Đã mắc sốt xuất huyết, vẫn có thể mắc lại
ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho biết, người đã mắc sốt xuất huyết (SXH) rồi vẫn có thể mắc lại nhiều lần và những lần sau thường dễ biến chứng nguy hiểm hơn…
Không chỉ tại các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay, nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện E, Bệnh viện Đống Đa… cũng đã bắt đầu quá tải bệnh nhân SXH.
Cả nhà nhập viện, tái mắc nhiều lần
Hai tuần trở lại đây, các điều dưỡng, bác sĩ ở Khoa bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E phải căng mình để khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc SXH do lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, khoa khám cho hơn 80 người dân mắc SXH, khoảng 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị.
Cao điểm vào ngày 24-7 vừa qua, số mắc SXH điều trị tại khoa lên đến 80 người, không đủ giường nằm nên các bác sĩ phải sàng lọc cho 40 bệnh nhân đã điều trị ổn định xuất viện. Thế nhưng, ngay đêm hôm đó, rạng sáng 25-7, lại có thêm 25 bệnh nhân mắc SXH mới được chuyển vào nhập viện, bệnh viện phải kê thêm nhiều giường xếp cho bệnh nhân nằm, đồng thời huy động toàn bộ nguồn nhân lực của khoa tập trung vào bệnh nhân SXH.
Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp, là một trong gần 70 bệnh nhân hiện vẫn đang phải điều trị tại Khoa bệnh Truyền nhiễm - Bệnh viện E. Lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150 - 500G/L).
Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân này dương tính với SXH Dengue, có SXH bội nhiễm. Theo lời kể của bệnh nhân B.T.L, tại cơ quan nơi anh làm việc cũng mới có người mắc SXH. Cạnh giường của bệnh nhân B.T.L là bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhập viện ngày 24-7 trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau, dương tính với SXH Dengue.
Bệnh nhân này cho biết, ở nhà anh có một người em vừa bị mắc SXH nhưng mọi người trong gia đình chủ quan, ngủ không mắc màn nên bị muỗi đốt, dẫn tới nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh. Bản thân anh N. trước đây cũng đã từng mắc bệnh SXH nhưng anh không nhớ rõ mình mắc SXH tuýp nào.
BSCKII Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện E cho biết, so với những đợt dịch SXH các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc SXH năm nay tại viện tăng gấp 2-3 lần. Qua điều trị thực tế, các bác sĩ gặp không ít bệnh nhân biến chứng nặng do SXH như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể SXH nặng hay nhẹ)…
Không được tự điều trị
Theo ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội, với bệnh SXH Dengue, người dân không nên chủ quan, càng không nên tự điều trị, bởi những người đã từng mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại.
Lý do vì virus Dengue gây bệnh SXH có tổng cộng 4 tuýp khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 nên khi nhiễm SXH Dengue thuộc tuýp này rồi thì vẫn hoàn toàn có thể mắc phải SXH Dengue ở 3 tuýp virus khác. Đáng chú ý, trong trường hợp mắc lại SXH lần 2 thì người bệnh nhiều nguy cơ có thể mắc những thể bệnh nặng hơn bởi miễn dịch của bệnh nhân đã có những phản ứng một phần của tuýp Dengue mắc phải trước đó.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền nêu rõ, tại Hà Nội, thời điểm này đang xuất hiện 3 tuýp dengue DEN-1, DEN-2, DEN-4. Sự xuất hiện của nhiều tuýp Dengue càng làm tăng nguy cơ phát triển dịch SXH Dengue, nhiều người mắc bệnh có thể nặng hơn. Do SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh mà chủ yếu điều trị triệu chứng và tùy thuộc đáp ứng cơ thể bệnh nhân nên nếu ca bệnh gặp biến chứng nặng thì việc điều trị rất phức tạp.
Đặc biệt, với những bệnh nhân có những bệnh lý nền kèm theo (tiền sử bệnh mãn tính) như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, xơ gan, béo phì, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai… càng cần phải chú ý hơn bởi họ dễ gặp biến chứng nặng hơn so với ca bệnh thông thường, tăng nguy cơ tử vong.
Trước những diễn biến khó lường của bệnh SXH thời điểm này, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người, nhất là những người sống trong vùng đang có dịch SXH nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Việc được phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ biến chứng nặng, tử vong (An ninh Thủ đô, trang 8).
Vụ trẻ ở Hưng Yên mắc sùi mào gà: Phạt y sĩ Hoàng Thị Hiền 100 triệu đồng
UBND tỉnh Hưng Yên đã xử phạt hành chính đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền (vụ việc khiến hàng chục bé trai bị lây nhiễm sùi mào gà tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) tổng số tiền 100 triệu đồng. Y sĩ Hiền còn chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 12 tháng. Theo đó, UBND tỉnh Hưng Yên quyết định xử phạt hành chính đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền (thôn Yên Vĩnh, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) có chứng chỉ hành nghề số 0003128/HY-CCHN do Sở Y tế Hưng Yên cấp ngày 31 tháng 12 năm 2014 với các hành vi vi phạm hành chính là "cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động". Mức phạt này là 50 triệu đồng.
Y sĩ Hiền cũng bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, nên bị phạt tiền ở mức 20 triệu đồng. Ngoài ra, y sĩ Hiền đã hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, xử phạt hành chính với mức là 30 triệu đồng.
Như vậy, tổng số tiền xử phạt hành chính đối với 3 lỗi vi phạm của y sĩ Hoàng Thị Hiền là 100 triệu đồng. Y sĩ Hiền còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 12 tháng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký (26/7) (Tiền phong, trang 6; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Đại học Y dược Thái Nguyên nói gì về tố cáo dấu hiệu sai phạm?
Ngày 24/7, báo Tiền Phong có bài: “Đại học Y dược Thái Nguyên: Bị thanh tra dấu hiệu tiêu cực trong đào tạo tiến sĩ”. Cùng ngày, Đại học Y dược Thái Nguyên có văn bản đề nghị Tiền Phong “không đăng tải thông tin như đơn thư tố cáo trong thời gian thanh tra”. Đại học Y dược Thái Nguyên cho biết, sẽ chủ động thông tin với báo Tiền Phong khi có kết luận chính thức của Đoàn thanh tra - Đại học Thái Nguyên.
Trước đó, một số giảng viên Đại học Y dược Thái Nguyên tố cáo nhiều dấu hiệu tiêu cực xảy ra tại trường này, trong đó có 2 nội dung chính là nghiên cứu sinh được tiết lộ danh tính người phản biện kín và việc bổ nhiệm một kế toán giữ 3 nhiệm kì.
Về những tố cáo trên, ngày 24/7/2017, Đại học Y dược Thái Nguyên có văn bản gửi báo Tiền Phong cho biết: Ngày 30/6, Đại học Thái Nguyên đã nhận được phiếu chuyển đơn của Thanh tra Bộ GD&ĐT về đơn thư tố cáo của công dân liên quan đến sai phạm tại Đại học Y dược thái Nguyên. Ngày 11/7, Giám đốc Đại học Thái Nguyên đã ra Quyết định 1341 thành lập Đoàn thanh tra để làm rõ nội dung tố cáo trong thời gian 30 ngày (không tính ngày nghỉ), kể từ ngày 18/7/2017 (Tiền phong, trang 10).
Phòng chống sốt xuất huyết không thể "hình thức"
Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 58 nghìn người mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 18 người chết. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện tăng 11,2%; số người chết tăng bốn người. 26 tỉnh, thành phố có số ca mắc tích lũy tăng cao so với cùng kỳ năm 2016, nổi lên là: Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ðà Nẵng, Bình Dương, Trà Vinh, Tây Ninh, Cà Mau… Ngành y tế dự báo, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh SXH vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, do hiện đang là mùa dịch, và mùa nóng kéo dài.
Nguyên nhân dịch bệnh gia tăng được cơ quan chuyên môn chỉ rõ là do biến động dân cư, số người giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, thời tiết có sự thay đổi, mùa hè đến sớm ở miền bắc, mùa mưa đến sớm ở miền nam, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn so với những năm trước dẫn đến bệnh phát triển nhanh. Trong khi đó, sự chủ động, phối hợp của người dân, các ban, ngành, đoàn thể tại một số địa phương chưa cao; việc phun hóa chất diệt muỗi, bọ gậy ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để; nhiều địa phương thiếu kinh phí…
Mặc dù vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng việc phòng bệnh hoàn toàn có thể thực hiện được, nếu người dân chủ động, tích cực tham gia diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt tại gia đình và cộng đồng, với tinh thần "không có bọ gậy, không có SXH". Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chủ quan, lơ là; chưa chủ động phòng chống dịch theo yêu cầu của ngành y tế. Tại TP Hà Nội, qua điều tra cho thấy số dụng cụ chứa nước là nơi muỗi vằn đẻ trứng tăng lên hằng năm. Có đến 20% số gia đình đi vắng khi cán bộ y tế đến phun thuốc diệt bọ gậy; 5% số gia đình không cho phun thuốc diệt muỗi và 7% số gia đình không hợp tác với cán bộ y tế...
Hiện đã là cuối tháng 7, dịch bệnh đã xảy ra ở 61 tỉnh, thành phố nhưng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống SXH năm 2017 của T.Ư vẫn chưa được cấp. Kinh phí của nhiều địa phương không có, hoặc rất hạn chế, cấp muộn, không bảo đảm nhu cầu phòng chống dịch bệnh, nhất là khoản dành cho công tác tuyên truyền, trả công cho người đi phun hóa chất, cho nên gặp nhiều khó khăn trong chống dịch. Các tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc SXH cao nhưng chưa được cấp kinh phí triển khai hoạt động như: An Giang, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ngãi… (chỉ mua hóa chất từ nguồn phòng chống dịch, chưa có kinh phí cho các hoạt động khác). Tại nhiều địa phương, đội ngũ cộng tác viên làm công tác dịch bệnh SXH ở cộng đồng không còn hoạt động do thiếu kinh phí.
Hàng loạt giải pháp phòng, chống dịch bệnh đã được ngành y tế đề ra như: giám sát, điều tra xử lý ổ dịch tại cộng đồng; cấp cứu, điều trị sớm cho người mắc SXH để hạn chế thấp nhất số người chết; bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế… Ngoài việc nhanh chóng giải quyết nguồn kinh phí để ngành y tế và các địa phương chủ động trong công việc, UBND các tỉnh, thành phố cần tìm thêm nguồn kinh phí địa phương cấp cho ngành y tế, nhất là kinh phí dành cho tuyên truyền, chi trả cho người tham gia phòng chống dịch trên địa bàn…
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo, trong đó đưa công tác phòng chống dịch SXH vào Nghị quyết chuyên đề để triển khai đến từng chi bộ, giao trách nhiệm cho các trưởng thôn, tổ trưởng dân phố đôn đốc người dân tham gia phòng chống dịch. Cần cương quyết xử lý, xử phạt những cá nhân, đơn vị, tập thể không hợp tác trong các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi. Ðồng thời, ngành y tế tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền với mục tiêu mọi cá nhân, tổ chức đều phải tự ý thức về việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh và khai báo cho cơ quan y tế khi mắc SXH… Có như vậy, mới khắc phục được tình trạng "hình thức" trong công tác phòng chống SXH (Nhân dân, trang 1).
Tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH). Công điện nêu rõ: Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước đã có hơn 58 nghìn người mắc SXH, trong đó có hơn 49 nghìn người nhập viện, 17 người chết. So với cùng kỳ năm 2016 số nhập viện tăng 11,2%, số người chết tăng ba người. Nhiều tỉnh, thành phố có số mắc cao và dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng, nhất là: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Tây Ninh, Sóc Trăng, Tiền Giang, Nam Định.
Để chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh SXH lan rộng, kéo dài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, diệt loăng quăng trên địa bàn, nhất là tại các công trường xây dựng, nhà trọ; phân công cụ thể nhiệm vụ cho chính quyền các cấp về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Chỉ đạo giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, tổ chức cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tăng cường kiểm tra, giám sát các điểm nguy cơ về dịch bệnh trên địa bàn; xử phạt các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Bố trí kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh SXH; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp để người dân chủ động, tích cực phòng, chống; đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia diệt loăng quăng tại gia đình và cộng đồng. Bộ Tài chính bố trí đủ kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh SXH (Nhân dân, trang 8; Công an Nhân dân, trang 1; Tuổi trẻ, trang 4).
Nhiễm khuẩn ở phòng khám, bệnh viện
Chỉ trong gần 3 tháng qua, đã có trên 50 trẻ dưới 15 tuổi, trong đó cháu nhỏ nhất mới 6,5 tháng tuổi ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, đều mắc một chứng bệnh lây qua đường tình dục: bệnh sùi mào gà.
Theo các bác sĩ, với nhiều loại bệnh, khi điều trị cho các cháu, nếu y bác sĩ sử dụng chung găng tay khi thăm khám cho nhiều trẻ hoặc dùng chung dụng cụ y tế chưa được tiệt khuẩn thì rất dễ bị lây nhiễm. Và nguy cơ lây bệnh không chỉ ở các phòng khám, mà ngay cả bệnh viện. Có nhiều căn bệnh lây qua đường hô hấp, lây qua tiếp xúc...
Càng đông, càng lây
Vụ dịch sởi năm 2014 làm gần 150 trẻ em tử vong là một điển hình của tình trạng lây lan bệnh dịch trong bệnh viện. Lật lại vụ việc cho thấy riêng ngày 17-4-2014, tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) có 33 bệnh nhi được chuyển từ các khoa khác đến điều trị sởi do bị lây từ mầm bệnh trong bệnh viện, cao hơn 6 lần so với trẻ mắc sởi từ cộng đồng vào viện cùng ngày (5 trẻ).
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa - phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, cúm, lao là những bệnh dễ lây nhất. Bệnh lây qua tiếp xúc như viêm gan, HIV, các bệnh nhiễm khuẩn thông thường cũng có thể lây lan nếu dùng chung một đôi găng tay cho nhiều người bệnh, mà một trong số đó có mầm bệnh.
“Càng đông người bệnh càng nguy cơ cao, nguyên tắc là mỗi khi chạm vào người bệnh, đặc biệt là người bệnh nặng đều phải rửa tay”- ông Khoa cho hay.
Dùng một đôi găng tay khám vài người
Các khảo sát nhỏ gần đây cho thấy khoảng 1/3 nhân viên y tế không rửa tay trước khi chăm sóc người bệnh. Trong số nhân viên có tuân thủ yêu cầu rửa tay, bác sĩ lại là nhóm ít tuân thủ nhất. Một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho biết quy trình thăm khám cho mỗi người bệnh cần một đôi găng tay, nhưng có tình trạng bác sĩ khám vài người bệnh mới thay một đôi.
“Khi bác sĩ đã đeo găng tay thì về bản chất họ không ngại chạm vào các chỗ bẩn, và nếu bàn tay đeo đôi găng bẩn đó thăm khám cho người bệnh khác thì vô tình bàn tay bác sĩ đã đưa vi khuẩn từ người này sang người kia, làm lây lan bệnh” - chuyên gia này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, BS Dương Đức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nhận xét khu vực công lập sẽ đảm bảo yêu cầu về chống nhiễm khuẩn tốt hơn các phòng khám tư, do đầu tư thiết bị chống nhiễm khuẩn tốt hơn.
Ông Hùng cho hay hiện đã có đơn vị phẫu thuật tim mạch thuộc Viện Tim mạch quốc gia thuộc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng hoàn toàn áo dùng một lần trong phòng mổ, do lo ngại máu người bệnh HIV hay viêm gan B dính vào áo vải có thể giặt không sạch, có nguy cơ nhiễm khuẩn sang người bệnh.
"Ngay cả ống nghe treo ở giường bệnh cũng đánh số giường nào ống nghe ấy, vì khi đặt ống nghe lên ngực người bệnh khác thì có thể mang vi khuẩn từ người bệnh đã dùng trước đó, trong khi bệnh nhân có vết mổ trên ngực" - BS Hùng nói (Tuổi trẻ, trang 10).
Không tự chữa trị, truyền dịch khi bị sốt xuất huyết
Tại buổi gặp mặt báo chí đẩy mạnh truyền thông về bệnh sốt xuất huyết (SXH) do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/7, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều người có tâm lý mắc SXH một lần, khỏi lo mắc lại. Thực tế, một người có nguy cơ mắc 4 lần SXH với 4 týp gây ra và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước. Do đó, người dân không được chủ quan, cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế để thực hiện việc phòng, chống dịch có hiệu quả. Đồng thời các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi người dân mắc SXH tuyệt đối không tự ý điều trị và truyền dịch khi chưa có sự chỉ định của thầy thuốc...
Nhận diện về muỗi gây SXH
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, cần phải nhận diện một cách rõ ràng về loại muỗi truyền bệnh, cách lây bệnh và các týp SXH để có cách chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hiện nay, có ba loại SXH: SXH Dengue; SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; SXH Dengue nặng. SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virut Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ hai, ba bởi những týp virut khác nhau. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virut, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh, muỗi lây bệnh SXH là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa....
Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.
Để các biện pháp phòng chống SXH hiệu quả, PGS.TS. Trần Đắc Phu đề nghị các địa phương bên cạnh các chiến dịch lớn phun hóa chất diệt bọ gậy quy mô lớn, cần tổ chức các chiến dịch nhỏ theo từng khu vực để tổng vệ sinh 2 tuần/lần, thực hiện 5 hành động để phòng chống dịch theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Phân tuyến điều trị SXH cụ thể
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê nêu rõ, do SXH hiện được phân theo 3 mức nên việc điều trị cũng được phân tuyến. Theo đó, tuyến xã chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXH Dengue; tuyến huyện chẩn đoán, điều trị, theo dõi, chăm sóc các trường hợp SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo; tuyến tỉnh và tuyến cuối tiếp nhận và điều trị các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nặng; khi quá khả năng của tuyến tỉnh thì chuyển tuyến cuối, tuyến Trung ương điều trị, hỗ trợ...
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, theo phân tích dịch tễ học SXH thì hiện nay, các ca mắc rơi chủ yếu vào lứa tuổi đang trong độ tuổi lao động. Số người cao tuổi mắc SXH dưới 5%, trẻ em cũng khoảng 5%. Việt Nam đang có những biện pháp khống chế được dịch bệnh, hạn chế tối đa tử vong. Đến nay, có 18/58.888 ca mắc SXH tử vong, chiếm 0,028%, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng khuyến cáo, nếu người dân trong vùng có dịch bị SXH mà điều trị ở nhà rất dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm, như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng, xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, thậm chí chết người. Vì thế, khi bị SXH người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Tự phun hóa chất diệt muỗi tại nhà: cẩn trọng
Tại cuộc gặp mặt báo chí, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, giám sát tình hình bệnh SXH, chúng tôi khẳng định không có hiện tượng biến đổi về chủng, gene gây bệnh. Bên cạnh đó, hóa chất Cục Y tế dự phòng cung cấp vẫn còn nhạy cảm, có tác dụng tốt trong tiêu diệt ổ muỗi. Thuốc chỉ có tác dụng với ổ muỗi trưởng thành, muốn chống SXH triệt để, người dân phải thường xuyên liên tục diệt bọ gậy hằng ngày, không để bất cứ dụng cụ chứa nước nào không có nắp đậy kín trong nhà.
Hiện nay có thực tế là trước sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh SXH, không ít gia đình lo lắng nên đã tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hóa chất để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà. Tuy nhiên, theo ông Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.
“Trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc/ hóa chất diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên người dân cần lưu ý, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khỏe con người” - BS. Dũng nói
Các chuyên gia cũng cảnh báo, rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).