Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Vaccine Quinvaxem - nạn nhân của những lời đồn thổi?; Đào tạo bác sỹ kiểu 'Kinh-Công': Tính mạng con người sẽ đi về đâu?; Thừa nhận chưa đủ giảng viên và trang thiết bị mở ngành y, dược...

Vaccine Quinvaxem - nạn nhân của những lời đồn thổi?

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine Quinvaxem trong chương chình tiêm chủng mở rộng khiến nhiều bậc phụ huynh  “phát sốt”. Mặc dù các cơ quan y tế và cả tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng khẳng định Quinvaxem là an toàn, những trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác nhưng vẫn không trấn an được người dân. Hậu quả là dù Quinvaxem được tiêm miễn phí nhưng không ít cha mẹ quyết định không tiêm mà chen chúc, chấp nhận mức giá đắt đỏ để được tiêm vaccine dịch vụ. Thậm chí những gia đình có điều kiện còn bỏ hàng chục triệu đồng để được ra nước ngoài tiêm vaccine.

Có rủi ro hơn các vaccine dịch vụ?

Vaccine Quinvaxem được đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Hiện trên thế giới có 94 quốc gia đang lưu hành loại này, riêng khu vực Đông Nam Á có các nước Thái Lan, Philippines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đều được tiến hành điều tra kịp thời.

Tỷ lệ tai biến nặng liên quan đến vaccine bạch hầu - ho gà (toàn tế bào) - uốn ván đến nay là 4,5/1 triệu liều trong khi tỷ lệ theo thống kê của WHO là 1-20/1 triệu liều. Các trường hợp tử vong chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác. Bộ Y tế Việt Nam cũng khẳng định, các lô vaccine trước khi được đưa vào lưu hành đều được Bộ kiểm nghiệm.

Để hiểu rõ thực hư về tác dụng cũng như mức độ rủi ro của Quinvaxem, chúng ta hãy bình tâm nhìn nhận dưới góc độ y khoa.Theo đó, vaccine Quinvaxem và các vaccine dịch vụ (5 trong 1, 6 trong 1) đang sử dụng tại Việt Nam, khác nhau cơ bản là thành phần vaccine ho gà, ở Quinvaxem là toàn tế bào (bất hoạt) còn vaccine dịch vụ là vô bào.Vì có chứa vi khuẩn ho gà toàn tế bào cho nên Quinvaxem sẽ có nguy cơ phản ứng bất lợi mạnh hơn nhưng tác dụng tạo miễn dịch lại tốt hơn vaccine vô bào.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế thuộc Cộng đồng bác sĩ nội trú Việt Nam đều cho rằng tới nay các bằng chứng khoa học cho thấy tỷ lệ phản ứng bất lợi cũng như tử vong liên quan tới Quinvaxem không cao hơn so với các loại vaccine khác và vẫn ở trong giới hạn có thể chấp nhận được. Kỹ thuật viên Tô Xuân Vinh, công tác tại Biomedical Science Institute (Viện Khoa học y sinh Singapore) đã đưa ra những con số đánh giá tổng quát tỷ lệ tử vong, gây biến chứng của 3 loại vaccine đang được phổ biến tiêm phòng tại Việt Nam là Quinvaxem, Infanrix Hexa và Pentaxim.

Theo đó trong dữ liệu an toàn về vaccine của Infanrix Hexa (vaccine 6 trong 1) cho thấy, sau 12 năm vaccine được dùng ở Italia trong 15 triệu mũi Infanrix Hexa đã được tiêm thì có 63 ca tử vong đột ngột trong vòng 20 ngày kể từ khi tiêm. Trong khi đó, con số của Bộ Y tế Việt Nam đối với Quinvaxem là: vào thời điểm năm 2013, khi Quinvaxem bị tạm dừng, đã có 15 triệu mũi tiêm thì có 47 ca tử vong. Từ năm 2013 đến 2015, mỗi năm Việt Nam dùng khoảng 4,5 triệu mũi và từ lúc dùng Quinvaxem đến nay, có khoảng 63 ca tử vong trên tổng số gần 25 triệu mũi tiêm.

Một loại vaccine 5 trong 1 khác cũng được sử dụng là Pentaxim của Sanofi Pasteur.Vaccine này không có báo cáo về số lượng tử vong trên số mũi tiêm nhưng nếu so sánh về mức độ phản ứng phụ trên các thử nghiệm quy mô nhỏ được công bố thì Quinvaxem không hề gây tác dụng phụ đặc biệt nhiều so với Pentaxim.

Nạn nhân của những lời đồn

Dù những con số trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi, thậm chí có người đặt nghi ngờ về tính chính xác, khách quan của những con số thống kê tại Việt Nam nhưng có một thực tế là trên thế giới cũng đã có rất nhiều xôn xao về vấn đề trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine. Trong đó ngay cả các loại vaccine mà theo quan niệm của người Việt là “xịn” như Infanrix Hexa cũng từng là “nạn nhân” của những lời đồn thổi tương tự như Quinvaxem. Vaccine này còn không được sử dụng tại Mỹ hoặc không được niêm yết trên lịch tiêm chủng trẻ em tại bất cứ tỉnh hoặc lãnh thổ nào của Canada vì vaccine này có gây biến chứng.

Ưu thế của vaccine Quinvaxem là giá thành rất rẻ so với các loại vaccine cùng chủng loại.Một trong những nguyên nhân khiến giá vaccine Quinvaxem rẻ hơn nhiều so với các loại vaccine vô bào là bởi dòng vaccine này đã hết hạn phải trả tiền bản quyền sở hữu trí tuệ, khoản vốn dĩ chiếm khá lớn trong giá thành. Công nghệ được chuyển giao miễn phí cho WHO sản xuất đại trà và phù hợp nhất đối với thu nhập của cộng đồng dân cư tại các nước đang phát triển nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng và củng cố miễn dịch cộng đồng.

 

Cần lưu ý là miễn dịch cộng đồng cực kỳ quan trọng trong việc phòng chống các bệnh tật.Khi một phần quan trọng của cộng đồng được tiêm chủng chống lại một bệnh truyền nhiễm thì hầu hết các thành viên của cộng đồng sẽ gián tiếp được bảo vệ chống lại bệnh đó bởi vì sẽ có rất ít cơ hội cho dịch bệnh bùng phát. Thậm chí ngay cả với những người không đủ điều kiện hoặc chống chỉ định tiêm phòng với một số loại vaccine nhất định như ở trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, hoặc những người suy giảm miễn dịch... thì cũng đều gián tiếp được bảo vệ bởi vì sự lan truyền bệnh dễ lây đã bị chặn đứng. Để có được miễn dịch cộng đồng thì với hầu hết các loại vaccine phải đạt được tỷ lệ tiêm chủng cho thành viên trong cộng đồng ít nhất là > 80%.

Đối với Việt Nam, Quinvaxem đóng vai trò quan trọng trong việc tạo miễn dịch cộng đồng từ khi được đưa vào chương trình TCMR. Nhiều ý kiến cho rằng cũng chính bởi lý do này mà nó trở thành một đối thủ nặng ký cho các dòng vaccine dịch vụ đắt tiền khác. Bởi thời điểm Quinvaxem mới được đưa vào chương trình TCMR khiến lượng người tiêm vaccine dịch vụ giảm xuống và cũng từ đây xuất hiện rất nhiều thông tin bất lợi về Quinvaxem. Kết quả mà ai cũng nhìn thấy, đó là các loại vaccine dịch vụ lại trở nên khan hiếm vì nhu cầu tăng,  không những thế còn rơi vào tình trạng giá cao vẫn không có mà tiêm. Các nhà nhập khẩu vaccine đã có kế hoạch tăng số liều vaccine nhập khẩu trong năm 2016 thêm hàng chục nghìn liều so với năm 2015.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng kết 3 nguyên nhân chính gây ra các sự cố về tiêm vaccine: Thứ nhất là do quá trình bảo quản, vận chuyển vaccine không bảo đảm an toàn. Thứ hai là do quá trình vô trùng trong khi tiêm. Và thứ ba là do sốc phản vệ trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý nền của người được tiêm gây tử vong sau tiêm vaccine. Nguyên nhân thứ ba không chỉ xảy ra ở Quinvaxem mà ở bất kỳ loại vaccine nào.Thực tế ở Việt Nam thì đa phần các gia đình có trẻ tử vong đều không yêu cầu mổ tử thi, vì vậy khó mà xác định được nguyên nhân chính xác gây tử vong. Và sự lo lắng của người dân cùng với sự nhiễu loạn thông tin đã khiến tất cả những ca tử vong này đều bị quy về Quinvaxem.

Điều gì xảy ra nếu chuyển sang vaccine vô bào?

PGS.TS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM đưa ra dẫn chứng, tại Mỹ, trước khi có vaccine, bệnh ho gà hàng năm gây bệnh cho hơn 200.000 người và làm tử vong 10.000 người.Sau khi đưa vaccine ho gà toàn tế bào vào sử dụng, trong năm 1976, tỉ lệ bệnh ho gà giảm đến 95%. Tuy nhiên, từ khi chuyển sang dùng ho gà vô bào vào năm 1990, dịch ho gà bắt đầu bùng phát vào các năm sau đó, cụ thể dịch ho gà có xu hướng xảy ra theo chu kỳ và nặng nhất vào những năm 2005, 2010 và 2014.

Dịch có chu kỳ khoảng 5 năm và nguyên nhân do sự giảm miễn dịch bảo vệ của ho gà vô bào và sự tích lũy các ca này theo từng năm, dịch năm 2014 tại Mỹ được cho là lớn nhất trong vòng 50 năm qua. Ngay cả khi đã bổ sung lịch tiêm nhắc lại nhiều mũi (ngoài 3 liều cơ bản, tiêm nhắc lại cho trẻ em 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai ở tuần thứ 27 đến 36) nhưng hiện tại, hàng năm tại Mỹ vẫn ghi nhận từ 10.000-40.000 ca mắc và 10-20 ca tử vong vì bệnh này.

Một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 về tỉ lệ bệnh ho gà tại 19 nước (4 nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy, dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng tại 5/19 nước (Australia, Chilê, Bồ Đào Nha, Anh, Mỹ), dịch ho gà thật sự đã gia tăng. Trong số 5 nước này, có 4 nước trước đó đã chuyển từ ho gà toàn tế bào sang ho gà vô bào (chỉ có Chilê dùng ho gà toàn tế bào và dịch ho gà xảy ra tại Chilê được cho là do tỉ lệ bao phủ vaccine thấp).

Riêng tại 4 nước sử dụng vaccine vô bào, dù tỷ lệ tiêm chủng lớn nhưng các nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính do giảm hiệu quả bảo vệ khi tiêm vaccine ho gà vô bào dẫn đến tích lũy số ca nhạy cảm và sau đó bùng dịch theo chu kỳ. Sự bùng phát dịch ho gà chưa thấy xuất hiện tại các nước dùng ho gà toàn tế bào và có tỉ lệ tiêm chủng cao.

Vì vậy, theo PGS Phan Trọng Lân, vấn đề chuyển đổi từ ho gà toàn tế bào sang vô bào cần cân nhắc đến khả năng kiểm soát dịch xảy ra, đảm bảo nguồn cung cấp vaccine cho các liều tiêm nhắc cũng như chiến lược tiêm cho các bà mẹ mang thai nhằm bảo vệ cho các trẻ ngay sau khi sinh, hạn chế tử vong trong trường hợp dịch ho gà xảy ra do việc dùng vaccine ho gà vô bào.

Tại Việt Nam, chúng ta đã kiểm soát tốt bệnh ho gà hơn 30 năm qua bằng các loại vaccine ho gà toàn tế bào. Nếu chuyển sang vaccine có thành phần ho gà vô bào cần lường trước khả năng bùng phát dịch, nguồn lực để tiêm chủng, cũng như đảm bảo cộng đồng trẻ em 4-6 tuổi, 11-12 tuổi và cả phụ nữ mang thai chấp nhận tiêm.       

http://anninhthudo.vn/khoe-dep/vaccine-quinvaxem-nan-nhan-cua-nhung-loi-don-thoi/647318.antd

Đào tạo bác sỹ kiểu 'Kinh-Công': Tính mạng con người sẽ đi về đâu?

Tin tức mới nhất về trường kinh doanh công nghệ đào tạo ngành y, dược vẫn được dư luận xã hội cập nhật liên tục. ĐB Bùi Thị An cho rằng: Bộ Giáo dục phải thận trọng, tính mạng con người sẽ đi về đâu?

Đầu vào thấp, đầu ra thế nào?

Tin tức về trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ (KD&CN) được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở hai ngành đào tạo là y và dược đã khiến dư luận xã hội dậy sóng.

Ngay lập tức, nhiều câu hỏi đã được ra để bàn thảo, nhiều chuyên gia đầu ngành y, dược, thậm chí cả ngành giáo dục đã lên tiếng về sự việc “xưa nay hiếm” này.

Cũng những băn khoăn về việc trường ĐH KD&CN đào tạo ngành y, dược sẽ thế nào, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đã chia sẻ quan điểm với phóng viênbáo Người Đưa Tin: “Ngay cả các trường y đào tạo ra sinh viên mà một số nơi, việc chưa đủ để làm. Vậy nay, mở thêm ngành y, dược lại ở những trường không chuyên sâu thì thật khó hiểu.

Để cấp phép đào tạo cho ngành y dược, một ngành liên quan đến tính mạng con người thì cơ sở vật chất phải hết sức đầy đủ cũng như đội ngũ cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng với trình độ chuyên sâu.

Hơn nữa, theo như tôi được biết nhiều năm qua, chuẩn đầu vào của trường ĐH KD&CN lại rất xa so với các trường công lập. Chưa nói đến việc, trong các trường công lập thì chuẩn đầu vào của các trường y dược luôn đứng ở top đầu.

Như vậy là cần phải xem lại bởi đầu vào như thế thì đầu ra sẽ thế nào?”

Phải thận trọng

“Không loại trừ, trong số các em đầu vào thấp vẫn có thể vượt lên được.Nhưng vấn đề ở đây là nhìn trên tổng thể.Cần phải xem xét kỹ để đảm bảo chất lượng, vì ngành này là ngành rất cần cho việc phục vụ cuộc sống của con người”, ĐB Bùi Thị An nói thêm.

“Tôi đề nghị, dù trường công lập và dân lập vẫn cần đến sự bình đẳng, nhưng trong trường hợp này, Bộ Giáo dục phải hết sức thận trọng.

Trong quy hoạch thời gian qua, có quá nhiều trường mở ra đã làm cho chất lượng đào tạo không được đảm bảo mà nay lại mở thêm nữa thì đào tạo thế nào?

Cần đánh giá thực chất, minh bạch cơ sở vật chất, con người của trường ĐH KD&CN”, ĐB Bùi Thị An nhấn mạnh.

“Tôi chưa nói đến chuyện Bộ Giáo dục có vội vàng hay không trong quyết định cấp phép này nhưng rõ ràng là cần phải thận trọng hơn.

Sản phẩm đầu ra của ngành y dược là trực tiếp tiếp xúc đến mạng sống của người dân.Điều đó vô cùng quan trọng.Ngành nào cũng cần chất lượng cao, nhưng với ngành y lại càng cần chú trọng hơn nữa.Dân gửi gắm tính mạng của mình cho ngành y, chăm sóc sức khỏe. Nếu không đủ trình độ thì sẽ đi đến đâu?”, ĐB Bùi Thị An tỏ ra hết sức khó hiểu.

“Liên quan đến ngành y, dược, tôi nghĩ rằng, trước hết hãy cứ để cho các trường có đầy đủ kinh nghiệm, cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ hiện tại đào tạo, còn cấp cho trường khác thì phải rất thận trọng”, ĐB Bùi Thị An nói.

Thời gian qua, việc đào tạo ồ ạt ngành y dược ở nhiều trường đại học, cao đẳng không chuyên đã dẫn đến tình trạng thừa nhân lực ngành y tế, chất lượng đầu ra không đảm bảo, gây bức xúc cho người dân.

Công văn ngày 3/12/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đã thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng các ngành y, dược thuộc khối không chuyên y dược.

Tuy nhiên, mới đây, ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ghi rõ: “Cho phép Trường ĐH KD&CN nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401”. Quyết định này một lần nữa khiến dư luận xã hội dậy sóng.

http://www.nguoiduatin.vn/dao-tao-bac-sy-kieu-kinh-cong-tinh-mang-con-nguoi-se-di-ve-dau-a217420.html

Thừa nhận chưa đủ giảng viên và trang thiết bị mở ngành y, dược

GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ngày 28-11 đã chủ trì cuộc gặp báo chí để thông tin về việc trường này vừa được Bộ GD&ĐT cấp phép mở hai ngành đào tạo y và dược chính quy.

Theo GS Trần Phương, chương trình đào tạo ngành y, ngành dược của trường đều do những chuyên gia đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm trong đào tạo y, dược thẩm định. Chủ nhiệm khoa y là GS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội. Chủ nhiệm khoa dược là GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, có 20 năm dạy ở Trường ĐH Dược Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Phương thừa nhận theo quyết định của Bộ Y tế, muốn mở ngành y đa khoa phải có 50 giảng viên nhưng trường mới đáp ứng được 47 giảng viên, trong đó có 15 giảng viên cơ hữu. Đối với khoa dược, ngoài hai lãnh đạo khoa thì trường đã mời được 16 giảng viên cơ hữu.

Về trang thiết bị, ông Phương cũng thừa nhận là chưa đủ.Nhà trường đã ký hợp đồng với các công ty cung cấp, khi cần thì họ mang đến ngay.Hiện tại trường đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị dùng cho hai năm đầu.Liên quan đến cơ sở thực hành, ông Phương cho biết trường đã ký hợp đồng với bốn bệnh viện hạng 1 để sinh viên đến thực tập.Ngành dược trường cũng đã ký hợp đồng với bốn công ty dược để sinh viên thực tập.

Về mức điểm nhận vào ngành y 20 điểm có quá thấp không, GS Trần Phương cho rằng đầu vào 20 điểm là “được rồi”. “Chúng tôi không coi nhẹ đầu vào nhưng coi đầu vào không quan trọng bằng đầu ra” - ông Phương nói.

http://phapluattp.vn/giao-duc/thua-nhan-chua-du-giang-vien-va-trang-thiet-bi-mo-nganh-y-duoc-596242.html

Nên giám sát trẻ sơ sinh sau tiêm vaccine Quinvaxem 24 giờ đầu

Các bậc cha mẹ cần chia nhau giám sát trẻ sơ sinh sau tiêm vaccine Quinvaxem trong 24 giờ đầu.

“Biến chứng sau tiêm vaccine Quinvaxem (5 trong 1) cho trẻ sơ sinh không cao nhưng ảnh hưởng đến tâm lý chung của xã hội”.

BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết thông tin trên tại hội thảo cập nhật các quy định hướng dẫn mới về tiêm chủng mở rộng tại khu vực phía Nam do Viện Pasteur TP.HCM (Bộ Y tế) tổ chức vào sáng 27-11.

Theo BS Tiến, kinh nghiệm cá nhân cho thấy trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem không rơi vào khoảng thời gian từ 30 phút đến một tiếng đầu sau khi tiêm mà thường rơi vào khoảng thời gian trong vòng 24 tiếng sau khi tiêm, nhất là giữa đêm.

“Khoảng thời gian này cha mẹ quá mệt nên ngủ quên.Cũng trong khoảng thời gian này, một số trẻ sơ sinh rơi vào trạng thái giảm trương lực, xụi lơ, rất dễ tử vong. Nếu phát hiện kịp thời chỉ cần ngắt nhẹ, bé đau khóc thét sẽ không xảy ra tình hình xấu.

Do vậy, cha mẹ cần chia nhau giám sát trẻ sơ sinh sau tiêm vaccine Quinvaxem trong 24 giờ đầu - BS Tiến lưu ý.

http://phapluattp.vn/suc-khoe/nen-giam-sat-tre-so-sinh-sau-tiem-vaccine-quinvaxem-24-gio-dau-596109.html

Không còn bệnh nhân rồng rắn sang Trung Quốc chữa bệnh

Người dân vùng biên cương Tổ quốc được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình.

Đó là khẳng định của bà Đàm Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai, tại buổi sơ kết công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật ngoại khoa cho BV Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Theo bà Liên, trước đây do chất lượng dịch vụ y tế còn kém nên mỗi ngày có rất nhiều người dân Lào Cai sang Trung Quốc chữa bệnh. Đây từng là vấn đề nhức nhối của tỉnh, lãnh đạo tỉnh phải đau đầu và triệu tập cuộc họp riêng với ngành y tế để giải quyết. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, số lượng người dân sang Trung Quốc đã gần như không còn.

Kết quả trên là do sự đầu tư của tỉnh vào ngành y tế, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao rõ rệt. “Đặc biệt sau khi tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ngoại chấn thương của BV Việt Đức, trình độ năng lực chuyên môn của các cơ sở đã có những thay đổi rõ rệt, tạo điều kiện giúp đa số bệnh nhân là người nghèo, người cận nghèo ở địa phương có cơ hội được tiếp cận với các dịch vụ y tế có kỹ thuật cao” - bà Liên nói.

GS-TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc BV Việt Đức, cho biết nếu như trước đây chưa phát triển hệ thống bệnh viện vệ tinh nhiều ca bệnh từ tuyến dưới đổ lên tuyến trên rất nhiều. Bệnh viện tuyến trên luôn ở trong tình trạng quá tải.

Có những bệnh nhân nặng do tuyến dưới không biết cách xử lý khi lên đến BV Việt Đức có trường hợp tử vong. Có những bệnh nhân phải cắt cụt các chi do hoại tử vì mất rất nhiều thời gian để chuyển tuyến.

Theo ông Giang, sau khi đề án bệnh viện vệ tinh được đi vào hoạt động, số bệnh nhân được xử trí ban đầu rất tốt, nhiều ca bệnh nặng được xử lý ngay tuyến dưới.

Điều đáng nói là bệnh viện vệ tinh được thực hiện ở Lào Cai còn có ý nghĩa to lớn bởi Lào Cai là tỉnh miền núi cách Hà Nội 300 km, đa số là đồng bào dân tộc sinh sống, điều kiện kinh tế khó khăn nếu phải chuyển tuyến về Hà Nội càng khiến cho người dân thêm vất vả.

Hiện bệnh viện có thể làm chủ và duy trì bền vững 11 gói kỹ thuật được chuyển giao. Trong đó có một số kỹ thuật phức tạp như phẫu thuật chấn thương vết thương mạch máu ngoại vi, bệnh viện cũng đã làm chủ các kỹ thuật tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng, kỹ thuật gây mê hồi sức trong mổ bệnh nhân đa chấn thương, kỹ thuật mổ máu tụ trong não…

http://phapluattp.vn/suc-khoe/khong-con-benh-nhan-rong-ran-sang-trung-quoc-chua-benh-596112.html

Nếu không có bệnh viện vệ tinh, BV Việt Đức chỉ "cấp cứu thôi cũng mệt"

Giáo sư Trần Bình Giang - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ nếu không có dự án bệnh viện vệ tinh thì thực sự bệnh viện Việt Đức không có thời gian để thực hiện các kỹ thuật cao mà chỉ loay loay mổ cấp cứu cũng mệt.

Hành trình đi chuyển giao công nghệ

Thực hiện Quyết định số 92/TTg ngày 9.1.2013 về việc Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 - 2020, ngày 11.3.2013, Bộ trưởng Bộ y tế đã ký ban hành Quyết định 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, với mục tiêu chung là nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh thông qua hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp thiết bị y tế, giúp người dân được khám chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên. Trước mắt ưu tiên 5 chuyên khoa: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi.

Trong đó quy định bệnh viện hạt nhân là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Giáo sư Trần Bình Giang là một trong những bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức gắn bó với công tác chỉ đạo tuyến, trong đó có đề án bệnh viện vệ tinh với công tác chuyển giao kỹ thuật mới cho tuyến dưới. Giáo sư Giang kể nếu như hơn mười năm về trước, Bệnh viện Việt Đức chỉ loay hoay mổ cấp cứu cho bệnh nhân vì thực tế bệnh nhân chuyển tuyến luôn quá tải. Hầu như cứ tai nạn là bệnh nhân được chuyển thẳng về bệnh viện Việt Đức. Các bác sĩ đều quay cuồng vào tiếp nhận bệnh nhân và mổ cấp cứu. Bao năm liền bệnh viện không triển khai được kỹ thuật mới nào.

Lúc đó, ban giám đốc bệnh viện Việt Đức do cố Giáo sư Tôn Thất Bách và các đồng nghiệp đã thốt lên rằng nếu cứ để như thế này thì bác sĩ Bệnh viện Việt Đức làm sao có thể thực hiện được kỹ thuật tiên tiến mới. Các bác sĩ đã nghĩ ngay phải chuyển giao công nghệ, giảm tải bệnh viện là phải làm từ khâu chuyển giao cho tuyến dưới để những kỹ thuật đơn giản đến phức tạp bác sĩ tuyến dưới có thể làm được.

Đề án này được sự ủng hộ của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các bác sĩ ở bệnh viện Việt Đức bắt đầu đi chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện tuyến dưới. Nhờ đó, các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức như Bắc Ninh, Nam Định... lúc đó đã làm chủ được công nghệ, số bệnh nhân của các tỉnh này giảm chuyển tuyến rõ rệt. Bệnh viện đã có thời gian để phát triển kỹ thuật chuyên sâu như ghép tạng.

Đến năm 2013 - 2015, có thêm 7 bệnh viện được tham gia vào bệnh viện vệ tinh ngoại chấn thương của Bệnh viện Việt Đức là BV Đa khoa Lào Cai, BV Đa khoa Thái Bình, BV Đa khoa Bắc Giang, BV Đa khoa Ninh Bình, BV Đa khoa tỉnh Hà Giang, BV đa khoa tỉnh Điện Biên, BV Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho đến nay GS Giang cho biết đối với các kỹ thuật chuyển giao ví dụ như phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi trước chuyển giao 1 năm ở BV Đa khoa tỉnh Bắc Giang có 50 % bệnh nhân chuyển tuyến thì đến nay chỉ có 0,5 %, BV Đa khoa Thái Bình có 40 % chuyển tuyến thì đến nay không còn ai phải chuyển tuyến...

Kỹ thuật phẫu thuật khó như phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi trước đây tại BV Đa khoa tỉnh Hà Giang 100 % bệnh nhân phải chuyển tuyến thì đến nay chỉ còn 30 %, tại Lào Cai 100 % chuyển tuyến đến nay còn 20 %, tại Bắc Giang còn 40 % bệnh nhân phải chuyển tuyến. Trước đây với chấn thương này đã số bệnh nhân chuyển về đến Việt Đức là phải cắt bỏ chân vì đã bị hoại tử.Đây là kỹ thuật khó nhưng cần phải được xử lý tại chỗ vì chân chỉ cần 6 tiếng không được nuôi là bị hoại tử. Kỹ thuật mổ máu tụ trong não trước chuyển giao 1 năm tại Quảng Ninh có 14 % phải chuyển về tuyến trên thì nay không còn bệnh nhân nào phải chuyển, tại Thái Bình và Lào Cai cũng tương tự các bệnh viện đã làm chủ kỹ thuật này.

Cần có sự quan tâm của địa phương

Giáo sư Giang cho biết khi ông đi trực tiếp khảo sát các bệnh viện ở địa phương, bệnh viện và lãnh đạo địa phương cũng rất hoan nghênh và muốn tham gia làm bệnh viện vệ tinh. Nhiều địa phương không ngại sẵn sàng đầu tư cho y tế. Nhờ có vốn đầu tư từ ngân sách địa phương nên các kỹ thuật chuyển giao đều thành công.GS Giang nhấn mạnh nếu không có phương tiện thì các thầy có cố chuyển giao cũng không được, hay không có nhân lực thì chẳng thầy nào dạy được. Nhiều địa phương đã bổ sung thêm nhân lực để phục vụ cho đề án này.

Điển hình như Bệnh viện đa khoa Lào Cai đã nhận các kỹ thuật chuyển giao và hoàn thành rất tốt. UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng 400 tỷ đồng, riêng năm 2015 tỉnh chi ngân sách mua trang thiết bị y tế 40 tỷ đồng. Giáo sư Giang kể từ ngày đi khảo sát tại bệnh viện, phòng giải phẫu tế bào học của bệnh viện “đắp chiếu”, nhưng sau khi có các kỹ thuật chuyển giao phòng đã được sống dậy.

Lào Cai tỉnh miền núi cách xa trung tâm Hà Nội hơn 300km trong đó có nhiều đồng bào dân tốc là người có điều kiện khó khăn ít có điều kiện về trung ương để khám chữa bệnh mà bà con rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.

http://infonet.vn/neu-khong-co-benh-vien-ve-tinh-bv-viet-duc-chi-cap-cuu-thoi-cung-met-post183818.info

Đào tạo y - dược: Hai bộ vênh nhau?

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đủ, thậm chí vượt điều kiện mở ngành y, thì đoàn thẩm định của Bộ Y tế cho rằng trường cần bổ sung giảng viên, cơ sở vật chất…

Trước những lo ngại của dư luận về chất lượng đào tạo, ngày 28-11, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã có buổi gặp gỡ phóng viên và mời tham quan cơ sở vật chất của trường tại Bắc Ninh.

“Chúng tôi đủ điều kiện!”

Chia sẻ với các phóng viên, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, cho rằng nhiều trường như Trường ĐH Duy Tân cách đây mấy tháng cũng được phép đào tạo ngành y - dược.Theo GS Phương, việc đánh giá Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành y - dược là ngoại đạo là do cách hiểu của dư luận chưa đúng về trường đa ngành.“Nếu nói ngoại đạo thì chỉ ngoại đạo với hiệu trưởng, ban giám hiệu.Còn xét tới từng ngành học thì gần 100 giáo viên y, dược của chúng tôi không ngoại đạo với ngành y đa khoa hay dược học.Trường chúng tôi tuy gọi là Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ nhưng nó cũng chỉ phản ánh những mặt hoạt động chủ yếu.Một trường ngoài công lập khác trường công ở chỗ nó không bị quy định cứng về ngành nghề đào tạo” - GS Phương phân trần.

Nói về những khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc trường cần bổ sung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, ông Phương cho biết những nội dung còn thiếu là vì chưa cần đến. “Bộ Y tế quy định mở ngành y đa khoa phải có 50 giảng viên cơ hữu, chúng tôi đã có 47 người và 2 năm đầu chỉ cần 20 người. Còn thiếu 3 người nhưng vì đây là những môn sẽ chỉ học các năm cuối trong khi học y đa khoa đến 6 năm.Nếu giờ chúng tôi có mời về, trả lương họ cũng không nhận vì chưa phải làm gì. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi sẽ bổ sung” - ông Phương nói.

Tương tự, về trang thiết bị, ông Phương thừa nhận dù đã đầu tư 80 tỉ đồng nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu đặt ra.Tuy nhiên, ông Phương cho rằng các trang thiết bị đó dùng cho những năm cuối nên nếu trường mua sớm mà không dùng đến sẽ bị hao mòn, hỏng.“Vì thế, dù đoàn kiểm tra có ghi thiết bị chưa thật đầy đủ nhưng họ vẫn đồng ý rằng trường đủ điều kiện mở ngành.Đúng là chúng tôi chưa chuẩn bị đầy đủ nhưng là vì chưa cần thiết. Chưa thật đầy đủ là theo ý đó chứ không phải do chúng tôi thiếu điều kiện. Cơ sở vật chất đã sẵn sàng dùng cho 2 năm đầu. Chúng tôi cũng đã ký hợp đồng với 4 bệnh viện và 2 công ty dược để làm nơi thực hành cho sinh viên gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tràng An, Công ty Dược phẩm trung ương 1, Công ty Dược phẩm DGC” - ông Phương nói.

Bất nhất trong thẩm định, cấp phép

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - nhấn mạnh Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đáp ứng yêu cầu cơ bản trong luật. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế thẩm định nghiêm ngặt khi trường đủ điều kiện thì cấp phép theo quy định.

Trước ý kiến cho rằng Bộ Y tế đã thẩm định và đã kết luận trường đủ điều kiện mở ngành y đa khoa và dược học, thậm chí tiêu chí đặt ra đối với Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho việc mở ngành còn cao hơn so với tiêu chí mở ngành ở các trường chuyên khối y - dược, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế - cho rằng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, Bộ Y tế đã chủ động xây dựng và đề xuất chính thức với Bộ GD-ĐT các điều kiện chuyên môn tối thiểu để mở ngành đào tạo các ngành. Các tiêu chí này cao hơn nhiều so với tiêu chí quy định tại Thông tư số 08 về các điều kiện chung cho tất cả các ngành của Bộ GD-ĐT nhưng mới chỉ là những tiêu chí cơ bản nhất trong đào tạo y, dược. Các tiêu chí này gồm 3 nhóm chủ yếu: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở vật chất phục vụ thực tập, thực hành và các cơ sở thực hành ngoài trường. Bộ Y tế cũng đề xuất quá trình thẩm định cần có sự tham gia của Bộ Y tế và các chuyên gia chuyên ngành.

Lần thẩm định mở ngành đào tạo ngành y đa khoa và dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế. Ông Lợi nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế là các tiêu chí được áp dụng chung cho tất cả các cơ sở đào tạo chứ không phải chỉ áp dụng riêng cho Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ hay các trường đa ngành không chuyên về y, dược. Nếu chiếu theo Thông tư 08 thì các điều kiện chuẩn bị để mở ngành của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ là vượt yêu cầu nhưng nếu chiếu theo yêu cầu chuyên môn mà Bộ Y tế đã nêu trên thì trường chưa đáp ứng đầy đủ.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những sửa chữa, bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế cũng như các thành viên tại cuộc thẩm định.

“Mặc dù tôi hiểu có thể băn khoăn đó xuất phát từ tên nhà trường, từ thực trạng tuyển sinh năm vừa qua khi trường lấy điểm khá thấp. Theo cách đó mà áp dụng sang cho đào tạo y - dược là không phù hợp. Nhưng nếu chúng ta đóng cửa với họ, họ chưa làm mà đã nói là không bao giờ chấp nhận thì họ nản và không nên” - bà Phụng lên tiếng bênh vực Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ. Bà Phụng tỏ ra lạc quan khi cho rằng sau 6 năm học ở trường, qua những kỳ thi nhất định, thi sát hạch để lấy chứng chỉ hành nghề, thi tuyển hoặc xét tuyển để làm việc cho một cơ sở y tế nào đó thực sự là quá trình gian nan khiến các sinh viên phải cố gắng.

Ông Nguyễn Minh Lợi cho hay Bộ Y tế sẽ tiếp tục đề nghị Bộ GD-ĐT có ý kiến chính thức về việc tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) việc duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng. Nếu cơ sở nào không đáp ứng, Bộ Y tế sẽ kiến nghị bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quyết định dừng tuyển sinh.

Ông Lợi cũng nhấn mạnh việc chỉnh sửa Thông tư số 08 nói trên theo hướng bổ sung những quy định cụ thể về các điều kiện chuyên môn theo đề xuất chính thức của Bộ Y tế vì đào tạo nhân lực y, dược có tính đặc thù rất cao. Thành phần đoàn thẩm định ngoài các cơ quan quản lý, cần bổ sung thêm các chuyên gia độc lập có nhiều kinh nghiệm về đào tạo nhân lực y tế theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể, bảo đảm sự thống nhất giữa chương trình đào tạo với các điều kiện để thực hiện chương trình.

Để rút kinh nghiệm về độ “vênh” giữa hai bộ trong việc thẩm định tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Lợi cho rằng cần thống nhất về quy trình làm việc. Ví dụ sau khi thẩm định cần có sự thống nhất giữa hai bộ và các chuyên gia về các nội dung mà cơ sở đào tạo đã chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của đoàn thẩm định. Chỉ khi nào cả hai bộ bảo đảm chắc chắn rằng cơ sở đã đáp ứng đủ điều kiện mới cho phép mở ngành đào tạo.

Phải chỉnh sửa quy định về mở ngành

Phản hồi những lo lắng của dư luận rằng sẽ không có bệnh nhân để bác sĩ tốt nghiệp Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khám, điều trị, bà Phụng thừa nhận sự lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo y - dược là chính đáng.Tuy nhiên, trường chưa tuyển sinh mà nói rằng không bao giờ để cho bác sĩ của trường đó khám, chữa bệnh thì đó là biểu hiện của định kiến xã hội.

Cần làm rõ, bổ sung một số yêu cầu về chuyên môn

Ông Nguyễn Minh Lợi cho rằng sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ tại cơ sở Bắc Ninh, đoàn thẩm định của Bộ Y tế thống nhất trường cần bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung yêu cầu về chuyên môn. Cụ thể, về đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, theo danh sách trường có 47 người nhưng 30 người chưa có cam kết tham gia. Về cơ sở thực tập tại trường, cần sắp xếp lại các phòng thực hành, thực tập, tiền lâm sàng hợp lý. Về cơ sở thực hành ngoài trường, cần bổ sung hợp đồng trách nhiệm của cơ sở thực hành ngoài trường, trong đó nêu rõ sự tham gia làm việc và giảng dạy của giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường...

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dao-tao-y-duoc-hai-bo-venh-nhau-20151128221511199.htm

Hai ông xe ôm đi làm bác sĩ, lương y

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa xử phạt ông Huỳnh Thất (ở TP Huế) 95 triệu đồng vì đã khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề, không có giấy phép hoạt động; đồng thời buộc ông Thất ngừng hoạt động khám chữa bệnh trái pháp luật.

Ông Huỳnh Thất trước đây hành nghề chạy xe ôm. Từ năm 2008, ông giả danh là bác sĩ đa khoa để khám chữa bệnh.

Ông Thất chi hoa hồng rất cao cho giới xe thồ đến các bến xe, bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tiếp cận người bệnh và người nhà bệnh nhân để giới thiệu “thần y” trị bách bệnh rồi chở đến nhà ông. Rất nhiều người đã bị lừa đảo mất nhiều tiền trong khi bệnh lại nặng thêm.

Tình trạng này kéo dài cho đến năm 2012, thanh tra Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt ông Huỳnh Thất 25 triệu đồng về hành vi hành nghề khám chữa bệnh trái phép.

Tuy nhiên, sau đó ông Thất vẫn tiếp tục khám chữa bệnh bằng cách móc nối với giới xe ôm chở bệnh nhân về nhà. Ngày 12-1-2015, thanh tra Sở Y tế Thừa Thiên - Huế phối hợp với Công an tỉnh bắt quả tang ông Thất đang giả danh bác sĩ để khám bệnh cho một bệnh nhân đến từ huyện Lệ Thủy (Quảng Bình).

* Tương tự, ngày 6-11, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã bắt quả tang ông Nguyễn Đình Hạp (ở TP Huế) hành nghề xe ôm giả danh là lương y để khám bệnh, bốc thuốc.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151128/hai-ong-xe-om-chan-chay-xe-di-lam-bac-si-luong-y/1010806.html

“Trường chúng tôi mở chuyên ngành đào tạo y, dược như vậy là việc bình thường!”

Sáng nay 28/11, GS Trần Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội (Trường KDCN) phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo nhân sự kiện mới đây nhà trường được Bộ Giáo dục và đào tạo cấp phép đào tạo hai chuyên ngành mới là y đa khoa và dược học.

“Tại sao lại nhằm vào trường tôi?”

Mở đầu cuộc họp, sau khi giới thiệu Ban lãnh đạo nhà trường trong đó có ông Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, GS Trần Phương, Hiệu trưởng nhà trường có đôi lời “trần tình" với báo chí. Rằng: “Trường chúng tôi hoạt động phi lợi nhuận”, rằng: “Chúng tôi nhằm bất cứ ngành học nào mà đất nước cần mà dạy”, “Các trường tư không bị khống chế bởi bất cứ quy định nào về phạm vi hoạt động”…

"Như vậy, bao nhiêu trường tư mở ra trước đây, tại sao các anh các chị không lên tiếng, lại cứ nhằm vào trường tôi? Hay vì họ ở xa quá?".Đoạn ông lý giải về cái sự “không bình thường” như báo chí nêu, rằng khi các nhà đầu tư quyết định mở hai chuyên khoa y và dược ở đây. “Vì ở ta, số bác sĩ trên một vạn dân còn quá ít, tức người Việt Nam còn “chưa được chăm lo sức khoẻ một cách chu đáo". “Vì thuốc dùng của người dân chúng ta chủ yếu được nhập khẩu hay mua nguyên liệu của nước ngoài về để sơ chế, đóng gói chứ không được khai thác từ nguồn dược liệu Việt Nam”... Và thế là có câu chuyện xôn xao như vậy của trường KDCN sau 19 năm thành lập và đi vào hoạt động.

Trường đa ngành, tại sao không?

Ví von về cái sự bổ sung này của nhà trường cũng giống như mẹ Âu Cơ với cái bọc trăm trứng, GS Trần Phương đặt câu hỏi: "Sao lại gọi ngành y, ngành dược là ngoại đạo đối với trường này? Theo quy định của Bộ Y tế, phải có 50 giảng viên cố hữu trong đó có 6 vị là GS, TS đầu ngành.Khi trình bày với đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi có 47 vị giảng viên.Các vị ấy cho rằng hồ sơ của chúng tôi “Chưa thật đầy đủ”".

"Xin thưa với các vị, để có thể sử dụng hết số giảng viên này, phải có lộ trình vài năm nữa. Khi thẩm định về cơ sở vật chất nhà trường, có vị ban đầu cũng cự nự như vậy, rằng phải có cái này, cái nọ nữa kia. Chúng tôi cũng trả lời như vậy, rằng muốn sử dụng hết những thứ đó, phải có lộ trình.“Ngay đến trường đại học y khoa nhà nước cũng có nơi chưa có nhà giải phẫu xác chết, huống chi chúng tôi. Thiếu gì cách để tiến hành giải phẫu này?".

“Với cái tên “Kinh doanh công nghệ”, nay trường mở thêm các chuyên ngành mới y, dược, thì đã sao?”. Đặt vấn đề như vậy rồi GS Trần Phương tự trả lời: “Xin thưa với các vị, y và dược cũng là những ngành công nghệ, mà lại là công nghệ tinh xảo đấy!” - ông nhấn mạnh.

“Trường chúng tôi có các chuyên gia đầu ngành của hai ngành đó. GS Lê Văn Truyền có 20 năm lăn lộn với ngành dược, thì hỏi rằng còn có ngại gì?”, theo ông Phương. "Tôi không có tham vọng biết và giỏi về những lĩnh vực này và đúng là tôi ngoại đạo với kế toán, với y, dược, nhưng, trường chúng tôi có ông Lê Văn Truyền là người quá thông thạo về dược cùng với 5 vị giáo sư đầu ngành nữa đã ký cam kết về đây lãnh đạo các chuyên khoa chính như các bạn biết".

"Hồ sơ gốc của họ đã ở trên bàn phòng tổ chức của chúng tôi. Và như thế thì, các khoa này cũng có thể được coi là những “trường con” và Trường KDCN là “trường mẹ”, sẽ là nội đạo với các chuyên ngành đó chứ. Ông cho biết, trước khi ký quyết định cho phép nhà trường bổ sung hai lĩnh vực đào tạo như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm một việc “quá cẩn thận ” (chữ của GS Trần Phương) là xin ý kiến và đã được Bộ Y tế “chấp thuận”. Tuy nhiên, như chúng tôi đã thông tin tại báo trước, ra ngày 27/11, đây là Bộ Y tế ủng hộ theo hướng nhà trường phải tuân thủ đúng các tiêu chí mà Bộ Y tế đặt ra, chứ không “chấp thuận” một cách vu vơ.

20 điểm đầu vào khoa y, dược là cao (!?)

"Có người cho rằng 20 điểm đầu vào của chúng tôi là thấp.Xin thưa rằng đó cũng là cố gắng lắm của các em học sinh.Vấn đề là ở chỗ quá trình đào tạo, kiểm soát đầu ra của nhà trường cũng như sự nỗ lực của sinh viên trong khi học.Chỉ cần một trong 50-60 học phần không đạt, sinh viên sẽ không được lấy bằng. Tức là họ phải qua chừng ấy kỳ thi, sao không yên tâm?".

GS Lê Văn Truyền bổ sung: "Tôi ủng hộ phân tầng đào tạo. Dược sĩ sau này ra trường sẽ làm cái gì? Phải căn cứ vào đó mà lựa chọn đầu vào. Theo QĐ của Thủ tướng chính phủ, đến năm 2020, VN phải có khoảng 2,4 dược sĩ/vạn dân. Nếu chỉ dựa vào 3 trường ĐH dược tốt nhất như hiện nay, mỗi năm họ chỉ tuyển 500 sinh viên đã “không thở” được rồi. “Không thể chúng ta chỉ tuyển sinh với đầu vào cao ngất ngưởng 28-29 điểm cho 3 môn thi rồi đào tạo ra những dược sĩ xuất sắc, làm việc trong các phòng thí nghiệm mà còn phải đào tạo họ ra để tư vấn thuốc, kinh doanh thuốc…”.

Và theo ông Truyền, những “chân” này không đến mức phải đòi hỏi họ điểm thi đầu vào quá cao như vậy. Trong một văn bản, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã khuyến khích việc đào tạo y dược ngoài công lập như thế (?) - ông Truyền cho hay. “Chúng ta cần phải “uyển chuyển”, “mềm mại” trong đào tạo và sử dụng sinh viên.Làm sao cho các em sau khi học xong ra trường có thể xin được việc và xã hội không lãng phí đào tạo".

"Tôi phải mất 50 năm để có thể được nhà nước cấp cho một học hàm, học vị như bây giờ. Khi tôi bắt đầu làm ở Bộ Y tế, nước ta mới chỉ có 0,7 dược sĩ/10.000 dân. Tôi mạnh dạn mở rộng đào tạo và có những đặc cách (Ví như Trường ĐH Y Huế không có đủ các chức danh giáo sư).Trong quá trình hoạt động của nhà trường, tôi huy động thêm nhiều giáo sư từ các trường khác đến trợ giúp. Chính vì cách làm như vậy nên chúng ta mới có được số dược sĩ đông như hôm nay…”.

“Không phải cứ có sinh viên mới phải đầu tư giáo viên cơ hữu.Không phải ngẫu nhiên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ra yêu cầu này”, các phóng viên đặt vấn đề như vậy để hỏi GS Trần Phương có phải ông coi thường quy định này của Bộ? GS Trần Phương không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà chỉ cung cấp biên bản thẩm định mà theo đó, ông nhấn mạnh kết luận của trưởng đoàn “Hồ sơ đã cơ bản theo đúng quy định của Thông tư 08”. Rất nhiều câu hỏi khác của phóng viên hoặc được trả lời như vậy hoặc bị lãng quên.

http://vntinnhanh.vn/tin-24h/truong-chung-toi-mo-chuyen-nganh-dao-tao-y-duoc-nhu-vay-la-viec-binh-thuong-77340

Khi sự sống được sẻ chia

Hàng ngàn người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang sống mỏi mòn như ngọn đèn dầu trước gió và rất nhiều người trong số đó đã không thể chờ đợ vì không có nguồn tạng hiến. Trong khi đó, mỗi một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống cùng lúc cho 8 - 10 người.

Những ngày qua, câu chuyện về lá gan, trái tim của một người trẻ tuổi chết não hiến tạng vượt hành trình 1.700km ra Hà Nội cứu sống một người suy tim, một người suy gan khiến cộng đồng cảm động.

Chưa khi nào, phong trào ủng hộ hiến tạng khi không may có những rủi ro về sức khỏe lại mạnh mẽ đến thế. Chưa khi nào bạn đọc lại chia sẻ mong muốn được biết về thủ tục hiến tạng, bày tỏ mong muốn được hiến tạng khi không may gặp vấn đề về sức khỏe lại mạnh mẽ thế...

Cộng đồng đồng cảm với hàng nghìn bệnh nhân đang sống mỏi mòn bởi suy tạng.Bởi tại Việt Nam, nhu cầu thực tế của người cần ghép tạng rất cao.Hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị bệnh suy thận mạn tính cần được ghép.Về ghép gan, chỉ tính tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có trên 1.500 người có chỉ định ghép gan. Có khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc, trong đó có trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc; Hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi…và rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm. Rất nhiều người trong số đó nhắm mắt, xuôi tay sau thời gian dài mỏi mòn chờ đợi trong vô vọng, bởi không có nguồn tạng hiến.

Sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc. Trong đó, 90% các ca ghép tạng tại Việt Nam đang được thực hiện từ nguồn cho là người sống, trong khi tại nước ngoài, 90% tạng ghép từ người cho chết não. Thực tế này đã hạn chế rất nhiều cơ hội cho những người bệnh đang mòn mỏi chờ ghép tạng – phương pháp cuối cùng giúp họ “hồi sinh” khi mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngay tại BV Việt Đức (Hà Nội) mỗi năm có khoảng 1.000 ca chết não nhưng 5 năm qua chỉ có 26 trường hợp đồng ý hiến tặng mô tạng. Tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, từ khi thành lập ngày 26/9/2013 đến nay cũng mới chỉ vận động được 500 người hiến tạng, trong đó có 13 người đăng ký hiến khi còn sống.

“Nỗi đau của một gia đình không may mất đi người thân vì tai nạn lao động, tai nạn giao thông… là một nỗi đau rất lớn. Nỗi đau của những người suy tạng mòn mỏi chờ chết cũng như dao cứa vào trái tim người bệnh, thân nhân người bệnh khi nhìn thấy cái chết được báo trước nhưng không có phương pháp nào, có phép màu nào mang lại cuộc sống cho họ. Vì thế, hãy biến đau thương thành hành động. Một người thân không may mất đi nhưng trái tim họ, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người còn cơ hội sống. Hãy mở lòng, sẵn sàng đăng ký hiến tạng nếu không may chết não, nhắm mắt xuôi tay”, một bác sĩ chia sẻ.

“Không có phép màu y học nào có thể giúp cho những bệnh nhân này có thể tiếp tục sống khỏe mạnh, làm việc và cống hiến nếu không có nguồn tạng cho từ những người hiến tặng”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Trong khi đó, một người chết não hiến đa tạng có thể cứu sống 8-10 người.Nhu cầu ghép tạng tại Việt Nam hiện rất lớn song nguồn tạng hiến lại quá hạn chế.Làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều người bệnh được “hồi sinh” nhờ phương pháp đặc biệt này?

Vì sao nguồn mô, tạng tại Việt Nam lại thiếu trầm trọng? Vì sao dù làm chủ kỹ thuật ghép tạng nhưng hơn 20 năm qua Việt Nam mới ghép được hơn 1.000 ca, chỉ bằng số lượng ca ghép trong 1 năm của các nước; Tại sao sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, mà cho đến hiện nay trong cả nước mới chỉ có hơn 1000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não….

Để giúp người dân hiểu rõ hơn về ngành ghép tạng của Việt Nam, giải đáp chi tiết những thắc mắc về thủ tục hiến, ghép tạng cũng như chế độ chính sách, vấn đề liên quan đến hiến tạng, báo Dân trí phối hợp với Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tổ chức giao lưu trực tuyến “Khi sự sống được sẻ chia”.

Thời gian: 9h30 - 11h30 phút ngày 1/12/2015

Các khách mời tham gia gồm:

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Th.S Nguyễn Hoàng Phúc, PGĐ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/khi-su-song-duoc-se-chia-20151128073828526.htm

Xuất hiện nhiều bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chưa đăng ký lưu hành

Theo thông tin từ Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay trên thị trường có nhiều bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Cụ thể, vừa qua, trên một số trang thông tin điện tử “http://maydoantoanthucpham.net”, “http://maydothucpham.com” đã đưa tin, quảng cáo thổi phồng, sai lệch so với hồ sơ đăng ký lưu hành đối với máy đo SOEKS NUC-019-1.

Đây là bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi do SOEKS LLC - Liên bang Nga sản xuất. Sản phẩm được nhập khẩu bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga và đã được Cục An toàn Thực phẩm cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.

Trước tình hình trên, Cục An toàn Thực phẩm đã có buổi làm việc với đại diện Công ty trên. Kết quả cho thấy các sản phẩm máy đo an toàn thực phẩm SOEKS NUC-019-1 đang quảng cáo trên các website “http://maydoantoanthucpham.net” “http://maydothucpham.com” không thuộc quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo để người tiêu dùng cần hiểu đúng, sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, tránh hiểu lầm về khả năng xét nghiệm của các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm.

Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm.

Theo quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18/3/2014 của Bộ Y tế quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, các bộ xét nghiệm nhanh trước khi lưu hành trên thị trường phải được Cục An toàn Thực phẩm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành./.

http://www.vietnamplus.vn/xuat-hien-nhieu-bo-xet-nghiem-nhanh-thuc-pham-chua-dang-ky-luu-hanh/357968.vnp

89 công nhân Formosa bị ngộ độc thực phẩm, Bộ y tế vào cuộc

Liên quan đến vụ 89 công nhân formosa bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hà Tĩnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc này.

Theo đó, sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa đóng tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã có Công văn số 7269/ATTP - NĐ đề nghị Sở Y tế Hà Tĩnh làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc.

Theo đó, công văn yêu cầu ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục tổ chức cấp cứu, thu dụng và điều trị kịp thời cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc. Điều tra xác định rõ nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân và căn nguyên trong vụ ngộ độc thực phẩm và báo cáo vụ việc theo quy định.

Phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, công khai kết quả điều tra trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm cho các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bên ngoài khu công nghiệp, bếp ăn tập thể của cơ sở… theo quy định của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Trước đó, vào tối ngày 24/11, cán bộ, nhân viên làm việc cho Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ăn cơm tối tại công ty với khẩu phần gồm canh, thịt heo, đậu phụ, rau…

Đến khoảng 3h ngày 25/11, 82 cán bộ, nhân viên bắt đầu có dấu hiệu chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy và cơ thể mệt mỏi. Ngay sau đó, công ty đã đưa những công nhân này lên phòng khám Thành An điều trị. Còn 5 người khác được đưa đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Kỳ Long và Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh.

Bước đầu cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân là do các công nhânnày bị ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, thông tin được biết, số cán bộ, nhân viên này không ăn tại bếp của công ty trên mà gọi thức ăn ở ngoài mang vào.

Hiện, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra, xác minh cụ thể số thức ăn trên được mua từ bếp ăn nào.

http://www.nguoiduatin.vn/89-cong-nhan-formosa-bi-ngo-doc-thuc-pham-bo-y-te-vao-cuoc-a217399.html

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang