Thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các đơn vị liên quan thông báo về việc đình chỉ và thu hồi thuốc không đảm bảo chất lượng. Theo đó, đình chỉ và thu hồi thuốc viên nén Doxferxime 200 DT (Cefpodoxime Proxetil Tablets USP 200 mg), số lô: VN9143, hạn dùng: 8.2.2016, số đăng ký: VN-10902-10, do Công ty Elegant Drugs Pvt., Ltd (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH MTV dược phẩm T.Ư 2 Hà Nội nhập khẩu.
Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ hòa tan; đình chỉ và thu hồi thuốc dung dịch nhỏ mắt Dexacol 5 ml, số lô: 074141, ngày sản xuất: 2.10.2014, hạn dùng: 2.4.2016, số đăng ký: VN-16492-12, do Công ty cổ phần dược phẩm 3.2 sản xuất. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng Cloramphenicol.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối thu hồi triệt để các lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên. Thanh tra Sở Y tế phối hợp các phòng chức năng của Sở Y tế và một số bộ phận liên quan kiểm tra, giám sát việc thu hồi. (Tiền phong (trang 14).
Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh - Góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh: Trình độ được nâng cao, tay nghề thêm vững vàng
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) vừa đã cử một đoàn cán bộ chuyên môn về tham gia hỗ trợ các kỹ thuật ngoại khoa và tiết niệu ở trẻ em cho Bệnh viện Đa khoa Lê Lợi (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu).
Đây là một trong những hoạt động quan trọng của bệnh viện theo Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" dựa trên Quyết định 1816/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Những kết quả đạt được sau hơn một năm triển khai tại Bệnh viện Lê Lợi cho thấy, Đề án 1816 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho các y, bác sỹ của địa phương. Bên cạnh đó, Đề án cũng đã giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Tham gia hoạt động chỉ đạo tuyến lần này, phía Bệnh viện Nhi Đồng 2 có sự tham gia của: ThS.BS Phạm Ngọc Thạch (Trưởng đoàn); ThS.BS Trần Thanh Trí (Phó khoa Ngoại tổng hợp); BS Nguyễn Hiền (Khoa Niệu) và đội ngũ nhân viên hỗ trợ chuyên môn. Phía Bệnh viện Lê Lợi có đại diện BS Trương Văn Đằng (Trưởng khoa Ngoại tổng hợp) và ekíp phẫu thuật ngoại khoa, ekíp gây mê hồi sức của bệnh viện.
Trong thời gian công tác tại Bệnh viện Lê Lợi, đoàn hỗ trợ và phía tiếp nhận chuyên môn của hai bệnh viện đã cùng phối hợp thực hiện khám sàng lọc và thực hành phẫu thuật các trường hợp bệnh nhi liên quan. Theo ghi nhận báo cáo tổng hợp của chuyến công tác, đoàn hỗ trợ chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã thực hiện chuyển giao được 2 kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ngoại khoa lần đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Lê Lợi. Đó là kỹ thuật phẫu thuật bệnh lý vùi dương vật và kỹ thuật phẫu thuật bệnh lý ống bẹn ở trẻ em. Đây là những bệnh lý ngoại khoa do dị dạng bẩm sinh thường gặp ở trẻ em. Nếu không được điều trị, các dị tật này sẽ gây ra những ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe lâu dài của trẻ.
Sau nhiều năm triển khai, Đề án 1816 đã đem lại nhiều kết quả tích cực, phù hợp với tình hình thực tiễn, tạm thời khắc phục những khó khăn về tình trạng thiếu bác sỹ, đồng thời đưa được các dịch vụ y tế chuyên sâu về tận cơ sở y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa Lê Lợi nói riêng. Định hướng thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án 1816 trong thời gian tới tại Bệnh viện Lê Lợi. ThS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: "Vượt qua những khó khăn và thách thức trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai Đề án 1816 một cách có hiệu quả hơn nữa tại các bệnh viện tuyến dưới và không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đồng bộ trên nhiều phương diện kỹ thuật chuyên môn và dịch vụ”. (Gia đình & Xã hội (trang 9).
Những kỹ thuật phức tạp chuyên ngành tim mạch được chuyển giao
Lễ chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp của Bệnh viện Tim Hà Nội cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa mới được tổ chức tại Hà Nội đã đánh dấu sự nỗ lực của cả hai bệnh viện trong việc chuyển giao và tiếp nhận một trong những kỹ thuật phức tạp của chuyên ngành tim mạch.
Được biết, Khoa Nội – Tim Mạch được thành lập theo Quyết định số 2794 QĐ – SYT ngày 30 tháng 6 năm 2014, được tách ra từ Đơn nguyên can thiệp tim mạch thuộc Khoa Nội I, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Cùng chung với sự phát triển của bệnh viện, trong năm vừa qua Khoa Nội – Tim Mạch đã không ngừng phát triển các kỹ thuật như: Chụp và can thiệp mạch vành, can thiệp bệnh tim bẩm sinh, đặt máy tạo nhịp tạm thời qua đường tĩnh mạch, cấp cứu bệnh nhân có bệnh lý tim mạch…
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong việc thực hiện nghiêm túc Đề án Giảm tải, Đề án Bệnh viện vệ tinh của ngành Y tế. Trong đó, Bệnh viện Tim Hà Nội, trực thuộc Sở Y tế Hà Nội đã vươn lên trở thành một trong những bệnh viện hạt nhân của Bộ Y tế, được thực hiện chuyển giao kỹ thuật tim mạch cho một số bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trong đó có Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho 3 tập thể và 4 cá nhân của Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vì những thành tích trong công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn năm 2014-2015.
Từ năm 2013, Bệnh viện Tim Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện. Qua đó, Bệnh viện Tim Hà Nội sẽ giúp đỡ, hỗ trợ để chuyển giao kỹ thuật tim mạch cho Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Nhờ đó đã có 3 bác sỹ và 5 điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Đến nay, ê kíp này đã thực hiện được 487 ca chụp mạch vành, 189 ca can thiệp mạch vành, 10 ca can thiệp bệnh tim bẩm sinh và 30 ca đặt máy tạo nhịp tim tạm thời qua tĩnh mạch dưới DSA.
Nhờ nắm chắc những kỹ thuật chuyển giao, ê kíp tim mạch can thiệp của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã kịp thời cấp cứu thành công, cứu sống hàng chục bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp, trong đó có những bệnh nhân bị biến chứng sốc tim, rối loạn nhịp. Đặc biệt trong số những bệnh nhân được cấp cứu thành công, có bệnh nhân 93 tuổi đã ngừng tuần hoàn, bệnh nhân nam giới 21 tuổi (được ghi nhận là bệnh nhân trẻ nhất tại miền Bắc). (Gia đình & Xã hội (trang 9).
Bệnh viện Bạch Long Vĩ cứu sống bệnh nhân có nguy cơ vỡ ruột thừa
Bác sỹ Nguyễn Đức Quân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công trường hợp viêm ruột thừa cấp giờ thứ 40.
Khoảng 17 giờ ngày 29/8, anh Nguyễn Lương Tuyến (46 tuổi) là bộ đội biên phòng, thuộc Hải đội II - Biên phòng Hải Phòng khi đang làm nhiệm vụ ở Vùng biển Vịnh Bắc Bộ bị đau bụng âm ỉ vùng thượng vị; sau đó, anh Tuyến tiếp tục bị đau nhiều ở vùng hố chậu phải, người mệt mỏi. Anh Tuyến đã được đồng đội đưa vào đảo và nhập viện.
Theo nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ, bệnh nhân nhập viện vào ngày 31/8, trong tình trạng đau nhiều vùng hố chậu phải, kèm sốt cao, hội chứng nhiễm trùng, điểm Macburney đau nhói, siêu âm cho thấy hình ảnh thâm nhiễm mỡ vùng hố chậu phải.
Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ đã hội chẩn cùng Quân y Tiểu đoàn Phòng thủ, chẩn đoán xác định bệnh nhân viêm ruột thừa cấp giờ thứ 40 có nguy cơ ruột thừa vỡ.
Bệnh viện đã thông báo tình hình bệnh nhân phải mổ cấp cứu với Chỉ huy tàu Biên phòng. Chỉ huy tàu Biên phòng đã xin ý kiến Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng và được lãnh đạo cấp trên đồng ý mổ tại Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ . Bệnh viện cũng xin ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế Hải Phòng và Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ cần mổ cấp cứu bệnh nhân ngay tại đảo.
Bệnh nhân được đưa lên phòng mổ gây tê tủy sống. Các bác sỹ đã mổ theo đường Macburney, khi vào trong ổ bụng hết sức phức tạp (quai ruột và mạc treo viêm phúc mạc), phẫu thuật viên chính tiến hành cố định gốc ruột thừa, kẹp cắt ruột thừa, khâu cầm máu, vệ sinh ổ bụng, đặt ống dẫn lưu và đóng bụng theo giải phẫu.
Sau khoảng 1 giờ 30 phút, ca mổ đã kết thúc ngay trong ngày 31/8.
Sau khi ca mổ kết thúc, bệnh nhân được thoát mê an toàn và được chuyển xuống phòng hồi sức cấp cứu để theo dõi và điều trị tiếp, huyết áp, mạch, nhịp thở của bệnh nhân được kiểm soát tốt.
Dự kiến, sau mổ khoảng 7-10 ngày, bệnh nhân sẽ được cắt chỉ và xuất viện./. (Gia đình & Xã hội (trang 9).
Điều trị thành công các bệnh hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ không chỉ được biết đến với nhiều kỹ thuật cao, hiện đại, giúp người bệnh tiết kiệm chi phí khám, chữa bệnh tại địa phương, mà còn thu hút sự quan tâm việc chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh hiếm, bệnh lạ.
Đầu tháng 7/2015, ThS.BS Trần Hiếu Nhân, bác sĩ điều trị Khoa Ngoại tổng hợp bệnh viện, giảng viên Trường Đại học Y dược Cần Thơ cùng ê kíp các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân Bùi Thị Thúy H (23 tuổi, ngụ quận Bình Thủy) bị tắc ruột do lồng ruột/bệnh nhân bị hội chứng Peutz – Jeghers. Bệnh nhân đau bụng dữ dội, các bác sĩ thăm khám, thấy sẹo mổ cũ đường giữa trên và dưới rốn (tiền sử mổ cắt đoạn ruột non do lồng ruột cách đây 6 năm), có nhiều đốm sắc tố ở môi; các bác sĩ chỉ định chụp MSCT, thấy hình ảnh giống xoắn ruột non, chẩn đoán tắc ruột sau mổ (nghi ngờ xoắn ruột)/hội chứng Peutz-Jeghers. Bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu, mở bụng theo vết mổ cũ. Kiểm tra thấy tắc ruột do lồng ruột non và ruột non (đoạn tiếp giáp hỗng tràng và hồi tràng), tiến hành tháo lồng. Nguyên nhân gây lồng ruột là do một polip to ở ruột non, các bác sĩ cắt ruột non hình chêm, lấy trọn polip gởi làm giải phẫu bệnh lý.
Theo ThS.BS Trần Hiếu Nhân, hội chứng Peutz – Jeghers là hội chứng đặc trưng bởi những tổn thương đa polip đường tiêu hóa cả ruột non và ruột già, mang tính di truyền bởi gen trội không thuộc nhiễm sắc thể giới tính. Vì có nhiều polip ở ruột nên người bệnh dễ bị lồng ruột, tắc hoặc chảy máu. Bệnh nhân có thể phải chịu phẫu thuật nhiều lần để giải quyết vấn đề đường tiêu hóa. Rất may, đây là bệnh lành tính, tỷ lệ hóa ác chỉ từ 2-3%.
Trước đó, giữa tháng 4 – 2015, ThS.BS Trần Hiếu Nhân cùng với các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp đã điều trị thành công bệnh hoại thư Fournier cho bệnh nhân Giang Văn H (49 tuổi, ở tỉnh Sóc Trăng). Trước đó, bệnh nhân sưng đau vùng cạnh hậu môn, rỉ dịch hôi, tự điều trị ở ngoài không khỏi nên vào bệnh viện. Theo ThS.BS Trần Hiếu Nhân, hoại thư Fournier được phát hiện năm 1883, là bệnh nhiễm trùng, hoại tử nặng, không rõ nguyên nhân, gây tổn thương lan rộng vùng tầng sinh môn, nguy hiểm tính mạng. Những yếu tố nghiện rượu, tiểu đường không kiểm soát, suy giảm miễn dịch, có sẵn các bệnh lý ở hậu môn, đường tiểu sẽ góp phần làm nặng thêm tình trạng bệnh và gia tăng nguy cơ tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở nam nhiều hơn nữ. Nguyên nhân hoại tử Fournier thường là thứ phát, nghĩa là sau một bệnh lý ở vùng tầng sinh môn (từ hậu môn – trực tràng hay đường tiết niệu dưới), số ít trường hợp còn lại chưa rõ nhiễm trùng xuất phát từ đâu. Hiện nay, mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ tử vong còn khá cao. ThS.BS Trần Hiếu Nhân chia sẻ: “Khi tiếp nhận các trường hợp bệnh lạ, bệnh hiếm, dựa trên các biểu hiện bệnh, kèm theo kết quả hỗ trợ xét nghiệm cận lâm sàng, chúng tôi sàng lọc, phân loại vào nhóm bệnh nguy cơ để chẩn đoán. Nhờ vậy, việc điều trị đạt hiệu quả”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho hay: Bệnh viện đã triển khai hiệu quả Đề án 1816, thường xuyên tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ học tập nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức chuyên môn, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân. Đồng thời, kịp thời chẩn đoán, xử trí, điều trị người mắc các bệnh lạ, bệnh hiếm, những bệnh trong xu hướng các dịch bệnh trong vùng biến đổi khí hậu, giúp người dân giảm chi phí khám, chữa bệnh, giảm tải cho tuyến trên. Qua đó, từng bước tạo niềm tin cho người bệnh địa phương và trong vùng, hướng đến xây dựng thương hiệu bệnh viện xứng tầm trung tâm y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Gia đình & Xã hội (trang 9).