Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/9/2022

  • |
T5g.org.vn - Hàng chục người nhập viện vì mắc nấm đen hiếm gặp, bác sĩ cảnh báo loại bệnh truyền nhiễm mới nổi; Thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa; Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh; Xuất hiện các chuỗi lây nhiễm Adenovirrus, Hà Nội yêu cầu không để bùng phát thành dịch…

 

Hàng chục người nhập viện vì mắc nấm đen hiếm gặp, bác sĩ cảnh báo loại bệnh truyền nhiễm mới nổi

Tại BV Bạch Mai đã có khoảng hơn 20 trường hợp nấm đen nhập viện điều trị. Đây là một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra, thường ảnh hưởng đến xoang, mắt, phổi, da và não, nhất là trên những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Từ đầu năm 2020, đặc biệt sau khi xuất hiện làn sóng COVID-19, số lượng bệnh nhân bị nấm đen tăng nhanh. Tại Bệnh viện Bạch Mai cho đến nay đã có khoảng hơn 20 trường hợp nấm đen nhập viện điều trị. Các bệnh nhân nhiễm nấm đen đến chủ yếu từ các khoa Tai mũi họng, Hồi sức tích cực, Thần kinh, Mắt, Nội tiết - Đái tháo đường,…

Đa số các bệnh nhân này đều có bệnh nền khi nhập viện và trong tình trạng nhiễm trùng nặng, có các tổn thương nhiễm nấm ăn từ xoang lan lên xương hàm, ổ mắt, hệ thần kinh…

Theo các bác sĩ, nấm đen là dạng nấm xâm nhập đã được y văn thế giới nhắc đến, đặc biệt là tại Ấn Độ trong giai đoạn vừa qua với số lượng bệnh nhân tăng đột biến, là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao sau khi nhiễm COVID -19.

Để có thêm thông tin về loại bệnh truyền nhiễm mới nổi này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai.

- Bác sĩ có thể chia sẻ một vài thông tin cơ bản về bệnh nấm đen?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Nấm đen là một bệnh nhiễm trùng mới nổi nghiêm trọng do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Nhóm nấm Mucor tạo ra hàng triệu bào tử lơ lửng trong không khí và thường phát triển vào mùa hè và mùa thu, những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có các chất hữu cơ thối rữa: lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất, chúng bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. Nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường:

Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang;
Xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.
Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh là:

Người từng mắc COVID-19;
Người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton;
Người mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài, người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV, người bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng, trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng,…

- Nấm đen là một bệnh truyền nhiễm mới nổi. Vậy đâu là dấu hiệu đặc trưng để xác định và chẩn đoán căn bệnh này?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Bệnh nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển. Nó có thể dẫn đến mũi bị hoại tử thâm đen hoặc đổi màu, đau mặt, đau vùng xoang lan lên mắt, đau đầu, đau ngực, khó thở và ho ra máu,... Nấm đen gây ra 5 dạng bệnh cảnh như sau:

- Nhiễm trùng xoang và não: Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Các dấu hiệu của dạng bệnh này như sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.

- Viêm phổi với các dấu hiệu: Khó thở hoặc thở gấp; tức ngực; sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu.

- Nhiễm trùng da và niêm mạc: Thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu: Đau vùng mặt sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da, rồi xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi, lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử.

 Nhiễm trùng đường tiêu hoá: thường ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi với các dấu hiệu: buồn nôn và nôn, đau bụng hoặc đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.

- Nhiễm nấm đen mucormycosis lan tỏa: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh mạn tính do vậy các dấu hiệu bệnh khó phân biệt với các bệnh đang có sẵn. Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương gây tình trạng như hôn mê hoặc rối loạn ý thức. Các dấu hiệu có thể gặp: sưng mí mắt dưới hoặc trên (hoặc cả hai), chảy mủ ra khỏi mắt; tê liệt các cơ mí mắt, bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài, toàn thân suy sụp.

Chẩn đoán bệnh nấm đen hiện nay dựa vào bệnh cảnh lâm sàng kết hợp với xét nghiệm nuôi cấy hoặc giải phẫu bệnh có ý nghĩa trong việc xác định chẩn đoán. Tuy vậy việc chẩn đoán cũng còn khó khăn vì triệu chứng lâm sàng đa dạng, phức tạp, bệnh phẩm nuôi cấy khó mọc cũng như cần có các nhà giải phẫu bệnh học có kinh nghiệm để đọc tiêu bản.

- Xin bác sĩ chia sẻ những khó khăn đang gặp phải hiện nay trong điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm nấm đen?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ có hướng dẫn chung cho các bệnh nhân nhiễm nấm, chưa có hướng dẫn dành riêng cho bệnh nhân nhiễm nấm đen. Hiện việc điều trị nấm đen đang sử dụng các thuốc chống nấm truyền tĩnh mạch là Amphotericin B, thời gian giai đoạn tấn công là 2-4 tuần. Tuy nhiên thuốc này có nhiều độc tính và rất đắt tiền, BHYT chỉ chi trả 50%.

Chúng tôi cũng gặp khó khăn nữa trong điều trị là hết giai đoạn tấn công, bệnh nhân khó để có thể tìm được thuốc cho giai đoạn duy trì, đó là thuốc Posaconazol hoặc Isavuconazol. Đây là các thuốc khó tìm tại thị trường Việt Nam và rất đắt tiền nên bệnh nhân thường bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị, do đó bệnh dễ bị tái phát trở lại, nấm có thể ăn sâu thêm và tổn thương nặng nề hơn. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao cho nhóm bệnh này.

Qua đây chúng tôi cũng kính đề nghị Bộ Y tế sớm đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho loại bệnh này, nhập được thuốc và có chính sách BHYT chi trả cho những bệnh nhân nhiễm nấm đen.

 - Vậy để phòng căn bệnh nấm đen này người dân cần chú ý gì thưa bác sĩ?

PGS.TS Đỗ Duy Cường: Hiện tại, không có thuốc hay vacine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen. Để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, hậu COVID-19,.. nên chú ý:

+ Tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực có nhiều khói bụi.

+ Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất.

+ Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da.

+ Nếu bạn đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để được dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do nấm.

+ Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế lưu ý: Khử trùng các thiết bị được sử dụng bởi nhiều bệnh nhân (ống khí quản, máy thở, mặt nạ phun khí dung…); Hệ thống thông gió; Xử lý vết thương đúng cách…

+ Điều trị và kiểm soát tốt bệnh nền. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm đen cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và phát hiện, điều trị thuốc chống nấm sớm, đúng phác đồ để hạn chế tỷ lệ tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

 

Thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa

Ngày 27.9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khởi động triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (TelePrEP), có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, TP phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV, trong đó 996 người nhiễm có hộ khẩu TP, 1.762 người không có hộ khẩu TP. Nam giới chiếm 92% trong tổng số ca nhiễm; 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); 26% ca nhiễm có độ tuổi từ 22 trở xuống (trong độ tuổi sinh viên, học sinh), 62% ca nhiễm từ 23 - 40 tuổi.

Trước tình hình dịch HIV có xu hướng tập trung trên nhóm MSM, ngành y tế TP truyền thông thay đổi hành vi; giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm HIV; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)...

Tại TP.HCM, điều trị PrEP được triển khai thí điểm lần đầu vào tháng 3.2017. Đến cuối tháng 6.2022, TP đã mở rộng điều trị PrEP tại 33 cơ sở y tế công, tư. Khó khăn hiện nay là vẫn còn tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, trên nhóm người sử dụng điều trị PrEP, nhóm MSM... khiến họ ngại đến các cơ sở y tế để nhận các dịch vụ liên quan dự phòng lây nhiễm HIV. Do đó, việc điều trị PrEP từ xa (TelePrEP) là một trong những hoạt động giúp những người có nhu cầu thuận tiện tiếp cận dịch vụ.

Từ 1.8.2022, TP.HCM đã lựa chọn 11/33 cơ sở đang cung cấp dịch vụ điều trị PrEP để triển khai thí điểm điều trị TelePrEP với 60 khách hàng đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức TelePrEP. Chương trình sẽ kéo dài đến 30.4.2023...

Với điều trị TelePrEP, không cần tới phòng khám, bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị công nghệ để thực hiện việc khám, tư vấn và điều trị; cấp phát thuốc thông qua đơn vị vận chuyển. Với mô hình này, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa các mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, đảm bảo sự linh hoạt, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện; dự phòng HIV kịp thời cho các nhóm đích, góp phần giúp TP.HCM đạt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. (Thanh niên, trang 15).

 

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng nhanh

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 24.9, Hà Nội ghi nhận 3.800 ca mắc sốt xuất huyết , 5 ca tử vong; số ca mắc tăng 1,8 lần so với số ca mắc trung bình 5 năm gần đây; tăng khoảng 4 lần so với cùng kỳ 2021.
Đáng chú ý, tuần gần đây, số ca mắc có dấu hiệu tăng nhanh, ở mức gần 800 ca/tuần. Bệnh nhân sốt xuất huyết đã ghi nhận tại 30/30 quận, huyện; 395/579 xã, phường, thị trấn. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo dịch sốt xuất huyết Dengue sẽ tiếp tục gia tăng.

CDC Hà Nội duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố; tiếp tục giám sát, điều tra, đánh giá diễn biến và xử lý dịch; tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng và trong các bệnh viện để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh; hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng. Đặc biệt, chú trọng giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao và ổ dịch cũ; triển khai ngay các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng tại các khu vực có ca bệnh, ổ dịch nhằm đảm bảo hiệu quả và triệt để trước khi phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch. (Thanh niên, trang 15).

 

Xuất hiện các chuỗi lây nhiễm Adenovirrus, Hà Nội yêu cầu không để bùng phát thành dịch

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC thành phố điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do Adeno virus, không để bùng phát thành dịch, nhất là khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh…Trước tình hình bệnh nhân mắc Adeno virus có xu hướng gia tăng, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adeno virus.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ cuối tháng 8-2022 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghi nhận hơn 1.400 ca nhiễm Adeno virus, 80% trong số bệnh nhân này là bệnh nhi tại các quận, huyện của Hà Nội.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.020 bệnh nhân dương tính với Adeno virus, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong tại 3 quận, huyện: Tây Hồ, Mỹ Đức và Phú Xuyên. Một số quận, huyện ghi nhận số mắc cao như: Long Biên (147 ca), Hà Đông (87 ca), Nam Từ Liêm (82 ca), Hoàng Mai (75 ca).

Vì thế, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm Adeno virus.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành; các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng... cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện đảm bảo an toàn người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội giao cho Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm Adeno vi rút cho các đơn vị trong ngành.

Về công tác phòng chống, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do Adeno virus, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch để tham mưu biện pháp phòng chống phù hợp.

Trong đó, Sở Y tế lưu ý phải điều tra dịch tễ, xử lý các chuỗi lây nhiễm do Adeno virus, không để bùng phát, kéo dài, đặc biệt khi xuất hiện tình trạng lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh. (Thanh niên, trang 6).

 

Hà Nội mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021). Riêng tại Hà Nội, có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên vì chủ quan không đi tiêm phòng. 

Chiều 27-9, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống bệnh dại 28-9. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 59.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc xin phòng dại.

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Cùng với đó, trung bình hằng năm, có khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại với chi phí ước tính hơn 300 tỷ đồng/năm.

Báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế địa phương, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 40 người tử vong do bệnh dại tại 16 tỉnh, thành phố (tăng 2 ca tử vong so với cùng kỳ năm 2021), trong đó, nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre (12 ca), Kiên Giang (5 ca) và Gia Lai (4 ca).

Đáng lưu ý, thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. 

Còn tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vắc xin sau khi bị chó cắn. 

Cụ thể, các năm 2017-2018, ngoài các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người, Hà Nội còn ghi nhận các ổ dịch dại trên động vật tại các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai. Năm 2020-2021, ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người tại 2 quận Cầu Giấy và Hoàng Mai. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại huyện Phú Xuyên vì chủ quan không đi tiêm phòng. (Hà Nội mới, trang 5).

 

Các cơ sở y tế quá tải, bệnh viện nghìn tỉ bỏ hoang: Sự lãng phí... đau lòng

Tình trạng “dịch chồng dịch” đang hiện hữu. Chưa lúc nào, áp lực lên hệ thống y tế lớn như hiện nay. Người dân khổ sở đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là trẻ em - đối tượng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh và tình trạng quá tải bệnh viện. Trong khi đó, 2 bệnh viện đầu tư cả nghìn tỉ đồng là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 vẫn đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín. Nếu không quyết liệt giải quyết, sẽ là sự lãng phí đau lòng trước nỗi khổ của người bệnh.

Cả nhà vào viện chăm trẻ ốm, vạ vật cả đêm

Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức luôn là 2 "điểm nóng" về quá tải bệnh viện trong nhiều năm qua. Ghi nhận của phóng viên cho thấy, hầu hết các ngày trong tuần đều rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng. Đặc biệt, tại các khu vực chụp chiếu, siêu âm, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi từ sáng đến trưa mới đến lượt, không ít người tỏ ra bức xúc khi phải chờ lâu.

Bệnh viện Nhi Trung ương - tuyến nhi khoa cao nhất - điểm nóng về cấp cứu và điều trị các bệnh nhi mắc các bệnh đường hô hấp trong thời gian qua. Tình trạng "dịch chồng dịch" đang hiện hữu, khiến cho số lượng bệnh nhi tăng cao, nhiều cháu phải nhập viện điều trị. Ghi nhận của phóng viên tại các khu vực trong bệnh viện như cấp cứu, khoa khám bệnh, khu vực nội trú… cho thấy các phòng bệnh đều kín giường bệnh, kín bệnh nhân.

Cả nhà vào viện chăm con là chuyện có thật, khi 2 bé nhà chị Nguyễn Minh An (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) cùng lúc nhiễm adeno virus. Cháu nhỏ sốt cao, quấy khóc còn cháu lớn bị nặng hơn, phải cấp cứu vì suy hô hấp. 

"Nhà tôi có 2 cháu đều phải nằm viện. Cháu lớn thì đã nằm gần chục ngày, cháu 11 tháng thì hôm nay là ngày đầu tiên. 2 vợ chồng tôi đều vào viện, mỗi người chăm sóc 1 bé. Mà bệnh nhi thì đông quá, nằm kín hết các giường bệnh. Tôi phải đặt giường dịch vụ, phòng ít người hơn để tránh lây nhiễm thêm các bệnh khác cho các cháu"- chị Nguyễn Minh An chia sẻ. 

Dù là buổi tối, nhưng các y bác sĩ trực vẫn tất bật chạy các phòng bệnh, chăm sóc điều trị cho bệnh nhi. Trong khi đó, vào thời điểm ban ngày, không ít người dân các tỉnh mang con lên Hà Nội khám bệnh từ tờ mờ sáng, có khu vực không còn đủ ghế cho người ngồi chờ, không ít ca muốn nhập viện nhưng bệnh viện đã không tiếp nhận vì không đủ điều kiện nhập viện, đồng thời hạn chế tình trạng quá tải. 

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện E cũng khẳng định các y bác sĩ tại đây cũng đang đương đầu với tình trạng quá tải vì lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, do dịch chồng dịch. 

Tại bệnh viện Xanh Pôn, khu vực nội trú, các giường bệnh đều kín bệnh nhân, nhiều giường phải ghép 2-3 cháu, người nhà bệnh nhân thì kê giường gấp nằm dưới, nhiều người thì vạ vật ở hành lang, ghế đá ở bên ngoài phòng bệnh.

2 bệnh viện nghìn tỉ vẫn bỏ hoang sau 8 năm khởi công

Quá tải bệnh viện là vậy, thế nhưng nghịch lý chớ trêu là bệnh viện nghìn tỉ đã được xây dựng lại bỏ hoang, không hoạt động, không thể tiếp đón bệnh nhân.

Cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Đây cũng là lần đầu tiên nước ta có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cơ sở 2 của 2 bệnh viện nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân. Mục tiêu phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân các tỉnh Bắc Trung Bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng. Mục đích nhằm giảm quá tải các bệnh viện tuyến trên khi đó đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Ngày 21.10.2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian từ tháng 3.2019 đến tháng 3.2020 rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng COVID-19. Trong khi đó, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Và từ đó cho đến nay, bệnh viện bị bỏ hoang, cỏ dại mọc kín lối đi, các hạng mục xuống cấp theo thời gian. 

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết trước đó, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai từng được đưa vào sử dụng một phần, cụ thể là khu vực phòng khám. Tất cả các trang thiết bị máy móc đều được mang từ cơ sở 1 xuống.

Ban đầu, phòng khám này thu hút 500 - 600 bệnh nhân đến khám/ngày. Tuy nhiên thời gian sau, do có nhiều bất cập nên số bệnh nhân giảm. Cụ thể, tại đây chỉ có chức năng thăm khám, không điều trị nội trú. Bệnh nhân nặng, cấp cứu phải chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Các ca bệnh khó không đủ máy móc, trang thiết bị chẩn đoán phải chuyển về cơ sở 1. Với khám ngoại trú, bệnh nhân không đi đúng tuyến không được thanh toán bảo hiểm…

"Mấy năm hoạt động tại cơ sở 2, bệnh viện cũng phải bù lỗ" - PGS Đào Xuân Cơ cho hay. Hiện nay, toàn bộ số máy móc, trang thiết bị trước đó đưa xuống cơ sở 2 đã được đưa về cơ sở 1.

Từ năm 2018, cả hai dự án tạm dừng xây dựng. Hiện nay cả 2 bệnh viện đều đang đóng cửa, tiến độ giải ngân mới đạt hơn 55% và 57%.

Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, cụ thể là thực hiện các hợp đồng xây dựng, nên phát sinh các vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.

Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá.

Năm 2019, Bộ Y tế đã xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31.12.2020. Tuy nhiên đến nay, cả hai bệnh viện này vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Nhiều hạng mục vẫn chưa hoàn thành. Phần lớn trang thiết bị y tế chưa được mua sắm, lắp đặt. (Lao động, trang 1).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang