Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/7/2022

  • |
T5g.org.vn - Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc điều trị cúm A; Hiện hữu nguy cơ dịch chồng dịch; Tăng cường thanh tra về an toàn thực phẩm sau dịch bệnh; Hà Nội: 6 tháng điều trị 32.197 người bệnh Covid-19; Tây Ninh thiếu nhiều loại thuốc điều trị; Đề nghị làm rõ, xử lý vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc điều trị cúm A

Ngày 28-7, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; các bệnh viện/ viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.

Theo Cục Quản lý Dược, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành ghi nhận số ca cúm mùa gia tăng, trong đó tỷ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước. Như ANTĐ đã đưa tin, do tâm lý lo sợ nên không ít người dân có nhu cầu mua tích trữ thuốc đặc trị cúm A như Tamiflu về dự phòng. Giá kit xét nghiệm cúm A và thuốc điều trị cúm A gần đây cũng có tình trạng tăng giá đột biến, thậm chí nhảy múa từng ngày.

Trước thực trạng đó, để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành vào cuộc quyết liệt hơn.

Cụ thể, cần chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân;

Cùng đó, chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bản thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.

Cục Quản lý dược cũng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.

Đối với các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh và thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc (An ninh thủ đô, trang 6; Lao động, trang 3; Tiền phong, trang 2).

 

Hiện hữu nguy cơ dịch chồng dịch

Trong khi nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập, COVID-19 có thể bùng phát trở lại, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A... có chiều hướng gia tăng những ngày gần đây.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đang kích hoạt hàng loạt biện pháp ứng phó bệnh đậu mùa khỉ. Cùng với việc tăng cường giám sát tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế chú ý các dấu hiệu lâm sàng để phát hiện và cách li kịp thời ca bệnh. Theo ông Lân, Bộ Y tế đang xây dựng các kịch bản để khi có ca bệnh thì không bị động. Việt Nam đã kích hoạt Trung tâm Đáp ứng dịch khẩn cấp và hằng tuần sẽ họp để thu thập thông tin nhằm thảo luận, đánh giá các nguy cơ và có biện pháp ứng phó.

Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại khi 3 ngày liên tiếp số ca mắc mới trong ngày luôn ở mức từ 1.400 đến gần 1.800, con số cao nhất trong vòng hơn 70 ngày trở lại đây. Cùng với đó, số ca bệnh nặng cũng gia tăng tại các cơ sở y tế. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 3 ngày qua tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch từ nhiều địa phương chuyển về. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở ô xy. Cũng chung tình trạng này là Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Tại đây, bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Phụ trách công tác chống dịch, cho biết vấn đề đáng lo ngại nhất ở thời điểm này là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch”. Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận bệnh nhân rất nguy kịch khi mắc đồng thời cả COVID-19 và sốt xuất huyết (SXH).

Sở Y tế Hà Nội thông tin, cùng với dịch COVID-19, dịch SXH đang lưu hành, hiện bệnh cúm ở thành phố đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 2.600 trường hợp mắc cúm, đặc biệt là số ca nhiễm cúm A tăng nhanh những tuần qua. “SXH và COVID-19 có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân mắc SXH đơn thuần sẽ thấy mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc COVID-19 thì triệu chứng sẽ nặng hơn, phải điều trị kéo dài”, TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương), nói.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 120.000 ca SXH với 40 ca tử vong. Mỗi tuần hiện có thêm hơn 10.000 ca SXH. Bộ Y tế cảnh báo số ca SXH sẽ tiếp tục gia tăng thời gian tới do mùa mưa còn kéo dài.

Các chuyên gia y tế nhận định, thời gian tới, cùng với số ca mắc COVID-19, SXH, bệnh cúm có xu hướng gia tăng. Với từng dịch, Bộ Y tế đã đề ra cách phòng tránh cụ thể và truyền thông để người dân bảo vệ mình, không chủ quan với bất cứ bệnh nào (Tiền phong, trang 14).

 

Tăng cường thanh tra về an toàn thực phẩm sau dịch bệnh

Chiều 28.7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành T.Ư về an toàn thực phẩm (ATTP).

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng yêu cầu siết lại công tác bảo đảm ATTP, cũng như nhiều chương trình phối hợp giữa các bộ, ngành và đoàn thể sau thời gian chững lại do dịch bệnh, đồng thời có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm ATTP, nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

Về nhiệm vụ cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế siết lại hệ thống thông tin ATTP đúng theo tinh thần của luật ATTP là “quản lý theo chiều dọc” để người dân nhận diện được các địa chỉ ATTP. Bộ Y tế được yêu cầu làm việc với 3 địa phương là Bắc Ninh, TP.HCM, Đà Nẵng để trình Thủ tướng phương án hoạt động tiếp theo sau khi hết thời gian thí điểm mô hình Ban quản lý ATTP tại 3 địa phương này. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra; nghiên cứu cơ chế huy động doanh nghiệp tham gia một số khâu, bước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ATTP. Trước việc nhiều vụ ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu xảy ra gần đây, xuất hiện chất gây nghiện trong thực phẩm chức năng, đồ uống, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế ngoài thanh tra, kiểm tra, cần tập trung nghiên cứu, có chỉ đạo sát, nhất là tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM (Thanh niên, trang 4).

 

Hà Nội: 6 tháng điều trị 32.197 người bệnh Covid-19

Theo Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng qua, các cơ sở y tế của thành phố đã điều trị 32.197 người bệnh Covid-19 các mức độ trung bình, nặng, nguy kịch, trong khi các dịch bệnh khác vẫn đang được kiểm soát…Sở Y tế Hà Nội cho biết, 6 tháng qua, tổng số lượt khám chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô là 3.298.920 lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022, tại các bệnh viện của thành phố điều trị 32.197 trường hợp người bệnh Covid-19 các mức độ trung bình, nặng, nguy kịch. Lũy tích từ đầu vụ dịch đến 30-6-2022, Hà Nội đã điều trị cho 1.607.208 trường hợp; tử vong 1.395 trường hợp (tỷ lệ 0,08%) thấp hơn so với mức trung bình của cả nước (0,4%). Từ ngày 19-4-2022 đến nay không ghi nhận tử vong do Covid-19.

Sở Y tế cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội hiện đang được kiểm soát tốt, toàn thành phố đã bước sang trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên, trong những tuần gần đây ghi nhận sự gia tăng trở lại số mắc bệnh và sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (có khả năng lây lan mạnh hơn so với chủng cũ), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh.

Đối với sốt xuất huyết Dengue, Hà Nội ghi nhận 254 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong; số mắc giảm so với cùng kỳ 2021 (295 trường hợp mắc, không ghi nhận tử vong). Hiện đã bước vào mùa dịch hằng năm nên trong thời gian tiếp theo dịch sẽ có diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, thành phố ghi nhận 1.028 trường hợp mắc tay chân miệng, không ghi nhận tử vong; số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (191 mắc/0 tử vong). Trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp bệnh nhưng ít nguy cơ gây dịch lớn...

TS. Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của ngành y tế Thủ đô là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, điều trị ngoại trú.

Cùng đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện lộ trình áp dụng chữ ký số, bệnh án điện tử tại các đơn vị trong ngành; tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành.

Đặc biệt, sẽ bổ sung trang thiết bị y tế; đảm bảo thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao trong hoạt động khám, chữa bệnh của người dân (An ninh thủ đô, trang 6).

 

Tây Ninh thiếu nhiều loại thuốc điều trị

Ngày 28.7, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Tây Ninh Đỗ Hồng Sơn cho biết hiện trên địa bàn tỉnh từ bệnh viện tuyến tỉnh cho đến các trạm y tế phường, xã tại nhiều nơi đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân.

Về nguyên nhân, theo ông Sơn, xuất phát từ đấu thầu thuốc chậm trễ. Danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia các đơn vị đề xuất nhu cầu từ tháng 12.2020 nhưng đến nay chưa có kết quả.

Theo ông Sơn, để không gián đoạn việc khám chữa bệnh và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, Sở đã chỉ đạo các cơ sở y tế công lập chủ động đấu thầu thuốc trong khi chờ kết quả mua sắm tập trung thuốc.

Hiện đã có 10 cơ sở y tế gửi tờ trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu để Sở Y tế thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước tình trạng này, ngày 24.6.2022 Sở Y tế tỉnh đã có văn bản báo cáo Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đồng thời báo cáo UBND tỉnh sớm tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động tổ chức đấu thầu mua thuốc (Thanh niên, trang 4).

 

 

Đề nghị làm rõ, xử lý vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Tối 28.7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM đề nghị phối hợp làm rõ, xử lý sự vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Theo công văn, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận được báo cáo nhanh của bệnh viện và Sở Y tế TP.HCM về vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ xảy ra lúc 21 giờ ngày 27.7 tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận thấy sự việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sĩ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác; đồng thời sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác.

Vì vậy, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế TP.HCM sớm tiến hành xác minh sự việc, báo cáo cụ thể về cục; phối hợp với Công an TP.HCM để điều tra, đề xuất hướng xử lý nghiêm đối với hành vi sai phạm. Sở Y tế TP.HCM động viên kịp thời đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.

Chiều 28.7, nguồn tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định xác nhận tại khoa Cấp cứu của bệnh viện này vừa xảy ra vụ việc người đàn ông xông vào bóp cổ, dọa giết bác sĩ.

Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vào khoảng 21 giờ ngày 27.7, một bé gái 10 tuổi, bị hóc xương cá được đưa đến khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi thăm khám, bác sĩ P.H.T đang trực cấp cứu, ghi nhận sinh hiệu bình thường, trẻ hoàn toàn không khó thở, có triệu chứng nuốt vướng và đau. Bác sĩ trực cho trẻ ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho bé.

Trong lúc cháu bé ngoan ngoãn ngồi yên thì đột nhiên, một người tự xưng là cha của bé gái đi vào khoa Cấp cứu la hét, không đồng ý chờ đợi, mặc dù bác sĩ trực giải thích nhưng người này không chấp nhận, muốn con được chuyển viện khẩn đến bệnh viện nào có làm nội soi ngay lập tức.

Trước tình hình này, bác sĩ trực đã cố gắng giải thích nhưng không trấn an được người này. Bất ngờ người này xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip, thậm chí lên tiếng dọa giết bác sĩ. Sau đó bảo vệ bệnh viện đã kịp thời có mặt, ngăn chặn hành vi hành hung bác sĩ.

Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo bệnh viện đã cho bác sĩ T. tạm nghỉ để ổn định lại tinh thần. Hiện vụ việc hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đang được xác minh, làm rõ (Thanh niên, trang 5).

 

Cần thực hiện nhanh việc hoàn phí xét nghiệm Covid-19 tại tỉnh Điện Biên

Sau hơn 6 tháng kể từ khi có chỉ đạo chính thức từ Sở Y tế tỉnh Điện Biên về việc hoàn trả phí xét nghiệm chẩn đoán nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (test nhanh Covid-19) cho người đã sử dụng dịch vụ này tại tỉnh Điện Biên, đến ngày 26/7, toàn tỉnh mới có một trường hợp làm thủ tục và đủ điều kiện nhận lại tiền.

Thu chênh cả trăm triệu đồng nhưng chậm khắc phục

Thông tin khái quát về việc thu chênh phí dịch vụ test nhanh Covid-19 tại địa phương, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên cho biết: Từ việc tự kiểm tra của y tế cơ sở và giám sát của ngành, ngày 19/11/2021, Sở Y tế ghi nhận toàn tỉnh có hai đơn vị, gồm: Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay đã thu chênh phí xét nghiệm so với hướng dẫn tại Văn bản số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021 của Bộ Y tế là 360.915.750 đồng, trong đó Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo thu chênh 253.210.500 đồng và Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay thu chênh 107.705.250 đồng.

Theo từng thời điểm, mức phí thu chênh với các trường hợp dao động từ 103 đến 138 nghìn đồng. Xét thấy việc thu chênh phí xét nghiệm tại hai đơn vị nêu trên hoàn toàn xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, sự cấp thiết chống dịch cho nên ngay khi có kết quả kiểm tra cụ thể, Sở Y tế đã báo cáo, xin ý kiến UBND tỉnh về việc hoàn trả phí thu chênh đến các tổ chức, cá nhân đã sử dụng dịch vụ này.

Ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo chia sẻ, thời điểm đó (từ ngày 24 đến 29/7/2021), việc thu phí xét nghiệm Covid-19 chỉ có duy nhất Văn bản số 5378/BYT-KHTC ngày 7/7/2021 của Bộ Y tế; đến ngày 10/8/2021 mới có Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên quy định mức giá tạm thời dịch vụ xét nghiệm (tự nguyện) Covid-19, do vậy Trung tâm thu phí chung là 238.000 đồng/test. Chung mức giá này, Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay tiếp tục thu đến hết ngày 2/8/2021.

Ngay sau khi được UBND tỉnh đồng ý với đề xuất hoàn phí xét nghiệm thu chênh đến các cá nhân, tổ chức đã sử dụng dịch vụ, ngày 11/1/2022, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên Phạm Giang Nam đã ký, ban hành văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay khẩn trương liên hệ với các cá nhân, tổ chức để hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định.

Ngay trong ngày 11/1/2022, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã có công văn về việc hoàn trả tiền chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm Covid-19, kèm danh sách 2.214 cá nhân đã sử dụng dịch vụ này từ ngày 24 đến 29/7/2021 được hoàn trả tiền; thời gian hoàn trả được thực hiện ngay từ ngày 11/1 đến hết ngày 11/2/2022.

Nhưng không hiểu do sơ suất của văn thư hay chủ ý của người ký, ban hành văn bản mà công văn của Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo bỏ trống phần “Kính gửi” song tiêu đề “Nơi nhận” lại ghi rất rõ ràng... “như kính gửi”. Điều này khiến người dân băn khoăn và đặt câu hỏi: “trung tâm có thật sự cầu thị, muốn hoàn trả hay chỉ là hành động làm cho có để sửa sai...?”.

Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay ra thông báo hoàn trả tiền chênh lệch dịch vụ xét nghiệm Covid-19 ngày 17/1/2022. Cùng với việc đăng tải Thông báo 12 trên trang Fanpage, đơn vị này cũng cho phát thông báo trên đài phát thanh-truyền hình thị xã Mường Lay. Tuy nhiên, đến cuối tháng 5/2022 Trung tâm này cũng chỉ mới hoàn trả tiền chênh đến... 1 cá nhân với số tiền hoàn theo quy định 138 nghìn đồng.

Làm việc với phóng viên vào chiều 26/7 chung quanh nội dung không hoàn trả được phí thu chênh đến các cá nhân đã sử dụng dịch vụ tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo, ông Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm thừa nhận: Không chỉ có khó khăn trong tìm kiếm thông tin, địa điểm, địa chỉ các cá nhân đã sử dụng dịch vụ; mà thời điểm Trung tâm thông báo hoàn trả trùng quãng thời gian chống dịch cam go, trùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và phần do Trung tâm chưa có kinh nghiệm làm việc này cho nên chưa hoàn trả được cá nhân nào; bên cạnh đó là điều kiện buộc cá nhân phải xuất trình “kết quả xét nghiệm chẩn đoán nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 do Trung tâm cấp tại thời điểm đó làm minh chứng khi đến nhận lại tiền tại Trung tâm y tế huyện” đã khiến nhiều người ngại làm thủ tục.

Sau khi thông báo, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều đề nghị của các cá nhân có tên, địa chỉ đúng danh sách Trung tâm lưu trữ với yêu cầu nhận lại tiền hoàn, nhưng vì họ không còn kết quả xét nghiệm nên Trung tâm không dám chi trả.

Cần sự hỗ trợ, chia sẻ của các ngành

Tiếp thu các phản ánh, kiến nghị đề nghị tạo thuận lợi để người dân nhận lại tiền xét nghiệm, ngày 26/7/2022, Sở Y tế tỉnh Điện Biên đã có chỉ đạo cụ thể đến Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo và Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay, với yêu cầu bỏ điều kiện xuất trình kết quả xét nghiệm đối với các cá nhân có tên trong danh sách hoàn tiền của hai trung tâm. Theo đó, kể từ ngày 26/7, khi cá nhân, tổ chức đến nhận lại tiền hoàn phí xét nghiệm tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo và Trung tâm Y tế thị xã Mường Lay, chỉ cần đem theo giấy tờ của cá nhân, tổ chức có đủ căn cứ chứng minh đúng đối tượng thì các trung tâm này tiến hành chi trả ngay.

Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo đã thành lập tổ thông tin hoàn phí xét nghiệm với ba thành viên thường xuyên liên hệ các địa phương có người đã làm thủ tục xét nghiệm tại Trung tâm, đề nghị cơ sở hỗ trợ thông tin đến người dân việc hoàn tiền. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo liên hệ Công an huyện Tuần Giáo đề nghị cung cấp dữ liệu điện thoại của nhân dân đã đi qua hai chốt kiểm soát dịch thuộc địa phận huyện Tuần Giáo, gồm: Pá Uôn, Pha Đin kể từ ngày 24/7 đến hết ngày 29/7/2021 để liên hệ hoàn tiền.

Cam kết sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm việc hoàn phí xét nghiệm thu chênh đến các cá nhân, tổ chức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên Phạm Giang Nam cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ các phòng, ban cấp huyện đã cùng ngành y tế làm nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 suốt thời gian qua trong việc hỗ trợ thông tin, địa chỉ cá nhân vào địa bàn.

Đồng thời mong muốn chính quyền các xã trong địa bàn tỉnh hỗ trợ ngành y tế thông tin đến nhân dân về việc hoàn phí xét nghiệm này, để người dân có thông tin, chủ động hợp tác giúp ngành hoàn thành trách nhiệm trong thời gian càng nhanh càng tốt. Với cán bộ, nhân viên y tế hai trung tâm y tế là Tuần Giáo và Mường Lay, ông Phạm Giang Nam đã yêu cầu phải cầu thị, lắng nghe và làm việc hết sức trách nhiệm khi hoàn trả tiền đến người dân (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang