Sẽ bồi thường cho các trường hợp tử vong sau tiêm chủng
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hôm qua cho biết Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo nghị định về tiêm chủng trình Chính phủ ban hành. Theo đó, có một số quy định mới như: mở rộng cơ sở tiêm vắc xin đến các điểm tiêm được thẩm định đủ điều kiện (theo quy định vắc xin miễn phí của chương trình tiêm chủng mở rộng chỉ tiêm tại trạm y tế xã, phường); sẽ tính đúng, tính đủ chi phí tiêm vắc xin làm cơ sở cho nhà nước chi trả, trong trường hợp tiêm vắc xin miễn phí tại các điểm tiêm dịch vụ. Dự thảo cũng đưa ra quy định: bồi thường (kinh phí từ nguồn ngân sách) cho các trường hợp tai biến, tử vong sau tiêm vắc xin. Trường hợp tai biến, tử vong do lỗi cá nhân, người gây tai biến sẽ tự chịu trách nhiệm bồi thường (Thanh niên trang 2, Tuổi trẻ trang 14).
Điều chuyển nhân viên y tế nghịch điện thoại, để bệnh nhân chờ 4 tiếng
Liên quan đến thông tin phản ánh một nhân viên y tế ở Bệnh viện Đa khoa Kim Thành (Hải Dương) mải nghịch điện thoại, để bệnh nhân phải chờ 4 tiếng mới lấy được giấy khám sức khỏe, ngày 29-3, Bệnh viện Đa khoa Kim Thành đã có báo cáo Bộ Y tế kết quả xác minh, xử lý vụ việc này. Ngay sau khi có văn bản yêu cầu xác minh rõ vụ việc của Bộ Y tế (Báo ANTĐ đã phản ánh), Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kim Thành đã họp để xem xét vụ việc. Tại buổi họp, điều dưỡng Đồng Văn Công (nhân viên y tế bị phản ánh) đã tường trình việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc. Ông Nguyễn Văn Di, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kim Thành cho biết, về việc khám sức khỏe cho anh Nguyễn Văn Hưng (người phản ánh lên Bộ Y tế về việc phải chờ 4 tiếng khi đi làm giấy khám sức khỏe), bệnh viện đã thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn tại thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Còn thời gian khám sức khỏe mà anh Nguyễn Văn Hưng phản ánh (chờ tới 4 giờ) là "không đúng sự thật".
“Theo bản tường trình của Điều dưỡng Đồng Văn Công và xác minh của khoa Khám bệnh, anh Hưng đến bệnh viện Kim Thành hồi 8h15’, sau khi được tiếp nhận và được dẫn đi khám tại các phòng khám chuyên khoa, đến 11h00’ anh Hưng đã nhận được kết quả khám sức khỏe” – văn bản báo cáo Bộ Y tế của Bệnh viện Đa khoa Kim Thành nêu rõ.
Phía Bệnh viện Đa khoa Kim Thành cũng lý giải, việc khám bệnh vào ngày thứ Hai hàng tuần là rất đông, trung bình khoảng 350 người. Các bệnh nhân phải đăng ký số thứ tự khám bệnh theo trình tự. Hiện tại, việc khám sức khỏe phải xen kẽ với các phòng khám bệnh của bệnh viện và các bác sĩ được phân công ở các khoa điều trị nội trú và người khám sức khỏe không thuộc các đối tượng ưu tiên.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Kim Thành cho biết thêm, điều dưỡng Đồng Văn Công không có chức năng khám bệnh, đã dẫn bệnh nhân đi các phòng khám. Tuy nhiên, do điều dưỡng Công sử dụng điện thoại riêng trong lúc dẫn người đi khám sức khỏe mà không giải thích rõ ràng làm bệnh nhân bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị là sai.
Vì thế, Hội đồng kỷ luật bệnh viện quyết định kỷ luật điều dưỡng Đồng Văn Công bằng hình thức khiển trách, thông báo toàn cơ quan; Điều chuyển công tác về khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn; Cắt thi đua tháng 3 (An ninh thủ đô trang 6).
Thành lập 4 đội "đặc nhiệm" phòng chống virus Zika
Sáng nay, 29-3, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước khẩn trương thực hiện, tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do virus Zika xâm nhập vào Việt Nam. Hiện tại, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục liên hệ với Australia để xác nhận thông tin 1 du khách người Australia có xét nghiệm dương tính với virus Zika sau khi trở về từ Việt Nam. Để chủ động phòng chống, Bộ Y tế yêu cầu nâng mức cảnh báo với Zika trong toàn hệ thống ngành y tế.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp với Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (Văn phòng EOC) để cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika và bàn kế hoạch đáp ứng trong tình huống dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam, diễn ra ngày 28-3. Bộ Y tế cho biết, ngày 22-3-2016, Bộ Y tế đã nhận được thông tin về 1 du khách người Australia có xét nghiệm dương tính với vi rút Zika sau khi trở về từ Việt Nam, Cơ quan Đầu mối thực hiện IHR của Việt Nam đã liên hệ với Australia và tổ chức điều tra, giám sát tại thực địa để khẳng định.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định dịch bệnh do virus Zika là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh, hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh. Trước tình hình trên, Văn phòng EOC nhận định nguy cơ virus Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
Để chủ động dự phòng dịch bệnh này, tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị cần phải nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế trong việc phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai thực hiện các công tác sẵn sàng đáp ứng trên mọi phương diện.
Trong đó, cần tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika tại khoa khám bệnh của các bệnh viện; rà soát và công bố các đơn vị có khả năng xét nghiệm virus Zika trong cả nước; tổ chức việc sàng lọc, quản lý và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh; thành lập 4 đội phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại 4 khu vực, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết.
Cũng liên quan đến dịch bệnh này, sáng nay, 29-3, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã có công văn khẩn yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước khẩn trương thực hiện, tăng cường cảnh giác, phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ do virus Zika xâm nhập vào Việt Nam; tiếp tục tổ chức phổ biến, tập huấn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do virus Zika”; chuẩn bị sẵn sàng khu vực điều trị để tiếp nhận và điều trị người bệnh nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika...
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, sự thống nhất, tập trung chỉ đạo của các đơn vị thuộc Bộ Y tế, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, chung tay phòng chống dịch bệnh do virus Zika của WHO và các tổ chức quốc tế cùng với sự hưởng ứng tham gia của từng người dân trong việc triển khai các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy tại các khu vực dân cư đóng vai trò rất lớn trong việc ngăn ngừa sự lây lan virus Zika trong cộng đồng (An ninh thủ đô trang 6).
Giao mùa, bệnh thủy đậu dễ gia tăng
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, bệnh thủy đậu thường gặp vào mùa đông xuân và thời điểm hiện nay chính là giai đoạn bệnh thủy đậu dễ gia tăng mạnh nhất trong năm. Đây là bệnh rất dễ lây truyền qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu… Để chủ động phòng tránh bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý; tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi (An ninh thủ đô trang 6).
Lâm Đồng nâng mức cảnh báo dịch do virút Zika
Ngày 29-3, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng nâng mức cảnh báo dịch bệnh do virút Zika tại tỉnh Lâm Đồng lên mức độ 2 dù chưa phát hiện ca bệnh nào nhiễm virút Zika.
Theo quy trình phòng chống dịch bệnh do virút Zika được Bộ Y tế ban hành, mức độ 2 là mức độ có ca nhiễm do virút gây ra. Sở Y tế Lâm Đồng đưa ra lý giải hiện Lâm Đồng chưa phát hiện có ca bệnh nhiễm virút Zika trong cộng đồng và việc nâng mức độ cảnh báo là việc làm thận trọng của ngành y tế Lâm Đồng cũng như các tỉnh khác được Bộ Y tế chỉ đạo phải nâng mức cảnh báo chung.
Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo một du khách người Úc đến Việt Nam vào ngày 26-2. Sau khi về nước, ngày 8-3, du khách này có các triệu chứng nhiễm virút Zika. Trong thời gian ở Việt Nam, người này đã đến TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Bác sĩ Đồng Sĩ Quang, trưởng phòng nghiệp vụ y dược (Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng), cho rằng: “Dù thời gian du khách người Úc ở Việt Nam khá trùng khớp với thời gian ủ và phát bệnh nhưng chưa hẳn du khách này bị nhiễm virút Zika ở Việt Nam. Hiện vẫn chưa phát hiện có virút Zika trong cộng đồng nên chúng ta phải bình tĩnh” (Tuổi trẻ trang 14).