Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/7/2016

  • |
T5g.org.vn - Phạt Coca-Cola Việt Nam 433 triệu đồng do vi phạm an toàn thực phẩm; Giá thuốc điều trị viêm gan C quá cao; Hà Nội: Phát hiện 51 phòng khám vi phạm, tước chứng chỉ hành nghề 4 bác sĩ

Phạt Coca-Cola Việt Nam 433 triệu đồng do vi phạm an toàn thực phẩm

Ngày 28-7, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Công ty Coca - Cola Việt Nam) với tổng số tiền phạt 433 triệu đồng do vi phạm an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Nhiên- Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Công ty Coca - Cola Việt Nam bị xử phạt do có các hành vi vi phạm bao gồm: Sản xuất thực phẩm bổ sung không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại 3 địa chỉ: Công ty TNHH NGK Coca-Cola Việt Nam (ở số 485 đường Hà Nội, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM), Chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Hà Nội (ở Quốc Lộ 1A, Km 17, Quốc Lộ 1A, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) và Chi nhánh Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tại Đà Nẵng (ở Quốc Lộ 1A, phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Sản xuất và bán một lô sản phẩm thực phẩm bổ sung Nước tăng lực Samurai hương dâu; NSX: 24/05/2016; HSD: 24/05/2017; Lot: A1 N; Chai thủy tinh 240ml có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng về hàm lượng Vitamin B9 (Acid Folic). Tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã bán không thu hồi được là 233.792.000 đồng.

Cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền nêu trên, Thanh tra Bộ Y tế cũng yêu cầu Công ty Coca - Cola Việt Nam thu hồi tối đa lô sản phẩm thực phẩm bổ sung Nước tăng lực Samurai hương dâu; NSX: 24/05/2016; HSD: 24/05/2017; Lot: A1 N; Chai thủy tinh 240ml có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng để xử lý theo quy định, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc việc khắc phục.

Được biết, từ ngày 21-6, đoàn thanh tra của Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra về an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam. Qua đó, đoàn thanh tra đã phát hiện một số vi phạm về an toàn thực phẩm tại doanh nghiệp này.

QUỐC LẬP

Sài gòn giải phóng (trang 7), Tuổi trẻ (trang 2), Công an nhân dân (trang 1), Thanh niên (trang 2), Sức khỏe đời sống

Giá thuốc điều trị viêm gan C quá cao

Đây là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại hội nghị Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống viêm gan (28-7), diễn ra ngày 28-7. Theo Bộ Y tế, hiện tỷ lệ nhiễm viêm gan, trong đó có viêm gan C (VGC) ở nước ta rất cao.

Ước tính, khoảng hơn 1 triệu người Việt Nam đang nhiễm virus VGC, gấp 4 đến 5 lần số người hiện mắc HIV trên cả nước và còn có nguy cơ tăng cao hơn nữa bởi khả năng lây nhiễm qua đường máu của virus VGC cao hơn nhiều lần so với virus HIV. Điều lo ngại là VGC ít có triệu chứng biểu hiện ra ngoài cho đến khi tiến triển thành xơ gan hay ung thư gan nên việc chẩn đoán VGC chỉ có thể bằng xét nghiệm.

Đáng chú ý, Bộ Y tế cho biết, hiện nay VGC đã có thể chữa khỏi được. Dù vậy, các thuốc điều trị VGC hiện nay như Peg-interferon đã đươc bảo hiểm y tế chi trả một phần (khoảng 30%) nhưng giá thành còn rất cao, khiến cho nhiều người nhiễm VGC chưa được tiếp cận với điều trị. Mặt khác, các thuốc này có hiệu quả điều trị thấp, phụ thuộc vào các kiểu gien khác nhau, thời gian điều trị kéo dài và có nhiều độc tính.

Từ năm 2015, một số thuốc kháng virus trực tiếp đã có mặt tại Việt Nam song việc tiếp cận điều trị VGC bằng các thuốc này cũng còn rất hạn chế do thuốc chưa được đăng ký, chưa có trong danh mục thuốc được BHYT chi trả, giá thành còn quá cao so với một số quốc gia khác trong khu vực và vượt quá khả năng chi trả của người bệnh.

 

Duy Tiến

 

An ninh thủ đô (trang 2)

 

Hà Nội: Phát hiện 51 phòng khám vi phạm, tước chứng chỉ hành nghề 4 bác sĩ

 

Ngày 28-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, Thanh tra Sở Y tế đã tiến hành kiểm tra tại 19 lượt cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, qua đó phát hiện nhiều cơ sở vi phạm.

Cụ thể, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định đình chỉ hoạt động 2 cơ sở phòng khám tư nhân, tước quyền chứng chỉ hành nghề thời hạn 9 tháng với 3 bác sĩ (đều là bác sĩ người Trung Quốc hành nghề ở các phòng khám tư), phạt tiền 15 cơ sở vi phạm với tổng tiền phạt lên tới trên 430 triệu đồng.

Tính từ đầu năm đến ngày 25-7, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 89 lượt cơ sở khám, chữa bệnh, phạt tiền 51 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 1, 12 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 2 cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề thời hạn 9 tháng với 4 bác sĩ.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm, Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn cũng đã tiến hành kiểm tra 352 lượt cơ sở khám, chữa bệnh, phạt tiền 20 cơ sở với tổng số tiền trên 230 triệu đồng.

Về lĩnh vực kinh doanh, hành nghề dược trên địa bàn, trong tháng 7-2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 23 lượt cơ sở thì phát hiện tới 22 cơ sở có vi phạm, phạt tiền trên 345 triệu đồng, tước chứng chỉ hành nghề dược với 4 dược sĩ.

Còn tình chung 7 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 169 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng với 152 cơ sở vi phạm, tước chứng chỉ hành nghề thời hạn 2 tháng với 18 dược sĩ, đình chỉ hoạt động 26 cơ sở. Cùng đó, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra 893 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 300 triệu đồng với 60 cơ sở vi phạm.

Duy Tiến

 

An ninh thủ đô (trang 2), Hà nội mới (trang 1), Gia đình & xã hội (trang 16)

 

Sẽ tổ chức hội thi cán bộ y tế Truyền thông giỏi – Thanh lịch

 

Ngày 28-7, Sở Y tế Hà Nội triển khai công tác truyền thông – giáo dục sức khỏe 5 tháng cuối năm. Dự kiến, từ nay đến cuối năm Sở Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành, các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng truyền thông – giáo dục sức khỏe trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020”, củng cố mạng lưới TT GDSK, xây dựng và phổ biến các sản phẩm truyền thông theo hướng đa dạng, phù hợp với các nhóm đối tượng…

 

Hà nội mới (trang 2)

Tự chủ tài chính: Bệnh viện lo nợ, bệnh nhân lo bị “tận thu”

Tự chủ tài chính là chủ trương mà Bộ Y tế đang hướng tới, nhằm trao quyền cho các bệnh viện (BV) để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, nếu BV vận hành theo kiểu “lời ăn lỗ chịu” thì bệnh nhân có thể trở thành đối tượng bị “tận thu”.

Khi bệnh viện là “con nợ”

Ngành y tế TP.HCM vừa có chủ trương đến năm 2017, hầu hết các BV công sẽ tự chủ tài chính, BV sẽ hoạt động như doanh nghiệp. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã chủ trương xây dựng mô hình tự chủ tài chính cho một số BV theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Y tế đang quản lý 42 BV, trong đó có 1 BV tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư (BV Đại học Y dược TP.HCM) và 13 BV tự bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.

Với cơ chế tự chủ, nhiều BV không trông chờ vào nguồn vốn nhà nước mà tự vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất. Hiện cả nước đã có khoảng 10 BV công lập tuyến cuối như: Việt Đức, Phụ sản T.Ư, Nội tiết T.Ư, Chợ Rẫy... đã vay vốn của ngân hàng với số tiền khoảng 1.500 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị. Cụ thể như BV Nội tiết T.Ư đã vay vốn ngân hàng tới 65% để xây thêm 1 toà nhà điều trị nội trú 9 tầng tại cơ sở 2 (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội). BV Việt Đức cũng vay gần 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng đầu tư vào toà nhà kỹ thuật cao 11 tầng. Toà nhà được đầu tư tới 22 phòng mổ hiện đại, trong đó có phòng mổ nội soi hiện đại nhất Việt Nam.

Cơ sở vật chất khang trang nhưng bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc BV Việt Đức cũng trăn trở về việc phải cân đo các khoản thu - chi. Theo bà Hường, tay nghề của bác sĩ, phòng mổ có tầm cỡ quốc tế, các chi phí vật tư, thuốc men giá “nhập khẩu” nhưng một ca ghép tạng nói riêng và phẫu thuật nói chung ở Việt Nam chỉ bằng 1/5, thậm chí thấp hơn vài chục lần so với thế giới. Bà Hường cho biết, việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị là để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Chỉ có tự chủ nguồn lực, tự đầu tư theo nhu cầu mới có điều kiện để phát triển các kỹ thuật y học hiện đại. Nếu chờ đợi ngân sách thì 5-7 năm, thậm chí cả chục năm nữa cũng khó “mơ”. Bà Hường cũng nhận định, năm 2015, chi phí vận hành BV là hơn 1.500 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ cấp 1% số tiền đó vào việc hỗ trợ trang thiết bị và đào tạo. “Thu cao thì bệnh nhân sợ chạy mất mà thu thấp thì không đủ bù chi, trả lương, trả nợ. Chúng tôi luôn phải cân nhắc để đảm bảo bệnh nhân được hưởng các dịch vụ điều trị tốt nhất với giá thành “Việt Nam” mà lại đủ chi để duy trì BV” – bà Hường cho biết.

PGS Trần Ngọc Lương – Giám đốc BV Nội tiết T.Ư cũng “đau đầu” vì mỗi tháng BV đang phải trả ngân hàng cả lãi lẫn gốc là 40 tỷ đồng, trong khi viện phí cũng mới chỉ tính được 4/7 yếu tố, chưa ngang giá thị trường.

Viện phí đã được điều chỉnh tăng 30% từ tháng 3.2016 (đưa thêm phụ cấp vào viện phí), đến cuối tháng 8.2016 mới dự tính đưa thêm lương vào viện phí. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các BV tự chủ, Bộ Y tế đã cho phép 9 BV tự chủ tài chính, trong đó có BV Nội tiết T.Ư và BV Việt Đức được tăng 50% (đưa cả phụ cấp và lương vào viện phí) ngay từ tháng 3.2016. Tuy nhiên, giá này vẫn chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành viện phí. Còn theo lộ trình tăng viện phí, đến năm 2020, viện phí sẽ tính đủ cả 7 yếu tố, tiến tới ngang giá thị trường. Theo một số lãnh đạo BV đã sớm tự chủ tài chính, khoảng thời gian chờ đợi này, BV sẽ phải gánh gồng, cân đong đo đếm các khoản thu chi với nỗi lo vỡ nợ, đóng cửa BV.

Người bệnh sợ bị “tận thu”

Theo ông Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tự chủ tài chính tiến tới cạnh tranh lành mạnh là xu hướng tất yếu. Ông Sơn cho biết, thời gian qua có sự gia tăng đột biến tỷ lệ khám bệnh ở các phòng khám, BV tư nhân, có nơi tăng tới 200-300% so với thời gian trước đây. Điều này cho thấy tính cạnh tranh khốc liệt và việc phải “lời ăn lỗ chịu” khiến các BV tư có nhiều cách thức để thu hút bệnh nhân. Nếu các BV công không thay đổi tư duy, không có cơ chế tài chính để tự chủ hành động thì rất dễ tụt hậu, dễ mất bệnh nhân, dễ “chết đói”. “Đơn giản vào BV tư người bệnh được đón tiếp niềm nở, được mời uống nước, được hướng dẫn chu đáo, được nhân viên đưa đến tận các phòng bệnh, tư vấn cặn kẽ, nhiệt tình, khi đi về thậm chí còn được tặng quà. Đương nhiên, bệnh nhân sẽ lựa chọn nơi dễ chịu, thoải mái hơn. Điều này các BV công cần học hỏi. Mấu chốt chính là thay đổi tư duy quản lý BV chứ không chỉ hô hào ký cam kết thay đổi thái độ. Nếu tư duy quản lý vẫn là của 1 ông giám đốc, là giáo sư, bác sĩ thì không thể quản trị BV như một doanh nghiệp, có sức cạnh tranh với thị trường” – ông Sơn phân tích.

Theo các chuyên gia y tế và lãnh đạo nhiều BV, tự chủ tài chính sẽ khiến các BV phải coi bệnh nhân là “nguồn sống” do đó sẽ phải thay đổi hẳn phong cách phục vụ, tự khắc coi khách hàng là thượng đế, làm “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tuy nhiên, mặt khác, không ít người lo lắng, BV sẽ tìm mọi cách để “tận thu” trên người bệnh. Theo BHXH Việt Nam, năm 2015, ngành BHXH đã thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ các cơ sở y tế do chi sai, chi vô lý, chi vô tội vạ do lạm dụng các kỹ thuật, dịch vụ. 6 tháng đầu năm 2016, qua kiểm tra một số tỉnh, BHXH cũng phát hiện và thu hồi hàng chục tỷ đồng từ việc lạm thu quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT).

Ông Sơn dẫn chứng, nhiều cơ sở y tế bệnh nhân cứ vào viện là “đè ra” xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X.quang. Thậm chí, có cơ sở y tế, chỉ định hàng nghìn siêu âm tim 4 màu dù bệnh nhân không có các dấu hiệu lâm sàng như tức ngực, khó thở. Kết quả, 80% không tìm ra bệnh tật gì ở tim. Giá thành siêu âm tim cũng không rẻ, từ 300.000-800.000 đồng/lượt. Tại một BV ở Phú Thọ, có nhiều bệnh nhân được chỉ định tới 10-12 xét nghiệm (khám toàn thân), dù nhập viện vì đau ốm 1-2 bộ phận. Có nơi bỏ máy chụp cắt lớp 32 dãy để đầu tư lên 64 dãy và chỉ định cho bệnh nhân sử dụng dịch vụ này với giá cao cho dù bệnh chưa đến mức phải dùng đến... “Lạm dụng BHYT không mới, nhưng ngày càng tinh vi khiến các cán bộ BHXH phải kiểm tra, đối chiếu, tranh luận rất nhiều mới có thể chỉ ra các sai phạm và thu hồi hoặc dừng thanh toán BHYT” – ông Sơn cho biết.

GS Phạm Mạnh Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định, xu thế tăng đầu tư bằng vốn xã hội hoá, tiến tới tự chủ tài chính các BV công có nguy cơ dẫn đến việc các BV bị “tiền tệ hoá”. Cụ thể, các BV có thể vì lợi nhuận mà coi bệnh nhân là đối tượng để tăng thu, lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng kỹ thuật cao, đắt tiền, lạm dụng kê đơn nhiều thuốc và thuốc đắt… “Cho dù giao quyền tự chủ tài chính cho các BV nhưng Nhà nước vẫn phải có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ để các BV không lạm quyền, bác sĩ chạy theo lợi ích. Nếu thế thì ai sẽ công tác ở vùng sâu vùng xa, người nghèo sẽ khám chữa bệnh như thế nào… “ – GS Hùng chất vấn.

Hà nội mới (trang 2)

Cháu bé mang thai hộ đầu tiên chào đời tại Bệnh viện Trung ương Huế

Sáng nay 28-7, tại Khoa Phụ sản thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, bé gái từ ca mang thai hộ đầu tiên chào đời.

Bé nặng 3,5kg đã đem lại niềm hạnh phúc cho vợ chồng anh Lê Thanh Ân và Nguyễn Thị Thuần, trú ở tại phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. GS.TS. Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đây là một mang thai hộ được Bệnh viện thực hiện thành công trong tổng số trên mười trường hợp mang thai hộ mà bệnh viện đã tiếp nhận. Vợ chồng anh Ân, chị Thuần lập gia đình từ năm 2008, vợ bị u xơ tử cung và có biến chứng nặng phải cắt tử cung nên không thể tự mang thai.

Hiện Bệnh viện Trung ương Huế là một trong ba bệnh viện trên cả nước được Bộ Y tế cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. 

        VĂN THẮNG

Sài gòn giải phóng (trang 2), Công an nhân dân (trang 2), Nhân dân (trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang