Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 03/1/2023

  • |
T5g.org.vn - Những chính sách mới về Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 người dân cần biết; Dịp Tết đi lại tăng, thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm lây lan

Những chính sách mới về Bảo hiểm Y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 người dân cần biết

Nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế có hiệu lực từ tháng 1/2023 với các nội dung quan trọng mà người dân rất cần biết như: Quy trình giám định bảo hiểm y tế mới; Không cần mang sổ hộ khẩu khi nhận thẻ BHYT hộ người thân; Có thể đăng ký mua thẻ BHYT ngay tại nhà,... (Sức khoẻ & Đời sống, trang 7).

Dịp Tết đi lại tăng, thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho dịch bệnh truyền nhiễm lây lan

Theo Bộ Y tế dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc COVID-19; Tiếp tục theo dõi chặt sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19.

Tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới của COVID-19

Theo Bộ Y tế tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương ở nước ta tiếp tục được kiểm soát; chiến dịch tiêm chủng đã đạt kết quả khả quan, tỉ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã ở mức rất cao và là một trong những biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Trên thế giới, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do COVID-19 hằng tuần hiện chỉ bằng khoảng 1/5 so với một năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao; một số nước vẫn phát hiện hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, dịch bệnh được dự báo vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. Ngày 02/12/2022, WHO cảnh báo về sự lưu hành hơn 500 biến thể phụ của Omicron, có khả năng lây truyền cao và tránh được hệ miễn dịch. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Theo Bộ Y tế dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp thời gian tới, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch bệnh do biến thể mới. Giai đoạn giao mùa tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các bệnh dịch đường hô hấp, dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.

Thời gian tới là dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, nhu cầu giao thương du lịch tăng cao, cùng thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, có thể gia tăng số mắc, nhất là với nhóm trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, sự xuất hiện, tiến hóa của các biến thể mới dẫn đến miễn dịch giảm theo thời gian, xu hướng dịch khó dự báo. Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 - dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trung bình toàn quốc hiện tại vẫn chưa cao.

Mặc dù công tác truyền thông về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 liên tục được đẩy mạnh và duy trì nhưng vẫn còn một bộ phận lớn người dân vẫn chưa ủng hộ và đồng thuận tiêm chủng do lo ngại về tác dụng phụ, phản ứng sau tiêm, chất lượng và hiệu quả của vaccine. Tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên tại một số tỉnh, thành phố còn thấp.

Bộ Y tế cho hay hiện có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm đối tượng cần tiêm bổ sung đã được tiêm mũi bổ sung, trong đó nhiều người không tiếp tục đi tiêm mũi nhắc lần 1 vì cho rằng chỉ cần tiêm 3 mũi là đủ.

Cùng đó thời điểm hiện tại, sự vào cuộc và tham gia của chính quyền và các ban ngành các cấp ở một số địa phương đã giảm đáng kể, không còn quyết liệt như giai đoạn đầu dịch/chiến dịch tiêm vaccine, hầu hết là giao cho ngành Y tế thực hiện. Số người mắc COVID-19 thời gian qua giảm nhiều, trẻ em mắc có triệu chứng nhẹ, dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là tiêm chủng.

Tiếp tục theo dõi chặt sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19, đẩy mạnh tiêm chủng bảo vệ đối tượng nguy cơ cao

Bộ Y tế cho biết đã tiếp tục yêu cầu các đơn vị chuyên môn theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tập trung tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Adenovirus, cúm, cúm gia cầm, đậu mùa khỉ...; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả. Tăng cường phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng các phương án, điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2023; chuẩn bị sẵn sàng và tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị; bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 3).

Bệnh hay gặp ở trẻ em vào mùa lạnh và cách phòng tránh

Thời tiết lạnh và mưa nhiều là những yếu tố ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ của trẻ. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ còn non yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khiến trẻ dễ bị mắc bệnh.

Dưới đây là một số bệnh trẻ dễ mắc vào mùa lạnh

- Viêm đường hô hấp trên

Viêm đường hô hấp trên là một bệnh thường gặp và hay tái phát. Bệnh thường xuất hiện theo mùa, nhất là mùa đông, mùa hanh khô, trùng với mùa của bệnh hen, viêm phế quản mạn, viêm phổi. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 10 triệu ca tử vong bởi căn bệnh này. Nguyên nhân gây bệnh do virus như cúm, virus hợp bào hô hấp... hoặc vi khuẩn như Hib, phế cầu... và một số yếu tố nguy cơ dễ gây bệnh như trẻ còn nhỏ, sức đề kháng kém, môi trường sống ẩm thấp...

Biểu hiện ban đầu của trẻ là sốt dưới 38,5 độ, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm amidan, viêm tai giữa.

Đối với bệnh viêm đường hô hấp trên vào mùa lạnh, cha mẹ phòng tránh cho trẻ bằng cách: Không tiếp xúc với người bệnh; Giữ ấm khi đi đường và khi ngủ; Không để trẻ ở lâu ngoài trời lạnh; Giữ vệ sinh, bảo quản sữa mẹ không nhiễm khuẩn; Đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất thiết yếu; Tránh yếu tố bụi, hơi nóng, môi trường ẩm thấp có hại cho đường hô hấp.

- Cảm cúm

Cảm cúm là bệnh về đường hô hấp mà trẻ nhỏ hay mắc phải, nhất là vào mùa đông, thời tiết lạnh giá. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mỗi năm, hàng triệu trẻ em Mỹ bị cúm mùa, hàng nghìn trẻ nhập viện điều trị và con số tử vong liên tục có dấu hiệu tăng cao. Tỷ lệ trẻ em tử vong được đánh giá "cao vượt trội" so với tổng số người chết do cúm ở mọi đối tượng.

Trẻ bị cảm cúm thường có một số triệu chứng như mũi tắc nghẽn hoặc chảy nước mũi, chảy nước mũi có thể rõ ràng lúc đầu, nhưng sau đó thường trở nên đặc hơn và biến thành màu vàng hoặc màu xanh lá cây. Để phòng tránh cảm cúm hiệu quả, cần giữ ấm bàn chân, tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ, uống nước ấm và không ăn đồ lạnh. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và môi trường xung quanh. 

Cha mẹ đừng quên tiêm phòng cúm cho trẻ trên 6 tháng tuổi mỗi năm một lần. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với nhiều người, nhất là với những ai có biểu hiện cảm cúm. Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu Protein, vitamin C từ rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước để nâng cao sức đề kháng.

Viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến ở trẻ em với phổi bị nhiễm khuẩn do virus. Virus là tác nhân chủ yếu gây viêm tiểu phế quản ở trẻ như: Virus hợp bào hô hấp (chiếm 30 - 50%), cúm, á cúm, Adenovirus và Rhinovirus. 

Bệnh viêm tiểu phế quản làm cho trẻ thở khò khè, khó thở, ho và kèm theo rối loạn ăn uống. Triệu chứng thường gặp nhất là trẻ ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. 

Ho ngày càng nhiều, thở khó, thở rít. Trường hợp nặng thì tím tái, lồng ngực bị rút lõm, cơn thở bị co kéo khó khăn, thậm chí ngừng thở. Để phòng bệnh, cha mẹ cần chú ý vệ sinh khu vực tai, mũi, họng cho trẻ hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Trẻ sơ sinh cho bú sữa đến 12 tháng tuổi, không để trẻ bị lạnh, vệ sinh môi trường sống, không cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, mầm bệnh.

Khi trẻ có dấu hiệu khó thở, bú kém, tím tái hoặc có kèm theo các yếu tố như trẻ dưới 3 tháng tuổi, sinh non, có bệnh tim phổi bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch thì cần cho nhập viện ngay. 

Bệnh viêm mũi dị ứng

Viêm mũi là bệnh trẻ thường gặp vào mùa đông. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm tai, viêm tai giữa cấp, viêm xoang cấp. Viêm mũi dị ứng ở trẻ xảy ra khi lớp màng lót bên trong mũi (niêm mạc) bị viêm, do gặp phải các dị nguyên bên trong hoặc bên ngoài cơ thể. Cơ chế tác động là khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, Histamin được giải phóng gây sưng, ngứa và giải phóng nhiều chất lỏng tích tụ trong mũi. Thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm cùng sức đề kháng kém sẽ khiến trẻ dễ bị viêm mũi dị ứng hơn. Triệu chứng nhận biết là hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi, trẻ quấy khóc nhiều, đặc biệt vào ban đêm và có thể biến chứng thành viêm xoang, viêm họng... nếu không được điều trị đúng cách.

Để phòng tránh và điều trị cho trẻ, cha mẹ cần giữ ấm vùng mũi, cổ, đầu. Hạn chế để trẻ ngoáy mũi, xoa mũi khi lạnh. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả chín... sẽ giúp trẻ nhanh hồi phục. Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C, cần hạ sốt bằng phương pháp lau mát và dùng thuốc theo chỉ định bác sĩ. Khi trẻ bị viêm mũi, hàng ngày mẹ dùng dung dịch nước muối 0,9%, nhỏ ngày 3 - 4 lần, cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi.

Tóm lại: Vào mùa lạnh số bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý về đường hô hấp có xu hướng gia tăng. Vì vậy, để phòng chống các bệnh trong mùa lạnh, cha mẹ nên cho trẻ tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch. Cùng với đó phải giữ ấm cho trẻ, nhất là giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, đầu, cổ của trẻ. Nên cho trẻ uống đủ nước và uống nước ấm hàng ngày, không cho trẻ ăn đồ lạnh; bổ sung vào thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm giàu Protein, vitamin C từ rau xanh và quả chín. Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: Tím tái, bỏ bú, bú kém, không ăn uống được, ngủ li bì khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít… cần đưa ngay trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử lý kịp thời. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang