Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm 18,8%
Sáng 28.5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31.5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ 25 - 31.5) với chủ đề “Sử dụng thuốc lá - mối đe dọa sự phát triển bền vững của các quốc gia”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết so với năm 2007, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên VN giảm từ 3,3% xuống còn 2,5%; tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm 18,8%. Tuy nhiên, việc có thể dễ dàng mua thuốc lá ở nơi công cộng đang gây ra những khó khăn cho việc cai nghiện và giảm tỷ lệ người hút thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, chính quyền các địa phương đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đồng thời chuyển đến cộng đồng thông điệp: “Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, không nên hút thuốc lá. Nếu đã lỡ nghiện thuốc lá thì nên bỏ để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của mình và những người xung quanh”.
Ông Lokky Wai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN, cho rằng thuế thuốc lá ở VN hiện chỉ chiếm khoảng 40% giá bán lẻ, thấp hơn mức trung bình của thế giới (58%) và thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo của WHO là 75% giá bán lẻ. Theo ông Lokky Wai, khi tăng thuế thuốc lá sẽ giúp giảm hút thuốc, đồng thời giúp tăng doanh thu thuế của nhà nước (Thanh niên, trang 4; An ninh Thủ đô, trang 2).
Buộc một phòng khám nha khoa ngưng hoạt động
Ngày 28.5, đoàn kiểm tra liên ngành TP.Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) tiến hành kiểm tra phòng khám nha khoa Thiện Tâm (126A Điện Biên Phủ, P.6). Tại thời điểm kiểm tra, ông Trần Ngọc Vĩnh đang nhổ răng cho một người khách tên P.T.B, 43 tuổi. Tuy nhiên, ông Vĩnh không xuất trình được chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, đoàn còn phát hiện phòng khám không đảm bảo quy định về hành nghề y tế, dụng cụ không được vô trùng, nơi hành nghề không đảm bảo an toàn vệ sinh.
Làm việc bước đầu, ông Vĩnh cho biết mình là người quản lý phòng khám, còn chủ không có ở đây. Đoàn đã lập biên bản buộc cơ sở ngưng hoạt động; đồng thời tiếp tục điều tra để có hướng xử lý (Thanh niên, trang 5).
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra thông tin báo nêu liên quan đến mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và sửa dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Vừa qua, Báo điện tử Vietnamnet có đưa tin về việc Kiểm toán nhà nước phát hiện lãng phí trong việc mua sắm thiết bị khám, chữa bệnh và Báo Giáo dục Việt Nam phản ánh tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế đang diễn ra khá nhức nhối.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trước ngày 15/6/2017, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung báo điện tử Vietnamnet đưa tin.
Đồng thời, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục thực hiện kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (Lao động, trang 2; Tiền phong, trang 6; Nông thôn ngày nay, trang 2; Hà Nội mới, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Xã hội hóa y tế trong CAND: Bước đột phá để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh
Nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như trình độ chuyên môn cho thầy thuốc và cải thiện đời sống cán bộ y tế , năm 2011, Bộ Công an đã cho thực hiện xã hội hóa y tế trong CAND. Sau 6 năm thực hiện chủ trương này, đã có 10 đề án xã hội hóa y tế tại các bệnh viện được lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt, tạo sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng của y tế công an…(Công an nhân dân, trang 7).
Hiệu quả từ Hệ thống giám định bảo hiểm y tế điện tử
Hàng trăm người có số lần đi khám bệnh cao nhất từ đầu năm 2017 đến nay, mỗi người từ 58 đến 106 lần kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Gần 3.000 tỷ đồng đã bị từ chối thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do sai thông tin về thẻ BHYT, sai mức hưởng hoặc do chỉ định thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật ngoài phạm vi hưởng BHYT… Ðây là những "con số" bất thường đã được Hệ thống thông tin giám định BHYT phát hiện trong quá trình giám sát khám, chữa bệnh BHYT (Nhân dân, trang 4).
Đề xuất tăng mức đóng bảo hiểm y tế từ năm 2019
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, có 2 phương án đang được Bộ Y tế đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) vào năm 2019.
Cụ thể, năm 2019 sẽ tăng 0,3% mức lương cơ sở, từ 4,5% lương cơ sở như hiện nay lên 4,8%. Đến năm 2020 tăng tiếp lên 5,1% và năm 2022 là 5,4%, năm 2023 là 5,7% và năm 2024 là 6% (mức cao nhất được quy định trong Luật BHYT) (An ninh Thủ đô, trang 6).
Chênh lệch tỷ sổ giới tính 120 trẻ trai/ 100 trẻ gái ở nhiều huyện Hà Nội
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội thảo đánh giá một năm triển khai “Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2025”. Điểm đáng chú ý là dù nguồn kinh phí được bố trí đã tăng lên song mục tiêu kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh thì vẫn rất nan giải…(An ninh Thủ đô, trang 7).
Bệnh không lây nhiễm – hệ quả của sử dụng thuốc lá, rượu bia
Tại hội nghị phòng, chống bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia cảnh báo: Bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng kinh tế cho người dân bởi thời gian điều trị kéo dài, chi phí điều trị tăng. Hiện Việt Nam có 70% ca tử vong do bệnh không lây nhiễm mà nguồn bệnh là hệ quả của sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn và chế độ dinh dưỡng bất hợp lý…(Hà Nội mới, trang 6).
Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ dịch tiêu chảy do trực khuẩn lỵ
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn số 544/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế Lai Châu về việc tăng cường phòng, chống bệnh lý trực khuẩn. Theo đó, báo cáo giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu tháng 3/2017 tới nay đã xảy ra ổ dịch tiêu chảy do trực khuẩn lỵ tại 4 bản thuộc xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ với 56 trường hợp mắc, trong đó 2 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đều có kết quả dương tính với trực khuẩn lỵ…(Sức khỏe & Đời sống, trang 2).