Bệnh nhân suýt chết do hóc xương gà gây thủng thực quản
Ngày 27/7, tin từ Bệnh viện T.Ư Huế cho biết, khoa Ngoại nhi – Cấp cứu bụng của bệnh viện vừa cứu sống một nữ bệnh nhân bị thủng thực quản do hóc xương gà, dẫn đến biến chứng áp xe trung thất lan rộng gây nguy hiểm tính mạng. Bệnh nhân lâm cảnh “thập tử nhất sinh” hy hữu do mắc xương gà là Đặng Thị H. (31 tuổi, quê Quảng Bình). Chị H. được chuyển cấp cứu từ Bệnh viện khu vực Bắc Quảng Bình (tỉnh Quảng Bình) vào Bệnh viện T.Ư Huế trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhiễm độc, nhiễm trùng nghiêm trọng, cổ bạnh ra bất thường do tràn khí nhiều dưới da. Tại Bệnh viện T.Ư Huế, bệnh nhân được làm các xét nghiệm khẩn như chụp XQ phổi, siêu âm, CT scan ngực. Đích thân PGS.TS Phạm Như Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, đã trực tiếp thăm khám để có hướng xử lý kịp thời đối với trường hợp nguy cấp này. Qua chẩn đoán, bệnh nhân H. đã bị thủng thực quản cổ bên trái gây áp xe trung thất lan rộng sau hóc xương gà, tình trạng bệnh rất nặng có nguy cơ tử vong.
Theo các bác sĩ Bệnh viện T.Ư Huế, áp xe trung thất là một cấp cứu ngoại khoa có tỷ lệ tử vong cao từ 19%-47%, do nhiễm trùng lan rộng. Biến chứng này rất dễ làm chết người, nếu không được mổ cấp cứu nhanh chóng. Các thống kê cho thấy, nếu bệnh nhân đến cấp cứu trong vòng 24 giờ đầu thì tỷ lệ cứu sống là 35%; sau 48 giờ, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 4%. Còn nếu nhập viện muộn, bệnh nhân gần như hết cơ hội được cứu sống.
Mới đây, dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Phạm Như Hiệp, ê kíp phẫu thuật của Bệnh viện T.Ư Huế đã thực hiện chính xác, kịp thời ca mổ mở cổ bên trái qua nền cổ để lấy bỏ hoàn toàn ổ áp xe trung thất rộng (với khoảng hơn 200ml dịch mủ) lan sang bên phải, khâu tổn thương thủng thực quản bên trái, dẫn lưu ổ áp xe. Bệnh nhân được chỉ định không phải mổ mở ngực để tránh những biến chứng về hô hấp và nhiễm trùng lan rộng; mặt khác, giúp phục hồi sớm sau phẫu thuật. Đến sáng 27/7, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Đặng Thị H. hồi phục tốt, không còn sốt; các vận động, ăn uống trở lại bình thường và chuẩn bị xuất viện (Tiền phong trang 2).
Bộ Y tế sẽ khám sức khỏe cho người dân Quảng Bình
Ngày 27-7, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh và Bộ Y tế vừa thống nhất tới đây sẽ tổ chức khám sức khỏe cho người dân vùng biển Quảng Bình. Đợt khám sức khỏe này được Bộ Y tế giao cho Hội Thầy thuốc trẻ trung ương phối hợp với Sở Y tế Quảng Bình thực hiện, đồng thời xem xét đến vấn đề bảo hiểm y tế cho ngư dân. Làm việc với tỉnh Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới phải theo dõi, giám sát mọi diễn biến về sức khỏe người dân, đặc biệt là ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng do vụ cá chết, thường xuyên quan trắc môi trường sống và những yếu tố tác động đến sức khỏe người dân.
Khẩn trương rà soát các cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến hải sản và làm các xét nghiệm về chất lượng sản phẩm để công bố, nếu cơ sở nào không bảo đảm thì kiên quyết tiêu hủy. Ông Trần Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết từ sau sự cố môi trường biển đến nay, tỉnh rất quan ngại về vấn đề sức khỏe của người dân, vì vậy sẽ nhanh chóng tổ chức khám sức khỏe cho dân. Việc kiểm tra và quản lý hoạt động của các cơ sở chế biến hải sản cũng sẽ được thực hiện ngay (Tuổi trẻ trang 2, Tiền phong trang 2).
Sai phạm giật mình ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Sở Y tế TPHCM kết luận các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của khoa dược Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc, nợ tiền các công ty dược. Ngày 26/7, Sở Y tế TPHCM đã công bố kết luận thanh tra hoạt động tài chính trong mua sắm thuốc và tổ chức, hoạt động dược tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (phường 8, quận 5, TPHCM). Kết luận này dựa trên kết quả làm việc của Đoàn thanh tra do giám đốc sở chỉ đạo tiến hành thanh tra tại bệnh viện từ 2/5 đến 13/6 vừa qua.
Nhân sự khoa dược có quan hệ gia đình
Tổ chức nhân sự và trình độ chuyên môn của khoa dược cơ bản đáp ứng yêu cầu hoạt động liên quan đến công tác dược. Tuy nhiên, khoa chưa có bộ phận nghiệp vụ dược và kiểm soát chất lượng riêng mà hoạt động kiêm nhiệm, lồng ghép nên việc thực hiện theo quy chế chuyên môn cũng như hoạt động kiểm tra giám sát kém hiệu quả. Phân công công việc chưa rõ ràng, nhiều giai đoạn công việc còn chồng chéo nên dễ phát sinh sai sót và khó quy trách nhiệm cá nhân.
Tất cả các bản mô tả công việc và quy trình thao tác chuẩn đều được giám đốc bệnh viện phê duyệt và còn hiệu lực. Nhưng một số quy trình có sự thay đổi hoặc ban hành lại nhưng không bãi bỏ cái cũ, dẫn đến nội dung trái ngược nhau và việc áp dụng quy trình rất tùy tiện. Đồng thời, việc áp dụng các quy trình chưa đảm bảo đúng, đầy đủ. Đặc biệt, các quy trình liên quan đến việc theo dõi nhập thuốc, xuất thuốc và kiểm kê thuốc.
Thanh tra cũng kết luận một số nhân sự ở khoa dược có quan hệ gia đình là chị em, vợ chồng được phân công vào các vị trí công việc có mối liên hệ như kế toán - phụ trách kho, kế toán - cấp phát thuốc. Đây chính là yếu tố nguy cơ làm nảy sinh tiêu cực.
Nợ thuốc không quyết toán hàng trăm tỷ đồng
Về hoạt động tài chính mua sắm thuốc, bệnh viện áp dụng theo kết quả đấu thầu tập trung của Sở Y tế năm 2014-2015. Riêng trong giai đoạn chờ kết quả đấu thầu tập trung, bệnh viện mua sắm trực tiếp theo các văn bản hướng dẫn của sở và quy định của Luật đấu thầu. Tuy nhiên, giá trị mua sắm thuốc còn thấp, chỉ chiếm dưới 63% so với kế hoạch phê duyệt, riêng dược liệu chỉ đạt 31%.
Theo giải trình của bệnh viện, đầu năm 2014 do nợ tiền thuốc vì vậy một số công ty không giao biệt dược nên phải sử dụng thuốc generic thay thế có giá rẻ hơn nhiều lần. Năm 2015, bệnh viện dự trù thuốc ung thư nhưng không mua do chưa đủ điều kiện thanh toán BHYT. Đối với dược liệu, một số vị thuốc chờ kết quả kiểm nghiệm của Viện kiểm nghiệm thuốc nên bệnh viện không mua, chuyển sang sử dụng thuốc thành phẩm.
Do chưa hạch toán chi tiết, mở sổ theo dõi và chưa đối chiếu giữa các bộ phận nhập kho theo dõi nợ, thanh toán nợ, hạch toán kế toán nên báo cáo tài chính và tổng số nợ chi tiết của bệnh viện có chênh lệch lớn.
Cụ thể, đến ngày 31/8/2014, tổng số nợ chi tiết về thuốc, vật tư thấp hơn báo cáo tài chính gần 21 tỷ đồng và đến ngày 31/12/2015, thấp hơn báo cáo tài chính gần 13 tỷ đồng. Bệnh viện có đối chiếu công nợ với nhà cung cấp vào cuối năm nhưng chưa đầy đủ nên công nợ chưa đảm bảo chính xác.
Bệnh viện còn chậm thanh toán công nợ tiền thuốc cho các công ty do các năm 2012-2013 bệnh viện đã mượn tiền thuốc, vật tư để chi thu nhập cho cán bộ, viên chức vượt chênh lệch thu chi trong năm dẫn đến nợ thuốc không nguồn quyết toán gần 103 tỷ đồng. Chưa hết, tính đến 31/12/2014, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty hơn 134 tỷ đồng. Trong đó, 50% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 67 tỷ đồng. Đến 31/12/2015, nợ tiền thuốc, vật tư các công ty hơn 127 tỷ đồng. Trong đó, 28% là nợ quá hạn và nợ thuốc không có nguồn quyết toán khoảng 45 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh kết luận các tồn tại, sai phạm trong tổ chức và hoạt động của khoa dược Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã gián tiếp gây ra việc thất thoát thuốc. Đây là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện qua các thời kỳ, gồm ông Nguyễn Thi Hùng, ông Võ Đức Chiến từ trước và sau ngày 3/9/2014. Cũng như trách nhiệm của bà Trương Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa dược và các dược sĩ có liên quan theo sự phân công của bà Linh.
Sở Y tế yêu cầu ông Chiến - giám đốc đương nhiệm - tổ chức kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai sót, báo cáo kết quả cho sở sau 30 ngày kể từ ngày công bố kết luận trên. Đồng thời, rà soát, ban hành đúng và đầy đủ các quyết định, quy định và quy trình cho công tác dược của bệnh viện.
Liên quan đến vụ việc “trộm” thuốc xảy ra ở khoa dược mà báo chí đã đề cập, Đoàn thanh tra Sở Y tế không tiếp tục xác định số lượng thuốc và giá trị tiền do vụ việc hiện đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM thụ lý, giải quyết (Tiền phong online, Sài gòn giải phóng trang 7).
Nhân Ngày Thế giới phòng chống Viêm gan 28-7: "Hãy nhận biết và hành động ngay"
Đó chính là chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 năm nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân toàn cầu cần nhận biết rõ nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus của bản thân và cộng đồng, từ đó kịp thời xét nghiệm và điều trị. Viêm gan virus là bệnh có thể dự phòng và điều trị, trong đó viêm gan B đã có vaccine dự phòng và khoảng 90% bệnh nhân viêm gan C được điều trị khỏi. Vì vậy, để hướng tới mục tiêu loại trừ viêm gan virus, chủ đề “Hãy nhận biết và hành động ngay” trong Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7 có ý nghĩa cảnh báo thiết thực với cộng đồng.
Viêm gan B và C, vốn gây ra khoảng 80% số ca tử vong do ung thư gan và là nguyên nhân dẫn đến 1,4 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới. WHO khuyến cáo người dân cần chú ý bảo vệ chống lại các nguy cơ mắc bệnh viêm gan do máu không an toàn, tiêm không an toàn và dùng chung dụng cụ tiêm chích ma túy. Ngoài ra, thực hiện tình dục an toàn, trong đó giảm thiểu số lượng các đối tác tình dục và sử dụng các biện pháp bảo vệ cơ học (bao cao su), cũng giúp bảo vệ chống lại lây nhiễm.
WHO đã khuyến cáo tiêm phòng cho tất cả các trẻ em để chống lại bệnh viêm gan B, căn bệnh tác động tới khoảng 780.000 bệnh nhân mỗi năm. Một liều vaccine an toàn và hiệu quả có thể bảo vệ cuộc sống chống lại bệnh viêm gan B. Loại vaccine này nên được dùng càng sớm càng tốt sau khi sinh, tốt nhất là trong vòng 24 giờ. Liều được sử dụng cho trẻ sơ sinh phải được tiếp tục thêm 2 hoặc 3 liều để hoàn thành.
WHO cũng khuyến cáo tiêm phòng cho những người trưởng thành có nguy cơ cao mắc bệnh viêm gan B. Đây là những người thường xuyên cần máu hoặc các sản phẩm máu (ví dụ như các bệnh nhân chạy thận), người chăm sóc, những người tiêm chích ma túy, các đối tác tình dục và các thành viên gia đình của những người bị viêm gan B mãn tính và những người có nhiều bạn tình.
Từ năm 1982, hơn 1 tỷ liều vaccine viêm gan B đã được sử dụng trên toàn thế giới và hàng triệu ca tử vong do ung thư gan và xơ gan đã tránh được. Trong một số quốc gia, nơi có khoảng 1/10 trẻ em bị nhiễm bệnh mãn tính với virus viêm gan B, tiêm phòng đã làm giảm tỷ lệ lây nhiễm mãn tính xuống dưới 1/100 ở trẻ em được tiêm chủng. Cho đến nay, vẫn chưa có một loại vaccine chống viêm gan C.
Nhưng hiện nay có nhiều loại thuốc có thể chữa khỏi hầu hết những người bị viêm gan C và điều trị viêm gan B. Những người được điều trị bằng các loại thuốc này rất ít khả năng chết vì ung thư gan hoặc xơ gan và ít có khả năng lây sang người khác. WHO cũng khuyến cáo những người cho rằng mình đã mắc bệnh viêm gan cần kiểm tra để xem có cần điều trị để cải thiện sức khỏe hay không và làm giảm nguy cơ lây truyền.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong khu vực và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam ở một số nhóm quần thể cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B là khoảng 6-20%, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khoảng 0,2- 4%. Tại Việt Nam, virus viêm gan B lây truyền chủ yếu từ mẹ sang con và virus viêm gan C lây truyền chủ yếu qua đường máu.
Theo kết quả mô hình ước tính gánh nặng bệnh tật do virus viêm gan B và C của Bộ Y tế, có khoảng 8,7 triệu người nhiễm virus viêm gan B mãn tính và khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mãn tính. Số trường hợp tử vong ước tính tại thời điểm năm 2015 do virus viêm gan B là khoảng hơn 23.000 người và do virus viêm gan C là khoảng hơn 6.000 người.
Ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28-7, chính là dịp để nêu rõ cảnh báo viêm gan virus là bệnh nguy hiểm, biến chứng có thể gây nên ung thư gan, xơ gan, nhưng lại chưa được cộng đồng xã hội quan tâm vì bệnh diễn biến âm thầm, không như HIV/AIDS và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác (An ninh thủ đô trang 15).
Bình Phước: thêm 2 xã xuất hiện bệnh bạch hầu
Chiều 27-7, bác sĩ Quách Ái Đức - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho hay có thêm 2 xã mới xuất hiện dịch bệnh bạch hầu, nâng tổng số lên 4 xã. 4 xã có dịch bệnh bạch hầu gồm: Thuận Phú, Thuận Lợi, Đồng Tiến và Tân Lợi (huyện Đồng Phú). Đáng chú ý, 4 ca nhiễm bệnh là người đồng bào dân tộc S’tiêng ở xã Tân Lợi mới nhập viện đều dương tính với bệnh bạch hầu. Hiện 4 ca này đã được nhập viện, cách ly điều trị theo phác đồ.
“Nguyên nhân hai xã mới xuất hiện dịch bệnh bạch hầu do người dân ở hai xã này đi thăm người thân và đã tiếp xúc với người mắc bệnh bạch hầu, sau khi trở về thì bị lây bệnh. Các bệnh nhân có các triệu chứng như: sốt, viêm họng, đau đầu, sổ mũi…” - bác sĩ Đức nói.
Tính đến nay đã có 11 ca được xác định mắc bệnh bạch hầu, 4 ca dương tính với bệnh bạch hầu, 52 ca đang giám sát, theo dõi và 3 ca tử vong do bệnh bạch hầu. Cũng theo bác sĩ Đức, trong tổng số 10.000 liều văcxin được cấp để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan đến nay đã tiêm hết 8.000 liều cho người dân có nguy cơ mắc bệnh cao tại hai xã Thuận Lợi, Thuận Phú (tỉ lệ đạt trên 98%). 2.000 liều còn lại đang được tiếp tục tiêm cho những người có nguy cơ mắc cao tại các xã có dịch bệnh.
Do là căn bệnh rất dễ lây lan nên bác sĩ Đức khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh bạch hầu, nếu bắt buộc phải tiếp xúc cần sử dụng khẩu trang. Sau khi tiếp xúc nên sử dụng thuốc dự phòng theo đúng phác đồ.
Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, đau họng, viêm amiđan, sưng quanh cổ... cần đến khám tại các cơ sở y tế. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Ngày 15-7, UBND tỉnh Bình Phước đã ký quyết định công bố dịch bệnh bạch hầu quy mô cấp huyện trên địa bàn tỉnh nhằm tránh dịch bệnh lây lan sau khi có 3 người trẻ tử vong (Tuổi trẻ trang 14).
Sẽ đánh giá chất lượng nước tại nơi từng bị ảnh hưởng của Formosa
Ngày 27.7, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Viện đang có kế hoạch thăm dò, triển khai lấy mẫu nước biển, nước sinh hoạt tại các vùng từng bị ảnh hưởng do chất thải từ Formosa (Hà Tĩnh). Ngày 27.7, TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Viện đang có kế hoạch thăm dò, triển khai lấy mẫu nước biển, nước sinh hoạt tại các vùng từng bị ảnh hưởng do chất thải từ Formosa (Hà Tĩnh). Các xét nghiệm nhằm xác định chất lượng nước, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp cho các hoạt động: đánh bắt cá, khai thác du lịch biển và sử dụng nước sinh hoạt hằng ngày của người dân. Mỗi địa phương cần lấy khoảng 200 mẫu nước biển gần bờ và xa bờ, nước sinh hoạt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ngành y tế sẽ phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện quan trắc môi trường liên tục tại một số khu dân cư xung quanh nhà máy Formosa, để đánh giá có tác động đến sức khỏe người dân hay không; đồng thời đánh giá và công bố về độ an toàn của nước biển trong thời gian sớm nhất (Thanh niên trang 2).
Thiệt thòi do khoảng trống pháp lý về bảo hiểm y tế
Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT (trong đó có đối tượng học sinh) khi phân chia thời gian đóng BHYT thành nhiều đợt, có thể đóng ba tháng, sáu tháng, 12 tháng. Nhưng vẫn có một khoảng trống pháp lý liên quan thời gian tham gia BHYT của học sinh, đó là học sinh sau khi tốt nghiệp THPT chưa có hướng dẫn tham gia BHYT như thế nào cho phù hợp.
Theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, thẻ BHYT của học sinh lớp 12 có thời hạn sử dụng từ ngày 1-1 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học. Thông thường, các địa phương hướng dẫn tham gia đến 31-5. Hết thời hạn nêu trên, về nguyên tắc, học sinh tốt nghiệp lớp 12 bắt buộc phải tham gia tiếp BHYT. Nếu học sinh đó sống ở nhà với gia đình thì rất thuận tiện để tham gia ngay BHYT theo diện hộ gia đình. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện tiếp BHYT của đối tượng này đang phát sinh nhiều tình huống bất cập. Chẳng hạn, trường hợp học sinh tiếp tục học cao đẳng, đại học hay đi làm công nhân thì trong thời gian chờ đợi nhập học, đi làm (thường là vài tháng), người đó sẽ tham gia BHYT theo diện nào? Nếu tham gia theo diện BHYT hộ gia đình thì bản thân người đó cũng không quyết định được thời gian tham gia bao lâu, trong khi luật BHYT ấn định mức tham gia là ba tháng, sáu tháng, 12 tháng. Rắc rối nữa là đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu ở quê nhưng tạm trú, KCB sẽ ở một nơi khác? Hiện cũng chưa có quy định về chế độ giảm, hỗ trợ khi tham gia BHYT “tạm"; thủ tục chuyển BHYT khi tách từ gia đình tới nơi học tập, làm việc mới...
Thực tế, nhiều trường hợp học sinh đã bỏ trống không tham gia BHYT trong lúc “giao thời” này để chờ tham gia BHYT ổn định, đúng đối tượng và được hưởng 30% mức hỗ trợ tại nơi học tập, làm việc mới. Nhưng ít ai lường trước được, nếu chẳng may bị ốm đau, đi bệnh viện trong thời gian đó, học sinh sẽ không được hưởng quyền lợi KCB BHYT. Thực tế vừa qua, đã xảy ra trường hợp đáng tiếc: Một em học sinh lớp 12 ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long vừa thi tốt nghiệp THPT, có thẻ BHYT hết hạn vào ngày 31-5 thì ngày 5-7 em bị ong đốt. Do bệnh nhân bị tổn thương nặng, phù phổi, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) quyết định áp dụng kỹ thuật điều trị rất đắt tiền để duy trì sự sống cho em là chạy ô-xy hóa máu qua màng ngoài cơ thể. Gia đình đã tá hỏa khi biết thẻ BHYT của con mình hết hạn và BHYT không chi trả chi phí KCB. Được biết, đến nay tổn thương phổi của bệnh nhân đã giảm, nhưng gánh nặng cho gia đình là phải thanh toán 150 triệu đồng tiền chi phí KCB. Việc tăng giá dịch vụ y tế từ ngày 1-3 vừa qua và lộ trình điều chỉnh trong thời gian tới đã và sẽ tạo ra gánh nặng chi trả chi phí KCB đối với những người không có thẻ BHYT.
Từ thực tế nêu trên, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần sớm nghiên cứu và có hướng dẫn phù hợp về phương thức tham gia BHYT của học sinh lớp 12 sau khi kết thúc năm học. Trước mắt, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần nắm tình hình nhóm đối tượng nêu trên để tuyên truyền tham gia BHYT theo diện hộ gia đình đối với những trường hợp có thể tham gia. Phụ huynh và học sinh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm và quyền lợi tham gia BHYT, kiểm tra thời hạn thẻ BHYT để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc tương tự như nêu trên (Nhân dân trang 1).
Hà Nội triển khai các giải pháp tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế
Là một trong những địa phương vừa được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 90,1% vào năm 2020, TP Hà Nội đã nhanh chóng đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu này. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức linh hoạt các đại lý thu BHYT và tăng mức hỗ trợ cho học sinh địa bàn khó khăn.
Đến nay, tỷ lệ số dân trên địa bàn thành phố tham gia BHYT đạt 78,2%. Trong khi phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình tại nhiều địa phương đang gặp khó khăn thì Hà Nội đã thu được kết quả khả quan từ mô hình trung tâm y tế làm đại lý thu BHYT tại địa bàn huyện Sóc Sơn. Nói về hiệu quả của mô hình này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thủy cho biết, bên cạnh các đại lý thu tại UBND, bưu điện xã, từ tháng 12-2015, địa bàn huyện đã mở thêm đại lý thu BHYT tại trung tâm y tế huyện với 26 “chân rết” ở các trạm y tế xã. Kết quả sau sáu tháng triển khai, với các loại hình đại lý, số người dân tham gia BHYT hộ gia đình tăng 15 nghìn thẻ . Trong đó, đại lý thu của trung tâm y tế thu hút được nhiều người dân tham gia BHYT nhất, với gần năm nghìn đối tượng. So sánh hiệu quả với các đại lý khác, bà Nguyễn Thị Thủy cho biết, trung tâm y tế có ưu thế hơn so với các đại lý khác trong việc tuyên truyền cho người dân tham gia BHYT. Các cán bộ y tế vừa trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân vừa tuyên truyền BHYT sẽ thuyết phục được người dân hiểu hơn về lợi ích của việc tham gia BHYT.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn hơn một triệu đối tượng chưa tham gia BHYT. Để đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng đã được Chính phủ giao, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, các đại lý thu cần phải tổ chức linh hoạt ở các địa bàn, nơi nào các tổ chức, đơn vị như: Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Trung tâm y tế… phát triển mạnh và hoạt động có hiệu quả thì mở đại lý thu BHYT tại đó. Các đại lý phải cải cách thủ tục hành chính, công tác tuyên truyền vận động phải đến từng hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1167/QĐ-TTg ngày 28-6-2016. BHXH thành phố Hà Nội cũng sẽ đánh giá lại hoạt động của các đại lý trên toàn thành phố, loại bỏ những đại lý không hiệu quả, bố trí những cán bộ nhiệt tình, am hiểu về chính sách BHYT để hình thành những đại lý thu chuyên nghiệp phục vụ người dân. Thực tế, thời gian qua có những đại lý không phát triển được đối tượng nào vì không chủ động tuyên truyền, ngồi chờ người dân đến đăng ký tham gia và chỉ phục vụ hạn chế vào những ngày giờ nhất định. Người dân cũng sẽ được bảo đảm lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu theo quy định, có danh sách dán công khai tại các điểm thu BHYT.
Trên địa bàn TP Hà Nội cũng tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học nhưng tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên mới đạt 88,7%. Hiện vẫn còn khoảng 76 nghìn sinh viên và gần 118 nghìn học sinh chưa tham gia BHYT, trong khi chỉ tiêu đề ra 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT vào cuối năm nay. Tình trạng sinh viên không tham gia BHYT từ năm học thứ hai là khá phổ biến, đơn cử như địa bàn huyện Ba Vì có 1.539 sinh viên nhưng chỉ có 195 sinh viên tham gia BHYT; huyện Hoài Đức có 2.266 sinh viên, chỉ có 525 sinh viên tham gia BHYT. Vào năm học sắp tới, do điều chỉnh tăng lương cơ sở, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên tăng từ 434.700 đồng/năm lên 457.380 đồng/năm sẽ có tác động đến tài chính của người dân, nhất là những hộ có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp. Trong khi đó, số học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần phải được hỗ trợ mức đóng tham gia BHYT tập trung khá nhiều ở các huyện ngoại thành. Vì vậy, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT, gắn trách nhiệm của lãnh đạo các trường và đưa vào tiêu chí thi đua hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, sẽ phối hợp với một số sở, ngành đề xuất UBND thành phố Hà Nội tăng thêm mức hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho những học sinh phổ thông các huyện ngoại thành, nâng mức hỗ trợ của đối tượng này lên 50%. Theo tính toán, BHXH thành phố Hà Nội, năm học này, số tiền hỗ trợ cần đến 80 tỷ đồng.
Là một địa bàn lớn có nhiều đơn vị doanh nghiệp hoạt động với số lượng lớn người lao động nhưng số người tham gia BHYT ở Hà Nội còn ít ỏi. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 40% số doanh nghiệp đóng BHYT, BHXH cho người lao động. Việc khó xác định số lao động, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn là trở ngại lớn nhất để mở rộng đối tượng tham gia BHYT. BHXH thành phố Hà Nội phấn đấu có hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động tham gia BHYT với giải pháp là rà soát các doanh nghiệp phát sinh mã số thuế để tuyên truyền, hướng dẫn tham gia BHYT. Với các doanh nghiệp đã tham gia BHYT, phải thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động thực hiện đầy đủ trách nhiệm đóng BHYT cho người lao động.
Bên cạnh đó, để tăng số người tham gia BHYT, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm sự hài lòng của người bệnh. Tại hội nghị bàn các giải pháp thực hiện chỉ tiêu BHYT mới đây, sau khi nghe đại diện Sở Y tế Hà Nội nêu các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đề nghị, ngành y tế không thể chỉ đưa ra các giải pháp mà sắp tới đây cần có cam kết thực hiện các giải pháp đó. BHXH sẽ giám sát việc thực hiện các quyền lợi cho người có thẻ BHYT, công khai các cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm quy định. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ giảm bớt các phàn nàn của người bệnh về những phiền toái trong thủ tục khám và chế độ hưởng khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT (Nhân dân trang 5).