Đậu mùa khỉ: Không hoang mang, chủ động phòng tránh
Viện Pasteur TP.HCM ngày 28.9 đã có công văn gửi 20 tỉnh, thành khu vực phía nam về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ nhằm hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Trong vòng 1 năm, tại VN ghi nhận có 5 bệnh nhân (BN) đậu mùa khỉ (vi rút Mpox), bao gồm: 2 BN có nguồn gốc nhập cảnh năm 2022 tại TP.HCM, 1 BN sau khi xuất cảnh ra nước ngoài thì được phát hiện giữa năm 2023, và 2 BN mắc từ trong nước vừa được phát hiện.
Chủ yếu điều trị triệu chứng
Đúng 1 năm trước, BN nữ 35 tuổi khởi phát bệnh ngày 18.9.2022 khi đang du lịch tại Dubai (đi từ tháng 7.2022 - 22.9.2022 về VN) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt. Tại VN, kết quả xét nghiệm giải trình tự gien khẳng định BN mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng vi rút đậu mùa khỉ thuộc Clade IIb.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút đậu mùa khỉ được chia thành 2 nhánh Clade - I và II. Nhánh Clade II chia thành IIa và IIb. Các vi rút của Clade IIb đang lưu hành và gây dịch ở nhiều quốc gia trên thế giới từ đầu năm 2022 đến nay.
Ngày 20.10.2022, Sở Y tế TP.HCM công bố phát hiện thêm 1 BN nữ 38 tuổi (ngụ Tuyên Quang) mắc bệnh đậu mùa khỉ và cũng trở về từ Dubai (là bạn của BN đầu tiên). BN được cách ly, điều trị ngay khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Giữa năm 2023, 1 nam BN từ VN sang Đài Loan thì được phát hiện mắc đậu mùa khỉ. BN này có quan hệ với bạn tình ở VN trong thời gian ở VN.
2 BN được phát hiện mới đây có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương. Trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, BN chỉ ở VN. Các BN được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.
Với bệnh đậu mùa khỉ, điều trị triệu chứng là chủ yếu. Đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch…) theo khuyến cáo của WHO.
Bác sĩ (BS) Lương Chấn Quang, Phó trưởng khoa Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (Viện Pasteur TP.HCM), cho biết: "Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục điều tra mở rộng các địa điểm, nhóm người tiếp xúc với 2 BN theo phương châm "gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để xác định nguồn lây và phát hiện sớm các trường hợp bệnh khác, nếu có".
Chủ động phòng bệnh
BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm (BV Nhi đồng 1), cho rằng BN có hay không có đi nước ngoài cũng không quan trọng, vì bệnh trước sau gì cũng xuất hiện ở nội địa. Tính lây nhiễm hiện nay của bệnh chủ yếu qua đường cọ xát, xảy ra trên các đối tượng đặc biệt và cách lây rất giống HIV. Nhưng thể bệnh thì không giống HIV, vì bệnh tự hết, người bị lây cũng tự thải vi rút và đến 21 ngày sẽ không lây nữa. BS Khanh khuyến cáo người dân không nên hoang mang, nhưng cần hiểu biết cách phòng bệnh.
Cùng nhận định, BS Lương Chấn Quang cho hay, các thông tin hiện có cho thấy cả 2 BN khởi bệnh tại nơi cư trú, chưa có yếu tố tiếp xúc người nước ngoài hoặc đi nước ngoài trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia thì nguy cơ xâm nhập đậu mùa khỉ là hoàn toàn có thể. Do đó, để phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế không chỉ với riêng đậu mùa khỉ mà còn với các bệnh truyền nhiễm khác.
Theo BS Quang, bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ người qua người kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Bệnh lây truyền chính qua tiếp xúc trực tiếp (bao gồm cả quan hệ tình dục), qua giọt bắn lớn, do đó người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Người có triệu chứng sốt, phát ban cấp tính dạng mụn mủ quanh bộ phận sinh dục, lòng bàn tay, chân, thân mình, mặt, cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
Với người tiếp xúc với BN đậu mùa khỉ, cố gắng tránh tiếp xúc gần BN, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người dân cần thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân, bao gồm: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; Đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe (Thanh niên, trang 15).
TP.HCM giám sát chặt người nhập cảnh phòng dịch do vi rút Nipah
Ngày 28.9, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết đang thực hiện giám sát 24/7 đối với người nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế (sân bay Tân Sơn Nhất và cảng hàng hải TP.HCM). Việc này nhằm phát hiện sớm các trường hợp sốt hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để cách ly, xử trí kịp thời ngay tại cửa khẩu, trong đó có tăng cường giám sát người nhập cảnh từ các vùng đang bùng phát dịch vi rút Nipah (1 loại vi rút gây bệnh lý gây tổn thương đa cơ quan, hoặc viêm não hoặc viêm hô hấp). HCDC cũng lưu ý các hành khách đi về từ vùng dịch vi rút Nipah, nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như: sốt, nhức đầu từ 3 - 14 ngày cùng các dấu hiệu hô hấp (ho, đau họng và khó thở), cần liên hệ ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời (Thanh niên, trang 15).
Vắc xin 5 trong 1 sắp thiếu, lo dịch bạch hầu lây lan
Dịch bạch hầu xuất hiện tại Điện Biên và Hà Giang diễn biến phức tạp, nguy cơ tiếp tục bùng phát nhiều nơi, trong khi việc mua sắm vắc xin phòng bệnh gặp nhiều khó khăn khiến việc phòng, chống dịch kéo dài.
Trong hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc, trong đó đã có ca tử vong. Tương tự, tại Hà Giang cũng ghi nhận 2 huyện có ổ dịch với 9 ca mắc, 1 ca tử vong.
Ổ dịch bạch hầu kéo dài
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Điện Biên, ca bệnh bạch hầu xuất hiện từ ngày 30-4 đến 21-5 ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. Sau đó gần 3 tháng, ngày 14-8 xuất hiện ổ dịch thứ 2 tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông.
Tiếp đến ngày 23-8 tiếp tục xuất hiện ổ dịch thứ 3 tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà. Trong hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, tỉnh này có 46 người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang được theo dõi tại 3 bệnh viện, trong đó có 9 ca bệnh được xác định mắc bệnh bạch hầu và đã có 1 ca tử vong.
Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại tỉnh này trong gần 20 năm qua. Sau khi phát hiện ca mắc bệnh bạch hầu tại huyện Mèo Vạc, ngày 9-9 tỉnh Hà Giang tiếp tục ghi nhận ca mắc ở huyện Yên Minh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, các ca mắc bệnh bạch hầu đều không rõ nguồn lây. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc mua sắm vắc xin phòng bệnh còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện CDC tỉnh Điện Biên cho hay do khó khăn trong đánh giá nguy cơ bùng phát dịch khó xác định chính xác nhu cầu vật tư, thuốc, vắc xin, kinh phí.
"Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 30-4, địa phương đã thực hiện đấu thầu vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh bạch hầu), đến nay mới thực hiện đấu thầu xong được hơn 2.000 liều, đủ tiêm phòng cho một ổ dịch. Địa phương đang tiếp tục đấu thầu. Dự kiến số vắc xin này sẽ được tiêm chủng cho người từ 7 đến 20 tuổi", đại diện CDC Điện Biên cho hay.
Vị này cũng thông tin thêm việc đấu thầu vắc xin Td gặp khó khăn khi nguồn cung khan hiếm, trong khi quy trình đấu thầu đúng quy định phải mất 3 tháng nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu chống dịch tại địa phương.
Đại diện CDC Điện Biên kiến nghị cần có cơ chế cho các địa phương rút ngắn thời gian thầu để phục vụ chống dịch trong tình huống cấp bách. Hoặc cung ứng vắc xin Td cho tỉnh Điện Biên từ nguồn hỗ trợ nếu có của trung ương và sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện mua vắc xin Td từ nguồn kinh phí của địa phương, sau khi được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt mua vắc xin.
Tại Hà Giang, Sở Y tế Hà Giang cũng đã lập danh sách các đối tượng tiêm chủng vắc xin DPT, Td. Hà Giang đã được một doanh nghiệp ủng hộ 10.000 liều vắc xin Td phòng chống dịch. Hiện Hà Giang đang phối hợp với nhà cung cấp để đưa vắc xin về địa phương, tổ chức tiêm chủng.
Vắc xin 5 trong 1 vẫn từ nguồn viện trợ, sắp tới sẽ thiếu
Từ tháng 2-2023, vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib) và một số vắc xin trong Chương trình TCMR bị gián đoạn.
Nguyên nhân được đưa ra là từ năm 2023 Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin TCMR, thay vào đó các địa phương bố trí ngân sách mua vắc xin, tuy nhiên do quy trình mua sắm, đấu thầu, nguồn cung khó khăn nên nguồn vắc xin bị gián đoạn.
Đến tháng 7 vừa qua có 258.000 liều vắc xin 5 trong 1 từ nguồn viện trợ đã được tiếp nhận. Ngay sau khi có vắc xin hỗ trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ đã phân bổ đến các địa phương tiêm ngay cho trẻ.
Ở TP.HCM, theo ghi nhận hiện nay tại một số trạm y tế đã tổ chức tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ nhỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết cuối tháng 8-2023, đơn vị nhận được 12.400 liều vắc xin 5 trong 1 phân bổ từ Bộ Y tế và hiện tại đã cấp cho các quận, huyện.
Theo hướng dẫn từ Chương trình TCMR, định kỳ mỗi tháng thành phố sẽ dự trù theo nhu cầu của tất cả các loại vắc xin gửi danh sách để được chờ phân bổ vắc xin.
Đến 10-7, Thủ tướng có quyết định bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin TCMR (do khó khăn từ địa phương nên Bộ Y tế lại đảm nhiệm như cũ trong thời gian trước mắt).
Đại diện Văn phòng TCMR quốc gia cho biết đang nỗ lực triển khai đầy đủ quy trình, thủ tục đúng theo luật đấu thầu để mua sắm vắc xin trong Chương trình TCMR (Tuổi trẻ, trang 14).
Nguy cơ dịch bạch hầu lây lan
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng cho hay vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng.
Theo vị này, nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ trong hai năm đầu đời, không được tiêm nhắc lại khi lớn hơn, tạo "khoảng trống miễn dịch". Khả năng bảo vệ từ vắc xin bạch hầu không tồn tại bền vững mà giảm dần.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5 - 10% ở những người dưới 5 tuổi; trên 40 tuổi tỉ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20% (Tuổi trẻ, trang 14).
Cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu
Bánh trung thu là món bánh truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách bảo quản và sử dụng bánh an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
7 nguyên nhân khiến bánh bị mốc, hỏng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có 7 nguyên nhân khiến bánh trung thu dễ bị mốc, hỏng.
Cụ thể là các thành phần như: Bột mì, trứng, thịt, gia vị, các loại hạt... qua quá trình chế biến không bảo đảm vệ sinh; nguyên liệu được chọn làm bánh không được tươi ngon; các dụng cụ làm bánh không sạch sẽ; bao bì đóng gói không kỹ lưỡng, bị rách hoặc dập nát; bánh quá nhạt, không bảo đảm đủ lượng đường; cho quá nhiều dầu ăn vào bánh và bảo quản không đúng cách.
Người tiêu dùng chỉ nên chọn mua bánh ở những cửa hàng có nguồn gốc rõ ràng, các thương hiệu uy tín, được cấp phép, tuyệt đối không mua các loại bánh có giá rẻ bất thường.
Bên cạnh việc chọn mua loại bánh ưng ý, đúng sở thích và bảo đảm chất lượng, việc bảo quản bánh đúng cách cũng là yếu tố quan trọng. Đối với bánh mua sẵn sẽ chứa một lượng chất bảo quản ở hàm lượng cho phép nên có thời hạn sử dụng lâu hơn, khoảng từ 2 đến 3 tháng ở nhiệt độ thường.
Còn loại bánh trung thu handmade (tự làm) do không sử dụng chất bảo quản nên thời gian sử dụng thường ngắn hơn, tối đa là khoảng 7 ngày, tùy theo từng loại bánh. Ngoài ra, bánh nướng có khả năng được bảo quản lâu dài bởi đã được nướng, có độ ngọt cao, có chất béo. Còn bánh dẻo thường có thời gian sử dụng ngắn hơn bánh nướng, chỉ khoảng 3-4 ngày và nên bảo quản trong tủ lạnh.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, hiện nay, các loại bánh trung thu trên thị trường rất đa dạng và mỗi loại sẽ có những cách bảo quản để bánh không bị ẩm mốc, hư hỏng.
Người tiêu dùng nên lưu ý, với mỗi chiếc bánh trung thu mua sẵn đều có chứa một túi hút ẩm. Không nên lấy túi này ra vì bánh sẽ nhanh bị mốc hơn. Bánh trung thu sẽ được kéo dài thời gian sử dụng từ 7 đến 15 ngày khi được bảo quản trong ngăn mát. Khi lấy ra sử dụng nên cho vào lò vi sóng một vài phút để bánh không bị khô cứng. Để hiệu quả bảo quản bánh được tốt nhất, cần bọc kín bánh trung thu trước khi cho vào tủ lạnh bảo quản được tối đa 7 ngày trong ngăn mát hoặc có thể cho vào hộp đựng thực phẩm hay bọc kín trong túi ni lông đựng thực phẩm để được đến 1 tháng khi đặt trong ngăn đá. Khi dùng chỉ cần nướng lại bánh.
Để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, khi đã bóc bánh ra ăn nên sử dụng hết hoặc lâu nhất là 1 ngày sau. Dấu hiệu nhận biết bánh bị mốc, hỏng, đó là quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, bánh bị biến dạng, bị méo hoặc phình to ra, không còn như hình dạng ban đầu. Bánh bị chảy nước và có mùi bất thường, không thơm như ban đầu. Bánh xuất hiện nấm mốc bên ngoài. Ăn bánh trung thu bị hỏng có thể gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí là ngộ độc.
Những ai nên hạn chế ăn bánh trung thu?
Ngoài các vấn đề về bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo quản bánh trung thu, theo chuyên gia dinh dưỡng, có những đối tượng nên hạn chế sử dụng bánh trung thu để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Bởi vì khi ăn bánh trung thu nếu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết...
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) thông tin, 1 chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm 170 gram cung cấp 566 Kcal, 16,3 gram đạm, 6,6 gram lipid, 110,2 gram glucid; 1 bánh dẻo 1 trứng đậu xanh 176 gram cung cấp 648 Kcal (năng lượng gấp 2-2,5 lần bát phở bò). Còn 1 bánh nướng 176 gram thập cẩm cung cấp 706 Kcal, 18 gram đạm, 31,5 gram lipid và 87,5 gram glucid; 1 chiếc bánh nướng 1 trứng đậu xanh176 gram cung cấp 648 Kcal, 19,5 gram protid, 27,5 gram lipid, 80,6 gram glucid. Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một chiếc bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258 gram).
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho rằng, bánh trung thu rất ngọt và béo ngậy, do đó cung cấp nhiều năng lượng. Năng lượng từ đường và chất béo là một mối nguy cơ lớn đối với trẻ thừa cân, béo phì và những người mắc bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp.
Thậm chí, ngay cả khi sử dụng bánh trung thu không đường, hoặc bánh dành cho người ăn kiêng mà ăn quá nhiều cũng sẽ không tốt cho sức khỏe. Bởi vì bản chất của bánh trung thu vẫn sử dụng nhiều tinh bột, trong khi tinh bột có chỉ số đường huyết cao. “Người tiểu đường, người thừa cân, béo phì chỉ nên ăn một miếng rất nhỏ, không nên ăn thường xuyên”, vị chuyên gia này khuyến cáo.
Các chuyên gia cho rằng, khi ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên cắt nhỏ bánh, ăn góc 1/8 của bánh hoặc nhiều nhất là góc 1/4 và nên ăn vào buổi sáng hoặc chiều vì sau đó quá trình vận động sẽ làm tiêu hao năng lượng.
Khi đã ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên giảm các thực phẩm khác, đặc biệt là các thực phẩm nhiều năng lượng như: Cơm, bánh mì, bún, phở... Ngoài ra, khi ăn các loại bánh có nhân thập cẩm nên loại bỏ mỡ. Bởi vì ăn bánh càng có nhiều mỡ thì tổng năng lượng nạp vào cơ thể sẽ tăng lên.
Mặt khác, không ăn bánh trung thu cùng trà đặc, cà phê và nước có gas vì năng lượng, chất đường trong bánh sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp, tim mạch... Đặc biệt, sau khi ăn bánh trung thu, người tiêu dùng nên tăng cường vận động như: Đi bộ, đạp xe… hoặc làm việc nhà để giảm bớt lượng calo nạp vào (Hà Nội mới, trang 5).