Năm 2018: Thêm 3 vắc-xin mới đưa vào TCMR, vẫn sử dụng vắc-xin Quinvaxem
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 27/3, cho biết, để tiếp tục duy trì thành tựu và kết quả công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR), năm 2018, Bộ Y tế có kế hoạch đưa một số vắc-xi
n mới vào Chương trình TCMR, đồng thời Bộ Y tế cũng khẳng định vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong Chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1.
Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong Chương trình TCMR để trẻ không mắc các bệnh nguy hiểm.
Theo đó, được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Việt Nam đã sản xuất thành công vắc-xin sởi - Rubella. Trong tháng 3/2018, vắc-xin sởi - Rubella được đưa vào sử dụng trong Chương trình TCMR, bước đầu triển khai tại 4 tỉnh, kết quả thu được cho thấy tính an toàn tương tự như vắc-xin sởi - Rubella đã sử dụng như giai đoạn 2014 - 2016. Theo kế hoạch, từ tháng 4/2018, vắc-xin sởi - Rubella do Việt Nam sản xuất sẽ được sử dụng trên toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong TCMR.
Vắc-xin bại liệt tiêm (IPV): Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và bảo vệ thành quả trong hơn 17 năm qua. Để tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt đạt được, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, cùng với tiếp tục cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi uống 3 liều vắc-xin bại liệt bOPV (vắc-xin bại liệt 2 týp), Bộ Y tế sẽ đưa vắc-xin tiêm IPV cho trẻ 5 tháng tuổi vào Chương trình TCMR từ tháng 8/2018.
Vắc-xin phối hợp 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib: Trong hơn 7 năm qua, Chương trình TCMR đã sử dụng vắc-xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi. Hiện nay, nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc-xin Quinvaxem, số vắc-xin Quinvaxem còn lại dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018 trên toàn quốc. Vì vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem bằng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Theo kế hoạch, loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại 4 tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc cuối quý II/2018. Vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong Chương trình TCMR cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1.
Bộ Y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ tiếp tục đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc-xin trong Chương trình TCMR, để trẻ em không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cũng theo Bộ Y tế, do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp, Bộ Y tế khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - Rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng Rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con. Đồng thời, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi vào cuối năm 2018. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem bằng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1
Ngày 27-3, Bộ Y tế cho biết đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc-xin Quinvaxem (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) bằng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh.
Loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1 này sẽ được đưa vào sử dụng trên quy mô nhỏ tại bốn tỉnh, sau đó sẽ đưa vào sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn quốc vào cuối quý II năm 2018. Vắc-xin Quinvaxem vẫn tiếp tục được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng cùng với việc chuyển đổi sử dụng loại vắc-xin phối hợp 5 trong 1. Ngoài ra, sau khi sử dụng an toàn ở quy mô bốn tỉnh, vắc-xin sởi - rubella do Việt Nam sản xuất cũng sẽ được sử dụng trên quy mô toàn quốc cho trẻ từ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế cho biết, do tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, và kết quả của một số nghiên cứu, đánh giá cho thấy miễn dịch bảo vệ phòng sởi ở phụ nữ mang thai thấp, Bộ khuyến cáo các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đến các cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella để chủ động phòng bệnh cho chính mình và phòng bệnh sởi, hội chứng rubella bẩm sinh với đa dị tật cho con. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu về việc tiêm vắc- xin sởi cho trẻ từ sáu tháng tuổi vào cuối năm 2018. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 7: “Đưa vắc xin mới thay thế Quinvaxem”; Báo Sài Gòn giải phóng, trang 1: “Dừng sử dụng vaccine Quinvaxem, thay vaccine mới”; Báo Lao động, trang 3: “Việt Nam dừng tiêm vaccine Quinvaxem 5 trong 1”
Chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hôm nay (28-3), nhiệt độ toàn miền bắc duy trì trạng thái ấm áp 23 đến 27 độ C, có nơi hơn 27 độ C, về đêm trời se lạnh 17 đến 21 độ C, vùng núi cao rét dưới 16 độ C. Do tác động của yếu tố gây mưa mở rộng, khiến khu vực miền bắc sẽ chuyển mưa nhỏ, mưa rào nhẹ liên tiếp trong hai ngày tới. Trên biển, do ảnh hưởng của rìa tây nam lưỡi áp cao suy yếu và biến tính, ở khu vực vịnh Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện sương mù và sương mù nhẹ rải rác khiến tầm nhìn xa giảm xuống dưới 1 km.
★ Theo Chi cục Thú y Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 29 triệu con gia cầm với nhiều vùng chăn nuôi lớn. Ðể chủ động phòng, chống và ngăn chặn dịch cúm gia cầm, Chi cục đã tham mưu UBND thành phố tập trung kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm từ cấp huyện đến các phường, xã, thị trấn. Ðồng thời thực hiện tốt việc vệ sinh cơ giới, tổng tẩy uế môi trường trên địa bàn. Tập huấn các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cho hệ thống thú y cơ sở và các đối tượng có liên quan như người tiêu dùng, chủ hộ kinh doanh…
★ UBND tỉnh Hòa Bình vừa phê duyệt phương án ứng phó thiên tai năm 2018. Theo đó, tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành trong phòng, chống thiên tai, với phương châm phòng ngừa, chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả các khu vực sạt lở, có nguy cơ sạt lở tại các khu vực dân cư và dọc các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ đã được ban bố tình trạng khẩn cấp; các hồ chứa đã xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn cao khi có mưa, lũ lớn.
★ Qua khảo sát, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có 108 tuyến sông, kênh rạch bị sạt lở cần được bảo vệ. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương vận động người dân thực hiện các biện pháp gia cố các tuyến sông chống sạt lở, bảo vệ các tuyến lộ nông thôn. Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp Hạt Kiểm lâm rà soát phương án của các xã, thị trấn chủ động cung cấp đủ cây giống để các xã trên địa bàn thực hiện việc trồng cây xanh giữ đất ven bờ sông, kênh dẫn dòng.
★ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, sáng ngày 25-3, tại khu vực ấp Hòa Bình, xã Kiến An, huyện Chợ Mới đã xảy ra sạt lở đất bờ sông Vàm Nao, với chiều dài 60 m, lấn sâu vào đất liền từ 1 đến 5 m, gây ảnh hưởng đến giao thông liên ấp. Hiện nay, khu vực sạt lở vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở; chính quyền địa phương đã tiến hành cắm biển và hàng rào tạm để cảnh báo người dân.
★ Ngày 27-3, nước mặn đã lấn sâu từ các cửa sông vào đất liền tại tỉnh Bến Tre gần 60 km. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống nước mặn năm 2018; trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh; tổ chức theo dõi, đo độ mặn tại các cống đầu mối và nội đồng để thông báo kịp thời đến người dân. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra. (Nhân dân, trang 8)
Người bệnh "phàn nàn", thiếu yên tâm với thuốc BHYT
Theo kết quả khảo sát thí điểm Chỉ số hài lòng người bệnh do Bộ Y tế vừa thực hiện tại 29 bệnh viện trên cả nước, có đến 79,6% người bệnh bày tỏ hài lòng với dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, người bệnh có BHYT vẫn bày tỏ chưa hài lòng với thuốc BHYT được cấp phát...
Chiều nay, 27-3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo kết quả thí điểm đánh giá Chỉ số hài lòng người bệnh đối với các bệnh viện công lập.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, từ tháng 9-2016 đến tháng 11-2017, Cục Quản lý khám chữa bệnh là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ), xây dựng và khảo sát thí điểm Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam thông qua phỏng vấn qua điện thoại những người bệnh nội trú đã xuất viện.
Cụ thể, phương pháp Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) đã được Cục Quản lý Khám chữa bệnh tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước. Tại Hà Nội, có 2 bệnh viện tham gia khảo sát là Bệnh viện Đa khoa Đống Đa và Bệnh viện Đa khoa Vân Đình.
Kết quả khảo sát cho thấy, Chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5, tương ứng mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện đạt mức 79,6% so với kỳ vọng của người bệnh. Hai bệnh viện của Hà Nội tham gia khảo sát gồm Đống Đa và Vân Đình có số điểm lần lượt là 3,87-3,80.
Đáng chú ý, qua khảo sát ở tuyến tỉnh, người bệnh kém hài lòng nhất với dịch vụ nhà vệ sinh của các bệnh viện, tiếp đến là chi phí khám, chữa bệnh và chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm. Còn tại tuyến huyện, người bệnh kém hài lòng nhất về các tiêu chí thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; kết quả điều trị khám, chữa bệnh.
Một kết quả đáng chú ý nữa ở cuộc khảo sát này là nhóm người bệnh có bảo hiểm y tế (BHYT) lại tỏ ra hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh hơn người bệnh không có BHYT. Tuy nhiên, người bệnh có BHYT cũng chia sẻ thông tin cho thấy họ vẫn thiếu tin tưởng vào thuốc BHYT được cấp phát nên thường phải chi thêm tiền để mua thuốc bên ngoài (vì cho rằng thuốc BHYT ít có tác dụng)...
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã thực hiện khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và ngoại trú, tiến hành rộng rãi ở các bệnh viện. Từ tháng 12-2016 đến 12-2017 đã có trên 1 triệu phiếu khảo sát được nhập trên phần mềm khảo sát trực tuyến do Cục Quản lý Khám chữa bệnh cung cấp. Kết quả, tính chung trên cả nước, tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú đạt 75,6%. (An ninh Thủ đô, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Người bệnh thiếu tin tưởng vào thuốc do bảo hiểm y tế cấp phát”
Hầu hết người Việt ăn thừa muối nhưng chỉ 16% nhận mình ăn mặn
Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, 90% người Việt Nam tiêu thụ lượng muối hàng ngày cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, song rất khó để giảm ăn muối vì đa số người dân lại không cho rằng mình ăn mặn… Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, 90% người Việt Nam tiêu thụ lượng muối hàng ngày cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, song rất khó để giảm ăn muối vì đa số người dân lại không cho rằng mình ăn mặn…
Theo ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, 90% người Việt Nam tiêu thụ lượng muối hàng ngày cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO, song rất khó để giảm ăn muối vì đa số người dân lại không cho rằng mình ăn mặn…
Sáng nay, 27-3, Cục Y tế dự phòng đã tổ chức hội thảo về truyền thông vận động giảm ăn muối để phòng chống tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và các bệnh không lây nhiễm khác.
Tại đây, ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, ăn nhiều muối là nguyên nhân quan trọng góp phần làm tăng tỷ lệ mắc tăng huyết áp và các trường hợp tử vong do bệnh tim mạch. Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hoá, đặc biệt là ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, theo kết quả điều tra toàn quốc, trung bình một người trưởng thành ở Việt Nam tiêu thụ 9,4g muối/ngày (cao gấp đôi so với khuyến cáo của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là dưới 5g muối/ngày). Hầu hết mọi người đều ăn thừa muối (chiếm 90%).
Đáng chú ý, hầu hết người Việt Nam ăn nhiều muối nhưng chỉ có 16% số người được điều tra nhận thấy, bản thân có ăn mặn. Trong khi 89,2% người nấu ăn luôn cho muối, mắm, gia vị mặn khác vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn; 19,5% thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối…
Đại diện Cục Y tế dự phòng dẫn ví dụ, một điều tra ở TP HCM cho thấy có tới 73% các hộ gia đình sử dụng mì ăn liền, 37% sử dụng đồ đóng hộp. Một gói mì ăn liền có trung bình 4,2g muối (tương ứng 5-7g muối trong 100g sản phẩm), có nghĩa chỉ cần ăn một gói mì ăn liền là đã thừa lượng muối tiêu thụ trong cả ngày. Như vậy nếu ăn nhiều các sản phẩm này sẽ bị thừa muối, không có lợi cho sức khỏe.
Cũng tại hội thảo, đại diện của WHO tại Việt Nam cho biết, nếu mọi người đều giảm tiêu thụ muối như khuyến cáo của WHO thì sẽ cứu sống được khoảng 2,5 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Do đó, mỗi người hãy giảm một nửa lượng muối ăn vào hằng ngày để phòng chống bệnh tật. (An ninh Thủ đô, trang 7)
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 6: “90% người Việt ăn mặn gấp đôi khuyến cáo”
17 tỉnh chi vượt kinh phí khám, chữa bệnh
Ngày 27-3, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2018, hệ thống giám định bảo hiểm y tế (BHYT) đã tiếp nhận 33,48 triệu lượt khám chữa bệnh, chi phí đề nghị thanh toán là 16.462 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2017 số lượt khám chữa bệnh tăng 14,59%, chi BHYT tăng 18,69%. Đến hết tháng 2-2018 có 17 tỉnh chi vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh dự toán trên 20%, như Quảng Ninh 31,9%, Bình Dương 31,8%, Cần Thơ 31,1%, Đồng Tháp 31,1%, Khánh Hòa 30,1%. Có 84 bệnh viện đa khoa tuyến huyện có tỷ lệ vào điều trị nội trú bất thường trên 40% (tỷ lệ toàn quốc tuyến huyện là 9%).
Về vật tư y tế, BHXH Việt Nam đặc biệt lưu ý, hiện nay, mức giá trúng thầu chênh lệch rất lớn đối với giá stent mạch vành, từ 35 đến 73,8 triệu đồng/chiếc tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Hai tháng đầu năm 2018, toàn quốc sử dụng 3.572 stent động mạch vành, chi phí 124 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ BHYT đã chi trả cho 108 bệnh nhân có chi phí BHYT trên 300 triệu đồng, 465 bệnh nhân có chi phí BHYT từ 200 đến 300 triệu đồng... (Hà Nội mới, trang 7)
Bệnh viện 108 lập kỳ tích ghép tạng
Sáng 27/3, tại Hà Nội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới thăm, làm việc và chúc mừng thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Trước đó, ngày 26/2, các kíp kỹ thuật của bệnh viện đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ, vừa lấy, ghép phổi và các tạng khác. Bệnh nhân được nhận phổi trong ca phẫu thuật là ông Trần Ngọc Hanh (SN 1964, ở Nam Định), người hiến tạng (45 tuổi, ở Ninh Bình), nguyên thiếu tá quân đội. Theo Trung tướng, GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, sau gần 8 giờ, dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp, Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện 108, bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép phổi lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam. Hiện bệnh nhân đã tỉnh, tự vận động, chức năng phổi ghép ổn định.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá: Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, khẳng định những nỗ lực chinh phục đỉnh cao khoa học và trình độ, tay nghề của các thầy thuốc Việt Nam nói chung, đặc biệt là tay nghề của các thầy thuốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 nói riêng trong chuyên ngành ghép tạng; góp phần tạo ra bước tiến quan trọng cho nền y học Việt Nam, mở đường xây dựng và phát triển chuyên ngành ghép tạng, một trong những chuyên ngành hiện đại nhất của y học.
Cùng thời điểm thực hiện ca ghép phổi, Bệnh viện 108 đã tiến hành lấy đa tạng ghép và phối hợp ghép cho các bệnh nhân khác, gồm: ghép 1 quả thận, ghép 1 giác mạc, chuyển 1 giác mạc còn lại ghép cho 1 bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt T.Ư, phối hợp vận chuyển tim và 1 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân khác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM. (Tiền phong, trang 7)
Chấn thương tâm lý thường gặp sau thảm họa và hướng xử trí
Sau sự cố cháy nhà chung cư Carina Plaza ở TP. Hồ Chí Minh ngày 23/3/2018, khiến 13 người tử vong, hàng trăm người bị thương phải đưa đến bệnh viện cấp cứu, hàng nghìn cư dân của chung cư Carina sẽ không tránh khỏi những cú sốc về tâm lý do phải chứng kiến sự kiện đau thương này, nhiều người rơi vào hoảng loạn…
Để giúp bạn đọc hiểu rõ và có hướng xử trí đúng đối với loại sang chấn tâm lý rất hay gặp sau thảm họa, đó là rối loạn stress cấp, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của PGS. TS. Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 103.
Rối loạn stress cấp được đặc trưng bởi sự gia tăng căng thẳng và lo lắng sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý cực mạnh. Bệnh nhân là nạn nhân hoặc phải chứng kiến một tai nạn (tai nạn xe hơi, cháy nhà) hoặc tội ác khủng khiếp (giết người), các trận đánh, bị hành hung, bị bắt cóc, bị tra tấn, nạn nhân của một thảm họa tự nhiên (như động đất, sóng thần…), được chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, bị lạm dụng tình dục…
Bệnh nhân phản ứng với những chấn thương tâm lý này với nỗi sợ hãi và bất lực, họ luôn hồi tưởng lại sự kiện đau buồn này và cố gắng để xa lánh nó. Sự kiện này có thể được sống lại trong những giấc mơ và suy nghĩ của bệnh nhân lúc thức (hồi tưởng).
Các biểu hiện thường gặp
Đặc điểm nổi bật của rối loạn stress cấp là các triệu chứng đặc trưng kéo dài từ 3 ngày đến 1 tháng sau khi tiếp xúc với một hoặc nhiều sự kiện chấn thương.
Biểu hiện lâm sàng của rối loạn stress cấp tính có thể khác nhau tùy theo cá nhân nhưng thường liên quan đến một phản ứng lo âu bao gồm một số trải nghiệm hoặc phản ứng với sự kiện đau buồn. Một số cá nhân có cảm giác tan rã, họ có những phản ứng cảm xúc hoặc sinh lý mạnh mẽ để đáp ứng với chấn thương. Một số người khác có phản ứng giận dữ mạnh mẽ, trong đó đặc trưng là tình trạng kích động.
Những triệu chứng trên phải tồn tại ít nhất 3 ngày sau khi sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng không kéo dài quá 1 tháng sau khi sự kiện này. Các triệu chứng xảy ra ngay lập tức sau khi sự kiện chấn thương tâm lý, nhưng hết trong vòng chưa đầy 3 ngày sẽ không được gọi là rối loạn stress cấp.
Thông thường, các cá nhân có hồi tưởng về các sự kiện khó chịu đã xảy ra. Những hồi tưởng này tái phát một cách tự phát hay được kích hoạt bởi các kích thích gợi nhớ của những kinh nghiệm đau thương. Những hồi tưởng này thường bao gồm cảm giác (ví dụ như, cảm nhận sức nóng dữ dội đã được nhìn nhận trong một vụ cháy nhà), tình cảm (ví dụ, trải qua những nỗi sợ hãi của việc tin rằng mình sắp bị đâm xe) hoặc sinh lý (ví dụ như, những cơn khó thở như gần chết đuối).
Giấc mơ đau buồn có thể chứa các nội dung liên quan đến chấn thương tâm lý. (Ví dụ, trong trường hợp của một bệnh nhân sống sót sau hỏa hoạn, nội dung những giấc mơ đau buồn thường liên quan đến hỏa hoạn). Trong khoảng thời gian từ vài phút đến vài giờ hoặc thậm chí cả ngày, khi bệnh nhân hồi tưởng về sự kiện chấn thương tâm lý, bệnh nhân cư xử như thể trải qua những sự kiện tại thời điểm đó.
Các bệnh nhân có thể mất khả năng để cảm nhận những cảm xúc tích cực (ví dụ, hạnh phúc, niềm vui, sự hài lòng hoặc những cảm xúc liên quan với sự thân mật, âu yếm, hay tình dục). Họ hầu như chỉ có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn rầu, giận dữ, tội lỗi hoặc xấu hổ. Một số bệnh nhân không có khả năng nhớ khía cạnh quan trọng của sự kiện chấn thương.
Bệnh nhân tìm cách tránh các sự kiện liên quan đến chấn thương. Họ từ chối thảo luận về kinh nghiệm đau thương mà mình đã phải trải qua. Sự lảng tránh này có thể bao gồm việc tránh xem tin tức về chấn thương, từ chối trở về nơi mà chấn thương đã xảy ra.
Rối loạn giấc ngủ là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân có rối loạn stress cấp. Họ khó vào giấc ngủ, khó giữ giấc ngủ, hay có ác mộng. Họ dễ nổi cáu vô cớ, quá nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm năng. Họ khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ các sự kiện hàng ngày (ví dụ, quên số điện thoại). Bệnh nhân rối loạn stress cấp có thể rất phản ứng với các kích thích bất ngờ, như giật mình khi có ánh sáng mạnh hoặc tiếng động đột ngột (ví dụ, họ giật mình khi có tiếng chuông điện thoại).
Nếu chấn thương dẫn đến chết người hoặc gây vết thương nghiêm trọng cho người khác, bệnh nhân luôn có cảm giác tội lỗi vì đó không giúp đỡ được người khác.
Điều trị bằng thuốc: Thuốc bình thần benzodiazepin (diazepam, bromazepam, clonazepam) có tác dụng cắt tình trạng lo âu quá mức, hoảng hốt, sợ hãi, phân ly, kích động của bệnh nhân. Chỉ nên dùng nhóm thuốc này khi thực sự cần thiết, không nên sử dụng kéo dài. Khi điều trị, thường sử dụng thuốc đường uống. Nhưng trong một số trường hợp cần thiết, có thể dùng thuốc tiêm (seduxen).
Tâm lý liệu pháp: Tâm lý liệu pháp đóng vai trò quyết định trong điều trị phản ứng stress cấp. Trước hết phải cô lập được stress. Bệnh nhân cần được đưa ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý càng sớm càng tốt. Khi thoát ra khỏi môi trường gây chấn thương tâm lý thì hầu hết bệnh nhân dần trở về trạng thái tâm lý bình thường. Tình trạng lo âu, hốt hoảng, phân ly sẽ giảm đi.
Nhân viên y tế hoặc các thành viên trong gia đình cần giữ vững tình trạng tâm lý cho bệnh nhân. Động viên an ủi bệnh nhân để bệnh nhân nhận thấy rằng nguy hiểm đó qua, giúp họ thư giãn, hướng dẫn cách tập thở chậm để giảm bớt các triệu chứng khó chịu về cơ thể.
Tránh gợi lại các khía cạnh của chấn thương tâm lý một cách bừa bãi để bệnh nhân không phải sống lại các ký ức đau buồn của chấn thương tâm lý.
Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng. Nhìn chung trong giai đoạn này bệnh nhân thường cần có người bên cạnh, động viên giúp đỡ họ lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng chi phí điều trị
Phát biểu tại Hội nghị “Tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới.
Nhiễm khuẩn BV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, ngành y tế luôn xác định KSNK có vai trò rất quan trọng trong khám, chữa bệnh. Khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tử vong với người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin của người dân với cơ sở y tế. Một số dịch bệnh xảy ra ngay tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian qua đã gây hậu quả nghiêm trọng về người và kinh phí: Dịch SARS năm 2003, nhiễm trùng muộn sau phẫu thuật tại Hà Giang (2013), lây nhiễm sởi, vi khuẩn đa kháng kháng sinh tại BV Nhi TW, nhiễm vi khuẩn đa kháng tại BV Sản Nhi Bắc Ninh (2017)...
“Việc thực hiện không tốt công tác KSNK có nguy cơ cao gây lây lan các bệnh dịch trong BV và cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay xuất hiện nhiều tác nhân gây dịch mới xuất hiện và các vi khuẩn đa kháng, siêu kháng với thuốc kháng sinh” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động KSNK tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. Đó là một số người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, do vậy việc cam kết đầu tư và định hướng cho hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả...
Dẫn chứng từ thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện hệ thống tổ chức KSNK tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa hoàn thiện đầy đủ theo quy định. Cả nước còn tới 16,2% BV có trên 15 giường bệnh chưa thành lập khoa KSNK; 24,1% lãnh đạo khoa/tổ KSNK không phải đào tạo từ ngành y, hoặc có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ học. Hệ thống quản lý KSNK còn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc triển khai, điều hành các hoạt động KSNK. Bên cạnh đó, hầu hết bộ phận giám sát nhiễm khuẩn tại các BV đều thiếu nhân lực so với quy định lại chưa được đào tạo về giám sát chuyên trách, do vậy chưa thực hiện được giám sát chủ động, liên tục các loại nhiễm khuẩn BV thường gặp và giám sát các vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
“Công tác KSNK tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành KSNK và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn BV - đây mới là nhiệm vụ trọng tâm của KSNK tại BV nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, hiện nay ngành y tế xác định việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tăng sự hài lòng của người bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm chi phí cho điều trị và giảm thiểu sự lây nhiễm bệnh trong BV, các cơ sở y tế cần thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các quy định, hướng dẫn chuyên môn về KSNK do Bộ Y tế ban hành. Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động KSNK theo cơ cấu giá viện phí dành cho KSNK... (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Thủ tướng cắt băng khánh thành công trình BVĐK tỉnh Vĩnh Long
Sáng ngày 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành và tỉnh Vĩnh Long đã dự lễ khánh thành công trình nâng cấp BVĐK tỉnh Vĩnh Long. Công trình gồm khu nhà 9 tầng có tổng mức vốn đầu tư trên 968 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm bệnh nhân điều trị tại BVĐK Vĩnh Long.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Vĩnh Long, ngành y tế tỉnh đã tập trung sức lực, nguồn lực để nâng cấp bệnh viện, góp phần nâng cao khả năng khám chữa bệnh cho nhân dân, giảm tình trạng quá tải bệnh viện.
Tuy nhiên, cho rằng mới có “vỏ tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có “ruột tốt”, con người tốt, theo đó, Thủ tướng đồng ý dành khoản vay ODA giai đoạn 2 từ Chính phủ Áo để đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện. Thủ tướng cũng mong rằng các y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện không ngừng rèn luyện y đức, nâng cao tinh thần phục vụ bệnh nhân tốt hơn. BVĐK tỉnh Vĩnh Long cần liên kết với các bệnh viện tuyến Trung ương để chuyển giao công nghệ, nhất là các chuyên khoa cần thiết hiện nay. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)
Bệnh nhân vẫn phàn nàn về dịch vụ trong bệnh viện công
Chiều 27.3, tại Hà Nội, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) công bố báo cáo chỉ số hài lòng của người bệnh với bệnh viện công.
Kết quả khảo sát qua điện thoại 3.000 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 29 bệnh viện (BV) tuyến tỉnh và huyện, do Tổ chức Sáng kiến VN thực hiện, cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5 điểm, tương ứng mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng khám, chữa bệnh là 79,6%. Có 5 BV nhận được phản hồi tốt nhất từ người bệnh là BV Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Từ Dũ (TP.HCM), Tai - Mũi - Họng (TP.HCM), Phụ sản (TP.Cần Thơ), Lao và bệnh phổi (tỉnh Thái Bình).
Theo khảo sát này, người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi ít hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ. Trong đó, nhà vệ sinh BV có chỉ số hài lòng thấp nhất (đạt 3,58/5 điểm).
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, điều tra này chưa thực hiện tại tuyến T.Ư và chưa phản ánh toàn diện, BV công vẫn cần phải phấn đấu tốt hơn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết việc đánh giá độc lập chỉ số hài lòng của người bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện tại tuyến tỉnh và T.Ư. (Thanh niên, trang 4)
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 2: “Người bệnh chưa hài lòng điều gì?”
Diễn tập ứng phó y tế trong thảm họa siêu bão
Siêu bão đi vào biển Đông càn quét trực tiếp các tỉnh thuộc Nam Trung bộ gây thiệt hại nặng nề về người và của tại vùng tâm bão đặc biệt hai tỉnh Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đó là tình huống giả định đưa ra tại buổi diễn tập phối hợp ứng phó y tế trong thảm họa các quốc gia ASEAN, với sự hỗ trợ của Nhật Bản diễn ra ngày 27-3 tại Đà Nẵng.
Theo tình huống giả định, Bộ Y tế đánh giá đây là thảm họa cấp 4, đề xuất chính phủ kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Thông qua sự điều phối của trung tâm AHA đã cử chuyên gia hỗ trợ điều hành và các nước ASEAN đã cử các đội I- EMT đến trợ giúp.
Các đội cứu trợ ASEAN và y tế quốc gia (khoảng 200 người) đã thực hành phân loại, cấp cứu, chuyển tuyến tại 12 trạm y tế I- EMT cho 90 nạn nhân.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Lê Tuấn (Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết Bộ Y tế Việt Nam cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm các nội dung trong Tuyên bố của Lãnh đạo ASEAN về quản lý y tế trong thảm họa được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31, tháng 11-2017, tích cực tham gia các sáng kiến của ASEAN huy động các nguồn lực tăng khả năng đối phó hiệu quả của ASEAN khi có thảm họa quy mô lớn xảy ra.
Dự án Tăng cường năng lực các quốc gia ASEAN trong quản lý y học thảm hoạ (ARCH) là dự án hợp tác kỹ thuật giữa Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Chính phủ Thái Lan (NIEM) ra đời trên cơ sở cam kết hợp tác quản lý thảm hoạ trong Tuyên bố chung tại Hội nghị cấp cao Nhật Bản - ASEAN tháng 12/2013, với mục tiêu nâng cao năng lực điều phối, huy động nguồn lực trong khu vực và từng quốc gia ASEAN, đáp ứng nhanh và hiệu quả về y tế khi xảy ra các thảm hoạ tự nhiên. (Tuổi trẻ, trang 3)
Người bệnh ngày càng được hài lòng hơn khi đến bệnh viện
Chiều 27-3, Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với 2 tổ chức độc lập là Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam và Oxfam Việt Nam công bố báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh- dân chấm điểm chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của một số bệnh viện (BV) công.
Theo đó, có 29 BV được khảo sát thì có 5 BV thuộc nhóm xếp hạng Rất Tốt; 16 BV được xếp hạng Tốt; 8 BV thuộc nhóm xếp hạng Khá và 2 BV được xếp hạng Trung Bình. Nhóm BV được xếp hạng cao nhất và thấp nhất theo phản hồi của người bệnh đều là các BV thuộc tuyến tỉnh. Chỉ số hài lòng đạt 79%.
Trước hết phải nói rằng, kết quả này không phải do Bộ Y tế tiến hành, mà là do 2 tổ chức Sáng kiến Việt Nam và Oxfam Việt Nam thực hiện và Bộ Y tế chỉ là đầu mối kết nối.
Với kết quả này, Bộ Y tế đã là một trong những bộ tiên phong xây dựng và thể chế hóa hệ thống đánh giá chất lượng BV nói chung, lắng nghe phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ KCB nói riêng để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế. Chỉ số hài lòng người bệnh Việt Nam (PSI) được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 BV tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia chương trình khảo sát.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết, từ tháng 9-2016 đến tháng 11-2017, Bộ Y tế đã hợp tác với các chuyên gia của Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học Indiana (Hoa Kỳ), xây dựng và khảo sát thí điểm PSI thông qua phỏng vấn người bệnh nội trú đã xuất viện qua điện thoại, nhằm đảm bảo sự khách quan khi quyền lợi của người bệnh không còn phụ thuộc vào BV nữa.
Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, 5 năm trước, quá tải là thách thức lớn của hệ thống KCB, đặc biệt là những chuyên khoa như tim mạch, ung thư, chấn thương. Chất lượng KCB ở một số nơi chưa được bảo đảm. Với hàng loạt giải pháp của ngành y tế, các BV đã và đang nỗ lực cải tiến chất lượng từ nhân lực, chuyên môn đến cơ sở vật chất, phương tiện, tinh thần thái độ phục vụ người bệnh vv…
Hàng loạt BV ký cam kết không để người bệnh nằm ghép trong 24-48 giờ kể từ khi nhập viện, nên tình trạng nằm ghép, quá tải BV đã giảm mạnh. Mạng lưới BV vệ tinh ở tất cả 63 tỉnh/thành phố, tăng nhanh đã giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương, so với năm 2012: chuyên khoa tim mạch, ngoại khoa giảm 98,5%, ung thư giảm 97%, sản khoa giảm 99%, nhi khoa giảm 73%...
Thực tế, người dân đã đánh giá chất lượng KCB có sự cải thiện mạnh mẽ. Theo khảo sát của UNDP thì “người bệnh đã đánh giá khá tích cực về dịch vụ y tế công, đặc biệt trong lĩnh vực KCB”. Tỷ lệ hài lòng người bệnh chung trên toàn quốc khá cao.
Kết quả nhóm tiêu chí đánh giá điều kiện phục vụ người bệnh, từ buồng bệnh, đến giường bệnh và các tiện nghi khác như nước uống, wifi, điều hòa, nước tắm nóng, lạnh… đã có sự cải tiến liên tục của các nhóm BV trung ương (3,42 năm 2015 lên 3,71 năm 2017), tuyến tỉnh (3,08 năm 2015 lên 3,43 năm 2017), tuyến quận/ huyện (2,88 năm 2015 lên 3,27 năm 2017)…
Từ tháng 12-2016 đến nay đã có trên 1 triệu phiếu khảo sát được nhập trên hệ thống. Trên trang web chatluongbenhvien.vn, người bệnh cũng được phản ánh ý kiến khách quan và ngành y tế coi đây là những góp ý đáng ghi nhận để cải tiến chất lượng BV.
Tại hội nghị, đại diện Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan Hương đã công bố kết quả khảo sát thí điểm chỉ số hài lòng người bệnh dựa trên các tiêu chí: Khả năng tiếp cận dịch vụ KCB, minh bạch thông tin về KCB, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh; chi phí KCB và kết quả dịch vụ.
Các đại biểu quốc tế và trong nước ghi nhận sự cải tiến của ngành y tế trong khám chữa bệnh
Theo đó, người bệnh hài lòng nhất với tiêu chí cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc; kém hài lòng nhất là vấn đề vệ sinh BV. Người bệnh có BHYT có mức độ hài lòng cao hơn; người bệnh sống ở nông thôn có mức độ hài lòng cao hơn; bệnh nhân nghèo có mức độ hài lòng cao hơn. Cũng theo bà Hương, người bệnh sử dụng dịch vụ theo yêu cầu có mức độ hài lòng cao hơn. Ở tuyến huyện, người bệnh kém hài lòng nhất về thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế và kết quả điều trị.
Từ kết quả khảo sát này, tổ chức Mạng lưới sáng kiến Việt Nam khuyến nghị Bộ Y tế và Sáng kiến Việt Nam tiếp tục hợp tác mở rộng quy mô và phạm vi khảo sát năm 2018, công bố kết quả Chỉ số hài lòng người bệnh hàng năm.
Các đại biểu cũng cho rằng, khảo sát minh bạch và kết quả này nên cần được sử dụng rộng rãi để các doanh nghiệp có thể ra quyết định đầu tư, các địa phương có thể sử dụng để có những chính sách phù hợp, bệnh nhân có thông tin để quyết định sử dụng dịch vụ ở BV nào. Các BV cũng phải tự điều chỉnh để cải thiện những lĩnh vực chưa tốt, tạo được sự tin cậy của bệnh nhân vv…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, kết quả khảo sát này rất có ý nghĩa, giúp ngành y tế biết người bệnh cần gì để chấn chỉnh, sửa chữa. Từ đó nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Kết quả khảo sát được công bố sẽ tạo động lực cho các BV công quan tâm và có các sáng kiến cải thiện chất lượng dịch vụ KCB, tăng cường trách nhiệm giải trình của các BV công, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế. (Công an Nhân dân, trang 1)