Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/11/2015

  • |
T5g.org.vn - 5.000 lượt người bệnh đến phòng khám chuyên gia; Đặt điện cực vào não chữa bệnh Parkinson; Đồ chơi nguồn gốc Trung Quốc có thể gây bệnh cho bé; Năm 2030, kết thúc đại dịch AIDS: Mục tiêu quá xa vời?...

5.000 lượt người bệnh đến phòng khám chuyên gia

Sau 4 tháng hoạt động, phòng khám chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy 
(TP.HCM) đã phục vụ gần 5.000 lượt bệnh nhân từ khắp các tỉnh thành đến khám chữa bệnh.

Ngồi chờ đến lượt mình vào khám, bà Nguyễn Thị Đền (71 tuổi, ngụ phường Trà Lồng, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) nói: “Đầu tiên vào gặp bác sĩ khám cho mình đã thấy dễ chịu vì bác sĩ lúc nào cũng cười tươi, không nhăn nhó hay nói cộc cằn khó nghe gì hết. Đi đường xa lên được ngồi phòng máy lạnh, có nhân viên nhiệt tình tư vấn nữa nên tôi nghĩ đáng đồng tiền mình bỏ ra”.

Bà Đền kể nhiều tháng nay hai chân bà bị đau buốt, đi đứng rất khó khăn và bà cũng đã đi nhiều thầy thuốc nhưng không khỏi. Một lần đi đám tiệc bà Đền được bạn giới thiệu đến phòng khám chuyên gia đặt lịch hẹn với bất kỳ bác sĩ nào mình yêu cầu.

Nói giữa chừng bà Đền bóp chân cho biết thêm: “Đây là lần thứ hai tôi đến phòng khám này, tôi cảm thấy rất hài lòng. Sáng tôi đón xe từ Hậu Giang lên khám, rất nhanh và thoải mái, đến chiều tôi đón xe về luôn chứ không chờ như đi khám bệnh ở những nơi khác”.

Theo bác sĩ Phạm Thanh Việt - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Chợ Rẫy, sau 4 tháng đưa vào hoạt động phòng khám đáp ứng đúng nhu cầu của bệnh nhân, đa số bệnh nhân sau khi khám bệnh tại đây đã hài lòng, bệnh viện chưa ghi nhận ý kiến góp ý nào từ những bệnh nhân đã khám.

Bác sĩ Việt cho biết thêm: “Nhiều bệnh nhân có nhu cầu đăng ký dịch vụ lựa chọn bác sĩ có uy tín, có kinh nghiệm và những bác sĩ chuyên gia đầu ngành, giáo sư, phó giáo sư, các trưởng, phó khoa chữa lành bệnh... Đáp ứng nhu cầu này, bệnh viện đã xây dựng một phòng khám chuyên gia và khi bệnh nhân có nhu cầu thì đăng ký trước qua điện thoại. Sau đó nhân viên sẽ liên hệ và hẹn thời gian cụ thể để xếp lịch cho bác sĩ khám mà bệnh nhân yêu cầu. Đối với những bệnh nhân không đăng ký bác sĩ cụ thể thì bệnh viện phân công, công khai lịch để bệnh nhân chọn lựa bác sĩ”.

Theo ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở vật chất và chi phí của phòng khám chuyên gia được trích từ nguồn các hoạt động dịch vụ của bệnh viện và không lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự kiến, bệnh viện sẽ chuyển phòng khám chuyên gia đến khu dịch vụ khám chữa bệnh trong ngày sau khi dự án này hoàn tất, đưa vào hoạt động vào năm 2016. (Tuổi trẻ trang 6)

Đặt điện cực vào não chữa bệnh Parkinson

Ngày 28-11, TS.BS Nguyễn Minh Anh, trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết bệnh viện vừa thực hiện thành công việc đặt điện cực kích thích não sâu cho bệnh nhân T.V.K. (60 tuổi, Bình Định) bị bệnh Parkinson.

Theo bác sĩ Minh Anh, chi phí cho ca bệnh này khoảng 800 triệu đồng, trong đó chỉ riêng điện cực đặt vào não đã 750 
triệu đồng...

Ông T.V.K. mắc bệnh Parkinson đã lâu, được điều trị và theo dõi nội khoa mấy năm nay tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Sau gần một tuần phẫu thuật đặt điện cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tình trạng rối loạn trương lực cải thiện được khoảng 80-85%, tình trạng run rẩy tay chân - biểu hiện điển hình của Parkinson - đã 
không còn.

Trước đó, ngày 23-11 ông T.V.K. được các bác sĩ phẫu thuật, khoan sọ một lỗ khoảng 1cm để đưa điện cực đặt vào nhân xám ở đáy não. Điện cực này có nhiệm vụ giúp kích thích tế bào trực tiếp, giúp ức chế các cử động bất thường do bệnh gây ra. Sau gần bảy tiếng phẫu thuật ca mổ hoàn tất. (Tuổi trẻ trang 6)

 

Vaccine Quinvaxem - nạn nhân của những lời đồn thổi?

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem trong chương chình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều bậc phụ huynh  “phát sốt”. Mặc dù các cơ quan y tế và cả tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng khẳng định Quinvaxem là an toàn, những trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác nhưng vẫn không trấn an được người dân. Hậu quả là dù Quinvaxem được tiêm miễn phí nhưng không ít cha mẹ quyết định không tiêm mà chen chúc, chấp nhận mức giá đắt đỏ để được tiêm vaccine dịch vụ. Thậm chí những gia đình có điều kiện còn bỏ hàng chục triệu đồng để được ra nước ngoài tiêm vaccine. (An ninh Thủ đô)

Đồ chơi nguồn gốc Trung Quốc có thể gây bệnh cho bé

Đồ chơi là thứ mà trẻ em thường xuyên tiếp xúc nhưng hiện nay nhiều người lớn lại coi nhẹ vấn đề an toàn. Vì vậy, đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không được kiểm định chủ yếu nguồn gốc Trung Quốc vẫn mặc sức hoành hành, bày bán tràn lan và có mức tiêu thụ lớn trên thị trường. Rất nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra nhưng vẫn chưa đủ cảnh tỉnh cho nhiều phụ huynh “điếc không sợ súng”.

Mới đây, một người phụ nữ ở Quảng Ninh đã chia sẻ câu chuyện của con mình trên mạng xã hội như sau: Vào dịp sinh nhật, bé được tặng đồ chơi mickey gồm nhẫn và vòng tay nên đã đeo một thời gian dài. Tuy nhiên, một thời gian sau, chiếc nhẫn làm bé sứt tay và từ vết sứt này đã lan ra, phồng nước, tay sưng càng ngày càng to. Mẹ bé có bôi thuốc nhưng 1 tuần không khỏi, từ một vết nhỏ nay vết thương đã lan thành vết nhiễm trùng to sang cả 2 ngón tay. Khi đưa con đi khám, bác sỹ kết luận bị viêm da nhiễm trùng, phải theo dõi thêm 3 ngày, nếu tay bé vẫn còn sưng thì phải tiêm điều trị. Theo mẹ cháu bé thì có thể loại trừ nguyên nhân nhẫn quá chật gây phồng rộp, vì nhẫn này khá lỏng so với tay bé.

Bộ đồ chơi nhẫn và vòng tay giống như của cháu bé này hiện khá phổ biến trên thị trường và được các bé gái rất yêu thích. Đây là loại đồ chơi không hề có giấy tờ nhãn mác thể hiện nguồn gốc xuất xứ và kiểm định của cơ quan chức năng. Tất nhiên, chưa thể kết luận nguyên nhân gây phồng rộp tay bé, nhưng có thể thấy việc mua những đồ chơi như vậy là một sự thiếu trách nhiệm của người lớn. Bởi rất nhiều bài học thực tế đã xảy ra khi cho trẻ sử dụng các loại đồ chơi này.

Tháng 6 vừa qua bộ đồ chơi trang sức Trung Quốc gồm những hạt cườm nhựa và các loại dây quấn, phụ kiện làm vòng tay, vòng đeo cổ cho bé gái đã bị cơ quan chức năng thu hồi vì không an toàn. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích thành phần và nồng độ niken trong những hạt cườm và cho biết nó vượt quá mức quy định. Niken có thể gây mẫn cảm mạnh cho người dùng, chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng nếu tiếp xúc lâu dài và trực tiếp qua da khi chơi. Trước đó, nhiều sản phẩm của Trung Quốc cũng đã bị thu hồi như đèn laser, thú bông, đèn bàn... do có chứa chất gây cháy nổ và ung thư.

Mới đây nhất, Liên minh châu Âu (EU) đã ra quyết định thu hồi những hình dán hoạt hình có xuất xứ từ Trung Quốc với lý do chúng có chứa những chất gây ung thư hoặc vô sinh. Theo các chuyên gia, chất có trong những tấm hình dán này nhiều khả năng là tác nhân gây ra dậy thì sớm ở các trẻ em nữ. Còn với các trẻ em nam thì sự hiện diện của chất này làm giảm sự bài tiết những hormone tăng trưởng, có thể gây ra vô sinh về sau. Ngoài những tác động trên, các chất độc hại này còn gây ung thư, ảnh hưởng tới chức năng các cơ quan khác như gan và thận. Những miếng dán như thế này, đáng tiếc vẫn được bày bán tràn lan trong các cửa hàng đồ chơi Việt Nam.

Ngoài miếng dán trên, cũng có 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị Liên minh châu Âu đưa vào danh mục cảnh báo, trong đó đa phần là những sản phẩm phổ biến trên thị trường Việt Nam như: Bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi…(An ninh Thủ đô trang 9)

Năm 2030, kết thúc đại dịch AIDS: Mục tiêu quá xa vời?

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2015 (diễn ra từ ngày 10-11 đến 10-12) và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) hướng tới mục tiêu là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, trước không ít khó khăn và thách thức mà chương trình phòng, chống căn bệnh thế kỷ này đang phải đối mặt thì mục tiêu trên có quá xa vời?

 Nhiều thách thức

"Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS" năm 2015 và ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS với chủ đề "Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam". Chủ đề này hướng tới 90% số người có HIV biết tình trạng HIV của bản thân; 90% số người biết tình trạng có HIV được điều trị ARV (thuốc kháng virus) liên tục suốt đời và 90% số người điều trị ARV duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương trên cả nước, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn một khoảng cách khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Cụ thể, với mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng có HIV, Việt Nam đã đạt được khoảng 78%. Tuy nhiên, kết quả thực hiện mục tiêu 90% người có HIV được điều trị ARV quá thấp so với thực tế. Đặc biệt, mục tiêu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định thời gian qua, Việt Nam chưa có điều kiện tổ chức xét nghiệm thường quý nên chưa có số liệu chính xác.

Đề cập những khó khăn và thách thức trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long cho biết: Mỗi năm, nước ta vẫn có khoảng 12.000 người có HIV mới và 2.000-3.000 trường hợp tử vong do AIDS. Nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn ở mức cao. Chính vì vậy, HIV/AIDS vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở nước ta. Số lũy tích HIV dương tính tiếp tục tăng cao, trên 200.000 người có HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của chương trình còn hạn chế. Công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại đến xét nghiệm và điều trị đều chưa đạt mức có thể khống chế được đại dịch HIV/AIDS. Mặt khác, nguồn lực cho phòng, chống căn bệnh thế kỷ này chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế và đang bị cắt giảm nhanh, trong khi các nguồn tài chính trong nước chưa kịp bù đắp...

 Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Long, việc điều trị bằng thuốc kháng virus ARV không những giúp người có HIV tăng khả năng hồi phục hệ thống miễn dịch, giảm tử vong, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giảm đến 90% khả năng lây lan HIV ra cộng đồng. Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, người có HIV nếu được điều trị sớm bằng ARV và tuân thủ điều trị tốt, sẽ đạt được tuổi thọ tương đương người bình thường. Một nghiên cứu của quốc tế cũng cho thấy, nếu đầu tư 1 USD cho ARV thì sẽ giảm được 7 USD cho xã hội. Việt Nam bắt đầu điều trị ARV từ năm 2004 và đến nay đã cán đích điều trị ARV cho 100.000 bệnh nhân. Hiện Việt Nam đang có chủ trương mở rộng và điều trị sớm cho người có HIV. Tuy nhiên, theo lộ trình, từ tháng 3-2016, nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân có HIV mới, trong khi mỗi năm Việt Nam có khoảng 800-1.000 bệnh nhân có HIV mới phải điều trị bằng thuốc ARV. Đến hết năm 2017, khoản viện trợ này sẽ chấm dứt hoàn toàn, người bệnh sẽ phải tự bỏ chi phí điều trị nếu không có BHYT. "Nếu không sớm có kế hoạch tài chính bền vững để duy trì việc điều trị HIV bằng thuốc ARV liên tục và ổn định, nguy cơ đại dịch bùng phát sẽ trở lại, thậm chí còn nguy hiểm hơn trước vì virus có thể đột biến và kháng thuốc ARV khi việc điều trị bị gián đoạn", ông Nguyễn Hoàng Long lo ngại.

BHYT - "phao cứu sinh" cho người có "H"?

Việc các tổ chức quốc tế cắt giảm tài trợ thuốc ARV điều trị cho người có HIV đang đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam khi hơn 90% bệnh nhân đang được điều trị miễn phí. BHXH Việt Nam đã quyết định sẽ chi trả tiền thuốc ARV cho các bệnh nhân nhưng hiện chỉ có khoảng 30% người có HIV tham gia BHYT. Việc triển khai BHYT cho người có HIV gặp không ít khó khăn. Bởi vì ngay cả khi có thẻ BHYT, nhiều người không sẵn sàng dùng thẻ vì sợ lộ danh tính, bị kỳ thị. Thêm vào đó, đa phần người có HIV đều trong tình cảnh khó khăn về kinh tế. Do đó, việc mua thẻ BHYT và cùng đồng chi trả 20% chi phí điều trị cũng là rào cản đối với họ. Chính vì vậy, ý thức tham gia BHYT của người có HIV chưa cao.

Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hoàng Đức Hạnh cho biết, đang tổ chức rà soát số lượng người có HIV/AIDS chưa được cấp thẻ BHYT cũng như tăng cường công tác truyền thông để người có HIV/AIDS nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong khám và điều trị bệnh, đồng thời giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với những người có HIV để họ không sợ lộ danh tính khi đăng ký tham gia BHYT.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Long, cần có cơ chế đặc thù để những người có HIV đều có thể tham gia BHYT. Bên cạnh đó, kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để người có HIV dễ tiếp cận khi tham gia BHYT, đồng thời nâng cao năng lực cán bộ y tế trong hệ thống y tế công, tư về chăm sóc và điều trị, thiết lập hệ thống cung ứng thuốc ARV và các sinh phẩm xét nghiệm liên tục, bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý. Mặt khác, để thực hiện thành công mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần quyết liệt triển khai toàn diện các dịch vụ từ dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, đến tăng cường truyền thông thay đổi hành vi, mở rộng phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone, trong đó tập trung ưu tiên vào các địa bàn có tình hình dịch HIV và có nguy cơ xuất hiện dịch HIV cao. (Hà Nội mới trang 1)

Mỗi năm có thêm 2.000 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo về nâng cao nhận thức trong điều trị và chia sẻ kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi là bệnh thalassemia) diễn ra ngày 28-11, tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

Tại hội thảo, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương đã đưa ra những con số đáng báo động, đó là Việt Nam có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh thalassemia, hơn 20.000 người bệnh đang cần điều trị, đặc biệt là mỗi năm nước ta có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh này. GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết, thalassemia là căn bệnh di truyền qua gen làm hồng cầu vỡ khiến người bệnh liên tục bị thiếu máu. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Nếu hai người bị bệnh mức độ nhẹ kết hôn với nhau khi sinh con có 25% khả năng con bị bệnh thalassemia mức độ nặng; 50% khả năng con bị mức độ nhẹ hoặc là người mang gen và 25% khả năng con bình thường. Gen bệnh tan máu bẩm sinh ở nước ta thường gặp nhiều nhất ở các dân tộc miền núi. Tại Hà Nội, có khoảng 3-4% người mang gen bệnh.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, bệnh tan máu bẩm sinh như một quả "bom nguyên tử" đã phát nổ, gây ra những mối nguy hại ảnh hưởng trực tiếp đến giống nòi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này có thể phòng tránh được, thậm chí còn chữa được và không lây truyền. Do vậy, điều trị đầy đủ, đúng quy trình sẽ giúp người bệnh có cơ hội bảo đảm sức khỏe, cuộc sống như người khỏe mạnh. (Hà Nội mới trang 5)

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 để kết thúc đại dịch HIV

Đó là chủ đề của Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) và của Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS (1-12) năm nay. Theo đó, mục tiêu 90-90-90 nhằm 90% số người nhiễm sẽ biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV (kháng vi-rút); 90% số người nhiễm HIV đã được điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp nhất.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Long, trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở nước ta có xu hướng giảm ở cả ba tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV; số người bệnh chuyển sang AIDS và số tử vong do AIDS. Trong đó, số người bệnh nhiễm HIV chuyển sang AIDS và số người tử vong đã giảm 50%. Với những kết quả đã đạt được, cuối tháng 10-2014, Việt Nam được Liên hợp quốc chọn là điểm đến khởi xướng cho chương trình mới: 90-90-90.

Hơn 20 năm đương đầu với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, Việt Nam tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn những khó khăn và thách thức. Mặc dù tỷ lệ nhiễm mới đã giảm, nhưng một số vùng vẫn có xu hướng gia tăng và sự hiểu biết của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm vẫn còn cao, hơn 12 nghìn người; lũy tích số người nhiễm và người bệnh AIDS tiếp tục tăng cao ở nước ta hơn 227 nghìn người. Hình thái lây truyền dịch đã thay đổi, lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn đang là con đường chủ yếu, khiến dịch ngày càng khó kiểm soát hơn. Tỷ lệ nhiễm mới HIV ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa tiếp tục gia tăng, gây khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ can thiệp. Nhận thức của một số bộ phận người dân về dịch HIV/AIDS còn hạn chế và có phần chủ quan, mất cảnh giác. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta đang bị cắt giảm nhanh và mạnh... Tất cả các yếu tố đó khiến nguy cơ dịch HIV/AIDS có thể bùng phát, nếu chúng ta không kiên trì và đổi mới phương pháp cũng như triển khai mạnh mẽ các biện pháp can thiệp kịp thời.

Tháng hành động phòng, chống HIV/AIDS năm nay với mục tiêu 90-90-90 được cho là biện pháp ngăn chặn đại dịch HIV bùng phát một cách triệt để nhất. Theo đó, nếu 90% số người nhiễm HIV được biết tình trạng nhiễm HIV của mình thì công tác giám sát và xét nghiệm sẽ đạt hiệu quả tốt nhất, tiến tới tiếp cận, quản lý, tư vấn cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phần lớn người nhiễm HIV. Nếu 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục thì không những chúng ta đã làm tốt công tác điều trị sớm, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV mà còn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng và giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định, có nghĩa tải lượng vi-rút HIV ở mức thấp dưới ngưỡng phát hiện, đây là chỉ báo quan trọng đánh giá chất lượng điều trị cũng như sự tuân thủ điều trị tốt của người bệnh. Các mục tiêu này đều có quan hệ mật thiết với nhau và nếu đạt được thì chúng ta có thể phát hiện được phần lớn những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt nhất, giảm thấp nhất đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác; người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh, từ đó có thể đạt được mục tiêu to lớn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định biện pháp can thiệp mạnh mẽ nhất nhằm ngăn chặn dịch HIV bùng phát là thực hiện tốt nhất mục tiêu 90-90-90. Để thực hiện tốt mục tiêu này, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó bao gồm tiếp tục nâng cao nhận thức và cam kết của lãnh đạo các cấp, ngành; nhanh chóng chuyển đổi nguồn lực tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS từ dựa vào viện trợ quốc tế sang sử dụng các nguồn tài chính trong nước như ngân sách nhà nước, bảo hiểm y tế và xã hội hóa. Triển khai mạnh mẽ các chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư"; tổ chức các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và chống kỳ thị, phân biệt đối xử... Mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, tính dễ tiếp cận của các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị đến tất cả những người nhiễm HIV/AIDS. Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như truyền thông với cá nhân, truyền thông nhóm; thúc đẩy hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS, các nhóm tự lực, các nhóm giáo dục đồng đẳng...

Tuy nhiên để đạt được các mục tiêu của Tháng hành động năm nay không dễ, khi mà số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình mới đạt khoảng 78%; số người nhiễm được điều trị ARV mới đạt 39%... Điều này đòi hỏi cần sự cam kết và nỗ lực lớn hơn nữa của mỗi người lãnh đạo, người dân trong việc nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS. Thực hiện mục tiêu 90-90-90 không chỉ là bảo vệ sức khỏe tính mạng của con người mà còn vì sự ổn định và phát triển lâu dài của quốc gia, là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch HIV vào năm 2030. (Nhân dân trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang