TPHCM kích hoạt nhiều giải pháp chống dịch
Số ca mới mắc COVID-19 đang tăng nhanh trên địa bàn TPHCM, kéo theo nhiều ca bệnh nặng, nguy cơ tử vong. Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch và chủ động phương án xấu nhất có thể xảy ra trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, ngành y tế thành phố đã kích hoạt nhiều phương án chống dịch. Sở Y tế TPHCM cho biết, trong tháng 3/2023, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TPHCM mỗi ngày chỉ ghi nhận vài trường hợp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4 đến nay, số ca bệnh tăng rất nhanh theo chiều thẳng đứng. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), tính từ 16 giờ ngày 25/4 đến 16 giờ ngày 26/4/2023, toàn thành phố ghi nhận 301 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 94 ca nhập viện. Các bệnh viện đang điều trị cho 311 trường hợp mắc COVID-19, số bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp là 102 trường hợp, khoảng 10% trong số đó phải thở máy xâm lấn.
Sẵn sàng ứng phó khi bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, chiều 27/4 Sở Y tế TPHCM chỉ đạo các bệnh viện sẵn sàng ứng phó trong các tình huống bệnh nhân mắc COVID-19 nhập viện gia tăng. Trong buổi tập huấn hướng dẫn công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế nhân định, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp với sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron như XBB.1.5, XBB.1.9.1, XBB.1.16 và XBB.1.16.1. Số ca bệnh nhập viện điều trị bắt đầu tăng trở lại.
Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng để công tác thu dung, chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 được diễn ra nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm nguy cơ diễn tiến nặng. Sở Y tế đã kích hoạt hệ thống cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn theo mô hình “tháp 3 tầng” gồm tầng 1 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không triệu chứng và nhẹ; tầng 2 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ vừa và nặng; tầng 3 là cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch.
Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cộng đồng. Nhằm đảm bảo liên tục công tác tiêm chủng và giúp người dân có những ngày nghỉ lễ an toàn, ngành y tế thành phố triển khai 61 điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 hoạt động xuyên suốt trong những ngày nghỉ lễ tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cho người từ 18 tuổi trở lên.
Đặc biệt, Sở Y tế đã kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ của dịch COVID-19 gồm người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai.
Trao đổi với phóng viên, BS Lê Hồng Nga, Phó giám đốc HCDC cho biết, với chiến dịch này, các địa phương sẽ phải lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, rà soát lịch sử tiêm vắc xin phòng COVID-19. Những trường hợp chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ số mũi cần thiết sẽ được vận động tiêm và tiêm đủ 4 mũi đối với những người thuộc nhóm nguy cơ. Ngoài các điểm tiêm cố định, ngành y tế sẽ triển khai phương án tiêm lưu động, tiêm tại nhà cho những người không thể di chuyển đến các điểm tiêm.
Ngăn chặn dịch lây lan, mất kiểm soát
Ngành y tế kêu gọi cộng đồng tăng cường các phương án phòng bệnh không dùng thuốc như mang khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay, vệ sinh cơ thể. Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ cho mọi thành viên trong gia đình là giải pháp hiệu quả để bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra trong các cơ sở giáo dục, cơ sở bảo trợ xã hội, Sở Y tế đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM triển khai kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Theo đó, các trường học sẽ tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo ca nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm; tuyên truyền phòng bệnh trong trường học; đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; tăng cường tự kiểm tra, giám sát việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, Sở Y tế thành phố đã chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị, hóa chất và sẵn sàng kích hoạt trở lại Bệnh viện Dã chiến số 13 với quy mô 1.800 giường trong trường hợp số ca bệnh tăng cao gây áp lực quá tải cho các bệnh viện trên địa bàn. Đây là phương án chủ động ứng phó trong trường hợp dịch bệnh gia tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để ngăn chặn tình huống dịch bệnh lây lan nhanh, mất kiểm soát đã từng xảy ra sau kỳ nghỉ lễ của 2 năm trước (Tiền phong, trang 4).
Hơn 16.300 em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ nhờ thụ tinh ống nghiệm
Ngày 27-4, Bệnh viện Từ Dũ (thành phố Hồ Chí Minh) kỷ niệm 25 năm ngày em bé đầu tiên ra đời qua thụ tinh trong ống nghiệm tại Khoa Hiếm muộn. Qua ¼ thế kỷ, bệnh viện này đã giúp hàng chục nghìn phụ nữ được hưởng hạnh phúc làm mẹ.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Từ Dũ, kể từ ngày 30-4-1998, khi 3 em bé “ống nghiệm” đầu tiên của Việt Nam ra đời, đến nay, bệnh viện đã chào đón hơn 16.300 em bé chào đời qua thụ tinh trong ống nghiệm.
Chị Lưu Tuyết Trân, ngụ tại Tiền Giang là 1 trong 3 em bé chào đời vào thời khắc lịch sử đó. Chia sẻ trong buổi gặp gỡ đầy xúc động hôm nay, chị Trân nói: “Tôi thấy thật hạnh phúc khi có mặt trên cõi đời này bằng cách rất đặc biệt. Xin cảm ơn cha mẹ, cảm ơn các bác sĩ rất nhiều. Tôi luôn tự hứa phải sống tốt để xứng đáng với công ơn của các bậc sinh thành và sự hiện diện của mình trong cuộc đời một con người”.
Theo Ban Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, hiện số lượt khám hiếm muộn mỗi năm tại bệnh viện là 55.000-60.000 lượt. Trong 10 năm gần đây, có hơn 22.000 ca bơm tinh trùng vào buồng tử cung IUI. Cũng trong 10 năm gần đây, số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm là hơn 23.000 chu kỳ. Tỷ lệ thai lâm sàng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến hơn 45%.
Bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định, trải qua 25 năm học hỏi và phát triển, Khoa Hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển lớn mạnh với những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tối ưu và hiện đại nhất, đã theo kịp nền y học thế giới. Tỷ lệ điều trị thành công cao tương đương với các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới, nhờ áp dụng những kỹ thuật mới trong chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hiếm muộn.
"Chúng tôi rất hạnh phúc và tự hào là một trong những cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam trợ giúp những người phụ nữ hiếm muộn có cơ hội được làm mẹ”, bác sĩ Trần Ngọc Hải nói (Hà Nội mới, trang 5).
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại: Băn khoăn về mũi tiêm vaccine tăng cường
Những ngày qua, thông tin dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng trở lại trên cả nước, đặc biệt đã có 2 trường hợp tử vong, khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Trong bối cảnh miễn dịch cộng đồng đang có xu hướng giảm như hiện nay thì vấn đề có nên tiêm các mũi vaccine tăng cường hay không đang được đặt ra.
Gia tăng ca nhập viện
Những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM có dấu hiệu tăng cao. Theo số liệu từ Sở Y tế TPHCM, tính từ 15 giờ ngày 25-4 đến 16 giờ ngày 26-4, trên địa bàn ghi nhận 301 ca mắc mới Covid-19, trong đó 94 ca nhập viện. Hiện các bệnh viện (BV) đang điều trị cho 311 bệnh nhân, với 102 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp. Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các BV trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng, lên phương án thu dung, tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19.
BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) từ hai tuần nay liên tục tiếp nhận bệnh nhân Covid-19. Bác sĩ Trần Văn Quang, Phó Trưởng Khoa Nhiễm, cho biết, những ngày gần đây, số ca mới nhập viện liên tục tăng cao, có khi lên đến 15-18 ca/ngày. “Đây chỉ là các ca có triệu chứng, có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai, còn các ca dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng và đã được tiêm chủng đầy đủ thì cho cách ly tại nhà”, bác sĩ Trần Văn Quang thông tin; đồng thời cho biết, hiện đơn vị đang điều trị cho 8 ca bệnh, trong đó có 1 trường hợp viêm phổi, suy hô hấp, phải thở qua canulla, bệnh nhân là người cao tuổi, có bệnh nền tiểu đường và tăng huyết áp.
Tại BV Thống Nhất, theo bác sĩ Nguyễn Duy Cường, Phó Trưởng Khoa Hô hấp, khoảng từ 2 tuần nay, đơn vị bắt đầu tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19. Hiện BV đang điều trị cho 20 bệnh nhân, chủ yếu là người trên 65 tuổi và tất cả đều có bệnh lý nền. Đặc biệt, người trên 80 tuổi chiếm tỷ lệ 30%; và 100% bệnh nhân Covid-19 nhập viện mắc bệnh nền về tim mạch hoặc hô hấp. Còn tại BV Chợ Rẫy, theo TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, dù số ca mắc Covid-19 tăng trong những ngày gần đây nhưng đa số nhẹ và trung bình, không nhiều ca bệnh nặng. Một vài bệnh nhân nặng hơn là do các yếu tố bệnh nền. Từ giữa tháng 4-2023, các ca bệnh Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại BV Chợ Rẫy. Các ca bệnh đa số có bệnh lý nền như: tiểu đường, suy tim, van tim, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… Đây là những yếu tố nguy cơ khiến những bệnh nhân này khi chuyển viện đa số phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu.
Có nên tiêm mũi vaccine tăng cường?
Thời gian qua, chuyên mục Alo bác sĩ của Báo SGGP tiếp nhận nhiều băn khoăn, thắc mắc của bạn đọc về việc có nên tiêm vaccine mũi 3, 4 (mũi tăng cường) khi số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng nhanh, đã có ca tử vong; miễn dịch cộng đồng tại TPHCM đã bắt đầu giảm. Điển hình trường hợp anh T.T.A. (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) bày tỏ lo lắng khi nghe tin dịch Covid-19 quay trở lại, bản thân đang suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV. Anh A. cho biết, cán bộ y tế khuyên anh nên tiêm thêm 1-2 mũi vaccine để có kháng thể bảo vệ cơ thể khi dịch Covid-19 quay trở lại. Tuy nhiên, nghe nhiều người nói tiêm vaccine Covid-19 có thể bị giảm trí nhớ và có nhiều tác dụng phụ nên anh băn khoăn, chưa quyết định. Còn bà Nguyễn Thị Mai (70 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) dù đã tiêm 4 mũi vaccine Covid-19 từ năm ngoái nhưng do mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp nên bà đang phân vân về việc có nên tiêm thêm mũi tăng cường để bảo vệ bản thân khi dịch bệnh quay lại hay không.
Tại TPHCM, theo phân tích của Sở Y tế, 86% bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở BV đều có bệnh nền, và có khoảng 30% bệnh nhân chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. “Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại do miễn dịch cộng đồng ở TPHCM bắt đầu có xu hướng giảm dần (từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 94,17%), cùng với sự xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5 của Omicron. Do đó, Sở Y tế đã phát động chiến dịch bảo vệ người nguy cơ tại tất cả các quận, huyện, TP Thủ Đức và tổ chức tiêm chủng xuyên lễ cho người dân”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM, thông tin.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân thành phố được thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Mũi 4 chủ yếu tập trung cho một số nhóm người nguy cơ như: người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai...; còn những người bình thường được khuyến cáo nên tiêm đủ 3 mũi. Bên cạnh tiêm vaccine để duy trì miễn dịch, người dân cần tuân thủ nguyên tắc đeo khẩu trang, khử khuẩn tay thường xuyên và hạn chế đến những nơi tập trung đông người (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch Covid- 19
Chiều 27-4, theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2.958 ca mắc Covid-19 (tăng hơn 200 ca so với ngày trước đó). Đây cũng là ngày có số mắc cao nhất trong hơn 6 tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.554.875 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người, có 116.771 ca nhiễm).
Về tình hình điều trị Covid-19, có thêm 1.062 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 10.619.813 ca. Ngoài ra, hiện có 85 bệnh nhân đang thở ô xy, trong đó có 75 ca thở ô xy qua mặt nạ, 3 ca thở ô xy dòng cao HFNC, 1 ca thở máy không xâm lấn và 6 ca thở máy xâm lấn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 26-4 có 20.480 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm đến nay là 266.194.772 liều, trong đó tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.570.991 liều; tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là 23.965.433 liều và tiêm cho trẻ 5-11 tuổi là 18.658.348 liều.
Trong bối cảnh số mắc Covid-19 đang tiếp tục gia tăng, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có khuyến cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5.
GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị, các địa phương tăng cường giám sát khi kỳ nghỉ lễ kéo dài. Đặc biệt, sau hơn 3 năm diễn ra dịch Covid-19, dự báo, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài trong dịp nghỉ lễ sắp tới sẽ gia tăng, kéo theo nguy cơ gia tăng dịch bệnh.
Thêm vào đó, sau kỳ nghỉ lễ, các trường học bắt đầu bước vào các kỳ thi, vì vậy, GS.TS Phan Trọng Lân yêu cầu, ngành Y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục và đào tạo để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường.
GS.TS Phan Trọng Lân cũng đề nghị các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố đã được phân công, tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó, có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng, chống dịch và tiêm vắc xin Covid-19. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm, giải trình tự gen để kịp thời có các thông tin về biến thể (Hà Nội mới, trang 7).
TPHCM yêu cầu người dân, du khách chấp hành các quy định về phòng chống dịch Covid-19
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản khẩn gửi các sở-ban-ngành thành phố, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức về việc tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 trong dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh trên cả nước có thể bùng phát trở lại, nhằm chủ động công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, duy trì vững chắc thành quả đã đạt được, bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp đến, UBND TPHCM yêu cầu thủ trưởng các sở-ban-ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện, TP Thủ Đức khẩn trương thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 1498/UBND-VX ngày 14-4-2023 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Công văn số 1547/UBND-VX ngày 19-4-2023 về việc kích hoạt trở lại Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong hoạt động phòng chống dịch Covid-19; thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17-3-2022 của Chính phủ và Kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023 tại Quyết định số 1331/QĐ-BYT ngày 10-3-2023 của Bộ Y tế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Tuyên truyền, vận động người dân, du khách chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 281/CĐ-TTg ngày 20-4-2023 về việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30-4, 1-5 và cao điểm du lịch hè 2023.
UBND TPHCM yêu cầu Sở Y tế TPHCM tổ chức các điểm tiêm vaccine Covid-19 hoạt động xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, lễ 30-4, 1-5 năm 2023, trong đó đảm bảo mỗi quận huyện, TP Thủ Đức duy trì ít nhất 2 điểm tiêm phục vụ nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 của người dân, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đối với những người thuộc nhóm nguy cơ hoặc người chưa tiêm đủ liều khi đến khám chữa bệnh tại các đơn vị.
Bên cạnh đó, phối hợp Sở TT-TT đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng của tiêm vaccine Covid-19, thông điệp 2K (khẩu trang - khử khuẩn) của Bộ Y tế và các biện pháp phòng chống dịch hiện hành. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh thông điệp tăng cường đeo khẩu trang tại những nơi tập trung đông người, khi tiếp xúc với người có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19 và những nơi bắt buộc đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các bệnh viện chủ động rà soát các nguồn lực, khôi phục hoạt động của đơn vị/khoa điều trị Covid-19 theo nguyên tắc 4 tại chỗ; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 khi dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp (Sài Gòn giải phóng, trang 3).
Báo động nhiều người trẻ nguy kịch vì thuốc lá điện tử
Thời gian qua Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử. Thống kê của ngành Y tế cho thấy trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh. Thông tin trên được các chuyên gia, bác sĩ đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 27/4.
Nhiều hệ lụy về sức khỏe sinh sản
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, Trung tâm từng điều trị cho nhiều trường hợp bị đột quỵ não, tổn thương phổi, mất ngủ, nôn nhiều... do ngộ độc thuốc lá điện tử. Mới đây nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, suy tim, suy thận… do hút thuốc lá điện tử. Trước đó bệnh nhân đi chơi với bạn và lần đầu hút thuốc lá điện tử. Tại đây đang điều trị cho nam bệnh nhân 22 tuổi, bị suy tim, hôn mê sâu... có nguy cơ phải can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo) vì thuốc lá mới.
Theo bác sĩ Nguyên, từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc có mang đến Trung tâm Chống độc trong quá trình cấp cứu, đã phát hiện 13 mẫu có thành phần ma tuý, chất cần sa tổng hợp. Trong đó có những loại ma tuý thế hệ mới, là chất độc.
Kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỉ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8 - 12 là 8,35%; học sinh lớp 10 - 12 là 12,6%. Có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử trong khi tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%. “Hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi”, GS.TS Trần văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo.
Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Trên thực tế, một số trường hợp nhập viện cấp cứu do sử dụng thuốc lá điện tử có pha trộn ma túy đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc trong thời gian gần đây.
Cần thiết cấm thuốc lá điện tử
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khoẻ và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khoẻ cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Nhưng do đặc tính của sản phẩm thuốc lá mới này khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này.
Bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Quốc gia Tổ chức nhịp cầu sức khoẻ Canada tại Việt Nam, cho biết mẫu mã sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thay đổi liên tục với kiểu dáng nhỏ gọn giống như cái bút, usb, thỏi son môi với thiết kế ấn tượng (kèm theo đèn phát sáng, hình ảnh bắt mắt) để hút giới trẻ. Sản phẩm có giá cả đa dạng, từ vài chục, vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, nếu cho phép các loại thuốc lá mới lưu hành chính thống sẽ làm tăng nhanh tỉ lệ sử dụng, dẫn tới nghiện nicotin và sử dụng thuốc lá thông thường ở giới trẻ. Ngoài ra tăng nguy cơ lạm dụng ma túy với thuốc lá điện tử; biến tướng quảng cáo, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; quá tải, quá khả năng về năng lực quản lí...
“Hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. WHO khuyến cáo tăng cường các quy định luật pháp hiện tại về cấm nhập khẩu và buôn bán để ngăn chặn, hạn chế tiếp cận nhằm ngăn ngừa sự gia tăng tỉ lệ sử dụng trong giới trẻ”, bác sĩ Lâm cho biết thêm (Tiền phong, trang 15).
Trầm cảm: khi tảng băng ngày càng khổng lồ
Đập vào mắt chúng tôi khi thăm Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trưa một ngày tháng 4 là quá đông bệnh nhân.
Các phòng bệnh ở dãy phòng M3 kín người, nhiều người bệnh phải nằm trên giường xếp, điều chúng tôi không hề thấy và cũng khó tưởng tượng trước đây.
TS Dương Minh Tâm, trưởng phòng M3, Viện Sức khỏe tâm thần, chia sẻ khi anh mới vào nghề (hơn 20 năm trước), mỗi ngày các anh chỉ khám vài ca bệnh, còn hiện mỗi ngày viện khám 400-500 bệnh nhân, chủ yếu là bệnh nhân trầm cảm, lo âu, nhiều stress.
Những người đang nằm viện đều là trường hợp nặng, nhiều người từng toan tự tử...
Ai cũng có nguy cơ
Chị T.H.H. 46 tuổi, đang làm việc ở một cơ quan trong nội thành, ăn mặc đẹp, nhiều túi hiệu, hằng ngày lái ô tô đi làm. Chị vốn là con nhà khá giả, khi lấy chồng thì chồng cũng khá giả. Điều nhiều phụ nữ có thể "hơi lo" là con cái thì chị có con trai đã lớn và đã học xong đại học. Nếu nói về những yếu tố nguy cơ gây buồn chán thì chị thuộc nhóm ít nguy cơ.
Thế nhưng gần đây chị lại có những biểu hiện của chứng trầm cảm: mất ngủ kéo dài, hay mệt mỏi, mất hứng thú với mọi việc kể cả việc bình thường chị rất thích là mua sắm. Về tính cách, chị bắt đầu nói chuyện một mình, hay khóc một mình không có lý do.
Chị H. rất lo lắng về tình trạng của mình, sau khi đọc rất nhiều sách liên quan, chị tự đánh giá mình có những biểu hiện trầm cảm và đã đến khám tại phòng khám chuyên khoa, được chỉ định điều trị. Sau hai tháng dùng thuốc, chị kể đã bắt đầu ngủ được, tinh thần phấn chấn hơn, bác sĩ cũng đánh giá chị có tiến triển.
Nhưng những người hiểu tình trạng của mình, có người lắng nghe và sẵn sàng hợp tác với bác sĩ như chị H. thực tế lại không nhiều. TS Tâm cho biết mới tuần trước anh tiếp nhận một học sinh lớp 12, khi khảo sát theo bảng hỏi và các biểu hiện, cháu có đầy đủ yếu tố đánh giá là đang trầm cảm, nhưng mẹ cháu lại không chấp nhận chuyện đó, nói "cháu rất khôn, trầm cảm ở đâu ra, về đi ôn thi đi".
"Kết quả là gia đình không hợp tác, chúng tôi cũng chỉ khuyên chứ không thể ép. Hai năm trước cũng có một trường hợp tương tự, mẹ cháu cũng nói cháu "khôn, đếm tiền không sai", nhưng hai tuần sau mẹ cháu đến khóc nói chuyện đau lòng là cháu đã tự tử. Quan trọng với căn bệnh này là phải có người hiểu và lắng nghe" - bác sĩ Tâm nói.
Theo bác sĩ Tâm, dấu hiệu của trầm cảm như tảng băng trôi, phần nổi (bản thân người bệnh và người ngoài nhận thấy) rất ít, các biểu hiện dễ nhầm với một số tình trạng ngày thường có thể gặp, do đó chính bản thân người bệnh và người xung quanh cũng nghĩ đó chỉ là do yếu, mệt, buồn chán bình thường... Từ đó cơ hội được thăm khám, chữa trị đã giảm đi và nhiều trường hợp đã xảy ra hậu quả xấu.
Cần người lắng nghe và đồng hành
Theo bác sĩ Tâm, 10 biểu hiện của trầm cảm bao gồm:
* Khí - sắc giảm, cụ thể là giảm sự hăng hái, ý chí, sắc thái không được tươi nhuận. Đây cũng là yếu tố dễ gây nhầm lẫn bởi có người chỉ nghĩ đó là do buồn.
* Giảm ham muốn và các sở thích so với trước đây, ví dụ như trước đây thích shopping, cà phê với bạn nhưng nay cũng chán nản, không thích.
* Mệt mỏi, như người mất năng lượng, nghĩ đã thấy mệt.
Và các yếu tố khác là hậu quả của ba biểu hiện kể trên, như giảm tập trung, giảm trí nhớ, giảm tự trọng tự tin, khó ra quyết định, bi quan chán nản, nhìn tương lai ảm đạm, ý tưởng tiêu cực, chán sống, đau cơ bắp, căng thẳng, hiệu quả công việc giảm sút, mâu thuẫn với đồng nghiệp, giảm nhu cầu ăn uống, tình dục...
Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, bác sĩ Tâm cho biết có 5 nguyên nhân quan trọng:
* Trầm cảm nội sinh liên quan đến gene và có yếu tố gia đình, dạng này không nhiều.
* Trầm cảm liên quan đến thai sản, sinh đẻ, dạng này gia tăng nhanh và hiện rất nhiều nhưng may mắn là chữa trị dễ dàng, vì thế gia đình cần đồng hành với các thai phụ, sản phụ, phát hiện yếu tố nguy cơ.
* Trầm cảm liên quan đến rượu bia và chất kích thích, dạng này hiện cũng gia tăng.
* Trầm cảm liên quan đến bệnh mạn tính, ung thư, tiểu đường... đây là nhóm càng ngày càng nhiều.
* Trầm cảm lứa tuổi thanh thiếu niên, thường được gọi là rối loạn cảm xúc hành vi, thường xảy ra nhiều hơn ở nhóm thanh thiếu niên ngoan, học giỏi so với nhóm trẻ khác (Tuổi trẻ, trang 14).