Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Bắt bác sĩ vụ tai biến chạy thận: Hội hồi sức cấp cứu gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công an; Hà Nội: Xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành, 1 tuần ghi nhận gần 600 ca mắc; Đề xuất xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam thế kỷ XXI; Vụ tai biến y khoa ở Hòa Bình làm tử vong 8 bệnh nhân: Đề nghị xem xét việc khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương; ...

 

Bắt bác sĩ vụ tai biến chạy thận: Hội hồi sức cấp cứu gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công an

Trước quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương vì đã “thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám chữa bệnh" trong vụ tai biến chạy thận nhân tạo khiến 8 bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, ngày 26/6 GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức – Cấp cứu và Chống độc VN đã ký đơn kiến nghị gửi lên Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an. Bác sĩ Lương bị bắt tạm giam với lý do "dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản, nhưng bác sĩ Lương vẫn tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân”. GS.TS Nguyễn Gia Bình là người trực tiếp lên Hòa Bình tham gia khắc phục sự cố y khoa tại bệnh viện tỉnh Hoà Bình. Thông tin này khiến GS. Bình cùng các đồng nghiệp đều hết sức bất ngờ, lo lắng, hoang mang.

Chính vì thế, GS. Bình cùng các đồng nghiệp đã đưa ra 5 kiến nghị:

1. Việc cung cấp nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn để lọc máu (các quá trình lọc và khử khuẩn… xét nghiệm, kiểm định sau khi xử lý ...) là trách nhiệm của bệnh viện, chúng tôi không có chuyên môn kỹ thuật và cũng không được phân công làm công việc này.

2. Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) chỉ là người sử dụng nguồn nước sau khi được bàn giao và thực hiện các quy trình kỹ thuật lọc máu đã được Bộ Y tế ban hành. Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình kỹ thuật này đã được thực hiện 10 năm nay,  đã góp phần duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của hàng trăm người bệnh bị suy thận mãn tính tại địa phương mà không phải chuyển về Hà Nội.

3. Tại đơn vị thận nhân tạo bệnh viện tỉnh Hòa Bình cũng như các đơn vị Thận nhân tạo khác trong cả nước:

+ Hiện nay do số lượng bệnh nhân quá đông, máy phải hoạt động liên tục phục vụ cho nhiều bệnh nhân mỗi ngày, các đơn vị phải lập kế hoạch làm việc chính xác đến từng phút.

+ Mặt khác khi đến thời điểm cần lọc máu, người bệnh phải được phục vụ kịp thời nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

4. Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về: số lượng, chủng loại thiết bị …

Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng.

Vì vậy cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa bình đưa ra kết luận là: Bác sĩ Lương không biết chất lượng có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục. Bác sĩ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư  của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản  thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy.

Vì vậy theo chúng tôi: Khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi.

5. Khi sự cố xảy ra, với lượng nhân viên ít ỏi, bác sĩ Lương và các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân trong khi chờ đợi các đồng nghiệp đến trợ giúp, vì vậy đã giảm thiểu số bệnh nhân tử vong, nếu không số bệnh nhân tử vong còn có thể nhiều hơn nữa. Chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần trách nhiệm, cũng như chuyên môn trong tình huống này. Đây là trường hợp chưa từng có trên thế giới.

Như vậy, lẽ ra Bác sĩ Lương và những cán bộ y tế tham gia cấp cứu phải được động viên khen thưởng thì này lại được coi là tội phạm thì không thỏa đáng và gây hoang mang cực độ cho nhân viên y tế chúng tôi.

Vì vậy chúng tôi Kính đề nghị Thượng tướng -  Bộ trưởng, quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai, để cho những nhân viên y tế chúng tôi yên tâm phục vụ người bệnh (Tiền phong, trang 6; Tuổi trẻ, trang 4; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội: Xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết ở nội thành, 1 tuần ghi nhận gần 600 ca mắc

Sáng 27-5, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo nhanh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tuần từ ngày 19 đến 25-6. Theo đó, chỉ tính riêng trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận mới 574 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó có nhiều ổ dịch từ 2-3 người mắc trở lên. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua, dịch SXH trên địa bàn Hà Nội tiếp tục diễn biến phức tạp,  số mắc gia tăng nhanh với tổng cộng 574 trường hợp mắc mới được ghi nhận. Các đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai (129 ca), Đống Đa (127 ca), Hai Bà Trưng (46 ca), Hà Đông (35 ca), Thanh Trì (32 ca), Nam Từ Liêm (32 ca), Thanh Xuân (30 ca). Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 2.576 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Đống Đa vào tháng 5. Hiện tại, gần 90% số bệnh nhân đã khỏi, chỉ còn 270 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua trên địa bàn thành phố không ghi nhận trường hợp nào mắc viêm não Nhật Bản. Lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay thành phố mới ghi nhận 4 trường hợp mắc, không có trường hợp tử vong.

Tuy nhiên tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2017 đến nay đã tiếp nhận 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản, trong đó riêng từ đầu tháng 6 đến nay đã có tới 21 trẻ nhập viện vì căn bệnh này. Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, hiện tại khoa còn 2 trường hợp viêm não Nhật Bản rất nặng đang được điều trị, số mắc đang gia tăng nhanh nhưng phần lớn là bệnh nhân từ các tỉnh thành lân cận về Hà Nội điều trị (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Đề xuất xây dựng Chương trình sức khỏe Việt Nam thế kỷ XXI

Ngày 27-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp đề xuất Chương trình sức khỏe Việt Nam thế kỷ XXI. Nội dung chương trình tập trung vào thúc đẩy thay đổi hành vi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ phổ biến liên quan đến việc sử dụng thuốc lá, rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, sử dụng thực phẩm mất an toàn… để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư... Mục tiêu của chương trình giai đoạn từ nay đến năm 2030 nhằm nâng cao nhận thức, thực hành của mỗi người dân để thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, tự chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cá nhân, gia đình và cộng đồng. Bộ Y tế sẽ tiếp tục lấy ý kiến và hoàn thiện chương trình để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Hà Nội mới, trang 1). 

 

Vụ tai biến y khoa ở Hòa Bình làm tử vong 8 bệnh nhân: Đề nghị xem xét việc khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương

Bác sĩ Hoàng Công Lương đã bị khởi tố và bắt giam vì hành vi “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.

Ngày 27-6, liên quan tới việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố và bắt giam 3 bị can liên quan tới vụ tai biến chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 người tử vong, GS-TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc Việt Nam, đã ký đơn kiến nghị của hội gửi lên Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đề nghị xem xét lại việc khởi tố và bắt giam bác sĩ Hoàng Công Lương (31 tuổi, khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).

Trước đó, bác sĩ Lương đã bị khởi tố và bắt giam vì hành vi “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”. Kiến nghị của Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc Việt Nam nêu rõ: Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa bình đưa ra kết luận là bác sĩ Lương không biết chất lượng nước chạy thận có đảm bảo hay không mà vẫn đưa vào sử dụng gây tử vong cho bệnh nhân là không thuyết phục. Bác sĩ Lương cho chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của bệnh viện) là hợp lý, nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. 

Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy. Vì vậy khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính. Kiến nghị cũng đề cập tới việc khi sự cố xảy ra, với lượng nhân viên ít ỏi, bác sĩ Lương và các đồng nghiệp đã làm việc hết mình, xử trí nhanh và chính xác, cấp cứu kịp thời 18 bệnh nhân trong khi chờ đợi các đồng nghiệp đến trợ giúp, vì vậy đã giảm thiểu sổ bệnh nhân tử vong, nếu không số bệnh nhân tử vong còn có thể nhiều hơn nữa. Thay mặt Hội Hồi sức - cấp cứu và chống độc Việt Nam, GS-TS Nguyễn Gia Bình đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận một cách khách quan để tránh oan sai, để cho những nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Quy định nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Theo quy định, Bộ Y tế là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y, dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược, mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.

Về y tế dự phòng, Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các lĩnh vực: Giám sát, phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; tiêm chủng; an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm y tế; kiểm dịch y tế biên giới; vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh lao động, vệ sinh sức khỏe trường học; vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; dinh dưỡng cộng đồng; thuốc lá; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Tổ chức thực hiện việc giám sát đối với bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh không rõ nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các vấn đề y tế công cộng khác; phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm gây dịch và tổ chức thực hiện công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan cung cấp chính xác và kịp thời thông tin về bệnh truyền nhiễm...

Về khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, Bộ Y tế có nhiệm vụ xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế-kỹ thuật về lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh, an toàn truyền máu, điều dưỡng, phục hồi chức năng, dinh dưỡng lâm sàng, phẫu thuật thẩm mỹ, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật; quản lý thống nhất việc cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh...

Ngoài ra, Bộ Y tế còn có nhiệm vụ quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm; quyết định việc đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc, nguyên liệu làm thuốc và mỹ phẩm theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan có liên quan phòng, chống các hành vi sản xuất, lưu thông thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm giả, kém chất lượng và phòng, chống nhập lậu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm; quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh...

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Y tế có 23 đơn vị gồm: Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng; Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em; Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế; Vụ Bảo hiểm y tế; Vụ Kế hoạch-Tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Pháp chế; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Y tế dự phòng; Cục Phòng, chống HIV/AIDS; Cục An toàn thực phẩm; Cục Quản lý Môi trường y tế; Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền; Cục Quản lý Dược; Cục Công nghệ thông tin; Tổng cục Dân số; Viện Chiến lược và Chính sách y tế; Báo Sức khỏe&Đời sống; Tạp chí Y Dược học (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Ðầu tư cho y tế tuyến xã

Bài 2: Tạo nền tảng bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật thay đổi với bệnh không lây nhiễm, tai nạn, thương tích ngày càng tăng; các dịch bệnh mới nổi diễn biến phức tạp; tình trạng già hóa dân số… là những thách thức đối với ngành y tế trong thời gian tới. Ðiều này đòi hỏi cần có sự cam kết chính trị mạnh mẽ và phối hợp liên ngành trong ưu tiên đầu tư cho y tế cơ sở, nhất là y tế tuyến xã. Có vậy mới tạo được một nền tảng vững chắc để bảo đảm công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ba khâu đột phá

Với sự có mặt của bác sĩ tại hơn 78,5% số xã trong toàn quốc, y tế là ngành đầu tiên đã đưa cán bộ có trình độ đại học về nông thôn, tạo sự chuyển biến mới về y tế cơ sở (YTCS). Nhờ đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Tuy nhiên, để phát huy những thành tựu đạt được cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, Nhà nước và ngành y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho y tế tuyến xã cả về nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính... Việc đầu tư cho y tế cơ sở không chỉ là giải pháp hữu hiệu nhất, tiết kiệm nhất mà là việc làm nhân văn trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các chuyên gia chỉ rõ, vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã cần được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, xác định vị trí của bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, hộ sinh tuyến cơ sở rất quan trọng, cần được chuẩn hóa và đánh giá công khai, đi liền với đó cần có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho đội ngũ này. Nếu các đơn vị YTCS phát triển và cung cấp được các dịch vụ có chất lượng sẽ giúp tiết kiệm rất lớn cho người dân trong chăm sóc sức khỏe. Việc đổi mới, tăng cường YTCS cần tập trung vào vùng sâu, vùng xa để bảo đảm không có người dân nào bị bỏ sót về chăm sóc y tế. Ngoài ra, đổi mới YTCS cần lưu ý đến y tế dự phòng, theo hướng thay đổi việc cung cấp dịch vụ y tế tại các trạm y tế dựa trên nhu cầu của người dân thay vì cung cấp quá nhiều dịch vụ.

Giáo sư Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế cho rằng, ngành y tế cần làm tốt việc quản lý toàn diện người bệnh để người dân được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết. Chính vì vậy, nhiệm vụ của trạm y tế không phải chỉ tập trung và ưu tiên cho việc khám và điều trị các ca bệnh riêng lẻ hoặc chỉ giải quyết các ổ dịch khi có dịch xảy ra như trước đây. Nhiệm vụ y tế xã là triển khai các nhiệm vụ phòng bệnh ngay từ cấp độ "0", nghĩa là dự phòng các yếu tố nguy cơ. Trong thời điểm hiện nay cũng như giai đoạn tới, ngoài việc tập trung giải quyết các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm, các bệnh mãn tính, các bệnh liên quan đến lối sống, các hoạt động nâng cao sức khỏe là hết sức cần thiết và y tế tuyến xã đóng vai trò rất quan trọng. Quan điểm mới hiện nay là không tách rời các nhiệm vụ điều trị và dự phòng tại tuyến xã mà chung "khái niệm" chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ði liền với đó là việc thống nhất trong thực hiện tổ chức, quản lý y tế tuyến xã theo tinh thần Nghị định 117/2014/NÐ-CP của Chính phủ về y tế xã, phường, thị trấn theo hướng trạm y tế trực thuộc trung tâm y tế huyện và cán bộ làm việc tại trạm là viên chức; chú trọng việc luân chuyển, điều phối cán bộ giữa các tuyến làm việc tại trạm y tế xã để người dân được tiếp cận với cán bộ y tế có năng lực mà không nhất thiết 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Ðồng thời cần đổi mới toàn diện cơ chế đầu tư tài chính cho trạm y tế xã. Xem xét việc quy định bổ sung danh mục bảo hiểm y tế được thanh toán, về lâu dài bảo hiểm y tế cần thanh toán cho cả các hoạt động phòng bệnh; xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản ở tuyến xã để triển khai các hoạt động. Ðáng chú ý, hiện nay y tế tuyến xã đang áp dụng phần mềm về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, báo cáo bệnh truyền nhiễm, hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia và đang xây dựng hệ thống thông tin quản lý sức khỏe toàn dân; trong tương lai các hệ thống thông tin này cần liên kết với nhau.

Hiện thực hóa những mục tiêu cụ thể

YTCS được xem như là nền tảng xương sống của ngành y tế. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển YTCS là chiến lược gắn liền với chăm sóc sức khỏe người nghèo và công cuộc xóa đói giảm nghèo. Một nền y tế không nghèo hóa người dân là khi họ được tiếp cận với các dịch vụ y tế ở tuyến YTCS có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Vì vậy, quan tâm đầu tư cho YTCS không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà còn của các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể và chính quyền các địa phương cũng như chính mỗi người dân. Chăm sóc y tế hiệu quả nhất, nhân bản nhất là ngay từ cơ sở.

Với đặc thù tỉnh vùng cao, bác sĩ Nguyễn Văn Lê, Phó Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho rằng, cần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, nâng cao trình độ và chất lượng chuyên môn theo nhiều hình thức: đào tạo liên tục, đào tạo dài hạn tại các trường đại học, đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc"; đào tạo và triển khai thực hiện mô hình bác sĩ gia đình, mô hình quản lý các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường... Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế xã về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, thuốc thiết yếu để trạm y tế xã thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QÐ-TTg phê duyệt đề án phát triển YTCS trong tình hình mới với các mục tiêu cụ thể: Ðổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 70% số xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ðến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được ít nhất 90% số danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nêu rõ, ngành y tế cùng với các bộ, ngành và chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động, tập trung thực hiện đổi mới về tổ chức, xây dựng các quy định nhằm đổi mới cơ chế về tài chính, thực hiện chính sách về luân chuyển cán bộ, đào tạo, cải cách thủ tục hành chính... Những nội dung đã có chính sách phù hợp thì tiếp tục thực hiện nhanh chóng trên phạm vi cả nước. Những nội dung còn đang hoàn thiện thể chế thì nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng bảo đảm chỉ tiêu và tiến độ như mục tiêu trong Quyết định số 2348 của Thủ tướng đã nêu (Nhân dân, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang