Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/5/2016

  • |
T5g.org.vn - Phát hiện virus gây nhiều bệnh nguy hiểm ở Cao Bằng; Sắp có 2.500 liều vaccine dịch vụ “6 trong 1” Infanrix hexa; “Loạn” dược liệu…

Phát hiện virus gây nhiều bệnh nguy hiểm ở Cao Bằng

Liên quan đến ổ dịch viêm não ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, ngày 28-5, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có kết luận về nguyên nhân khiến nhiều trẻ nhỏ xã Quảng Lâm mắc bệnh và tử vong.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua kết quả điều tra ban đầu cho thấy, đến nay tại xã Quảng Lâm có 21 trẻ mắc bệnh, trong số này có 7 trẻ tử vong. Bệnh nhân đầu tiên có dấu hiệu khởi phát bệnh ngày 20-4 và tử vong sau đó 1 ngày tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Qua khai thác triệu chứng cho thấy, các trẻ tử vong đều dưới 6 tháng tuổi với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, một số trường hợp có ho, khó thở, sau đó diễn biến nhanh đến hội chứng não cấp, bao gồm: co giật, li bì và tử vong. Nguyên nhân tử vong do bệnh tiến triển nhanh, diễn biến nặng, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện điều trị muộn. Hiện tại còn 8 bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện (1 trường hợp nặng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, 7 trường hợp đã ổn định đang điều trị tại bệnh viện huyện) và tính đến ngày 27-5, không phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Đáng chú ý, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy 11 mẫu bệnh phẩm của những trẻ bị mắc bệnh ở xã Quảng Lâm để tiến hành xét nghiệm với kết quả không có mẫu nào dương tính với virus cúm, nhưng phát hiện 2 mẫu dương tính với virus Coxsackie A6. Trong khi đó, virus Coxsackie là một loại virus ở đường tiêu hóa, có khả năng gây nhiều loại bệnh nguy hiểm cho trẻ em như: hội chứng viêm màng não, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, tay chân miệng, viêm kết giác mạc... Trẻ em thường bị nhiễm virus Coxsackie rải rác trong cả năm nhưng bệnh gia tăng vào mùa hè và chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Đáng lo ngại hơn, hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa virus Coxsackie trong khi loại virus này lại lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi họng và phân cũng như những giọt khí dung của người bị nhiễm bệnh (bao gồm người bệnh và người lành mang trùng).

Do đó để phòng tránh lấy nhiễm virus Coxsackie, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo nên cách ly trẻ bị bệnh để kiểm soát sự lây nhiễm, tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường, rửa tay thường xuyên. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyệt đối không tiếp xúc với người bị bệnh… Người dân và đặc biệt trẻ em khi có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa cần đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. *Sài gòn giải phóng (trang 7 ):

Sắp có 2.500 liều vaccine dịch vụ “6 trong 1” Infanrix hexa

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, vào ngày 31-5 tới, trung tâm sẽ tổ chức đăng ký trực tuyến tiêm chủng vaccine dịch vụ “6 trong 1” Infanrix hexa với số lượng 2.500 liều.

Theo đó, hệ thống đăng ký dịch vụ tiêm chủng trực tuyến chính thức hoạt động từ 9 giờ ngày 31-5 tại địa chỉ: http://www.ytdphanoi.gov.vn. Đối tượng được đăng ký tiêm vaccine Infanrix hexa trong đợt này là những trẻ đủ 2 điều kiện sau: Có ngày sinh trong khoảng từ ngày 31-5-2014 đến ngày 31-3-2016; tại thời điểm đăng ký (ngày 31-5-2016) trẻ đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng vaccine phòng 6 bệnh: viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib.

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, những trường hợp đăng ký thành công sẽ nhận được thông báo cụ thể về ngày, giờ đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine. Phụ huynh phải đưa trẻ đến tiêm chủng đúng ngày, giờ được hẹn. Trung tâm không tiêm vaccine Infanrix hexa vào ngày thứ bảy và chủ nhật. Những phiếu đã đăng ký được nhưng trẻ không đúng đối tượng thì kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.

- http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2016/5/422477/#sthash.kJ7eXynw.dpuf

“Loạn” dược liệu

Thông tin nhiều loại dược liệu nhập về qua kiểm tra không còn hoạt chất, lẫn tạp chất, xi măng, cát và cả hóa chất độc hại... khiến người tiêu dùng hoang mang. Thế nhưng, thực trạng nhức nhối này đã kéo dài nhiều năm mà không ai “dẹp loạn” được.

Không quá khi nói rằng làng nghề chuyên kinh doanh dược liệu nằm tại xã Ninh Hiệp (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội) là “thủ phủ” của thuốc đông y khu vực phía bắc. Chỉ cần đặt chân tới đây, các thầy thuốc, lang y dễ dàng tìm thấy đủ các vị thuốc, dược liệu. Thế nhưng, chính ông chủ tịch hội làng này ở đây cũng phải nhìn nhận: “Khối lượng nhập về bao nhiêu chúng tôi không thể thống kê hết được. Lý do là phần lớn nhập lậu qua đường tiểu ngạch đối với thuốc bắc. Còn thuốc nam thì buôn bán tự phát, không có thống kê cụ thể”. Đặc biệt, ông này cảnh báo “chất lượng không qua một khâu kiểm định nào” và đây là điều “cực kỳ lo ngại”.

Xuất thuốc quý, nhập... xác bã

           

Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dược liệu

bị nhiễm tạp chất, có chứa chất bảo quản độc hại, kém chất lượng, dược liệu giả tràn lan.

Giá cả thì biến động thất thường không ai

kiểm tra, kiểm soát nổi          

Bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM

Trả lời Thanh Niên, ông N.Đ.T (ngụ xóm 8, xã Ninh Hiệp), chủ một cơ sở chuyên chế biến, kinh doanh dược liệu bán đi Hưng Yên, cho biết: “Nhiều năm trước, nguồn nguyên liệu chính vẫn là dược liệu trong nước. Nhưng vì khai thác một cách tận diệt bán qua Trung Quốc nên dần khan hiếm và hiện thì ta lại quay ra nhập từ họ về”. Theo ông T., điều lo ngại nằm ở chỗ: “Khi xuất đi thì chúng ta còn nắm được chất lượng dược liệu. Còn khi nhập về, dược liệu, thậm chí là dược liệu quý như sâm, đông trùng hạ thảo, hoàng đằng, nấm lim, nấm chẹo... chỉ còn lại bã, bao nhiêu tinh chất đã bị họ dùng máy ly tâm chiết xuất cho bằng sạch. Nói không ngoa, bây giờ người bệnh điều trị bằng bã thuốc đông y nhập từ Trung Quốc thì đúng hơn”.

Chủ một cơ sở kinh doanh dược liệu (xin được giấu tên) ở Ninh Hiệp cũng xác nhận dược liệu nhập về đa phần đã bị phía Trung Quốc chiết xuất tới lần 2, lần 3. “Tôi hỏi anh chứ làm gì có chuyện ngược đời, mình xuất cho họ giá cao rồi họ xuất lại cho mình giá rẻ chỉ bằng 1/3 giá mình xuất trước đó. Như cây lông cu ly thái lát, khi bán cho thương lái Trung Quốc có giá 15.000 đồng/kg, sau nhiều tháng mình nhập về giá chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg. Hay cây huyết đằng (còn gọi là cây máu chó), giá xuất cho các thương lái Trung Quốc vào khoảng 9.000 đồng/kg mà mình nhập về chỉ có giá 3.000 đồng/kg... Giá đó chỉ còn bã thôi”. Chưa hết, theo ông này, khi về tới Ninh Hiệp, vì chạy theo lợi nhuận và để bảo quản được lâu, không ít chủ cơ sở dùng lưu huỳnh quá liều lượng xông khô dược liệu. Nếu chỉ dùng một liều lượng nhỏ lưu huỳnh, các vị thuốc bảo quản được từ 4 - 5 tháng, nhưng dùng với liều lượng lớn thuốc để được vài năm mà không hề bị nấm mốc.

Tại TP.HCM, giới kinh doanh khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục (Q.5), cho biết khoảng 80% sản phẩm bày bán xuất xứ từ Trung Quốc. Với những loại dược liệu chưa khô, dễ ẩm mốc, mối mọt, thương lái cho xông lưu huỳnh từ bên kia cửa khẩu (hoặc người mua về làm) để giữ được lâu, dù biết đây là chất độc, hít phải lâu ngày có nguy cơ gây ung thư. “Nhiều người mua dược liệu về xử lý bằng cách ngâm lưu huỳnh, phơi khô rồi bán lại. Chỉ có người bán mới biết, còn người mua thì không biết. Giá cả thì tiền nào của đó, cùng một loại có 2 - 3 giá, tùy loại 1, loại 2... Không có một giá chuẩn nào cho dược liệu”, ông M., một người kinh doanh trên đường Hải Thượng Lãn Ông, tiết lộ.

“Tiền nào của nấy thôi”

Trong khi nhiều loại dược liệu VN nhập về kém chất lượng, thậm chí là bã thì tình trạng “chảy máu” dược liệu quý vẫn tiếp tục ở nhiều nơi, mà điểm đến không đâu khác chính là Trung Quốc. Tại H.Bắc Hà (tỉnh Lào Cai), từ lâu người dân đã thu mua tam thất để bán. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, một phần được bán ra chợ Bắc Hà cho khách du lịch. Giá bán lẻ của 1 kg củ tam thất là từ 100.000 - 150.000 đồng, hoa là 200.000 đồng/kg. Tại Lạng Sơn, giá nấm chẹo khô ở H.Đình Lập đang được thương lái thu mua bán sang Trung Quốc 2 triệu đồng/kg, trám đen hạt tròn là 400.000 đồng/kg, trám thường chỉ 15.000 - 30.000đồng/kg. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại xuất ngược về VN chỉ vào khoảng 700.000 đồng/kg nấm chẹo...

Vào một cửa hàng được cho là lâu năm nhất ở khu vực Q.5, PV Thanh Niên hỏi mua dược liệu phòng phong, cô bán hàng cho biết giá 850.000 đồng/kg. Khi được hỏi còn loại nào rẻ hơn không thì người này mang ra loại 180.000 đồng/kg và khẳng định “tất cả đều là hàng Trung Quốc”.

Cách đó chừng 100 m, tại một cửa hàng dược liệu khác có quy mô lớn hơn, dược liệu bày biện tràn lan; người bán báo giá dược liệu phòng phong 1,15 triệu đồng/kg. Khi chúng tôi chê đắt thì ông này đưa ra loại 250.000 đồng/kg và giải thích “đây là loại 2, nhưng chất lượng thì tiền nào của nấy thôi”.

Ở phía bắc, giá dược liệu “tùy chọn” không chỉ bán công khai tại chợ Ninh Hiệp, mà còn nhiều nơi khác. Làng Nghĩa Trai, xã Tân Quang (H.Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) là nơi thu mua dược liệu từ các địa phương trong cả nước, rồi bán đi khắp nơi, nhưng chủ yếu xuất qua Trung Quốc và cũng nhập từ thị trường này về bán đi nhiều địa phương. Theo tiết lộ của một hộ chuyên buôn bán dược liệu tại làng này, giá nhập tùy vào thỏa thuận của tiểu thương với đối tác Trung Quốc, “nhưng anh muốn loại nào, giá nào cũng có”, ông này nói và ví dụ: đông trùng hạ thảo có loại nhập về 15 triệu đồng/kg, có loại 10 triệu/kg và có loại 100 triệu/kg... trong khi “loại xịn” có khi cả tỉ đồng/kg.

Theo bác sĩ Trần Hữu Vinh, Trưởng phòng Quản lý y học cổ truyền - Sở Y tế TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 300 cơ sở kinh doanh dược liệu, tập trung nhiều nhất ở Q.5. Về kiểm soát chất lượng, bác sĩ Vinh cho biết khu vực các cơ sở khám chữa bệnh thuộc nhà nước thì đấu thầu dược liệu theo quy định, còn khu vực tư nhân thì “nhập từ nhiều nguồn rất khó kiểm soát”.

Trong khi đó, bác sĩ Lê Hùng, Chủ tịch Hội Đông y TP.HCM lưu ý: “Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là dược liệu bị nhiễm tạp chất, có chứa chất bảo quản độc hại, kém chất lượng, dược liệu giả tràn lan. Giá cả thì biến động thất thường không ai kiểm tra, kiểm soát nổi”. Bác sĩ Hùng khuyến cáo người tiêu dùng “không nên tự ra thị trường mua và bốc thuốc”. (Thanh niên (trang 2):

Bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư bị hành hung

Theo thông tin ban đầu, khoảng 4 giờ ngày 28.5, vợ chồng anh N.H.C đưa con trai bị sốt cao vào khám tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, Hà Nội. Các y bác sĩ ca trực sau khi tiếp nhận, thăm khám, đánh giá tình trạng sức khỏe thấy bệnh nhi sốt cao nhưng tỉnh táo nên đề nghị tiếp tục theo dõi cho cháu bé, chưa chỉ định dùng thuốc (do người nhà cho biết đã cho cháu uống hạ sốt khoảng 1 giờ trước khi đến BV), đồng thời hướng dẫn người nhà bệnh nhi mua phiếu khám để làm thủ tục khám bệnh. Bất ngờ, C. lao vào tấn công bác sĩ N.T.G khiến ông này hoảng sợ, chạy vào khu vực nhân viên, nhưng C. tiếp tục đuổi theo chửi bới, đe dọa và đánh bác sĩ G. Có mặt tại đó, bác sĩ Đ.N.P can ngăn cũng bị C. hành hung và chửi bới “con tao sốt thế này mà chúng mày không xử lý”.

Sau khi mọi người can ngăn, C. ra ngoài nhưng vẫn tiếp tục chửi bởi và quát mắng điều dưỡng N.T.N vì cho rằng điều dưỡng N. lau người con mình sai cách, sau đó tấn công điều dưỡng này khi chị đang lấy drap thay giường cho cháu bé. Chưa dừng lại ở đó, C. tiếp tục trở lại khu vực nhân viên chửi bới các y bác sĩ. Khoảng 15 phút sau, lực lượng công an có mặt, mời C. về trụ sở Công an P.Láng Thượng, Q.Đống Đa để làm rõ sự việc.

PGS-TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV Nhi T.Ư, cho biết sau khi xảy ra sự việc, BV đã yêu cầu nhân viên trong ca trực hợp tác với cơ quan công an để làm rõ. Những nhân viên bị C. hành hung được tạm thời nghỉ việc, ổn định tâm lý. BV cũng đã tăng cường lực lượng bảo vệ cho khu vực này. (Thanh niên (trang 4), Tuổi trẻ (trang 3).

Nối lại cánh tay một phụ nữ bị chồng chém đứt lìa

Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho biết, sau khi chém xong, anh chồng bình thản cầm phần tay bị đứt của vợ đến công an tự thú. Chiều 28-5, bác sĩ Danh Trung - phó trưởng khoa ngoại lồng ngực bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang - cho biết đã tiếp nhận và tiến hành phẫu thuật nối lại cánh tay phải của một phụ nữ bị chồng mình chém đứt lìa.

Nạn nhân bị chém tên Nguyễn Thị Thắm (41 tuổi), ngụ xã Minh Hoà, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Bệnh nhân được bệnh viện đa khoa huyện Giồng Riềng chuyển lên lúc 12 giờ trưa 26-5 trong tình trạng bị đứt lìa 1/3 dưới cẳng tay phải.

Sau khi tiếp nhận, khoa ngoại lồng ngực đã tiến hành hội chẩn và tiến hành phẫu thuật nối cánh tay cho bệnh nhân. Kíp mổ gồm bác sĩ khoa ngoại lồng ngực và chấn thương chỉnh hình thực hiện kéo dài 5 giờ 20 phút. Các bác sĩ đã tiến hành khâu nối mạch máu, dây thần kinh, gân và ổn định xương.

Theo bác sĩ Trung, sau 3 ngày hậu phẫu, tình trạng phần cánh tay được nối có tiến triển tích cực, đo được mạch rõ, phần cánh tay bị đứt ấm dần lên. Tuy nhiên, phải sau ít nhất 3 tuần nữa mới có thể khẳng định khả năng hồi phục do phải theo dõi khả năng tái tạo cơ.

Nằm trên giường bệnh, bà Thắm cho biết sáng 26-5, Toà án nhân dân huyện Giồng Riềng có thư mời mình cùng chồng là Trần Kim Tùng (38 tuổi) đến toà để hoà giải chuyện ly hôn.

Sau khi kết thúc buổi làm việc, cả hai tiếp tục ra chỗ để xe trong sân toà và lại tiếp tục cự cãi. Trong lúc bà Thắm loay hoay mở cốp dưới yên xe để lấy chìa khoá thì bất ngờ bị ông Tùng dùng dao chém đứt lìa cánh tay phải.

Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Giồng Riềng cho biết, sau khi chém xong, Tùng bình thản cầm phần tay bị đứt của vợ đến công an tự thú. Cơ quan công an đã ngay lập tức dùng nước đá bảo quản cánh tay đứt của bà Thắm rồi cùng bệnh viện đa khoa huyện Giồng Riềng chuyển bà Thắm lên bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.

Hiện tại, Trần Kim Tùng đang bị công an huyện Giồng Riềng tạm giam. (Tuổi trẻ (trang 4)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang