Hòa Bình: Gia đình 8 bệnh nhân chạy thận tử vong cầu cứu
Ngày 28-11, liên quan tới vụ tai biến nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, gia đình của các nạn nhân đã có đơn kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo đó, đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ tai biến chạy thận xảy ra vào cuối tháng 5-2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, gồm: làm rõ nguyên nhân của sự cố làm 8 người tử vong ngày 29-5 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; làm rõ trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện thời điểm đó là ông Trương Quý Dương, người trực tiếp ký hợp đồng với Công ty Dược phẩm Thiên Sơn, Công ty Xử lý nước Trâm Anh gây ra sự cố trên và việc ông Dương đi ra nước ngoài trong một tháng qua; làm rõ trách nhiệm của Công ty Trâm Anh là đơn vị xử lý hệ thống nước RO phục vụ chạy thận trước khi xảy ra sự cố.
Cũng theo đơn kiến nghị, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết và ông Phạm Ngọc Thạo (đại diện cho 8 gia đình) cho rằng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đang cố kéo dài thời gian và không thành thật trong việc bồi thường cho các gia đình nạn nhân.
Theo ông Thạo, ngày 8-11, các gia đình được giám đốc bệnh viện thông báo đã gửi văn bản đến Sở Tài chính và Sở Y tế tỉnh Hòa Bình với nội dung không quyết toán được tiền đền bù nên sẽ đưa vụ việc ra tòa và đợi phán quyết của tòa án.
“Tuy nhiên Sở Tài chính trả lời chúng tôi là chưa nhận được báo cáo của bệnh viện. Ngoài ra, tiền đền bù là của bệnh viện không phải ngân sách nên Sở Tài chính không quản lý”, ông Thạo cho biết.
Còn theo chị Tuyết, từ lúc xảy ra vụ tai biến đến nay, mỗi gia đình được nhận 10 triệu đồng để lo ma chay. Trong các cuộc đàm phán bồi thường gần đây, ông Lê Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình, tạm thời kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đề nghị tạm ứng cho mỗi gia đình 50 triệu đồng, số còn lại khi có hóa đơn tài chính sẽ tiếp tục chi trả, song các gia đình từ chối vì yêu cầu vô lý của bệnh viện.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cho biết đã nhận được đơn của 8 gia đình, hiện Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao cho các cục, vụ chức năng của Bộ Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xử lý. Bộ Y tế mong muốn trong sự việc này, gia đình 8 bệnh nhân tử vong và phía bệnh viện sẽ tiếp tục có những buổi làm việc để đưa ra các thỏa thuận hợp tình hợp lý.
Về phía đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết sau 3 lần đàm phán mức đền bù cho các gia đình nạn nhân không có kết quả, bệnh viện đã nhờ tòa án giải quyết. Việc bồi thường sẽ theo kết luận của tòa án, dựa trên kết luận điều tra của công an (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Cấp cứu thành công một học sinh bị đứt động mạch
Các bác sĩ Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn – Hà Nội vừa mổ cấp cứu một học sinh bị vết thương ở khoang liên sườn một bên trái ngày 27-11. Vết thương có kích thước 3cm, cạnh hõm ức lệch trái đã được khâu ở y tế cơ sở nhưng tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng khi chuyển đến bệnh viện. Ca trực do bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Mạnh Hùng đã chỉ đạo đưa cháu bé lên phòng mổ để hồi sức và mổ cấp cứu với việc dẫn lưu màng phổi bằng xông nối hệ thống hút áp lực âm, hút ra được hơn 500ml máu loãng không đông và ít bọt khí.
Khi mở vết thương cạnh hõm ức thấy đáy vết thương thấu ngực, mở rộng tiết thấy động mạch ngực trong trái đứt rời, máu phun thành tia, không thấy tổn thương động mạch lớn. Tiến hành thắt động mạch ngực trong, cầm máu kĩ vết mổ và đóng vết thương theo giải phẫu.
Sau hơn 2 giờ ca mổ tiến hành xong. Đến chiều 28-11, bệnh nhân đã tỉnh táo, huyết áp bình thường. Hiện vẫn đang được chăm sóc điều trị tại khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực của bệnh viện. Theo mẹ bệnh nhân là chị Ngô Thị Thu kể lại, nguyên nhân là trong giờ nghỉ ra chơi, cháu D đi vệ sinh, đóng cửa kính lại, sau đó bị một bạn gái khác dùng chân đạp cửa kính làm kính vỡ bắn vào miệng và ngực cháu D gây các tổn thương trên (An ninh thủ đô, trang 15).
Hơn 17.600 trẻ em khám, chữa bệnh trong 1 ngày tại TP.HCM
Ngày 28.11, Sở Y tế TP.HCM cho biết trong một ngày (20.11), cả ba bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố đã khám, điều trị cho 17.600 bệnh nhi. Đây là con số kỷ lục nhất từ trước đến nay tại TP.HCM. Lâu nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 luôn có số ca khám chữa bệnh cao hơn Bệnh viện Nhi đồng 2. Tuy nhiên, thống kê ngày 20.11, Bệnh viện Nhi đồng 2 có 8.067 ca (trong đó 80% bệnh nhi ở TP.HCM), đã vượt số ca tại Bệnh viện Nhi đồng 1, với 8.023 ca (trong đó 53,5% bệnh nhi ở TP.HCM).
Riêng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong ngày 20.11 tiếp nhận 1.531 ca (có 60% bệnh nhi ở TP.HCM), đây cũng là con số cao nhất kể từ ngày bắt đầu hoạt động đến nay của Khoa khám bệnh tại bệnh viện này.
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc đầu tư phát triển thêm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố là hướng đi hoàn toàn phù hợp. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn lực khoa khám bệnh và hoạt động điều trị ban ngày là phù hợp yêu cầu từ thực tiễn hiện nay tại các bệnh viện nhi, bệnh viện tuyến dưới và các bệnh viện vệ tinh.
Được biết, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dự kiến sẽ tổ chức khánh thành vào giữa cuối tháng 12.2017 sau 3 năm xây dựng (trễ tiến độ 1 năm rưỡi) (Thanh niên, trang 4).
Không tự nâng cao chất lượng, các bệnh viện sẽ rơi vào cảnh vắng vẻ
Từ nay đến hết tháng 12/2017, Bộ Y tế sẽ tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng của các bệnh viện (BV) và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2017. Theo đó, tất cả các BV Nhà nước và tư nhân trên toàn quốc, viện có giường bệnh điều trị nội trú tự kiểm tra, đánh giá trong tháng 11, các cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, đánh giá trong tháng 12.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) đánh giá chất lượng BV là công việc định kỳ hàng năm của ngành y tế để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ KCB của BV; đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ KCB, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng BV. Sơ bộ xếp loại chất lượng hoạt động và dịch vụ KCB của các BV và cung cấp căn cứ xét thi đua, khen thưởng năm 2017.
Các BV tự kiểm tra, đánh giá theo “Bộ tiêu chí chất lượng BV Việt Nam” đã được Bộ Y tế ban hành. Sở y tế, y tế bộ, ngành tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá cho các BV công lập trực thuộc sở, BV tư nhân, BV thuộc các trường đại học trên địa bàn và BV bộ, ngành trên địa bàn (nếu được y tế các bộ, ngành ủy quyền). Y tế các bộ, ngành tổ chức đánh giá các BV do bộ, ngành quản lý hoặc ủy quyền cho các sở y tế kiểm tra, đánh giá (có văn bản ủy quyền) đối với các BV thuộc địa phương tương ứng.
Đối với việc khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế, các BV sẽ khảo sát hài lòng người bệnh nội trú, ngoại trú và khảo sát sự hài hài lòng nhân viên y tế.
Sau khi tổng hợp kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng BV, trong trường hợp cần thiết, Bộ Y tế thành lập đoàn phúc tra của Bộ Y tế (do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối). Đối tượng phúc tra là các BV và các sở y tế có điểm đánh giá cao (so với BV cùng tuyến, hạng); BV có những vấn đề chất lượng là tâm điểm của các phương tiện thông tin đại chúng, đang được xã hội quan tâm...
Liên quan đến vấn đề “chất lượng BV”, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê một số nội dung.
PV: Xin Cục trưởng đánh giá kết quả sơ bộ việc thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng BV trong thực tế hoạt động của các BV đến thời điểm hiện nay?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Năm 2017 là năm thứ 2 Bộ tiêu chí chất lượng BV “chính thức” trở thành Bộ công cụ đánh giá chất lượng BV, áp dụng chung cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam. Trong 2 năm trở lại đây, cải tiến chất lượng BV đã trở thành một công việc mang nhiều ý nghĩa và đòi hỏi sự tư duy của các BV. Rất vui là cải tiến chất lượng đã trở thành phong trào, lôi kéo sự vào cuộc của lãnh đạo các BV và nhân viên y tế. Tôi được biết có Diễn đàn về chất lượng BV và an toàn người bệnh thu hút hơn 20.000 tài khoản tham gia. Tại đây các thành viên trao đổi và học hỏi lẫn nhau về những kinh nghiệm cải tiến chất lượng BV.
PV: Theo Cục trưởng, từ thực tiễn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng BV, có những thuận lợi và khó khăn gì? Giải pháp khắc phục các khó khăn, tồn tại đó thế nào?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Khó khăn hiện nay chính là tư duy về chất lượng chưa được thay đổi đồng bộ. Việc thực hiện đánh giá, cải tiến và giám sát chất lượng một số nơi chưa được tiến hành bài bản và mới chỉ dừng lại ở những bộ phận chuyên môn mà chưa chú ý đến những bộ phận hành chính, quản trị... Một số lãnh đạo BV vẫn chưa thực sự quan tâm đến cải tiến chất lượng, BV phía Bắc chưa quan tâm cải tiến chất lượng như BV phía Nam, khu vực BV Nhà nước chưa quan tâm như khu vực BV tư nhân. Còn BV vẫn chưa có phòng hoặc bộ phận làm quản lý chất lượng khiến việc thực hiện cải tiến chất lượng đáp ứng với Bộ tiêu chí chất lượng BV còn gặp khó khăn.
PV: Cục trưởng đã từng nói: “Các BV không nâng cao chất lượng BV sẽ rơi vào cảnh vắng vẻ”, xin Cục trưởng cho biết để không rơi vào cảnh vắng vẻ thì các BV phải đổi mới, phải nâng cao chất lượng như thế nào?
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Hiện nay, nhu cầu đòi hỏi về chất lượng của người bệnh ngày càng cao, người bệnh sẵn sàng vượt tuyến khi thấy chất lượng BV địa phương không được đáp ứng. Để không rơi vào cảnh vắng vẻ, các BV phải đổi mới, phải nâng cao chất lượng từng ngày, từ những việc nhỏ nhất đến những vấn đề về chuyên môn, con người.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh là nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị; đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế; xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp; tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào BV; tăng cường các giải pháp phòng, chống kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).