Tấm lòng người thầy thuốc quân y
Mới sáng sớm, nhưng trên khắp các ngả đường thôn, xóm đã có rất đông người dân đổ dồn về Trạm y tế xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) để được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 (Cục Hậu cần Quân khu 2) khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và nhận quà tặng nhân dịp đón Xuân Mậu Tuất 2018 sắp tới.
Đồng Ích là xã còn nhiều khó khăn, lại xa trung tâm khám, chữa bệnh và dịch vụ y tế, do vậy, đợt khám, chữa bệnh này rất thiết thực đối với người dân nơi đây, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn. Thế nên, biết tin có đoàn cán bộ y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 về địa phương công tác, tuy mỗi người có hoàn cảnh, sức khỏe và bệnh lý khác nhau, nhưng nhiều người đã thu xếp thời gian có mặt tại trạm y tế xã từ sớm để được khám, tư vấn, nhận thuốc chữa bệnh và mong muốn có sức khỏe tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Bưởi, 84 tuổi, là bố của liệt sĩ, nhà ở thôn Hoàng Trung, xã Đồng Ích, bị bệnh đại tràng, huyết áp cao, u xơ tuyến tiền liệt. Nhận được thông báo có bác sĩ về địa phương khám bệnh, ông Bưởi bảo cháu đi xe máy chở đến trạm xá xã từ rất sớm. Vừa được các y sĩ, bác sĩ thăm khám và được cấp một số thuốc về điều trị bệnh, ông Bưởi hồ hởi chia sẻ: Tôi tuổi đã cao, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, cho nên việc đi khám bệnh định kỳ ở bệnh viện không được thường xuyên. Hơn nữa, hiện tại giá các loại thuốc đắt đỏ, gia đình lại không có điều kiện mua các loại thuốc chữa bệnh đều đặn, cho nên bệnh tình của tôi chuyển biến chậm... Nay được các y sĩ, bác sĩ quân y về tận nơi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tôi cũng như người dân ở địa phương rất cảm ơn tấm lòng, tình cảm của các thầy thuốc quân y. Bà con địa phương chúng tôi mong muốn hằng năm được đón các thầy thuốc về đây khám bệnh, hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh.
Bí thư Đảng ủy xã Đồng Ích Trần Xuân Hạnh, xúc động cho biết: Khi lãnh đạo Bệnh viện Quân y 109 đến đặt vấn đề địa phương khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà cho người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương nhất trí cao và bà con mong từng ngày để được đón các thầy thuốc quân y về địa phương công tác. Đợt khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà lần này chủ yếu ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm giúp đỡ một phần chi phí khám, chữa bệnh và góp phần làm vơi đi nỗi đau bệnh tật của các gia đình chính sách và người dân ở địa phương...
Với tinh thần hết lòng vì người bệnh của các y sĩ, bác sĩ quân y, đã có 270 người dân đến khám, nghe tư vấn sức khỏe và nhận thuốc miễn phí. Bên cạnh đó, Bệnh viện Quân y 109 còn dành một số cơ số thuốc trị giá số tiền 50 triệu đồng để cấp tặng các đối tượng chính sách; trao 15 suất quà, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng tặng các đối tượng chính sách tiêu biểu. Cùng với đó, Cục Hậu cần Quân khu 2 còn tặng Trạm y tế xã Đồng Ích một số thiết bị y tế như: giường bệnh, tủ thuốc... trị giá 30 triệu đồng. Mỗi suất quà tuy giá trị không lớn nhưng đó là tấm lòng, là trách nhiệm của các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 109, góp phần tô thắm hình ảnh người thầy thuốc quân y, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp, làm ấm lòng người bệnh và người dân ở xã Đồng Ích khi Tết đến, Xuân về.
Đại tá, bác sĩ cao cấp Bùi Quang Lưu, Giám đốc Bệnh viện Quân y 109 cho biết: Để góp phần giúp người dân địa phương nơi đây vơi bớt phần nào khó khăn, trong đợt khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí tại xã Đồng Ích, bệnh viện đã điều động 28 y sĩ, bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, cùng một số thiết bị, vật tư, máy móc tốt nhất để khám, chữa bệnh cho người dân. Đây cũng là việc làm thiết thực nhằm tri ân nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, là địa bàn đơn vị đóng quân gần 65 năm qua, đó cũng là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 109 (23-3-1953 - 23-3-2018). (Nhân dân trang 3)
Hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên hiến máu tình nguyện
Sáng 28-1, tại phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế phối hợp Trung tâm Huyết học Truyền máu miền Trung (Bệnh viện T.Ư Huế) và Báo Tiền Phong tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện “Chủ nhật đỏ” lần thứ 10, năm 2018. Hơn 800 đoàn viên, thanh niên và người dân tại các phường, xã trên địa bàn thị xã Hương Thủy đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có hơn 500 người hiến máu và thu được khoảng 530 đơn vị máu. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm cung cấp lượng máu dự trữ để cấp cứu các bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Được biết, năm 2017, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 36 đợt hiến máu tình nguyện, thu hút hơn 10 nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia hiến máu, thu được gần 8.600 đơn vị máu.
* Trước đó, ngày 27-1, Đoàn Thanh niên Đại học Huế và Trung tâm Huyết học Truyền máu miền Trung tổ chức “Lễ hội Xuân hồng” sinh viên hiến máu tình nguyện. Gần 1.100 sinh viên đến từ các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc Đại học Huế và các trường cao đẳng trên địa bàn TP Huế tình nguyện hiến hơn 800 đơn vị máu để cứu người trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. (Nhân dân trang 5)
Cảnh báo ngộ độc rượu dịp cuối năm
Cứ vào dịp cuối năm, giáp tết nguyên đán, nhiều cơ quan, đoàn thể, người thân, bạn bè… thường tổ chức liên hoan tổng kết, gặp mặt cuối năm. Đây là thời điểm sử dụng rượu gia tăng, kéo theo đó là nhiều vụ ngộ độc do uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Vì vậy, người dân cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không sử dụng rượu không có nguồn gốc, nhất là các loại rượu tự nấu, “rượu quê”, “rượu thuốc”…
Vừa qua, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (TP Hà Nội) đã tiếp nhận một bệnh nhân ngộ độc rượu nặng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng. Đó là trường hợp anh Cường, ở tỉnh Bắc Giang.
Theo người nhà anh Cường cho biết, trước đó, anh có ăn sáng và sử dụng rượu tại khu vực xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Sau khi uống rượu, anh xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc rượu có chứa Methanol, như buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa…
Xét nghiệm máu, nồng độ Methanol trong máu của anh Cường cao gấp nhiều lần so với bình thường. Mặc dù anh đã được lọc máu 2 lần, nhưng vẫn hôn mê, não và mắt bị tổn thương, nếu qua cơn nguy kịch cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề. Anh Cường chỉ là trường hợp điển hình trong nhiều trường hợp ngộ độc rượu được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm.
Theo Bác sĩ Đặng Thị Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bình thường mỗi ngày tại Trung tâm cũng tiếp nhận từ 2 đến 3 ca ngộ độc rượu. Nhưng vào thời điểm trước tết, trong và sau tết nguyên đán, các ca ngộ độc rượu thường tăng đột biến do liên hoan, tổng kết, gặp mặt… dịp tết đến, xuân về.
Trong các quán nhậu bình dân, người dân có thói quen sử dụng rượu trắng tự nấu, dưới cái mác là “rượu quê”, hoặc các loại “rượu thuốc”, “rượu ngâm hoa quả”… Đây là các loại rượu do tư nhân sản xuất và thường không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa. Chủ quán và khách hàng khi mua và uống các loại rượu này đều dựa vào cảm quan ban đầu và lòng tin chứ cũng không biết cơ sở sản xuất ở đâu, đã được cơ quan chức năng cấp phép hay chưa?
Thực ra, Methanol hình thành tự nhiên trong rượu ethylic (rượu uống) ở mức cho phép. Khi chưng cất rượu, chất lỏng đầu tiên ngưng tụ là Methanol và một số chất độc khác, vì các chất này bốc hơi ở nhiệt độ thấp nên bốc ra ngay ở giai đoạn chưng cất đầu tiên.
Đáng lẽ, Methanol sẽ được bỏ đi, nhưng vì lợi nhuận, một số chủ sản xuất rượu gọi đây là “rượu cốt”, dùng để pha lẫn vào các đợt rượu chưng cất tiếp theo làm tăng thêm nồng độ Methanol trong rượu. Ngoài ra, có cơ sở còn sử dụng cồn khô (chứa Methanol) để chưng cất, với mục đích làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Nghiêm trọng hơn, có cơ sở còn sử dụng cồn thực phẩm hoặc cồn y tế kém chất lượng pha với nước để chế thành rượu.
Methanol rất độc đối với con người, bởi cơ thể chúng ta sẽ chuyển hóa methanol thành formaldehyde và tiếp đến là oxy hóa thành axit formic tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận mô mềm khác như thận và gan. Chỉ cần 10ml Methanol trộn vào đồ uống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn. Một người lớn có thể ngộ độc phải cấp cứu khi uống 1ml dung dịch 100% methanol. Nếu đưa vào cơ thể 30ml dung dịch này, có thể dẫn đến tử vong.
Nguy hiểm không kém rượu chứa methanol là loại các loại “rượu thuốc”, rượu ngâm “hoa quả” siêu rẻ được pha chế bằng hương liệu và phẩm màu. Những đồng nghiệp của chúng tôi tại VTV đã đột kích vào một cơ sở pha chế rượu loại này tại xã Trương Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Chủ cơ sở cho biết mỗi ngày cơ sở này bán ra từ 700 đến 800 lít rượu thuốc, rượu “táo mèo” bằng cách pha phẩm màu hương liệu với rượu (nghi là rượu cồn). Giá bán rẻ đến kinh ngạc, 15.000 đồng/lít rượu.
Tết Mậu Tuất 2018 đang đến gần, đây là thời điểm sản xuất, kinh doanh rượu đang gia tăng mạnh. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý rượu giả, rượu nhập lậu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.
TP Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo 389/TP để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trên giấy phép; đặc biệt chú trọng đến các cơ sở sản xuất rượu có sử dụng cồn công nghiệp hoặc các nguyên liệu bị cấm. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, có ý thức trong việc sử dụng rượu, bia; tránh để tết đến, xuân về, gia đình mất vui vì ngộ độc rượu. (Công an Nhân dân trang 3)
Đưa vaccine sởi – rubella do Việt Nam sản xuất vào tiêm chủng mở rộng
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, dự kiến từ năm 2018 này, vaccine phối hợp sởi – rubella do Việt Nam tự sản xuất sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên cả nước.
Tại Hội thảo kết thúc dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella” do Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã rất nỗ lực để đưa nhiều loại vaccine vào chương trình tiêm chủng mở rộng và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2014, khi dịch sởi bất ngờ bùng phát mạnh, với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Bộ Y tế đã mở chiến dịch tiêm vaccine phòng sởi và rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi; từ năm 2015 đã đưa vaccine này vào tiêm chủng thường xuyên nhằm khống chế, tiến tới loại trừ sởi và rubella.
Do nhu cầu tiêm chủng vaccine sởi-rubella rất lớn nên Bộ Y tế đã chủ trương tự túc nguồn vaccine bằng sản xuất trong nước. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella”; Bộ Y tế giao Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac) thực hiện.
Đến nay, dự án đã đi vào giai đoạn kết thúc, vaccine phối hợp sởi-rubella do Việt Nam tự sản xuất đã thành công, được cấp giấy phép lưu hành năm 2017, sớm hơn dự kiến 1 năm.
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, dự kiến từ năm 2018, vaccine này sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giúp ngành y tế Việt Nam chủ động nguồn cung cấp vaccine để tiến tới loại trừ bệnh sởi-rubella ở nước ta.
Trước đó, vaccine phối hợp sởi – rubella do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng tại Hà Nam và Hòa Bình với 756 đối tượng từ 1 - 45 tuổi. Kết quả cho thấy, vaccine có tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh tốt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nêu rõ, việc sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi – rubella góp phần nâng cao được vị thế của ngành y tế Việt Nam, đồng thời giúp giảm ngân sách nhà nước khi bớt được vaccine nhập khẩu. (An ninh Thủ đô trang 4)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “Đưa vắc-xin sởi rubella Việt Nam sản xuất vào tiêm chủng mở rộng”
Chủ Nhật Đỏ đạt kỷ lục với hơn 42.000 đơn vị máu
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số đơn vị máu mà các tình nguyện viên đã hiến tặng trong Chương trình Chủ Nhật Đỏ lần thứ 10 năm 2018 đã đạt hơn 42.000 đơn vị.
Đây tiếp tục được ghi nhận là kỷ lục mới trong hành trình thiện nguyện Chủ Nhật Đỏ với tôn chỉ mục đích “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”. Hiện TP.HCM là đơn vị dẫn đầu 31 tỉnh, thành phố về số đơn vị máu hiến tình nguyện với con số hơn 15.000 đơn vị.
Số lượng máu kỷ lục mà Chủ Nhật Đỏ lần này có được chính là nhờ sự lan tỏa yêu thương và sẻ chia của Chủ Nhật Đỏ trong những mùa trước đã tạo nên hiệu ứng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo sinh viên và người dân cả nước. Chính những trái tim nhân ái đó đã thắp lửa cho Chủ Nhật Đỏ lần này, tạo nên dấu ấn xúc động về một mùa thiện nguyện mà sự đồng cảm, sẻ chia vì đồng bào được khắc ghi rõ nét.
Chương trình Chủ Nhật Đỏ sẽ tiếp tục đến đầu tháng 2-2018. Trong dịp này, riêng tại Đắk Lắk, Chủ Nhật Đỏ sẽ được tổ chức dưới hình thức ngày hội của nhân dân các dân tộc tại nhiều địa phương. (An ninh Thủ đô trang 2)
Cùng chủ đề Báo Sức khỏe & Đời sống trang 2: “Hơn 42.000 đơn vị máu hiến tình nguyện”
Bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trước cổng bệnh viện
Khoảng 5h30 ngày 28/1, trong lúc đi thể dục, một người dân trú ở phường Bắc Hồng, TX.Hồng Lĩnh phát hiện một bé trai sơ sinh bị bỏ trong thùng xốp, bên đường gần cổng bệnh viện.
Ngay sau đó, bé trai đã được các bác sỹ tại bệnh viện Đa khoa TX.Hồng Lĩnh cho uống sữa, lấy máu làm xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, chăm sóc.
Bé trai khoảng 10 ngày tuổi, nặng 2,9kg, bên trong thùng xốp có phong bì đựng 560.000 đồng.
Phía bệnh viện Đa khoa TX.Hồng Lĩnh cho biết, người nhà của một cán bộ trong bệnh viện đã trình bày nguyện vọng xin được nuôi cháu bé. Sự việc đã được báo lên chính quyền địa phương, nếu người nhà của bé trai không đến nhận, gia đình này sẽ làm các thủ tục cần thiết cho việc nhận nuôi bé trai. (Thanh niên trang 4)
Chữ trong bệnh án, cán bộ Bộ Y tế cũng không đọc được
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), vừa ký kết luận thanh tra hoạt động khám, chữa bệnh tại Bệnh viện (BV) đa khoa Medlatec (Q.Ba Đình) và BV đa khoa quốc tế Thu Cúc (Q.Tây Hồ, Hà Nội).
Tại BV đa khoa Medlatec, đoàn thanh tra phát hiện bệnh án của bệnh nhân không có một loại thuốc giảm đau nhưng lại có trong bảng kê chi phí khám, chữa bệnh. Đáng nói, có hồ sơ bệnh án đoàn thanh tra không đọc được. Tại BV đa khoa quốc tế Thu Cúc, kiểm tra 11 bệnh án ngoại trú, thanh tra phát hiện BV đã phẫu thuật thẩm mỹ cho người bệnh, có hội chẩn nhưng sử dụng biểu mẫu biên bản hội chẩn chưa đúng; BV chưa tổ chức bình đơn thuốc thường xuyên... (Thanh niên trang 4)
Phòng khám đa khoa khu vực không được điều trị nội trú
Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 618/BYT-KCB về việc khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực.
Theo công văn, các phòng khám đa khoa khu vực chưa được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ điều trị nội trú chỉ được thực hiện cấp cứu, khám, chữa bệnh ngoại trú và phải chấm dứt hoạt động điều trị nội trú từ ngày 25/1/2018.
Đối với phòng khám đa khoa khu vực đã được giao nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu giường nội trú được tiếp tục điều trị nội trú đến hết ngày 31/1/2018 nhưng Sở Y tế phải rà soát và sắp xếp tổ chức, hoạt động của các phòng khám này theo 3 phương án.
Phòng khám đa khoa khu vực đáp ứng điều kiện của bệnh viện đa khoa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà phù hợp Quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh ở địa phương thì tiến hành thủ tục thẩm định, cấp giấy phép hoạt động bệnh viện; thời hạn chuyển đổi đến hết 30/6/2018.
Phòng khám đa khoa khu vực vẫn cần tồn tại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng thì Sở Y tế, Y tế các Bộ/ngành phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp, thẩm định phê duyệt chuyển đổi thành đơn nguyên điều trị nội trú của bệnh viện đa khoa khu vực của tỉnh, bệnh viện huyện, Trung tâm y tế huyện; thời hạn chuyển đổi đến hết 30/6/2018.
Các phòng khám đa khoa khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động điều trị nội trú từ ngày 31/1/2018, chỉ thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, khám, chữa bệnh ngoại trú theo quy định hiện hành./. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng thuốc
Trước tình trạng sản xuất, kinh doanh thuốc giả đang gây hoang mang cho người bệnh, Cục Quản lý Dược (QLD) - Bộ Y tế đã có thông tin trả lời vấn đề này.
Theo đó, Cục QLD cho biết, hàng năm, các hệ thống kiểm nghiệm lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng, năm 2015 đã lấy 38.627 mẫu, năm 2016 đã lấy 37.219, năm 2017 đã lấy 36.362. Tỷ lệ thuốc kém chất lượng các năm gần đây khoảng 1,5 - 2% và tỷ lệ thuốc giả dưới 0,05%...
Theo Cục QLD, thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường phải được Bộ Y tế thẩm định hồ sơ đăng ký bao gồm nguyên liệu, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, độ ổn định và dữ liệu lâm sàng. Nhà sản xuất phải đáp ứng điều kiện sản xuất (GMP) và phải tuân thủ đúng hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt trong quá trình sản xuất và phải kiểm tra chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn đã được đăng ký trước khi đưa thuốc ra thị trường.
Khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với chất lượng thuốc do cơ sở mình sản xuất, báo cáo cơ quan quản lý khi phát hiện các dấu hiệu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và chịu sự lấy mẫu, giám sát của cơ quan quản lý.
Cục QLD cho biết, để tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc nhập khẩu, Bộ Y tế đã thực hiện kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu của các công ty sản xuất thuốc nước ngoài đã có thuốc vi phạm chất lượng trong quá trình lưu hành thuốc tại Việt Nam kịp thời phát hiện và ngăn chặn đưa ra thị trường các lô thuốc không đạt chất lượng. Đặc biệt, Cục QLD đã xử lý nghiêm các trường hợp với các biện pháp mạnh và quyết liệt như trên, nếu vi phạm đủ mức răn đe. Năm 2014, phát hiện 70 lô thuốc, năm 2015 phát hiện 6 lô, năm 2016 chỉ phát hiện 2 lô và năm 2017 không phát hiện lô thuốc nào kém chất lượng.
Ngoài ra, Cục QLD đã định kỳ công khai, công bố danh mục các thuốc vi phạm chất lượng và danh sách các cơ sở có thuốc vi phạm chất lượng trên trang thông tin điện tử của Cục QLD. Đối với cơ sở nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng phải thực hiện kiểm tra 100% các lô thuốc nhập khẩu: Năm 2016 công bố 5 đợt; năm 2017, công bố 4 đợt với 51 công ty đang trong danh sách phải thực hiện.
doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc giả, kém chất lượng, đã có thông báo thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã hết hạn dùng. Ngoài ra, Luật Hình sự quy định tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phạt tù từ 2 năm trở lên... Thực hiện các quy định pháp luật, thời gian qua Cục QLD đã tăng cường công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng là thuốc, thực phẩm, trang thiết bị y tế...
Đối với các trường hợp thuốc giả phát hiện, Cục QLD đã có văn bản thông báo và phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kinh tế - Bộ Công an để tiến hành điều tra, truy tìm nguồn gốc sản xuất, kinh doanh thuốc giả; đồng thời xử phạt nặng các cơ sở vi phạm kèm theo hình thức bổ sung; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng. (Sức khỏe & Đời sống trang 3)