Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/3/2016

  • |
T5g.org.vn - Lo âu thực phẩm trong căn tin trường học; Đề nghị đào tạo liên thông CĐ tất cả học sinh khối ngành sức khỏe; Hà Nội: Tiêm vaccine sởi - rubella cho học sinh THPT; Việt Nam thuộc tốp già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Lo âu thực phẩm trong căn tin trường học

Mặc dù quy định thực phẩm bán trong căn tin trường phải có xuất xứ rõ ràng, thực phẩm an toàn nhưng nhiều trường vẫn phớt lờ, thậm chí bán cả những mặt hàng không được phép bán trong trường học cho học sinh.

 Không nhãn mác, nguồn gốc, hạn sử dụng

Có mặt tại căn tin của nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi thấy những mặt hàng phổ biến được học sinh (HS) yêu thích chọn mua nhiều nhất là bánh tráng, bánh ngọt, trà sữa… Những sản phẩm này có đặc điểm chung là không nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất hay hạn sử dụng.

Tại Trường tiểu học T.N.T (Q.10, TP.HCM), chúng tôi thấy bánh tráng trộn với đủ loại hương vị được chia thành các bịch nhỏ treo lủng lẳng trên quầy căn tin. Ngoài bánh kẹo còn có các loại nước ngọt, trà sữa, si rô với những nhãn hiệu lạ, ít xuất hiện trên thị trường. Chúng tôi thấy tên của một loại nước ngọt khá lạ trong chai nhựa đang được các nhân viên căn tin chia nhỏ thành từng ly bán cho HS. Một HS lớp 2 đang cầm trên tay ly nhựa chứa nước ngọt khoe: “Mỗi ngày đi học con được mẹ cho 20.000 đồng để mua viết, gôm hoặc một số đồ dùng học tập nhưng con ít khi mua mấy thứ đó mà thường để dành tiền mua nước ngọt”.

Một nhân viên căn tin của trường này cho biết: “Bánh tráng, đồ làm trà sữa chủ yếu mua ở khu Chợ Lớn. Sau khi mang về chúng tôi pha chế chia vào những bao, ly nhỏ. Một ngày có thể bán hết hàng trăm ly, bọc như vậy”.

Bán cả thuốc lá

Nói chuyện với chúng tôi, nhiều HS còn cho biết thứ gì cũng có bán ở căn tin, kể cả thuốc lá. “HS bây giờ quỷ lắm. Không cho hút thuốc công khai thì hút lén ở nhà vệ sinh, ở trong lớp học. Lúc đầu tôi cũng không tính chuyện kinh doanh mặt hàng này nhưng tụi nhỏ hỏi mua nhiều nên sau đó cũng cũng lấy về bán cho đầy đủ. Nhiều khi giáo viên thèm thuốc cũng chạy ra hỏi mua”, nhân viên căn tin một trường THCS tại Q.3 cho biết.

Khi đặt vấn đề về quy định các loại thực phẩm được bán trong trường học, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.10 khẳng định: “Chúng tôi chỉ bán những gì được phép”. Vậy nhiều thực phẩm không hề có nhãn mác, không ghi nguồn gốc xuất xứ thậm chí không biết hạn sử dụng đang được bày bán tràn lan ngay trong căn tin của trường thì sao?

Ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT Q.10, cho biết phòng đã có quy định bằng văn bản rất rõ chỉ những thực phẩm có xuất xứ rõ ràng, có kiểm tra vệ sinh được xác định là thực phẩm an toàn thì mới được phép bán trong căn tin. Cũng theo ông Văn thì một năm 2 lần, phòng phối hợp với bộ phận y tế và trung tâm y tế dự phòng của quận tổ chức xuống kiểm tra tận cơ sở. Khi kiểm tra thấy bánh tráng trộn là cấm các trường không cho bán vì sản phẩm này rất dơ. Những sản phẩm không có công ty đăng ký sản xuất rõ ràng cũng không cho phép bán. Tuy vậy, ông Văn thừa nhận: “Mặc dù quy định là vậy nhưng nhân viên căn tin vẫn cố tình buôn bán chui trong trường. Hiện nay chưa có quy định về xử phạt khi phát hiện căn tin trường làm trái nên trong quá trình kiểm tra, dù phát hiện làm trái quy định nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại hầu hết việc đấu thầu căn tin do trường tự quyết. Cứ cá nhân hoặc đơn vị nào bỏ thầu cao thì trúng. Mặc dù trong các bản hợp đồng đều có quy định về những mặt hàng được phép mua bán nhưng trên thực tế, hầu như những quy định này đều bị phớt lờ. Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.10 cũng chia sẻ: “Mặc dù trong hợp đồng thầu đều ghi rõ những quy định cấm nhưng vì lợi nhuận mà nhiều nhân viên vẫn lén lút bán những mặt hàng không được phép. Khi kiểm tra thấy những trường hợp làm sai quy định, trường sẽ đề nghị cấm. Nếu nghiêm trọng thì xem xét lại hợp đồng cho thầu ở những năm sau”.

Tác động không tốt tới trẻ thừa cân, béo phì

Với trên 50% HS tiểu học đang ở mức thừa cân, béo phì (theo số liệu Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM công bố năm 2015) thì thức ăn được bày bán trong căn tin cũng cần quy định rõ ràng để không tác động xấu đến những trẻ đang ở mức thừa cân béo phì. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết: “Tâm lý của những trẻ thừa cân béo phì là các cháu thích ăn đồ ngọt, nước ngọt có ga, thức ăn nhanh... Những thực phẩm này có thể tác động làm các cháu không kiểm soát được cân nặng”.

Chính vì vậy có ý kiến cho rằng nhà trường cần quy định cụ thể và quản lý chặt căn tin. Với những thực phẩm không có lợi cho quá trình phát triển của trẻ chỉ nên bán vào một số buổi trong tuần để hạn chế lượt mua của HS. Bên cạnh đó, trường cũng nên giáo dục kiến thức cho HS biết nên mua những thức ăn nào và kiểm soát những thứ không nên mua. Đồng thời phải tác động vào ý thức của những nhân viên bán hàng trong căn tin, giúp họ biết nên ứng xử như thế nào với những bé đã thừa cân, béo phì. Bác sĩ Diệp nói rõ hơn: “Không phải cứ thấy trẻ mua là nhân viên sẽ bán. Đôi khi chỉ cần là những lời khuyên nho nhỏ như: Con mập rồi không nên uống nước ngọt, hoặc tương tự, thì có thể là đã giúp ích cho các cháu” (Thanh niên trang 17).

Đề nghị đào tạo liên thông CĐ tất cả học sinh khối ngành sức khỏe

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ GD-ĐT kiến nghị các vấn đề liên quan đến thông tư quy định về tuyển dụng và sử dụng lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp khối ngành sức khỏe từ năm 2021. Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất: “Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Nội vụ thông tin rõ về quy hoạch nguồn nhân lực phân bổ theo địa phương và theo trình độ đào tạo của nhóm ngành sức khỏe từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng và triển khai thực hiện đề án nâng cấp trường trung cấp chuyên nghiệp thành trường CĐ, thời gian đào tạo trình độ CĐ theo niên chế từ 2 - 3 năm.

Sở cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có kế hoạch đào tạo liên thông lên CĐ cho tất cả học sinh trung cấp chuyên nghiệp đã tốt nghiệp thuộc nhóm ngành sức khỏe để đáp ứng yêu cầu về chuẩn chức danh nghề nghiệp được quy định tại thông tư liên tịch này (Thanh niên trang 17).

Hà Nội: Tiêm vaccine sởi - rubella cho học sinh THPT

Sở Y tế Hà Nội vừa quyết định thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác tiêm vaccine sởi - rubella cho học sinh lớp 11, 12 trên địa bàn thành phố. Các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra công tác điều tra đối tượng, lập danh sách, dự trù nhu cầu vật tư, trang thiết bị, tuyên truyền, tổ chức các điểm tiêm chủng, hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine… phục vụ công tác tiêm vaccine sởi - rubella cho đối tượng 16-17 tuổi trên địa bàn thành phố, từ ngày 29-3 đến 2-4-2016.  Theo Sở Y tế, ước tính có khoảng 130.000 - 150.000 học sinh trên địa bàn thành phố sẽ được tiêm vaccine sởi - rubella trong chiến dịch này (An ninh thủ đô trang 2).

Việt Nam thuộc tốp già hóa dân số nhanh nhất thế giới

Theo báo cáo đánh giá của Liên hợp quốc trình bày tại hội thảo, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn 6 năm so với dự báo. Hiện Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.  Điều đáng lo ngại nữa là trung bình một người cao tuổi đến bệnh viện thường phải điều trị 5 bệnh trở lên, chi phí chăm sóc, điều trị cho người cao tuổi cao gấp 7 đến 10 lần so với người trẻ. Hiện tại, để ứng phó với tình hình này, Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, chuyển hướng từ dự phòng các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mạn tính (An ninh thủ đô trang 4).

Cấm kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc

 Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1-5 tới.  Theo đó, Bộ Y tế quy định, chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh; tuyệt đối không được kê vào đơn thuốc các loại thuốc không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Một điểm đáng chú ý nữa là đơn thuốc chỉ có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày, kể từ ngày kê đơn thuốc. Ngoài ra, trong trường hợp cấp cứu người bệnh mà chưa kịp làm thủ tục nhập viện, người kê đơn thuốc của bất cứ chuyên khoa nào (kể cả y học cổ truyền) đều được kê đơn thuốc để xử trí cấp cứu phù hợp với tình trạng của bệnh nhân (An ninh thủ đô trang 15).

Tăng sinh con để chống già hóa dân số?

Chiều 28/3, tại buổi công bố Báo cáo già hóa dân số khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), các đại biểu tham dự đã có những tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề này. Cả TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học LĐ-XH (Bộ LĐ-TB&XH) và ông Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đều cho rằng: Dân số Việt Nam già hóa nhanh có tác động mạnh từ chính sách kế hoạch hóa gia đình, nên phải xem lại chính sách này. Đại diện tới từ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam lại phản đối đề xuất trên. Theo đó, người cao tuổi Việt Nam tăng do điều kiện sống, y tế tốt hơn, nên sống lâu hơn. “Giờ chúng ta cho sinh thoải mái sẽ rất nguy hiểm. Như mấy năm trước, chỉ mới nới chính sách sinh, đã có thêm hơn 1 triệu trẻ được sinh ra”, vị đại diện người cao tuổi nói.

Bà Victoria Kawakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang có tốc độ già hóa dân số cao nhất thế giới. Với Việt Nam, theo bà Kawakwa, tới năm 2025, lực lượng lao động của Việt Nam sẽ đạt đỉnh điểm, sau đó sẽ có tốc độ già nhanh nhất từ trước tới nay. Theo nghiên cứu của WB, hiện Việt Nam có khoảng 6,3 triệu người già (chiếm khoảng 11% dân số) (Tiền phong trang 2).

Cứu sống bệnh nhi bị bất thường hệ tĩnh mạch trong gan

Ngày 28-3, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cho một bé gái 4 tuổi (ở Quế Võ, Bắc Ninh) bị suy tim do dị dạng phức tạp hệ tĩnh mạch trong gan. Theo PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Ngoại - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ lúc 3 tháng tuổi, bệnh nhi này đã liên tục phải điều trị tại bệnh viện vì viêm phổi, suy tim, suy gan. Sau khi chẩn đoán được căn nguyên gây bệnh, các bác sĩ đứng trước lựa chọn là nếu tiến hành đóng đường thông tĩnh mạch thì bệnh nhân có nguy cơ tăng áp lực tĩnh mạch, gây ứ máu xung huyết phủ tạng, khả năng tử vong cao, nhưng nếu không thực hiện phẫu thuật này, bệnh nhi cũng sẽ tử vong vì suy tim. Sau 2 giờ, ca mổ đã thành công. Đây cũng là lần đầu tiên loại bệnh lý hiếm gặp này được phẫu thuật thành công tại Việt Nam (An ninh thủ đô trang 15, Tuổi trẻ trang 14, Hà Nội mới trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang