Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/3/2021

  • |
T5g.org.vn - Thêm người ngộ độc sau ăn pate chay: Bộ Y tế khuyến cáo khẩn; Chàng bác sỹ dân tộc Thổ hết lòng vì người bệnh; Vai trò của cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược trong vụ nhập hơn 838.000 hộp thuốc chữa ung thư giả; Bộ trưởng Bộ Y tế: Mọi vắc xin đều có phản ứng thông thường và không mong muốn…

 

Thêm người ngộ độc sau ăn pate chay: Bộ Y tế khuyến cáo khẩn

Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, khuyến cáo khẩn cách để người sử dụng thực phẩm không bị ngộ độc botulinum.

Bà Nga cảnh báo, những thực phẩm chứa độc tố nguy hiểm botulinum như vụ pate chay có thể hiển diện ngay trong mỗi gia đình do việc bảo quản, sử dụng thực phẩm không đúng cách... Rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn và sinh độc tố botulinum”.

Liên quan vụ ngộ độc botulinum sau bữa ăn chay ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngoài 1 trường hợp đã tử vong và 2 người khác đang trong quá trình điều trị, Bệnh viện Nhân Dân 115 (TPHCM) vừa tiếp nhận thêm 3 người trong tình trạng nguy kịch sau khi ăn pate chay tại Bình Dương. Đến nay, trong vụ ngộ độc này, đã xác định được 6 nạn nhân, trong đó 4 bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Nhân Dân 115, một người được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tử vong, một bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, sức khỏe đang dần bình phục.

Bà Nga cho biết, vi khuẩn clostridium botulinum sinh ra trong môi trường yếm khí, vì thế, bất cứ sản phẩm nào đóng hộp (không riêng pate), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí đều có thể sinh ra vi khuẩn này.

Các vụ ngộ độc do botulinum vốn rất hiếm gặp, nhưng gần đây gặp nhiều, liên quan nhiều đến những bữa ăn tự nấu, chế biến thủ công tại hộ gia đình. Trào lưu bảo quản thực phẩm hút chân không, đóng hộp thực phẩm không đúng cách là nguy cơ rất lớn nhiễm độc tố chết người botulinum.

“Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong”, bà Nga cho biết. Độc tố này không bị loại bỏ dù đun sôi thông thường, bà lưu ý.

Chuyên gia Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất thủ công không tự đóng gói, đóng kín thực phẩm (dạng hút chân không) để bảo quản trong thời gian dài.

Khi có bất cứ triệu chứng gì liên quan sử dụng thực phẩm như nôn, đau bụng, đặc biệt là thần kinh liệt, sụp mi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khan tiếng, khô miệng…, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. (Tiền phong, trang 15).

 

Chàng bác sỹ dân tộc Thổ hết lòng vì người bệnh

Tận tâm, trách nhiệm, say mê với công việc là những gì chúng tôi cảm nhận về bác sĩ trẻ Lê Văn An (SN 1988, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Phó Bí thư Chi đoàn bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc Nghệ An). Anh cũng là 1 trong 7 gương mặt tiêu biểu của Nghệ An được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI năm 2020.

Sinh ra ở miền núi, Lê Văn An đã trưởng thành trong điều kiện khó khăn ở vùng 135 của huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An). Hiểu thấu nỗi vất vả của gia đình, anh luôn cố gắng học tập, tôi luyện và không cho phép bản thân khuất phục trước những khó khăn, thách thức. Những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, An luôn là học sinh xuất sắc, được thầy cô và bạn bè quý mến. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y Thái Bình, anh về tiếp nhận công tác tại BVĐK Khu vực Tây Bắc Nghệ An. Năm 2015, được cử đi học Bác sỹ chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội và khi mới 29 tuổi, trở thành Bác sỹ chuyên khoa I trẻ nhất Tỉnh Nghệ An thời điểm đó.

Trong quá trình công tác, Lê Văn An luôn nhận rõ được chức trách, nhiệm vụ của mình, gương mẫu đi đầu trong công tác chuyên môn cũng như đoàn thể, tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Vị bác sỹ trẻ còn thường xuyên chủ động tham mưu cho Ban Giám đốc bệnh viện trong việc ứng dụng kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị bệnh, mang lại hiệu quả cao. “Bệnh nhân ở khoa Nội Tổng hợp đa dạng các loại bệnh đòi hỏi đội ngũ y, bác sĩ phải có chẩn đoán chính xác, kịp thời xử lý. Đó giống như cuộc chiến căng thẳng giành sự sống cho người bệnh. Qua mỗi lần điều trị bệnh nhân thành công, giúp tôi trưởng thành hơn về chuyên môn và tâm lý, kỹ năng”, An tâm sự. Anh đã có nhiều sáng kiến, công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào điều trị cho người bệnh, được các cấp từ Trung ương, tỉnh, thành phố công nhận. Điển hình là đưa phương pháp điều trị bằng thở máy không xâm nhập điều trị suy hô hấp trong bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Khoa Nội Tổng hợp vào năm 2018. Đây là phương pháp điều trị mới chỉ được triển khai tại Khoa Nội của 3 bệnh viện tại Nghệ An. Không chỉ hoàn thành xuất sắc công tác chuyên môn, Lê Văn An còn là một cán bộ Đoàn luôn tiên phong, gương mẫu, xung kích trong mọi hoạt động, phong trào Đoàn…

Với vai trò là Phó Bí thư Chi đoàn thanh niên Bệnh viện từ năm 2017 đến năm 2019, anh đã cùng với Ban chấp hành đẩy mạnh cuộc vận động “Thanh niên bệnh viện học tập và làm theo lời Bác” dưới nhiều phong trào sôi nổi như: “Đông ấm biên cương”, “Thanh niên tình nguyện tiếp sức người bệnh”, “Ngày hội Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác”… Chàng trai trẻ tâm sự: “Tham gia những hoạt động thiện nguyện đã cho tôi thêm nhiều trải nghiệm bổ ích và thú vị. Đây là những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm nâng cao trách nhiệm của thanh niên trong phong trào xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.

Cùng đội ngũ y, bác sỹ trẻ, Lê Văn An luôn đi đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 ở bệnh viện. Anh tích cực tham gia lập chốt kiểm dịch ở cổng bệnh viện, khai báo y tế, đo thân nhiệt, phát khẩu trang miễn phí cho tất cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tới thăm khám. Với những người trở về từ vùng dịch được cách ly y tế tại bệnh viện, bác sỹ An luôn theo dõi diễn biến sát sao. Ngoài giờ hành chính, An còn tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho những bệnh nhân nghèo tại phòng khám của mình. Sau 5 tháng hoạt động đã khám và chữa trị cho hàng nghìn lượt khám. Nói về những dự định tương lai, chàng bác sỹ chỉ mong bản thân sẽ trẻ mãi để tiếp tục học tập, cống hiến, xứng đáng với lời dạy “Lương y như từ mẫu”.

Với những kết quả đã đạt được trong quá trình công tác, Sở Y tế Nghệ An tặng anh Giấy khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2020, Lê Văn An được Trung ương Đoàn tuyên dương và tặng Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VI. (Tiền phong, trang 12).

 

Vai trò của cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược trong vụ nhập hơn 838.000 hộp thuốc chữa ung thư giả

Ông Nguyễn Việt Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế, bị đề nghị truy tố về tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, trong vụ nhập khẩu hơn 838.000 hộp thuốc chữa ung thư giả. Cơ quan ANĐT Bộ Công an vừa hoàn thành kết luận điều tra vụ án "Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế".

Giao dịch thuốc giả trị giá hàng chục tỷ đồng

Theo đó, Cơ quan ANĐT đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma; Võ Mạnh Cường, nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại hàng hải quốc tế H&C và 8 người khác về tội Buôn bán hàng giả.

Đồng thời đề nghị truy tố các bị can Nguyễn Việt Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế; Phạm Hồng Châu, nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý dược và Lê Đình Thanh, công chức Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, đối tượng Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý dược, bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết luận điều tra xác định: Nguyễn Minh Hùng trực tiếp thỏa thuận với Võ Mạnh Cường để mua 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỷ đồng để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ.

Hai đối tượng thống nhất chỉnh sửa thông tin Exporter trên Invoice, Packing list, chỉnh sửa giá thuốc trên Invoice để phù hợp với giá thuốc đã nâng khống trên các hợp đồng giữa VN Pharma ký với Austin Hồng Kông; chỉnh sửa logo của Helix thành logo của Health 2000 sản xuất, phù hợp với Visa…, mà Cục Quản lý dược đã cấp.

Tiếp đó, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo các bị can Nguyễn Trí Nhật, Phan Cẩm Loan, Nguyễn Thị Quyết làm giả 15 hợp đồng giữa VN Pharma ký với Austin Hồng Kông; đại diện VN Pharma ký 2/15 hợp đồng giữa VN Pharma với Austin Hồng Kông dùng để nhập 48.500 hộp thuốc, với trị giá lô hàng là 164.545 USD, tương đương hơn 3,4 tỷ đồng; và ký 1/5 hợp đồng nội bộ giữa VN Pharma ký với Austin Hồng Kông dùng để nhập khẩu các thuốc mang nhãn mác Health 2000 tại VN Pharma.

Ngoài ra, Nguyễn Minh Hùng còn chỉ đạo các bị can Ngô Anh Quốc, Nguyễn Trí Nhật, Lê Thị Vũ Phương, Phan Cẩm Loan hợp thức hồ sơ thanh toán tiền mua các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada tại VN Pharma và đại điện VN Pharma ký 7/53 Lệnh chuyển tiền để thanh toán số tiền 136.225 USD, tương đương hơn 2,8 tỷ đồng.

CQĐT nhận định, về ý thức chủ quan, Nguyễn Mạnh Hùng biết rõ số thuốc trên là thuốc giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ, không phải do Health 2000 sản xuất..., song vẫn bán ra cho các doanh nghiệp, bệnh viện, nhà thuốc tổng cộng gần 624.000 hộp với tổng số tiền gần 52 tỷ đồng.

Kết quả tương trợ tư pháp do Canada cung cấp xác định, Health 2000 không có nhà máy sản xuất thuốc tại Canada và không sản xuất bất kỳ loại dược phẩm nào... Health 2000 không có văn phòng đại diện tại Việt Nam ; chỉ sử dụng một con dấu từ khi thành lập đến nay và con dấu này chưa từng mang ra khỏi Canada .

Các cơ quan chức năng của Canada khẳng định không cấp giấy FSC cho các thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada, không cấp bất kỳ giấy phép sản xuất thuốc và GMP nào cho nhà máy của Health 2000.

Cơ quan ANĐT xác định, hơn 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada do VN Pharma nhập khẩu không phải do Health 2000 sản xuất, giả về nguồn gốc, xuất xứ.

Sai phạm của nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược và các đồng phạm

Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ cũng đã được cơ quan ANĐT xác định rõ.

Trong thời gian công tác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 4, Lê Đình Thanh được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, giải quyết thông quan đối với Tờ khai hải quan số 100112387910 ngày 26/8/2014 theo Hợp đồng số 01/Cipro-VNP ngày 19/6/2014 giữa VN Pharma ký với Austin Hồng Kông.

Sau khi VN Pharma thực hiện việc đăng ký tờ khai hải quan điện tử trên hệ thống được chấp nhận, hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tự động cấp số tờ khai 100112387910 và phân luồng kiểm tra mã vạch 2 (luồng vàng).

Khi thực hiện kiểm tra chứng từ giấy hồ sơ Hải quan, Thanh đã thực hiện không đúng với nhiệm vụ được giao. Từ đó, không phát hiện tờ khai trên của VN Pharma khai nhập khẩu số lượng 38.500 hộp H2k Ciprofloxacin nhưng hợp đồng chỉ có 30.000 hộp, không có phụ lục hợp đồng… Vậy nhưng Thanh vẫn xác nhận cho hơn 38.500 hộp thuốc với trị giá hơn 2,5 tỷ đồng thông quan vào Việt Nam tiêu thụ.

Về Nguyễn Thị Thu Thuỷ, cơ quan ANĐT xác định: Lợi dụng quyền hạn được giao là chuyên gia thẩm định Tiểu ban pháp chế, đối tượng đã tự ý thẩm định lại hồ sơ 2 thuốc H2k Levofloxacin và H2k Cipprofloxacin theo các tài liệu được đưa thêm vào không quy định và tự ý tẩy, xoá, thay đổi kết quả đánh giá, đề xuất của Tiểu ban Pháp chế từ đề xuất "Không cấp số đăng ký" sang "bổ sung hồ sơ" mà không trao đổi với các chuyên gia khác trong tiểu ban, không trao đổi với Trưởng phòng Đăng ký thuốc và không báo cáo lãnh đạo Cục, tạo điều kiện cho 2 loại thuốc trên có nhãn mác Health 2000 Canada sản xuất, được cấp số đăng ký không đúng quy định.

Hành vi trên đã “giúp” VN Pharma sử dụng số thuốc đăng ký của 2 loại thuốc này nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ, gây thiệt hại về tài sản hơn 50 tỷ đồng.

Với chức vụ, quyền hạn là Phó Cục trưởng phụ trách Phòng Đăng ký thuốc và Phó Chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký thuốc của Bộ Y tế, Nguyễn Việt Hùng đã thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, rà soát kỹ biên bản thẩm định, đồng ý đưa 2 loại thuốc trên ra hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký; vi phạm quy chế hoạt động của hội đồng xét duyệt dẫn đến việc 2 loại thuốc này được cấp số đăng ký khi hồ sơ không đảm bảo theo quy định.

Từ đó, VN Pharma đã sử dụng số đăng ký của 2 loại thuốc này nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ, gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng.

Liên quan tới vụ án, Cơ quan ANĐT đã quyết định truy nã và tạm đình chỉ điều tra đối với bị can Nguyễn Lê Xuân Khang. Khang đã có hành vi cung cấp hồ sơ, giấy tờ giả cho các công ty Coupha và Vimedimex gồm: FSC của từng loại thuốc do Bộ Dịch vụ công Chính phủ Canada cấp và GMP của nhà máy sản xuất Health 2000 Canada do Bộ Y tế Canada cấp để 2 doanh nghiệp này đứng tên xin cấp visa cho 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Nguyễn Lê Xuân Khang đã trực tiếp thỏa thuận bán 7 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada với tổng số 1.597.704 hộp thuốc, giá trị 4,7 triệu USD tương đương 98 tỷ đồng cho 5 doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam thông qua 37 hợp đồng ngoại thương đã ký với Health 2000 và các công ty nước ngoài đã được Cục Quản lý dược cấp giấy phép hoạt động về thuốc tại Việt Nam.

Ngoài ra, bị can Nguyễn Lê Xuân Khang đã cung cấp con dấu bất hợp pháp có nội dung "HEALTH 2000 INC.H2K" cho Võ Mạnh Cường để sử dụng đóng trên các hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc mua bán thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada.

Ngày 8-9-2020, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Lê Xuân Khang về tội Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định bị can Nguyễn Lê Xuân Khang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Tuy nhiên, Khang đã xuất cảnh khỏi Việt Nam vào ngày 16-7-2014 và chưa có thông tin nhập cảnh nên Bộ Công an quyết định truy nã, đồng thời, ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án đối với Khang, khi nào bắt được sẽ phục hồi điều tra. (An ninh Thủ đô, trang 14).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Mọi vắc xin đều có phản ứng thông thường và không mong muốn

Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.

Việt Nam nỗ lực tiếp cận, phát triển vắc xin COVID-19

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, thông tin với 700 điểm cầu tại hội nghị tập huấn trên toàn hệ thống cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, hiện nay có hơn 250 loại vắc xin COVID-19 đang được các nước nghiên cứu, phát triển nhưng chỉ có 13 loại được cấp phép với tổng số có 486 triệu liều trên toàn cầu.

Nhiều nước, ngay từ đầu đã đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu vắc xin và đặt mua vắc xin. Việc thiếu hụt nguồn cung vắc xin đang là vấn đề. Thậm chí ngay khi vắc xin đang nghiên cứu, chưa phát triển, nhiều nước đã đặt mua.

“Cuộc chạy đua vắc xin và thiếu hụt nguồn cung đang hiện hữu, có gần 30 nước mua quá nhu cầu so với nhu cầu thực tế của người dân, có những nước mua tới 400%. Nhiều nước ngay từ đầu năm 2020 đã đặt hàng mua rủi ro, cứ có vắc xin là tiếp cận”- GS.TS Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng.

Đối với việc tiếp cận vắc xin COVID-19 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thời gian qua, Việt Nam cố gắng đàm phán với các hãng, nhà sản xuất vắc xin trên thế giới, thảo luận đề nghị cung ứng cho Việt Nam.

Trước đó, Việt Nam có trao đổi với các nước trong hợp tác nghiên cứu sản xuất vắc xin và sẵn sàng thử nghiệm giai đoạn 3 nhưng hiện tại việc thử nghiệm này khó khăn vì Việt Nam không phải ở tâm dịch. Hiện nay Bộ Y tế đang nỗ lực tiếp cận nguồn vắc xin trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin lô vắc xin COVID-19 của AstraZececa được cung cấp qua COVAX Ficility (gần 1,4 triệu liều) sẽ bị chậm lại khoảng ba tuần. Điều này có nghĩa là ba tuần đầu tháng 4 sẽ không có liều vắc xin nào về Việt Nam.

Bộ Y tế, Cục Quản lý dược có hai văn bản gửi các đơn vị, gửi các đại sứ tăng cường tiếp cận tăng cường nguồn vắc xin dồi dào cho Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc khan hiếm vắc xin là hiện hữu và là thách thức với các nước, nhất là nước đang phát triển như nước ta. Việt Nam không phải là nước ưu tiên về vắc xin vì đang kiểm soát dịch rất tốt.

Liên quan đến tình hình nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin hiện 2 loại vắc xin do Việt Nam nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2.

Vắc xin NanoCovax của Nanogen nghiên cứu, phát triển đã thử nghiệm lần 2 giai đoạn 2 trên người tiêm tình nguyện.

Vắc xin COVIVAC của IVAC nghiên cứu, phát triển đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên người tiêm tình nguyện.

"Chúng ta phải hết sức bình tĩnh với phản ứng sau tiêm vắc xin"

Về lo ngại phản ứng không mong muốn sau tiêm vắc xin COVID-19, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết mọi loại vắc xin cả cũ và phát triển thời gian gần đây đều có phản ứng thông thường và không mong muốn. Phản ứng thông thường hết nhanh và tỷ lệ này khá cao.

Một số nước châu Âu tạm dừng tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca để đánh giá khả năng có thể có tình trạng đông máu. Sau khi đánh giá cơ quan Dược phẩm châu Âu không có tuyên bố liên quan nào và một số nước đã quay trở lại tiêm vắc xin.

"Không vì lý do đó chậm lại tiêm vắc xin"- Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh và cho biết vắc xin đã dùng có phản ứng không mong mốn nằm trong khuyến cáo của nhà sản xuất và được tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo.

“Chúng ta phải hết sức bình tĩnh với vấn đề này. Trên quan điểm xử lý cao hơn một mức, nên có một số trường hợp tiêm chủng vắc xin ở nước ta mặc dù chưa phải xử lý phản vệ độ 2 nhưng đã xử lý ngay. Hội đồng chuyên môn qua đó đánh giá thực chất mức độ phản ứng như thế nào. Hội đồng chuyên môn đang làm và Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải bảo đảm an toàn tối đa cho người tiêm. Chúng tôi hoan nghênh các địa phương xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm.

Những địa phương còn dè dặt cần phải triển khai ngay, theo dõi chặt các trường hợp. Hiện không có bất kỳ trường hợp đông máu nào có phản ứng nặng. Bệnh viện Bạch Mai có rà soát kỹ lưỡng, chưa có trường hợp nào bị đông máu”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cho biết qua quá trình triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19, sẽ có đánh giá lại để có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên tư lệnh ngành y tế nhấn mạnh, quan trọng nhất phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm tính an toàn. Các cơ sở phải có phản xạ, khi tiêm vắc xin nếu xuất hiện các triệu chứng thì xử lý càng sớm, càng hiệu quả.

"Trên cơ sở đó, chương trình tiêm chủng sẽ tập huấn lại cho các cơ sở y tế, các Sở Y tế phải tập huấn cho các cơ sở trên địa bàn để khi có vắc xin triển khai rộng rãi vì vắc xin có thời gian sử dụng ngắn, điều kiện bảo quản khó khăn, ở độ âm sâu. Chúng ta phải xử lý nhanh những phản ứng không mong muốn sau tiêm chủng"- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Chồng làm Phó giám đốc Sở Y tế, vợ tham gia đấu thầu vật tư y tế?

UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo xác minh vụ chồng làm Phó giám đốc Sở Y tế, vợ làm giám đốc doanh nghiệp tham gia đấu thầu vật tư y tế…, gây xôn xao dư luận ở địa phương thời gian qua. Ngày 28.3, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát và báo cáo UBND tỉnh vụ việc ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu thuốc, vật tư y tế của Sở Y tế Cà Mau, nhưng lại có vợ là Giám đốc Công ty CP Vạn Phúc và công ty này có đăng ký khám chữa bệnh BHYT, đấu thầu cung ứng vật tư y tế tại các cơ sở y tế ở địa phương.

Ngày 28.3, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết ông Trần Hồng Quân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã chỉ đạo các ngành liên quan rà soát và báo cáo UBND tỉnh vụ việc ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó giám đốc Sở Y tế phụ trách mảng bảo hiểm y tế (BHYT), đấu thầu thuốc, vật tư y tế của Sở Y tế Cà Mau, nhưng lại có vợ là Giám đốc Công ty CP Vạn Phúc và công ty này có đăng ký khám chữa bệnh BHYT, đấu thầu cung ứng vật tư y tế tại các cơ sở y tế ở địa phương.

“Đánh lận” tên giám đốc ?

Liên quan vụ việc này, Báo Thanh Niên có nhận được đơn phản ánh của bạn đọc. Sau khi nhận đơn, PV Thanh Niên đã tìm hiểu và gửi các câu hỏi đến UBND tỉnh Cà Mau, Sở Y tế Cà Mau, đề nghị làm rõ một số thông tin.

Trong văn bản trả lời PV Thanh Niên, Sở Y tế Cà Mau có kèm theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của Công CP Vạn Phúc được Sở KH-ĐT Cà Mau cấp ngày 3.11.2016, thì người đại diện pháp luật là Tạ Như Ý, không phải Tạ Thị Diệu Liên - vợ ông Nguyễn Hoàng Sa.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV Thanh Niên lại cho kết quả khác. Từ năm 2005, Công ty CP Vạn Phúc có chứng nhận ĐKKD lần đầu với người đại diện pháp luật là bà Tạ Thị Diệu Liên. Đến tháng 11.2016, công ty này thay đổi người đại diện pháp luật trên giấy ĐKKD là Tạ Như Ý. Thế nhưng, những văn bản của Công ty CP Vạn Phúc gửi cho Sở Y tế, BHXH tỉnh Cà Mau gần đây người đứng tên giám đốc vẫn là Tạ Thị Diệu Liên. Thậm chí, bà Liên còn ký là người đại diện cho các hợp đồng, hóa đơn của Công ty CP Vạn Phúc. Điều tồn tại này không được các cơ quan chức năng như Sở Y tế, BHXH và ngành thuế địa phương phát hiện?

Cụ thể, ở văn bản ngày 10.9.2020, Công ty CP Vạn Phúc bổ sung danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, người ký văn bản là Tạ Thị Diệu Liên với chức danh giám đốc (trong văn bản này có ký xác nhận của cán bộ Sở Y tế Cà Mau). Còn tại tờ trình ngày 24.2.2020 của Công ty CP Vạn Phúc gửi BHXH tỉnh Cà Mau (về nội dung phê duyệt danh mục bổ sung của Công ty CP Vạn Phúc kết quả lựa chọn nhà thầu các gói thầu mua thuốc năm 2019 của Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia và của Sở Y tế Cà Mau - PV) cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký với chức danh giám đốc.

Tương tự, trong hợp đồng cung ứng hóa chất, vật tư y tế ký ngày 27.12.2019 với một bệnh viện trong tỉnh Cà Mau, bà Tạ Thị Diệu Liên cũng là người đại diện hợp pháp cho Công ty CP Vạn Phúc ký tên. Hợp đồng có hiệu lực 18 tháng và giá trị hợp đồng này hơn 1 tỉ đồng. Hóa đơn xuất ngày 21.12.2020 cũng do bà Tạ Thị Diệu Liên ký dưới mục người bán hàng.

Ngoài ra, theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, tại địa chỉ nhà của gia đình ông Nguyễn Hoàng Sa trên đường Ngô Quyền, P.9 (TP.Cà Mau) còn có Công ty TNHH Pharma hiện đang cung ứng rất nhiều mặt hàng thuốc đã trúng thầu tập trung của Sở Y tế Cà Mau cho nhiều cơ sở y tế trong tỉnh.

Sai phạm trong đấu thầu thuốc

Cũng theo phản ánh của bạn đọc, từ năm 2016 đến nay, bên mời thầu (Sở Y tế Cà Mau) đưa vào nhiều loại thuốc giá cao bất hợp lý trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm tăng chi phí thuốc, dẫn đến vượt trần, vượt quỹ và bị từ chối thanh toán, gây thiệt hại cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, có 2 loại thuốc Alphachymotripsin 4,2 mg dạng viên ngậm (gói thầu số 2) và Paracetamol 650 mg dạng viên sủi (gói thầu số 3).

Cụ thể, với Paracetamol 650 mg dạng viên sủi không có trong Dược thư quốc gia, Dược điển VN và cũng không có biệt dược gốc đối chứng (Efferalgan). Mặc dù trong quá trình thẩm định có nêu trong báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu (số 02/SYT-TĐ ngày 7.8.2017), đề nghị bên mời thầu xem xét kiểm tra lại.

Tuy nhiên, bên mời thầu, cụ thể là ông Nguyễn Hoàng Sa (Tổ trưởng bên mời thầu) vẫn trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có 2 loại thuốc trên và được trúng thầu.

Có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng

Liên quan đến vụ “chồng làm Phó giám đốc Sở Y tế, vợ làm giám đốc doanh nghiệp tham gia đấu thầu vật tư y tế”, theo luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM), ông Nguyễn Hoàng Sa có dấu hiệu vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 tại khoản 4, điều 20 quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhà nước không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Ngoài ra, tại khoản 6, điều 29, Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tham nhũng, cũng nêu các trường hợp xung đột lợi ích: “Góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”.

Theo văn bản của Sở Y tế Cà Mau trả lời cho PV Thanh Niên, 2 loại thuốc trên cần thiết cho công tác khám chữa bệnh tại Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung. Trong năm 2017, chỉ có 9/12 đơn vị dự trù 2 loại thuốc trên. Còn theo tài liệu PV Thanh Niên có được, thì ngày 26.6.2017, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau có công văn gửi các đơn vị trực thuộc yêu cầu không đưa 2 loại thuốc trên vào danh mục, dự trù số lượng của kế hoạch đấu thầu 2017 - 2018... vì thuốc có đường dùng, dạng bào chế hoặc hàm lượng ít cạnh tranh.

Khi thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn tháng 1.2014 - 9.2019, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận ông Nguyễn Hoàng Sa chịu trách nhiệm về các sai phạm trong đấu thầu thuốc; thực hiện không đúng chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế (đã đưa 2 loại thuốc trên vào đấu thầu tập trung năm 2017) dẫn đến các cơ sở khám chữa bệnh thanh toán chênh lệnh tăng số tiền 640 triệu đồng… (Thanh niên, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang