Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/6/2016

  • |
T5g.org.vn - Người hiến tạng dù có hay chưa có thẻ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế; Một nông dân hiến thận cứu chị gái; Mất trí nhớ do virus viêm não tấn công…

Người hiến tạng dù có hay chưa có thẻ vẫn được hưởng bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế (BHYT) liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB). Thế nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ về vấn đề này, nên nhiều khi thiệt thòi khi đi KCB. Vì thế, nhằm giúp người dân có thêm các thông tin đầy đủ về chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) và Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã có buổi giao lưu với bạn đọc về nội dung này vào ngày 28-6, tại Hà Nội.

Cho đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu khi đi KCB tại tuyến huyện thì số tiền tối đa được hưởng 100% là 15% lương cơ sở được áp dụng tại tất cả các cơ sở y tế tuyến huyện hay chỉ một số nơi; hay nếu vượt qua số tiền trên thì đồng chi trả theo tỷ lệ nào.

Về vấn đề này, đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP ngày 15-11-2014 của Chính phủ, thì tất cả các trường hợp KCB BHYT tại các cơ sở đều có chi phí thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện là 1.210.000 đồng). Nếu mức chi trả cho một lần khám bệnh (kể cả chi phí KCB đối với bệnh tiểu đường) lớn hơn mức chi trả trê,n thì đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm nào khi KCB đúng quy định, sẽ được hưởng theo mức cùng chi trả thấp nhất là 5% và cao nhất là 20% chi phí KCB.

Luật BHYT qui định những trường hợp không được BHYT chi trả, trong đó sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, nhưng vẫn có nơi cho hưởng, có nơi không cho hưởng BHYT vì cho rằng là thẩm mỹ. Vì thế, nhiều người đề nghị BHT cần qui định danh mục nào là thẩm mỹ để tuyên truyền công khai cho người dân, tránh mơ hồ, khiến mỗi nơi hiểu một khác, gây khó chịu cho người có thẻ BHYT khi đi bệnh viện.

Về lĩnh vực này, đại diện Vụ BHYT cho biết, lấy cao răng và đánh bóng hai hàm (để điều trị viêm nha chu) được coi là dịch vụ để vệ sinh điều trị các bệnh răng miệng, vì vậy được quỹ BHYT thanh toán. Trường hợp nhổ răng lệch, răng khểnh có ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai hoặc bệnh lý khác của răng và khi có chỉ định của bác sỹ thì cũng được quỹ BHYT thanh toán. Đốt mụn cóc, sẹo lồi, cắt lọc sẹo lồi vết mổ khâu lại thì có hai khả năng: trường hợp đốt mụn cóc, sẹo lồi, cắt lọc sẹo lồi vết mổ khâu theo yêu cầu chuyên môn để điều trị mụn cóc, khâu lại vết mổ thì được quỹ BHYT thanh toán. Còn trường hợp sẹo lồi do cơ địa, sẹo lồi sau phẫu thuật nhưng không gây ảnh hưởng đến chức năng, gây đau đớn cho người bệnh, nếu người bệnh có yêu cầu làm đẹp thì thuộc lĩnh vực thẩm mỹ, nên không được quỹ BHYT thanh toán.

Với những trường hợp được chẩn đoán bị ung thư, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXHVN cho biết, theo quy định tại Luật BHYT bổ sung sửa đổi, thì những người lao động tham gia BHYT lần đầu, hoặc tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ ngày đóng BHYT. Vì vậy, khi có thẻ BHYT thì người bệnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT. Dĩ nhiên, để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi điều trị ung thư vú thì người tham gia BHYT phải được cơ sở đăng ký KCB ban đầu chuyển lên tuyến KCB liền kề, hoặc tuyến cao hơn nếu tuyến liền kề không điều trị được.

Trong trường hợp người bị bệnh ung thư, đang điều trị hóa chất, bệnh viện thông báo không có thuốc đang điều trị mà gia đình tự mua thuốc thì có được thanh toán BHYT không? Với câu hỏi này, BHXHVN cho hay, trong trường hợp các thuốc, hóa chất thuộc phạm vi thanh toán BHYT thì sẽ được thanh toán BHYT.

Theo quy định tại Thông tư 40 thì cơ sở KCB cho người bệnh có trách nhiệm cung ứng đầy đủ, kịp thời phục vụ nhu cầu điều trị. Trong trường hợp cơ sở KCB không cung cấp đủ để người nhà bạn phải tự mua thuốc, thì phải mang hóa đơn mua thuốc đến cơ sở KCB, để cơ sở KCB thanh toán chi phí thuốc cho bạn và cơ quan BHXH sẽ thanh toán trả cơ sở KCB sau. Trường hợp các thuốc, hóa chất không thuộc phạm vi thanh toán BHYT thì không được thanh toán BHYT.

Trong trường hợp cấp cứu thì người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT trước khi ra viện sẽ được hưởng quyền lợi như KCB đúng tuyến. Trường hợp không cấp cứu có xuất trình thẻ BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương sẽ được hưởng 40% chi phí KCB BHYT theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT. Bởi về nguyên tắc, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân sẽ xác định tình trạng vào viện (cấp cứu hay không cấp cứu) của người bệnh và được ghi trong bệnh án.

Một vấn đề khá mới mẻ là BHYT cho những người hiến tạng đã được đặt ra. Về điều này, giải thích của đại diện BHXHVN có thể làm yên lòng những người hiến tạng, dù có hay chưa có BHYT: Trong trường hợp người hiến tạng chưa có thẻ BHYT, nhưng phải điều trị ngay sau khi hiến cho người khác, nên vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT. Tuy nhiên, phải có chữ ký của thủ trưởng cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể, cùng người hiến tạng, hoặc thân nhân của người hiến tạng trong hồ sơ bệnh án mới có thể thanh toán BHYT.

Cơ sở y tế nơi lấy tạng của người hiến có trách nhiệm tổng hợp danh sách và chi phí KCB chuyển cho cơ quan BHXH có ký hợp đồng với cơ sở y tế để làm thủ tục cấp thẻ BHYT và thanh toán chi phí KCB của ông. Trên giấy ra viện ghi rõ "đã hiến bộ phận cơ thể". Cơ quan BHXH  sẽ căn cứ giấy ra viện để cấp thẻ BHYT cho người hiến và thông báo cho UBND cấp xã nơi người hiến cư trú, để lập danh sách cấp thẻ BHYT cho những lần tiếp theo. (Công an nhân dân (trang 7).

 

Một nông dân hiến thận cứu chị gái

Một người em ruột là nông dân ở Quảng Nam đã tự nguyện hiến thận trái của mình để cứu chị gái đang bị suy thận giai đoạn cuối.

Sáng 28-6, Bệnh viện Đà Nẵng tổ chức lễ tri ân người hiến thận. Người hiến là ông Phan Văn Trường (44 tuổi, trú Quế Sơn, Quảng Nam) và người được ghép là bà Phan Thị Nguyệt (52 tuổi, chị ruột ông Trường).

Theo bác sĩ Bùi Chín - thư ký Hội đồng thực hiện ca ghép thận - bà Nguyệt bị suy thận 2 năm nay và đang ở giai đoạn cuối. Hai tháng qua bà phải chạy thận bằng máy, nếu không ghép thận sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Sau khi hội chẩn và được sự phối hợp của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành ca ghép thận chiều 3-6.

Sau ca ghép thận, các thông số, sức khỏe của người hiến và người ghép đều đạt, chức năng thận bình thường. Ông Trường xuất viện sau đó 10 ngày, bà Nguyệt cũng đã xuất viện ngày 25-6.

Bà Nguyệt cho biết bị bệnh đã lâu nhưng không biết, sau đó đi khám mới phát hiện đã suy thận giai đoạn cuối, người thiếu máu, phù chân, mỏi mệt… mỗi tuần phải chạy thận 3 lần để cầm cự, kéo dài sự sống.

“Các bác sĩ cho biết chỉ có thể ghép thận sức khỏe mới ổn định lại được. 3 con tôi và chồng đã đi xét nghiệm nhưng các chỉ số để ghép thận đều không phù hợp”, bà nói.

Sau đó, người em kế của bà là ông Trường đã ra Bệnh viện Đà Nẵng xét nghiệm và các chỉ số phù hợp để hiến thận.

“Tôi chỉ làm nông ở quê với 2 sào ruộng, hết mùa lại đi làm thuê chăm sóc cây keo lá tràm. Lúc nghe chị cần ghép thận thì mình hiến với hi vọng cứu được chị mình thôi”, ông Trường chia sẻ. Rồi ông nói vui: “Nhờ hiến thận mà giờ tôi bỏ luôn cả bia rượu, thuốc lá”. (Tuổi trẻ (trang 2).

 

Mất trí nhớ do virus viêm não tấn công

Từ lúc phát hiện trẻ bị virus viêm não tấn công cho tới lúc tử vong chỉ diễn ra trong 24 giờ đồng hồ.

Cảnh báo vào mùa viêm não Nhật Bản Ca tử vong đầu tiên tại TPHCM do viêm não mô cầu Bé 5 tháng tuổi tử vong do viêm não mô cầu Cảnh báo viêm não cấp với virus Coxsackie 7 trẻ tử vong ở Cao Bằng nghi viêm não cấp

Bé Nguyễn Ngọc Ph., năm tuổi (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu), được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện Xuyên Mộc điều trị với các triệu chứng ho, sốt, chán ăn. Tại đây, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị cảm sốt bình thường. Sau ba ngày điều trị, ngày 11-5, các BS cho bé xuất viện, dặn về nhà uống thuốc và nghỉ ngơi khoảng 2-3 ngày sẽ khỏi.

Hôm qua đọc thơ, nay lơ ngơ mất hồn

Tuy nhiên, sau khi về nhà, từ chiều 12-5 bé Ph. bắt đầu mệt lả, không ăn uống được và đến ngày 13-5 rơi vào hôn mê. Thấy tình trạng con mình không tiến triển mà lại càng xấu đi, gia đình quyết định đưa bé vào BV Nhi đồng 1, TP.HCM kiểm tra sức khỏe.

Tại đây, bé Ph. mặc dù đã thoát khỏi tình trạng hôn mê nhưng lại chuyển sang giai đoạn quấy khóc, mất nhận thức hoàn toàn. Trong suốt hơn hai tuần điều trị tại khoa Nhiễm thần kinh - BV Nhi đồng 1, bé khóc liên tục từ sáng đến tối, người luôn bứt rứt, quay như chong chóng trên giường và không ăn được gì.

“Qua chụp CT, làm xét nghiệm tại BV Nhi đồng 1, các BS nói con tôi bị viêm não do siêu vi. Virus đã tấn công não gây viêm thần kinh trung ương để lại di chứng khiến bé mất trí nhớ, hay nói sảng như một đứa trẻ mới sinh. Cháu giờ giống như một đứa trẻ mới sinh, hay đòi bú mẹ, đòi được bà bồng lên tay ru ngủ. Cho dù ở nhà, bé cũng nói con nhớ nhà, nhớ ông ngoại rồi khóc lóc” - chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ bé Ph., nghẹn ngào kể.

Theo gia đình, trước đó bé Ph. rất lanh lợi, thông minh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Sau hơn một tháng chật vật với căn bệnh, ngày 21-6, gia đình đành đưa bé về nhà và chấp nhận thực tế con gái sẽ không thể đi học được. “BS bảo không thể điều trị được nữa, phải chấp nhận tình trạng hiện tại của cháu, từ nay bé sẽ mãi sống như vậy mà không thể đến lớp, đi học và vui chơi như bao đứa trẻ khác nữa” - chị Phượng nói.

30% để lại di chứng

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh - BV Nhi đồng 1, TP.HCM, bệnh viêm não do siêu vi có nhiều biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng viêm hô hấp, nóng ho, sổ mũi có thể chỉ là dấu hiệu ban đầu khiến phụ huynh ít quan tâm, thậm chí BS cũng có thể nhầm lẫn với cảm cúm thông thường. Nhưng sau đó virus tấn công lên não, gây ra viêm não.

Bệnh lý của viêm não tùy vào tác nhân virus mà có biểu hiện ban đầu khác nhau. Ví dụ virus đường ruột có tiêu chảy đi kèm, virus hô hấp thì có ho, sổ mũi đi kèm, hoặc virus đường máu do bị muỗi chích thì nó xâm nhập vào rất đột ngột, sốt cao, nhức đầu, nôn ói… Tất cả tùy thuộc vào từng loại virus mà ra. “Khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân có thể sốt cao, ói mửa, nhức đầu theo kiểu của bệnh lý thần kinh trung ương, sau đó đi vào hôn mê, co giật” - BS Khanh lưu ý.

Điều đáng chú ý là viêm não diễn biến rất nhanh, từ lúc biết trẻ bị viêm não cho tới lúc tử vong chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Trong 24 giờ đó BS có thể chẩn đoán được bé đã nặng hay chưa qua tình trạng hôn mê. Khi ở tình trạng nặng, trẻ sẽ hôn mê sâu, co giật nhiều hoặc co giật không khống chế được dẫn tới ngưng thở và tử vong.

“Một số trường hợp do tác nhân của virus không quá mạnh và sức đề kháng của bệnh nhân tốt, bệnh có thể kéo dài 5-7 ngày là có thể tự khỏi (khoảng 50%). 30% còn lại không khỏi hoàn toàn, sẽ để lại di chứng ở nhiều mức độ khác nhau như yếu tay, yếu chân, chậm phát triển trí tuệ, thay đổi tính tình, động kinh và nặng nhất là sống đời sống thực vật” - BS Khanh nói.

Theo BS Khanh, đối với viêm não siêu vi, chẩn đoán sớm hay muộn chỉ góp một phần nhỏ vào việc điều trị vì đây là một căn bệnh rất nặng. Yếu tố quan trọng nhất phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh như thế nào và sức đề kháng của em bé ra sao.

Đặc biệt, khi trẻ chưa có dấu hiệu hôn mê, thay đổi về tri giác, ngủ lừ đừ nhiều giờ thì rất khó phát hiện, do dấu hiệu của viêm não siêu vi khá giống với dấu hiệu khi trẻ gặp các vấn đề về đường hô hấp. Do đó, để phòng ngừa viêm não siêu vi, nhất là vào mùa trẻ mắc viêm não Nhật Bản nhiều như thời điểm này, cách phòng ngừa tốt nhất cho trẻ và gia đình là ngủ mùng, diệt muỗi, nhất là ở vùng nông thôn. Trẻ cần được chích ngừa viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng, được ăn sạch uống sạch, ăn đủ vitamin để tăng sức đề kháng; rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Ninh Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết bé Ph. nhập viện trong tình trạng sốt cao và ho nhiều. Sau ba ngày điều trị, các BS nhận định bé đã hết sốt nhưng vẫn còn ho, ăn uống được, đi lại được, chơi được. BS cho xuất viện và uống thuốc ho theo toa tầm ba ngày sẽ khỏi. Lúc bé xuất viện không có dấu hiệu gì khác ngoài chẩn đoán bệnh nhiễm virus chưa phân loại.

BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 200-300 ca mắc viêm não do siêu vi mỗi năm. Vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 được xem là mùa trẻ mắc viêm não nhiều nhất. Viêm não là một trong những bệnh rất nặng, bởi vậy trẻ nhập viện lúc nào cũng phải thở máy hoặc nằm ở phòng cấp cứu. Tỉ lệ viêm não có thể chữa được và sống bình thường chiếm khoảng 50% và tùy thuộc vào di chứng. (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh).

 

Ngày 29/6, có thêm 3.840 liều vắc xin Pentaxim

 Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa thông báo, ngày 29/6, bắt đầu đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) đợt 7.

Cụ thể, để tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1) thuận lợi nhất cho nhân dân, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương không tổ chức đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) trực tiếp tại cơ sở tiêm chủng. Việc đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) sẽ được thực hiện trực tuyến qua mạng internet (website).
Đối tượng đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) là những trẻ từ 2 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi - tính đến ngày tiêm (trẻ sinh trong khoảng từ ngày 12/7/2014 đến ngày 4/6/2016, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin 5 trong 1).

hời gian đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) bắt đầu từ  09h ngày 29/6/2016 tại địa chỉ website duy nhất: tiemvacxin.vn. Hướng dẫn cách thức đăng ký có tại các địa chỉ sau: Website: nihe.org.vn; Website: yteduphong.com.vn; Facebook: facebook.com/ytdp131loduc; Website: tiemvacxin.vn
Số lượng vắc xin Pentaxim đợt 7 là 3.840 liều.

Việc tiêm vắc xin sẽ được thực hiện từ ngày 12/7/2016 liên tục đến hết ngày 4/8/2016 (theo phiếu đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim) tại Trung tâm Dịch vụ Khoa học Kỹ thuật và Y tế Dự phòng - Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, địa chỉ số 131 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công sẽ được niêm yết công khai tại các địa chỉ website của Viện và Trung tâm trong ngày 29/6/2016.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khuyến cáo, phụ huynh không đưa trẻ đến tiêm vắc xin Pentaxim (5 trong 1) khi chưa có phiếu thông báo đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim thành công. Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vẫn duy trì tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí thuộc chương trình TCMR tại Trung tâm dịch vụ, số 131 Lò Đúc như thường lệ. *Nhân dân (trang 5), Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Ngành y tế Hà Nội sẽ vay 1.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác xã hội hóa (XHH) đối với các đơn vị thuộc ngành y tế Thủ đô giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, trong giai đoạn này ngành y tế Thủ đô phấn đấu thu hút đầu tư xây dựng mới và đưa vào hoạt động tối thiểu 6 bệnh viện (BV) tư nhân mới với khoảng 1.000 giường bệnh và thí điểm thực hiện 1-2 BV xây mới thông qua hình thức thu hút đầu tư PPP (đầu tư theo hình thức công tư) hoặc liên doanh, liên kết. Ngoài ra, phấn đấu ít nhất có 5 đơn vị trong ngành liên doanh, liên kết khám chữa bệnh với các doanh nghiệp tư nhân; phấn đấu có từ 3 đến 5 đơn vị công lập cử cán bộ y tế phối hợp với BV tư nhân để khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Ngành cũng sẽ vay tối thiểu 1.000 tỷ đồng vốn ngân hàng, tín dụng… để đầu tư cơ sở vật chất và mua trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh, đồng thời tiếp tục huy động thêm 20 đề án liên doanh liên kết trang thiết bị y tế trong các cơ sở y tế với mức đầu tư trên 250 tỷ đồng. Cùng với đó Sở Y tế cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở XHH đang hoạt động để kịp thời hướng dẫn, xử lý vi phạm phát sinh. (Hà Nội mới (trang 5), Sức khỏe & Đời sống (trang 2).

 

Bảo đảm an toàn thực phẩm: Yếu từ các "chốt chặn"!

Mặc dù công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đã được tăng cường, song thịt "bẩn" vẫn tràn vào TP Hồ Chí Minh. Việc khắc phục điểm yếu của các "chốt chặn" là đòi hỏi cấp thiết để hạn chế tối đa tình trạng này.

Vẫn lọt thịt "bẩn"

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày nhu cầu tiêu thụ sản phẩm động vật của người dân thành phố bình quân tương đương khoảng 850-900 con trâu bò, 9.000-10.000 con lợn, 120.000-130.000 con gia cầm và khoảng 200 tấn thực phẩm đông lạnh nhập khẩu. Trong khi đó, ngành chăn nuôi thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 18%-20% nhu cầu của người dân. Với 80% lượng thịt động vật được nhập từ các tỉnh khác, việc quản lý ATTP là câu chuyện nan giải. Tại 4 trạm kiểm dịch động vật ở các "cửa ngõ" TP Hồ Chí Minh, hằng ngày, hằng giờ vẫn ghi nhận phát hiện nhiều trường hợp vận chuyển thịt "bẩn". Trong Tháng hành động ATTP 2016, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra 40.242 lượt cơ sở và phương tiện vận chuyển, phát hiện 3.478 lượt cơ sở và phương tiện vận chuyển vi phạm, qua đó xử lý phạt 647 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng, tiêu hủy hoặc tịch thu, tạm giữ sản phẩm của 89 cơ sở với hơn 61 tấn thực phẩm. Tuy kiểm soát gắt gao từ ngoại thành nhưng thịt "bẩn" vẫn thường xuyên lọt vào nội thành, như vụ bắt quả tang chiếc xe tải chở 16 thùng xốp chứa 727kg thịt động vật không có giấy chứng nhận ATTP, không hóa đơn chứng từ vào ngày 16-6, tại quận Tân Bình.

Ngoài ra, tình trạng tồn dư chất cấm, thuốc kháng sinh ở các mẫu thịt động vật lưu thông trên thị trường vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi 3 năm (từ 2013 đến 2015) các cơ quan chức năng ở TP Hồ Chí Minh xác định 27,12% thịt động vật bán ở thành phố còn tồn dư kháng sinh. Tỷ lệ mẫu vi phạm tồn dư kháng sinh ở sản phẩm động vật có chiều hướng gia tăng, năm 2014 là 17,76% đến năm 2015 là 39,62%. Rõ ràng, quá trình lấy mẫu xét nghiệm như vậy là quá chậm, 3 năm qua người dân thành phố vẫn phải ăn thịt động vật dính “bẩn” mà không hề hay biết.

Lập cơ quan đầu mối để tăng hiệu quả quản lý

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) cho rằng, hệ thống quản lý về ATTP không chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh đang “có vấn đề”. Theo bà Minh, nhiều cơ sở “nhỏ to” về việc cơ quan có thẩm quyền này cho lưu thông, trung tâm nọ chứng nhận “sạch” với “giá bao nhiêu”? Phòng thí nghiệm, kiểm định kia chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là sẽ nhận kết quả kiểm nghiệm mà không cần gửi mẫu. Ngoài ra, năng lực của các cơ quan thẩm định, kiểm nghiệm còn nhiều hạn chế. Do đó, nhiều cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận sản xuất thực phẩm sạch sau đó lại bị phanh phui những việc làm “bẩn”, khiến người dân mất lòng tin.

Bên cạnh đó, do ý thức kém của cơ sở cung cấp, vận chuyển nên công tác ngăn chặn thực phẩm "bẩn" ngay từ cửa ngõ thành phố càng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Đặng Thị Tuyết, Phó Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh) cho biết, nhiều trường hợp thịt "bẩn" lọt qua các cơ sở sản xuất do người vận chuyển “lách luật” bằng nhiều cách, từ trộn lô thịt động vật "bẩn" chung với thịt đã có giấy chứng nhận ATTP, đến việc dừng xe trước khi đến trạm kiểm dịch, phân lô hàng ra thành nhiều phần đưa lên xe ba gác chở qua những con đường nhỏ vào nội thành...

Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện nay các ngành có chức năng về kiểm soát bảo đảm ATTP vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý vì sự chồng chéo chức năng. Sắp tới, cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP trực thuộc UBND TP Hồ Chí Minh sẽ được thành lập. Về thực chất, cơ quan này được nâng cấp từ Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố với bộ máy nhân sự không thay đổi, chỉ tăng thêm máy móc, vật tư, thiết bị, phòng kiểm nghiệm chuyên về an toàn thực phẩm để mở rộng phạm vi hoạt động. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh kỳ vọng, cơ quan chuyên trách về ATTP mới sẽ có tiếng nói hơn trong công tác quản lý, sẽ xác lập được đầu mối trách nhiệm để giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân về thực phẩm.  (Hà Nội mới (trang 5).

 

Xe cấp cứu đâm vào xe tải: Các nạn nhân đã qua cơn nguy kịch

 

Trên đường chở bệnh nhân chuyển viện, chiếc xe cứu thương đã đâm mạnh vào đuôi xe tải đỗ bên đường. Hậu quả là cả nhà bệnh nhân trên xe cứu thương nhập viện, tài xế xe cứu thương cũng bị thương nặng.

Theo TS BS Trần Quang Vinh, Trưởng khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Phạm Thị Cát Phượng (SN 1962, ngụ Đồng Nai) được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy lúc 23 giờ 55 phút 26-6 trong tình trạng sốc chấn thương, chấn thương cột sống, gãy trật đốt sống cổ C5 và C6, vỡ thân đốt sống cổ C2 khiến bệnh nhân bị liệt hoàn toàn 2 chân và yếu rất nhiều ở 2 tay. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân được hồi sức và dùng thuốc vận mạch. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc tốt; nhưng còn liệt 2 chân và yếu nhiều ở 2 tay, thở yếu nên vẫn còn đặt nội khí quản. Bệnh nhân vẫn tiếp tục được sử dụng thuốc vận mạch để suy trì sự ổn định của huyết áp.

Bệnh nhân thứ 2 là bệnh nhân Phạm Đình Lý (chồng của bệnh nhân Phạm Thị Cát Phượng) được đưa vào khoa Cấp cứu lúc 23 giờ 55 phút cùng ngày với vết thương đùi trái 4 cm, vết thương cẳng chân trái 6 cm, chấn thương đầu.

Kết quả một số cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị gãy hở đùi trái, gãy hở cẳng chân trái, chấn thương đầu. (Sức khỏe & Đời sống).

 

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân bỏng do nắng nóng

Nướng cá bằng cồn, để phích nước nóng trên cao, để bát cháo nóng trên bàn đúng tầm với của trẻ... Đây là những tình huống khiến cả người lớn và trẻ em bị bỏng phải nhập viện điều trị trong thời gian nắng nóng gần đây. Các bác sĩ cũng cho biết, từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tăng 15-20% so với bình thường... Nướng cá bằng cồn khiến nữ sinh bị bỏng nặng

Cùng bạn nướng cá bằng cồn cho tiệc liên hoan chia tay lớp, Linh (22 tuổi, Cao Bằng) bị ngọn lửa bốc cao khiến toàn bộ mặt, cổ và hai chân bị bỏng nặng.

Điều trị tại khoa Bỏng, BVĐK Xanh pôn (Hà Nội) đã gần 2 tháng, toàn bộ khuôn mặt, vùng cổ, tay trái và đôi chân của Nguyễn Thị Linh vẫn còn đỏ, vết bỏng loang lổ, nhiều nốt phỏng đã se lại. Không còn cảm giác đau rát kinh khủng như trước, nhưng giờ cô gái lại ngứa ngáy khó chịu.

Đến giờ Linh vẫn chưa thể quên được bữa tiệc chia tay thời sinh viên đáng buồn đó. Hôm đó cô cùng các bạn đại học tại Hà Nội tổ chức liên hoan, trong đó có món cá chỉ vàng nướng. Linh đang lúi húi nướng cá bằng cồn, cô bạn ngồi đối diện tưởng cồn đã hết nên cầm cả chai nhựa đổ thẳng vào cá đang nướng dở. Ngọn lửa bùng nhanh làm cô bạn kia giật mình đổ càng mạnh, vứt cả chai cồn xuống bếp. Linh ngồi đối diện nên hứng cả ngọn lửa đang cháy.

BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, BVĐK Xanh pôn cho biết, Linh bị bỏng rất nặng, vết bỏng sâu, đặc biệt là vùng má trái. Các bác sĩ dùng màng sinh học điều trị những vết bỏng, phải một thời gian nữa khuôn mặt của cô gái mới có thể trở về như cũ.

“Hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là các ca bỏng do cồn lại tăng lên. Nguyên nhân chủ yếu do sự chủ quan của người nướng, tưởng lửa tắt là hết cồn nên tiếp tục đổ cồn vào trong khi đó lửa vẫn cháy cồn màu trắng nên khó nhận biết. Khi ngọn lửa bùng lên, nhiều người có phản xạ là rụt tay và làm rơi cả chai/lọ cồn xuống, ngọn lửa càng bùng phát mạnh và gây bỏng. Vì thế, người dân cần phải cẩn trọng khi nướng mực bằng cồn. Bỏng cồn thường là bỏng nặng, trên diện rộng cơ thể, bỏng đường hô hấp ”- BS Thống cảnh báo.

Trẻ em nhập khoa bỏng vì nước sôi, bát cháo nóng

Theo BS Thống, từ đầu hè đến nay, số ca cấp cứu, điều trị do bỏng tăng 15-20% so với bình thường. Trong đó, người lớn thường bị bỏng do cồn; còn trẻ nhỏ bỏng nước sôi là chủ yếu, có trẻ mới vài tháng tuổi.

Bế bé trai P. M. T., 11 tháng tuổi ở Hà Nội bị bỏng nước sôi độ 2 đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng- BVĐK Xanh pôn trên tay, bà nội bé ân hận kể: Lỗi tại tôi để cháu phải khổ thế này. Phích nước sôi tôi vừa nấu để trên bàn, nghĩ cháu không với được. Ai dè thằng bé đang tuổi tập đi lao thẳng tới bàn trong lúc bào chạy xuống bếp kéo xuống. Cả phích nước dội vào chân và đùi phải của bé.

Được biết, bé T. vào điều trị đã 15 ngày, vết bỏng đang ăn da nhưng bé vẫn chưa xuất viện được vì phải tiếp tục điều trị đến khi lành hẳn.

Hay trường hợp của bé T. P. V. mới 20 tháng tuổi đang nằm điều trị tại Khoa Bỏng được hơn chục ngày cũng chỉ vì cháu đang tuổi thích đi lại trong nhà nhưng người lớn trông không cẩn thận để cháu kéo bát cháo vừa nấu xong từ bàn xuống đổ vào người.

Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng vào vết bỏng của trẻ

Theo các bác sĩ trên thực tế bỏng hoàn toàn có thể phòng tránh nhưng năm nào cũng vậy vẫn có những tai nạn thương tâm xảy ra. BS Nguyễn Thống cho biết thêm, trẻ em độ tuổi 12-18 tháng rất hay bị bỏng do trẻ đang độ tuổi tập đi, tò mò, chưa có ý thức trong hành động thấy vật lạ là xem, kéo xuống. Với người lớn, vào mùa hè bỏng cồn chiếm số lượng lớn. Cồn dễ mua, dễ dùng nhiều gia đìnhh mua cả chai to về dùng dần. Trong lúc nướng lửa màu trắng không nhìn thấy nghĩ hết cồn dốc cả chai vào gây bỏng lớn. Chưa kể, những cuộc vui kéo dài khiến tinh thần không minh mẫn, không làm chủ hành động của mình dẫn đến bỏng.

Có hàng trăm lý do gây ra bỏng. Người lớn cần phải hết sức cẩn thận trong việc sử dụng điện, lửa, nước nóng khi trong nhà có trẻ nhỏ. Chẳng hạn như, với các nguồn điện trong tầm với của trẻ thì cần phải dạy trẻ giống như phản xạ tự nhiên về việc không được đến gần. Với các thức ăn nóng cần phải để tránh xa tầm với của trẻ, có thể cho trẻ thử chạm vào các thức ăn nóng để trẻ cảm nhận được sự nguy hiểm từ đó có ý thức tránh xa.

Khi trẻ bị bỏng, cần phải nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng ra khỏi người trẻ, sau đó cởi hết quần áo một cách nhẹ nhàng tránh làm trượt da trẻ, kiểm tra đường hô hấp, tim… của trẻ. Nhanh chóng chuẩn bị một chậu nước sạch (không cần phải là nước đun sôi để nguội) với nhiệt độ từ 16 đến 20 độ và nhúng vết bỏng vào nước. Tuyệt đối không được chườm đá trực tiếp, bôi xà phòng, kem đánh răng, các loại dầu mỡ vào vết bỏng của trẻ, lấy khăn sạch băng vết bỏng.

“Các trường hợp bị bỏng mà sử dụng thuốc nam đắp lên vết bỏng. Việc đắp thuốc nam đầu tiên sẽ gây đau, xót vết bỏng. Sau đó sẽ tạo thành lớp mủ bên dưới màng thuốc từ đó gây sốt cao, rét run, co giật. Phụ huynh không nên tin theo lời của các thầy lang khiến con em mình phải gánh chịu hậu quả nặng nề”- BS Nguyễn Thống khuyến cáo thêm. (Sức khỏe & Đời sống (trang 3).

 

Phẫu thuật thành công ca bệnh tắc thực quản hiếm gặp

Sáng 18/6, bác sĩ La Văn Phú - Trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa  phẫu thuật cho một bệnh nhân hẹp thực quản thể trạng suy kiệt nặng vì nhiều năm nay, thức ăn không xuống dạ dày.

Bệnh nhân là Ông Võ Minh Trí (45 tuổi)  ngụ quận Cái Răng, TP.Cần Thơ, nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Ông Bùi Văn Ty, người nhà bệnh nhân cho biết cách đây 28 năm ông Trí đã từng phẫu thuật do nghẹt thực quản. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây bệnh nhân lại bị tái phát khi không nuốt được thức ăn, hay ói ra. Gần đây bệnh trầm trọng hơn, thực quản tắc hoàn toàn, thức ăn không xuống được dạ dày và thực quản giãn ra giống như dạ dày chứa thức ăn.

Ông Trí nhập viện khi thể trạng suy kiệt nặng. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật mở đường bụng và ngực của bệnh nhân, cắt bỏ 1/3 phần thực quản dưới bị hẹp, nối thực quản với dạ dày. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ

Bác sĩ  Phú cho biết,  đây là trường hợp hiếm gặp, nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong. Hiện sức khỏe ông Trí đã ổn định. (Tiền phong (trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang