Hàng chục công nhân ở Quảng Nam bị ngất xỉu
Thông tin từ các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cho biết, sáng 28-10, gần 20 công nhân của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, đóng Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam (thuộc Tập đoàn Panko, Hàn Quốc) bị ngất xỉu đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cấp cứu.
Theo chẩn đoán ban đầu, các công nhân này bị ngất xỉu do bị hội chứng Hysteria. Đây là bệnh rối loạn tâm căn, không nguy hiểm. Hiện sức khỏe của các công nhân này đã ổn định và đang tiếp tục điều trị.
Trước đó, vào chiều 27-10, 23 công nhân của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cũng bị ngất xỉu phải cấp cứu tại bệnh viện này và đã cho xuất viện.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, vào chiều ngày 27-10, do thời tiết oi nóng, cộng thêm việc vận hành thử một số thiết bị máy móc dẫn đến nhiệt độ tại khu vực chuyền 24 (xưởng 3) tăng cao làm cho một số công nhân nữ làm việc gần nơi có nhiệt độ tăng cao này ngất xỉu.
Sau đó là hiện tượng hiệu ứng dây chuyền hay còn gọi là hiện tượng Hysteria (một chứng bệnh về tinh thần - tâm lý, có đặc tính là dễ bị kích ứng, tạo nên hiệu ứng dây chuyền) dẫn đến nhiều công nhân nữ của các xưởng khác bị ngất xỉu theo. Có 23 trường hợp được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện, sau khi truyền dịch, trấn an tâm lý đã ra viện và về nhà.
Vào sáng hôm nay (28-10), toàn bộ công nhân các xưởng may đi làm đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tượng ngất xỉu hàng loạt tiếp tục diễn ra vào lúc 8 giờ sáng 28-10, tại tất cả các xưởng.
Theo lãnh đạo công ty, có 43 trường hợp được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện và Bệnh viện Thái Bình Dương (Tam Kỳ). Hiện các trường hợp này đã hồi phục sức khỏe, trấn an được tâm lý và đưa về nhà.
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo công ty đã cho toàn bộ công nhân nghỉ việc để trấn an tâm lý người lao động, đồng thời tiến hành kiểm tra lại nhà xưởng. (Nhân dân, trang 5)
Xây dựng trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày hiện đại
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã khởi công xây dựng trung tâm khám bệnh và điều trị trong ngày.
Trung tâm có tổng vốn đầu tư 664 tỷ đồng, với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Công trình được xây dựng trên diện tích 5.696m², nằm trong khuôn viên của Bệnh viện Bạch Mai và được tổ chức phân chia thành các khu vực chức năng chính như sau: khu khám và điều trị ngoại trú khoảng 6.000 lượt/ngày; khu điều trị trong ngày 100 giường; khu chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng với 3 máy CT, 3 máy MRI và 10 máy X-quang và sân đỗ máy bay trực thăng. (Sài Gòn giải phóng, trang 2)
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “Xây dưng Trung tâm khám và điều trị trong ngày”; Báo Nông thôn Ngày nay trang 2: “Hà Nội: 664 tỷ đồng để giảm tải tại Bệnh viện Bạch Mai”
Hà Nội tăng cường phòng chống dịch Zika
TS.Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến phức tạp, Hà Nội tuy chưa phát hiện ca bệnh nào nhưng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, virus Zika có thể xâm nhập và bùng phát thành dịch.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết. Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cần phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh tại cộng đồng, giám sát véctơ muỗi truyền bệnh Zika, giám sát người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika đồng thời tiếp tục tổ chức các chiến dịch phun hóa chất trên diện rộng. Đặc biệt, các bệnh viện công lập và dân lập, phòng khám tư nhân phải tăng cường các biện pháp giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và trang bị đầy đủ phương tiện, thuốc men để có thể đáp ứng công tác điều trị.
Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn trực tuyến công tác giám sát, phát hiện sớm và chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Zika cho cán bộ, y bác sỹ các bệnh viện công lập, dân lập và các trung tâm y tế để tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và phòng chống bệnh ngay từ cơ sở. (Tiền phong, trang 10)
Hé lộ nguyên nhân hàng loạt công nhân ngất xỉu
Liên quan đến vụ hàng loạt công nhân công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (KCN Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) ngất xỉu phải nhập viện, nguyên nhân ban đầu đã được xác định.
Lộ nguyên nhân vụ công nhân 'ngất xỉu dây chuyền' tại Quảng Nam Công nhân ngất xỉu, phải nhập viện điều trị vào sáng 28/10. Ảnh: Hoài Văn
Chiều 28/10, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, họ vừa có báo cáo về vụ việc kể trên.
Theo đó, vào chiều ngày 27/10 do thời tiết oi nóng cộng thêm việc vận hành thử một số thiết bị máy móc dẫn đến nhiệt độ tại khu vực chuyền 24 xưởng 3 của công ty Panko Tam Thăng tăng cao. Một số nữ công nhân nữ đã ngất xỉu khi làm việc gần nơi có nhiệt độ tăng cao này. Sau đó, xuất hiện hiệu ứng dây chuyền hay còn gọi là hiện tượng Hysterie (một chứng bệnh về tinh thần – tâm lý, có đặc tính là dễ bị kích ứng, tạo nên hiệu ứng dây chuyền) dẫn đến nhiều nữ công nhân nữ xưởng 3, xưởng 4 và xưởng 1, bị ngất xỉu.
Bộ phận Y tế tại công ty đã tiến hành sơ cấp cứu kịp thời. Một số trường hợp sau khi trấn tĩnh, được đưa về nhà nghỉ ngơi. Trong khi đó, có tất cả 23 trường hợp được chuyển đến cấp cứu tại bệnh viện Minh Thiện. Sau khi truyền dịch, trấn an tâm lý, những trường hợp này đã xuất viện
Sáng 28/10, toàn bộ công nhân các xưởng may đi làm đầy đủ. Tuy nhiên vì tâm lý chưa ổn định, hiện tượng ngất xỉu hàng loạt tiếp tục diễn ra vào lúc 8h cùng ngày tại tất cả các xưởng. Có tất cả 43 trường hợp được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Minh Thiện và bệnh viện Thái Bình Dương. Hiện các trường hợp này đã hồi phục sức khỏe, trấn an được tâm lý và về nhà.
Theo kết luận của bệnh viện Minh Thiện ngày 27/10/2016, các trường hợp kể trên bị "rối loạn thần kinh khác".
Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã chỉ đạo cho toàn bộ công nhân xưởng 1, xưởng 3, xưởng 4 nghỉ làm việc buổi chiều ngày 27/10/2016 để ổn định tâm lý người lao động.
Tương tự, công ty đã cho toàn bộ công nhân các xưởng may nghỉ làm việc vào ngày 28/10/2016 sau khi hiện tượng ngất xỉu hàng loạt tái diễn vào 8h cùng ngày.
Toàn bộ công nhân sẽ tiếp tục được nghỉ làm vào ngày 29/10/2016 để trấn an tâm lý.
Trước đó, Tiền Phong đã thông tin, chiều 27/10 và sáng 28/10 hàng chục công nhân của công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đồng loạt nhập viện trong tình trạng khó thở, ngất xỉu. (Tiền phong, trang 15)
33 hành khách gặp vấn đế sức khỏe trên chuyến bay của Vietnam Airlines
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa phát đi thông báo về việc một nhóm hành khách trên chuyến bay Tp. Hồ Chí Minh – Narita (Tokyo) gặp vấn đề về sức khoẻ.
Cụ thể, sáng 28-10 trên chuyến bay mang số hiệu VN300, ngay sau khi cất cánh đã phát hiện hành khách có vấn đề về sức khoẻ. Đại diện Vietnam Airlines đã phối hợp cùng nhà chức trách và cơ quan hữu quan tại sân bay Narita tổ chức sơ cứu nhóm khách trên.
Hiện tại, đã có 33 khách trên tổng số 34 khách đã được bệnh viện cho ra viện trở về nhà. Máy bay đã được nhà chức trách sân bay Nhật Bản kiểm tra và cho phép đưa trở lại khai thác và bay trở về Việt Nam.
Vietnam Airlines đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguyên nhân vụ việc và sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Chuyến bay VN300 được khai thác bằng tàu Boeing 787, số đăng ký VNA-866 cất cánh từ Tp.HCM lúc 0:35, hạ cánh tại Narita lúc 07:45 giờ địa phương.
Trao đổi với người phát ngôn của Hãng hàng không Vietnam Airlines, được biết tất cả các hành khách trên đều có quốc tịch Nhật Bản. Sự việc xảy ra khi hành khách đã ổn định chỗ ngồi, may bay da cat canh, một trong số đó có biểu hiện buồn nôn. Sau đó ít phút, hơn 30 hành khách khác cũng có biểu hiện tương tự. Ngay lập tức tổ tiếp viên đã phối hợp hỗ trợ, bảo đảm sức khoẻ cho hơn 30 hành khách nói trên, cho đến khi chuyến bay hạ cánh.
Đại diện của VNA cũng khẳng định, việc các hành khách gặp trục trặc về sức khoẻ, không liên quan gì đến đồ ăn của hãng phục vụ trên máy bay. (Công an Nhân dân, trang 1)
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cung cấp thực phẩm an toàn
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của thành phố tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 08-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trước hết là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm về ý nghĩa, tầm quan trọng của ATTP đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, sự phát triển giống nòi và phát triển kinh tế - xã hội.
Mặt khác, các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP. Cần quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong quản lý kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm từ tỉnh khác về Hà Nội, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm... (Hà Nội mới, trang 7)
Viện phí, xăng dầu đẩy giá tiêu dùng tăng cao
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá thực phẩm, dịch vụ y tế và xăng dầu tăng là những nguyên nhân chính đẩy CPI tăng cao.
Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hoá dịch vụ thuộc giỏ tính CPI, có 9 mặt hàng tăng giá, giảm 1 mặt hàng so với tháng 9-2016. Trong đó, thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 10,07%; Giao thông tăng 2,02%; Giáo dục tăng 0,61%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,31%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,17%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%... Hai 2 nhóm giảm chỉ số giá là Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%; Bưu chính viễn thông giảm 0,12%. Tính chung, CPI bình quân 10 tháng đầu năm 2016 tăng 2,27% so với cùng kỳ năm trước. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Đề xuất thành lập Ủy ban về an toàn thực phẩm
Đó là một trong những đề xuất quan trọng của Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TP Hà Nội tại báo cáo giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2011-2016.
Hàng nghìn cơ sở vi phạm ATTP
Theo Ban Văn hóa - Xã hội, qua giám sát cho thấy, tại Hà Nội, công tác quản lý Nhà nước về ATTP được phân công, phân cấp cho các sở, ngành, địa phương theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được đặc biệt chú trọng, tiến hành thường xuyên, nghiêm túc.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế đã kiểm tra 4.982 lượt cơ sở, phát hiện 1.177 lượt cơ sở vi phạm, 975 cơ sở vi phạm bị xử lý, trong đó 728 cơ sở vi phạm bị phạt với số tiền trên 6,8 tỷ đồng. Số cơ sở ngành nông nghiệp đã thanh tra, kiểm tra từ năm 2011 đến nay là 45.928 lượt cơ sở, phát hiện 6.574 cơ sở không đạt yêu cầu, chiếm 14,3%.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã thực hiện giám sát các mẫu nông lâm thủy sản có nguy cơ cao như rau, quả, chè, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm thủy sản... Từ năm 2011 đến nay, đã lấy 9.850 mẫu, tỷ lệ mẫu vi phạm 4,61%. Với ngành công thương, từ năm 2011 đến tháng 8-2016, đã kiểm tra và xử lý 8.087 vụ vi phạm về chất lượng và ATTP, phạt hành chính hơn 43,4 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa trị giá khoảng gần 43,2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Văn hóa - Xã hội cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực đảm bảo ATTP. Cụ thể, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vẫn còn khá phổ biến như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hạn sử dụng; không xác nhận kiến thức ATTP, khám sức khỏe định kỳ và trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; sản xuất hàng hóa sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; quy trình sản xuất còn thủ công, chưa khép kín, không đảm bảo các quy định về ATTP…
Cùng với đó, quản lý về ATTP tại một số chợ còn hình thức, thiếu chặt chẽ, chủ yếu qua cảm nhận và hóa đơn chứng từ nhất là đối với các chợ tạm, chợ cóc. Việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc được nhập từ nước ngoài, từ các địa phương khác vào tiêu thụ tại Hà Nội tuy có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ, kết quả chưa cao. Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Hoạt động chăn nuôi, giết mổ, gia súc, gia cầm, vệ sinh thú y, kiểm dịch động, thực vật nhìn chung còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng các chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh chưa được xử lý triệt để…
Chấm dứt giết mổ nhỏ lẻ
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát đã kiến nghị UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo các quận, huyện, thị xã xây dựng khu chăn nuôi, giết mổ tập trung theo quy hoạch; từng bước chấm dứt hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh. Cùng đó, cần chỉ đạo xử lý tình trạng các chợ cóc, chợ tạm bán các thực phẩm không rõ nguồn gốc; tập trung thực hiện và hoàn thành xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch. Cần quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và các phương tiện cần thiết phục vụ phát hiện, kiểm tra, giám sát chất lượng ATTP; ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm thực phẩm an toàn. Đặc biệt, cần nghiên cứu thành lập Ủy ban về ATTP của thành phố Hà Nội.
Đối với các sở, ngành chức năng, Đoàn giám sát yêu cầu, phải có chế tài xử phạt thật nặng, nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những đơn vị, cá nhân sản xuất không đảm bảo vệ sinh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Phải quan tâm kiểm soát các cơ sở kinh doanh ăn uống và thức ăn đường phố và thường xuyên thanh tra, giám sát, hậu kiểm về ATTP, đặc biệt đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ. Ngoài ra, phải phối hợp với các lực lượng tỉnh bạn để kiểm soát chặt chẽ thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội, các sản phẩm nhập lậu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP, nhất là tại các chợ đầu mối.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, Đoàn giám sát đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước quận, huyện, thị ủy, UBND các quận, huyện, thị xã; Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy - HĐND - UBND TP nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về ATTP... (An ninh Thủ đô, trang 6)
Bệnh quai bị bùng phát tại nhiều trường mầm non ở miền núi Quảng Ngãi
Ngày 28.10, ông Trần Lộc, Đội trưởng Đội y tế dự phòng huyện miền núi Trà Bồng (Quảng Ngãi), cho biết trong những ngày qua, số người mắc bệnh quai bị trên địa bàn huyện tăng đột biến, đồng thời xuất hiện nhiều ổ dịch có nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Điều đáng lo ngại, bệnh quai bị đang hoành hành tại một số trường mầm non, mẫu giáo khiến phụ huynh lo lắng phải cho con em tạm nghỉ học. Trong đó, riêng tại Trường mầm non 28.8, ngành y tế đã ghi nhận 20 cháu và 2 giáo viên mắc bệnh, với các triệu chứng sưng một bên má hoặc hai bên má kèm theo sốt cao. Ngành y tế Trà Bồng đã thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát dịch bệnh, tuyên truyền, hướng dẫn mọi người cách phát hiện và các biện pháp phòng ngừa nhằm kiềm chế dịch bệnh. (Thanh niên, trang 5)
Cứu sống bé trai rơi từ tầng 3 bị thanh sắt đâm trúng tim, phổi
Chiều 28-10, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) thông tin về trường hợp bé trai tên là H.V.N.M, 5 tuổi, trú tại TPHCM, được cứu sống khi rơi từ tầng 3 xuống đất và bị thanh sắt hàng rào nhà đâm xuyên ngực từ sau ra trước.
Theo người nhà bệnh nhi, tai nạn xảy ra vào lúc 20 giờ 40 ngày 26-10. Gia đình lập tức đưa bé vào Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM, trong tình trạng hết sức nguy kịch, da nhợt nhạt, mạch khó bắt, huyết áp khó đo, có lúc ngưng tim.
Ngay sau khi tiếp nhận và cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất khởi động ngay quy trình báo động đỏ liên viện đến Bệnh viện Nhi đồng 1. Nhận được báo động đỏ liên viện, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có mặt tại phòng mổ Bệnh viện Thống Nhất và bé trai đã được phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương thủng tim, thủng thùy dưới phổi phải, dẫn lưu màng phổi 2 bên và hồi sức tích cực trong lúc mổ.
Sau khi mổ, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục theo dõi điều trị. Tại đây, bệnh nhi được kiểm tra, siêu âm tim và các bác sĩ phát hiện có khối máu tụ trong trung thất, chèn ép tim, làm hạn chế khảo sát cấu trúc tim. “Bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật cấp cứu lần thứ 2 với mục đích thám sát, lấy máu tụ và đánh giá tổn thương tim”, bác sĩ Đào Trung Hiếu cho biết.
Sau ca mổ thứ hai, mạch và huyết áp cháu bé mới ổn định, tạm thời qua giai đoạn nguy kịch. Hiện bệnh nhi đang được các bác sĩ theo dõi hồi sức. (Sài Gòn giải phóng, trang 7)