Phát động chương trình “Sữa học đường - vì tầm vóc Việt”
Tối 28-9, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Tập đoàn TH tổ chức cầu truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh phát động chương trình “Sữa học đường - vì tầm vóc Việt”. Tới dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành trung ương và một số địa phương…
Lễ phát động nhằm triển khai Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020” với mục tiêu: Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hằng ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Quyết định cũng đưa ra những chỉ tiêu, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.
Phát biểu ý kiến tại lễ phát động, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao việc các bộ, ngành phát động chương trình “Sữa học đường - vì tầm vóc Việt”. Kết quả 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn còn một phần tư trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi; chiều cao trung bình của người Việt Nam thấp hơn so trung bình thế giới: khi nam giới thấp hơn 13 cm, nữ giới thấp hơn 10 cm. Để đất nước phát triển, nguồn lực con người quan trọng nhất, nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập thì phải đi lên bằng chất lượng tăng trưởng, trong đó có chất lượng con người. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam ra khỏi danh sách nước có người dân thấp còi. Vì mục tiêu đó, phải hành động từ ngày hôm nay với sự tham gia của toàn xã hội.
Nhân dịp này, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước đóng góp thiết thực cho chương trình “Sữa học đường - vì tầm vóc Việt” ngày càng hiệu quả.
Tại cầu truyền hình, ý tưởng bà mẹ xã hội được thể hiện qua Quỹ “Sữa học đường - vì tầm vóc Việt” chính thức được triển khai để tiếp nhận nguồn lực xã hội trong và ngoài nước đóng góp. Tập đoàn TH ủng hộ 25 triệu ly sữa, trị giá 200 tỷ đồng để triển khai chương trình trong 5 năm tới. Ngoài ra, một số đơn vị, nhà hảo tâm khác cũng ủng hộ Quỹ…
* Tối 28-9, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc chương trình Chợ công nghệ và thiết bị Hà Nội 2016 (Techmart Hanoi 2016) tại Bảo tàng Hà Nội. Tới dự, có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Chương trình thu hút hơn 400 viện nghiên cứu, các trường đại học, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp FDI… tham gia trưng bày, giới thiệu và chào bán hơn 1.500 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm và dịch vụ - sản phẩm khoa học công nghệ; đồng thời bao gồm các hoạt động như: các cuộc hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe; tư vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, đánh giá chất lượng...; ký kết các bản ghi nhớ, hợp đồng chuyển giao công nghệ, thiết bị... Chương trình diễn ra đến hết ngày 1-10. (* Nhân dân (trang 1))
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 14: “4 triệu hộp sữa cho học sinh mầm non, tiểu học”
Cấp cứu kịp thời một bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở
Sáng 28-7, BS Trần Văn Khánh, GĐ Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cho PV Báo Nhân Dân điện tử biết: Khoa Cấp cứu thuộc bệnh viện này đã cứu sống bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim rất nguy kịch, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở.
Trước đó, khoảng gần 10 giờ sáng 26-9, bệnh nhân Nguyễn Văn Hận, 45 tuổi, hộ khẩu tại xã Phong Tân, TX Giá Rai (Bạc Liêu) nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, ngưng tim, ngưng thở, cơ thể tím tái toàn thân, đe dọa tính mạng. Trước tiên lượng xấu, các bác sĩ tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu) triển khai nhanh phác đồ điều trị kịp thời, tích cực, hồi sức tim, phổi, sử dụng thuốc tiêu sợi huyết Alteplase và kèm theo những điều trị khác. Sau hơn 6 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân Nguyễn Văn Hận đã được cứu sống, sức khỏe dần ổn định.
“Do phương tiện của bệnh viện hiện còn có hạn, chúng tôi dã kịp thời chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) có điều kiện tốt hơn để chựa trị cho bệnh nhân…” - BS Trần Văn Khánh cho biết.
Theo người nhà bệnh nhân, sáng 26-9, anh Nguyễn Văn Hận trong lúc đang làm ruộng thì đột ngột đau ngực trái và sau đó ngất đi. Người nhà phát hiện kịp thời đưa vào Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu cấp cứu. Nếu không được sự nhiệt tình, trách nhiệm cao và trình độ chuyên môn tốt của các bác sĩ ở Khoa Cấp cứu bệnh viện, anh Hận khó có thể được cứu sống. (* Nhân dân (trang 5))
Sẽ tăng viện phí đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị đổi mới tổ chức bộ máy, công tác cán bộ và tài chính y tế, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28-9, tại Hà Nội.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đã đạt gần 80%; trong số hơn 20% chưa tham gia BHYT, hầu hết là người có mức sống trung bình và một số thuộc hộ cận nghèo…
Hiện nay, với người cận nghèo, ngân sách nhà nước mới hỗ trợ 70% số tiền mua thẻ BHYT; ngoài ra, một số tỉnh dành ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm 10-15% và đã có 20 tỉnh hỗ trợ 30% mức đóng còn lại. Bộ Y tế đã đề xuất nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với người cận nghèo từ 70% lên 90 - 100%, và từ 30% lên 50 - 70% đối với nhóm làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có thu nhập trung bình.
Được biết, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư điều chỉnh viện phí đối với người không có thẻ BHYT. Theo dự thảo, từ ngày 1-1-2017, viện phí của người không có BHYT sẽ tăng khoảng 30%, đến 1-7-2017 sẽ tăng 50% so với hiện nay. Mức giá này giống như giá viện phí đối với nhóm có BHYT nhưng người bệnh không có BHYT sẽ phải thanh toán 100%. (* Hà Nội mới (trang 1))
Gia tăng ca mắc bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi, béo phì
Theo Viện Tim mạch quốc gia, trung bình mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của 200 nghìn người. Đáng lưu ý, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi, người mắc chứng béo phì.
PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, người được cho là bị béo phì khi chỉ số BMI (chỉ số khối lượng cơ thể) vượt qua mức 30 đối với các nướcchâu Âu, hơn 25 với các nước châu Á nhưng riêng với người Việt, chỉ cần chỉ số BMI vượt quá mức 23 đã được coi là “có vấn đề”. Lý do là bởi người Việt ăn nhiều cơm và thịt hơn cá và rau nên sự tích tụ mỡ ở vòng eo cao hơn nhiều so với người ở nhiều nước khác. Khi vòng eo vượt qua mức 90cm đối với nam giới và hơn 80cm đối với nữ, đó là lúc có thể nghĩ về nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (* Hà Nội mới (trang 5))
Hạn chế sự mất cân bằng giới tính khi sinh
Ngày 28-9, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Dự thảo đề ra mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, ổn định cơ cấu dân số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,2%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên bình quân 0,1%/năm; tỷ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh ít nhất 75%; tỷ lệ giới tính khi sinh không vượt quá mức 115 trẻ trai/100 trẻ gái... Tại hội thảo, các đại biểu nhất trí cao với Dự thảo, đồng thời đóng góp ý để Nghị định được hoàn thiện hơn khi trình lên HĐND thành phố, cụ thể là cần đẩy mạnh các biện pháp để giảm mức mất cân bằng giới tính khi sinh, tích cực tuyên truyền nhằm xóa bỏ định kiến giới tính “trọng nam khinh nữ”, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị thực hiện công tác dân số... (* Hà Nội mới (trang 5))
BHYT chỉ thanh toán với chỉ định thuốc phù hợp hô sơ đăng ký
Chiều 27-9, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, các bệnh viện hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong thanh toán thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đối với trường hợp bác sĩ chỉ định thuốc điều trị cho bệnh nhân theo đúng hướng dẫn điều trị nhưng không có trong nội dung chỉ định của tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hộp thuốc. (* Pháp luật TPHCM (trang 5)
Sẽ tuyển giám đốc bệnh viện như tuyển CEO
Bệnh viện công sẽ đổi mới phương thức bổ nhiệm vị trí giám đốc Bệnh viện theo hướng thuê giám đốc Bệnh viện như một CEO.
Ngày 28.9, tại hội nghị toàn quốc về đổi mới công tác cán bộ và cơ chế tài chính y tế diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho biết bệnh viện (BV) công sẽ đổi mới phương thức bổ nhiệm vị trí giám đốc (BV) theo hướng thuê giám đốc BV như một CEO (giám đốc điều hành), không quá chú trọng chuyên môn mà quan trọng là năng lực quản lý điều hành, quản trị BV.
Bộ Y tế đang xây dựng, lấy ý kiến cho dự thảo nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập với việc đổi mới bộ máy quản lý đối với các cơ sở y tế tự chủ về tài chính.
Theo đó, cho phép BV thành lập hội đồng quản lý; tổng giám đốc và giám đốc điều hành hoặc giám đốc và các phó giám đốc và cho phép bổ nhiệm hoặc thuê giám đốc BV. Người được thuê làm giám đốc không là công chức, viên chức của đơn vị, hưởng lương theo hiệu quả hoạt động tại đơn vị.
Cũng tại hội nghị, Bộ Y tế cũng cho biết sẽ (lần đầu tiên) có quy định khống chế giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở y tế công lập và đưa ra các quy định chuẩn về khám chữa bệnh và cơ sở vật chất.
Theo đó, mỗi bác sĩ khám bệnh tối đa không quá 35 người bệnh/ngày làm việc; phòng điều trị tối đa không quá 4 giường bệnh và đảm bảo các yêu cầu về diện tích sàn/giường bệnh theo tiêu chuẩn xây dựng VN; kèm theo đó là đảm bảo nhân lực chăm sóc toàn diện và các thiết bị tối thiểu cho chăm sóc y tế và sinh hoạt. Mức giá giường nội trú từ 300.000 - 2,4 triệu đồng/ngày. Giá trần trong khám bệnh được áp dụng theo mức: tại Hà Nội và TP.HCM tối đa 200.000 đồng/lần; tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tối đa 150.000 đồng/lần khám và các tỉnh thành còn lại giá tối đa 100.000 đồng/lần khám. Thực tế tại một số BV lớn, giá khám này từng áp dụng 300.000 - 600.000 đồng/lần.
Ngoài ra, lần đầu tiên có quy định khống chế số lượng giường dịch vụ. Theo đó, BV chỉ được sử dụng một phần cơ sở hạ tầng để tổ chức khám, chữa bệnh theo yêu cầu sau khi đã đảm bảo mỗi bác sĩ khám không quá 50 người/ngày (với bệnh nhân khám thông thường và bảo hiểm y tế); đã đảm bảo bệnh nhân bảo hiểmy tế không còn nằm ghép. Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh chưa đáp ứng nhu cầu cho người bệnh bảo hiểm y tế, vẫn luôn có từ trên 10% số giường bệnh phải nằm ghép 2 bệnh nhân/giường bệnh thì đơn vị không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có. (* Thanh niên (trang 4))
Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ trang 4: “Bộ Y tế muốn bệnh viện thuê CEO điều hành”
Lò thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Ngày 28.9, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế TP.HCM chủ trì kiểm tra đột xuất Công ty TNHH thương mại sản xuất đông nam dược Hồng Vượng, chuyên về sản xuất thực phẩm chức năng.
Khi đoàn kiểm tra đến nơi, công ty đóng cửa. Sau đó bà Phan Thị Phương Hồng giới thiệu là đại diện công ty ra mở cửa, và cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình ngừng hoạt động để lắp ráp máy móc, mở rộng quy mô. Lầu 1 là khu vực sản xuất chính, có rất nhiều can nhựa đựng hương liệu rượu đặt ở nơi ẩm thấp, bụi bặm. Bà Hồng cho hay công ty đang ở thời kỳ chạy thử nên sản phẩm chưa được đưa ra thị trường. Còn nguyên liệu của công ty thu mua từ nông dân.
Khi đoàn kiểm tra yêu cầu mở cửa một căn phòng, bà Hồng viện lý do là phòng ngủ của công nhân; công nhân về nhà và mang chìa khóa phòng theo. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của đoàn kiểm tra, đại diện công ty buộc phải mở cửa căn phòng này. Trái với ý kiến của bà Hồng, căn phòng chính là nơi sản xuất, chế biến, đóng gói sản phẩm thực phẩm chức năng.
Dù bà Hồng biện minh chỉ mới sản xuất thí nghiệm, nhưng trên thực tế nhiều lô hàng đã được vào hộp ghi rõ ngày sản xuất, hạn sử dụng. Thậm chí có lô hàng ghi ngày sản xuất từ ngày 15.1.2015. Có cả bảng báo giá các sản phẩm, như: sản phẩm gout thiên hoàn (viêm xương, khớp), phụ thiên hoàn (u xơ tử cung) cùng giá 188.000 đồng/hộp 3 vỉ (mỗi vỉ 10 viên); tâm thiên hoàn (tim, mạch, huyết áp), đường thiên hoàn (tiểu đường) giá 168.000 đồng/hộp 3 vỉ (vỉ 10 viên); rượu Kodoha nữ sắc chai 500 ml giá hơn 2,4 triệu đồng, 300 ml giá hơn 1,4 triệu đồng; rượu Kodoha Hồng Vượng 3 chai 500 ml giá 2,78 triệu đồng, chai 300 ml giá hơn 1,6 triệu đồng…
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty TNHH thương mại sản xuất đông nam dược Hồng Vượng (gọi tắt là Công ty Hồng Vượng, ở số 1231/21C tỉnh lộ 13, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM) không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn mua nguyên liệu, thảo dược, chất hỗ trợ chế biến, bao bì chứa đựng sản phẩm. Khi đánh giá ngẫu nhiên 6 nhãn sản phẩm đều không phù hợp với công bố quy định an toàn thực phẩm.
Tất cả các sản phẩm, thành phẩm, nguyên liệu của công ty đều bị đoàn kiểm tra niêm phong để chờ xử lý. Công ty Hồng Vượng đăng ký kinh doanh lần đầu vào tháng 8.2004, thay đổi đăng ký lần thứ 10 vào tháng 3.2016, và có vốn điều lệ 188 tỉ đồng. (* Thanh niên (trang 5))