Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/6/2019

  • |
T5g.org.vn - 'Giảm nhiệt' cho bệnh nhân và người nhà; Cấp cứu 3 người hôn mê vì sốc nhiệt do nắng nóng, đã có ca tử vong; Tạm giữ nam thanh niên hành hung nữ điều dưỡng ở trung tâm y tế huyện....

 

Cắt bỏ u thận 2kg cho cháu bé sáu tuổi

Các bác sĩ khoa Ngoại bụng 2, Bệnh viện K vừa trải qua một cuộc phẫu thuật khó khăn, cắt bỏ khối u thận nặng tới 2 kg cho bệnh nhi nữ Vũ Thị Mai H (quê Nghệ An) mới 6 tuổi.

Bệnh nhi nhập viện với chẩn đoán ban đầu là u sau phúc mạc với biểu hiện ban đầu là bụng chướng, phình to. Sau khi thăm khám và chụp chiếu, bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u lớn khoảng 20 cm, chèn ép nhiều bộ phận gây đau tức, ảnh hưởng lớn đến hô hấp cũng như sinh hoạt của bệnh nhi H.

Rất may mắn, khối u mặc dù to nhưng còn tương đối khu trú (giai đoạn 2), toàn trạng bệnh nhân tốt, chức năng thận phải tốt. Với sự chuẩn bị kỹ càng và kinh nghiệm lâu năm của ê-kíp phẫu thuật, sau gần ba giờ căng thẳng, khối u đã được loại bỏ toàn bộ với đường kính 20 cm, nặng khoảng 2 kg. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân hiện tại đã bình phục, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

BS Hoàng Mạnh Thắng, Phó trưởng khoa Ngoại bụng 2 cho biết, những trường hợp bệnh nhi đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn không phải ít gặp tại Bệnh viện K. Nhiều bệnh nhi còn rất nhỏ tuổi nhưng khi đến khám bệnh đã ở giai đoạn tiến triển, thậm chí di căn nhiều bộ phận trong cơ thể.

Vì thế, BS Thắng khuyến cáo, các phụ huynh có con nhỏ cần thường xuyên quan tâm, theo dõi những biểu hiện bất thường của con. Tất cả những triệu chứng thường gặp những dễ bị bỏ qua như biếng ăn, khó thở, đau tức ngực, hay nôn, trớ .... có thể cảnh báo những bệnh lý thông thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu một số bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ. Lúc này các gia đình cần đưa con em thăm khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh hệ quả đáng tiếc vì thăm khám muộn. (Nhân dân, trang 5)

 

Cấp cứu 3 người hôn mê vì sốc nhiệt do nắng nóng, đã có ca tử vong

Hai tuần qua, khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận 3 bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng choáng ngất, hôn mê sâu, trụy tim mạch… do sốc nhiệt vì làm việc, đi lại ngoài trời nắng nóng.

Chiều 26-6, thông tin đến báo chí, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, nắng nóng cao độ với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên trên 40oC như hiện nay rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng… trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt (Heat Stroke).

Bác sĩ Nguyễn Thị Nga, Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện 108 cho biết, chỉ trong 2 tuần vừa qua, khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhân vào với các triệu chứng: hôn mê sâu, sốt cao trên 40o, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng.

Các bệnh nhân trên đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ; khi có biểu hiện choáng ngất và hôn mê, được đưa vào viện đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng.

Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực bằng hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục… tuy nhiên do tổn thương quá nặng nên đã có 2 ca tử vong. Bệnh nhân được cứu sống thì cũng để lại các di chứng nặng nề về thần kinh, hôn mê kéo dài.

Theo bác sĩ Nga, những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư, những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao…

Trước thực trạng đó, Bệnh viện 108 đưa ra khuyến cáo các biện pháp dự phòng, nhận biết và xử trí ban đầu sốc nhiệt như sau:

Dấu hiệu nhận biết

Những người lao động, hoạt động trong thời tiết nắng nóng, có thể có các triệu chứng ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất.

Nếu có biểu hiện sốt cao > 39-40oC, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê, là biểu hiện tiến triển đến sốc nhiệt. Đây là tình trạng đe dọa đến tính mạng, cần được xử trí tại chỗ ngay, đồng thời gọi ngay tới đơn vị cấp cứu để đưa đến các cơ sở y tế kịp thời.

Xử trí ban đầu

Việc phát hiện và xử trí tại chỗ khi xảy ra say nắng hoặc sốc nhiệt là cực kỳ quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục. 

Tại chỗ:

Nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ.

Đặt nạn nhân nằm xuống, cởi bớt quần áo

Sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thồi vào để tăng cường hạ nhiệt

Cho uống nước ngay nếu còn tỉnh và không nôn nhiều.

Gọi ngay xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất

Trên đường vận chuyển:

Mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương.

Tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể.

Truyền dịch tĩnh mạch nếu có thể. Theo dõi sát nhiệt độ cơ thể

Phòng tránh

Mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời nắng

Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu

Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi làm việc ngoài trời nóng

Tăng cường rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt

Tăng cường giáo dục, cảnh báo về tác hại của gắng sức khi trời nóng

Huấn luyện, hướng dẫn cách xử trí khi gặp các vấn đề liên quan đến nắng nóng. (Công an Nhân dân, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Lao động, trang 2: “Cảnh báo nguy cơ tử vong vì sốc nhiệt thời tiết”; Báo Sức khỏe & Đời sống, trang 1: “Lao động nhiều giờ ngoài năng nóng:  2 người tử vong, 1 người nguy kịch”; Công an Nhân dân, trang 7: “Hai bệnh nhân tử vong do sốc nhiệt nặng”

 

Tạm giữ nam thanh niên hành hung nữ điều dưỡng ở trung tâm y tế huyện

hấy chị Phương đi từ trong phòng tiểu phẫu ra, Dũng xông đến đánh đập. Tại cơ quan công an, người đàn ông này cho rằng do mình uống rượu nên không làm chủ được hành vi.

Ngày 26-6, Công an huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An tạm giữ Võ Viết Dũng (31 tuổi) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích. Dũng được cho là đã hành hung chị Nguyễn Thị Phương, điều dưỡng của Trung tâm y tế huyện Quỳ Châu.

Như thông tin đã đưa, sự việc xảy ra vào tối 21-6, một nhóm thanh niên đưa người bị thương ở tay đến trung tâm y tế huyện Quỳ Châu để khám chữa. Khi đưa người bị thương đến thẳng khu vực tiểu phẫu của khoa ngoại nhưng phòng này khóa cửa.

Một lúc sau, kíp trực của khoa sản đến xem xét rồi đưa bệnh nhân đi xử lý vết thương. Khi thấy điều dưỡng Nguyễn Thị Phương bước ra từ phòng tiểu phẫu, hai người một nam, một nữ đã xông đến để đánh chị này.

Hai người này chỉ dừng tay khi mọi người tập trung đến can ngăn. Chị Phương bị thương đã được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Nghệ An điều trị. Sau khi sự việc xảy ra, trung tâm y tế huyện Quỳ Châu đã trình báo và gửi clip quay lại sự việc cho cơ quan công an.

Tại cơ quan công an, Dũng cho rằng do mình uống rượu nên đã không làm chủ được hành vi của mình. Hiện tại, sau 5 ngày điều trị, nữ điều dưỡng Phương đã ổn định tâm lý. ? (Công an Nhân dân, trang 15)

 

Người dân phải được sử dụng thực phẩm sạch, an toàn

Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm, diễn ra ngày 27-6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, đã đến lúc đặt ra yêu cầu người dân phải được dùng thực phẩm sạch, an toàn như hàng xuất khẩu.

Báo cáo của Bộ Y tế, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cho thấy công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển 1.261 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, 1.456 sản phẩm và 3.177 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức 1.216 hội nghị, hội thảo, tập huấn về chất lượng, an toàn thực phẩm cho 35.314 lượt người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Các địa phương đã kiểm tra, xử lý vi phạm của 56.816 cơ sở trên tổng số 347.503 cơ sở được kiểm tra. Xử phạt hành chính 8.409 cơ sở, với số tiền trên 24,2 tỷ đồng, áp dụng hình thức xử lý bổ sung như đình chỉ hoạt động, tiêu hủy sản phẩm, đình chỉ lưu hành sản phẩm không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm...

Những tồn tại được các đại biểu tập trung làm rõ là chậm xử lý dứt điểm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông sản, thủy sản... Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, nói rõ những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm. Phó Thủ tướng gợi ý cần lựa chọn thực hiện thí điểm trước hết tại các thành phố, đô thị lớn là những nơi tiêu thụ lượng lớn thực phẩm.

Trước sự phát triển của các mô hình sản xuất, kinh doanh, phân phối theo xu hướng mới như nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, từ trang trại đến bàn ăn, những ứng dụng đưa thực phẩm của doanh nghiệp, thậm chí hộ sản xuất nhỏ lẻ đến tận người tiêu dùng…, Phó Thủ tướng cho rằng cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin liên quan đến giao dịch điện tử, quảng cáo trên mạng. Đơn cử, cần có công cụ "quét" tất cả các quảng cáo sản phẩm, so sánh với danh sách sản phẩm được cấp phép, nếu có vi phạm thì cảnh báo và xử lý ngay.

Về các mô hình thanh tra an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần tháo gỡ vướng mắc về luật và việc nhân rộng mô hình phải xem xét sự khác biệt, đặc thù giữa các đô thị lớn chủ yếu tiêu thụ, còn các tỉnh chủ yếu là sản xuất, quan trọng nhất là hiệu quả, không nên cứng nhắc về mô hình.

Trong 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa thanh tra, kiểm tra, nhất là các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các cặp vợ chồng vô sinh có hoàn cảnh khó khăn

Từ ngày 26-6, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội bắt đầu nhận hỗ trợ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí cho 10 cặp vợ chồng bị vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện cho biết, những tiến bộ mới trong kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn đã giúp hàng nghìn cặp vợ chồng có được đứa con mà họ khát khao. Tuy nhiên, hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm chưa được đưa vào danh mục được bảo hiểm y tế hỗ trợ và chi trả. Do đó, trong hành trình tìm con của không ít cặp vợ chồng, khó khăn càng thêm chất chồng.

“Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi mong rằng, những hỗ trợ thiết thực từ phía bệnh viện có thể giúp những trường hợp khó khăn về kinh tế tiếp cận sớm hơn với các kỹ thuật điều trị vô sinh, hiếm muộn trước khi quá muộn”, bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi nói.

Để được hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí, các cặp vợ chồng cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như: Chưa có con chung; có chỉ định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa điều trị hoặc đã thất bại một chu kỳ; không mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra, các cặp vợ chồng cần có giấy xác nhận hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của chính quyền địa phương. Riêng với người vợ yêu cầu không quá 38 tuổi, tử cung không bất thường, có chỉ số dự trữ buồng trứng bình thường. Đối với người chồng, có ít nhất một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch.

Bên cạnh đó, từ ngày 22-7 đến ngày 4-8-2019, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội sẽ tổ chức chương trình “Tuần lễ vàng - Ươm mầm hạnh phúc 2019” với chủ đề “Sẻ chia hy vọng - Trọn vẹn ước mơ” nhằm hỗ trợ một phần kinh phí cho các cặp vợ chồng trong quá trình thăm khám, điều trị vô sinh hiếm muộn tại bệnh viện.

Những cặp vợ chồng có nhu cầu nên gửi hồ sơ trực tiếp tại Bệnh viện theo địa chỉ: 431 Tam Trinh (Lô 01-8A, quận Hoàng Mai, Hà Nội) hoặc đăng ký qua điện thoại: Tổng đài 1900565601. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Khuyến cáo liên quan sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có thông báo về việc cẩn trọng với thông tin quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex trên một số website.

Theo đó, trong thời gian qua, trên các website như: thuocuytin. com.vn, banthuoctot.com, http:// bit.ly/2Kqo1jz (shopee.vn), duocsi24h.com có quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này do Công ty TNHH Dược phẩm Liên Hợp (ở địa chỉ 480C Nguyễn Thị Thập, phường Tân Quy, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) công bố và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, đại diện công ty khẳng định, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex đang quảng cáo trên các website nói trên, không phải do công ty thực hiện.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Proxerex tại các website nêu trên. (Hà Nội mới, trang 5)

 

Tăng viện phí, tăng chất lượng khám chữa bệnh

Sau mấy lần tạm ngưng, tạm hoãn, cuối cùng Bộ Y tế cũng quyết tăng giá 1.900 dịch vụ khám chữa bệnh vào ngày 1-7 tới. Quyết định này nhằm hiện thực hóa Thông tư số 37/2018/TT-BYT của Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở và cộng thêm chi phí quản lý. Với lập luận nhằm xóa bỏ bao cấp qua giá, thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công có sự kiểm soát của Nhà nước, Bộ Y tế cho rằng điều chỉnh giá dịch vụ y tế là phù hợp và chỉ tác động đến khoảng 12% dân số chưa tham gia BHYT. Đồng thời cũng gây áp lực cho số người chưa tham gia BHYT để tiến tới đạt mục tiêu BHYT toàn dân.

Với mức lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng từ ngày 1-7, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng lần này dao động không phải ít. Chưa thể nói rằng tăng giá thì chất lượng dịch vụ y tế tăng ngay trong một sớm một chiều. Nhưng với những gì đang diễn ra sau những lần tăng giá dịch vụ y tế trước đây, cho thấy quyền lợi người bệnh vẫn chưa được hưởng tương xứng, ngay cả từ giường nằm, vệ sinh, thái độ phục vụ đến chẩn đoán, điều trị.

Kết quả khảo sát mới đây được Bộ Y tế công bố cho thấy chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) trung bình đạt 4,04/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám chữa bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng. Đó là mới chỉ khảo sát 60 bệnh viện công tại 23 tỉnh, thành năm 2018 trên con số tham chiếu hơn 7.500 người tham gia khảo sát.

Ngoài các nội dung khảo sát mang tính “chuyên môn”, có 2 chỉ số khiến người bệnh vẫn “phiền lòng” là giá viện phí và nhà vệ sinh bệnh viện. “Nhà vệ sinh bẩn thì giám đốc bệnh viện ở bẩn”, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng thốt lên. Trong khi tình trạng tai biến y khoa vẫn chưa cải thiện, chuyện “đau con mắt bên trái, mổ con mắt bên phải” vẫn còn xảy ra. Mà mới đây, ngay tại một bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế khi bệnh nhân được chẩn đoán gãy đốt sống ngực nhưng bác sĩ lại đem khoan cẳng chân! Rồi thái độ, y đức cũng đang gây nhiều bức xúc trong dư luận. Cụ thể là, trong tháng 5 vừa qua, một kỹ thuật viên Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Nhai bị tố xâm hại nữ bệnh nhi 13 tuổi; hay hàng loạt vụ côn đồ xông vào tận bệnh viện truy sát như chốn không người gây an nguy tính mạng bệnh nhân lẫn y bác sĩ.

Mặc dù Chính phủ quyết liệt thúc đẩy cải cách hành chính, giảm thiểu giấy tờ, thủ tục, nhưng hiện ở rất nhiều bệnh viện, người bệnh mỗi lần vào bệnh viện vẫn như vào ma trận của thủ tục, giấy tờ, cả đến việc nộp viện phí cũng phải chờ đợi, rồng rắn xếp hàng vã mồ hôi. Tại hội thảo “Đẩy mạnh triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử” do Bộ Y tế phối hợp Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức mới đây, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết đã khởi động xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử từ tháng 6-2018, nhưng đến nay công việc này vẫn đang thí điểm tại 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Nghệ An. Trong khi đó, Bộ Y tế đặt mục tiêu tới tận năm 2025 mới quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử với khoảng 90% dân số.

Trong bối cảnh người dân chưa kịp hoàn hồn sau mấy “cú” tăng giá vừa qua của các mặt hàng xăng dầu, điện, thì nay giá dịch vụ y tế “bồi” thêm cũng không hề nhẹ. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng đầu năm 2019 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 5-2019 tăng 1,5% so với tháng 12-2018 và tăng 2,88% so với cùng kỳ năm 2018; lạm phát cơ bản tháng 5-2019 tăng 0,13% so với tháng 4-2019 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018. Giá dịch vụ y tế tăng lần này sẽ không thể không tác động đến các chỉ số này. Vì vậy, ngành y tế cần cân nhắc thật kỹ các điều kiện, tình hình kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo trách nhiệm của ngành, của các cơ sở khám chữa bệnh trong việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Gấp rút sửa chữa “lò” thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Liên quan đến “lò” sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy bị hỏng làm cho các cơ sở y tế sở hữu máy chụp PET/CT trên địa bàn TPHCM rơi vào trạng thái “tê liệt” do phụ thuộc vào nguồn thuốc từ “lò” này, chiều 27-6, TS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, BV Chợ Rẫy, cho biết đang gấp rút sửa chữa, bảo trì.

Dự kiến sớm nhất tuần sau có thể hoạt động trở lại, cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Theo TS Nguyễn Xuân Cảnh, tại TPHCM có 3 cơ sở y tế được trang bị hệ thống máy chụp PET/CT là BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy và BV Quân y 175, nhưng cả khu vực phía Nam chỉ có một “lò” sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG (gọi tắt thuốc phóng xạ) đặt tại BV Chợ Rẫy.

Tuy nhiên, hơn 1 tháng nay “lò” sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã ngừng hoạt động vì trục trặc kỹ thuật. Lý giải về nguyên nhân hư hỏng, TS Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng, hệ thống đã đưa vào hoạt động hơn 10 năm, máy móc đã đến tuổi và cũng đã nhiều lần hư hỏng.

Tuy nhiên lần này là hư hỏng lâu nhất, hiện bên phía hãng cũng đã tích cực sửa chữa. Đơn vị đã thông báo đến nhà sản xuất và đang đợi thiết bị thay thế chuyển về từ Mỹ. Ngay cả máy PET/CT của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng bị hỏng đầu dò tín hiệu thiết bị ghi hình PET và cũng đang chờ thiết bị thay thế.

Theo kỹ sư Nguyễn Tấn Châu, Trưởng đơn vị an toàn bức xạ, cho biết máy gia tốc Cyclotron (sản xuất thuốc phóng xạ) có chức năng chính là gia tốc hạt proton bắn phá vào đồng vị bền. Sau phản ứng hạt nhân thu được đồng vị phóng xạ 18F - FDG.

Từ đây tổng hợp thành thuốc phóng xạ 18F- FDG dùng tiêm cho bệnh nhân trước khi ghi hình chụp PET/CT. Tuy nhiên hiện nay hệ thống bia tạo ra đồng vị 18F - FDG bị lỗi kỹ thuật và buộc phải chờ phản hồi từ nhà sản xuất ở Mỹ. Chính vì thế, không thể sản xuất ra thuốc phóng xạ nên việc chụp PET/CT bị tạm ngưng.

Theo TS Nguyễn Xuân Cảnh, hệ thống máy chụp PET/CT đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các BV ở Việt Nam, có nhiều lợi điểm trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Để chụp PET/CT, bệnh nhân sẽ được tiêm tĩnh mạch một liều thuốc có phóng xạ (một chất tương tự glucose) vì các tế bào ung thư sẽ hấp thụ và chuyển hóa nhiều glucose hơn các tế bào khác.

Sau khi được tiêm thuốc có phóng xạ, cơ thể sẽ phóng ra các tia gamma và máy PET/CT sẽ tính toán từ các tia gamma này để thu nhập hình ảnh từ các tế bào khác nhau của cơ thể.

Nhờ đó, những bất thường về chuyển hóa tại các tế bào sẽ được ghi nhận, ngay trước khi có sự thay đổi về cấu trúc. TS Nguyễn Xuân Cảnh cho rằng, muốn chụp PET/CT cho bệnh nhân trơn tru tối thiểu phải có 2 lò, đề phòng trường hợp lò sản xuất nào đó bị hư thì có lò khác dự phòng. Có như vậy mới cung ứng đủ thuốc phóng xạ cũng như tránh được trường hợp hỏng hóc bị ngưng trệ như hiện nay.

Theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, không phải mọi trường hợp muốn chẩn đoán, phát hiện sớm ung thư đều cần phải chụp PET/CT.

Các xét nghiệm sàng lọc ung thư phải tuân thủ theo đúng các yêu cầu như độ chính xác, đảm bảo độ nhạy (khả năng phát hiện các dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự có bệnh ung thư) và độ đặc hiệu (khả năng loại trừ dấu hiệu sớm của ung thư trên những người thực sự bình thường).

Trên thực tế cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào liên quan đến sử dụng PET/CT trong sàng lọc ung thư của các cơ quan, tổ chức, cơ sở có uy tín trên thế giới về khám, chữa, nghiên cứu phòng chống ung thư. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)

 

Tăng cường kiểm soát ngăn ngừa lái xe sử dụng rượu, bia

Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng CSGT Công an tỉnh và các địa phương đã xử lý gần 1.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 3,7 tỷ đồng, tạm giữ 929 phương tiện, tước 794 giấy phép lại xe.

Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng đã tăng cường tuyên truyền, xử lý các trường hợp lái xe vi phạm quy định nồng độ cồn, thế nhưng vẫn chưa được triệt để, tình trạng vi phạm vẫn thường xuyên tái diễn, tai nạn giao thông luôn rình rập...

Mới đây nhất, liên quan đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe khách và xe taxi tại huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh), làm 3 người tử vong, 2 người bị thương, đại diện Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi vụ tai nạn xảy ra, lãnh đạo đơn vị đã đến hiện trường để kiểm tra và chỉ đạo công tác xử lý. Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn được xác định là do lái xe taxi lấn làn đường và đáng chú ý là trước đó đã sử dụng rượu, bia.

Trước thực trạng lái xe do say rượu, không làm chủ được tốc độ gây ra các vụ tai nạn thảm khốc ở một số tỉnh, thành khác trong nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Công an Quảng Ninh đã và đang tăng cường các biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm này.

Theo đó lực lượng CSGT và Công an các địa phương đã thành lập các tổ tuần tra với đầy đủ trang thiết bị để kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển trên đường mà trong cơ thể có chất ma tuý, nồng độ cồn. Đồng thời sử dụng camera giám sát để ghi lại hoạt động trong công tác để xử lý tốt các tình huống phức tạp có thể xảy ra.

Cùng với đó, các phòng, ban khác của Công an tỉnh Quảng Ninh cũng sẵn sàng vào cuộc, phối hợp bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội, điều tra làm rõ các vụ TNGT có liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng chất ma tuý, rượu, bia, chất kích thích khác. Tăng cường phối hợp cùng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về việc không sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi tham gia giao thông để tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức của người dân.

Ghi nhận trên tuyến đường đẹp nhất và tập trung nhiều nhà hàng ăn uống của TP Hạ Long là đường Trần Quốc Nghiễn trong buổi tối cuối tuần. Chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, Tổ công tác Công an TP Hạ Long đã xử lý trên 10 trường hợp lái xe ôtô vi phạm nồng độ cồn, trong đó không ít người còn chở theo trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp này đều nhận thức được lái xe sau khi uống rượu bia có thể gây tai nạn cho bản thân và người xung quanh, nhưng vẫn… vi phạm.

Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trong thời gian qua lực lượng Cảnh sát giao thông vừa tăng cường tuần tra, kiểm soát, vừa tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia, các chất kích thích khi tham gia giao thông.

Quá trình thực hiện, Phòng CSGT phối hợp cùng công an các địa phương tiến hành điều tra cơ bản, nắm quy luật hoạt động ở các tuyến, địa bàn giao thông, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, quán bar, nhà hàng, quán ăn... Trên cơ sở đó, lực lượng Công an nắm quy luật hoạt động, thời gian, tuyến đường, địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng chất ma tuý, rượu, bia và các chất kích thích khác... để lựa chọn vị trí kiểm soát đảm bảo đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra cho thấy, tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông vẫn còn phổ biến, liên tục. Cùng với đó, do địa bàn của tỉnh Quảng Ninh rộng, trải dài nên tình trạng lái xe khi biết có chốt kiểm tra đã tránh né bằng cách đi đường khác. Thậm chí nhiều trường hợp có độ cồn vượt mức quy định, khị bị lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, tạm giữ phương tiện, đã có thái độ không hợp tác, chống đối…

Cũng theo Trung tá Nguyễn Khánh Toàn, nhiều địa phương chưa vào cuộc mạnh trong công tác tuần tra, xử lý nên số người bị xử phạt vẫn rất ít so với tình hình thực tế trên địa bàn. Thông qua đợt tổng kiểm tra và xử lý nghiêm minh mà ngành Công an đang thực hiện, hy vọng sẽ tạo được sức răn đe cũng như nâng cao ý thức cho người dân về vấn đề này… (Công an Nhân dân, trang 5)

 

'Giảm nhiệt' cho bệnh nhân và người nhà

Nắng nóng gay gắt kéo dài từ đầu tháng 6 tới nay khiến ở các bệnh viện, người bệnh và người nhà bệnh nhân phải chịu áp lực khi lượng người đến khám chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến Trung ương quá tải. Tìm giải pháp 'giảm nhiệt' cho bệnh nhân đã được một số bệnh viện triển khai.

Chúng tôi có mặt ở Bệnh viện K cơ sở Quán Sứ (Hà Nội) và thấy tại khu vực chờ siêu âm, chụp X quang có rất đông bệnh nhân đang chờ đợi tới lượt. So với trước đây, bệnh nhân đã giảm tải nhiều do bệnh viện có thêm nhiều cơ sở mới.

Tuy nhiên, lượng bệnh nhân tới khám, chữa bệnh vẫn không ngừng tăng lên. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện K tiếp đón khoảng 2.000 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị, nhiều người phải xếp hàng chờ từ sáng sớm. Chị Minh Thanh (Quảng Ninh) cho biết: “Tôi đi xe từ 3h sáng, 5h30 đã đến đây rồi, đi sớm mới về trong ngày được”.

Tại Bệnh viện Việt Đức, giờ thăm bệnh là 11h30 nên người nhà cũng chọn ngồi chờ dưới những tán cây, ghế đá. Vật vã cả chiều nóng bức ở ngoài sân trước khu vực chấn thương chỉnh hình, anh Phạm Thế Dương (Thanh Hóa) mồ hôi ròng ròng cho biết: “Bệnh viện quy định giờ thăm nuôi, tôi không có tiền thuê trọ ở ngoài nên chỉ ngồi tại đây chờ, nắng nóng cũng phải chịu”.

Để giảm tải nắng nóng, nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đã triển khai đón tiếp bệnh nhân sớm hơn và cố gắng khám cho bệnh nhân trong buổi sáng để không phải hẹn người bệnh sang giờ chiều. Theo lãnh đạo Bệnh viện K, nhằm giảm thiểu thời gian chờ đợi của người bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt, bệnh viện đã triển khai đón tiếp người bệnh từ 5h sáng tại cơ sở Tân Triều, 5h30 tại cơ sở Quán Sứ và khám bệnh từ 6h sáng mỗi ngày.

Tại cơ sở 9A-9B Phan Chu Trinh, nhân viên hướng dẫn, đón tiếp từ 6h30. Bệnh viện cũng triển khai bấm số tự động, tăng cường bàn khám, phòng khám và bố trí thêm nhân lực hướng dẫn người bệnh để giảm áp lực tại khu vực phòng khám, khu vực lấy máu, chụp XQ, khu vực xét nghiệm… Bệnh viện trang bị thêm nhiều bạt để hạn chế nắng nóng ở khu vực sảnh chờ dành cho người nhà người bệnh.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, để tránh cho việc người dân đến khám bệnh phải về vào giờ giữa trưa khi thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, dễ gây đột quỵ, sốc nhiệt, tăng huyết áp,… bệnh viện đã thay đổi giờ khám bệnh. Theo Ths.BS Nguyễn Thúy Hằng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn, trước đây giờ khám bệnh là 7h30 thì nay thay đổi thành 7h để bệnh nhân về nhà không quá muộn.

Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an… đã tăng cường thêm quạt công suất lớn ở khu vực khám bệnh, phòng chờ, hành lang và lắp đặt điều hòa tại phòng điều trị. Các bệnh viện này cũng bố trí nước uống, người hướng dẫn bệnh nhân tới khám để tránh bệnh nhân phải đi tìm nơi khám, xét nghiệm. (Công an Nhân dân, trang 7). 

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang