Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/9/2023

  • |
T5g.org.vn - Gần 88.000 ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nặng; Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ; Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch Covid-19 thuộc nhóm A; 64 ca tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm; Em bé 6,1kg chào đời ở Hà Tĩnh; Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư hạch

 

Gần 88.000 ca sốt xuất huyết, nhiều bệnh nhân nặng

Kể từ đầu năm, cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 người tử vong. Tại Hà Nội, số ca mắc đang tăng rất nhanh, số lượng bệnh nhân nhập viện ở thể nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng tăng theo.

Trong khi số ca mắc SXH tại TPHCM và một số địa phương đang giảm, con số ở Hà Nội lại tăng nhanh. Ba tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, Hà Nội ghi nhận 2.000 ca mắc. Từ đầu năm 2023 đến ngày 24/9, thành phố ghi nhận 12.776 ca mắc với 3 trường hợp tử vong.

Tính đến nay, thành phố ghi nhận 870 ổ dịch, hiện còn 257 ổ dịch đang hoạt động. Tổng số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện là 2.286, trong đó có 9 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Tại 2 cơ sở của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời điểm hiện tại điều trị 157 ca SXH, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo, 1 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy. Tương tự, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), số ca bệnh SXH chiếm 1/3 số bệnh nhân…

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, số ca mắc SXH đến thăm khám cũng tăng. Cộng dồn đến nay, bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị hơn 300 người mắc SXH, trong đó có một số trường hợp nặng. Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa có nhiều ca nặng, trong đó có những bệnh nhân xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu cam không cầm, hay bị cô đặc máu...

Các chuyên gia dịch tễ nhận định, thời tiết hiện nay mưa nhiều, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-320C là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Ngoài ra, hiện nay, sinh viên từ các tỉnh lân cận bắt đầu về Hà Nội nhập học cũng tạo điều kiện để lây lan dịch bệnh.

Bác sĩ, Th.S Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khuyến cáo: “Trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, do đó người bệnh nên đi khám làm xét nghiệm chuẩn đoán mắc SXH Dengue và xét nghiệm chỉ số Hematocrit nền.

Bệnh nhân nên bù nước điện giải bằng đường uống, hạn chế truyền dịch, không tự ý truyền dịch tại nhà” (Tiền phong, trang 4).

 

Không chủ quan với bệnh đậu mùa khỉ

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ, trong đó 2 ca được phát hiện vào tháng 10/2022 có dịch tễ từ nước ngoài về; 2 ca vừa phát hiện tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh qua điều tra dịch tễ, trong 20 ngày qua cả hai bệnh nhân không đi nước ngoài, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhiều khả năng đây là các ca bệnh nội địa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), báo cáo dịch tễ đậu mùa khỉ tháng 9 (tính đến ngày 19/9), thống kê trong 4 tuần trước đó (18/8-11/9) toàn cầu có thêm 1.131 ca mới, trong đó khu vực dịch tễ Tây Thái Bình Dương (là khu vực bao gồm Việt Nam) chiếm 57% số ca bệnh (548 trường hợp), khu vực dịch tễ Đông Nam Á bên cạnh xếp thứ hai với 136 trường hợp.

Đánh giá nguy cơ để phòng ngừa phù hợp

Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hai bệnh nhân đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2022 có dịch tễ đi từ Dubai về, đã xuất viện sau 3 tuần điều trị. Hai bệnh nhân mới nhất được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, trong đó nam bệnh nhân trú tại Đồng Nai (tạm trú tại TP Hồ Chí Minh) và người yêu ở Bình Dương.

Triệu chứng khởi phát của nam bệnh nhân là nổi hạch bên bẹn, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2- 3 mụn nước nhỏ. Sau đó, nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân, ngứa và khó chịu. Hiện cả hai đang được cách ly, điều trị, không có sang thương mới.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã xác định được 8 người tiếp xúc gần với nam bệnh nhân và 3 người tiếp xúc với nữ bệnh nhân, đều được xét nghiệm và cách ly theo dõi.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, cả hai bệnh nhân chỉ ở Việt Nam, không đi nước ngoài. Điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên quan đến nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh nội địa. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo CDC TP với CDC Bình Dương và Đồng Nai đều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại, tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, 2 ca mắc đậu mùa khỉ hiện chưa rõ nguồn lây, do đó cần giám sát, điều tra dịch tễ xem xem có tiếp xúc với những người đi từ vùng dịch về hay không. Ngoài ra, cần giám sát ở cộng đồng xem có bệnh nhân nào mới không. Từ đó, đánh giá nguy cơ lây lan bệnh. Mặt khác, cần tăng cường giám sát ở cửa khẩu, đặc biệt là những người đi từ vùng dịch tễ về.

Đánh giá về tình hình lây lan, ông Phu cho rằng, nguy cơ lây bùng phát bệnh đậu mùa khỉ thành dịch lớn là thấp, bởi đây không phải là bệnh lây trong nhóm cộng đồng lớn. Người dân không nên quá hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân, như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường…

Theo ông Phu, quan trọng nhất hiện nay là đánh giá nguy cơ, nguy cơ đến đâu, đáp ứng phòng bệnh đến đó, dịch sẽ không rơi vào tình trạng bùng phát mất kiểm soát. Đánh giá nguy cơ quan trọng trong lúc này bởi có rất nhiều bệnh dịch khác đang bùng phát như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng…

Chưa có vaccine, tăng cường phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa có bộ kít xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, trước mắt chẩn đoán bệnh cần dựa vào triệu chứng lâm sàng để sàng lọc. Sau này có các chẩn đoán cận lâm sàng đặc hiệu sẽ áp dụng. Bệnh đậu mùa khỉ chưa có vaccine đặc hiệu, trên thế giới hiện chỉ tiêm vac_cine đậu mùa.

Theo WHO, đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vaccine đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện, một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vac_cine phòng bệnh đậu mùa thế hệ mới để sử dụng phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ lây qua tiếp xúc khoảng cách gần với người bệnh bao gồm qua tiếp xúc mặt với mặt, cọ xát da với da, miệng với miệng hoặc miệng với da, gồm cả quan hệ tình dục. Bệnh thường diễn biến qua 2 giai đoạn, giai đoạn sốt kéo dài 0-5 ngày với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, đau lưng, đau cơ, hạch lympho viêm và sưng đau, kiệt sức. Giai đoạn phát ban ngoài da (mụn nước, mụn mủ) thường bắt đầu từ 1-3 ngày sau khi xuất hiện sốt. Ngoài ở mặt, lòng bàn tay, bàn chân, nốt phát ban hay gặp niêm mạc miệng, niêm mạc sinh dục và kết mạc. Hầu hết triệu chứng của bệnh tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.

Để phòng bệnh, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn. Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời, đồng thời cần chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống). Khi quay trở về Việt Nam chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn (Công an nhân dân, trang 7).

 

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch Covid-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, hướng dẫn giám sát, điều trị liên quan đến dịch Covid-19 để các địa phương thực hiện khi công bố hết dịch Covid-19 nhóm A.
 Hôm nay 27.9, Bộ Y tế cho biết đã có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid- 19 thuộc nhóm A và bãi bỏ một số văn bản phòng, chống dịch Covid-19 do Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 (Ban Chỉ đạo) và Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Bộ Y tế nêu rõ trong hơn 3 năm qua, để phòng, chống dịch Covid-19, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch; trong đó có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ nên khi chuyển nhóm sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch đang được áp dụng.

Theo dự thảo quyết định kèm theo Tờ trình số 1247/TTr-BYT của Bộ Y tế, cùng với việc công bố hết dịch Covid-19 thuộc nhóm A và thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 thuộc nhóm B, trường hợp người bệnh Covid-19 đang điều trị trước ngày quyết định này có hiệu lực thì được tiếp tục áp dụng thanh toán theo quy định tại Nghị quyết số 80/2023/QH13 ngày 9.1 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 đến hết đợt điều trị.

Theo Bộ Y tế, hệ thống giám sát dịch trong các tháng gần đây không ghi nhận ca tử vong do Covid-19, số mắc mới thấp, dao động từ 12 - 70 ca/ngày; nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh nặng phải điều trị ECMO hoặc thở máy. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 266,53 triệu liều, trong đó các đối tượng nguy cơ cao đã tiêm các mũi nhắc lại, duy trì miễn dịch.

Về điều trị, các đơn vị sản xuất dược phẩm trong nước đảm bảo nguồn nguyên liệu và thuốc Molnupiravir kháng virus cho điều trị các ca bệnh Covid-19.

Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, hướng dẫn giám sát, điều trị liên quan đến dịch Covid-19 để các địa phương thực hiện khi công bố hết dịch Covid-19 nhóm A (Thanh niên, trang 5).

 

64 ca tử vong vì bệnh dại trong 9 tháng đầu năm

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong do bệnh dại, trong đó khu vực miền Bắc 25 ca, miền Nam 15 ca, miền Trung 9 ca và Tây Nguyên 15 ca. Riêng Gia Lai, từ đầu năm đến nay, dịch xuất hiện và tăng cao đột biến với 11 ca tử vong do dại (cao nhất cả nước đến thời điểm hiện tại).
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, tổng đàn chó cả nước trên 7,4 triệu con được nuôi tại 4,7 triệu hộ gia đình. Từ đầu năm đến nay, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên cả nước đạt trên 47%.Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vaccine và tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. Đây là hai vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại năm 2022-2023 nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do dại tại Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân, khi bị chó, mèo cắn cần đi tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, bởi người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỉ lệ tử vong là gần như 100% (Công an nhân dân, trang 7).

 

Em bé 6,1kg chào đời ở Hà Tĩnh

Các bác sĩ Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh vừa thực hiện phẫu thuật thành công đón bé sơ sinh có cân nặng 6,1kg chào đời. Đây là trường hợp đầu tiên một sản phụ sinh con nặng hơn 6kg tại bệnh viện này. 
BS Nguyễn Viết Thọ, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, sản phụ Trần Thị Ánh Dương (36 tuổi, trú tại xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc) nhập viện vào tối 26/9 với biểu hiện đau bụng, chuyển dạ. 

Đây là lần mang thai thứ 4 của sản phụ. Trong quá trình mang thai, sức khỏe sản phụ hoàn toàn bình thường. Khi thai nhi được 40 tuần, sản phụ có biểu hiện đau tức bụng nên được gia đình đưa đến bệnh viện. 

Do thai nhi có kích thước khá lớn, nên sản phụ được chỉ định phẫu thuật lấy thai. Bé trai chào đời có cân nặng 6,1kg.

Sau khi chào đời, bé trai được đưa về chăm sóc, theo dõi tại Khoa Nhi. Tại đây sau khi thăm khám, các bác sĩ Khoa Nhi chẩn đoán trẻ bị suy hô hấp nên được cho thở ô xy, dùng thuốc kháng sinh, theo dõi đường huyết và chăm sóc đặc biệt.

Theo BS Trần Thị Hương, Phó trưởng Khoa Nhi, những trẻ sinh ra có cân nặng lớn thường gặp các vấn đề về suy hô hấp và hạ đường huyết sau sinh. Do đó, trẻ cần được các bác sĩ chuyên khoa Nhi theo dõi sát sao các chỉ số phát triển, nhất là các bệnh lý về rối loạn chuyển hóa. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn về dinh dưỡng, cách chăm sóc trẻ hợp lý để không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ (Công an nhân dân, trang 7).

 

Thêm cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư hạch

Một bệnh nhân nữ 46 tuổi ung thư hạch tái phát, kháng trị nhiều phác đồ đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cứu chữa thành công nhờ áp dụng đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có bệnh viện công lập áp dụng thành công cùng lúc hai kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư hạch tái phát, kháng trị nhiều phác đồ, thay vì trước đây chỉ được một kỹ thuật hoặc nếu hai kỹ thuật thì ở bệnh viện tư hoặc ra nước ngoài.

Áp dụng cùng lúc hai kỹ thuật cao

Ngày 27-9, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thông tin về việc phối hợp hai kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân N.H.O. (nữ, 46 tuổi, ngụ Bình Dương) bị ung thư hạch. Đó là phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy bằng phương pháp xạ trị toàn thân (TBI).

Bác sĩ Trần Thanh Tùng - trưởng khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết cách đây hơn một năm, khoa tiếp nhận bệnh nhân O. với chẩn đoán u lympho (có kích thước khoảng 15cm) tái phát, kháng trị với nhiều phác đồ điều trị.

Khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân phát hiện vùng cổ xuất hiện hạch nên đi khám, kết quả chẩn đoán bị ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma). Tại cơ sở y tế đầu tiên, bệnh nhân đã được điều trị đầu tiên bằng phương pháp hóa trị đơn thuần.

Sau hai năm, bệnh nhân bị tái phát lần 1 và được hóa trị thì cũng đáp ứng. Tuy nhiên, sau hai năm nữa, bệnh nhân lại tiếp tục bị tái phát lần 2, được hóa trị lần 2, vẫn đáp ứng. Năm 2021 tái phát lần 3, nhưng liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá đây là trường hợp ung thư hạch tái phát và kháng trị nên êkip điều trị quyết định chọn những phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân. Sau nhiều lần hội chẩn, êkip điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh: ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI).

Do bệnh nhân O. tái phát kháng trị nên không thể lấy tế bào gốc của bệnh nhân vì trong máu bệnh nhân còn tế bào ung thư. Do đó buộc phải áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài. May mắn là người chị ruột của bệnh nhân khỏe mạnh hoàn toàn, có các chỉ số phù hợp nên đã tặng tế bào máu gốc của mình cho em gái, và bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc đồng loài thành công.

Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

Bệnh nhân O. được áp dụng phác đồ điều trị trên với 3 ngày xạ trị toàn thân, mỗi ngày hai lần (sáng và chiều), mỗi lần từ 35 - 40 phút. Trong suốt quá trình điều trị, các bác sĩ phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, vì có thể gây ra những biến chứng, thậm chí thất bại ngay trong quá trình điều trị.

Sau ghép tế bào gốc 30 ngày, bệnh nhân được đánh giá là ghép thành công và được xuất viện sau ghép 45 ngày. Hiện sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Bác sĩ Lê Phước Đậm - đơn vị ghép tế bào gốc, khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thêm tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân là khoảng 290 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 170 triệu đồng, số tiền còn lại do bệnh nhân tự chi trả. Dù được điều trị thành công, đến nay bệnh nhân vẫn tái khám định kỳ để đánh giá tác dụng phụ và khả năng tái phát.

Chia sẻ về quá trình phương pháp xử lý triệt để tế bào ung thư, êkip phẫu thuật cho biết thêm bệnh nhân cần được hóa trị để "làm sạch" các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một "vũ khí" sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được (chữa khỏi) ổn định (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang