VN – Mỹ hợp tác về y tế biển đảo
Ngày 28.10, lễ kỷ niệm 20 năm hợp tác y tế Việt Nam - Mỹ đã được Bộ Y tế, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Các chương trình hỗ trợ y tế của Chính phủ Mỹ tại Việt Nam đến nay lên tới hơn 900 triệu USD, kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Ted Osius nhấn mạnh: 20 năm qua, hợp tác y tế hai nước đã cứu sống biết bao người Việt Nam, và tin tưởng rằng quan hệ hợp tác của hai nước sẽ phát triển sâu rộng sang nhiều lĩnh vực mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hợp tác y tế Việt Nam - Mỹ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong 15 quốc gia được tiếp nhận viện trợ của Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng, chống HIV/AIDS của Tổng thống Mỹ cho các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, điều trị người có HIV; đã tiếp nhận 67,9 triệu USD tiền mặt và 25,48 triệu USD bằng hiện vật từ chương trình này.
Bộ Y tế Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam triển khai chương trình hợp tác về y tế biển đảo, tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các vùng biển, đảo của Việt Nam.( Thanh niên trang 2, Công an nhân dân trang 2)
Kháng thuốc kháng sinh: Nguy cơ lớn trong điều trị bệnh
Thuốc kháng sinh chỉ dùng để chữa các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng lâu nay, nhiều người tưởng lầm đó là loại thuốc chữa bách bệnh, dẫn đến sử dụng bừa bãi, làm cho vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng lan rộng.
Tại hội thảo về chống kháng thuốc do Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 26/10 ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết thực trạng: Mỗi năm thế giới có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.
Việc dễ dãi trong quản lý thuốc kháng sinh khiến cho bất cứ ai cũng có thể mua được thuốc kháng sinh với số lượng không hạn chế mà không cần đơn thuốc, dù với các qui định hiện hành thì người bán thừa hiểu điều đó là không được phép, vì có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Năm 2014, Bệnh viện Bạch Mai từng phải tiếp nhận một bé trai nhiễm trùng huyết, biến chứng tràn mủ, tràn khí màng phổi nguy hiểm do nhiễm vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc lần đầu gặp do dùng kháng sinh bừa bãi. Phải sau hơn một tháng điều trị, với nỗ lực rất lớn của các bác sĩ, cháu bé mới được cứu sống. Đây chỉ là một trường hợp điển hình trong nhiều trường hợp bệnh nhân kháng thuốc do lạm dụng kháng sinh.
Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một việc không dễ dàng. Đòi hỏi cả các bác sĩ lẫn người dân đều phải tuân thủ đúng quy định về sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi mắc bệnh nhiễm vi khuẩn và phải dùng đúng liều, đủ thời gian và không tự động thay đổi thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, để việc phòng, chống kháng thuốc thực sự có hiệu quả, một giải pháp quan trọng mạnh của Bộ Y tế tới đây là sẽ tổ chức Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc trên khắp cả nước, từ ngày 16 đến ngày 22/11 và lấy 1 triệu chữ ký cam kết phòng, chống kháng thuốc.
Đại diện của WHO cho biết WHO cũng lập fanpage trên facebook “Tuần lễ kháng thuốc kháng sinh 2015”, nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với sự kiện quan trọng này.( Công an nhân dân trang 6)
Triển khai chương trình “Tiếp sức người bệnh”
Sáng 28/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Bệnh viện K tổ chức ra quân chương trình “Tiếp sức người bệnh” 2015.
Chương trình “Tiếp sức người bệnh” 2015 là hoạt động cụ thể hóa chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2015 với chủ đề “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Ông Nguyễn Bá Tĩnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, Bệnh viện K, cơ sở Quán Sứ là bệnh viện thứ 6 của Hà Nội và là một trong số 31 bệnh viện trên toàn quốc triển khai chương trình “Tiếp sức người bệnh” 2015. 200 tình nguyện viên sẽ chia làm 5 đội: Đội hướng dẫn khám bệnh, hướng dẫn nội quy bệnh viện, hướng dẫn xét nghiệm, hướng dẫn ra vào viện và giúp đỡ bệnh nhân khó khăn sẽ thay phiên nhau túc trực tại các địa điểm trong bệnh viện sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân và người nhà.( Nông thôn ngày nay trang 2)
13,5 triệu dân Việt Nam bị rối loạn tâm thần
Đây là số liệu được công bố tại Hội thảo góp ý chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2016-2025 do Bộ Y tế tổ chức ngày 28.10. TS. Lại Đức Trường – cán bộ Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị, trong khi tỷ lệ rối loạn tâm thần ở Việt Nam chiếm tới 15% dân số (khoảng 13,5 triệu người) thì chỉ có 20-30% người gặp rối loạn tâm thần tiếp cận được điều trị, ngoài ra, cũng có khoảng 10- 20% dân số ở mức “tiền bệnh” khi gặp áp lực công việc, học tập, bệnh tật, đói nghèo…(Nông thôn ngày nay trang 2)
Trồng hành, bị bệnh mắt hành hạ
Sống bằng nghề trồng hành đã nhiều đời nhưng người dân ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) lại không biết rằng, “cần câu cơm” của mình lại gây mù mắt.
Theo đó, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã trực tiếp kiểm tra trạm y tế xã Vĩnh Hải, thăm khám tại một số hộ gia đình có người bị mù mắt và kiểm tra một số cơ sở sản xuất, lưu trữ hành giống. Sau buổi kiểm tra, GS Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh về mắt tại Thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng liên quan đến hành tím là vấn đề y tế công cộng khẩn cấp. Bộ Y tế đã giao Viện Y tế công cộng TP HCM nghiên cứu tình hình dịch tễ học các bệnh về mắt tại thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng để tìm ra nguyên nhân và các giải pháp khắc phục...( Nông thôn ngày nay trang 4)
Cần tăng ngân sách nhà nước chi cho công tác y tế dự phòng
Tối 28-10, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Bộ Y tế tổ chức hội thảo Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng (YTDP). Tham dự, có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, đại diện đại biểu Quốc hội của hơn 30 tỉnh, thành phố và các tổ chức quốc tế.
Trong thời gian qua, công tác YTDP đạt một số thành tựu, như: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới một tuổi đạt hơn 90%; thanh toán các bệnh đậu mùa, bại liệt...; ngăn chặn và khống chế được một số dịch bệnh lớn, không xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, công tác YTDP hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: tỷ trọng chi cho YTDP trong tổng số ngân sách nhà nước chi cho y tế thấp và không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhất là tại tuyến huyện...
Các đại biểu thảo luận và đưa ra một số kiến nghị về việc đổi mới hệ thống tổ chức YTDP một cách toàn diện.( Nhân dân trang 5)
Lực lượng vũ trang chính thức tham gia bảo hiểm y tế
Bắt đầu từ ngày 15-10, theo Nghị định số 70/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu chính thức tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là một chính sách mới trong chăm sóc sức khỏe cho lực lượng vũ trang và góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.
Theo Nghị định 70/2015/NĐ-CP, đối tượng của lực lượng vũ trang tham gia BHYT, gồm: sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên Công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân ở bộ, ngành, địa phương và học viên cơ yếu. Ngân sách nhà nước bảo đảm đóng toàn bộ BHYT với mức bằng 4,5% tiền lương tháng đối với người hưởng lương và 4,5% mức lương cơ sở đối với người hưởng sinh hoạt phí. Do lần đầu quân đội và Công an triển khai thực hiện BHYT sau hàng chục năm thực hiện chăm sóc sức khỏe trong hệ thống y tế riêng, cho nên, Chính phủ đưa ra lộ trình: từ nay đến hết năm 2015, thực hiện BHYT đối với 15% đối tượng; năm 2016 - 2017, ít nhất 30%; năm 2018 - 2019 ít nhất 60%; từ ngày 1-1-2020, đạt 100% số đối tượng. Được biết, hiện nay, mẫu thẻ BHYT đang được Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn tất để kịp thời bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng và đạt lộ trình đã đề ra. Với các đơn vị chưa nằm trong lộ trình thực hiện BHYT vẫn thực hiện việc khám, chữa bệnh trong hệ thống cơ sở y tế của ngành như trước đây.
Đại tá Lưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng BHYT (Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng) cho biết, thực hiện quy định mới, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu sẽ được mở rộng hơn quyền lựa chọn đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu, không chỉ tại các bệnh xá, bệnh viện quân đội, công an mà tại trạm y tế xã, phòng khám khu vực hoặc bệnh viện đa khoa huyện. Với cán bộ thuộc trung ương quản lý, đăng ký tại bệnh viện được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương; cán bộ thuộc diện tỉnh, thành phố quản lý, đăng ký tại Phòng khám của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố. Nếu đi công tác, được khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thuận tiện nhất. Kết quả thực hiện thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT của Bộ Quốc phòng thời gian qua cho thấy, tại các đơn vị thí điểm, có 67% số quân nhân đi khám, chữa bệnh được chuyển tuyến đến bệnh viện của ngành y tế. Điều đó cho thấy nhu cầu tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, trang thiết bị y tế hiện đại tại các bệnh viện của ngành y tế của lực lượng vũ trang khá cao và quy định mới đáp ứng được nhu cầu này.
Thuận lợi hơn là quy định về chuyển tuyến. Trước đây theo quy định việc chuyển tuyến điều trị về cơ bản chỉ thực hiện trong hệ thống quân y hoặc y tế công an. Thực hiện chính sách BHYT mới, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chuyển ra điều trị tại các bệnh viện dân sự nếu vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế đang điều trị. Đại tá Nguyễn Minh Thao, Trưởng phòng BHYT, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết, quy định chuyển tuyến thuận lợi hơn cho cán bộ, chiến sĩ trong trường hợp một số chuyên khoa ở các bệnh viện dân sự được đầu tư trang bị kỹ thuật tốt, bác sĩ tay nghề cao. Với cán bộ, chiến sĩ ở vùng sâu, vùng xa sẽ thuận tiện trong việc đi lại khám, chữa bệnh, không phải vất vả vượt hàng trăm cây số đến bệnh viện của ngành như trước đây. Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia BHYT, quyền lợi của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân được bảo đảm tốt hơn khi chi phí điều trị trung bình cho một đầu giường bệnh theo chế độ BHYT cao hơn trước đây. Tuy nhiên, với các trường hợp khám, chữa bệnh không đúng tuyến, Quỹ BHYT chỉ chi trả 40% chi phí điều trị nội trú tại tuyến trung ương; 60% chi phí điều trị nội trú tại tuyến tỉnh đến ngày 31-12-2020; 70% chi phí tại tuyến huyện đến ngày 31-12-2015.
Không chỉ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, việc triển khai BHYT cho quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu còn tạo cơ hội cho các cơ sở y tế của quân đội, công an tự chủ, tránh lãng phí thuốc, hóa chất, nâng cao trình độ, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, mở rộng dịch vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bởi vì, Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được được giữ lại một phần kết dư quỹ để nâng cấp, mua sắm phương tiện, trang thiết bị y tế...; một phần kinh phí kết dư đóng góp vào quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để điều tiết chung.
BHYT đối với lực lượng quân nhân, công an nhân dân là một chính sách mới. Các đơn vị liên quan của hai bộ: Quốc phòng và Công an đang tập trung triển khai tuyên truyền, tập huấn để các quy định thật sự đi vào cuộc sống, góp phần thiết thực, hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu ngày càng tốt hơn và tiến tới thực hiện BHYT toàn dân.( Nhân dân trang 5)
Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống mù lòa tại cộng đồng
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Hội Nhãn khoa Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2015-2020. Trong nhiệm kỳ 2010-2015 vừa qua, Hội Nhãn khoa Việt Nam đã thành lập được bốn câu lạc bộ chuyên ngành; phối hợp các bệnh viện mắt tổ chức nhiều hội nghị khoa học. Hội phối hợp các địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng, chống mù lòa tại cộng đồng; phối hợp các bệnh viện mắt tổ chức đợt khám và mổ mắt miễn phí; khám sàng lọc glô-côm cho các đối tượng người già, qua đó đã có hàng chục nghìn lượt người bệnh được thụ hưởng thông qua các hoạt động này.( Nhân dân trang 5)
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: Kết hợp điều trị chấn thương sọ não và tim mạch bằng y học dân tộc
Theo Ths.BS Trần Văn Thuấn – Trưởng khoa Y học dân tộc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Bệnh viện và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Đến nay đã có khoảng 100 lượt bệnh nhân được điều trị bằng châm cứu và thủy châm đem lại kết quả phục hồi cho bệnh nhân rất tốt. Bệnh nhân thấy phấn khởi và hài lòng vì phục hồi nhanh và thời gian nằm viện được rút ngắn.( An ninh thủ đô trang 8)
Gia tăng bệnh nhân bị rắn cắn nhập viện
Ngày 28-10, Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này đang điều trị cho 2 cháu bé là Đinh Thị Huyền và Hoàng Văn Khiêm bị rắn lục xanh cắn, nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi được truyền huyết thanh, tiêm kháng sinh, chống chảy máu cơ, chống suy thận… hiện cả 2 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.( An ninh thủ đô trang 8)
Trẻ nguy kịch vì uống 30 viên thuốc hướng thần
Ngày 28/10, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết đang điều trị cho bệnh nhi T.V.H. bị người mẹ mắc bệnh hoang tưởng ép uống 30 viên thuốc điều trị bệnh hoang tưởng vì người mẹ cho rằng có người muốn giết hại mình. Sau khi uống thuốc bệnh nhi rơi vào tình trạng nguy kịch. Người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng li bì, kích thích, gọi hỏi đáp ứng kém. Tại khoa Cấp cứu chống độc, bé H. được điều trị tích cực. Tình trạng bệnh nhân cải thiện nhanh chóng, và sau 36 giờ đã được cho xuất viện.( Tiền phong trang 6)