Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 30/5/2017

  • |
T5g.org.vn - 18 bệnh nhân chạy thận, 6 người tử vong; Phẫu thuật cứu bé trai 10 tháng tuổi bị khối u trung thất khổng lồ; Chống nhiễm khuẩn bệnh viện; ...

 

18 bệnh nhân chạy thận, 6 người tử vong

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sáng 29.5, tại Khoa Thận nhân tạo, bệnh viện có 18 máy chạy thận cho 18 bệnh nhân bị suy thận mãn. Sau 45 phút chạy thận, một số bệnh nhân này xuất hiện tình trạng khó thở, buồn nôn, đau bụng…

Ngay lập tức, khoa đã cho dừng chạy thận và báo cáo sự việc đến lãnh đạo bệnh viện, Sở Y tế. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã huy động bác sĩ hồi sức cấp cứu hồi sức tích cực cho các bệnh nhân, đồng thời báo cáo đến Bộ Y tế, xin chỉ đạo và  hỗ trợ chuyên môn từ BV Bạch Mai.

Đến chiều 29.5 đã có 6 bệnh nhân tử vong. Đối với 12 trường hợp đang điều trị còn lại, có 2 trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình; 10 trường hợp còn lại được chuyển sang Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình để lọc máu, chạy thận.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, bệnh viện đã phối hợp cùng cơ quan công an niêm phong máy móc và trang thiết bị, thuốc men của Khoa Thận nhân tạo. Hiện tại Khoa Thận nhân tạo đã tạm thời dừng tiếp nhận bệnh nhân.

Về phía tỉnh Hòa Bình, chiều 29.5, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình đã đến thăm, động viên, chia sẻ và hỗ trợ mỗi trường hợp bệnh nhân tử vong 5 triệu đồng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng.

Về phía Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được thông tin này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn lên làm việc, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình các bệnh nhân đã tử vong và bệnh nhân đang nằm điều trị.

Hội đồng chuyên môn được thành lập xác định tập thể, cá nhân có hay không có sai sót chuyên môn, cần xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân theo đúng quy định hiện hành; kết quả giải quyết báo cáo về Bộ Y tế trong ngày 30.5.2017. (Lao động, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tuổi trẻ, trang 5; Nhân dân, trang 8; An ninh Thủ đô, trang 7; Hà Nội mới, trang 1; Thanh niên, trang 5; Nông thôn ngày nay, trang 1).

 

Phẫu thuật cứu bé trai 10 tháng tuổi bị khối u trung thất khổng lồ

Các bác sĩ Khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa phẫu thuật thành công cứu sống tính mạng cho ca bệnh hiếm gặp. Đó là bệnh nhi Nguyễn Hà S.B, 10 tháng tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) bị khối u trung thất khổng lồ, kích thước 10,2cm nằm trong ngực làm chèn ép phổi, suy hô hấp nặng.

Bệnh nhi có bệnh sử ho kéo dài, khó thở gần một tháng. Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng, tiên lượng xấu.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành chụp cắt lớp lồng ngực, phát hiện có khối u và đã tiến hành sinh thiết khối u bằng kim. Kết quả cho thấy đó là khối u mỡ nhưng nằm ở vị trí nguy hiểm chiếm toàn bộ lồng ngực bên phải. Trường hợp của cháu B là ca bệnh hiếm gặp, vì kích thước khối u trung thất quá lớn, khối u chèn ép toàn bộ phổi phải và bắt đầu xâm lấn sang phổi trái gây suy hô hấp nặng, dẫn tới phải thở máy.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Linh, chuyên khoa Ngoại lồng ngực, Phó Giám đốc Trung tâm phẫu thuật nội soi, người trực tiếp mổ cho bệnh nhi cho biết, trung thất là vùng lồng ngực nằm giữa hai lá phổi, chứa nhiều cơ quan quyết định sự sống còn của cơ thể như tim, các mạch máu lớn, khí phế quản, thực quản...

Trong quá trình hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy, bệnh nhân B. có lá phổi bị khối u chèn ép, khối u tương đối tròn và nằm gọn trong vỏ bọc, chưa xâm lấn vào mạch máu lớn nên khả năng cao sẽ cứu được cháu B.

Tuy nhiên, quá trình phẫu thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi khối u to chiếm hết một bên lồng ngực, trong khi đó bệnh nhi còn quá nhỏ, một sai sót nhỏ làm tổn thương mạch máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Sau khi tách được phần cuối cùng của khối u, thật may mắn phổi của bệnh nhi không bị ảnh hưởng. Khi các bác sĩ bóp bóng thì điều tuyệt vời đã xảy ra, lá phổi bị chèn ép như tờ giấy của cháu B. đã nở ra gần hết.

Sau ca mổ, sức khỏe của cháu B đã ổn định, xuất viện trở về nhà.

Theo bác sĩ Linh thông tin, nếu khối u này phát hiện ở trẻ tầm 2-3 tháng tuổi mà mổ nội soi được thì sẽ nhẹ nhàng hơn và không gây nguy hiểm cho cháu bé.

Do đó, bác sĩ chuyên khoa ngoại lồng ngực khuyến cáo các khối u lồng ngực thường phát triển âm thầm, ít triệu chứng, chỉ phát hiện ở các giai đoạn khối u đã rất to. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên cho con đi khám sức khỏe định kỳ và nếu thấy trẻ ho nhiều thì có thể chụp phim phổi để có thể phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. (Nhân dân, trang 5)

 

Chống nhiễm khuẩn bệnh viện

Tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện tăng không chỉ gây khó khăn trong công tác điều trị mà thậm chí còn làm tăng nguy cơ gây tử vong cho người bệnh. Điều đó đặt ra cho các cơ sở khám, chữa bệnh cần có những giải pháp quyết liệt làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị người bệnh.

Đến năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) ở nước ta đã giảm hai phần ba so với năm 1999. Tỷ lệ NKBV hiện nay vào khoảng 5,8%. Thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong 93 bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn năm 2016, tỷ lệ NKBV chung là 3,6%, trong đó cao nhất là tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh Hoàng Văn Thành, thì hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập ở hầu hết các bệnh viện trong cả nước (92,23% số bệnh viện có hội đồng kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% số bệnh viện có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% số bệnh viện có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn). Tuy nhiên, các bệnh viện chưa quan tâm đúng mức công tác giám sát NKBV khi chỉ có 35,29% số bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách. Tỷ lệ bệnh viện thực hiện giám sát nhiễm khuẩn đối với các bệnh trọng điểm tăng so với năm 2015, nhưng vẫn còn thấp. Trong số 121 đơn vị thực hiện, giám sát nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 25,42%; giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%). Đáng chú ý, chỉ có gần 41% số bệnh viện giám sát vi sinh trong môi trường tại khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế. Trong khi đó, nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế trở thành gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh, khi làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc… Một nghiên cứu gần đây ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, NKBV kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính khoảng 2,9 triệu đồng/người. Tỷ lệ NKBV ở nước ta hiện nay vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và cao hơn gấp hai, ba lần so với những nước phát triển.

Các đơn vị chăm sóc tích cực là khu vực có nguy cơ NKBV cao nhất bởi đây là nơi tập trung đông người bệnh nặng, hệ thống bảo vệ cơ thể suy giảm, thời gian nằm viện kéo dài và phải chịu nhiều thủ thuật xâm nhập. Một số nghiên cứu cho thấy nhiễm khuẩn phổi gặp cao nhất với 44,7%, tiếp đến là nhiễm khuẩn vết mổ 29,3%, rồi đến nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn máu.

GS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, càng ở những bệnh viện đông người bệnh, nhất là người bệnh nặng phải chuyển qua nhiều đơn vị điều trị thì khả năng nhiễm khuẩn càng cao. Hầu hết NKBV là tại các đơn vị chăm sóc tích cực gây ra bởi các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng kháng sinh khó điều trị, khó kiểm soát lây truyền và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh do làm tăng gấp hai lần số ngày nằm viện, chi phí điều trị và tăng tỷ lệ tử vong (từ 30 đến 40%). Đáng lo ngại, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh ở Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Trong khi, nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ một có hiệu quả thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ thứ ba và thứ tư. Đặc biệt, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh...

GS Vũ Văn Đính, chuyên gia hàng đầu về hồi sức cấp cứu và chống độc cảnh báo: Vấn đề kháng sinh và nhất là tình trạng đa kháng thuốc của vi khuẩn rất nan giải. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh vào loại cao nhất, dẫn đến kéo dài ngày điều trị trung bình, tăng tỷ lệ tử vong của những người bệnh tại khoa cấp cứu và hồi sức.

Để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện, theo PGS, TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Bạch Mai), mọi nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vô khuẩn trong chăm sóc người bệnh. Các bệnh viện phát hiện và tổ chức cách ly sớm người bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện để phòng ngừa lan truyền các vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Bên cạnh đó, tập trung cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng: nơi xử lý đồ bẩn, phương tiện vệ sinh, hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải; duy trì phương tiện kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản phục vụ công tác vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ, đồ vải. Duy trì kiểm tra, giám sát chủ động nhiễm khuẩn bệnh viện và tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để kịp thời can thiệp làm giảm NKBV. Cần phối hợp chặt chẽ các khoa, phòng để phát hiện, cách ly kịp thời vi khuẩn đa kháng kháng sinh và có liệu pháp điều trị kháng sinh phù hợp. Cải thiện cơ sở hạ tầng kiểm soát nhiễm khuẩn, tập trung vào cải thiện chất lượng nước sinh hoạt, các phương tiện cho vệ sinh tay, khử khuẩn bề mặt môi trường, cải tạo trung tâm tiệt khuẩn và khu xử lý chất thải. Những khu vực cần tập trung nguồn lực để chống NKBV là: hồi sức tích cực, cấp cứu, chống độc, nhi sơ sinh và ngoại khoa…

Tại hội nghị về công tác chống NKBV được tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ một số đơn vị hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về giám sát nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, chính những người thầy thuốc cần thực hiện tốt biện pháp chống NKBV mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, đó là rửa tay, vừa ít tốn kém về kinh tế mà vẫn hiệu quả. Theo đó, các thầy thuốc phải vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh; trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn... (Nhân dân, trang 5)

 

Bộ Y tế khuyến cáo phòng chống bệnh lỵ trực khuẩn

Từ đầu tháng 3/2017, tại Lai Châu đã xảy ra các ổ dịch tiêu chảy do trực khuẩn lỵ tại 4 bản thuộc xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ với số trường hợp mắc lên tới 56 người; trong đó 2 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm đều có kết quả dương tính với trực khuẩn lỵ.

Trước tình hình trên, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo để chủ động phòng chống bệnh, người dân cần ăn chín, uống sôi, vệ sinh cá nhân. Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt), người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bệnh lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường qua tiếp xúc, ăn uống. Người mắc có các biểu hiện như: sốt cao, rét run, nhức đầu, mệt mỏi. Trường hợp nặng, người bệnh có thể rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn, tử vong. (Gia đình & Xã hội, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang