Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/3/2023

  • |
T5g.org.vn - Dịch sốt xuất huyết lại rình rập; Bộ Y tế bổ nhiệm Lãnh đạo Văn phòng Ban Cán sự Đảng, bổ nhiệm lại Cục trưởng Cục Quản lý Dược

Dịch sốt xuất huyết lại rình rập

Những ngày mưa nắng bất thường vừa qua khiến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam có dấu hiệu tăng. Các chuyên gia cảnh báo, sốt xuất huyết nếu không được kiểm soát sẽ dễ bùng phát thành dịch.

Tăng bất thường

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những tháng đầu năm, số ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH) trên cả nước khoảng 13.000 ca (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong đó, dịch SXH có chiều hướng tăng bất thường khu vực Tây Nam bộ (TP Cần Thơ có trên 600 ca, tỉnh An Giang có khoảng 860 ca; riêng ở hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, số ca mắc SXH tính từ đầu năm đến nay đã tăng 200%-400% so với cùng kỳ năm 2022), khu vực Đông Nam bộ (riêng tỉnh Đồng Nai ghi nhận gần 800 ca mắc SXH).

Tại TPHCM có 5.488 ca mắc SXH (tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022) ở 287 ổ dịch, rải rác tại các phường, xã, thị trấn. Những địa phương có số ca mắc SXH cao là huyện Bình Chánh (588 ca), quận Bình Tân (586 ca), TP Thủ Đức (568 ca), quận 12 (356 ca), quận Bình Thạnh (341 ca).

Trước diễn biến phức tạp này, ngay từ đầu năm 2023, UBND quận Bình Tân đã chỉ đạo trung tâm y tế quận phối hợp với UBND 10 phường thực hiện công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống SXH tới từng khu phố. Tất cả các ca bệnh, ổ dịch đều được điều tra và xử lý kịp thời theo quy trình, chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) về hướng dẫn giám sát phòng chống SXH.

Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung thông tin: số ca mắc mới SXH đang giảm theo từng tháng, UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các loại hình nguy cơ theo hướng dẫn của HCDC. Ở các điểm đã phát hiện lăng quăng, lực lượng chức năng phải kiểm tra lại hàng tuần. Trong trường hợp vẫn còn lăng quăng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản, chuyển UBND phường xử phạt nghiêm theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Lãnh đạo TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Thạnh, huyện Bình Chánh… cũng khẳng định địa phương luôn chủ động, cảnh giác diễn biến phức tạp của dịch SXH.

Nhận biết sớm để tránh nguy cơ tử vong

Ngày 23-3, Khoa SXH - Huyết học, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) ghi nhận có gần 50 người bệnh SXH (3-16 tuổi) đang điều trị nội trú. Lũy kế tính từ sau tết đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận trên 300 trẻ mắc SXH. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 1-3 người bệnh có triệu chứng nặng. Tuyến bệnh viện quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận số trẻ em, người lớn đến khám, điều trị SXH tăng nhẹ.

BS-CKII Võ Thanh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, các ngày trong tuần có khoảng 10-15 lượt người tới khám bệnh tại khu khám bệnh truyền nhiễm và khoa Nhi, với các triệu chứng liên quan tới SXH như: sốt cao liên tục, chảy máu chân răng, chảy máu cam…

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH - Huyết học, BV Nhi đồng 1 (TPHCM), lưu ý, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong - được gọi là SXH dengue nặng. Khi người dân mắc SXH, bệnh có diễn biến từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, da và kết mạc người bệnh thường xung huyết, có biểu hiện xuất huyết da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam. Những ngày đầu, người bệnh chủ yếu sốt, đau nhức cơ; nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan. Lúc này, người bệnh bị thoát huyết tương ra ngoài thành mạch dẫn đến sốc sốt SXH dengue, hoặc bị rối loạn đông máu khiến người bệnh xuất huyết tiêu hóa, đi tiểu ra máu, chảy máu răng, chảy máu mũi, không thể cầm máu... Nhiều lúc sẽ xảy ra tình trạng tổn thương tạng, thường gặp là tổn thương gan, thận dẫn đến hôn mê. Có một số trường hợp hiếm gặp là xảy ra tình trạng xuất huyết não.

“Nếu người bệnh không có dấu hiệu nặng, các cơ sở y tế có thể theo dõi, cho điều trị ngoại trú, hàng ngày người bệnh phải đến tái khám tại các phòng khám hoặc bệnh viện, không cần phải nhập viện. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo SXH hoặc các trường hợp có nguy cơ cao, thì cần phải nhập viện”, TS-BS Nguyễn Minh Tuấn khuyến cáo. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 8).

Bộ Y tế bổ nhiệm Lãnh đạo Văn phòng Ban Cán sự Đảng, bổ nhiệm lại Cục trưởng Cục Quản lý Dược

Sáng 28/3, Bộ Y tế đã tổ chức trao quyết định bổ nhiệm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và bổ nhiệm lại Cục trưởng Cục Quản lý Dược.

Dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Lê Đức Luận và các đồng chí trong Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, lãnh đạo các Cục/Vụ/Viện/Văn phòng và các đơn vị trong thành phần giao ban Bộ Y tế.

Theo đó, tại Quyết định số 107- QĐ/BCSĐ ngày 28/3, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế bổ nhiệm đồng chí Hà Anh Đức - Chánh Văn phòng Bộ Y tế kiêm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Đồng chí Hà Anh Đức tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội; có bằng ngoại ngữ ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội; chuyên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân.

Đồng chí Hà Anh Đức tốt nghiệp Thạc sĩ Y tế Công cộng, Đại học Y tế Công cộng Harvard, Hoa Kỳ (năm 2004); Tiến sĩ Y tế Công cộng tại Đại học Y tế Công cộng Boston, Hoa Kỳ (năm 2010).

Đồng chí đã trải qua nhiều vị trí công tác ở Bộ Y tế: Thư ký Bộ trưởng Bộ Y tế; Phó Chánh Văn phòng Bộ; Bí thư Đảng ủy, Chánh Văn phòng Bộ; Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Bộ.

Tại Quyết định số 106- QĐ/BCSĐ ngày 28/3, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế bổ nhiệm đồng chí Lại Vũ Kim - chuyên viên chính Vụ Tổ chức cán bộ, Thư ký Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế giữ chức vụ Phó Chánh văn phòng Ban Cán sự Đảng kiêm Thư ký Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trao quyết định bổ nhiệm lại chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đối với đồng chí Vũ Tuấn Cường.

Theo đó, tại Quyết định số 1266/QĐ-BYT, Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại đồng chí Vũ Tuấn Cường - DSCKII giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Thời gian giữ chức vụ là 5 năm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 2/4/2023.

Trước đó, ngày 23/3/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã bổ nhiệm ông Vũ Tuấn Cường- DSCK II- Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Thời gian giữ chức vụ của ông Vũ Tuấn Cường là 5 năm kể từ ngày 2/4/2018.

Tại buổi lễ, thay mặt các đồng chí nhận quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đồng chí Hà Anh Đức- Chánh Văn phòng Bộ Y tế kiêm Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng bày tỏ lời cảm ơn đến Bộ trưởng Bộ Y tế, các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ mới cho cá nhân đồng chí cũng như các đồng chí cùng nhận quyết định hôm nay. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).

Cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao vai trò chăm sóc sức khoẻ ban đầu của y tế cơ sở

Y tế cơ sở phải đóng vai trò trong việc chăm sóc sức khỏe người dân liên tục, toàn diện – đây là mục tiêu của ngành y tế đến năm 2030.

Thông tin tại Hội thảo về định hướng phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, diễn ra ngày 27/3 do Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở.

Trong đó, ngày 22/01/2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX ban hành Chỉ thị số 06- CT/TW về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Đây là văn bản chỉ đạo quan trọng của Đảng với nội dung riêng về y tế cơ sở, yêu cầu các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể quán triệt, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của mạng lưới y tế cơ sở, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.

Y tế cơ sở đóng góp quan trọng vào chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, công tác y tế cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được tăng cường, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi, phòng chống và quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân bước đầu được triển khai tại tuyến xã; chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở từng bước được nâng cao góp phần quan trọng trong việc cải thiện tình trạng sức khỏe của nhân dân.

Làm rõ thêm vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, PGS.TS Phan Lê Thu Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, trong 20 năm qua, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng từ 71,3 lên 73,6; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 26 (năm 2002) xuống 12,1 (năm 2022); với trẻ từ 1-5 tuổi, giảm từ 35 xuống 18,9; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) giảm từ 30,1 (năm 2002) xuống 10,8 (năm 2022); tỷ suất tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống giảm từ 85 (năm 2002) xuống 46 (năm 2022);

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vaccine tăng từ 89,7 (năm 2002) lên 95 vào năm 2022... Cùng đó, tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ trên toàn quốc đã tăng lên nhanh chóng, đến năm 2022 hiện đang là gần 88% trạm y tế có bác sĩ công tác.

Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng nhanh từ 16,5% năm 2002 lên 92,04% năm 2022, chi cho y tế cơ sở khoảng 32% tổng số chi khám chữa bệnh BHYT. Gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế cơ sở đã được ban hành năm 2017 với 76 dịch vụ, 241 thuốc và hiện đang được nghiên cứu tiếp tục mở rộng; Số lượt khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở đạt 75% của cả hệ thống y tế (huyện: 58%, xã 17%); Cùng đó số lượng dịch vụ ngày càng tăng khám chữa bệnh y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi… Bước đầu quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân tại y tế xã.

"Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của y tế cơ sở đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình Đông Nam Á (61 điểm), toàn cầu (67 điểm); Chất lượng dịch vụ từng bước được cải thiện. Theo báo cáo PAPI năm 2021 có 54,04% người trả lời hài lòng với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện"- PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết thêm.

Cần tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cao vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu của y tế cơ sở

Tại hội thảo, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW và Kết luận số 126-TB/TW vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, đó là: Cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở mới chỉ tập trung nhiều tới điều trị cho người bị bệnh, chưa chú trọng đúng mức đến phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, phát hiện bệnh sớm và quản lý bệnh.

Tổ chức hệ thống y tế cơ sở thời gian qua chưa ổn định. Năng lực cung ứng dịch vụ còn hạn chế, hiệu quả hoạt động còn thấp. Cơ chế tài chính cho y tế cơ sở chưa phù hợp. Thuốc và trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh...

So với thời điểm Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW, cùng với sự thay đổi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng cao và đa dạng, hệ thống y tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức như già hóa dân số nhanh, thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng bệnh không lẫy nhiễm và diễn biến khó lường của một số dịch bệnh mới, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã giao Ban cán sự đảng Bộ Y tế chủ trì chuẩn bị đề án xây dựng "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/2023.

Thời gian qua, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã xây dựng đề cương, tổng hợp báo cáo và tiếp thu ý kiến của bộ, ngành, địa phương và một số đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Y tế, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y tế cơ sở để hoàn thiện dự thảo hồ sơ đề án lần thứ 3.

Các ý kiến tại hội thảo sẽ được Bộ Y tế tiếp thu để xây dựng đề án "Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới", trình Ban Bí thư trong tháng 5/ 2023. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Thủy đậu, sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng, cảnh giác khi tái phát bệnh

Ngày 28-3, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 17 đến 24-3), số ca mắc thủy đậu và sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Điều đáng nói là tại các bệnh viện đã ghi nhận những chùm ca bệnh trong cùng một gia đình và một số trường hợp tái phát bệnh.

Vì sao tái phát bệnh thủy đậu?

So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận trên địa bàn Hà Nội trong đầu năm 2023 tăng cao. Cụ thể, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 16 trường hợp so với tuần trước đó).

Như vậy, từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca).

Không chỉ trẻ nhỏ, mà thời điểm này, tại các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu. Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận những chùm ca thủy đậu như trẻ nhỏ lây bệnh ở lớp học, sau đó, khi về nhà, những trẻ này lại lây bệnh sang cho bố mẹ hoặc người thân trong gia đình. 

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, bệnh thủy đậu lây qua đường hô hấp, ngay từ giai đoạn thời kỳ ủ bệnh. Do đó, khi bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, nguy cơ lây cho cả nhà là rất cao. Gần như trong nhà có người mắc bệnh thủy đậu thì nhiều người trong nhà bị lây nhiễm và trong lớp có học sinh mắc thủy đậu thì nhiều bạn trong lớp cũng nhiễm bệnh.

“Với bệnh này, trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất, ngoài ra, người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được tiêm phòng đầy đủ. Người lớn mắc thủy đậu thì lâm sàng sẽ nặng hơn trẻ em và dễ có nguy cơ bị bội nhiễm”, bác sĩ Phạm Thị Thảo lưu ý.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cũng cho hay, tại đây đã tiếp nhận nhiều người lớn mắc thủy đậu, trong đó đáng lưu ý có một số trường hợp tái mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, rất hiếm trường hợp bị tái mắc bệnh thủy đậu. Bởi sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, vi rút gây bệnh sẽ đi sâu vào các rễ thần kinh và tồn tại ở đó, một khi hệ miễn dịch con người suy yếu, vi rút sẽ hoạt động trở lại.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngay cả sau khi bệnh nhân đã khỏi bệnh, vi rút thủy đậu có thể vẫn còn tồn tại trong các hạch thần kinh dưới dạng bất hoạt (dạng ngủ). Thậm chí 10, 20 hay 30 năm sau đó, khi gặp được các điều kiện thuận tiện như sức đề kháng cơ thể yếu hoặc mắc một số bệnh nhất định, vi rút gây bệnh thủy đậu sẽ tái hoạt động và là một yếu tố gây bệnh zona (hay còn gọi là bệnh giời leo).

Cũng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thủy đậu bội nhiễm là hiện tượng nốt thủy đậu mưng mủ, ngứa, đau và lâu lành, có thể dẫn đến hoại tử, lở loét da, gây viêm thanh quản, viêm tai, viêm phổi, nhiễm khuẩn máu... Khi những nốt thủy đậu này lặn đi cũng rất dễ để lại sẹo, khó phục hồi. Đối với người lớn, tỷ lệ mắc thủy đậu thấp hơn nhưng vẫn có nhiều ca biến chứng nặng, thậm chí tử vong do không có kiến thức phòng ngừa và điều trị.

Sẵn sàng nhân lực, hóa chất phục vụ chống dịch

Không chỉ thủy đậu, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội cũng đang tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong tuần qua ghi nhận 17 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 9 trường hợp so với tuần trước). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 189 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 19 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 26/30 quận, huyện, thị xã; 120/579 xã, phường, thị trấn.

Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng trong những tháng đầu năm nay phù hợp với xu hướng chung của cả nước. Từ đầu năm 2023 đến ngày 17-3, cả nước ghi nhận 20.537 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 3 trường hợp tử vong. Riêng khu vực miền Bắc, theo số liệu báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 457 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Trước thực tế trên, CDC Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm bệnh nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế đã được phân cấp; đồng thời thực hiện báo cáo kịp thời số liệu ca bệnh, ổ dịch theo quy định.

“Các đơn vị trong toàn ngành cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Mặt khác, chủ động rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách”, CDC Hà Nội nêu rõ.

Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 tuýp, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Vì vậy, có thể hiểu rằng, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 tuýp vi rút khác nhau. Do đó, theo CDC thành phố, các quận, huyện cần chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao. Ngoài ra, chủ động triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy một cách triệt để, có hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Đối với bệnh thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) khuyến cáo, đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây cao và dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, bệnh nhân luôn phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh. (Hà Nội mới ,trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang