Tín hiệu khởi sắc của y tế toàn cầu
Những điểm sáng tích cực đang xuất hiện trên bức tranh tổng thể của y tế toàn cầu với đà suy yếu của nhiều loại dịch bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kỳ vọng, năm 2023 lĩnh vực y tế ghi nhận sự khởi sắc, song vẫn cảnh báo các quốc gia không được lơ là, chủ quan, đánh giá thấp tình hình dịch bệnh.
Năm 2022 là một năm khó khăn chồng chất với hệ thống y tế toàn cầu khi phải căng sức ứng phó với nhiều loại dịch bệnh vào cùng một thời điểm. Thế giới trải qua năm thứ ba đại dịch Covid-19 lây lan, trong khi các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, dịch tả, dịch Ebola và các căn bệnh về hô hấp diễn ra ở các châu lục.
Hội chứng Covid-19 kéo dài gây sa sút nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều nước thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do lượng bệnh nhân tăng và thiếu nhân lực trầm trọng.
Vượt qua thách thức “dịch chồng dịch”
Tuy nhiên, trải qua hàng loạt thách thức, vào thời điểm năm cũ sắp khép lại, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (T.Ghê-brây-ê-xút) kỳ vọng năm 2023 sẽ có nhiều khởi sắc với y tế toàn cầu khi đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ đang trên đà suy yếu, còn tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới Ebola nào trong hơn ba tuần qua. WHO cũng bày tỏ hy vọng có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh nêu trên vào những thời điểm khác nhau trong năm tới.
Năm 2022 từng được đánh giá là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ. Theo WHO, hiện có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron, vốn có khả năng lây truyền cao, đang lưu hành. Số ca mắc mới Covid-19 từng có lúc tăng mạnh ở Pháp, Ðức, Italia, Hàn Quốc, Singapore, Australia... Tuy nhiên, những thành tựu về nghiên cứu và việc “phủ sóng” vắc-xin đã mang đến bước tiến trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Ghebreyesus cho biết, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước. Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 thuộc WHO nhận định, mặc dù vẫn có khả năng xảy ra các đợt lây nhiễm nhưng đại dịch Covid-19 “không như lúc ban đầu”, với số ca nhập viện và tử vong đã ít hơn. Theo bà, những ca tử vong phần lớn xảy ra ở những người không tiêm phòng hoặc chưa được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin. Đến nay, hơn 6,6 triệu ca tử vong do Covid-19 đã được báo cáo lên WHO.
Năm 2022, thế giới cũng phải đối phó sự bùng phát bất ngờ của bệnh đậu mùa khỉ. Hồi tháng 8, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, sau khi quốc gia này ghi nhận hơn 6.000 ca mắc bệnh. Dữ liệu của WHO cho thấy, hơn 81.300 ca mắc bệnh đã được ghi nhận tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi căn bệnh này bùng phát vào đầu năm 2022.
Tuy nhiên, việc triển khai tiêm vắc-xin cũng như nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro của bệnh đã làm chậm sự lây lan, giúp kiểm soát dịch. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ dự kiến bệnh đậu mùa khỉ sẽ không còn được coi là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng từ ngày 1/2/2023.
Các căn bệnh như cúm mùa, tả, sốt xuất huyết... cũng diễn biến phức tạp. Tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) cho biết, có khoảng 9,5 triệu người Đức gần đây đã nghỉ ốm, cao hơn đáng kể so với thời điểm hơn hai năm trước, khi dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết, sự hoành hành đồng thời của vi-rút hợp bào hô hấp (RSV), vi-rút cúm mùa và SARS-CoV-2 gây Covid-19 tạo áp lực đáng kể cho hệ thống y tế.
Tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán, lũ lụt chưa từng có và lốc xoáy ở một số quốc gia đã tạo môi trường thuận lợi cho vi-rút gây bệnh lây lan. Song, thế giới đang ghi nhận những chuyển biến tích cực về cả nhận thức lẫn hành động liên quan ứng phó biến đổi khí hậu. Thành công của Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) mới đây đã phản ánh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ứng phó biến đổi khí hậu, tạo môi trường sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe con người.
Những nhiệm vụ trọng tâm
Dù kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc với y tế toàn cầu song người đứng đầu WHO cũng bày tỏ thận trọng khi yêu cầu các quốc gia không được chủ quan và cần tập trung vào năm nhiệm vụ ưu tiên. Các nhiệm vụ gồm nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ; tiếp tục cải tổ WHO. Những nhiệm vụ này cần tất cả các nước đồng lòng thực hiện nhằm duy trì thành quả đã đạt được trong đẩy lùi dịch bệnh, cũng như tạo ra một lá chắn vững vàng hơn để ứng phó các dịch bệnh tương tự trong tương lai.
Theo kế hoạch, các cuộc thảo luận về một dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm ứng phó tốt hơn với đại dịch trong tương lai sẽ được khởi động vào tháng 2/2023. Bà Precious Matsoso (P.Mát-xô-xô), một thành viên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO, nhấn mạnh con người không bao giờ được quên tác động của đại dịch đối với cuộc sống, kinh tế và xã hội nói chung. Trải qua ba năm kể từ khi đại dịch Covid-19 lần đầu bùng phát, thế giới dường như ý thức rất rõ về tầm quan trọng của công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó đại dịch, cũng như tránh lặp lại những sai lầm trước đây.
Bài học về tinh thần đoàn kết, chia sẻ vắc-xin và thúc đẩy một cơ chế phân phối công bằng thay vì chạy đua tích trữ vắc-xin vẫn còn nguyên giá trị. Một số ý kiến cho rằng, bất kỳ hiệp ước về đại dịch nào cũng nên cam kết tự động từ bỏ các quy tắc sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cần thiết để bảo vệ sức khỏe. Bên cạnh đó, loại bỏ thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử và hành vi lan truyền thông tin sai lệch trên các nền tảng truyền thông cũng là một bài học kinh nghiệm cần lưu ý.
Sự bùng phát trở lại của nhiều căn bệnh trong năm 2022 chính là hồi chuông nhắc nhở thế giới về tính chất phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Việc nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp xây dựng các hệ thống toàn cầu hiệu quả nhằm phát hiện, ngăn chặn và ứng phó kịp thời với những đại dịch là trách nhiệm chung của mọi quốc gia vì sức khỏe người dân. (Nhân dân, trang 8).
Bệnh viện Mắt TP.HCM mổ hơn 56.000 ca đục thủy tinh thể trong 9 tháng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN vừa có thông báo về kiểm tra, rà soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) tại Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM.
Theo BHXH VN, 9 tháng năm 2022, BV Mắt TP.HCM phẫu thuật thủy tinh thể (TTT) 56.613 ca (bằng phương pháp phaco là 56.509 ca), số lượng này là rất cao. Trong khi đó, cũng 9 tháng năm 2022 nhưng BV khác phẫu thuật TTT đứng thứ 2 tại TP chỉ có 8.515 ca, BV đứng thứ 3 chỉ 7.864 ca.
Theo BHXH VN, bình quân mỗi ngày BV Mắt phẫu thuật 207 ca (bao gồm ngày nghỉ, lễ) và ngày làm việc bình quân là 296 ca. Trong khi thiết bị cập nhật trên hệ thống giám định BHYT tính đến ngày 24.10, số lượng máy để phẫu thuật phaco là 3 máy. BHXH VN đề nghị làm rõ số máy phaco, số bác sĩ (BS) mổ, thời gian mổ, y lệnh trùng nhau, giờ mổ trùng lắp, thời gian nằm viện kéo dài…; có hay không tình trạng lạm dụng BHYT.
Sau quá trình làm việc, xác minh, trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo BHXH TP.HCM lý giải năm 2021 tình hình dịch bệnh, số lượng bệnh nhân (BN) có chỉ định phẫu thuật phaco rất hạn chế, đa số phải dời sang năm 2022. Mặt khác, việc thực hiện luật BHYT thông tuyến tỉnh nội trú từ 1.1.2021 tạo thuận lợi cho BN từ các tỉnh đến điều trị nội trú tại BV tăng cao. Đầu năm 2022 tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế thiếu tại các cơ sở KCB, nhất là các tỉnh vùng lân cận, do đó lượng BN đến khám, điều trị tại BV Mắt gia tăng. Do đó BV nhận KCB lúc 6 giờ 30 và bắt đầu mổ phaco lúc 8 giờ. Mỗi ngày nhận tổng cộng 360 - 400 BN. Theo báo cáo của BV Mắt, thời gian mổ phaco liên tục, luôn giờ nghỉ trưa và kết thúc lúc hết BN đã được lên lịch mổ trong ngày. Trung bình mỗi ca mổ 5 - 7 phút.
BV Mắt có 139 BS đăng ký hành nghề KCB tại BV, trong đó 47 BS mổ phaco. Có 14 máy mổ phaco, trong đó có 1 máy hư đang chờ sửa chữa. Về thời gian phẫu thuật trùng lắp, theo BHXH TP, một số BS phẫu thuật ghi trong hồ sơ bệnh án (HSBA) chưa đúng với BS ghi trong dữ liệu đề nghị thanh toán BHYT; giờ ghi nhận thực hiện trên hồ sơ và giờ ghi nhận trên dữ liệu không trùng khớp, có sự sai lệch. Những hồ sơ điều trị có thời gian nằm viện trên 2 ngày chủ yếu là các bệnh lý cần theo dõi điều trị.
Vì sao nhiều BN có chẩn đoán bệnh không liên quan TTT nhưng phát sinh chi phí mổ đục TTT? BHXH TP cho rằng, qua kiểm tra một HSBA điều trị tại BV ghi nhận trong HSBA có các chẩn đoán: bệnh võng mạc tiểu đường + đục TTT, bệnh glôcôm + đục TTT, bệnh khúc xạ và điều tiết, đục TTT. Tuy nhiên khi chuyển dữ liệu đề nghị thanh toán với cơ quan BHXH chỉ có mã chẩn đoán bệnh đầu tiên, thiếu mã chẩn đoán đục TTT (H25). Trong các HSBA này thể hiện đủ việc phẫu thuật mổ phaco và phù hợp với chẩn đoán và phác đồ điều trị của BV.
BHXH TP kết luận: Qua công tác kiểm tra, BHXH TP.HCM chưa phát hiện tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại BV Mắt. Nhưng BHXH TP cũng đã ban hành kết luận kiểm tra yêu cầu thu hồi chi phí KCB do BV Mắt chưa thực hiện đúng các quy định, điều kiện chỉ định, thanh toán các dịch vụ kỹ thuật với tổng số tiền 18 triệu đồng. (Thanh niên, trang 5).
Hơn 78% học sinh có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động
Theo Bộ Y tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), VN đã thực hiện “Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên” (gọi tắt GYTS), trong đó có điều tra tại VN vào các năm 2004, 2007, 2014, 2022.
Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà ở học sinh giảm từ 47,7% năm 2014 xuống 24,5% năm 2022; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh tại khu vực trong nhà của địa điểm công cộng giảm từ 66,5% xuống 22,2%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trường học giảm từ 48,6% xuống 35,7%... Năm 2022, 78,7% học sinh có nhận thức về tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe; 57,5% học sinh được dạy ở trường về tác hại của thuốc lá trong 12 tháng qua.
Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy khó khăn trong phòng chống tác hại thuốc lá ở người trẻ. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới có xu hướng tăng; tỷ lệ hút thuốc lá ở học sinh nhóm 13 - 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm học sinh từ 13 - 15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin, trong đó có nhiều thông tin chưa kiểm chứng hoặc dễ gây ra những cách hiểu không chính xác về tác hại cũng như mức độ nguy hại của các dòng sản phẩm so với thuốc lá điếu. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua mạng xã hội và internet.
Theo chuyên gia của WHO, thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống. Một số nước đã ghi nhận thuốc lá điện tử gây tổn thương nhu mô phổi. Các tác nhân có trong thuốc lá điện tử tác động trực tiếp lên phổi, gây ra tổn thương phổi cấp tính, hình ảnh kính mờ lan tỏa nền phổi 2 bên đã được ghi nhận là hình ảnh phổ biến nhất trong mô bệnh học. (Thanh niênm trang 15).
Không để dịch chồng dịch
Chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 19 Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 23-12 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung lực lượng, đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm mọi người dân đều có Tết, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hiện trên thế giới, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc; các biến thể mới có khả năng vẫn xuất hiện, có thể làm dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại; thậm chí lây lan phổ biến hơn cả Omicron - biến thể chính trên toàn cầu hiện nay. Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, số ca tử vong do Covid-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với năm trước, nhưng vẫn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày. Tại Việt Nam, 30 ngày gần đây, cả nước ghi nhận hơn 12.000 ca mắc mới (giảm 23,5% so với 30 ngày trước đó); số ca mắc mới trung bình những ngày gần đây thường là dưới 200 ca/ngày; riêng ngày 25-12 ghi nhận 71 ca - số mắc thấp nhất trong hơn một năm qua.
Dù đã “hạ nhiệt” nhưng dịch Covid-19 vẫn là mối nguy hiểm thường trực, trong khi nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi luôn hiện hữu. Việt Nam đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ (nguồn lây từ nước ngoài); dịch sốt xuất huyết, adenovirus, cúm… vẫn đang lưu hành. Do đó, trong lúc này, việc đề cao cảnh giác, dứt khoát không để dịch chồng dịch, đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của các cấp, ngành, địa phương.
Vấn đề quan trọng đầu tiên là ngành Y tế cùng các cơ quan chức năng, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó, kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống các loại dịch bệnh.
Đặc biệt, ngành Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tại các cơ sở y tế trong dịp Tết. Lưu ý việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh; thực hiện tốt việc chăm lo, động viên vật chất, tinh thần đối với lực lượng y, bác sĩ…
Một việc nữa cần tiếp tục làm tốt là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân. Trong đó, nội dung cần lưu ý là tập trung thông tin về tác dụng, hiệu quả của vắc xin phòng Covid-19 trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong; khuyến khích, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đặc biệt là các nhóm đối tượng có rủi ro cao về sức khỏe...
Với mỗi người dân, cần thực hiện hiệu quả thông điệp “2K” (khẩu trang, khử khuẩn) vắc xin thuốc điều trị công nghệ ý thức và các biện pháp khác. Tuyệt đối không ai được chủ quan, lơ là với dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh khác trong mọi tình huống. Khuyến khích mọi người đeo khẩu trang, khử khuẩn ở những nơi đông người để phòng ngừa, hạn chế lây nhiễm Covid-19 và các loại dịch bệnh khác. (Hà Nội mới, trang 1).
Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Thành công bước đầu trong chuyển đổi số
Thực hiện “Đề án y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030”, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều nội dung chuyển đổi số và gặt hái một số thành công. Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp trong lĩnh vực này, để phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hiệu quả khả quan
Xuất phát từ thực trạng mỗi ngày có hàng nghìn người xếp hàng tại các trạm y tế xã, phường chờ khai báo y tế, chờ được cấp giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian cách ly tại nhà… khiến nhiều cơ sở y tế trở nên quá tải, ùn ứ người bệnh, một số nơi xảy ra tình trạng sai lệch thông tin..., bởi mọi việc đều phải làm thủ công, đầu tháng 3-2022, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai ứng dụng “Hệ thống quản lý người bệnh Covid-19”. Theo đó, các F0 đang điều trị tại nhà chỉ việc truy cập đường dẫn và khai báo trên hệ thống. Trạm y tế dùng phần mềm so sánh với số liệu đã có và cấp ngay giấy chứng nhận bệnh nhân, chứng nhận hết thời gian cách ly ngay trên hệ thống.
Bác sĩ Nguyễn Vũ Trường An, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Quy (quận 7) cho biết, ứng dụng mới khiến mọi việc được triển khai nhanh hơn, chính xác hơn, thuận lợi cho người dân...
Ngoài ra, tháng 12-2022, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đi đầu cả nước trong việc trang bị máy chụp X-quang phổi kỹ thuật số tích hợp phần mềm phân tích, đọc phim tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trạm Y tế xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ). Với thiết bị này, chỉ 10 giây sau khi chụp phim, hệ thống AI sẽ phân tích phim chụp, đưa ra những nhận định tham mưu về mức độ bệnh lý của bệnh nhân. Khi cần làm rõ thêm các yếu tố lâm sàng, các bác sĩ trẻ đang được tăng cường về cơ sở có thể liên lạc trao đổi từ xa với các chuyên gia, bác sĩ tuyến trên…, từ đó có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bác sĩ Phạm Hải Việt Tỷ, Trạm Y tế xã Thạnh An nói: “AI chẩn đoán bệnh nhân này bị xẹp phân thùy phổi P, dày màng phổi và tràn dịch màng phổi T. Thông qua máy chụp này, các bác sĩ trẻ chưa nhiều kinh nghiệm cũng có thể nhận định được các dấu hiệu lâm sàng”.
Tiếp tục phát huy
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu cuối cùng của việc tăng cường chuyển đổi số trong ngành Y tế là để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Cụ thể, thông qua ứng dụng chuyển đổi số, người dân sẽ gặp nhiều thuận lợi khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; mỗi người đều có hồ sơ sức khỏe điện tử…
Nhờ chuyển đổi số, nhân viên y tế dễ dàng tiếp cận được các kiến thức, kỹ thuật mới; giảm thiểu được các nguy cơ sai sót ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn người bệnh. Nhà quản lý có thêm công cụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính của ngành Y tế và triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến… để điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo đối với các vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân...
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 2 công việc trọng tâm, gồm: Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, xây dựng kho dữ liệu dùng chung.
Là người tham gia xây dựng phần mềm cho các dự án này, Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngọc, Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, nhóm đã thử nghiệm thành công việc ứng dụng phần mềm EMR tại Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. “Với phần mềm này, mọi thông tin về bệnh nhân được lưu trên hệ thống dưới dạng tệp dữ liệu số, vừa phục vụ quá trình điều trị tại bệnh viện, xác lập bệnh án điện tử cho từng bệnh nhân. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng diện thử nghiệm, tiến tới liên thông các thông tin bệnh nhân tới mọi cơ sở y tế với các chuẩn tài liệu, số liệu điện tử đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế và thông lệ quốc tế, giúp cơ sở y tế quản lý, tham khảo thông tin bệnh lý, quá trình điều trị dễ dàng hơn, từ đó chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Chí Ngọc nhấn mạnh.
Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết, dù còn gặp một số khó khăn trong chuyển đổi số, như: Nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; một số quy định hiện hành chưa phù hợp…, nhưng ngành Y tế thành phố quyết tâm đẩy mạnh công việc quan trọng này. Trong năm 2023, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ tăng cường chuyển đổi số để hưởng ứng và tham gia triển khai hiệu quả chủ đề của năm do UBND thành phố phát động, đó là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. (Hà Nội mới, trang 6).
Dồn dập nhập viện vì bệnh hô hấp
Những ngày này, thời tiết ở TPHCM chuyển lạnh đột ngột, số lượng bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám về bệnh hô hấp tăng cao. Trong đó, bệnh thường gặp là viêm phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Còn tại miền Bắc, các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh liên tục khiến số người mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng, nhất là người già và trẻ em.
Cứ lạnh là… ho
Chờ khám bệnh tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất, ông T.M.V. (65 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cho biết, ông liên tục ho có đàm 2 tuần qua; trong tuần đầu ông tự mua thuốc ở nhà thuốc tư nhân gần nhà, nhưng không hết ho. Nghĩ rằng “đô” thuốc chưa đủ mạnh, ông V. đến nhà thuốc khác mua, nhưng uống đến 2 tuần mà tình trạng không cải thiện.
Còn bé H.T.K. (5 tuổi, ngụ quận 5) nhập viện điều trị được 5 ngày vì ho kéo dài, được các bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Chị L.T.H.G. cho biết, vào mùa lạnh là con lại ho, sợ ảnh hưởng đến các bạn, gia đình cho con nghỉ học mấy bữa. Nhưng bé ho hoài, đêm khuya cũng mất ngủ vì ho, chị G. đưa con đi khám thì được chỉ định nhập viện.
Vài tuần gần đây, tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp tới khám và nhập viện điều trị.
Tại Khoa Hô hấp dị ứng, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, số bệnh nhân nhập viện đã tăng trên 30% so với trước, các máy thở hoạt động hết công suất.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Phổi Trung ương, số người cao tuổi đến khám, cấp cứu cũng tăng vọt, nguyên nhân do trời quá lạnh.
Bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, bình thường mỗi ngày, khoa khám khoảng 15-25 người, điều trị khoảng 200 bệnh nhân nội trú/tháng. Nhưng vài tuần gần đây, mỗi ngày, khoa thăm khám khoảng 50-60 người, tiếp nhận số bệnh nhân nhập viện nhiều hơn...
Bệnh viện Nhi Trung ương và khoa nhi của nhiều bệnh viện ở miền Bắc cũng đang điều trị cho nhiều trẻ mắc các bệnh ho, sốt cao, viêm phế quản, viêm phổi và viêm phổi do Adenovirus.
Không nên tự ý điều trị
Theo bác sĩ CKII Ngô Thế Hoàng, Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Thống Nhất, bệnh hô hấp là nhóm bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây viêm phổi với độc lực cao và có thể lây lan nhanh thành đại dịch như SARS, cúm A H1N1, Covid-19…
Bệnh hô hấp ở người cao tuổi thường gặp là các bệnh có liên quan đến nhiễm khuẩn, nhất là khi thời tiết thay đổi hoặc giao mùa. Thông thường có nhiều loại vi khuẩn như phế cầu, liên cầu, tụ cầu… sinh sống ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm và thời tiết thay đổi thất thường, các vi khuẩn này sẽ phát triển và gây bệnh. Nguy cơ nhiễm khuẩn sẽ tăng ở người cao tuổi, sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc nằm một chỗ thời gian lâu do đột quỵ.
Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua kháng sinh để điều trị khi có triệu chứng ho, cúm và sốt, hoặc sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi bệnh tái phát mà không có chỉ định của bác sĩ. Vì như vậy, sẽ làm gia tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, hoặc sử dụng thuốc không phù hợp gây khó khăn trong điều trị, bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, làm giảm cơ hội điều trị.
Để chủ động phòng tránh các bệnh hô hấp vào thời điểm giao mùa, người cao tuổi cần luyện tập thể dục thể thao phù hợp và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Ngoài ra, khi bị ho, khạc đờm và khó thở thì phải đến thăm khám bác sĩ ngay và dùng đúng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Việc tắm rửa hàng ngày nên dùng nước ấm, buồng tắm kín gió, không nên tắm lâu, lau khô và nên mặc quần áo ngay. Hạn chế quạt máy và máy lạnh, không khí luôn cần được thông thoáng. Khi mưa rét, hạn chế đi ra đường, nên giữ ấm cơ thể tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết, phải mặc đủ ấm (áo ấm, khăn quàng cổ, vớ, mũ) và đeo khẩu trang.
Theo GS-TS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, bệnh về đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 số trẻ nhập viện trong những năm đầu đời. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 4-5 triệu trẻ em tử vong do bệnh về đường hô hấp, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp chiếm 23-38% số ca bệnh ở trẻ em. Các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên thường kéo dài 5-7 ngày là khỏi. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc, theo dõi cũng như điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng, từ viêm đường hô hấp trên thành viêm đường hô hấp dưới. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).