Bộ test nhanh thực phẩm đang bị thổi phồng
Cục an toàn thực phẩm (Bộ y tế) vừa có thông báo khuyến cáo, một số trang website hiện đang quảng cáo thổi phồng, sai lệch chức năng so với hồ sơ đăng ký lưu hành của loại máy đo kiểm tra độ an toàn thực phẩm có tên SOEKS NUC -019-1 do Liên Bang Nga sản xuất. Cục an toàn thực phẩm (Bộ y tế) vừa có thông báo khuyến cáo, một số trang website hiện đang quảng cáo thổi phồng, sai lệch chức năng so với hồ sơ đăng ký lưu hành của loại máy đo kiểm tra độ an toàn thực phẩm có tên SOEKS NUC -019-1 do Liên Bang Nga sản xuất.
Theo Cục an toàn thực phẩm, loại máy này chỉ xét nghiệm nhanh được một chỉ tiêu là dư lượng nitrat trong rau, củ, thịt, quả tươi. Kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh này cũng chỉ là kết quả ban đầu, mang tính sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm tiếp theo trong phòng thí nghiệm.
Trước tình hình này, Cục an toàn thực phẩm đã có buổi làm việc với đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Việt Nga tuy nhiên, đại diện công ty này khẳng định, thông tin quảng cáo thổi phồng chức năng máy SOEKS NUC trên các trang website không thuộc quản lý của đơn vị này.
Trước đó, Tiền Phong đã có bài viết dẫn lời PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Công nghệ sinh học - công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khuyến cáo, người dân không cần thiết phải sử dụng loại máy test nhanh thực phẩm đang quảng cáo tràn lan trên thị trường vì loại máy này chỉ đo được chỉ tiêu nitrat, trong khi nitrat không phải là mối đe dọa nghiêm trọng trong thực phẩm hiện nay.
Được biết, để bảo quản hoa quả, thực phẩm hiện có khoảng 2.000 loại hóa chất, trong khi máy móc hiện đại ở các phòng kiểm nghiệm Việt Nam mới chỉ phát hiện ra 600 loại. Việc tìm phương pháp để kiểm tra độ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, độc tố trong thực phẩm đang khiến các nhà khoa học Việt Nam đau đầu (Tiền phong trang 2, Thanh niên trang 2, Hà Nội mới trang 5, Sức khỏe & Đời sống trang 12).
Người mẹ hiền của những đứa trẻ có H
Đến xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội), hỏi thăm ai cũng biết cô giáo Đinh Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Yên Bài B, người đã 10 năm gắn bó với trẻ có H. Không những đối mặt với kỳ thị, cô Thủy còn cảm hóa được người thân cùng dang rộng vòng tay yêu thương…
Giờ học của trẻ có H
9 giờ sáng, những đứa trẻ cười đùa hồn nhiên chơi trò nhảy lò cò trong sân Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II Ba Vì được cô giáo Đinh Thị Thủy gọi vào học. Buổi học bài hôm đó có 7 học sinh lớp 1. Cô Thủy đến từng bàn kiểm tra bài luyện chữ của từng em. Một học sinh gần 6 tuổi nhiễm HIV mới được người thân từ Nghệ An gửi vào trung tâm chỉ biết mình tên Đạt trầy trật mãi không viết được chữ “êu, iu”. Cô Thủy cầm tay Đạt nắn từng nét chữ cho đến hết 2 hàng dài trên tập vở. Trong lúc cô đang nắn chữ cùng Đạt, một học sinh khác đã rời bàn đi chơi. Cô lại nhẹ nhàng nhắc em về chỗ. Buổi học của cô trò cứ nhẫn nại, nhọc nhằn trôi qua như thế đến nay đã là năm thứ 10.
Cô Thủy kể về mối lương duyên với lũ trẻ bắt đầu từ buổi gặp gỡ năm 2006. Đó là ngày cô được trường giao nhiệm vụ lựa chọn một số học sinh tiêu biểu vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội số II (Ba Vì) giao lưu với trẻ có H. Tuy nhiên, khi đi vận động, sợ lây nhiễm, không một phụ huynh nào chịu cho con mình đi! Cuối cùng cô vận động con của giáo viên trong trường và đưa cả con mình đi mới đủ 20 cháu vào thăm các bạn.
Cô kể: “Lần đầu gặp, các con cứ vây quanh, đứa níu chân, đứa níu áo bảo: “Mẹ bế con! Mẹ bế con” khiến tôi không cầm được nước mắt. Những đứa trẻ dạo đó chưa có thuốc ngăn ngừa vi rút ARV nên mụn nhọt, chảy nước khắp tay chân, đầu tóc. Nhiều đứa quá tuổi nhưng chưa một ngày được đến trường níu tay chị hỏi: “Mẹ ơi, bao giờ con được đi học?”. Chị vừa khóc vừa hứa vội: “Mẹ sẽ dạy các con”.
Lời hứa đó như một cơ duyên để gắn kết cuộc đời chị với những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cách trung tâm Hà Nội chừng 60km mà những tưởng thâm sơn cùng cốc này. Một thời gian ngắn sau, đại diện trung tâm đến Trường Tiểu học Yên Bài B đặt vấn đề cho các con có H được học chữ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Chị Thủy là người đầu tiên được hiệu trưởng gọi đến giao nhiệm vụ. Chị kể: “Khi đó, tôi vừa vui mừng vừa hoang mang. Mừng vì mình có thể sẽ bù đắp được phần nào thiệt thòi cho bọn trẻ nhưng cũng lo vì lỡ mình bị lây bệnh, các con thì đang còn nhỏ”. Xin ý kiến của chồng, anh ngăn cản quyết liệt. Thậm chí tuyên bố: “Nếu đi dạy trẻ có H thì ở hẳn trung tâm, không được về nhà”. Vậy nhưng, trong lòng chị thôi thúc phải làm gì đó cho những đứa trẻ đáng thương này.
Bài giảng đầu tiên năm 2006 ở ngay lớp học Trường Tiểu học Yên Bài B dù đã vào muộn 30 phút so với các bạn khác nhưng cô trò vẫn vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ huynh học sinh. Trầy trật đấu tranh, dạy chữ một thời gian, cô trò phải chuyển về phòng học trong Trung tâm giáo dục lao động số II, cách trường hơn 1km để học thì mới yên ổn. Năm 2009, ngày càng có đông trẻ tới lớp học chữ, trường điều thêm giáo viên đến hỗ trợ cô Thủy mở thêm lớp đến nay.
Hành trình nước mắt
10 năm dạy chữ cho trẻ HIV, từ chỗ ban đầu chỉ có 9 trẻ được đến trường nay đã có 80 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Những đứa trẻ khóa đầu tiên nay đã là học sinh trung học phổ thông, nhiều em trong số đó đạt nhiều giải thưởng trong các kỳ thi do huyện Ba Vì tổ chức như em Triệu Thanh Tú, Phạm Đình Đức. Nhiều em được phát hiện có năng khiếu hội họa, nói tiếng Anh rất giỏi. Điều này, vượt ngoài mong đợi của cả nhà trường lẫn thầy cô giáo. Để có thành tích đó, cô Thủy đã phải vừa làm giáo viên, làm mẹ, vừa kiêm nhân viên y tế. Cô kể: “Trẻ có bệnh nên sức khỏe yếu. Đi học, các con thường xuyên chảy máu cam, gãy răng, sốt, nôn trớ... khi đó, cô kiêm luôn người dọn dẹp, vệ sinh và an ủi các con. Nhiều buổi học cô khóc, trò khóc. Nhiều đêm về không ngủ, cứ nghĩ miên man...”.
Cô Thủy chia sẻ, những đứa trẻ thiếu tình thương gia đình, người thân nên khi ra đề tả về người thân hoàn toàn xa rời thực tế so với các con. Các con không biết thế nào là ông bà, cha mẹ. Khi đó, chị lại phải sưu tầm thật nhiều tranh ảnh, kể nhiều chuyện để các em hình dung. Tuy nhiên, có khi dạy cả tuần con cũng không hiểu. Có con bướng bỉnh hất văng tay cô, không cho cô tới gần rồi khóc òa làm cô vô cùng hốt hoảng.
Cầu nối gia đình
Những đứa trẻ đến với trung tâm mỗi đứa một hoàn cảnh khác nhau nhưng đa phần đều bị gia đình bỏ rơi. Có đứa sinh ra đã mất cha, mất mẹ. Có ông bà, họ hàng vì kỳ thị đã vội mang trẻ đến gửi trung tâm. Nhiều đứa được đưa đến từ các bệnh viện, từ các tỉnh Lạng Sơn, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Nội... Khi vào trung tâm, các cháu chỉ biết đến các cô nuôi chăm sóc, không biết đến hơi ấm gia đình.
Cô Thủy tâm sự, những ngày lễ tết ai cũng được quây quần với gia đình, những đứa trẻ này lại càng đáng thương. Mong muốn các con hiểu thế nào là gia đình, những ngày lễ cô lại xin trung tâm, thuyết phục chồng đưa hàng chục cháu về nhà đón Tết, ăn bữa cơm gia đình. Chồng cô, sau nhiều ngày phản đối, khi thấy lũ trẻ khát khao tình cảm vừa đến sân nhà đã chạy tới sà vào lòng gọi “bố” cũng đã không cầm được lòng, ủng hộ vợ. Cứ thế, nhiều năm qua, ngôi nhà nhỏ của cô Thủy đã mang lại hơi ấm gia đình cho nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt.
Không chỉ thế, cô Thủy còn làm cầu nối động viên nhiều gia đình vào thăm trẻ. Cô kể, có lần, em Triệu Thanh Tú ở Lạng Sơn khi đó học lớp 2, cứ đứng cửa khóc. Cô ôm vào lòng hỏi han, Tú mới nói, em rất nhớ nhà, xin cô tiền để gửi thư. Cô hướng dẫn em viết thư, rồi gửi cho gia đình. Tú là con út trong gia đình có 3 chị em. Khi sinh ra, Tú bị phơi nhiễm từ bố mẹ đã qua đời. Phát hiện bệnh, người nhà vội đưa em đến trung tâm. Em rất nhớ hai người chị ruột của mình. Sau đó, cô Thủy đã liên lạc với người nhà, động viên họ đến trung tâm thăm Tú. Khi họ đến, cô ra bến xe đón đưa về nhà nghỉ ngơi rồi vào thăm cháu. Từ đó, hàng năm người thân của Tú đều đặn đến thăm khiến Tú vơi bớt tủi hờn. Có cháu đến trung tâm nhiều tháng vẫn không nguôi nước mắt. Cô hỏi chuyện, em nói nhớ bà của mình. Em kể, khi bố mẹ mất, em ở với bà và bác họ. Một ngày, bác dẫn em ra chợ cho ăn chè, rồi trốn đi mất. Em đứng ở chợ khóc mãi, rồi có người đưa em lên trung tâm.
Thiệt thòi nhưng khi vào trung tâm, được các cô nuôi chăm sóc, được đi học chữ, uống thuốc đa số trẻ đều khỏe mạnh, lấy lại tinh thần tươi vui, hồn nhiên của độ tuổi. Khi được hỏi, nhiều em chia sẻ ước mơ của mình được làm giáo viên, bác sỹ, ca sĩ... như bao nhiêu đứa trẻ bình thường khác.
Sinh năm 1968, cô Thủy đã có 25 năm trong nghề sư phạm thì gần nửa thời gian đó gắn bó với trẻ HIV. Chặng đường phía trước còn dài, cô Thủy chia sẻ: “Mình sẽ dành suốt đời làm nghề của mình để ở bên bù đắp thiệt thòi cho những đứa trẻ đáng thương này”. Nói về cô Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Bài B, ông Phùng Hải Nam khẳng định: “Đó là một giáo viên đặc biệt, yêu nghề, yêu trẻ. Khi giao nhiệm vụ dạy trẻ HIV, nhiều giáo viên khác ngần ngại, cô Thủy lại lao vào. Bao nhiêu năm vất vả, cô không một lời kêu ca” (Tiền phong trang 9).
Chỉ 45% người nhiễm HIV tiếp cận thuốc điều trị
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, mới có trên 102.000 trong số 230.000 người nhiễm HIV ở VN được tiếp cận thuốc điều trị, tương đương 45%, còn xa so với mục tiêu 90% VN mong đạt được vào năm 2020.
Hiện cũng mới có 78% người nhiễm biết được tình trạng của mình, nguy cơ lây ra cộng đồng của 22% người nhiễm là rất đáng kể. Cũng theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, tỉ lệ phụ nữ nhiễm HIV đang tăng. VN đang đứng thứ 5 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số người nhiễm HIV và đã có 86.000 người VN chết vì căn bệnh này trong 25 năm qua. Ngày 28-11, Bộ Y tế đã tổ chức lễ mittinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống AIDS 1-12 (Tuổi trẻ trang 14).
Một người Singapore tặng Đà Nẵng máy MRI 1,5 triệu USD
Sáng 29-11, Bệnh viện Đà Nẵng và Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng đã làm lễ tiếp nhận và đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp cộng hưởng từ MRI do ông Harol Chan (quốc tịch Singapore) tài trợ. Theo bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP Đà Nẵng, với những trăn trở của mình về nỗi đau, bất hạnh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sau chiến tranh, ông Harol Chan đã tự mình tìm kiếm thông tin và tìm đến với Hội lần đầu vào tháng 4 -2015.
Sau khi nghe hội chia sẻ những khó khăn, bất hạnh mà các nạn nhân da cam đang gánh chịu, ông Harol Chan đã quyết định tài trợ cho Hội 720 triệu đồng/năm để góp phần chăm lo cuộc sống cho nạn nhân. Sau đó, ông Harol Chan có cuộc gặp gỡ lần thứ 2 với Hội nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng và đã quyết định sẽ hỗ trợ một máy MRI (1,5 triệu USD, khoảng 33 tỉ đồng), đặt tại Bệnh viện Đà Nẵng để có thể chẩn đoán, can thiệp cải thiện tình hình sức khỏe cho nạn nhân da cam.
Hệ thống máy MRI này được sử dụng cho mục đích nhân đạo, trong việc khám, chẩn đoán và điều trị miễn phí cho các nạn nhân chất độc da cam và người nghèo bất hạnh tại Đà Nẵng (Tuổi trẻ trang 14).
Trẻ tuổi cũng nhồi máu cơ tim
Số người mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp đang có xu hướng trẻ hóa. Có người chết tại nhà do không đến kịp bệnh viện, hoặc không qua khỏi trong lúc đi cấp cứu hoặc chết não khi nhập viện vì thiếu oxy não kéo dài.
Sau khi được đặt hai stent vào động mạch vành, anh D.P.L. (34 tuổi, ở Q.Tân Phú, TP.HCM), nằm tại phòng bệnh nặng của khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, kể anh phát hiện mắc bệnh nhồi máu cơ tim cấp vào ngày 6-10 sau một cơn đau ngực.
Hơn 30 tuổi đã mắc bệnh
Bác sĩ Lê Cao Phương Duy, trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết qua chụp mạch vành cho anh L., bác sĩ phát hiện một nhánh động mạch vành bị tắc và hai nhánh động mạch vành còn lại bị hẹp nặng, nên đặt stent vào nhánh bị tắc cho anh L.. Hai ngày sau, anh L. xuất viện và được hẹn hơn một tháng sau đặt stent vào hai nhánh mạch vành bị hẹp còn lại. Anh L. chia sẻ anh không tập thể dục và mỗi ngày hút cả bao thuốc lá.
Theo bác sĩ Duy, trước đây bệnh thường gặp ở những người trên 50 tuổi thì nay xuất hiện ngày càng nhiều người bệnh mới hơn 30 tuổi. Bác sĩ Duy cho rằng ngoài lý do bệnh được phát hiện sớm vì các phương tiện kỹ thuật chẩn đoán bệnh ngày càng hiện đại, phần lớn người nhồi máu cơ tim có chế độ ăn nhiều chất béo, làm lượng mỡ trong máu cao nhưng ít vận động, cơ thể dư mỡ và đa số lượng mỡ dư lắng đọng lại ở thành mạch gây nên xơ vữa động mạch, đặc biệt ở động mạch vành. Hầu như ngày nào tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cũng tiếp nhận bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp. Những tháng gần tết hoặc những mùa lễ hội, mùa có những trận bóng đá hay như World Cup hay SEA Games còn được xem là “mùa của bệnh nhồi máu cơ tim cấp” vì số người mắc bệnh nhiều hơn.
Bác sĩ Duy lý giải do nhiều người có những cảm xúc thái quá trong thắng, thua cá độ bóng đá, hoặc bị những lo toan được mất trong nợ nần của những ngày giáp tết. Cảm xúc thái quá là yếu tố thuận lợi để người có bệnh từ trước khởi phát bệnh nhanh hơn và cấp tính hơn. Tương tự, người làm việc trong môi trường căng thẳng, nhiều stress cũng dễ nhồi máu cơ tim. Đó là do khi có cảm xúc thái quá, cơ thể tiết ra adrenalin, gây co mạch và với người có bệnh động mạch vành từ trước dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim cấp.
Khám bệnh sớm
Nhồi máu cơ tim là tình trạng của một phần cơ tim bị phá hủy khi lượng máu cung cấp đến đó giảm sút do động mạch vành (mạch máu nuôi tim) bị hẹp hoặc tắc. Bệnh nặng hay nhẹ tùy số lượng cơ tim bị phá hủy nhiều hay ít. Nếu số lượng cơ tim bị phá hủy nhiều, bệnh nhân sẽ suy tim cấp.
Nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim cấp là do cục máu đông làm tắc động mạch vành khi mảng xơ vữa bị nút hoặc vỡ ra. Lúc đó, người bệnh đau ngực với cảm giác đau gần vú trái hoặc phía sau xương ức như có vật gì đó đè lên ngực, có thể đi kèm khó thở. Khi gặp triệu chứng này nên vào bệnh viện ngay.
Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân ngậm dưới lưỡi hoặc truyền vào tĩnh mạch một loại thuốc (nitroglycerin) bên cạnh những xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán khác. Người bệnh thấy giảm hoặc hết đau ngực thì nguyên nhân đau ngực từ động mạch vành. Nếu không được điều trị kịp thời, tim sẽ ngộp do thiếu máu lâu, khả năng phục hồi của cơ tim không trọn vẹn, bệnh nhân có thể suy tim cấp, ít có cơ hội được cứu sống.
Có đến 90% trường hợp suy tim cấp do nhồi máu cơ tim cấp sẽ tử vong nếu không được điều trị đúng. Tim thiếu máu còn gây rối loạn nhịp tim. Tình trạng này diễn tiến rất nhanh, người bệnh đột ngột gồng người, tím tái, ngưng tim, ngưng thở và tử vong. Trước đây, dân gian vẫn gọi là trúng gió (Tuổi trẻ trang 14).
Mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
Sáng 29-11, tại TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Bộ Y tế phối hợp T.Ư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ mít-tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS năm 2015, với chủ đề “Hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 để kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam”.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Nhờ triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thời gian qua, Việt Nam đã bước sang năm thứ tám dịch HIV/AIDS giảm ba tiêu chí: Số người nhiễm mới HIV; số người chuyển sang giai đoạn AIDS; số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, tình hình nhiễm HIV vẫn diễn biến phức tạp, mỗi năm nước ta vẫn có khoảng hơn 10 nghìn trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện; HIV/AIDS, vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Hưởng ứng mục tiêu 90 - 90 - 90 do Liên hợp quốc phát động (90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác), Việt Nam hoàn toàn có cơ sở đạt được mục tiêu vào năm 2020 và tiến tới kết thúc đại dịch vào năm 2030 do Liên hợp quốc đề ra (Nhân dân trang 8, Thanh niên trang 2, Hà Nội mới trang 2, Tiền phong trang 3).
Việt Nam có tới 30.000 người mang gene bệnh rối loạn đông máu
Đây là thông tin từ Khóa Đào tạo quốc tế về bệnh rối loạn đông máu (Hemophilia) diễn ra từ 27 - 29/11/2015 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Đại học Lund (Malmo, Thụy Điển) phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ kinh phí của Công ty Baxalta. Tham dự có 50 học viên đại diện các cơ sở y tế trong nước và nhiều chuyên gia nước ngoài thuộc Liên đoàn Hemophilia Thế giới.
GS. TS Nguyễn Anh Trí – Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ: “Hiện nay, nước ta có 6.000 bệnh nhân Hemophilia và có tới 30.000 người mang gene bệnh sống rải rác tại nhiều vùng, miền. Số bệnh nhân được điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khoảng 1.300 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân được điều trị toàn quốc khoảng trên 2.300 người, tức là chỉ có 40% bệnh nhân được điều trị. Như vậy, dù có những bước tiến lớn trong những năm qua nhưng so với mặt bằng khu vực và thế giới, chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giải quyết bệnh Hemophilia.
Bên cạnh đó, hiện cả nước ta mới có 7 cơ sở điều trị Hemophilia tại 4 thành phố lớn là: Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người bệnh như không được điều trị kịp thời, không đảm bảo tuân thủ điều trị, chi phí tốn kém và thời gian, ảnh hưởng đến công việc, học tập… Khóa Đào tạo quốc tế về Hemophilia lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam này dành cho các bác sỹ đang trực tiếp điều trị, chăm sóc bệnh nhân Hemophilia thuộc các đơn vị trong cả nước.
Cũng trong dịp này đã diễn ra buổi Thảo luận về chương trình Liên minh toàn cầu (GAP). Đây là một chương trình phát triển chăm sóc Hemophilia được thành lập vào tháng 4 năm 2003 do Liên đoàn Hemophilia Thế giới khởi xướng và thực hiện (Gia đình & Xã hội trang 15).
Cứu sống bệnh nhân bị phình vỡ động mạch chủ
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa phẫu thuật khẩn cấp, cứu sống bệnh nhân bị phình động mạch chủ, khối phình bắt đầu vỡ, đe dọa tử vong nhanh.
Trước đó, ông Ngô Hòa (SN 1934 trú phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An) trong tình trạng trụy mạch, niêm mạc nhợt nhạt, qua siêu âm cho bệnh nhân, bác sĩ thấy hình ảnh tổn thương phình động mạch chủ ngay dưới động mạch thận, kích thước khối phình 7 - 11cm, tụ máu lớn sau phúc mạc, khối phình động mạch chủ bụng bắt đầu vỡ nên được các bác sỹ chuyển thẳng vào phòng mổ cấp cứu.
Các bác sỹ Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Nghệ An) đã phải kẹp cổ đầu trên và đầu dưới túi phình cầm máu, cắt bỏ túi phình thay bằng ống ghép nhân tạo và chuyền liên tục 1500ml máu trong lúc mổ.
“Khó khăn nhất là phải kiểm soát được đầu trên túi phình, bởi nếu để túi phình lan đến động mạch thận sẽ bị biến chứng suy thận”, bác sỹ Phạm Văn Chung, Khoa Ngoại Tim mạch Lồng ngực, phẫu thuật viên chính ca mổ cho biết.
Theo bác sỹ Trần Minh Long (Trưởng khoa Hồi sức Ngoại khoa) cho biết, quá trình hồi sức sau mổ cho bệnh nhân Hòa cũng rất khó khăn, vì trên thể trạng bệnh nhân già yếu, suy kiệt nhiều, sau mổ thường xảy ra tình trạng rối loạn chức năng gan, thận. Ngoài lượng máu sử dụng trong lúc mổ, bệnh nhân còn được bổ sung 1 lít máu và 1 lít huyết tương tươi (plasma) trong quá trình hồi sức. Sau gần một tuần hồi sức hậu phẫu, bệnh nhân Hòa đã tỉnh, không sốt, huyết động và các chỉ số xét nghiệm máu, sinh hóa đã ổn định.
Phẫu thuật phình động mạch chủ là kỹ thuật cao trong điều trị về bệnh lý mạch máu được Bệnh viện Đa khoa Nghệ An triển khai lần đầu tiên tại tỉnh này. Trước đây, khi Bệnh viện Đa khoa Nghệ An chưa triển khai thực hiện phẫu thuật này, hầu hết bệnh nhân bị phình động mạch chủ bụng dọa vỡ, vỡ khi vào viện trong tình trạng quá nặng và nguy kịch đều không kịp thời gian chuyển lên tuyến trên cấp cứu điều trị (Gia đình & Xã hội trang 15).