Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 1/10/2016

  • |
'Thần y' kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y; Chủ động phát hiện bệnh lao ngay tại cộng đồng; Ông Lê Quang Ninh tiếp tục làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM...

'Thần y' kỳ dị miền Tây: Quơ nhang, khấn vái chữa bệnh nan y

Ở thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) nhiều người không lạ với cái tên “thầy” Năm Ngởi (Lê Văn Ngởi, 54 tuổi) với cách chữa bệnh bằng…quơ nhang. “Bất kì bệnh nan y nào bác sĩ chào thua, đến đây tôi chữa trong vài ngày là khỏi hẳn”- ông Năm Ngởi nói chắc như đinh đóng cột.

Bệnh gì cũng quơ nhang, khấn vái

Trong vai là người bị đau khớp lâu ngày, chúng tôi tìm đến nhờ ông Năm Ngởi chữa trị. Đến nơi, thấy nhà vắng lặng, gọi mãi mới thấy một phụ nữ đứng tuổi- bà Năm Ngởi bước ra. Dò hỏi một lúc, thấy tin tưởng, bà mới gọi chồng ra. Sau khi nghe chúng tôi khai bệnh, “thầy” Năm Ngởi liền yêu cầu cởi áo ra để “khám”. Tay bắt thiên ấn và ấn mạnh vào khớp vai 2 - 3 lần, rồi ông lặng lẽ chạy ra trước sân hái mấy loại cây cỏ đem vào làm thuốc, gồm có củ ngải, củ huệ, rau dệu đỏ, lá sống đời, lá cây nổ, cỏ mần ri.

Để nắm cây cỏ trên bàn, ông Năm Ngởi lấy 6 cây nhang ra đốt. Cầm mớ nhang đang cháy, ông quay vào bàn thờ Tổ khấn vái lầm bầm trong vài phút rồi cắm 3 cây vào lư hương, phần còn lại ông dùng để chữa bệnh.

Bắc ghế giữa nhà, ông bảo tôi đến ngồi rồi phán: “Bệnh này không có gì đâu, do chú không thờ cúng cửu huyền nên người ta quở. Mấy vụ như thế này lại đây tôi trị hai ngày là khỏe liền”. Phán xong, ông cầm 3 cây nhang nghi ngút khói quơ qua quơ lại chỗ khớp vai mấy lần. Hai tay ông tiếp tục bắt thiên ấn và ấn mạnh vào hai bả vai, miệng đọc một tràng câu cầu khấn. Ông đọc không quá to nhưng đủ để chúng tôi nghe rõ: “Nam mô a di đà phật. Nay cung thỉnh Cửu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên, bảy đời, chín kiếp, nhiều đời nhiều kiếp trong nhà họ Nguyễn, ông độ mạng cũng họ Nguyễn. Thì thôi giờ cũng cung thỉnh mấy ông, mấy bà đây là con, cháu của mấy ông, mấy bà bị nhức cái vai này tốn tiền biết bao nhiêu không hết bệnh mới đến đây. Thôi mấy ông cũng từ bi, hỷ xả cho con cháu được bình an vô sự, tai qua nạn khỏi, không còn nhức nhối, không còn đau đớn. Các vị cũng từ bi cho xác này để giải thoát cho con cháu của các vị trong kiếp nhà họ Nguyễn. Nam mô a di đà phật!”…

Vừa dứt những câu cầu khấn bằng tiếng Việt, ông Năm Ngởi đọc tiếp một tràng thần chú bằng một thứ tiếng lạ  mà chúng tôi khó biết đó thuộc ngôn ngữ gì. Đọc được một lúc, ông lại ngừng để chuyển sang huýt sáo, rồi thổi phù phù, còn tay bắt ấn vuốt từ bả vai xuống cánh tay ba, bốn lần như muốn lùa cơn đau ra khỏi cơ thể người bệnh. Sau khi đọc thần chú xong ông liên tục hỏi: “Có thấy đỡ chút nào hay không?”. Tôi giả vờ trả lời: “Có đỡ một chút”. Ông tỏ ra đắc chí: “Chưa đâu, đó chỉ là bước đầu”.

Tiếp theo, ông Năm Ngởi quay sang bẻ một miếng ngải vừa hái lúc nãy bỏ vào ly có rót sẵn ít rượu trắng. Cầm miếng ngải nhúng rượu, ông vẽ những đường ngoằn ngoèo khó hiểu lên bả vai, rồi thoa đều, miết mạnh và dùng tay vỗ chan chát khiến da ở khu vực bả vai đỏ ửng, nóng rát. Sau đó, ông thổi tàn nhang vừa cháy vào vai rồi tiếp tục thoa và vỗ. Cứ như thế, việc chữa trị kéo dài gần 20 phút. Xong mọi việc, ông bảo chúng tôi cứ thoải mái vận động cánh tay xem còn đau chỗ nào không. Ông tiết lộ, bệnh gì ông cũng chữa trị theo cách thức này.

Chuyên đặt ống lươn, bắt cá

Kết thúc việc chữa trị, ông dặn chúng tôi mang các loại cây cỏ khi nãy ông hái về giã với rượu trắng và thoa lên chỗ đau một lần và hẹn 5 giờ chiều hôm sau quay lại ông trị cho lần nữa là khỏi hẳn. Rời chỗ chữa bệnh, chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị T. (55 tuổi, ở thị trấn Nàng Mau), người đã từng nhờ ông Năm Ngởi chữa trị. Bà T. cho biết: “Cách đây gần một năm, tôi bị trượt chân té trật khớp gối chạy chữa một tháng trời không hết, rồi tôi nghe người ta chỉ có ông thầy trị trật khớp hay lắm mà không tốn tiền nên tôi mới tìm đến thử xem sao. Lui tới trị cũng mấy lần thấy không thuyên giảm nên tôi không đến nữa”.

Chúng tôi đem gói cây cỏ do ông Năm Ngởi hái, đến gặp lương y Lê Văn Hồng (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để nhờ ông phân tích tác dụng của chúng.  Sau khi xem xét kỹ, lương y Hồng cho biết, các cây cỏ này đều là thuốc nam lành tính, ít độc. Củ ngải hay dùng để bó giảm đau, lá sống đời để cầm máu, mần ri trị tiểu đường, lá cây nổ trị thận suy, rau dệu đỏ chống viêm. Chỉ có củ ngải giã với rượu đắp ngoài da là có tác dụng giảm đau tạm thời, còn việc đắp chung các loại này trong 2 ngày hết đau thì ông chưa kiểm chứng được.

“Bệnh khớp lâu năm thì cần phải có một quá trình điều trị lâu dài mới có khả năng giảm bớt, còn một ngày một bữa thì không thể”-lương y Hồng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Ngọc Tôn - Bí thư Chi bộ ấp 5, đồng thời là người họ hàng với ông Năm Ngởi, khẳng định: “Gia đình ông Năm không có ruộng đất, hàng ngày ổng đi đặt ống lươn, bắt cá”. Khi được phóng viên cho xem đoạn video clip do phóng viên thực hiện, quay cảnh quá trình chữa bệnh của ông Năm Ngởi, ông Bí thư ấp 5 hết sức ngỡ ngàng và thốt lên: “Trước giờ tôi chỉ biết ông Năm bóp, nắn trị trật khớp tay, chân chứ đâu ngờ ổng lại trị bệnh bằng cách cúng vái, đọc thần chú như vậy!”. (* Tiền phong (trang 9))

Chủ động phát hiện bệnh lao ngay tại cộng đồng

Mặc dù còn nhiều khó khăn, năng lực chuyên môn, quản lý của một số cán bộ hạn chế; cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc còn nghèo nàn, xuống cấp…, nhưng Trung tâm Phòng chống Lao và Bệnh phổi Hà Đông đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung tâm Phòng chống Lao và Bệnh phổi Hà Đông là một đơn vị chuyên khoa, có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân lao và các bệnh phổi tại địa bàn khu vực phía Tây - Nam TP Hà Nội. Trung tâm cũng là đầu mối tổ chức, quản lý, điều hành chương trình chống lao và các chương trình về bệnh phổi của 14 quận, huyện, thị xã phía Tây - Nam Thủ đô, bao gồm 327 xã, phường, thị trấn. Để thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm được giao 40 biên chế, trong đó có 10 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học. Mạng lưới chống lao do Trung tâm phụ trách có 17 tổ chống lao ở 14 quận, huyện, 2 trại giam và 1 phòng khám ngay tại trung tâm; mỗi tổ có từ 3 đến 4 cán bộ phụ trách công tác chống lao. Ngoài ra, trên địa bàn 327 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ phụ trách công tác chống lao.

Thực hiện Kế hoạch số 159/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định 374/QĐ-TTg ngày 17-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và căn cứ vào nhiệm vụ được Giám đốc Sở Y tế Hà Nội giao, ngay từ đầu năm 2016, Trung tâm Phòng chống Lao và Bệnh phổi Hà Đông đã xây dựng kế hoạch triển khai nhiệm vụ, chỉ đạo các phòng chức năng và phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã bám sát chương trình mục tiêu. Đơn vị thường xuyên tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo và giao ban chuyên môn về chương trình, xét nghiệm với cán bộ mạng lưới của các địa phương để kịp thời nắm tình hình, đề ra phương hướng hoạt động cho tháng, quý sau. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho hơn 300 cán bộ mạng lưới chương trình chống lao và phối hợp với Bệnh viện Phổi trung ương, Chương trình chống lao quốc gia triển khai nhiều lớp tập huấn X-quang cho cán bộ tại các tuyến.

Trong 9 tháng qua, toàn mạng lưới của Trung tâm đã khám, phát hiện cho gần 30.000 lượt bệnh nhân (đạt gần 90% kế hoạch); thu nhận điều trị hơn 1.500 bệnh nhân (đạt hơn 80%), trong đó lao phổi AFB(+) là hơn 500 trường hợp. Trung tâm cũng đã xét nghiệm phát hiện cho 10.000 người nghi lao đến khám (đạt hơn 80%), có kết quả dương tính là hơn 300 người. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chủ động khám, chụp X-quang, làm xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh hô hấp mạn tính nói chung, bệnh nhân lao nói riêng tại cộng đồng để đưa vào quản lý và điều trị. Trong năm 2016, Trung tâm phấn đấu khám miễn phí cho khoảng 1.500 người từ 60 tuổi trở lên, những người nghi mắc bệnh mạn tính các lứa tuổi để phát hiện những người mắc bệnh lao đưa vào quản lý và điều trị, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Phòng chống Lao và Bệnh phổi Hà Đông Đỗ Như Chinh, bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu như người bệnh được phát hiện và điều trị theo đúng phác đồ. “Chúng tôi khuyến cáo những người có biểu hiện ho, sốt nhẹ về chiều kèm theo sút cân thì hãy đến bệnh viện, trung tâm y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi lẽ, chữa cho một người bị bệnh lao tức là đã góp phần phòng bệnh cho nhiều người khác và cho cộng đồng” - bác sĩ Đỗ Như Chinh nhấn mạnh. (* Tiền phong (trang 5))

Ông Lê Quang Ninh tiếp tục làm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM

Ngày 30-9, ĐH Đại biểu Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đã bầu ra BCH Hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Lê Quang Ninh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội.

Trước đó, ông Ninh đã giữ chức chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2016. Trong nhiệm kỳ qua, hoạt động Hội và phong trào Chữ thập đỏ thành phố đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố và các tỉnh vùng sâu vùng xa với nhiều chương trình nổi bật như:

Chương trình chăm lo “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” đã vận động trao tặng gần 32.000 suất quà; chương trình “Ngân hàng Bò” trao tặng trên 150 con bò giống cho các hộ gia đình khó khăn; trao tặng hơn 5.200 xe lăn, xe lắc; trợ giúp nhân đạo cho gần 58.000 cụ già; xây dựng trên 1.400 căn nhà tình thương; trao tặng trên 19.500 thẻ BHYT; Phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 55.000 người…

Hoạt động hiến máu nhân đạo đã tiếp nhận trên một triệu đơn vị máu, đảm bảo tỉ lệ máu sạch đạt chất lượng trên 95%.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ TP trao tặng bức trướng chúc mừng Hội cho ông Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM

Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Hội chữ thập đỏ đề ra tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo hướng đến cộng đồng và người nghèo, người dễ bị tổn thương trên địa bàn thành phố với các mục tiêu trọng tâm:

Thực hiện hiệu quả phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; chương trình “Trợ cấp học tập” chăm lo cho 150 học sinh thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo; xây dựng 70 công trình xã hội vì cộng đồng; phấn đấu hằng năm tăng 10% lượt người hiến máu tình nguyện so với năm trước. (* Pháp luật TP.HCM (trang 12))

Bộ Y tế tiếp nhận Bệnh viện Đa Khoa Thừa Thiên – Huế

Sáng 30-9, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức lễ bàn giao Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên – Huế đóng tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế sang cho Bộ Y tế quản lý theo Quyết định của Chính phủ vào ngày 12-8-2016.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên – Huế được xây dựng với kinh phí 776,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Bệnh viện được thiết kế theo chuẩn quốc tế, đồng bộ, gồm 500 giường bệnh và 35 khoa phòng chức năng cùng trang thiết bị hiện đại, chủ yếu nhập nguyên chiếc từ châu Âu và Hàn Quốc, đảm bảo cho khoảng 750 lượt người khám chữa bệnh mỗi ngày. Được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 nhưng bệnh viện này chỉ hoạt động với quy mô 200 giường bệnh nội trú do không có bệnh nhân. Giường bệnh và máy móc, thiết bị trị giá hàng trăm tỷ đồng đang bị lãng phí.

Sau 3 năm hoạt động, Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên – Huế chưa phát huy hết hiệu quả công suất thiết kế nên UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đề xuất và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ quyết định bàn giao sang Bộ Y tế quản lý.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa Thừa Thiên - Huế được chuyển giao nguyên trạng, bao gồm toàn bộ nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng, các quyền và nghĩa vụ tài chính cho Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm tổ chức lại Bệnh viện đa khoa Thừa Thiên - Huế trở thành cơ sở 2 của Bệnh viện Trung ương Huế, đảm bảo hoạt động có hiệu quả. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để duy trì hoạt động của cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế đến hết năm 2016.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Dung, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng để Bệnh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên – Huế trở thành cơ sở y tế chuyên sâu, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương và các tỉnh lận cận. Dịp này, lãnh đạo tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Bênh viện Trung ương Huế quản lý hoạt động Bênh viện đa khoa tỉnh Thừa Thiên – Huế đến hết năm 2016 và bố trí thêm quỹ đất mở rộng theo quy hoạch của Bệnh viện hạng đặc biệt, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm một trung tâm y tế chuyên sâu của miền Trung và cả nước. (* Nhân dân, Sài Gòn giải phóng (trang 2))

Loạn… chỉ định thuốc

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tiền thuốc chiếm hơn 50% chi phí khám chữa bệnh của người dân. Riêng trong năm 2015, số tiền chi cho thuốc đã hơn 30.000 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2016 đã xấp xỉ 18.000 tỷ đồng. Theo cơ quan BHXH, tình trạng lạm dụng thuốc quá lớn, ngay cả thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), là do việc chỉ định thuốc vô tội vạ.

Chỉ định cả thuốc không dành cho người

Qua giám định, BHXH TPHCM đã nhiều lần nhắc nhở các bệnh viện (BV) chú trọng đến việc kê toa, cấp phát thuốc cho người bệnh với mục tiêu hiệu quả, an toàn và phù hợp phác đồ điều trị. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM, không ít cơ sở y tế vẫn “thói nào tật ấy”, bác sĩ kê thuốc tràn lan, buộc cơ quan BHYT phải giám định lại, thậm chí tạm dừng thanh toán. “Hồi đầu năm 2016, BHXH TPHCM đã rút một số thuốc ra khỏi danh mục thanh toán BHYT vì không phù hợp”, bà Huyền cho biết. Trong số thuốc đó, theo bà Huyền, có thuốc bị chỉ định sai tràn lan ở các BV tuyến dưới và cả thuốc không dành cho người! Đơn cử như thuốc điều trị loãng xương với hoạt chất Alendronat natri + Cholecalciferol (trong đó có thuốc Aronatboston plus), được chỉ định khi BV đã làm cận lâm sàng chụp X-quang cho bệnh nhân và BHYT chỉ thanh toán thuốc này dạng uống khi điều trị tại khoa cơ xương khớp ở BV hạng 1 trở lên. Thế nhưng, có những BV tuyến quận, huyện không làm X-quang, không có khoa cơ xương khớp nhưng vẫn chỉ định cho bệnh nhân dùng!

Trước đó, BHXH TPHCM đã ngưng thanh toán BHYT đối với thuốc nhỏ mắt Gatifloxacin. Loại thuốc này bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thu hồi vì chứa hoạt chất thuộc danh mục nguyên liệu và thuốc thành phẩm cấm nhập khẩu để làm thuốc dùng cho người. Tại Việt Nam, thuốc nhỏ mắt chứa hoạt chất Gatifloxacin có tên thương mại là Zymar với hoạt chất Gatifloxacin có hàm lượng 3mg/ml. Điều đáng nói, trong một thời gian dài, các cơ sở y tế vẫn chỉ định dùng nhỏ mắt cho người bệnh từ năm 2013, khi thuốc này liên tục trúng thầu vào các BV công lập.

Từ giữa tháng 6-2016 vừa qua, hàng loạt loại thuốc cũng bị ngưng thanh toán BHYT với lý do chỉ định tràn lan hoặc có giá trúng thầu chưa phù hợp giá kê khai và kê khai lại. Lý giải về việc ngưng thanh toán thuốc đã trúng thầu, đại diện lãnh đạo BHXH TPHCM cho rằng do giá thuốc không đúng với giá kê khai và kê khai lại, hoặc chưa có giá kê khai theo quy định công bố của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế). Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, từ 11-6-2016, các mặt hàng thuốc chưa được Cục Quản lý dược công bố giá kê khai/kê khai lại sẽ tạm dừng thanh toán BHYT. Vì vậy, các BV đã “lỡ dùng” hoặc chỉ định dùng vô tội vạ sẽ… lãnh đủ!

 “Chết” với tiền thuốc!

Thông tư 40/2014 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT quy định: quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt. Vì vậy, những thuốc được sử dụng không có trong chỉ định có trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc kèm theo hộp thuốc sẽ không được BHYT thanh toán. Tuy nhiên, thực tế các bác sĩ vẫn cứ kê toa. Điều này được một số chuyên gia y tế lý giải là việc đấu thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay đang thực hiện theo tên hoạt chất. Thuốc được sử dụng trong các phác đồ của Bộ Y tế ban hành, hoặc Dược thư Quốc gia, hoặc các tài liệu y khoa, phác đồ của BV cũng được ghi theo tên hoạt chất.

Trong khi đó, thuốc thành phẩm của các công ty khác nhau mặc dù cùng một hoạt chất nhưng khi thực hiện đăng ký, được Cục Quản lý dược cấp phép với nhiều phạm vi chỉ định khác nhau, có trường hợp không trùng khớp với phác đồ hay Dược thư Quốc gia hoặc các tài liệu y khoa. Để giải quyết vướng mắc này, thống nhất trong thanh toán BHYT, hiện Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 40 và hướng dẫn giải quyết thanh toán theo hướng: Đối với thuốc đã sử dụng, cho phép thực hiện thanh toán trong trường hợp chỉ định thuốc phù hợp với chỉ định trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được cấp phép hoặc theo hướng dẫn của phác đồ điều trị của Bộ Y tế hoặc phác đồ điều trị của BV; đối với những thuốc chưa sử dụng vẫn thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 40, chỉ thanh toán với những chỉ định sử dụng phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được phê duyệt… Trong khi đó, đối với thuốc trúng thầu vô BV, BHXH Việt Nam cho biết chỉ thanh toán nếu giá trúng thầu đúng với giá kê khai hoặc kê khai lại còn hiệu lực vào thời điểm BV nhập thuốc, nhưng không được vượt giá khi lựa chọn trúng thầu. Nếu thuốc đã được BHYT thanh toán nhưng qua giám sát có giá cao hơn giá kê khai hoặc kê khai lại còn hiệu lực thì BHXH sẽ thu hồi tiền chênh lệch…

Theo BHXH Việt Nam, chi phí cho thuốc điều trị chiếm khoảng 50% tổng số tiền khám chữa bệnh được BHYT chi trả. Năm 2015, tổng chi phí tiền thuốc chiếm khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó một phần rất đáng kể là chi cho thuốc điều trị ung thư, nhất là những thuốc đắt tiền. Hiện tại, danh mục thuốc BHYT của Việt Nam có khoảng 1.000 hoạt chất tân dược. (* Sài Gòn giải phóng (trang 3)

Viêm gan - báo động đỏ!

Việt Nam có tỷ lệ người bị nhiễm virus viêm gan B cao thứ hai trên thế giới và viêm gan C đứng thứ ba thế giới. Trong khi đó, viêm gan B và viêm gan C lại rất dễ lây truyền và cũng là loại bệnh có ảnh hưởng nguy hại rất lớn đến sức khỏe.

Vẫn còn thờ ơ

Các phòng bệnh của Khoa Viêm gan - Bệnh viện (BV) Nhiệt đới trung ương luôn trong tình trạng chật kín người bệnh, với không ít trường hợp nhập viện điều trị muộn, khi mà bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm tới tính mạng. Sau gần 2 tuần điều trị nhưng bụng vẫn bị chướng, da và mắt vẫn bị vàng sậm, ông Lê Huy H. (54 tuổi, ở huyện Giao Thủy, Nam Định) mệt mỏi cho biết: “Tôi cũng thỉnh thoảng uống rượu nhưng quả thực không nghĩ mình lại bị viêm gan B. Chỉ khi cơ thể bỗng nhiên sút tới 4 - 5kg, người luôn mệt mỏi, chán ăn, vàng da, tôi mới tới BV khám, xét nghiệm, được các bác sĩ cho biết tôi đã bị mắc viêm gan B và đang trong giai đoạn chuyển sang xơ gan nên việc điều trị rất khó khăn”. Theo các bác sĩ, các trường hợp bệnh nhân bị viêm gan B hay viêm gan C không được phát hiện kịp thời và chỉ nhập viện điều trị khi bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm là khá phổ biến, bởi lẽ bệnh viêm gan thường có những tiến triển chậm, không điển hình, nên người mắc bệnh thường chủ quan.

Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, số người mang virus viêm gan B và viêm gan C ở nước ta chiếm tỷ lệ rất cao. Các kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 6% dân số và tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C khoảng 0,2% - 4%. Ông Đỗ Hữu Tuấn, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ước tính hiện nay cả nước có khoảng 8,7 triệu người nhiễm virus viêm gan B và khoảng 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Số trường hợp tử vong do viêm gan B ở nước ta là hơn 23.000 người và tử vong do virus viêm gan C là xấp xỉ 7.000 người trường hợp.

Rất dễ lây nhiễm

Viêm gan B và viêm gan C đang còn là căn bệnh rất dễ lây truyền trong cộng đồng. PGS-TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương, cảnh báo cả viêm gan B và C đều lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. So với virus viêm gan B thì virus viêm gan C lây truyền “thầm lặng” hơn, chậm hơn và ít biểu hiện hơn, nhưng lại gây ra những hậu quả rất nặng nề. Phần lớn người mắc viêm gan C mạn tính cũng không có triệu chứng gì và vẫn sống gần như bình thường, chỉ khi bị xơ gan hoặc ung thư gan mới thể hiện các triệu chứng.

Nguy hiểm hơn, hiện nay, bệnh viêm gan C còn ít được quan tâm trong cộng đồng so với viêm gan B và thế giới cũng chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C. Trong khi đó, hiện nay các loại thuốc điều trị viêm gan, đặc biệt là viêm gan C rất đắt đỏ, tốn kém. Nhiều chuyên gia y tế cho biết, hiện nay, một liệu trình điều trị viêm gan C trong vài tháng, chỉ riêng tiền thuốc cũng lên tới 200 triệu đồng vì có những loại thuốc điều trị giá tới 4 - 5 triệu đồng/viên. Đây là số tiền rất lớn nên không ít người bỏ dở quá trình điều trị, khiến bệnh chuyển sang viêm gan, dần dần đến xơ gan, ung thư gan.

Trước thực trạng số người mắc viêm gan B và C đang ở mức rất cao, PGS-TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, để phòng ngừa viêm gan B thì người dân nên tiêm phòng vaccine, đặc biệt tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo lịch của chương trình tiêm chủng. Đối với người bị viêm gan C mãn tính hoặc người lành mang virus viêm gan C cần được khám bệnh định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện phác đồ điều trị viêm gan virus C, cập nhật thuốc điều trị mới, sớm ban hành làm cơ sở đề xuất Quỹ BHYT thanh toán cho người bệnh để giảm gánh nặng chi phí điều trị. (* Sài Gòn giải phóng (trang 3))

Trình đề án lập cơ quan chuyên trách an toàn thực phẩm TP.HCM

 Đây là tờ trình của Sở Nội vụ TP.HCM vừa được gửi đến UBND TP để cấp thẩm quyền này xem xét đề án thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.

Thuyết minh sự cần thiết và cấp bách của việc thành lập cơ quan chuyên trách này, nội dung tờ trình nhấn mạnh đây là nhu cầu nhằm nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm ở TP.

Đồng thời khắc phục các bất cập, tồn tại, rào cản trong phối hợp liên ngành quản lý, kiểm tra, kiểm soát… về an toàn thực phẩm.

Theo đề án, cơ quan chuyên trách nói trên được đề xuất thành lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (thuộc Sở Y tế TP) hiện nay và một số bộ phận của các phòng, chi cục thuộc Sở NN&PTNT TP, Sở Công thương TP hiện đang đảm đương nhiệm vụ về an toàn thực phẩm.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP được xác định là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP (hiện tại các cơ quan đảm trách nhiệm vụ liên quan đến an toàn thực phẩm thuộc cấp sở), tham mưu, giúp UBND TP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ban có 4 quyền hạn được xác định cụ thể, trong đó được quyết định hoặc đề nghị UBND TP quyết định xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Ban quản lý gồm trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Đây là những nhân sự thuộc thẩm quyền quyết định của chủ tịch UBND TP. Số lượng các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ không quá 8. (* Tuổi trẻ (trang 6))

Bệnh viện 19-8, Bộ Công an: Cứu sống người phụ nữ đã ngừng tuần hoàn do tai nạn xe máy

Chiều 28-9, chị Nguyễn Thị H. (sinh năm 1962, trú tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bị tai nạn xe máy, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây. Do thương tích nặng, bệnh nhân được chuyển tuyến Trung ương, dự kiến đưa lên Bệnh viện Việt Đức điều trị với chẩn đoán chấn thương cổ trước, dập khí quản, theo dõi tổn thương động mạch cổ hai bên.

Trên đường vận chuyển, tình trạng bệnh nhân hết sức nguy kịch, có thể tử vong dọc đường nên được đưa vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện 19-8, Bộ Công an trong tình trạng mất ý thức, tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được và điện tim là rung thất.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn ngoại viện, chấn thương ngực kín. Kíp trực đã khẩn trương cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng phương pháp sốc điện để phá rung thất.

Nhờ cấp cứu kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn hiểm nghèo, tim chuyển về nhịp xoang, huyết động dần ổn định. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào Khoa Điều trị tích cực để điều trị. Hiện chị H. đã hoàn toàn tỉnh táo và tiếp xúc được.

Được biết, do vị trí ở phía tây Hà Nội, Bệnh viện 19-8 thường xuyên phải cấp cứu những trường hợp ngừng tuần hoàn và các bệnh lý cấp tính khác từ các tỉnh lân cận chuyển lên tuyến cuối, cứu sống được nhiều người trong tình trạng nguy kịch, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị sức khỏe cán bộ và nhân dân.  (* Công an Nhân dân (trang 2))

Gia tăng ứng dụng công nghệ tại cơ sở khám chữa bệnh

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý giao Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của Bộ Y tế.

Trước đó, Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh (HIS) đề nghị cập nhật, chuẩn hóa danh mục sử dụng tại đơn vị theo danh mục dùng chung của Bộ Y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần mềm HIS nhưng không đáp ứng được yêu cầu trên thì chủ động nâng cấp.

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai phần mềm HIS thì cần chủ động triển khai đầu tư xây dựng phần mềm hoặc có kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo quy định.

Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động lựa chọn các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phù hợp với quy trình nghiệp vụ đặc thù của đơn vị mình. (* An ninh Thủ đô (trang 7))

Tạo hình cho bệnh nhân dị dạng hộp sọ

Bệnh nhi Cao Tuệ L., 11 tháng tuổi, nhập Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) do bị dị dạng hộp sọ khiến vùng trán dô lồi hẳn về phía trước, ảnh hưởng đến kích thước của não, gây biến dạng gương mặt.

Chiều 29.9, bệnh nhi đã được GS Pr.Pellerin, chuyên gia về phẫu thuật tạo hình sọ mặt (Pháp) và TS Nguyễn Đình Hưng, phẫu thuật viên về thần kinh, Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, thực hiện tạo hình lấy lại sự cân đối cho vùng mặt và hộp sọ (ảnh). Sau mổ, cháu L. đang được theo dõi, chăm sóc y tế đặc biệt.

Bác sĩ Nguyễn Kim Chung, Phó trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân bị tai nạn lao động rất hy hữu.

TS Hưng cho biết dị dạng sọ và dị dạng sọ mặt là bệnh hiếm gặp, có thể gây hẹp hộp sọ, dẫn đến tăng áp lực nội sọ, ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ - hệ thần kinh trung ương của trẻ. Việc phẫu thuật tạo hình lại xương sọ hoặc sọ mặt là can thiệp lớn, yêu cầu cao về trình độ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức. (* Thanh niên (trang 4))

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang