Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/6/2018

  • |
T5g.org.vn - Cứu sống một bệnh nhi bị viêm màng não nguy kịch; Bệnh viện Chợ Rẫy khống chế được chùm ca bệnh cúm A/H1N1; Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an làm rõ vụ việc VN Pharma...

 

Bệnh viện Chợ Rẫy khống chế được chùm ca bệnh cúm A/H1N1

Ngày 28.6, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy đã phát đi thông cáo cho biết đã khống chế thành công chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Khoa Nội thận sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trước đó, ngày 11.6, tại Khoa Nội thận phát hiện 4 bệnh nhân đang điều trị có biểu hiện lâm sàng tương tự nhiễm cúm. Ngay lập tức, những trường hợp này được cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới, điều trị với thuốc kháng vi rút và tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCR (xét nghiệm xác định chủng loại cúm), kết quả xác nhận 4 bệnh nhân này nhiễm cúm AH1N1.

BV Chợ Rẫy đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch, tổ chức thực hiện cách ly, khoanh vùng quản lý những bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm…

Trong số 17 bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm tại Khoa Nội thận được cách ly và tầm soát, có 10 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, 1 bệnh nhân đã tử vong (bệnh nhân này có bệnh nền suy thận mạn tính giai đoạn cuối). Từ ngày 20.6 đến nay, tại khoa không phát hiện thêm trường hợp mới nào bị nhiễm cúm.

Ngoài ra, BV còn tiếp nhận và điều trị cho 13 bệnh nhân khác. Các bệnh nhân này nhập viện từ Khoa Cấp cứu, Khoa Khám bệnh do nghi ngờ nhiễm cúm và cũng được cách ly tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Trong số này, có 5 bệnh nhân xác định nhiễm cúm A/H1N1.

Toàn bộ bệnh nhân nhiễm cúm điều trị tại BV Chợ Rẫy đều được xác định chủng vi rút A/H1N1pdm2009 và chưa phát hiện biến chứng. Các bệnh nhân tử vong đều có chung đặc điểm là những đối tượng có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm như lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…) hay cơ địa béo phì và không được chích ngừa trước đó. (Thanh niên, trang 3)  

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân, trang 6: “Bệnh viện Chợ Rẫy khống chế thành công chùm ca bệnh cúm A/H1N1”

 

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an làm rõ vụ việc VN Pharma

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công an truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về vụ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu thuốc nhãn hiệu do Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada.

Theo đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xác minh làm rõ việc Công ty VN Pharma nhập khẩu, lưu hành 6 loại thuốc nhãn hiệu do Công ty Health 2000 sản xuất tại Canada (nhưng trên thực tế Công ty Health 2000 không có nhà máy sản xuất tại Canada), nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.2018. (Thanh niên, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 5: “Làm rõ việc VN Pharma lưu hành 6 loại thuốc “sản xuất tại Canada””

 

Thu hút nhiều nguồn lực đầu tư lĩnh vực y tế

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 28 nhà máy sản xuất thuốc, 1.200 công ty kinh doanh dược, 8.200 nhà thuốc với doanh số chiếm gần hai phần ba doanh số mua bán thuốc của cả nước, là đầu mối phân phối thuốc khắp cả nước. TP Hồ Chí Minh cũng là nơi có cơ hội tiếp cận thuốc mới, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ bào chế mới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Thành phố còn có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp với 115 bệnh viện, 12 trung tâm chuyên ngành và 24 trung tâm y tế quận, huyện; 319 trạm y tế và 5.302 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân… Tuy vậy, ngành y tế thành phố cũng đang đối mặt với nhiều thách thức như sự quá tải ở các bệnh viện chuyên khoa; số lượng người dân ra nước ngoài khám, chữa bệnh vẫn còn nhiều…

Trong thời gian tới, thành phố cần chuẩn hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế chuyên sâu, đào tạo chuyên sâu, nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với bệnh án điện tử, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của bác sĩ… Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng 91 dự án với tổng nguồn vốn gần 32 nghìn tỷ đồng (ngân sách nhà nước cấp 12.500 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có 14 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với nguồn vốn tương đương 15 nghìn tỷ đồng.

Sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực y tế đã được hình thành và phát triển tại TP Hồ Chí Minh trong suốt mười năm trở lại đây đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư. Nhiều hình thức hợp tác công - tư triển khai thành công như: Bệnh viện tư làm “vệ tinh” cho bệnh viện công; áp dụng Đề án 1816 luân phiên nhân sự chuyên môn từ bệnh viện công về hỗ trợ các khoa của bệnh viện tư; liên kết sử dụng mặt bằng; liên doanh đặt máy, trang thiết bị y tế tư tại cơ sở công lập… Nhờ sự chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tư nhân, TP Hồ Chí Minh đang trở thành địa phương có môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn, nhất là trong lĩnh vực y tế…

Để thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế, thành phố sẽ tiếp tục tạo cơ chế thuận lợi trong thành lập, bố trí mặt bằng, kết cấu hạ tầng để mở rộng hoặc xây mới bệnh viện tư nhân. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện cho các cơ sở y tế tư nhân về mặt bằng, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy; tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách xã hội hóa, áp dụng hình thức PPP trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, thành phố cũng đề nghị hệ thống ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi để các bệnh viện nhà nước, tư nhân có điều kiện phát triển, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất… phục vụ người bệnh.

Cơ chế viện phí hợp lý sẽ làm giảm chênh lệch về viện phí giữa bệnh viện công và bệnh viện tư, từ đó tạo sự cạnh tranh hợp lý giữa các bệnh viện về chất lượng dịch vụ, giúp cho dịch vụ y tế liên tục phát triển. Y tế là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, cho nên việc áp dụng hình thức PPP trong y tế gắn liền với nhiều khía cạnh như hợp tác trong điều hành, quản lý, vận hành, chuyển giao kỹ thuật, phối hợp khám, chữa bệnh, quản lý tài chính, bảo hiểm y tế.

Thành phố hiện có nhiều dự án y tế cần được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và số hóa… Trong khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu, thành phố cần có thêm những cơ chế, chính sách thật hấp dẫn để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong, ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực y tế. (Nhân dân,  chuyên trang TPHCM)

 

Sơ kết thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với BHXH và BHYT

Sáng 28-6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư, các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và bệnh viện lớn.

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị khẳng định, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết; ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, văn hóa chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết số 21. Các ban, bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Chất lượng dịch vụ BHXH, BHYT được cải thiện. Số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm. Cụ thể, đến ngày 31-12-2017, số người tham gia BHXH là 13,82 triệu người, đạt 29% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 11,77 triệu người, đạt 22% lực lượng lao động và số người tham gia BHYT là 79,95 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 85,6% dân số.

Nhiều ý kiến phân tích những hạn chế, yếu kém như diện bao phủ BHXH thấp, quỹ BHXH đầu tư chưa đa dạng, bội chi quỹ BHYT có xu hướng tăng, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT xảy ra ở nhiều địa phương. Công tác thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn nhiều vướng mắc. Trên cơ sở đó, các đại biểu đề xuất những giải pháp cụ thể để việc thực hiện Nghị quyết số 21 đạt kết quả tốt hơn.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Việc triển khai Nghị quyết số 21 trong thời gian qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và thành quả có ý nghĩa, đó là những kinh nghiệm quý đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và cải cách chính sách BHXH. Đồng chí đề nghị các cấp ủy đảng, các ngành và các địa phương cần tập trung chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 21 với tinh thần quyết liệt hơn, hiệu quả hơn. (Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 2: “81,3 triệu người tham gia bảo hiểm y tế”

 

Bác sĩ trưởng khoa “ôm” tiền của sản phụ rồi... “mất tích”

Ngày 28-6, bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hòa – Giám đốc Bệnh viện 22-12 Quân Dân Khánh Hòa ở 34 Nguyễn Thiện Thuật, phường Tân Lập, TP Nha Trang cho biết, đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức sa thải BS Phạm Thanh Nam – Trưởng khoa sản vì lý do vi phạm hợp đồng lao động khi tự ý nghỉ việc quá thời hạn.

Ngoài ra bệnh viện này đang thu thập chứng cứ để báo cáo cơ quan công an làm rõ vụ việc BS Nam tự ý nhận tiền của 11 sản phụ gần 200 triệu đồng, nhưng không nộp vào công quỹ theo quy định.

Trước đó nhiều sản phụ ký kết hợp đồng dịch vụ thai sản với Công ty TNHH dịch vụ tư vấn sức khỏe EVA ở 06 Huỳnh Tịnh Của, phường Phước Long, TP Nha Trang do ông Phạm Thanh Nam làm giám đốc.

Trụ sở giao dịch Công ty TNHH dịch vụ tư vấn sức khỏe EVA do BS Phạm Thanh Nam làm giám đốc đã đóng cửa từ nhiều ngày qua

Theo hợp đồng, EVA đảm trách khám, tư vấn định kỳ, kiểm tra sự phát triển thai nhi, theo dõi tình trang nước ối, xác định ngôi thai, tư vấn dấu hiệu chuyển dạ và sinh mổ với giá trọn gói mỗi sản phụ 14,5 triệu đồng, trong đó dịch vụ sinh mổ sẽ được thực hiện tại Bệnh viên 22-12.

Một trong những sản phụ ký kết hợp đồng với EVA là chị Nguyễn Thị Minh Trang đã được BS Phạm Thanh Nam thực hiện dịch vụ mổ sinh vào ngày 9-6 tại Bệnh viện 22-12 đã nộp đủ số tiền 14,5 triệu đồng tại EVA, nhưng sau khi sinh mổ 4 ngày, BS Nam yêu cầu nộp thêm 5 triệu đồng khoản tiền phát sinh khi trong thời gian sản phụ lưu lại Bệnh viện 22 -12.

Khi chị Trang xin giấy chứng sinh, BS Nam hẹn sẽ cung cấp vào sáng 14-6 nhưng khi chị Trang liên lạc điện thoại thì BS cho biết đã bận việc riêng đột xuất. Theo hẹn, sáng 25-5 người thân chị Trang đến Bệnh viện 22-12, thì đại diện bệnh viện yêu cầu nộp 10 triệu đồng trước khi cấp giấy chứng sinh.

Theo BS Nguyễn Văn Hòa, Bệnh viện 22-12 không có quan hệ hợp đồng hợp tác dịch vụ sản khoa với EVA, khi tiếp xúc với thân nhân sản phụ Nguyễn Thị Minh Trang ngày 25-6, bệnh viện mới phát hiện BS Nam ký kết hợp đồng dịch vụ thai sản với nhiều sản phụ, trong đó có dịch vụ sinh mổ tại Bệnh viện 22-12 là do BS Nam tự ý giao kết. Bệnh viện 22-12 ký kết hợp đồng lao động với BS Pham Thanh Nam cách đây gần 1 năm và phân công đảm trách trưởng khoa sản.

Đêm 13-6, BS Nam nhắn tin cho trường phòng nhân sự bệnh viện xin phép về huyện Hoài Nhơn (Bình Định) để thăm bố ruột bị bệnh nặng, lãnh đạo bệnh viện liên lạc qua điện thoại nhiều lần nhưng BS Nam không nghe máy mà tự ý bỏ việc trong thời gian dài nên ngày 26-6 Hội đồng kỷ luật Bệnh viện 22-12 đã đề nghị Giám đốc bệnh viện quyết định sa thải BS Nam.

Cùng theo Giám đốc Bệnh viện 22-12, với tư cách Giám đốc EVA, BS Phạm Thanh Nam đã ký kết hợp đồng dịch vụ thai sản và nhận gần 200 triệu đồng của 11 sản phụ đã đến Bệnh viện 22-12 sinh con, nhưng sau đó thân nhân các sản phụ không liên lạc được BS Nam. (Công an Nhân dân, trang 5)

 

Sản phụ mang tam thai "vượt cạn" thành công

Ngày 28-6, thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang, cho biết đơn vị vừa tiến hành phẫu thuật một ca đẻ mổ thành công cho sản phụ mang tam thai.

Trước đó, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh An Giang tiếp nhận sản phụ Bùi Thị Cẩm Linh (25 tuổi, ấp Mỹ Hòa 3, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) từ bệnh viện tuyến huyện chuyển đến.

Dù lần đầu tiên phẫu thuật tam thai nhưng các Bác sĩ đã giúp các bé chào đời khỏe mạnh. Kết quả ca mổ thành công tốt đẹp với 2 bé trai với một bé gái nặng từ 2 đến 2,4 kg.

Được biết, tam thai tự nhiên là trường hợp rất hiếm, tỷ lệ 1/8.000 ca. Người mẹ mang đa thai dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết.

Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ. (Công an Nhân dân, trang 8)

 

Nhiều người chích ngừa cúm A/H1N1

Những ngày gần đây, sau thông tin có hai loạt ca bệnh cúm A/H1N1 ở hai bệnh viện trong TP.HCM và có 3 người mắc cúm A/H1N1 đã tử vong, nhiều người dân đã đi chích ngừa cúm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc (Trung tâm Tiêm chủng văcxin dành cho trẻ em và người lớn VNVC, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết số người đến trung tâm này tiêm ngừa cúm A/H1N1 tăng đột biến, gấp 5-10 lần ngày bình thường. Trước đây, trung bình một ngày, cả 3 cơ sở của trung tâm này có từ 100-200 khách hàng chích cúm, những ngày gần đây đã tăng lên khoảng 1.000 khách hàng/ngày.

Đưa cả gia đình đi chích

Ngồi đợi ở hàng ghế chờ đến lượt chích ngừa văcxin, ông N.T.L., 65 tuổi, ngụ ở Q.Tân Phú, cho biết vợ chồng ông đưa cả ba người cháu ngoại đi chích ngừa cúm luôn. Theo ông L., hai vợ chồng ông và các cháu đi chích ngừa vì thấy những người nhà mình chủ yếu nằm trong độ tuổi nguy cơ cao của bệnh cúm A/H1N1. Những năm trước, gia đình ông chưa từng đi chích ngừa bệnh cúm nhưng năm nay nghe có chùm ca bệnh, có một số ca tử vong nên mới cẩn thận đi chích cho an tâm.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết số người đi chích văcxin cúm ở Trung tâm Y tế dự phòng TP, cũng như ở trung tâm y tế các quận huyện có xu hướng tăng lên.

Có hai lý do khiến số người đến chích ngừa tăng trong dịp này. Một là hiện đang trong mùa hè, các bé được nghỉ hè nên được cha mẹ đưa đi chích ngừa. Hai là gần đây có các chùm ca bệnh cúm trong bệnh viện, có một số bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tử vong nên nhiều người lo lắng.

Ở nhóm nguy cơ cao nên đi chích ngừa

Bác sĩ Nguyễn Thị Cúc cho biết những ngày gần đây, nhiều gia đình đưa trẻ đi chích ngừa các loại văcxin khác theo lịch tiêm chủng cũng đăng ký cho trẻ được chích ngừa cúm luôn, thậm chí ông, bà đi theo cũng đăng ký chích ngừa cúm. Có những gia đình còn chích ngừa cúm cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Khi tư vấn, bác sĩ Cúc cũng cho khách hàng biết văcxin cúm chỉ ngừa được 3 chủng hay gặp nhất là cúm A/H1N1, cúm A/H2N3 và type B. Và bệnh này đặc biệt nguy hiểm cho những người có bệnh nền mãn tính đi kèm như đái tháo đường, hen phế quản, bệnh về suy thận hoặc những người có cơ địa có sức đề kháng kém như béo phì, người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai…

Bác sĩ Cúc lưu ý sau một tuần chích ngừa cúm có thể đã tạo được kháng thể, nhưng để đạt được đỉnh phòng bệnh tối ưu thì phải mất từ 2-4 tuần sau khi chích ngừa. Trẻ dưới 9 tuổi lần đầu tiêm văcxin cúm sẽ phải tiêm 2 mũi, cách nhau một tháng. Trẻ trên 9 tuổi mỗi năm chích mỗi mũi và mỗi văcxin cúm chỉ ngừa được bệnh trong một năm. Hệ thống tiêm chủng VNVC đang có cả 3 loại văcxin phòng cúm cho trẻ em và người lớn với số lượng lớn. (Tuổi trẻ, trang 11)

 

3 người chết vì cúm A/H1N1, TP.HCM mới lo chống dịch?

Chỉ trong hơn 1 tháng qua, tại TP.HCM đã phát hiện 2 chùm ca bệnh nhiễm cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa) rất lớn được ghi nhận tại Bệnh viện Từ Dũ (28 ca) và Bệnh viện Chợ Rẫy (12 ca). Đến nay, đã có 3 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1. Tuy nhiên, ngành y tế TP.HCM dường như còn khá bị động trong việc đề ra biện pháp phòng chống dịch bệnh này.

Hàng chục ca nhiễm cúm A/H1N1

Mới đây nhất, ngày 26.6, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân xấu số là ông N.T.V (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân).

Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, ông V nhập viện ngày 22.6 với những triệu chứng cúm A/H1N1 như sốt, ho, viêm họng, sổ mũi… Kết quả kiểm tra cho thấy, ông V bị viêm phổi nặng, suy hô hấp, phải cho thở máy.

Người nhà bệnh nhân cho biết, ông V đã phát bệnh vài ngày trước và đã tự điều trị tại nhà nhưng bệnh tình ngày càng nặng nên được chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, sau hơn 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh của nạn nhân không được cải thiện nên được bệnh viện cho về nhà theo nguyện vọng của gia đình và ông V đã tử vong sau đó.

Cũng theo bác sĩ Hùng, hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang điều trị cho 7 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 trong tổng số 12 ca được phát hiện dương tính với cúm A/H1N1. Trong số 7 trường hợp trên, có 5 ca bệnh nặng, đặc biệt còn 3 bệnh nhân đang phải thở máy.

Trước đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có một trường hợp tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối và nhiễm cúm A/H1N1.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 1.6, một bệnh nhân phẫu thuật nội soi cắt tử cung được dời phẫu thuật do sốt cao. Đến chiều cùng ngày, có 17 bệnh nhân đang nằm điều trị cùng khoa có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ. Trước biểu hiện này của các bệnh nhân, Bệnh viện Từ Dũ tiến hành phân nhóm, cách ly các bệnh nhân sốt để phòng ngừa. Đồng thời, phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới triển khai xét nghiệm PCR cúm (Polemerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi polymerase - là một kỹ thuật nhằm tạo ra một lượng lớn bản sao DNA mục tiêu trong ống nghiệm dựa vào các chu kỳ nhiệt) cho 18 người (trong đó có 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế). Kết quả có 16/18 mẫu dương tính với cúm A/H1N1.

Tuy nhiên, đến chiều 3.6, tổng số ca nhiễm tại bệnh viện này đã vượt lên con số 28 ca. Trong 28 ca này, có 8 nhân viên của khoa nội soi và 20 bệnh nhân. Các bệnh nhân này được cho uống thuốc Tamiflu và được hướng dẫn cách ly, các cách phòng tránh dịch lây lan cộng đồng.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, đến thời điểm hiện tại, ổ dịch tại bệnh viện đã được khống chế hoàn toàn.

Chưa quyết liệt triển khai phòng chống dịch?

Thực tế, ngay khi phát hiện ổ dịch A/H1N1 lớn tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ để triển khai các biện pháp hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, cấp cứu, đồng thời điều trị kịp thời cho các bệnh nhân và khống chế dịch không để lây lan trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, UBND TP cũng giao Sở Y tế TP.HCM phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện tăng cường công tác phòng chống các loại dịch cúm A như H1N1, H7N9, H5N1 và các bệnh lây qua đường hô hấp. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính có trách nhiệm bổ sung kinh phí để Sở Y tế chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh kịp thời, có hiệu quả.

Tuy nhiên, đến ngày 8.6, Sở Y tế mới có văn bản khẩn gửi đến các bệnh viện, các cơ sở y tế... về việc tăng cường điều trị và lây nhiễm cúm A/H1N1. Đặc biệt, đến hôm nay (27.6), Sở Y tế mới tổ chức buổi tập huấn tăng cường công tác điều trị và phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 trên địa bàn TP.HCM.

Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện, công tác phòng chống lây nhiễm cúm A/H1N1 cũng chỉ dừng ở mức khuyến cáo và “chữa cháy” khi dịch bệnh đã xảy ra.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Từ Dũ, ngày 1.6 đã phát hiện ra ổ dịch với 16 ca dương tính với cúm A/H1N1 và công tác khử khuẩn, xông phun, lau chùi các bề mặt tiếp xúc được tiến hành liên tục từ rạng sáng 2.6. Đồng thời, bệnh nhân, người mắc cúm và người tiếp xúc đã được di chuyển ra khỏi khu vực nhưng đến chiều 3.6, tổng số ca nhiễm tại bệnh viện này đã vượt lên con số 28 ca. Trong 28 ca này, có 8 nhân viên của Khoa Nội soi và 20 bệnh nhân.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, công tác phòng chống được chủ động tốt hơn. Cụ thể, ngay khi ổ dịch xảy ra, ban chỉ đạo và các tổ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện đã được thành lập. Đường dây nóng về dịch cúm do chính TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, phụ trách. Theo đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức phân loại ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám tại bệnh viện. Trong quá trình khám, nếu nghi ngờ ca bệnh truyền nhiễm cúm, bệnh viện sẽ bố trí người hướng dẫn hoặc trợ giúp đưa người bệnh đến phòng cách ly (tại Khoa Cấp cứu).

Sau đó, bệnh viện sẽ mời hội chẩn Khoa Bệnh Nhiệt đới và các chuyên khoa liên quan, lấy mẫu xét nghiệm tại chỗ, chuyển bệnh nhân theo quy trình tiếp nhận bệnh nhân nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm cúm. (Nông thôn ngày nay, trang 1)

 

Việt Nam lần đầu cắt thận người cho sống bằng kỹ thuật robot

Các bác sĩ BV Chợ Rẫy cho biết vừa áp dụng kỹ thuật robot để mổ lấy hai quả thận từ hai người cho sống sau đó ghép bằng cách mổ hở thông thường cho hai bệnh nhân suy thận mạn tính. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lấy thận bằng kỹ thuật robot và cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á lấy thận ghép bằng kỹ thuật này.

PGS.TS Thái Minh Sâm, Trưởng khoa Tiết Niệu, BV Chợ Rẫy cho biết, người đầu tiên được lấy thận bằng kỹ thuật robot, sinh năm 1965. Quả thận của ông này sau đó được các bác sĩ mang đi ghép bằng phương pháp mổ hở thông thường cho bệnh nhân suy thận mạn tính sinh năm 1963 (anh họ của người hiến thận).

Trường hợp thứ hai được lấy thận bằng kỹ thuật robot là người đàn ông 50 tuổi. Quả thận sau đó được ghép bằng con gái ruột của người hiến vốn đang sống trong cảnh phải chạy thận nhân tạo.

Ca lấy thận thứ nhất được mổ ngày 16/5, thời gian lấy thận mất 4 giờ đồng hồ. Ca thứ hai mổ ngày 20/6 với thời gian lấy thận trong 3h45’. “Người hiến thận chỉ có 3 lỗ mổ nhỏ ở bụng và vết rạch nhỏ ở vùng bẹn để lấy thận. Cả hai ca đều mất rất ít máu, không cần truyền máu lúc mổ. Đặc biệt thời gian nằm viện chỉ trong 2 ngày, trong khi mổ mở, phải nằm khoảng từ 5 đến 7 ngày”, BS Sâm nói. Về phía người nhận thận, hiện chức năng quả thận sau ghép đã khỏe mạnh, chức năng thận hoàn toàn bình thường chỉ từ một đến hai ngày sau ghép.

Theo TS Sâm, phẫu thuật bằng robot đã có trên thế giới từ thập niên 80 của thế kỷ trước, tuy nhiên khi ấy kỹ thuật này vẫn còn thô sơ. Đến năm 2002, một số nước đã bắt đầu dùng kỹ thuật robot để nội soi ổ bụng lấy thận ghép cho người cho sống. Mỹ và châu Âu hiện đã áp dụng kỹ thuật này rộng rãi.

Tại Việt Nam, kỹ thuật mổ bằng robot có từ năm 2014. Riêng TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân là hai cơ sở y tế đầu tiên áp dụng kỹ thuật này, trong đó từ tháng 3/2017 đến nay, BV Chợ Rẫy đã có 68 ca được phẫu thuật bằng kỹ thuật robot với 27 trường hợp bệnh lý tiết niệu, tất cả các ca mổ đều thành công.

“Ưu điểm của mổ bằng robot chính là tính an toàn, thẩm mỹ, giảm mất máu, ít đau khi mổ, phục hồi nhanh, giảm thời gian nằm viện. Kỹ thuật cũng giúp bác sĩ điều khiển mổ ở các vùng sâu, vốn là những vị trí khó thực hiện bằng mổ nội soi thông thường. Ngoài ra, phẫu thuật bằng robot còn giúp các phẫu thuật viên nhìn thấy rõ các mạch máu, tư thế ngồi mổ thoải mái cũng giúp giảm áp lực cho người mổ chính”, BS Sâm nói.

Mang nhiều ưu điểm, tuy nhiên tại Việt Nam, hạn chế lớn nhất của kỹ thuật phẫu thuật bằng robot là chi phí cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Hiện mỗi ca lấy thận ghép có chi phí khoảng 100 triệu đồng, cao gấp hai lần so với lấy thận ghép bằng mổ nội soi thông thường. (Sức khỏe & Đời sống, trang 6)

 

Cảnh báo: nhiễm cúm mùa cũng có thể tử vong

Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng, hiện nay, các chủng cúm mùa lưu hành chủ yếu gồm cúm A(H1N1), cúm A(H3N2) và cúm B. Người mắc bệnh cúm mùa có thể diễn biến nặng hoặc tử vong nếu đang mắc các bệnh mạn tính khác như suy thận, đái tháo đường…

 Ca tử vong mới nhất do cúm A/H1N1 là bệnh nhân .T.V (46 tuổi, ở quận Bình Tân- TP Hồ Chí Minh). Ban đầu, bệnh nhân khởi phát bệnh với các biểu hiện như ho, sốt tự chữa trị tại nhà nhưng bệnh không thuyên giảm mà có biểu hiện nặng thêm. Ngày 22/6, người bệnh được chuyển đến Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng phải thở máy.

Các kết quả xét nghiệm xác định bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Dù được bệnh viện điều trị tích cực nhưng tình trạng bệnh không cải thiện. Sau khi gia đình xin đưa về, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Trước đó, ở BV Chợ Rẫy cũng đã có 1 bệnh nhân tử vong do viêm phổi nặng suy hô hấp, suy thận mạn giai đoạn cuối và nhiễm cúm A H1N1.

Tính từ đầu năm tới nay, đã có 3 người ở TP.HCM tử vong vì cúm A H1N1. Người đầu tiên tử vong là 1 nữ bệnh nhân 26 tuổi, ở quận Thủ Đức.

Dẫn thông tin từ  Tổ chức Y tế Thế giới về số liệu giám sát cúm mùa từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ từ 14/5 tới 27/5/2018, Cục Y tế dự phòng cho biết, trong hơn 67.928 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận 2.328 mẫu dương tính với cúm, trong đó có 69.4% (1616) là cúm A, còn lại là cúm B. Trong các týp cúm A chiếm phần lớn là phân týp cúm A(H1N1) với 75.1% (888), còn lại là cúm A(H3N2) chiếm 24.9% (295). (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

 

Cứu sống một bệnh nhi bị viêm màng não nguy kịch

Thông tin từ bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại đây vừa cứu thành công một trường hợp bệnh nhi bị viêm màng não mủ nguy kịch.

 Bé được 6 tháng tuổi (ngụ tại Đức Hoà, Long An) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, vùng đầu sưng to có triệu chứng đỏ da, nhưng qua thăm khám triệu chứng màng não lại không xác định được bệnh cảnh rõ ràng.

Mẹ của bé cho biết, trước khi nhập viện, bé bị sốt, ho phát ban toàn thân. Chị đưa con đến bác sĩ tư điều trị, được chẩn đoán bị nhiễm siêu vi, điều trị thuốc 3 ngày, bé hết sốt.

Nhưng triệu chứng sốt lại tái diễn 2 hôm sau, phát ban toàn thân nhiều, tiếp tục điều trị phòng mạch tư đến ngày thứ 10 thì thấy thóp trên đỉnh đầu bé căng phồng, đầu sưng to ra, quá sợ hãi bà mẹ đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng TP khám.

Tại BV Nhi Đồng TP, các bác sĩ siêu âm và chụp CT, phát hiện có tụ mủ dưới màng cứng 2 bán cầu não. Các bác sĩ hội chẩn ê kip Ngoại Thần Kinh và quyết định mổ khẩn tháo rửa và dẫn lưu mủ 2 bên bán cầu cho bé.

Sau phẫu thuật ổn định, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực BV Nhi Đồng TP tiếp tục tiến hành chọc dịch màng não tủy, kết quả dịch não tủy của trẻ đã như nước dừa non, protein tăng cao 3-4 lần ở trẻ bình thường, bạch cầu lấp đầy dịch não tủy...

Đây là một ca bệnh cực kì nguy cấp theo nhận định của các bác sĩ. Bé đã được sử dụng kháng sinh đặc biệt có thể thấm vào màng não với liều cao hơn so với bình thường, truyền tĩnh mạch dài ngày,...

Sau gần một tuần điều trị, được dẫn lưu mủ, vết mổ của bé hoàn toàn ổn định. Bé tỉnh táo, nhận biết được cha mẹ, tay chân hoạt động lại được.Tuy nhiên vẫn phải chuyển Khoa Nhiễm điều trị và theo dõi.

BS Nguyễn Cát Phương Vũ, BV Nhi Đồng TP HCM cho biết, để phát hiện trẻ mắc viêm màng não, đặc biệt ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi…

Biểu hiện này rất khó phân biệt với bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát sao và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định hoặc cho trẻ uống các loại thuốc lá theo mách bảo hoặc chậm trễ đưa trẻ đến bệnh viện có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ và làm tăng nguy cơ để lại nhiều di chứng thần kinh do điều trị muộn. (Công an Nhân dân, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang