Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 29/9/2015

  • |
T5g.org.vn - 20% số người sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong; Cần có chiến lược cải thiện tầm vóc và thể trạng người Việt Nam; Thành lập mười đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết; Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại...

 20% số người sốt xuất huyết có thể diễn biến nặng, nguy cơ tử vong

Để tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH), CAND Online đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Văn Kính (NVK), Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương về dịch bệnh này.

+ Thưa ông, bệnh SXH có những triệu chứng giống với sốt thông thường, khó phân biệt. Ông có thể giúp cách nhận biết sớm về bệnh và người dân có nên điều trị tại nhà trong bối cảnh nhiều BV đang quá tải?

PGS.TS. NVK: Bệnh SXH có triệu chứng đặc thù như sốt cao liên tục từ 2- 7 ngày, nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Từ ngày thứ ba có thể xuất hiện các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết trên da, nặng hơn có thể xuất huyết nội tạng, sốc, xét nghiệm máu thấy tiểu cầu hạ. Bệnh thường khó phân biệt trong ba ngày đầu với sốt do các  căn nguyên khác, nên phải căn cứ thêm vào yếu tố dịch tễ học, hoặc xét nghiệm. Phần lớn các bệnh nhân bị nhẹ đều có thể theo dõi điều trị tại nhà, trừ khi có các dấu hiệu cảnh báo thì phải đến BV điều trị.

+ Trong quá trình điều trị SXH, người bệnh cần chú ý những gì, thưa ông?

PGS.TS. NVK: Trước hết, người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để thực hiện đúng quy trình điều trị mới mau khỏi. Nếu bệnh nhân điều trị tại nhà, phải chú ý uống đầy đủ nước Oresol, nước hoa quả, nước mía vv… Khi sốt cao có thể hạ nhiệt bằng chườm khăn ướt, hoặc uống paracetamol, nhưng không được uống thuốc hạ sốt Analgin, Aspirin, vì có thể chảy máu dữ dội, gây tử vong. Bệnh nhân cần ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi và đặc biệt, khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải đến BV ngay để điều trị, tránh tử vong.

+  Khi mắc SXH, người bệnh cần lưu ý gì về chế độ ăn uống cũng như làm thế nào để hạn chế lây truyền cho người khác?

PGS.TS. NVK:  Bệnh nhân bị SXH không phải kiêng gì về ăn uống. Bệnh không có miễn nhiễm khi có dịch, lại có muỗi truyền bệnh nên ai cũng có thể mắc và một người có thể mắc SXH nhiều lần. Các thói quen sinh hoạt hằng ngày có thể ảnh hưởng đến việc lây bệnh, như trong nhà luôn có các vật dụng chứa nước không được thải bỏ, đặc biệt là các dụng cụ chứa nước sạch là môi trường rất tốt cho muỗi vằn đẻ trứng, nở ra loăng quăng rồi phát triển thành muỗi, đốt người mắc bệnh và truyền cho người khác. Để phòng bệnh SXH trong khi chưa có vaccine thì cần xử lý các vật dụng chứa nước sạch để không còn chỗ cho muỗi đẻ trứng.

+ Nhiều người chủ quan khi cho rằng, SXH chỉ cần tự điều trị tại nhà là khỏi và các nhà chuyên môn đang nói quá về tình hình dịch?

PGS.TS. NVK:  SXH có các biểu hiện lâm sàng từ nhẹ tới nặng. Phần lớn các trường hợp ở thể nhẹ, nhưng có tới 20% trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc, hay có các dấu hiệu cảnh báo nặng, cần phải nhập viện điều trị như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn, hoặc tiêu chảy, đau tức vùng gan...

+ Ông có thể tư vấn để người dân nhận biết được người mắc SXH có những diễn biến tốt lên hay xấu đi để xử lý kịp thời?

PGS.TS. NVK:  Nếu bệnh nhân bị SXH sốt cao liên tục, li bì, xuất huyết nhiều nơi, nhất là xuất huyết nội tạng, đau tức vùng gan, nôn và buồn nôn nhiều thì cần phải đi BV gấp để điều trị. Những biến cố như sốc thường xuất hiện từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy của bệnh. Nếu bệnh nhân bị SXH có dấu hiệu như trên nhưng từ ngày thứ ba trở đi nhiệt độ hạ thấp dần, rồi hết sốt, chỉ có xuất huyết trên da nhẹ, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, ăn ngon miệng thì bệnh sẽ khỏi nhanh.

+ Những trường hợp tử vong do SXH vừa qua có phải do bệnh đã có biến đổi nguy hiểm không, thưa ông?

PGS.TS. NVK:  Cho đến nay virus Dengue gây nên SXH chưa biến đổi về gene, các bệnh cảnh lâm sàng vẫn giống như nhiều năm trước đây. Nhưng các bệnh nhân bị tử vong chủ yếu là do đến BV muộn, ở giai đoạn sốc không hồi phục. SXH nặng dẫn đến sốc, xuất huyết nội tạng, suy đa tạng gây tử vong.

+ Ông có thể cho biết, phụ nữ mang thai, hay những người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiếu đường không may bị SXH sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

PGS.TS. NVK:  Bệnh SXH không dẫn tới dị dạng thai nhi, nhưng phụ nữ mang thai bị SXH nặng, xuất huyết nội tạng thì có nguy cơ bị sẩy thai hoặc đẻ non. Còn những người bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiếu đường mà mắc SXH, bệnh sẽ diễn biến nặng hơn. Do vậy nếu bị sốt, nhất là đang ở trong vùng dịch, thì cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời, hạn chế tới mức thấp nhất các biến chứng.

+ Nhiều người cho biết, kinh nghiệm dân gian có thể điều trị SXH hiệu quả bằng uống nước lá cúc tần, cây nhọ nồi, mã đề… có đúng không?

PGS.TS. NVK:  Có thể kết hợp với đông y để trị các trường hợp SXH thể nhẹ với nguyên tắc là thanh nhiệt giải độc, nâng cao thể trạng, bồi phụ nước và điện giải, hạ nhiệt. Có nhiều bài thuốc mà Bộ Y tế đã ban hành như: Lá dâu 15g, bạc hà 12g, mật ong 20g, cúc hoa 12g, hoa mướp 20g. Các vị thuốc tán nhỏ hãm với nước sôi trong bình kín, trong 20 phút thì dùng được. Có thể uống nước này thay trà hằng ngày vv…

+ Với hàng chục nghìn người mắc SXH hiện nay là nguy cơ gây quá tải BV. Ngành y tế đã chuẩn bị cho các tình huống ứng phó với dịch SXH chưa, thưa ông?

PGS.TS. NVK: Dịch SXH diễn biến với nhiều mức độ và chỉ những ca nặng mới phải nhập viện, còn những ca nhẹ có thể điều trị tại nhà, nhưng phải theo dõi sát, khi có các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải nhập viện. Hiện nay các BV trên toàn quốc đều đã sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân nặng, chứ không chỉ ở những BV Trung ương.

+ Cám ơn ông!

(Công an Nhân dân trang 6)

 Cần có chiến lược cải thiện tầm vóc và thể trạng người Việt Nam

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng, với mục VIII- “Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”, thể hiện quan điểm mới về tư duy và sự chủ động của Nhà nước ta trong xử lý các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển.

Tôi hoàn toàn tán thành về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đã nêu trong Dự thảo, nhất là gắn kết chặt chẽ chính sách kinh tế với nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm để nhân dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của công cuộc đổi mới; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập cho người lao động; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, so với 35 năm trước, chiều cao của người Việt Nam đã được cải thiện 4 cm, tuy nhiên tốc độ tăng chiều cao vẫn chậm so với một số nước trong khu vực. Nhằm phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ của người Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011- 2030. Do đó, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “Có chiến lược nâng cao tầm vóc và thể trạng con người Việt Nam” vào trước cụm từ “Coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc” để thành câu: “Có chiến lược nâng cao tầm vóc và thể trạng con người Việt Nam, coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; xây dựng gia đình hạnh phúc”. (Nhân dân trang 3)

 Thành lập mười đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Ngày 28-9, Bộ Y tế ban hành Quyết định thành lập mười đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH), năm 2015, tại 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm: TP Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Long An, Tiền Giang, Đác Lắc và Gia Lai. Các đoàn có nhiệm vụ làm việc với UBND tỉnh, thành phố, sở y tế về triển khai các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong, công tác truyền thông, nhất là sự phối hợp liên ngành trong phòng, chống SXH tại địa phương...

Cùng ngày, Bộ Y tế có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về việc tăng cường phòng, chống bệnh SXH. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội tổ chức triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy thông qua các hoạt động vệ sinh môi trường. Chỉ đạo sở y tế, tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện các ổ dịch SXH mới phát sinh; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hóa chất xử lý triệt để khi phát hiện các ổ dịch.

Các đơn vị y tế thực hiện tốt việc phân loại, tư vấn, điều trị người bệnh tại các đơn vị y tế cơ sở và các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng chuyển tuyến muộn, nguy cơ tử vong cao... Bộ Y tế cũng đề nghị, thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch SXH tại điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới phòng, chống dịch... (Hà Nội mới, Sức khỏe & Đời sống, Nhân dân trang 5)

 Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại

 Nhằm chủ động phòng chống bệnh dại và kêu gọi cộng đồng cùng nhau hướng tới loại trừ bệnh dại, sáng 26-9, Sở Y tế Hà Nội phối hợp vơi UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức lễ mít tinh, diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9).
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2014 toàn thành phố ghi nhận 5 trường hợp tử vong do bệnh dại chủ yếu ở huyện ngoại thành. Từ đầu năm 2015 đến nay đã ghi nhận 1 trường hợp dại lên cơn tại La Phù, Hoài Đức. Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra, các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong hầu như là 100% (đối với cả người và động vật). Qua điều tra dịch tễ, các trường hợp tử vong bị chó cắn đều không được đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Để đẩy mạnh công tác phòng chống bệnh dại tại cộng đồng, TS. Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành y tế đã tập trung tư vấn, tuyên truyền kiến thức phòng chống bệnh dại đến người dân, tăng cường năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tại các điểm tiêm chủng đáp ứng nhu cầu của người dân khi bị phơi nhiễm đến tiêm và điều trị dự phòng bệnh dại; phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong việc giám sát, kiểm soát nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người, quản lý đàn vật nuôi, tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo… nhằm giảm thiểu mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong về bệnh dại trên người.
Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) ghi nhận sự nỗ lực của TP Hà Nội trong công tác phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, để loại trừ bệnh dại, ngành y tế cần phối hợp với thú y thường xuyên theo dõi tình hình bệnh dại trên gia súc nhất là những nơi có ổ dịch cũ để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại trên đàn gia súc nhằm hạn chế thấp nhất lây bệnh dại từ gia súc sang người; mỗi người dân, cần chủ động tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho cả người và động vật, bởi tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh dại…
Ngay sau lễ mít tinh, các lực lượng tham dự đã tham gia diễu hành, tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh dại trên các tuyến đường thuộc địa bàn huyện Thạch Thất. (Hà Nội mới, Lao động trang Hà Nội)

 Triệt tiêu khối u dị dạng mạch máu não trong 10 phút

Cuộc xạ phẫu diễn ra trong vòng 10 phút, khối u dị dạng bị tia X năng lượng cao bắn vào làm teo nhỏ lại và triệt tiêu mà không làm tổn thương đến các mô lành.

Ngày 28-9, Trung tâm ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca xạ phẫu định vị khối u dị dạng mạch máu não dạng hang cho một bệnh nhân nữ 38 tuổi.

Bác sĩ Phan Cảnh Duy (Trung tâm ung bướu) cho biết bà T.T.H.G. (trú xã Hướng Hiệp, Đăkrong, Quảng Trị) bị u dị dạng mạch máu não dạng hang, chèn dây thần kinh số 5, đau nửa mặt, đã điều trị thuốc ba năm nhưng bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng nặng.

Nếu không kịp thời điều trị, khối u này có nguy cơ bị vỡ, xuất huyết não gây yếu liệt nửa mặt, đau đầu, động kinh, dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Duy cho biết khối u dị dạng mạch máu não này không thể can thiệp bằng mổ hở; do đó qua hội chẩn và tham vấn chuyên gia Pháp, Trung tâm ung bướu quyết định xạ phẫu không xâm nhập bằng hệ thống Elekta Axesse.

Sau xạ phẫu, bệnh nhân trò chuyện, đi lại bình thường, không bị choáng.

Theo PGS.TS Phạm Như Hiệp - phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế (kiêm giám đốc Trung tâm ung bướu), ca xạ trị được tiến hành trên máy gia tốc Elekta Axesse thế hệ mới trị giá 120 tỉ đồng vừa được Chính phủ Cộng hòa Áo tài trợ. (Tuổi trẻ trang 14)

Xuất hiện thuốc Cephalexin 500mg giả

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế những thông tin về thuốc giả Cephalexin 500mg, SĐK (Reg No): YD-4682-08, do Công ty CPDP T.Ư Vidipha sản xuất.
Cục Quản lý Dược cho biết, trước đó Cục nhận được thông tin từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM báo cáo về việc phát hiện mẫu thuốc mang tên Cephalexin 500mg, trên nhãn có một số thông tin như sau: Viên nang Cephalexin 500mg, SĐK (Reg No): YD-4682-08, lô sản xuất (Batch no.) 07705124, ngày SX (Mid) 8/2014-, hạn SD (Exp) 8/2017, nơi sản xuất Công ty Cổ phần dược phẩm T.Ư Vidipha. Mẫu thuốc do Trung tâm kiểm nghiệm Trà Vinh lấy mẫu tại Đại lý thuốc Minh Ngọc, khóm 5, thị trấn Càng Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Mẫu thử nghiệm không cho phản ứng định tính hoạt chất Cephalexin. Cục Quản lý Dược khẳng định, kết quả này cho thấy đây là thuốc giả.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, y tế các ngành thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc không được buôn bán, sử dụng thuốc vi phạm nói trên.
Đối với Sở Y tế Trà Vinh, Cục Quản lý Dược yêu cầu phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra Đại lý thuốc Minh Ngọc cũng như các tổ chức cá nhân liên quan để truy tìm nguồn gốc xuất xứ của lô thuốc viên nang Cephalexin 500mg giả này, xử lý theo quy định. Đồng thời yêu cầu nhà thuốc Minh Ngọc khẩn trương thu hồi thuốc giả đã xuất bán và báo cáo đầy đủ, số lượng nhập, xuất, tồn kho đối với thuốc viên nang Cephalexin 500mg giả này. (Sức khỏe & Đời sống, Hà Nội mới, Tuổi trẻ trang 14)

 Trong bệnh viện công: Giảm giường yêu cầu, tách biệt khu xã hội hóa

Việc kết hợp công tư trong khám chữa bệnh cũng như các mô hình liên kết, xã hội hóa y tế hiện nay đang giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn song cũng khiến gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh lớn hơn. Để khắc phục và tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ rà soát lại các mô hình này trên nguyên tắc đặt người bệnh làm trung tâm.

Người bệnh vừa mừng, vừa lo
Bộ Y tế cho biết, từ năm 2008 đến nay, cả nước đã có 610/760 bệnh viện từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nhiều bệnh viện lớn đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực như: Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương TP.HCM, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…
Ngoài ra, việc liên doanh, liên kết giữa bệnh viện công với các đơn vị tư nhân cũng đã góp phần giúp các bệnh viện phát triển được nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến hơn. Mặc dù vậy, cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay  vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, việc xã hội hóa, kết hợp công tư trong khám chữa bệnh chưa đồng bộ, đặc biệt một số đơn vị chưa sử dụng hợp lý các trang thiết bị y tế được đầu tư từ nguồn xã hội hóa, liên doanh liên kết, dẫn đến tình trạng cung ứng dịch vụ quá mức cần thiết hoặc giá dịch vụ y tế bị đẩy cao.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, qua thống kê của cơ quan BHXH, đa phần các bệnh viện xã hội hóa tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (chiếm đến 80%), đây là các dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận lớn. 
Bên cạnh đó, tỷ lệ lắp đặt máy xã hội hóa đúng quy định của Bộ Y tế còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Minh Thảo, trong số gần 2.000 máy xã hội hóa tại các bệnh viện của cả nước hiện nay thì 38% không có đề án, với các máy cho thuê mượn cũng chiếm đến hơn 60% không có đề án. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng một số bệnh viện chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán quá mức ở các máy xã hội hóa.
Chẳng hạn tại tỉnh Quảng Ninh, gần đây cơ quan BHXH phát hiện bội chi quỹ bảo hiểm y tế khá nhiều. Qua kiểm tra, riêng Bệnh viện Uông Bí, Bãi Cháy chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40%... Hệ quả là dù người dân được hưởng dịch vụ chất lượng cao hơn nhưng gánh nặng từ xã hội hóa y tế mà người bệnh phải chịu cũng lớn hơn.
Phải đặt người bệnh làm trung tâm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn chế, giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư nâng cao chất lượng của hệ thống y tế được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả khả quan. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, vấn đề kết hợp công tư trong khám chữa bệnh, xã hội hóa hoạt động khám chữa bệnh dù theo mô hình nào cũng phải dựa trên nguyên tắc tự chủ, công khai minh bạch, tránh xung đột lợi ích, lợi ích nhóm, nhất là phải đặt bệnh nhân làm trung tâm.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên đề nghị, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế (hiện giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố cấu thành) vì chỉ có tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích các bệnh viện vay vốn để đầu tư, tạo bình đẳng giữa trong và ngoài công lập, đồng thời khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế.
Đặc biệt, mỗi bệnh viện công phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay, các hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu phải sử dụng vốn vay, vốn huy động cũng cần phải tách độc lập với khu vực khám chữa bệnh thông thường để tạo công bằng cho người bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện phải tính toán cụ thể xem các trang thiết bị nào thực sự cần vay vốn, liên kết để đạt hiệu quả cao nhất thì mới liên kết, còn nếu không cần thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn của bệnh viện để không dồn thêm gánh nặng lên  người bệnh. “Thậm chí Bộ Y tế cần có cơ chế cho những bệnh viện hàng đầu như Bạch Mai, Việt Đức, theo hướng bệnh viện có xã hội hóa thì dùng tiền quỹ bảo hiểm y tế mua lại thiết bị đã liên kết, để bệnh viện thu phí dịch vụ bằng giá bảo hiểm y tế. Có như thế thì người dân mới được hưởng lợi từ việc xã hội hóa” - ông Nguyễn Văn Tiên đề nghị. (An ninh Thủ đô trang 1)

 Cả nước đã có gần 40.000 người mắc sốt xuất huyết

Ngày 28-9, theo thống kê từ Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 24 trường hợp tử vong. 

Do số bệnh nhân mắc SXH gia tăng khiến nhiều bệnh viện bị quá tải. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), hiện trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân. Nếu như trong tháng 7 bệnh viện chỉ tiếp nhận 68 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8, con số này tăng lên 163 ca và từ đầu tháng 9 đến nay tăng lên 220 ca.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn các trường hợp mắc SXH ở thể nhẹ nhưng có 20% các trường hợp có thể diễn biến thành các thể nặng với các dấu hiệu tiền sốc, hoặc sốc. Do vậy, nếu bệnh nhân mắc SXH có các dấu hiệu cảnh báo nặng như: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, li bì, đau đầu nhiều, nôn hoặc buồn nôn,  tiêu chảy, đau tức vùng gan… thì cần phải sớm đi khám, nhập viện điều trị. (An ninh Thủ đô trang 2)

Cùng chu đề Báo Tiền phong trang 6 - “Sốt xuất huyết gấp đôi năm trước”

 Tạm ngừng sử dụng thuốc cản quang gây ngộ độc

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các sở y tế thông báo về việc tạm ngừng sử dụng thuốc Hadubaris; đồng thời yêu cầu Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hải Dương tạm dừng việc sản xuất và đưa ra phân phối sản phẩm thuốc này.

Công ty có trách nhiệm thông báo tạm ngừng phân phối, sử dụng thuốc Hadubaris đến các cơ sở phân phối, sử dụng và báo cáo về nguồn nguyên liệu Bari Sulphat sử dụng sản xuất thuốc Hadubaris. Theo báo cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trung tâm đã tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc Bari sau khi uống thuốc cản quang Hadubaris (chỉ định cho bệnh nhân chụp X-quang). Thuốc có số đăng ký VD-18438-13 do Công ty cổ phần dược vật tư y tế Hải Dương sản xuất. (Thanh niên trang 2)

 Đảm bảo nguồn lực trẻ trong ngành y tế

Ngày 28/9, tại Hà Nội, đoàn công tác Ủy ban Quốc gia (UBQG) về thanh niên Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Chủ nhiệm UBQG về thanh niên Việt Nam Nguyễn Duy Thăng làm trưởng đoàn, làm việc với Bộ Y tế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên 9 tháng đầu năm 2015.

Trong thời gian qua, Bộ Y tế phối hợp với các cấp bộ Đoàn tổ chức các hoạt động, chương trình vì cộng đồng như “Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”, chương trình “Tiếp sức người bệnh”, “Hành trình đỏ”. 

Cùng đó là triển khai các nội dung trong Chiến lược phát triển thanh niên về chăm sóc sức khỏe sinh sản, công tác kế hoạch hóa gia đình, giáo dục pháp luật... cũng như tiến hành đào tạo và xây dựng chương trình đào tạo cho bác sĩ trẻ tình nguyện thuộc Dự án thí điểm bác sĩ trẻ về vùng khó.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã tiếp thu, trao đổi một số ý kiến, đề xuất như: Cần có các nội dung ưu tiên về quyền và nghĩa vụ của thanh niên vào các luật chuyên ngành có liên quan; chú trọng đến dạy nghề, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao giáo dục lý tưởng trong thanh niên...

Đoàn công tác cũng đề nghị Bộ Y tế cần làm rõ tính đặc thù trong việc tuyển dụng, sử dụng và quy hoạch bác sĩ trẻ để đảm bảo nguồn lực chất lượng trong bộ, ngành y tế; quan tâm tới việc xây dựng, thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng dân số; bố trí nhân sự phụ trách công tác thanh niên trong ngành y tế ở các địa phương, đơn vị trực thuộc; cần có đánh giá chi tiết, cụ thể về kết quả, mục tiêu đối với các chương trình, dự án liên quan tới việc thực hiện chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên. (Tiền phong trang 7)

 Tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá

Truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá luôn là hoạt động quan trọng nhằm đưa đến mọi người dân các thông tin về tác hại của thuốc lá, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật về PCTHCTL, để mỗi người dân biết cách tự bảo vệ mình khỏi tác hại của thuốc lá.

Xác định được điều này, năm 2014-2015 sau khi đi vào hoạt động, Quỹ đã nỗ lực phối hợp với các tỉnh, thành phố tập trung vào việc tuyên truyền phổ biến Luật PCTHCTL và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đặc biệt là văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHCTL tới cộng đồng; truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc; lợi ích của việc thực thi môi trường không khói thuốc.

 Tại Trung ương: Năm 2014, riêng 11 đơn vị nhận hỗ trợ của Quỹ đã sản xuất và phát sóng 11 phóng sự, trên 400 lần TV spot về PCTH thuốc lá trên kênh truyền hình VTV Cần Thơ và VTC Đà Nẵng; phát sóng 18 thông điệp bằng chữ trong các chương trình thời sự VTV1. Ít nhất 4 thông điệp quảng cáo được phát sóng trên các Đài truyền hình. Tính đến 30/5/2015, Quỹ đã hỗ trợ cho 20 đơn vị bộ, ngành thực hiện các hoạt động truyền thông trên truyền hình (tối thiểu phát sóng 3 buổi tọa đàm, 7 chuyên mục khoa giáo, 12 lần các phóng sự và 62 lần các thông điệp về PCTHCTL trên các kênh truyền hình VTV1, O2 TV...), có hơn 300 bài báo mạng và 120 bài báo viết về tác hại của thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc, phổ biến nội dung Luật, cùng với việc cập nhật website www.vinacosh.gov.vn. Phát 5 video clip về tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc trên các bảng điện tử tại 40 tòa nhà, trung tâm thương mại tại Hà Nội, tổ chức treo 50 pano cỡ lớn vận động thực thi Luật trên các tuyến phố chính tại Hà Nội và TPHCM.

Tại các tỉnh, thành phố: Các chuyên mục phát thanh, tọa đàm, bản tin về PCTHCTL cũng được thực hiện liên tục hàng tháng trên Đài phát thanh tỉnh, thành phố, sản xuất 17 chương trình phát thanh, 6 chương trình khoa giáo trên đài phát thanh, 13 chương trình phát thanh ngắn, 59 chương trình phát thanh tuyến xã. Tổng cộng các tỉnh đã sản xuất 135.000 tờ rơi về tác hại của thuốc lá và Luật PCTHCTL, 3.500 áp phích, lắp đặt 7.130 biển báo cấm hút thuốc, 40 băng rôn khẩu hiệu tại địa điểm công cộng, 464 pano về thực thi Luật PCTHCTL đặt tại nơi công cộng và nơi làm việc, Trung tâm Y tế, trường học, bệnh viện, cơ quan công sở. Trên 5.000 cuốn sổ tay hướng dẫn cho cán bộ chủ chốt tại các tỉnh, thành phố và các đĩa DVD cơ sở dữ liệu truyền thông được phát cho toàn bộ Sở Y tế, Trung tâm truyền thông GDSK, Liên đoàn lao động 63 tỉnh, thành phố.

Quỹ đã chủ trì và phối hợp với các địa phương, bộ, ngành tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5. Sự kiện này thu hút hàng ngàn người tham gia, chủ trì của các lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội và Bộ ngành liên quan. Tháng 5/2015, Quỹ đã hỗ trợ tổ chức thành công Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Tính đến ngày 30/6/2015, đã có 28 đơn vị gửi báo cáo kết quả hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (gồm 9 bộ, ngành và 19 tỉnh, thành phố).

Bên cạnh việc tăng cường truyền thông, Quỹ cũng bồi dưỡng nâng cao năng lực cho mạng lưới CTV làm công tác PCTHCTL. Năm 2014, Quỹ đã phối hợp với 6 bộ, ngành, tổ chức xã hội và 11 tỉnh, thành phố để tổ chức 45 lớp tập huấn cho 2.345 người về lập kế hoạch, quản lý chương trình PCTHCTL và 9 hội thảo cho 332 lãnh đạo, cán bộ địa phương về triển khai Luật PCTHCTL, 15 lớp với 1.190 cán bộ tham gia về công tác theo dõi và giám sát việc thực hiện Luật PCTHCTL. 100% cán bộ đầu mối và quản lý chương trình PCTHCTL của 20 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố được tập huấn chuyên môn và hướng dẫn lập kế hoạch, báo cáo, quản lý tài chính theo qui định của Quỹ.

 Năm 2015, Quỹ đang tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều phối, giám sát chương trình PCTHCTL cho Cơ quan điều hành Quỹ, ít nhất 184 cán bộ đầu mối của mạng lưới các bộ, ngành, tổ chức xã hội và các tỉnh, thành phố. Quỹ cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động PCTHCTL hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực cho các cán bộ Việt Nam. (Tiền phong trang Sức khỏe - Đới sống)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang