Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/12/2017

  • |
T5g.org.vn - Báo Sức khỏe & Đời sống nhận giải thưởng "Giọt hồng" năm 2017; Củng cố hệ thống y tế cơ sở ở Bắc Cạn; Bắt giam kẻ đấm gãy mũi bác sĩ...

 

Củng cố hệ thống y tế cơ sở ở Bắc Cạn

Xác định hệ thống y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhiều năm qua, tỉnh Bắc Cạn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; đào tạo, điều động cán bộ y tế có trình độ về công tác ở các trạm y tế xã; cải thiện trình độ nhân viên y tế thôn, bản. Nhờ đó, nhiều năm liền trên địa bàn không xảy ra các dịch bệnh quy mô lớn; người dân được khám, chữa bệnh ngay tại tuyến, từng bước tạo được niềm tin của người dân.

Những cánh tay nối dài

Chị Nguyễn Thị Lệ Chuyên, dân tộc Tày, đã có mười năm liền là nhân viên y tế ở thôn Tủm Tó, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Ðồn (Bắc Cạn) cho biết, công việc của nhân y tế thôn cũng khá nhiều, từ giao ban chuyên môn đến tham gia cân trẻ định kỳ, tuyên truyền y tế dự phòng vào ngày họp thôn; hằng tuần, bố trí hai, ba ngày đi đo huyết áp; vận động nhân viên dân ăn uống hợp vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, tiêm phòng định kỳ cho trẻ em trong độ tuổi, khám thai định kỳ cho phụ nữ; thăm khám cho bà con, nhất là người cao tuổi, trẻ em… Nhiều hôm đang dọn cơm thì người trong bản gọi báo có ông cụ bị ngất hay có người tai nạn lao động, bỏng... chị lại bỏ dở bữa cơm, vội đến để sơ cứu ban đầu, cùng với người thân đưa người bệnh lên trạm y tế xã, hoặc gọi bác sĩ ở trạm đến xử lý, cấp cứu. Có hôm đã 12 giờ đêm, một hộ dân ở cuối bản gọi thông báo cậu con trai bị nôn, sốt cao. Không quản đêm tối, đường xa, chị Chuyên có mặt khám cho cháu bé, qua trao đổi với gia đình, biết cháu buổi chiều ăn đồ lạ, chị đã pha nước đường ấm cho cháu uống, cháu bé đỡ dần rồi hết sốt.

Công việc của nhân viên y tế thôn, bản không phải là ít, mất nhiều thời gian nhưng mức trợ cấp lại không cao, cho nên chị Chuyên phải làm thêm nhiều công việc khác như bán thịt lợn, đào măng, gặt, cấy thuê… để có thêm thu nhập chi trả cho hai cô con gái đang học THPT, phải thuê nhà trọ ngoài trung tâm huyện Chợ Ðồn. Chị Chuyên tâm sự: Nhiều khi chỉ muốn nghỉ để dành thời gian đi làm thuê lấy tiền nuôi hai con ăn học. Nhưng nghĩ mình là đảng viên, được chi bộ giao nhiệm vụ chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân cho nên dù rất vất vả thì vẫn cố gắng. Bằng sự nhiệt tình, lòng yêu nghề mà đến nay thôn nào của xã Bằng Lãng cũng có nhân viên y tế như chị Chuyên, được đào tạo chín tháng, có kiến thức về y tế và làm tốt công việc được giao.

Thống kê của ngành y tế tỉnh Bắc Cạn cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh, tất cả các thôn, bản đều có nhân viên y tế. Ðội ngũ này được đào tạo kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe từ ba đến chín tháng, thực hiện tốt các chức năng được quy định về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyên truyền vận động, vệ sinh môi trường, sơ cứu ban đầu… cho nên nhiều năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra, không có tình trạng ngộ độc đông người, ý thức tự phòng, chống bệnh của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao được nâng lên, cơ bản chấm dứt tình trạng tìm đến cầu cúng khi có bệnh. Ðáng chú ý, tại Hội thi y tế thôn,

bản giỏi toàn quốc năm 2017 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đội thi của tỉnh Bắc Cạn đã xuất sắc đoạt giải nhất, phần nào cho thấy sự quan tâm cũng như đánh giá đúng vai trò là cánh tay nối dài của ngành y tế để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tạo nền tảng vững chắc

Trạm Y tế xã Bằng Lãng được đầu tư khang trang với hai dãy nhà, có vườn thuốc nam xanh tốt, trang thiết bị y tế cũng được đầu tư khá đồng bộ, đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Chỉ với bốn cán bộ (một bác sĩ, hai y sĩ, một điều dưỡng), toàn bộ 22 chương trình, nội dung hoạt động của trạm y tế xã được thực hiện tốt, 100% số dân trong xã có thẻ bảo hiểm y tế. Toàn bộ trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ mang thai được tiêm vắc-xin đầy đủ; không còn tình trạng tự sinh nở tại nhà, không để xảy ra chết mẹ và trẻ sơ sinh, không có dịch bệnh lớn. Trạm luôn kết hợp với y tế thôn, bản truyền thông dinh dưỡng, thực hiện các chương trình phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống lao, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống mù lòa, khám cho học sinh tại từng thôn, bản định kỳ hai lần/năm.

Cụ Triệu Văn Ngô ở thôn Tủm Tó, năm nay đã 70 tuổi, vui mừng cho biết: "Trước đây bị ốm, đi khám bệnh vất vả lắm, phải lên tận huyện. Bây giờ, trạm y tế xã có bác sĩ, cơ sở vật chất tốt cho nên mỗi khi ốm đau chỉ cần đến trạm khám là được, vừa điều trị ngay tại xã vừa gần nhà, tiện cho cháu con chăm sóc. Phó Trưởng trạm y tế xã Hoàng Văn Thuấn chia sẻ, trước đây do không có bác sĩ, thiếu trang thiết bị cho nên nhiều người chỉ mắc bệnh thông thường cũng phải chuyển lên tuyến trên, nhưng đến nay chúng tôi đã điều trị dứt điểm ngay tại trạm y tế xã. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Ðồn Dương Văn Hoàn thông báo: Ðến nay tất cả các trạm y tế xã trên địa bàn huyện đều đã có bác sĩ, 50% số trạm y tế xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Năm 2017, công suất sử dụng giường bệnh tuyến y tế cơ sở của huyện đạt 174,7%.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay nhiều trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn khá linh hoạt trong việc áp dụng những mô hình, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Như Trạm Y tế xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông đã xây dựng phòng khám "thân thiện" với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, tạo không khí tươi mới, giảm áp lực, căng thẳng cho người bệnh, nhất là trẻ nhỏ. Trong phòng khám rộng 20 m2, Trạm trang trí đồ dùng, đồ chơi dành cho thiếu nhi, tủ đựng đồ, hình vẽ sinh động trên tường tạo không gian gần gũi, thoải mái cho người bệnh và có góc truyền thông với nhiều sách, tài liệu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, sách thơ, truyện… Các y, bác sĩ kết hợp khám, chữa bệnh với trò chuyện, động viên, giúp cho việc triển khai các hoạt động can thiệp như tiêm chủng, sơ cứu ban đầu rất thuận lợi. Kết quả khám, chữa bệnh và thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia của Trạm Y tế xã Nguyên Phúc luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ mô hình như ở xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông đã nhân rộng phòng khám thân thiện ra Trạm y tế các xã Vi Hương, Ðôn Phong, Lục Bình và bệnh viện huyện.

Những năm qua, tỉnh Bắc Cạn tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở. Ðến nay, tất cả 122 xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều đã có trạm y tế, trong đó có 93 trạm đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 110 trạm có bác sĩ, trang thiết bị y tế được đầu tư khá đồng bộ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám, chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Tỉnh chủ trương tất cả các trạm y tế xã, phường, thị trấn đều có bác sĩ, những trạm ở gần trung tâm y tế huyện, thành phố và bệnh viện đa khoa tỉnh, thì hằng tuần Trung tâm y tế huyện cử bác sĩ luân phiên xuống các trạm này khám, chữa bệnh cho nhân dân. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Cạn TS Nguyễn Ðình Học cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ tuyến xã, trước tiên là mời, đưa bác sĩ có trình độ xuống hướng dẫn, chuyển giao kinh nghiệm, kỹ thuật cho cán bộ y tế xã; hướng tới sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để đào tạo trực tuyến, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí và đào tạo được nhiều người.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay mạng lưới y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại bất cập, đó là một số trạm y tế đã xuống cấp, thiết bị y tế được trang bị từ nhiều nguồn vốn khác nhau nay đã cũ, lạc hậu, thiếu. Mặt khác, cơ cấu cán bộ y tế xã còn bất hợp lý. Ngành y tế đã có cơ chế tự chủ về tài chính, nhưng lại chưa được tự chủ về con người cho nên không thể ký hợp đồng với các bác sĩ giỏi đã về hưu hoặc sinh viên giỏi mới ra trường để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở. Nhiều trạm chưa có hệ thống xử lý chất thải, rác thải. Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Cạn, cái khó của tỉnh là không có kinh phí để đầu tư đồng bộ cho nên vẫn phải đầu tư chắp vá, sau vài ba năm nhiều trạm y tế xã lại không giữ được chuẩn do cơ sở vật chất, thiết bị cũ, hư hỏng mà không được đầu tư mới. (Nhân dân trang 1)

 

Bắt giam kẻ đấm gãy mũi bác sĩ

Ngày 28-12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với bị can Đặng Xuân Doanh để điều tra xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Doanh chính là người đã hành hung gây thương tích nặng cho bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa ở Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình khi đang làm nhiệm vụ cấp cứu người bệnh.

Trước đó, vào tối 25-12, anh Đặng Xuân D. (ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng) bị tai nạn giao thông tại thôn Lại Xá, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng. Nhận được thông tin, Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh Thái Bình đã cử bác sĩ Đỗ Chính Nghĩa cùng kíp cấp cứu đến hiện trường làm nhiệm vụ.

Sau khi đến hiện trường, bác sĩ Nghĩa đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp sơ, cấp cứu ban đầu cho nạn nhân Dự theo đúng quy trình nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nạn nhân thì Đặng Xuân Doanh, là anh trai nạn nhân Dự, đã yêu cầu đưa Dự đi cấp cứu ngay. Bác sĩ Nghĩa giải thích, do Dự bị gãy chân nên phải tiêm thuốc chống sốc, băng nẹp, cho lên cáng... sau đó mới chuyển đi cấp cứu được. 

Tuy nhiên, khi bác sĩ Nghĩa đang bơm thuốc vào xi lanh để tiêm giảm đau cho nạn nhân thì Doanh xông vào, giơ tay đấm liên tiếp vào mặt  bác sĩ Nghĩa. Mặc dù bị hành hung nhưng bác sĩ Nghĩa vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và đưa anh Dự đi cấp cứu an toàn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Khởi tố, bắt giam kẻ đấm vỡ mũi bác sĩ Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình đang làm nhiệm vụ

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về Trung tâm Cấp cứu 115, bác sĩ Nghĩa mới báo cáo lại sự việc cho lãnh đạo trung tâm, đồng thời được đồng nghiệp của trung tâm băng bó vết thương tạm thời và đưa tới khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bác sĩ Nghĩa bị vỡ xương sống mũi, chấn thương sưng nề mặt vùng mắt trái và bị xước giác mạc, sưng nề vùng trán.

Cũng liên quan tới vụ việc nghiêm trọng này, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành bác sĩ Nghĩa trong vụ việc trên, đồng thời truy cứu trách nhiệm, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung bác sĩ của Trung tâm cấp cứu 115 Thái Bình và sớm công bố kết luận điều tra cho công luận. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế.

Về phía Tổng Hội Y học Việt Nam cũng đã có công văn gửi Công an tỉnh Thái Bình đề nghị đơn vị này khẩn trương điều tra và xử lý nghiêm đối tượng đã hành hung cán bộ y tế khi họ đang làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân theo điều 134 Bộ Luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. (Sài Gòn giải phóng trang 7)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 13: “Khởi tố đối tượng đấm vỡ mũi bác sĩ khi đang cấp cứu bệnh nạn nhân tai nạn giao thông”

 

Cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột

Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 23 tuổi, ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc.

Tuy nhiên, biểu hiện của ca bệnh giống như ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam từ 10-20 năm trước.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng kích thích, co giật sau khi uống một ống thuốc diệt chuột không rõ nhãn mác, nguồn gốc. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, phải lọc máu, thở máy, sử dụng các biện pháp giải độc và tiên lượng rất dặt dè.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hai tháng gần đây, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận ba ca ngộ độc thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc, trong đó có một trường hợp đã tử vong.

Điều đáng nói tất cả bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng giống như ngộ độc một loại thuốc đã bị cấm lưu hành ở Việt Nam từ 10-20 năm trước, có hoạt chất là Trifluoroacetate hoặc Trifluoroacetamide. Đó là loại ống nước màu trắng, màu đỏ, hạt gạo màu hồng. Loại thuốc này cực độc và có thể để lại những biến chứng vô cùng nặng nề, gây rối loạn nhịp tim và tử vong rất nhanh.

Các bác sỹ cho biết việc sử dụng loại thuốc diệt chuột không rõ nguồn gốc được bày bán trở lại gần đây rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra và cấm lưu hành những loại hóa chất không rõ nguồn gốc, độc hại như thế này.

Người dân cũng không nên vì một phút thiếu suy nghĩ mà sử dụng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của mình. (Hà Nội mới trang 5)

 

Lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết

UBND TP Hà Nội vừa có Kế hoạch số 252/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân năm 2018.

Theo đó, mục tiêu là tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm, đồng thời tăng cường phòng chống, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân năm 2018.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra của thành phố tập trung thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn như: Chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại…

Theo tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội Xuân 2018, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội Xuân 2018. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ thành lập 6 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố từ ngày 20-1-2018 đến 5-2-2018. (Hà Nội mới trang 6)

 

Hoang mang ớt bột chứa độc tố gây ung thư

Viện Pasteur TPHCM vừa công bố kết quả kiểm nghiệm 48 mẫu ớt khô được thu thập tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh, thành phố phía Nam. Theo đó, tất cả các mẫu đều chứa độc tố vi nấm aflatoxin gây ung thư...

Tại chợ Bà Chiểu (Q. Bình Thạnh), tiểu thương giới thiệu đủ loại ớt bột với thành phần: ớt hiểm nguyên chất 100%, không phẩm màu, an toàn cho người tiêu dùng. Giá từ 30.000 - 75.000 đồng/kg.

Ở chợ đầu mối Thủ Đức, khi biết chúng tôi cần mua một lượng lớn ớt bột để pha chế sa tế, tiểu thương tên Mai (chủ một ki-ốt kinh doanh ớt ở khu A) cho hay, cửa hàng chỉ bán duy nhất một loại ớt với giá 45 nghìn đồng/kg. Ớt không pha chế và có nguồn gốc rõ ràng.

Hoang mang

Sau khi có thông tin ớt bột có chất gây ung thư, chị Nguyễn Thị Trà (nhân viên văn phòng, Q.1) đã chuyển qua mua ớt tươi. “Trước đây gần như ngày nào gia đình tôi cũng dùng ớt bột để chế biến món ăn, nhưng giờ mình bỏ hết. Chỉ dám dùng tiêu hoặc tự làm ớt khô để nấu ăn”.

Mấy ngày nay, quán bún bò bà Oanh (Ngã Năm Chuồng Chó, Q. Gò Vấp) giảm hẳn khách tới ăn. Bà Oanh buồn hiu: “Trước giờ tôi vẫn mua ớt bột ở chợ đầu mối về nấu ăn. Ai ăn cũng khen ngon, hít hà vì sa tế ớt tôi chế biến theo bí quyết riêng. Vậy mà hổm rày khách không dám đụng tới sa tế ớt, nước bún bò có ớt, khách cũng sợ. Bán cả ngày không hết nồi bún, thu nhập giảm hẳn”.

Chị Bình – kinh doanh khô bò, khô nai chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10) cũng thở dài vì ế khách: “Món khô đắt hàng mỗi khi tết đến, vậy mà tin ớt bột gây ung thư này khiến tôi như chết đứng. Bao nhiêu vốn liếng bỏ vào đây, giờ mà bán không hết hàng thì chắc cũng không biết tết là gì”.

100% mẫu ớt bột chứa chất gây ung thư

Theo PGS.TS.BS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, trong tháng 5 - 6/2017, nhằm giám sát aflatoxin (một chất gây ung thư) trong ớt khô, cán bộ Viện Pasteur TPHCM đã tiến hành giám sát, tập trung vào các mẫu ớt khô có nguy cơ cao (ớt khô không có đóng gói, không có xuất xứ rõ ràng) được bày bán ở một số điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở một số tỉnh/thành phố.

Cụ thể, Viện Pasteur TPHCM đã thu thập ngẫu nhiên 48 mẫu ớt khô dạng bột (trong đó có 45 mẫu không nhãn mác) tại các chợ và tiệm tạp hóa ở 5 tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả xét nghiệm cho thấy, 100% mẫu ớt bột đều có sự hiện diện của aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan), nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép.

Các chuyên gia cho rằng, do thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản theo phương pháp thủ công, không có sự kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp nên việc nhiễm aflatoxin là không tránh khỏi. Aflatoxin là một nhóm các chất chuyển hóa của vi nấm, có độc tính cao. Tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế IARC đã xếp loại aflatoxin B1 vào nhóm tác nhân gây ung thư cho người. Tuy nhiên, kết quả khảo sát này chỉ bước đầu tập trung vào ớt khô dạng bột vì đây là dạng nguyên liệu dễ sử dụng. Để tiếp tục đánh giá tình trạng nhiễm aflatoxin trên ớt, cần có một chương trình giám sát aflatoxin trong mẫu ớt khô cả dạng nguyên quả và dạng bột.

Kết quả xét nghiệm vượt ngưỡng là dấu hiệu chỉ điểm, giúp rà soát lại chuỗi thực phẩm từ công tác canh tác, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản và sử dụng ở ớt khô không bao bì và không rõ nguồn gốc. Việc lấy mẫu để giám sát tập trung vào các mẫu có nguy cơ cao về nhiễm aflatoxin ở ớt khô không đại diện cho các loại ớt khô có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cũng như không đại diện cho điểm kinh doanh, địa phương.

“Để hạn chế chất độc aflatoxin trong ớt khô, người sản xuất, chế biến, kinh doanh cần kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển, chế biến và bảo quản thực phẩm. Người dân nên chọn và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng thực phẩm đã xuất hiện mốc, lưu ý hạn sử dụng và đáo hạn thực phẩm bảo quản tại gia đình và không để lâu các loại gia vị” - PGS.TS Phan Trọng Lân khuyến cáo. (Tiền phong trang 6)

 

Làm rõ vụ bệnh nhân tử vong trong khi chờ lọc thận

Ngày 28.12, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã chỉ đạo Bệnh viện Q.6 (TP.HCM) báo cáo sự cố vỡ ống của hệ thống lọc nước R.O chạy thận nhân tạo và một bệnh nhân tử vong khi đang chờ sửa chữa đường ống để lọc thận, một bệnh nhân khác diễn biến nặng may mắn được cứu sống.

BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Về sự cố bể ống hệ thống lọc nước R.O chạy thận nhân tạo (TNT) và có bệnh nhân (BN) trở nặng, tử vong khi đang chờ, Bệnh viện (BV) Q.6 không hề báo cáo cho Sở - điều này là không đúng. Nếu sức khỏe BN không tốt thì phải chuyển BN qua BV khác. Lúc xảy ra sự cố, BV Q.6 không báo cáo cho Sở để can thiệp.

“Sở Y tế đã chỉ đạo BV Q.6 báo cáo toàn bộ vụ việc: Vì sao hệ thống lọc nước R.O vỡ? Việc chẩn đoán, điều trị xử lý, theo dõi cho BN ra sao? Cần thiết Sở Y tế sẽ cho rà soát lại hết quy trình lọc thận của BV Q.6. Sau đó Sở sẽ kiểm tra, làm rõ”, BS Duy cho biết.

Chết khi chưa được chạy thận

Ngày 19.12, nhiều BN đến BV Q.6 chạy TNT thì bất ngờ được thông báo... hệ thống lọc thận bị hư. Phản ánh với PV Thanh Niên, ông S. (55 tuổi, ngụ Q.6), kể: “Hôm đó theo hẹn chạy TNT lúc 13 giờ (ngày 19.12), nhưng chờ đến 23 giờ 30, tôi rất mệt, khó thở, tràn dịch màng phổi, phun đàm ra máu nên tôi nói cho đi cấp cứu nằm đỡ. Nhân viên y tế cho xe lăn đẩy tôi xuống dưới đất, cho thở ô xy... Tôi có cảm giác như chết đến nơi. Đến 0 giờ thì tôi được chạy TNT, nhưng phải ngồi cả tiếng đồng hồ lọc máu chứ nằm không được vì quá mệt. Đến 3 giờ 45 ngày 20.12 mới chạy thận xong”.

Chị Hồng, con gái bà H., cho biết ngày 19.12 mẹ chị theo lịch chạy thận lúc 13 giờ. Tuy nhiên, đến 17 giờ vẫn chưa được chạy thận nên mẹ chị mệt. Lúc khuya BV chạy thận được thì mẹ chị mệt và mất luôn tại BV Q.6. Thế nhưng BV Q.6 vẫn chuyển viện đi BV khác trong khi tim đã hết đập. “BV Q.6 không nói gì về nguyên nhân tử vong của mẹ tôi”, chị Hồng nói.

Ngày 25.12, PV Thanh Niên gặp TS-BS Lê Tự Phương Thảo, Giám đốc BV Q.6, hỏi về vụ việc trên. Về nguyên nhân hệ thống lọc nước R.O chạy TNT của BV bị hỏng ngày 19.12, BS Thảo cho biết: “Do sửa chữa hệ thống ốp ngoài (bằng thủy tinh) mưa gió bị hư, bể, vì 10 năm rồi. Hệ thống này nếu làm như nước ngoài thì toàn TP không có ai làm được (?)”. Về việc có BN chờ chạy TNT trở nặng, có BN tử vong, BS Thảo nói: “BN nặng thì nặng, chứ những BN khác không chạy cũng đâu có tử vong? Có nhiều lý do để tử vong chứ đâu phải lý do đó!”.

Mặc dù ngày 27.2 Sở Y tế TP yêu cầu báo cáo ngay vụ việc trên, nhưng đến chiều 28.12, Sở Y tế vẫn chưa nhận được báo cáo của BV Q.6. (Thanh niên trang 4)

 

Bắt tạm giam y sỹ trong vụ hơn 100 trẻ em bị "sùi mào gà" tại Hưng Yên

Ngày 27-12, Công an tỉnh Hưng Yên cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Hiền (48 tuổi), trú tại xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, về hành vi Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh.

Như báo ANTĐ đưa tin phản ánh về việc có nhiều bệnh nhân nhi đến khám, chữa bệnh tại nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền, sau đó bị mắc bệnh sùi mào gà phải điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Ngày 14-7, Sở Y tế tỉnh Hưng Yên ra quyết định kiểm tra cơ sở khám chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền, từ đó phát hiện các sai phạm của y sĩ Hiền cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động; bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh và hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép.

Ngày 28-7, công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về khám, chữa bênh”, đồng thời cơ quan CSĐT đã trưng cầu Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương giám định, xác định nguyên nhân dẫn đến việc 103 cháu nhỏ bị mắc bệnh.

Ngày 27-11, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có công văn trả lời: Các trường hợp mắc bệnh sùi mào gà năm 2016-2017 tại huyện Yên Mỹ và huyện Khoái Châu, theo danh sách trưng cầu giám định của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên là do y sĩ Hoàng Thị Hiền, sử dụng thủ thuật can thiệp vào bao quy đầu bằng một số dụng cụ y tế bị nhiễm vi rút HPV.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã tổ chức giám định, xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể, có nguyên nhân từ bệnh sùi mào gà đã gây nên đối với 32 bệnh nhi, trên tổng số 103 bệnh.

Căn cứ vào kết quả giám định, xác định tỉ lệ tổn thương bệnh nhi, ngày 26-12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bà Hiền về hành vi Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh. (An ninh Thủ đô trang 13)

 

Đột nhập trung tâm y tế  huyện, trộm cắp 100 triệu đồng

Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ đối tượng Chu Văn Hiếu, 31 tuổi, trú tại Thôn Bản Cạo, xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về hành vi trộm cắp tài sản là 100 triệu đồng của Trung tâm y tế huyện Lộc Bình.

Trước đó, vào sáng 20-12-2017, Công an huyện Lộc Bình nhận tin trình báo của Trung tâm y tế huyện về việc bị mất trộm tài sản ở quầy thu tiền viện phí.

Ngay sau khi nhận được tin báo, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan Công an đã xác định Chu Văn Hiếu là nghi can chính và ra lệnh bắt khẩn cấp đối tượng để điều tra làm rõ.

Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, Chu Văn Hiếu đã thừa nhận hành vi trộm cắp của mình. Qua tiến hành khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng công an đã thu hồi được số tiền là 64.400.000đ cùng một số vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Chu Văn Hiếu là đối tượng nghiện ma túy. Ngày 19-12, Hiếu đã đeo khẩu trang, đội mũ đột nhập vào Trung tâm y tế sau đó phá hỏng camera an ninh rồi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản./. (An ninh Thủ đô trang 12)

 

Báo Sức khỏe & Đời sống nhận giải thưởng "Giọt hồng" năm 2017

Giải thưởng “Giọt hồng” nhằm tri ân, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hiến máu tình nguyện tại Hà Nội.

Chiều 27/12, Viện Huyết học và Truyền máu TW phối hợp với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội tổ chức lễ trao giải thưởng “Giọt hồng”  và “Gặp mặt các nhà quản lý” năm 2017.

Giải thưởng “Giọt hồng” nhằm tri ân, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hiến máu tình nguyện tại Hà Nội.

Tại chương trình, 12 cá nhân xuất sắc và 12 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2017 đã vinh dự được nhận giải thưởng Giọt hồng.

Với vai trò là cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế đã luôn đồng hành cùng Viện Huyết học và Truyền máu TW trong hoạt động truyền thông về hiến máu tinh nguyện liên tiếp nhiều năm liền. Báo cũng có chiến dịch truyền thông mạnh mẽ trong các thời điểm khan hiếm nguồn người hiên máu, các sự kiện hiến máu lớn như Lễ hội Xuân Hồng, Hành trình Đỏ, Trái tim tình nguyện.

Đồng thời cập nhật thường xuyên, liên tục tin tức và các hoạt động về hiến máu tình nguyện, các tấm gương người hiến máu tiêu biểu, các chương trình- sự kiện hiến máu

BS Tô Quang Trung- Phó Tổng Biên tập Báo Sức khỏe & Đời sống thay mặt lãnh đạo Báo nhận giải thưởng "Giọt hồng" năm 2017

Giải thưởng “Giọt hồng” là sáng kiến của Viện Huyết học và Truyền máu TW nhằm tri ân, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động hiến máu tình nguyện tại Hà Nội. Giải thưởng lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2008.

Trong 9 năm qua (2008 - 2016), giải thưởng “Giọt hồng” đã được xét tặng và trao cho 66 tập thể, đơn vị thuộc các khối quận/huyện, xã/phường, trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp/doanh nghiệp, hội/câu lạc bộ/tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị đồng hành và 8 cá nhân đồng hành với hoạt động hiến máu. (Sức khỏe & Đời sống trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang