Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/6/2023

  • |
T5g.org.vn - Y tế cơ sở, y tế dự phòng góp phần quan trọng vào thành công phòng, chống dịch COVID-19; Bộ Y tế thiết lập mạng lưới truyền thông y tế toàn quốc, đã có 1.500 người tham gia…

 

Nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng nặng ở miền Bắc

Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh Tay Chân Miệng (TCM) đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71. Đây là chủng đang gây dịch TCM với những ca bệnh nặng ở phía Nam.

Vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương) trong tình trạng sốt cao không hạ, nhiều nốt ban đỏ ở tay, chân và miệng, thường xuyên giật mình, bé A.N (26 tháng, Bắc Giang) được chẩn đoán mắc TCM, có biến chứng viêm não.

Mẹ bé A.N chia sẻ: “Đầu năm con đã mắc TCM một lần với biểu hiện sốt, lở loét miệng, nhưng điều trị tại nhà vài ngày là khỏi. Lần này khi bé mắc lại, tôi không nghĩ là con bị nặng như vâỵ. Cũng may là được điều trị kịp thời, nên hiện tại con đã tỉnh táo và chuẩn bị được ra viện”.

Nằm điều trị cùng phòng với bé A.N là bé M.Q (12 tháng, Vĩnh Phúc). Gia đình bệnh nhi cho biết, trước khi nhập viện 2 ngày, bé M.Q có biểu hiện sốt cao, quấy khóc, chảy dãi, ăn uống kém, nhưng cha mẹ chỉ nghĩ con sốt mọc răng nên không đưa đi khám. Đến khi trẻ bắt đầu giật mình, nôn trớ nhiều, gia đình mới vội vàng đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, bé M.Q được chẩn đoán mắc bệnh TCN chủng virus EV71, có biến chứng viêm não.

“Hai nhóm tác nhân gây bệnh TCM thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, EV71 gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, TS. Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới thông tin.

Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Nga, Phó Trưởng khoa Nội tổng quát (Trung tâm Bệnh nhiệt đới) cho biết: “Có hai biến chứng thường gặp với bệnh TCM là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Năm nay khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ. Ngoài ra, có biểu hiện run chi, đi lại loạng choạng”.

Các bác sĩ khuyến cáo, do bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Theo TS. Lâm, bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má. Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; có thể xuất hiện ở mông hoặc ở cơ quan sinh dục. (Tiền phong trang 13)

 

Ca mắc COVID-19 mới giảm sâu, nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch trong bệnh viện

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua đã ghi nhận 780 ca mắc COVID-19, đây là tuần có số ca mắc thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Trong tuần ca COVID-19 nặng cũng giảm mạnh. Nhiều biện pháp về phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng...

Ca COVID-19 mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua

Theo thống kê của Bộ Y tế trong 7 ngày từ 18/6-24/6, cả nước ghi nhận 780 ca mắc mới COVID-19, trung bình khoảng gần 112 ca/ ngày. Đây là tuần có số mắc mới thấp nhất trong hơn 2 tháng qua. Trước đó, có những tuần nước ta ghi nhận 12.000- hơn 15.000 ca/ tuần; trung bình khoảng gần 2.000 ca/ ngày - hơn 2.000 ca/ ngày, thậm chí có ngày số mắc mới còn vượt 3.000 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.620.047 ca COVID-19, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 117.429 ca nhiễm).

Đến nay, tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta là: 10.639.970 ca. Trong tuần qua, số bệnh nhân phải thở oxy đã giảm mạnh so với trước đó, có ngày chỉ còn 3 trường hợp. Hiện cả nước chỉ còn 1 trường hợp bệnh nhân phải thở máy.

Do bệnh nhân nặng giảm mạnh nên từ vài tuần nay, Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.206 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Theo thống kê, đến nay tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 266.467.081 liều, trong đó: Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.786.824 liều: Mũi 1 là 70.909.487 liều; Mũi 2 là 68.456.963 liều; Mũi bổ sung là 14.344.123 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 52.150.078 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.926.173 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.965.655 liều: Mũi 1 là 9.130.889 liều; Mũi 2 là 9.021.382 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.813.384 liều; Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.714.602 liều: Mũi 1 là 10.232.333 liều; Mũi 2 là 8.482.269 liều.

Tại cuộc làm việc với UBND TP HCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, khi chuyển COVID-19 sang nhóm B thì việc tiêm vaccine sẽ lồng ghép vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng thường xuyên...

Tuy nhiên, đây chỉ là chuyển phân loại, còn bản chất của COVID sẽ không thay đổi, vẫn có thể tiếp tục biến đổi và có các biến chủng mới xuất hiện nên chúng ta không chủ quan lơ là.

Nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng

Cũng trong tuần qua, Bộ Y tế đã ban hành "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" mới nhất thay thế "Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" và "Hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh" đã được ban hành trước đó.

Tại hướng dẫn mới nhất này, nhiều quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong bệnh viện đã được nới lỏng. Theo đó, hướng dẫn mới của Bộ Y tế các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở khám chữa bệnh được chú trọng vào phát hiện, cách ly sớm trường hợp nghi mắc và tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh.

Về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, Bộ Y tế lưu ý tất cả nhân viên y tế khi thực hiện các hoạt động chuyên môn chăm sóc người bệnh COVID-19 tuân thủ đúng các bước lựa chọn, sử dụng, tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đảm bảo hiệu quả an toàn theo nguy cơ lây nhiễm.

Khuyến khích người bệnh, người nhà người bệnh mang khẩu trang khi vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Không sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không sử dụng lại phương tiện phòng hộ cá nhân dưới mọi hình thức; Loại bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân đúng nơi quy định. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)

 

Bộ Y tế thiết lập mạng lưới truyền thông y tế toàn quốc, đã có 1.500 người tham gia

Bộ Y tế đã thiết lập mạng lưới truyền thông y tế toàn quốc. TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ, kiêm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 1500 cán bộ làm công tác truyền thông y tế trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương đăng ký tham gia mạng lưới.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về thiết lập Mạng lưới truyền thông y tế toàn quốc.

Theo đó, trong văn bản do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế ký ban hành cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông và truyền thông chính sách, thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của Ngành trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác truyền thông trong lĩnh vực y tế còn một số hạn chế, nhất là việc chủ động cung cấp thông tin và kịp thời nắm bắt thông tin, phản hồi thông tin của dư luận.

Vì vậy, nhằm tăng cường hiệu quả công tác truyền thông y tế và truyền thông chính sách thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thiết lập Mạng lưới cán bộ truyền thông ngành Y tế từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, mỗi đơn vị sẽ cử một cán bộ làm đầu mối truyền thông để cung cấp, tiếp nhận và phản hồi thông tin liên quan đến đơn vị.

Về nội dung này, thông tin tại Hội nghị Hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế năm 2023 khu vực phía Bắc do Bộ Y tế tổ chức mới đây, TS.BS Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ, kiêm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cho biết, đến nay đã có 1500 cán bộ truyền thông y tế trên toàn quốc từ Trung ương đến địa phương đăng ký tham gia mạng lưới.

"Việc thiết lập mạng lưới truyền thông sâu rộng, đông đảo đến tận tuyến cơ sở như vậy sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông y tế, giúp các thông tin về ngành đến với cộng đồng nhanh chóng hơn, kịp thời hơn và đa dạng hơn. Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị hướng dẫn vê nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến"- TS.BS Hà Anh Đức nói.

Chia sẻ thông tin với các đại biểu tại Hội nghị Hướng dẫn công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế và triển khai Quy chế phát ngôn của Bộ Y tế năm 2023 khu vực phía Bắc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ: Xác định vai trò to lớn của công tác truyền thông y tế, trong thời gian qua Bộ Y tế đã ban hành Quy chế phát ngôn tại Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 10/01/2023 và Kế hoạch thông tin, truyền thông y tế năm 2023 tại Quyết định số 1886/QĐ-BYT ngày 18/4/2023 nhằm triển khai Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách và chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin y tế từ Trung ương đến địa phương, thúc đẩy việc đổi mới nội dung, phương thức cung cấp thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác truyền thông y tế... Từ đó, tạo nên dòng thông tin chính thống; thiết lập và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí, nhà báo với các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị chuyên môn trong và ngoài ngành y tế, tạo được sự ủng hộ và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng yêu cầu mạng lưới truyền thông y tế cần tiếp tục được phát triển trên toàn quốc; đội ngũ làm công tác truyền thông y tế cần được quan tâm bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ; các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế cần bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông y tế; bố trí kinh phí để tăng cường công tác truyền thông y tế;

Ứng dụng công nghệ trong quản trị thông tin truyền thông để phát hiện, dự báo các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi trong mọi hoạt động để chủ động có các giải pháp phù hợp; chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo; nghiên cứu và triển khai các mô hình truyền thông phù hợp trong tình hình mới. (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)

 

Y tế cơ sở, y tế dự phòng góp phần quan trọng vào thành công phòng, chống dịch COVID-19

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ, trong giai đoạn 2018-2022, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ngày 24/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã nêu bật những thành tựu quan trọng của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong giai đoạn 2018-2022.

Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch COVID-19.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.

Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế (sau đây gọi là trạm y tế xã); 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc cơ hữu; số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trạm y tế quân dân y, các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang. Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện.

Hệ thống y tế dự phòng từng bước được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn. Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập nhiều trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.

Khoảng 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; nhiều dịch, bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi (HIV/AIDS, sốt xuất huyết, SARS-CoV-2, …), duy trì thành quả thanh toán, loại trừ một số bệnh (bại liệt, uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết,…), tiến tới loại trừ lao, phong, sốt rét.

Đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vaccine dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm ở mức dưới 20%, góp phần tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs).

Công tác phòng, chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại cấp xã. Nhận thức và thực hành về dự phòng, nâng cao sức khỏe của mỗi người dân, gia đình và xã hội được nâng lên.

Nghị quyết cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền... (Sức khoẻ & Đời sống trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang