới sẽ chỉ đánh giá cấp độ dịch ở cấp xã, không đánh giá cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với TPHCM, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu ngành y tế cần tính toán thêm và có hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch ở cấp quận và thành phố để tham khảo. Đồng chí nhấn mạnh, phải hành động đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân vui xuân đón tết một cách vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm và an toàn. 

Phương pháp mới xác định Omicron chỉ tốn 2 giờ và thêm 100.000 đồng

Trước đó, thông tin tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho biết, đến nay, TPHCM ghi nhận 92 ca mắc biến thể Omicron. Kết quả khảo sát chùm ca Omicron cộng đồng tại TPHCM cho thấy, chùm ca có nguồn gốc từ 1 người bệnh nhập cảnh rồi lây nhiễm cho những người khác qua tiếp xúc gần trong quá trình làm việc và sinh hoạt. Hiện nay, chùm ca nhiễm này cơ bản đã được khống chế, không lây lan rộng.

PGS-TS Tăng Chí Thượng đánh giá, điểm tích cực là số ca mắc mới giảm mạnh hàng tuần; số ca trở nặng tiếp tục giảm. Đến ngày 27-1, thành phố đang quản lý 6.528 F0 điều trị tại 3 tầng, gồm 4.341 ca điều trị tại nhà, 80 ca điều trị tại cơ sở cách ly; 1.649 ca điều trị tại bệnh viện tầng 2; 458 ca điều trị tại bệnh viện tầng 3. Số ca thở máy tiếp tục giảm, hiện còn 170 ca và kỳ vọng tiếp tục sẽ giảm. Trong tuần qua, số ca tử vong giảm xuống dưới 10 ca/ngày; riêng ngày 27-1, ghi nhận 11 ca tử vong trong đó có 4 ca ở thành phố, 7 ca ở tỉnh khác chuyển đến.

Thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm người thuộc nhóm nguy cơ, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã xét nghiệm đợt 3 cho hơn 512.700 người trong tổng số gần 647.600 người thuộc nhóm nguy cơ (tỷ lệ 79%). Qua đó, phát hiện thêm 139 người mắc Covid-19, tất cả đã được điều trị kịp thời. Đến nay, chiến dịch này đã cập nhật danh sách gần 647.600 người thuộc nhóm nguy cơ; thực hiện xét nghiệm tầm soát hơn 1,7 triệu lượt người, qua đó phát hiện và chủ động điều trị cho hơn 5.600 người.

Về tình hình tiêm vaccine, đến trưa 27-1, thành phố đã tiêm hơn 4,5 triệu mũi 3 và mũi nhắc lại (đạt 93%). Thành phố đang triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân, tổ chức tiêm chủng xuyên tết tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức; công bố địa điểm tổ chức tiêm và người dân được tiêm không cần đăng ký trước.

Từ ngày 1-1 đến nay, TPHCM có gần 15.900 người nhập cảnh, trong đó có gần 12.600 hành khách. Qua xét nghiệm tầm soát, ghi nhận 198 người dương tính và kết quả giải trình tự gen phát hiện 92 người dương tính với Omicron.

Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, sau một thời gian giám sát cho thấy, hầu hết trường hợp mắc Omicron không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Nhiều người nhập cảnh có nguyện vọng về nhà cách ly.

Vì vậy, Sở Y tế TPHCM đang đề nghị điều chỉnh quy trình cách ly người nhập cảnh có kết quả dương tính. Theo đó, trường hợp nặng sẽ chuyển về các bệnh viện dã chiến 3 tầng (dự kiến các trường hợp này không nhiều); trường hợp trung bình thì chuyển về Bệnh viện dã chiến số 12 hoặc bệnh viện tư nhân nếu người nhập cảnh có nhu cầu. Trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng thì có thể được cách ly tại nhà nếu người nhập cảnh có nguyện vọng và cam kết đủ điều kiện cách ly, cam kết tuân thủ cách ly.

Đồng thời, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng báo tin vui, sáng 27-1, Sở Y tế có làm việc với Hội Y học TPHCM, các chuyên gia của Hội Y học đã nghiên cứu, khảo sát và thực hiện thành công phương pháp xét nghiệm Real – time PCR (MPL RT-rPCR) xác định biến thể Omicron mà không cần phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen. Với xét nghiệm này, việc phát hiện Omicron chỉ mất 2 giờ, trong khi giải mã trình tự gen mất 4 ngày và chi phí chỉ tốn thêm 100.000 đồng.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, giải pháp MPL RT-rPCR không chỉ chi phí thấp hơn mà cũng nhạy hơn giải trình tự gen vì các trường hợp hàm lượng virus thấp thì không thể giải trình tự gen được nhưng MPL RT-rPCR vẫn phát hiện được. Phương pháp mới giúp phát hiện kịp thời và không bỏ sót các trường hợp mắc Omicron. “Đây là phát hiện mới của TPHCM, cả nước chưa có. Hiện nay, Sở Y tế đang phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM để hoàn chỉnh bài bản kết quả nghiên cứu, công bố cụ thể”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.

Đề cập tới phương pháp mới có thể xác định biến thể Omicron không cần phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen đang được nghiên cứu, đồng chí Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM sớm hoàn thiện giải pháp này, sớm đăng ký nhằm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Nên tiếp tục đánh giá cấp độ dịch ở cấp thành phố

Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức truyền đạt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 vào sáng 27-1.

Theo quy định mới, sẽ chỉ đánh giá cấp độ dịch ở phường, xã, thị trấn, không đánh giá ở cấp huyện, tỉnh. Đồng chí Dương Anh Đức đề nghị, các địa phương thực hiện ngay trong tuần này việc đánh giá cấp độ dịch theo quy định mới. Đồng thời đề nghị tại TPHCM, vẫn nên tiếp tục đánh giá cấp độ dịch ở cấp huyện và cấp thành phố nhằm có cái nhìn tổng thể, có bức tranh chung giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Hiện nay, một số nơi có tốc độ tiêm vaccine đang chậm lại, đồng chí Dương Anh Đức yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tốc độ bao phủ mũi 3 vaccine, thuyết phục người dân tiêm sớm. Đồng chí gợi mở nên mở rộng, có các đội tiêm vaccine di động không chỉ tới nhà dân mà còn tới các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vừa duy trì sản xuất vừa tiếp cận sớm vaccine.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu tăng cường triển khai chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ, mở rộng tới đối tượng từ trên 50 tuổi trở lên.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, đồng chí Dương Anh Đức đề nghị các lực lượng, các địa phương có phương án đảm bảo không để xảy ra tụ tập đông người, nhất là tại các nơi tổ chức sự kiện như Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội hoa xuân… (Sài Gòn giải phóng, trang 2)

Cùng chủ đề trên báo Lao động, trang 1: “Kiểm soát tốt dịch bệnh, TPHCM sôi động những ngày cuối năm”

 

Đón tết ở bệnh viện dã chiến: Mong từng ngày về đoàn tụ gia đình

Tình hình dịch Covid-19 đã bớt căng thẳng, nhiều người Việt đang sinh sống ở nước ngoài về quê hương đón tết. Với những người xa xứ, điều họ mong chờ là trở về quê nhà, nhất là dịp tết, nhưng rồi lại phải vào viện.

Chúng tôi đến Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (BVDC số 12) tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) một ngày gần cuối năm âm lịch. Bác sĩ (BS) Trần Bá Tòng (BS BV Da liễu TP.HCM đến công tác tại đây) đưa chúng tôi gặp các bệnh nhân (BN) là Việt kiều về quê đón tết nhưng không may mắc Covid-19.

Lên kế hoạch về từ rất lâu

Lên kế hoạch nhiều tháng nay để từ Mỹ về Việt Nam đón tết cùng gia đình, ông P.N.N (60 tuổi) nhờ người thân mua vé về Việt Nam khi thời hạn cách ly quy định chỉ còn 3 ngày. “Lúc còn trẻ mình đi Mỹ lập nghiệp, giờ lớn tuổi rồi, trở về quê hương mới là sung sướng nhất”, ông N. chia sẻ.

“Điều quan trọng nhất về đây có cái tết, có không khí gia đình. Tết tây của người ta cũng đâu phù hợp với mình. Họ hàng cũng ở đây hết, vậy tại sao không về”, ông N. nói và cho biết thêm: “Tết năm trước, khi Covid-19 xảy ra, trở về Việt Nam tôi xuống máy bay là phải đi xe xuống Bà Rịa-Vũng Tàu cách ly 14 ngày, sau đó mới về nhà ăn tết. Năm nay tình hình dịch đã ổn hơn”.

Ông N. làm xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi lên máy bay ở Mỹ, thực hiện 5K rất cẩn thận, xuống máy bay test lại vẫn âm tính nên đến khách sạn cách ly. Thế nhưng đến ngày thứ 2, test nhanh lại ra 2 vạch, ông N. được chuyển thẳng vào BVDC số 12… Đã tiêm 3 mũi vắc xin, ông N. không quá lo về sức khỏe, chỉ đếm từng ngày để được xuất viện, về với gia đình đón tết càng sớm càng vui!

Cũng giống ông N., chị H.N.T (42 tuổi) sắp xếp công việc ở Mỹ để về Việt Nam thăm ba mẹ đúng dịp Tết Nguyên đán. Xét nghiệm tại Mỹ âm tính trước khi lên máy bay về Việt Nam; nhưng khi đến Việt Nam kết quả test nhanh lại dương tính nên chị T. được đưa vào cách ly tại BVDC số 12.

“Về Việt Nam để thăm ba mẹ, để nguôi nỗi nhớ nhà, tôi không nghĩ là mình phải vào nơi cách ly. Ba mẹ già ở nhà cũng ngóng từng ngày nên tôi rất mong sớm khỏi để còn về nhà. Nhưng giờ sức khỏe tôi vẫn ổn định”, chị T. tâm sự.

Cuộc trò chuyện tạm ngưng khi chị T. nhận thông báo đủ điều kiện xuất viện từ BS, những giọt nước mắt đã rơi vì sung sướng, vì sắp được trở về nhà. Sửa soạn hành lý, chị T. vừa gọi điện thông báo cho người nhà đến đón mình, cầm tờ giấy ra viện, chị không ngớt cảm ơn các BS đã chăm sóc mình thời gian qua.

“Giờ về cách ly tại nhà xong cũng vừa tết, ít món quà tôi chuẩn bị từ bên Mỹ cho người thân, bạn bè cũng sắp tặng được rồi”, chị T. hồ hởi khoe rồi quay qua chào những người bạn “bất đắc dĩ” ở BVDC trước khi xuất viện: “Chào mọi người tôi về trước nha, chúc mọi người sức khỏe, sớm hết bệnh để về ăn tết với gia đình”.

 “Má mong lắm nên chị phải về”

L.H.H (22 tuổi, du học sinh Úc) cũng đang chuẩn bị hành lý xuất viện. Kể lại hành trình về quê ăn tết, H. buồn vì nhiều kế hoạch đi chơi cùng bạn bè phải gác lại: “Về cách ly trong BVDC em cũng bỡ ngỡ lắm, nhưng ở đây 8 ngày cũng đã quen”.

“Thường thì em tranh thủ về Việt Nam trong các kỳ nghỉ, hiện tại ở Úc đang kỳ nghỉ hè nên em về Việt Nam ăn tết, nhưng lần nào cũng phải cách ly, cách ly lần này là lần thứ 4 rồi đấy. Mỗi lần cách ly là mỗi lần trải nghiệm khác”, H. nói.

Lần đầu cách ly khi H. về Việt Nam cùng 15 người bạn, các khách sạn hết chỗ nên H. cùng bạn vào khu cách ly do quân đội quản lý. “Khách sạn không sắp xếp đủ chỗ cho mọi người nên em và các bạn vào cách ly ở nơi quân đội quản lý. Mỗi phòng ở 30 người, cảm giác như đang ở trong cái hội trường lớn. Mọi người trong phòng đều có kết quả âm tính nên sinh hoạt khá thoải mái, 14 ngày trôi qua thật nhanh”, H. kể.

Lần thứ 4 trở về Việt Nam, đáp chuyến bay từ Úc về TP.HCM, test nhanh tại sân bay cho kết quả dương tính, H. không thể tiếp tục bay về Hà Nội. “Em tính mình về trước tết 2 tuần để giải quyết một số việc, về quê, rồi tụ họp cùng bạn bè, nhưng đành gác lại vì mắc Covid-19, chuyến bay về Hà Nội đã mua cũng đành hủy”, H. nói.

H. kể: “Nhiều bạn em ở Úc cũng có ý định về ăn tết nhưng em khuyên nên cẩn thận hơn để không giống em. Trước khi lên máy bay em đã test âm tính rồi nhưng không hiểu sao về đến đây test lại dương tính?”.

Chờ BS làm giấy ra viện, H. rất hồi hộp. H. cho biết khi nghe tin được xuất viện đã mua luôn vé chuyến bay trong đêm về Hà Nội và tiếp tục cách ly tại nhà. “Dù cách ly tiếp nhưng chỉ cần được về nhà là điều tuyệt vời với em rồi”, H. nói.

Dịch Covid-19 khiến nhiều chuyến bay bị ảnh hưởng, giá vé tăng cao, nhiều người phải đắn đo về hay không về.

Chị T.T.H cùng chồng từ Mỹ về Việt Nam để đón tết cùng mẹ, vì mẹ chị đã lớn tuổi, mong gặp con cháu, nên khi sắp xếp được công việc là chị T.T.H lại về thăm mẹ.

“Hai vợ chồng có test trước khi lên máy bay đều âm tính rồi, đến khi xuống máy bay test nhanh thì chỉ có chị lên 2 vạch, đi cách ly, còn ổng được về nhà luôn”, chị T.T.H nói.

Trước đây mỗi năm chị T.T.H đều về Việt Nam ăn tết. 2 năm nay do dịch bệnh, giá vé tăng cao, cùng với việc cách ly dài ngày khiến chị khó thu xếp được công việc. “Khoảng gần tết là chị thường xuyên cập nhật quy định cách ly người từ nước ngoài về, cách ly 14 ngày, rồi 7 ngày chị vẫn chưa quyết định về. Mới đây khi thời hạn cách ly chỉ còn 3 ngày thì chị quyết định về Việt Nam”.

Chị T.T.H cho biết mỗi lần về thì không được lâu, nếu có công việc thì chỉ về được từ 3 tuần đến 1 tháng thôi, nếu mắc Covid-19 sẽ cách ly để điều trị, mất rất nhiều thời gian và chi phí. “Những đợt trước dù vé mắc chị vẫn có khả năng chi trả, nhưng thời hạn cách ly quá dài nên chị chưa quyết định về, vì về cũng không làm được gì”, chị T.T.H nói.

“Khi quyết định về, má chị đếm từng ngày, má bảo là “má chờ má đếm từng ngày luôn, má nói ba trăm mấy ngày rồi con chưa về”. Tính từ hồi năm trước chị về Việt Nam ăn tết, khoảng 17 âm lịch đã ở nhà đi mua bông, mua hoa. Giờ má cứ đếm 2 ngày, rồi 3 ngày, cứ thế đến ngày chị về tới nhà. Má mong lắm, nên chị phải về!”, chị H. chia sẻ. (Thanh niên, trang 19)

 

Bộ Y tế giao 37 bệnh viện tuyến Trung ương tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19

Bộ Y tế vừa ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19.

Theo quyết định này, Bộ Y tế giao 37 Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 được phát hiện khi đến khám bệnh hoặc đang trong quá trình điều trị tại Bệnh viện.

Giao cho các bệnh viện hỗ trợ điều trị người bệnh COVID-19 cho địa phương khi có đề nghị, bảo đảm phù hợp với khả năng tiếp nhận và năng lực chuyên môn của Bệnh viện.

37 Bệnh viện, Viện được giao nhiệm vụ gồm: Việt Đức, Bạch Mai, Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Hữu nghị, C Đà Nẵng, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Nhiệt đới Trung ương, K, Nhi Trung ương, E, Lão khoa Trung ương, Mắt Trung ương, Da liễu Trung ương, Nội tiết Trung ương, Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương, Răng Hàm Mặt Trung ương, Tâm thần Trung ương I, Tâm thần Trung ương 2, YHCT Trung ương, Châm cứu Trung ương, 74 Trung ương, Phong – Da liễu Quỳnh Lập, Hữu Nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, 71 Trung ương, Điều dưỡng PHCN Trung ương, Phong – Da liễu Quy Hòa, Răng Hàm Mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Huyết học – Truyền máu Trung ương, Y học biển, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. (Công an Nhân dân, trang 7)

 

Ngày Tết, lỡ nhiễm COVID-19, xử lý ra sao?

Làm thế nào nếu trong những ngày Tết tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính? Nếu đi du lịch xa không may nhiễm COVID-19 xử lý ra sao?

Vô số những điều cần lưu ý trong các ngày Tết mà người dân cần thận trọng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình.

Luôn liên hệ với y tế địa phương

Trong những ngày Tết, nguy cơ nhiễm COVID-19 sẽ cao hơn, vì vậy bên cạnh việc luôn tuân thủ quy tắc 5K, người dân cũng nên có những phương án ứng phó nếu không may bị lây nhiễm.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 đã khá cao vì vậy nếu không có bệnh nền gì thì tỉ lệ diễn tiến nặng khi nhiễm bệnh rất thấp. Do đó người bệnh cứ giữ tâm lý bình tĩnh nếu có nhiễm COVID-19 vào dịp Tết.

"Quan trọng nhất vẫn là ý thức tuân thủ quy định cách ly, bảo vệ các thành viên trong gia đình, tuyệt đối không nên giấu bệnh để được vui chơi Tết. Mặc dù Tết nhưng tất cả các đơn vị y tế đều có làm việc nên vẫn thực hiện khai báo với trạm y tế qua các số điện thoại để được hỗ trợ, người bệnh không nên tự ý đến trực tiếp cơ sở y tế", ông Dũng chia sẻ.

Bên cạnh đó, đối với người thân trong gia đình của bệnh nhân, cũng nên đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc gần với người bệnh, vệ sinh các bề mặt mà bệnh nhân tiếp xúc, mở thoáng cửa, giúp lưu thông không khí trong nhà.

Đặc biệt, ông Dũng lưu ý, trong các ngày Tết nếu có người thân chung nhà nhiễm bệnh, những người còn lại nên hạn chế tối đa việc ra ngoài gặp gỡ, chúc Tết để tránh nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Về việc theo dõi sức khỏe khi cách ly tại nhà, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam - trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện ÐH Y dược TP.HCM - cho biết dù triệu chứng bệnh có nhẹ nhưng bệnh nhân cũng nên kiểm tra tình trạng hô hấp thường xuyên. Nếu người bệnh có các dấu hiệu chuyển nặng phải báo ngay trạm y tế để có hướng xử trí kịp thời.

"Cần lưu ý chỉ số SpO2 nếu dưới 95% có thể là dấu hiệu cảnh báo thiếu oxy trong máu. Nếu nhịp thở trên 20 lần/phút, nhịp tim trên 100 lần/phút đó cũng là dấu hiệu nguy cơ", BS Nam nhắc nhở.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly và điều trị tại nhà thì sẽ được chuyển đến các bệnh dã chiến điều trị COVID-19.

Từ ngày 19-1, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3, 5, 10 và Bệnh viện dã chiến Củ Chi cho đến khi có thông báo mới.

Tuy vậy vẫn còn một số bệnh viện điều trị COVID-19 được Sở Y tế phân công hỗ trợ và túc trực xuyên Tết như Bệnh viện dã chiến số 6, 8, 13, 14; bệnh viện điều trị COVID-19 TP Thủ Đức, Củ Chi, Tân Bình, Nhi đồng 2, Từ Dũ, Hùng Vương, An Bình, Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Phước Lộc.

Làm gì khi đi du lịch bị dương tính?

Ngày Tết, trong quá trình đi du lịch, nếu không may nhiễm COVID-19, người dân nên dừng mọi hoạt động vui chơi và thực hiện cách ly y tế đầy đủ, tránh lây nhiễm.

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho biết tùy vào loại phương tiện di chuyển trong chuyến du lịch mà xây dựng các phương án cách ly khác nhau.

"Người dân đảm bảo tuyệt đối việc đeo khẩu trang. Và nếu đi du lịch bằng ôtô của gia đình mà bị dương tính thì người dân có thể quay trở về nhà, không tiếp xúc ai trong quá trình di chuyển, báo cho nhân viên khách sạn nơi thuê vệ sinh, khử khuẩn phòng", BS Vân Anh chia sẻ.

Còn khi đi du lịch bằng xe khách hoặc máy bay không thể quay về, BS Vân Anh cho rằng người dân nên tự cách ly theo dõi trong vòng 5 - 7 ngày tại phòng khách sạn, đồng thời luôn tuân thủ 5K. Sau 5 - 7 ngày thực hiện xét nghiệm lại, nếu kết quả âm tính, có thể quay trở về nhà để tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà.

Các chuyên gia cho rằng trong thời điểm lễ Tết đông đúc, nhất là đã có sự xuất hiện của biến chủng mới, người dân nên hạn chế du lịch xa nhà. Nên tìm hiểu kỹ về các quy định cách ly tại địa phương trước khi đến bởi sẽ có địa phương cho phép khách du lịch tự cách ly tại khách sạn và cũng có nơi bắt buộc phải cách ly tập trung khi nhiễm COVID-19.

Đặt vấn đề có một số khách sạn yêu cầu khách du lịch đến phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính, theo các chuyên gia việc này không thật sự cần thiết nếu người dân đã đảm bảo tiêm đủ liều vắc xin, tuân thủ quy tắc 5K.

Trạm y tế sẵn sàng cấp cứu bệnh 24/24 giờ

BS Đinh Nho Tài - trưởng Trạm y tế phường 11, quận Bình Thạnh, TP.HCM - cho biết trạm y tế vẫn phân công nhân lực đầy đủ túc trực xuyên Tết, đảm bảo kịp thời các công tác thăm khám, cấp cứu khi bệnh nhân liên hệ.

"Công tác phòng dịch, chăm sóc và điều trị bệnh nhân F0 tại nhà trong Tết vẫn được trạm y tế thực hiện bình thường, đảm bảo người dân được an tâm đón mùa Tết bình yên", BS Tài chia sẻ.

Theo BS Tài, trong các ngày Tết người bệnh cũng cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn nhiều các loại bánh, mứt ngày Tết, các đồ ăn nấu đi nấu lại qua ngày. Vì bệnh nhân F0 nếu ngộ độc thực phẩm, việc chuyển cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và tăng nguy cơ lây nhiễm nếu không phòng hộ cẩn thận. (Tuổi trẻ, trang 19).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang