Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/8/2016

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Giám sát an toàn thực phẩm tại nhiều quận, huyện; Giải độc quá đà, biến chứng ra bệnh khác; Bộ Y tế lo ngại dịch bệnh bùng phát do bỏ sót đối tượng tiêm chủng…

Hà Nội: Giám sát an toàn thực phẩm tại nhiều quận, huyện

Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Hà Nội vừa có kế hoạch trong tháng 9-2016, sẽ giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từ năm 2011 đến nay.

Đối tượng giám sát trực tiếp là các Sở Y tế, NN&PTNT, Công Thương, UBND một số quận, huyện: Hoàng Mai, Đông Anh, Quốc Oai, Thường Tín, Hoài Đức; khảo sát một số xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chợ, bếp ăn tập thể tại một số trường học, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...

Về việc trên, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở và UBND quận, huyện, thị xã liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo theo đề cương của Đoàn giám sát, bảo đảm các điều kiện cho Đoàn giám sát thực hiện kế hoạch giám sát trên địa bàn thành phố, báo cáo UBND TP đúng quy định.( An ninh thủ đô trang 2)

 

Giải độc quá đà, biến chứng ra bệnh khác

Thời gian gần đây, trào lưu sử dụng thực phẩm chức năng detox (giải độc cơ thể) đang được lan truyền trên mạng. Tuy nhiên, tới nay, chưa có nhà chuyên môn nào khẳng định hiệu quả của phương pháp này. Không những vậy, vừa qua, một số trường hợp đã phải nhập viện cấp cứu do lạm dụng quá mức…( An ninh thủ đô trang 8)

 

Bộ Y tế lo ngại dịch bệnh bùng phát do bỏ sót đối tượng tiêm chủng

Bộ Y tế vừa có Công văn khẩn số 6398/BYT-DP gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc quản lý đối tượng tiêm chủng và tăng cường phòng, chống bệnh trong tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, hiện tại một số vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn xuất hiện rải rác ổ dịch nhỏ (bạch hầu, ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản...) do bỏ sót đối tượng trong các đợt tiêm chủng. Do đó, để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã có nguy cơ bùng phát trở lại, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tổ chức rà soát đối tượng thuộc diện tiêm chủng, nắm rõ tiền sử tiêm chủng để thông báo cho đối tượng tham gia tiêm chủng đúng lịch, đủ liều. Mặt khác, thực hiện tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 90% ở quy mô xã, phường đối với các loại vắc xin cơ bản.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh không để bùng phát ổ dịch. Bộ lưu ý các tỉnh, hằng năm, lập kế hoạch cụ thể về tiêm chủng, bảo đảm đủ kinh phí cho công tác tiêm chủng, đặc biệt là kinh phí hỗ trợ cho cán bộ tiêm chủng, kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền lạnh, bảo quản, vận chuyển vắc xin và kinh phí truyền thông trong tiêm chủng.( Hà Nội mới trang 1, Tiền phong trang 6, Nông thôn ngày nay trang 5, Công an nhân dân trang 2, Gia đình & xã hội trang 6)

 

Hơn 1.500 đơn vị máu thu được từ Youth day 2016

Ngày 28/8, tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương diễn ra Ngày hội hiến máu - Youth Day 2016. Với slogan "Tôi tự hào - Tôi người Việt Nam", Youth Day 2016 quy tụ hơn 1.500 tình nguyện viên đến từ các trường ĐH, CĐ trên địa bàn Thủ đô, thực sự trở thành ngày hội kết nối giới trẻ. Đây là lần thứ 7, Ngày hội Youth Day được tổ chức ở Việt Nam với tổng lượng máu thu nhận được lên tới 11.500 đơn vị máu.( Công an nhân dân trang 1)

Thêm 3.500 liều vaccine dịch vụ Pentaxim

Vào 9 giờ sáng 30-8, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ tổ chức đăng ký trực tuyến tiêm chủng vaccine dịch vụ Pentaxim trên website www.ytdphanoi.gov.vn. Theo đó, đợt tiêm chủng vaccine dịch vụ lần này sẽ có 3.500 liều vaccine Pentaxim “5 trong 1” cho trẻ có ngày sinh trong khoảng từ ngày 30-8-2014 đến ngày 30-6-2016 (năm dương lịch) hoặc trẻ là những trẻ tính đến ngày 30-8-2016 đã đến lịch tiêm chủng nhưng chưa được tiêm.

Danh sách các trẻ đăng ký tiêm thành công sẽ được niêm yết công khai tại các địa chỉ website và trung tâm trong ngày 30-8. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh phải đưa trẻ đến tiêm chủng đúng ngày được hẹn. Trung tâm không tiêm vaccine Pentaxim vào ngày thứ bảy, chủ nhật. Nếu phụ huynh không đến đúng ngày, giờ được hẹn, kết quả đăng ký sẽ bị hủy bỏ.( Sài Gòn giải phóng trang 2)

 

Cảnh báo sốt rét ngoại lai

Theo Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, giám sát về sốt rét các tháng đầu năm nay đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong (tại TP.HCM) do sốt rét ngoại lai từ Angola về.

Trong số mắc sốt rét được giám sát, các trường hợp xác định ký sinh trùng sốt rét Angola chiếm 9,48% (220/2.319 ca); các ca nhiễm ký sinh trùng sốt rét Angola tập trung tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong các tháng đầu năm 2016, Đại sứ quán VN tại Angola đã ghi nhận 13 trường hợp người VN tử vong do sốt rét ác tính.

Ngoài ra, những trường hợp bệnh nhân không đến cơ sở y tế công, những trường hợp mắc, tử vong ngoài nước chưa được hệ thống phòng chống sốt rét ghi nhận và thống kê đầy đủ.

Năm 2015, thống kê của viện này cũng cho biết có 210 trường hợp được xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét từ châu Phi về VN.

Theo khuyến cáo của Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, người lao động VN sang làm việc tại Angola có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng sốt rét cao do chưa biết nhiều về tình hình dịch bệnh tại địa phương, thiếu hiểu biết về các biện pháp phòng chống sốt rét (ngủ màn, uống thuốc phòng khi đi vào vùng sốt rét lây truyền); không biết tìm kiếm dịch vụ y tế khi bị bệnh; không đủ kinh phí điều trị (2.000 - 5.000 USD/ngày điều trị tại cơ sở y tế tư nhân) và không biết mình bị bệnh sốt rét...( Thanh niên trang 4)

 

Cắt bỏ khối u cột sống nặng 4kg cho cụ ông bị liệt hai chân

Mang khối u cột sống từ bé và lớn dần theo thời gian khiến ông Giảng không thể nằm ngửa. Mới đây, trải qua ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, các bác sỹ đã cắt bỏ thành công khối u đó cho ông Giảng.

Ngày 27-8, ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình tỉnh Nghệ An, cho biết vừa qua bệnh viện đã phẫu thuật, cắt bỏ thành công khối u cột sống nặng 4 kg ở vùng cụt cho bệnh nhân Trần Văn Giảng (62 tuổi) trú xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.

Trước đó, vào ngày 18-8, ông Giảng được người nhà đưa vào bệnh viện trong tình trạng có một khối u rất lớn phía sau người khiến ông không thể nằm ngửa. Người nhà cho biết, từ khi sinh ra, ông Giảng đã có khối u nhỏ ở lưng và lớn dần theo thời gian.

Sau khi thăm khám, các bác sỹ xác định ông Giảng bị thoát vị màng tủy, có một khối u cột sống ở vùng cụt với kích thước chừng 30x25 cm. Trường hợp mang khối u như ông Giảng là rất hiếm gặp và nguy hiểm vì sức khỏe của bệnh nhân yếu.

Sau ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, các bác sĩ đã cắt thành công khối u lớn nặng 4kg ra khỏi người ông Giảng. Sau phẫu thuật sức khỏe ông Giảng đang bình phục dần, hai chân đã cử động được. Các bác sỹ cho biết, khoảng nửa tháng nữa ông Giảng có thể xuất viện.( An ninh thủ đô trang 8)

 

Kỹ thuật “ngủ đông” cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn

Lần đầu tiên các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) vừa cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn trước khi đến viện bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Bác sĩ Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn từ trước đó nên khi xe taxi chở bệnh nhân vừa đến bệnh viện, lập tức được ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, sốc điện phá rung, dùng thuốc xylocain. Sau 20 phút cấp cứu liên tục bệnh nhân đã có tuần hoàn trở lại và tiếp tục được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Kết quả điện tim, chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng, tắc hoàn lỗ vào động mạch vành trái do huyết khối. Các bác sĩ đã hút huyết khối và đặt 1 stent cho bệnh nhân. Can thiệp tái thông mạch vành thành công, bệnh nhân có cơ hội sống nhưng não của bệnh nhân có giữ được chức năng hay không thì chưa có câu trả lời. Vì sau 6 phút ngừng tuần hoàn, não có thể bị tổn thương không hồi phục. Đây là điều làm các bác sĩ hồi sức cấp cứu trăn trở.

Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã xin ý kiến hội chẩn của PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Trưởng khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai). PGS.TS Nguyễn Đạt Anh khuyên nên làm hạ thân nhiệt chỉ huy sớm để bảo vệ não cho bệnh nhân. Ngay sau đó một kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa Cấp cứu A9, cùng với máy đã được huy động sang hỗ trợ đặt máy và hướng dẫn theo dõi, sử dụng máy hạ thân nhiệt cho bệnh nhân. Nhiệt độ trung tâm của bệnh nhân được hạ xuống đến đích là 33 độ C (thân nhiệt bình thường là 37 độ C) với mục đích bảo vệ não bộ, tránh phù não, bảo vệ tế bào não tránh bị hủy hoại do bệnh nhân thiếu oxy do ngừng tuần hoàn.

Sau 8 ngày hồi sức tích cực bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, dừng thuốc nâng huyết áp, bỏ máy thở hỗ trợ, rút ống nội khí quản, sức khỏe ổn định, nói chuyện bình thường. Đặc biệt bệnh nhân không có bất cứ di chứng thần kinh nào.

Bác sĩ, TS.Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết, bị ngừng tuần hoàn trước khi đến viện do nhồi máu cơ tim và hồi phục hoàn toàn như trường hợp này là rất may mắn, khi thời gian ngừng tuần hoàn không xác định được. Thành công của ca cấp cứu là do sự phối hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản chất lượng cao của đội ngũ nhân viên tiếp cận ban đầu, cùng với sự nỗ lực của toàn bộ kíp cấp cứu, hồi sức tích cực và sự hợp tác chặt chẽ kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và đặc biệt là sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật hạ thân nhiệt từ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.Hoàng Bùi Hải cho biết thêm, hạ thân nhiệt là kỹ thuật được khuyến cáo dùng để bảo vệ não cho những bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bởi lúc này não thiếu oxy nuôi dưỡng dẫn đến bị phù, nếu như không có cách bảo vệ não tốt thì bệnh nhân nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu được cứu sống thì thường bị di chứng như sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật. Kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân “ngủ đông” để giảm quá trình chuyển hóa của não, giúp tế bào não chịu đựng được tốt hơn tình trạng thiếu oxy não.

Trong quá trình hạ thân nhiệt phải liên tục kiểm tra các thông số để phát hiện sớm các biến cố có thể xảy ra như: rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, rối loạn điện giải… Sau 24 giờ hạ thân nhiệt và duy trì ổn định thân nhiệt cho bệnh nhân. Tiếp đó là quá trình nâng thân nhiệt duy trì ở mức tăng 0,15độ/giờ, và không tăng quá nhanh vì có thể gây các biến chứng như bị rối loạn nhịp tim và ngừng tuần hoàn trở lại. Kỹ thuật này cũng được khuyến cáo có thể dùng cho các bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, phù não nặng nhằm giảm áp lực trong não.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt là gì?

Sau khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng vẫn không tỉnh. Tại khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), nơi đầu tiên trong cả nước ứng dụng kỹ thuật tiên tiến này, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch, với một thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, bác sĩ sẽ đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 - 37 độ). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.

( Tiền phong trang 6)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang